Chuyện Việt Nam Thứ Hai 24/04/2023: *Việt Nam mua vũ khí của Cộng hòa Czech *Phong trào dân chủ (Việt Nam) suy thoái hay là một thử nghiệm lịch sử *Campuchia miễn phí vho SEA games *Hàng loạt xe VinFast bốc cháy *Đảng có lừa dối dân không?


Quê Hương tổng hợp


Việt Nam đàm phán mua vũ khí của Cộng hòa Czech, theo Reuters

Nguồn hình ảnh, Reuters – Chụp lại hình ảnh, 

An ninh là một trong những chủ đề hàng đầu được Thủ tướng Cộng hòa Czech, Petr Fiala thảo luận với các nhà lãnh đạo của Việt Nam

Việt Nam đang đàm phán với Cộng hòa Czech để mua thêm vũ khí quân sự, gồm máy bay, radar, nâng cấp các xe bọc thép và súng ống, một nguồn tin từ chính phủ Czech nói với Reuters, trong bối cảnh Hà Nội đang hướng tới mục tiêu đa dạng kho vũ khí vốn hầu hết là mua từ Nga.

An ninh là một trong những chủ đề hàng đầu được Thủ tướng Cộng hòa Czech, Petr Fiala thảo luận với các nhà lãnh đạo của Việt Nam trong chuyến công du kéo dài ba ngày đến Hà Nội vào tuần rồi, theo nguồn tin này, đồng thời cho biết các công ty chuyên về an ninh, quân sự chiếm số lượng đông đảo trong phái đoàn kinh doanh tháp tùng ông Fiala.

Cộng hòa Czech, từng là quốc gia vệ tinh của Liên Xô cũ, được xem ở vị thế tốt để đáp ứng một số nhu cầu về an ninh ngày càng tăng của Việt Nam, khi các công ty sản xuất vũ khí quân sự rất thành thạo trong việc tân trang thiết bị của Nga và thường sản xuất các thiết bị mới tương thích với kho vũ khí thời Xô Viết. 

Đây là một kỹ năng được phía Việt Nam rất xem trọng vì 80% kho vũ khí của Việt Nam được ước tính đến từ Nga.

Trong vòng hai thập kỷ qua, Prague đã tự định vị là một trong những nhà cung cấp vũ khí chính trong Liên minh châu Âu dành cho Việt Nam, theo dữ liệu từ Stockholm International Peace Research Institute (SIPRI).

Năm 2021, Hà Nội đã đặt một chục máy bay hạng nhẹ L-39NG từ công ty Aero Vodochody của Cộng hòa Czech, và bắt đầu giao vào năm nay. 

Cũng có những cuộc đàm phán để giao thêm máy bay loại này, nguồn tin của Reuters cho biết, sau khi người này đã tham dự vào các cuộc họp cấp cao và yêu cầu không được nêu tên vì các cuộc đàm phán mang tính chất nội bộ.

Vào cuối cuộc họp giữa ông Fiala và người đồng cấp Việt Nam, Phạm Minh Chính, chính phủ Việt Nam cho biết “hai nhà lãnh đạo đã đồng thuận tăng cường hợp tác trong lĩnh vực an ninh-quốc phòng,” trong số các lĩnh vực khác.

Quan chức này cũng cho biết Prague có thể hỗ trợ chuyển giao công nghệ vũ khí và sản xuất trong nước nếu các thỏa thuận cung cấp quan trọng được thông qua.

Trong số 15 công ty tham gia phái đoàn kinh doanh tháp tùng Thủ tướng Czech, có đến bốn công ty chuyên về an ninh. Quan chức này nói các công ty bao gồm Czechoslovak Group, Colt CZ Group, Omnipol và STV GROUP. 

Bốn công ty này đã không phản hồi yêu cầu bình luận từ Reuters.

Nguồn hình ảnh, Reuters

Chụp lại hình ảnh, 

Trong vòng hai thập kỷ qua, Prague đã tự định vị là một trong những nhà cung cấp vũ khí chính trong Liên minh châu Âu dành cho Việt Nam, theo dữ liệu từ Stockholm International Peace Research Institute (SIPRI)

Omnipol có cổ đông thiểu số trong Aero Vodochody và sở hữu Aircraft Industries, công ty sản xuất máy bay chở hàng L 410 NG, và việc bán loại máy bay này đã được thảo luận vào tuần rồi với các quan chức chịu trách nhiệm về vũ khí quân sự của Việt Nam, theo nguồn tin của Reuters.

Các cuộc đàm phán tương tự với giới chức dân sự Indonesia và Philippines đã được tiến hành trong những ngày qua, trong khuôn khổ chuyến công du của phái đoàn Cộng hòa Czech đến các quốc gia châu Á.

Quan chức của công ty Omnipol đã có các cuộc đàm phán tại Việt Nam về khả năng bán radar lưỡng dụng để lắp đặt tại các sân bay quân sự và dân dụng, theo nguồn tin của Reuters.

Tại Hà Nội, tập đoàn STV và Czechoslovak cũng đã thảo luận về khả năng có các hợp đồng nhằm nâng cấp những xe tăng hoặc xe bọc thép được chế tạo thời Xô Viết mà Việt Nam đang sở hữu, với công nghệ tiên tiến khác bao gồm trang thiết bị liên lạc.

Theo các hợp đồng này, các công ty có thể cũng cung cấp những thiết bị dự phòng và bảo dưỡng, nguồn tin cho hay, và cho biết các cuộc đàm phán vẫn còn trong giai đoạn đầu và không có thỏa thuận nào mới được ký kết vào tuần rồi.

Một quan chức tại công ty Excalibur Army, thuộc tập đoàn Czechoslovak Group cho biết các cuộc đàm phán về khả năng giao xe bọc thép mới, bệ phóng rocket và lựu pháo Howitzer đang diễn tiến rất chậm.

Bộ Ngoại giao Việt Nam và Đại sứ quán Cộng hòa Czech tại Hà Nội không có bình luận ngay với Reuters về những thông tin này.

Khả năng bán súng ống cũng được phía Việt Nam thảo luận với Colt CZ, tập đoàn sở hữu một công ty sản xuất súng dài và súng trường lâu năm tại Mỹ, theo nguồn tin của Reuters.


Việt Nam: Phong trào dân chủ thực sự suy thoái hay chỉ là một thử nghiệm lịch sử đang tiếp diễn?

Khó khăn trước mắt của nền dân chủ không phải là kết thúc của tương lai dân chủ. – Võ Văn Quản 

24/4/2023

Người dân biểu tình tại Hà Nội, năm 2016. Ảnh: EPA. 

Nhìn từ phong trào dân chủ ở Việt Nam

Quan sát phong trào dân quyền, dân chủ tại Việt Nam suốt một thập niên qua thì có thể nói rằng tình hình hiện nay dường như đã đi xuống mức đáy.

Chưa cần nhắc đến những tên tuổi của các nhà vận động quen thuộc trên “tiền tuyến” của phong trào như Phạm Đoan Trang, Nguyễn Thúy Hạnh, Lê Hữu Minh Tuấn, Phạm Chí Dũng, Trịnh Bá Phương, các phong trào mang tính địa phương hoặc tự phát khác như phong trào “Hiến pháp”, hội “Anh em Dân chủ”, các nhóm biểu tình chống Luật Đặc khu và Luật An ninh mạng, các nhóm phản đối BOT, cho đến đấu tranh bảo vệ quyền tự do ngôn luận của các cá nhân trên khắp quốc gia trong đại dịch COVID-19, v.v. [1] đều bị dập tắt cùng với việc người tham gia gánh chịu những bản án tùy tiện.

Ai từng dành thời gian quan sát phong trào dân quyền, dân chủ tại Việt Nam hai mươi năm trở lại đây cũng có thể thấy một tương lai ảm đạm, khi về cơ bản, đã không còn nhiều người đủ dũng khí tham gia phong trào này nữa.

Hiển nhiên, sẽ có người đọc cho rằng những cái tên nêu trên chỉ là những cái tên blogger và các nhóm nhà báo tự do; phong trào cơ sở thì đa phần là tự phát, thiếu tính tổ chức cũng như thiếu một yêu sách dân chủ cụ thể. Nhưng còn những hội, nhóm có kiến thức nghiên cứu, tham gia sâu vào các hoạt động như góp ý chính sách, cũng như có cái nhìn toàn cảnh hơn về tình hình chính trị Việt Nam thì sao?

Câu trả lời là tình hình không mấy khả quan hơn.

Những cái tên có danh tiếng trong giới hoạt động dân sự chính thống nhà nước, giới NGO (tổ chức phi chính phủ), giới luật gia, v.v. đều rơi vào vòng lao lý.

Giai đoạn 2020 – 2021, các luật sư nhân quyền như Trần Vũ Hải và Võ An Đôn bị công kích bằng nhiều phương pháp khác nhau. Ông Trần Vũ Hải thì bị buộc tội trốn thuế và sau đó bị thu hồi thẻ hành nghề luật sư. Ông Võ An Đôn lại bị thu hồi thẻ vì các cáo buộc “đạo đức”.

Hai năm trở lại đây, những cái tên quen thuộc trong giới NGO, báo chí nhà nước như Đặng Đình Bách, Hoàng Ngọc Giao, Nguyễn Hoài Nam, nhóm “Báo sạch”, Mai Phan Lợi, v.v. cũng đều trở thành đối tượng bị tù đày.

Hiện giờ, các nhóm thật sự còn đang hoạt động vì phong trào dân quyền, dân chủ thì buộc phải sống trong điều kiện lưu vong. Giới quan sát cho rằng sự đối lập chính trị đúng nghĩa đối với Đảng Cộng sản ở Việt Nam gần như hoàn toàn bị loại trừ. Các cuộc thảo luận về dân chủ, cải cách hiến pháp, mở rộng quyền dân sự, v.v. từ đó cũng biến mất. Hầu hết các thảo luận chính trị hiện tại nếu có đều cố gắng tự giới hạn mình trong một không gian nhất định (về chính sách công, về quyền của người đồng tính, v.v.).

Đối với các nhóm ủng hộ chính quyền và thực trạng chính trị Việt Nam thì điều này có vẻ là một tin tốt lành.

Nhưng đối với các nhóm kỳ vọng vào một môi trường minh bạch hơn, cởi mở hơn, một không gian chính trị không còn là đặc quyền của một đảng phái chính trị thì viễn cảnh tự do có vẻ đã không còn khả thi ở đất nước hình chữ S.

Nhưng liệu đây có phải là một kết thúc cuối cùng? Và chúng ta có thể kỳ vọng gì ở một tương lai dân chủ hơn, tự do hơn tại Việt Nam hay không?

Thử nghiệm dân chủ sẽ còn tiếp diễn?

Dân chủ và các định chế nhà nước cấp tiến – tự do thường hay bị kết luận là đạt đến đỉnh điểm phát triển của nó sau khi Liên bang Xô viết sụp đổ. Điều này được thể hiện rõ nhất trong tác phẩm lừng danh “The End of History and the Last Man” của Francis Fukuyama. [2] Theo đó, Fukuyama cho rằng trật tự thế giới cuối cùng đã chính thức hình thành, với những giá trị như dân chủ, tự do, chủ nghĩa tư bản, nhà nước cấp tiến, v.v. trở thành những giá trị thống trị và phát triển nhất của xã hội loài người.

Cũng như chính trị Hoa Kỳ giai đoạn này, bình luận và quan sát của Fukuyama đầy sự lạc quan với một “niềm tin chiến thắng” rất mãnh liệt vào sự “cuối cùng” của quá trình phát triển định chế xã hội loài người.

Tuy nhiên, cũng vì sự lạc quan quá độ này, quan sát của ông dẫn đến những sai lầm nhất định.

Mặc dù là một quyển sách kinh điển và đúng gần như tuyệt đối trong suốt một thập niên (1991 – 2001) khi mà mô hình chính trị và kinh tế Hoa Kỳ đang ở vị thế bất khả xâm phạm, tuy nhiên kiến giải của Fukuyama cũng dần gặp phải phản biện từ chính hiện thực chính trị thế giới.

Phong trào Hồi giáo cực đoan chống phương Tây đạt đỉnh điểm với sự kiện 11/9.

Trung Quốc trỗi dậy với một mô hình hấp dẫn hơn bao giờ hết, đặc biệt nếu so với phiên bản Trung Quốc của hai thập niên 1980 và 1990.

Tại châu Âu, các nhóm cực đoan cả tả và hữu lớn mạnh, thêm vào đó là sự thao túng của Nga đối với chính trường nhiều quốc gia (kể cả Đức) dần tạo nên nhiều rào cản cho sự thành công tuyệt đối của hệ tư tưởng Tây Âu.

Ngay cả bên trong thế giới phương Tây (mà cụ thể là Hoa Kỳ), các phong trào triết học, dân sự và xã hội về hậu hiện đại (post-modern studies), hậu thực dân (post-colonial studies), v.v. tự thân nó đã thách thức các diễn ngôn, giá trị gốc của phương Tây và một trật tự thế giới tự do mà chính giới học thuật các quốc gia này xây dựng cách đây chỉ mới vài thập niên.

Sự thoái trào của phong trào dân quyền, dân chủ Việt Nam, nếu xét theo một không gian chính trị rộng lớn hơn, là sự thoái trào của phong trào dân quyền, dân chủ toàn thế giới chăng? Và phải chăng trật tự thế giới trong tương lai sẽ không thể là dân chủ?

Người viết không cho là như vậy.

Một trong những vấn đề của Fukuyama, theo người viết, không phải là bởi vì ông sai, mà là bởi vì ông có vẻ hơi nóng vội trong kết luận khi cho rằng dân chủ và các thể chế cấp tiến phương Tây tại thời điểm mà ông đang sống là đỉnh điểm trong quá trình phát triển của xã hội loài người.

Sự nóng vội này không phải vì Fukuyama coi thường việc Trung Quốc và Nga có thể lật lại trật tự thế giới hay thách thức tư duy dân chủ phương Tây trong dài hạn. Sự nóng vội này, theo người viết, là do học giả tự mình tạo ra trần giới hạn cho sự phát triển của các định chế dân chủ xã hội phương Tây.

Sự kiện Liên Xô sụp đổ, không phải (và không thể) là điểm kết thúc của sự phát triển dân chủ. Nhận định này khiến người viết ủng hộ góc nhìn của các nhóm khoa học chính trị và học giả dân chủ hiện đại.

Đặc biệt, trong tác phẩm “The Decline and Rise of Democracy: A Global History from Antiquity to Today (Sự thoái trào và trỗi dậy của dân chủ: Một lịch sử toàn cầu từ cổ đại đến hiện tại) của tác giả David Stasavage, xuất bản năm 2020, có một chương tên “The Ongoing Democratic Experiment” (Thử nghiệm dân chủ còn tiếp diễn) có lẽ tổng kết đầy đủ quan điểm và niềm tin của người viết. [3]

Trong đó, tác giả Stasavage nhận định sẽ là không chính xác nếu lo lắng hay khẳng định rằng dân chủ đã đạt đến đỉnh và bây giờ nó đang thoái trào (backsliding). Ngược lại, ông cho rằng dân chủ thật ra vẫn đang là một thử nghiệm còn tiếp diễn của lịch sử nhân loại. Điều đáng ngạc nhiên là dân chủ thật sự chỉ hoạt động hiệu quả trong một khoảng thời gian nhất định của xã hội loài người, đặc biệt là mấy thập niên gần đây. Vì sao ông lại nhận định như thế?

Thử nghiệm dân chủ ở châu Âu sau Cách mạng Pháp năm 1789 đã thừa nhận tầm quan trọng của thảo luận công dân và sự tham gia của quần chúng, nhưng đồng thời nó cũng nhằm hạn chế tầm ảnh hưởng của số đông. Điều này đã được thí nghiệm bằng nhiều cách như giới hạn quyền bầu cử phổ quát (suffrage), đặt ra chế độ bầu cử theo trọng số (weighted voting), v.v. Mãi đến ngày nay, người viết cho rằng việc duy trì một thượng viện để kiềm chế tham vọng của số đông là thử nghiệm được ưa chuộng nhất (chứ không hẳn là thành công nhất).

Song đó cũng không phải là vấn đề duy nhất cần thử nghiệm. Một câu hỏi khác trong việc xây dựng định chế dân chủ là chính quyền dân chủ cần tản quyền hay tập quyền? Stasavage cũng cho thấy có rất nhiều biến thể thử nghiệm.

Nền dân chủ của Hà Lan thời kỳ non trẻ rất ưa chuộng dân chủ cơ sở tản quyền. Nhưng họ cũng nhanh chóng nhận ra rằng điều này tạo nên quá nhiều rào cản bên trong quốc gia và hạn chế sự phát triển, sáng tạo.

Nền dân chủ của Anh thì tiên phong trong phong trào dân chủ tập quyền (centralized executive in modern democracy) với một cơ quan trung ương có tầm bao quát chính trị trên toàn quốc. Mô hình này được thừa hưởng phần nào bởi nền chính trị Hoa Kỳ. Song như Stasavage chỉ ra, phân cực chính trị và một nhà nước trung ương quá xa cách với dân chúng (distant state) lại đang trở thành vấn đề đau đầu của thử nghiệm dân chủ mới.

Ngoài ra, tác giả cũng nhận định rằng những quốc gia có một “nhà nước mạnh” (strong state) với hệ thống quan liêu xác lập sẵn, thì khả năng dân chủ được duy trì, tồn tại và phát triển cũng rất khác biệt đối với các quốc gia mà xã hội dân sự tự thân đã có lịch sử vượt trội hơn nhà nước (weak state), bao gồm khá nhiều các quốc gia Tây Âu và Hoa Kỳ.

Từ đó, Stasavage kết luận dân chủ – với tư cách một thiết chế cho phép người dân tham gia vào quản lý nhà nước – sẽ tồn tại, nhưng vấn đề là bản thân chúng ta và hậu thế có hài lòng với thứ dân chủ đang tồn tại hay không.

Nền dân chủ kiểu Mỹ hiện nay có khả năng quản trị chuyên môn hóa cao một lượng dân cư khổng lồ với nhiều luồng quan điểm và niềm tin chính trị khác nhau đến đau đầu, là một ước mơ dân chủ mà không nhà nước nào trong suốt lịch sử loài người nghĩ rằng họ có thể xây dựng được. Nhưng sự tồn tại của “kỳ quan” này cho đến nay vẫn bị chê trách.

Nói cách khác, sự thoái trào và đánh mất niềm tin tức thời vào tình hình dân chủ của Việt Nam cũng là lẽ thường của quá trình thử nghiệm, đặc biệt khi dân chủ ở Việt Nam thậm chí còn chưa thành hình sau hàng thế kỷ kinh qua nền chuyên chế tập quyền. Các mô hình phong kiến/ thực dân/ chủ nghĩa xã hội góp phần tạo nên “nhà nước mạnh”.

Nhưng có một sự thật hiển nhiên là viễn cảnh chính trị và xã hội hướng tới việc con người được sống trong tự do, có tiếng nói và phiếu bầu bình đẳng với người khác phản ánh giá trị cốt lõi của dân chủ. Khó một chính trị gia, một nhà nước nào dám công khai chống lại quy chuẩn ấy trong tương lai. Điều này cũng tương đồng với những phản biện mà người ta hay dành cho tác phẩm “The End of History and the Last Man” của Fukuyama. Những khó khăn trước mắt của nền dân chủ, không phải là kết thúc của tương lai dân chủ.

https://www.luatkhoa.com/2023/04


Nguyễn Thông – Nhân chuyện Campuchia miễn phí 

Nếu làm trợ lý, cố vấn, quân sư, thư ký giúp việc, nói chung là người thân cận của nguyên thủ quốc gia, của chủ tịch nước, thủ tướng, (riêng tổng bí thư đảng thì tôi không bàn bởi tôi không chơi với đám đảng điếc) thì ít nhất cũng phải biết tham mưu, hiến kế, có lời bày, lời khuyên như người ta đang làm ở nước láng giềng Campuchia.


Cam có giàu không? Không giàu. Chỉ có điều họ có nhiều cái hơn nước láng giềng phía đông, tạm gọi là Đông Cam.


Ông em tôi đi du lịch ngả Vietravel qua đó, về bảo ngắn gọn rằng xứ này còn lâu mới bằng Cam, về nhiều mặt. Xách dép chạy theo họ.


Có thể ông Hunsen không nghĩ ra được “trò” miễn ăn ở cho các đoàn thể thao (thời gian thì hơi lâu, nhiều đoàn khá đông, chả hạn đoàn Đông Cam lên tới hơn nghìn người, báo Tuổi Trẻ hôm nay 19.4 hả hê ước tính do được chiêu đãi miễn phí nên Đông Cam sẽ tiết kiệm được khoảng 12 tỉ đồng) nhưng ông ta (Hunsen) chắc chắn phải có đội ngũ dưới trướng cực giỏi, thông minh, sáng nước, biết nhìn xa thấy rộng, có tâm có tầm. Các cụ xưa dạy “thần thiêng nhờ bộ hạ” (bộ hạ là kẻ dưới). Có thế thì mới ra được chủ trương miễn phí lấy điểm son cho quốc gia như vậy.


Đâu có như đám trợ lý của những ai kia, chỉ giỏi nghề cờ đèn kèn trống, xúi trồng cổ thụ, viết văn mẫu kêu như mõ rỗng tuếch, xun xoe dạ thưa anh, và rất giỏi ăn của đút.


Quy cho bọn trợ lý nhiều khi cũng oan chúng nó. Thằng thầy chúng có ra gì mà đòi chúng thông minh giỏi giang được.


Cambodia không miễn phí ăn, ở cho cán bộ đi theo đoàn dự SEA Games 32

An Vui /SGN – 22/4/2023

Ảnh An Vui cắt từ video “Cambodian Pride” trên YouTube, bài hát chủ đạo SEA Games 32 của Cambodia, với lời lẽ giản dị nhưng tràn đầy tự hào về con người và đất nước Cambodia, đã thu hút được hơn 51 triệu lượt xem sau 12 ngày phát hành, vượt rất xa các ca khúc chủ đạo SEA Games trước đó 

Đó là tựa bài trên An Ninh Thủ Đô, được cộng đồng mạng Việt Nam bàn tán với vẻ giễu cợt và thả nhiều icon haha trưa ngày 22 Tháng Tư 2023

An Ninh Thủ Đô dẫn lời ông Vath Vath Chamroeun, Tổng thư ký Ủy ban tổ chức SEA Games Cambodia (CAMSOC) trả lời trên Khmer Times: “Chúng tôi chỉ miễn phí cho ban huấn luyện, vận động viên trực tiếp tham gia tập luyện và thi đấu, còn những người khác đi cùng họ sẽ phải trả tiền”.

Dưới bài báo, An Ninh Thủ Đô còn thòng thông tin: “Đoàn thể thao Việt Nam dự SEA Games 32 với 1,003 thành viên, trong đó bao gồm 1 trưởng đoàn, 2 phó đoàn, 189 huấn luyện viên, 702 vận động viên cùng 30 cán bộ, 31 bác sĩ, 38 lãnh đội, 10 chuyên gia”. Như vậy có thể hiểu chỉ có 702 vận động viên và 189 huấn luyện viên Việt Nam là được chủ nhà Cambodia miễn phí ăn, ở;  số còn lại 112 người (bao gồm 30 cán bộ, 38 lãnh đội, 10 chuyên gia  – không hiểu đi theo để làm gì) sẽ phải tự lo ăn ở!

Trước đó, ngày 18 Tháng Tư, chủ nhà Cambodia ra quyết định chưa từng có trong lịch sử 64 năm SEA Games đó là miễn phí ăn, ở cho các đoàn tham dự đại hội lần thứ 32, trong đó có đoàn thể thao Việt Nam. Theo Khmer Times, dự tính có 11,246 người đến từ 11 đoàn sẽ tranh tài tại SEA Games 32, song chỉ khoảng 9,000 trong số họ là huấn luyện viên, vận động viên không mất phí ăn, ở. Khmer Times ước tính, nếu thu phí ăn, ở giống như các lần SEA Games trước (Hội đồng thể thao Đông Nam Á quy định các đoàn khách khi tới quốc gia đăng cai dự SEA Games phải đóng phí $50/người/ngày), chủ nhà Cambodia có thể thu về $500,000 mỗi ngày.

Ngoài việc chi $200 triệu để tổ chức SEA Games 32; miễn phí ăn, ở cho ban huấn luyện, vận động viên của 11 đoàn; Cambodia còn miễn phí bản quyền truyền hình, phí vào xem lễ khai mạc, bế mạc và toàn bộ các môn thi đấu, nhưng dám cam kết bảo đảm chỗ ăn ở của các đoàn thể thao được trang bị tiện nghi tốt nhất. Cụ thể, Làng vận động viên có quy mô 3,700 giường cùng nhiều trang thiết bị tiện nghi vừa được khai trương, cùng các khách sạn hạng sang tại Phnompenh và 4 địa phương đồng đăng cai khác đã sẵn sàng đón các đoàn về dự SEA Games 32, khai mạc từ 5- 17 Tháng Năm, còn ASEAN Para Games từ 3 – 9 Tháng Sáu 2023.

Khmer Times dẫn lời ông Hun Sen, Thủ tướng Chính phủ Cambodia: “Chúng tôi không muốn kiếm tiền bằng cách bán vé. Mục tiêu lớn nhất là giới thiệu Cambodia với thế giới thông qua sự kiện này”.

Quả thật, Cambodia chơi quá lớn, làm bẽ mặt Việt Nam – vốn thường tự xưng là “anh hai” trong ba nước Đông Dương: Việt Nam, Lào, Cambodia. Thế nhưng, điều lạ là Việt Nam không cảm thấy xấu hổ mà lại cử đoàn tham dự với số lượng thành viên đông nhất.

Theo An Ninh Thủ Đô ngày 17 Tháng Tư 2023, Việt Nam dự SEA Games 32 với số thành viên kỷ lục, bao gồm 1,003 thành viên, nhiều nhất trong lịch sử các kỳ đại hội thể thao tổ chức ngoài lãnh thổ Việt Nam. Trưởng đoàn là quan chức Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục thể thao Đặng Hà Việt. Hai phó đoàn là ông Hoàng Quốc Vinh, Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao I và ông Ngô Ích Quân, Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao II, cũng là hai quan chức. Ba quan chức này tại sao không ở nhà mà “đu” theo làm gì?

Bài trên blog Trân Văn “SEA Games, ‘bao’ và… ‘ăn, ở thế nào’ (một nhà báo) được VOA Tiếng Việt ngày 21 Tháng Tư 2023 đăng lại, có đoạn phát hiện thú vị: “Có một điểm khác cũng đáng lưu ý là dẫu số lượng thành viên của Đoàn thể thao Việt Nam tham dự SEA Games 23 liên tục thay đổi: Từ 1,018 (theo dự tính ban đầu), giảm xuống còn khoảng 900 (vì “đảng, nhà nước” không muốn hoặc không có đủ tiền), rồi tăng lên thành 1,003 (sau khi Cambodia tuyên bố sẽ… “bao”)… nhưng chỉ có số lượng vận động viên, huấn luyện viên, chuyên gia, nhân viên y tế (bác sĩ, điều dưỡng), kỹ thuật viên, tăng hay giảm theo những thay đổi đó. Riêng số lượng “cán bộ” của Đoàn thể thao Việt Nam không thay đổi!”.

Tin trên An Ninh Thủ Đô tóm gọn sự thẳng thắn của Cambodia khi chỉ miễn phí ăn, ở cho vận động viên và huấn luyện viên tham gia thi đấu tại SEA Games 31 – Ảnh chụp màn hình 

Facebook Kiem Mai Ba  (nhà báo Mai Bá Kiếm) thống kê: “Trước đó, SEA Games 30 tại Phillipines, đoàn VN chỉ có 856 thành viên/568 vận động viên; SEA Games 29 tại Malaysia đoàn VN có 681 thành viên/ 476 vận động viên; SEA Games 28 ở Singapore có 640 thành viên/440 vận động viên; SEA Games 27 tại Myanmar đoàn VN có 750 thành viên/519 vận động viên… Kinh tế càng đi xuống, đoàn đi dự SEA Games càng đi lên, để gặt được kết quả “thanh niên đi bão”!”

Nhà báo Mai Bá Kiếm còn so sánh: “Danh thủ Dương Văn Thà kể với tôi, trước năm 1975, đoàn Túc cầu Việt Nam Cộng Hòa đi nước ngoài thi đấu gồm chừng 25 người, trong đó 21 cầu thủ, 1 trưởng đoàn, 1 huấn luyện viên, 1 bác sĩ và ký giả Huyền Vũ. Tiền giải thưởng chỉ chia cho cầu thủ và huấn luyện viên; trưởng đoàn, bác sĩ và ký giả không có một cắc về xe ngựa!”.

So sánh hay, để thêm một lần nữa, người Việt trong nước lại tiếc nuối thể chế Việt Nam Cộng Hòa đã mất.

Cộng đồng mạng hỏi nhau: Với tuyên bố này của Cambodia, Đoàn thể thao Việt Nam liệu có tính lại mà bớt đi số cán bộ “đu theo” vận động viên để du lịch miễn phí không? Có lẽ không, bởi chỉ có 112 người phải trả tiền…thì mức tốn kém vẫn còn quá khiêm tốn so với ngân sách Việt Nam dự trù cho Đoàn Thể thao Việt Nam trước đó là $501,500, theo Soha ngày 19 Tháng Tư!

Kiểu miễn phí đúng người, đúng đối tượng này của Cambodia có khi lại khiến các cán bộ đu theo Đoàn thể thao Việt Nam tham dự SEA Games 32 mừng thầm trong bụng vì vẫn còn cơ hội vớt vát “tí cháo” ấy chứ!


Hàng loạt xe bốc cháy, VinFast vẫn lì lợm im lặng

Y Nguyên /SGN
22/4/2023

Trên các trang mạng xã hội ở Việt Nam, người dân dồn dập đưa tin và hình ảnh về chuyện một chiếc xe điện của VinFast, có mã hiệu VF8, đã đột ngột bốc cháy trên cầu vượt Nghi Kim, thành phố Vinh, Nghệ An trong ngày 21 Tháng Tư. Dù chiếc xe bị bị lửa và khói đen bao trùm, nhưng người dân vẫn kịp nhìn thấy rõ đó là chiếc xe điện đang được quảng cáo rầm rộ của VinFast.

Trong những chi tiết lan truyền trên mạng xã hội, người ta còn nhìn thấy được logo của hãng xe VinFast và phần bảng số còn lại là 37K-104-58… Ngay sau đó, có thể thấy là đội ngũ làm truyền thông của VinFast đã làm việc cật lực để các báo trong nước bỏ cái tên VinFast ra khỏi các bản tin, trong đó có những báo quen thuộc như báo Công an, Pháp Luật, Dân Việt. Theo nguồn tin riêng của Saigon Nhỏ từ Việt Nam, sự việc diễn ra vào gần 7 giờ sáng, nhưng ngay sau đó, nhiều đài truyền hình trong nước đã nhận được các bản thỏa thuận không đưa tin này vào giờ thời sự buổi tối. “Có nơi nhận được điện thoại riêng của một quan chức Tuyên giáo, đề nghị không đưa tin”, nguồn tin xin ẩn danh nói. Trong các bản tin, những lời bình luận về trách nhiệm của nhà sản xuất cũng như các phân tích về nguyên nhân cháy nổ đã bị lượt bỏ và chỉ nói rất sơ sài.

Ảnh: Dân Việt 

Các diễn đàn xe hơi trên Facebook  lập tức xuất hiện các nhóm tuyên truyền bảo vệ cho VinFast, tuy nhiên bàn về những vấn đề nguy hiểm thiếu an toàn của sản phẩm này, kéo dài từ năm 2020 đến, thì hầu như mọi ngôn luận chạy chữa đều bị bác bỏ.

Cho đến hôm nay, điểm lại thì VinFast đã có ít nhất 5 vụ cháy nổ các sản phẩm của mình, kể cả trong và ngoài nước. Ngày 20 Tháng Ba, tờ Thời Báo của người Việt ở Đức đưa tin rất sớm, cho biết một chiếc xe của VinFast trưng bày tại showroom nằm ở Rudolfplatz, Cologne, đã tự phát cháy trong lúc showroom đóng cửa, không có ai làm việc. Bình luận về chuyện này, tờ Thời Báo viết “Ô tô xuất xưởng bán tới tay khách hàng, sau đó phát hiện lỗi và bị triệu hồi là chuyện bình thường. Hãng nào cũng có thể vướng vào vấn đề ngoài ý muốn. Tuy nhiên, vấn đề có khắc phục dứt điểm hay để cho lỗi đó xuất hiện hết lần này đến lần khác, lại là chuyện khác. Câu chuyện sản xuất là vấn đề chất xám, câu chuyện về kiểm soát chất lượng và cho ra sản phẩm an toàn nó, không những là yếu tố chất xám mà còn là yếu tố đạo đức doanh nghiệp. Không khắc phục vì sợ tốn kém, đẩy hết rủi ro về phía khách hàng là vấn đề đạo đức. Nếu ông Vượng muốn xây dựng một thương hiệu toàn cầu trong tương lai, mà vẫn còn tư duy như thế thì VinFast không thể tồn tại được”.

Cứu hỏa tại showroom Vinfast ở Đức. (Ảnh Thời báo) 

Ngay sau khi chiếc VinFast tự bốc cháy trong phòng trưng bày, các đội tuyên truyền của VinFast đã liên tục đánh lạc hướng, nói rằng chiếc xe bị cháy không phải là sản phẩm của VinFast, mà của xe khác. Cũng có lời bàn được bắn đi, nói là có âm mưu phá hoại nhằm triệt hạ uy tín của Việt Nam. Thế nhưng điều tra từ cảnh sát Cologne cho biết, rằng vụ cháy xuất phát từ phần đầu của VinFast và hoàn toàn không có sự tác động nào khác từ bên ngoài. Vấn đề được chỉ rõ là lỗi của sản phẩm.

Cho tới nay, những vụ cháy xe của hãng VinFast được ghi nhận, có đến 5 vụ. Đây quả là một con số đang phải suy nghĩ về độ an toàn của sản phẩm. Ngoài hai trường hợp kể trên, còn có:

Xe Vinfast cháy ở Vĩnh Phúc (Ảnh: Truyền Hình Đồng Tháp) 

Ngày 26 Tháng Tư 2020, chiếc VINFAST có mã hiệu Lux SA2.0 đột nhiên bốc cháy trên cao tốc Sài Gòn – Trung Lương.

Ngày 5 Tháng Mười Hai 2021 trên vỉa hè đoạn đường Tuệ Tĩnh, TP Vinh, Nghệ An một chiếc xe VinFast dòng LuxA2.0 bị bốc cháy sau đó tin tức bỗng nhiên im bặt.

Ngày 22 Tháng Sáu 2022, một vụ cháy xe 7 chỗ của VinFast ở thôn Quảng Cư, Xã Tam Phúc, Huyện Vĩnh Tường tỉnh Vĩnh Phúc.

Không nghe nói gì về việc đền bù hay giải trình công khai lỗi sản phẩm từ phía công ty của ông Phạm Nhật Vượng sau các vụ cháy như vậy. Trước đó, những khách hàng “yêu nước” chọn mua xe VinFast lên tiếng phàn nàn về những trục trặc cơ bản trong xe, đã từng bị công ty này đòi đưa ra công an để làm việc vì có ý đồ “phá hoại thương hiệu”.

Mỉa mai về sự kiện cháy xe mới nhất ở Vinh, Facebooker Dương Quốc Chính viết trên Facebook “xe điện sẽ an toàn hơn xe xăng ở chỗ không lo nổ bình xăng. Lái xe có thể ở lại xe cho đến khi không chịu được nóng thì chạy ra vẫn kịp”.


Đảng có phạm tội lừa dối dân không? – VNTB

24.04.2023 1:16

VNTB – Đảng có phạm tội lừa dối dân không?

Nguyễn Nam

(VNTB) – Nếu có tội hình sự “lừa dối khách hàng”, vậy thì liệu Đảng có phạm tội lừa dối dân không?

Ông Lê Thanh Thản, chủ tịch Tập đoàn Mường Thanh, còn được gọi với tên ‘đại gia điếu cày’, bị truy tố về tội lừa dối khách hàng do có sai phạm liên quan dự án CT6 Kiến Hưng (Hà Đông, Hà Nội).

Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội đã ban hành cáo trạng truy tố ông Lê Thanh Thản, chủ tịch Tập đoàn Mường Thanh. Theo đó, ông Lê Thanh Thản bị truy tố về tội lừa dối khách hàng theo điểm d, khoản 2 điều 198 Bộ luật hình sự năm 2015. Theo khung truy tố ở tội này, hành vi lừa dối khách có thể bị phạt tiền từ 100 – 500 triệu đồng, hoặc phạt tù từ 1-5 năm tù.

Đây là diễn biến mới nhất vụ án “lừa dối khách hàng, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại dự án CT6 Kiến Hưng, phường Kiến Hưng, quận Hà Đông, Hà Nội liên quan ông Lê Thanh Thản.

Trong cùng vụ án, Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội cũng truy tố 6 cán bộ về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, vì có liên quan đến sai phạm của đại gia Lê Thanh Thản.

“Điều 198. Tội lừa dối khách hàng

1. Người nào trong việc mua, bán hàng hóa hoặc cung cấp dịch vụ mà cân, đong, đo, đếm, tính gian hàng hóa, dịch vụ hoặc dùng thủ đoạn gian dối khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm:

a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

b) Thu lợi bất chính từ 5.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Có tổ chức; b) Có tính chất chuyên nghiệp; c) Dùng thủ đoạn xảo quyệt; d) Thu lợi bất chính 50.000.000 đồng trở lên.

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm”.

Với điều luật trên cho thấy tố tụng hình sự của Việt Nam phân biệt tội lừa dối khách hàng với tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Điều 174), tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản (Điều 175).

Có thể thấy các tội danh đều giống nhau về thủ đoạn gian dối trong quá trình thực hiện tội phạm. Tuy nhiên trong tội lừa dối khách hàng thủ đoạn gian dối chỉ diễn ra trong hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa, dịch vụ. Còn trong tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản thủ đoạn gian dối được thực hiện trên nhiều lĩnh vực khác nhau như: lĩnh vực tài chính ngân hàng, xin việc, bán hàng đa cấp…

Trong tội làm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản người phạm tội có được tài sản thông qua những giao dịch hợp pháp, sau khi có tài sản đã dùng một trong những thủ đoạn trong đó có thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản đó. Tội phạm này thường diễn ra trong các hoạt động giao dịch vay mượn, cầm cố, thế chấp…

Nếu ông Chủ tịch tập đoàn Mường Thanh bị quy kết “lừa dối khách hàng”, vậy thì từ cách hiểu trên để bàn rộng ra, liệu có thể quy kết ông Tổng bí thư Đảng đã lừa dối dân chúng về đời sống kinh tế Việt Nam?

Sở dĩ đặt vấn đề như trên không phải ‘phản động – chống phá Đảng’, mà là mong qua đó để người đứng đầu Đảng cẩn trọng hơn, tiết chế cảm xúc hơn khi đưa ra các tuyên ngôn liên quan đến Đảng mà ông là người đứng đầu.

Bởi nếu ông chủ tịch tập đoàn Mường Thanh bị cho là vi phạm tội lừa đối khách hàng ở cụ thể dự án CT6 Kiến Hưng, phường Kiến Hưng, quận Hà Đông, Hà Nội, thì ông Tổng bí thư Đảng cũng có hành vi tương tự ở cụ thể trong việc đưa ra tuyên bố không đúng sự thật, qua đó đưa đến những chính sách, quyết sách không kịp thời trong bối cảnh đời sống kinh tế khó khăn.

Cụ thể, tại văn kiện có tên “Tổng kết nhiệm kỳ khóa XII và nhìn lại 35 năm đổi mới”, Tổng bí thư – lúc đó kiêm nhiện luôn Chủ tịch nước, đã khẳng định toàn Đảng, toàn dân đã đạt được những thành tựu quan trọng đến mức “Đất nước ta chưa bao giờ có được tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.

Tuyên bố của ông Tổng bí thư cho thấy là một cảm tính mang tính kiêu ngạo cộng sản, bởi trên thực tế sau đó, thì như dự báo mới nhất vừa được Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) đưa ra trong báo cáo triển vọng kinh tế thế giới: Tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2023 đạt 5,8%, và ở mức 6,9% trong năm 2024. Trong khi đó, dự báo của Ngân hàng thế giới (WB) đưa ra tháng 3-2023 là tăng trưởng GDP trong năm nay của Việt Nam ở mức 6,3%.

Như vậy, dự báo về tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam của hai định chế tài chính hàng đầu thế giới đều có sự thay đổi theo hướng giảm xuống so với dự báo trước đó.

Vào cuối 2022, IMF đã đưa ra dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2023 là 6,2%, còn mức dự báo của WB là 6,7%. Nguyên nhân, theo WB là do tăng trưởng ở khu vực dịch vụ chững lại, giá cả và lãi suất leo thang ảnh hưởng đến các nhà đầu tư và hộ gia đình.

Khó khăn khởi phát từ cuối năm 2022 càng lộ rõ trong những tháng đầu năm 2023 khi hầu hết các chỉ tiêu kinh tế chính đều thấp hơn rất nhiều so với cùng kỳ năm trước từ phát biểu đầy phấn khích trước đó của ông Tổng bí thư.

Từ những điều cụ thể trên, cho thấy nếu có tội “lừa dối chính trị” trong trường hợp của “Tổng kết nhiệm kỳ khóa XII và nhìn lại 35 năm đổi mới”, có lẽ sẽ phù hợp hơn.

Tags: , ,

Comments are closed.