Chuyện Việt Nam Thứ năm 20/04/2023


Quê hương tổng hợp

Vụ Đường Văn Thái: Người Việt tị nạn tuần hành trước UNHCR ở Thái Lan, gửi thỉnh nguyện thư 


20/4/2023 

VOA Tiếng Việt 

Người Việt tị nạn tại Thái Lan tuần hành trước văn phòng Cao ủy LHQ về Người tị nạn, ngày 19/4/2023. Photo by Lê Văn Thương. 

Sau cuộc tuần hành sáng ngày 19/4 trước văn phòng khu vực của Cao ủy LHQ về Người tị nạn (UNHCR) ở Bangkok, Thái Lan, người Việt tị nạn gửi thỉnh nguyện thư với hơn 300 chữ ký yêu cầu cơ quan này điều tra về vụ mà họ cho là “bắt cóc” nhà báo Đường Văn Thái và kêu gọi bảo vệ họ tốt hơn.

Ông Lê Văn Thương, một trong những người khởi xướng thỉnh nguyện thư, cho VOA biết sau khi trao văn thư này cho UNHCR.

“Trong sáng ngày hôm nay các anh chị em đã lên Cao ủy LHQ về Người tị nạn có những động thái phản đối việc bắt cóc đối với ông Thái Văn Đường [bút danh của ông Đường Văn Thái], một người tị nạn tại Thái Lan. Các anh chị em đã gửi thỉnh nguyện thư gồm có hơn 300 chữ ký đến cơ quan Cao ủy tị nạn của LHQ”.

Ông Nguyễn Văn Tráng, một người tị nạn tại Thái Lan, đồng tổ chức cuộc tuần hành, chia sẻ với VOA:

“Đầu tiên, chúng tôi thông báo với Cao ủy về việc ông Đường Văn Thái bị bắt giam. Chúng tôi cũng nêu sự quan ngại trước tình trạng một người đã được cấp quy chế tị nạn của LHQ nhưng lại bị bắt cóc trắng trợn ngay tại nơi tạm lánh là Thái Lan”.

Ông Tráng cho biết thêm về nội dung thỉnh nguyện thư:

Thông qua thỉnh nguyện thư, chúng tôi có nêu ba vấn đề cho UNHCR: điều tra vụ bắt cóc ông Đường Văn Thái; cần có biện pháp hiệu quả hơn trong việc bảo vệ người tị nạn, tránh tái diễn tình trạng bắt cóc tương tự; nhanh chóng thực hiện việc tái định cư cho những người Việt tị nạn đã được cấp quy chế”.

UNHCR chưa phản hồi ngay yêu cầu bình luận của VOA.

Ngày 13/04/2023, nhà báo tự do Đường Văn Thái, người đã được UNHCR cấp quy chế tị nạn, bỗng dưng mất tích khỏi nơi cư trú, thỉnh nguyện thư viết.

Ngày 16/04/2023, thông tin chính phủ Việt Nam tuyên bố rằng họ đã bắt giữ ông Đường Văn Thái khi “vượt biên trái phép” vào Việt Nam tại Hà Tĩnh.

“Dựa trên các dữ kiện hiện có thì đây là một hành động bắt cóc đã được lên kế hoạch, và cáo buộc “vượt biên trái phép” đối với ông Đường Văn Thái chỉ là cách thức nhà nước Việt Nam hợp thức hóa vụ việc mà thôi”, thỉnh nguyện thư viết.

VOA cũng đã liên lạc cơ quan di trú và cảnh sát Thái Lan, cũng như Bộ Ngoại giao của nước này, yêu cầu bình luận về lời kêu gọi của nhóm người tị nạn Việt Nam, nhưng chưa nhận được phản hồi.

Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng chưa phản hồi yêu cầu bình luận của VOA.

Ông Tráng nêu nhận định về việc chính quyền Việt Nam bắt giam ông Thái do “vượt biên trái phép”.

Phía Việt Nam tuyên bố rằng ông Đường Văn Thái “vượt biên” vào Việt Nam là cách lý giải rất trẻ con. Không ai tin vào cách lý giải đó, mà đặc biệt là những người quen biết và trong hoàn cảnh như ông là sắp đi định cư.

“Chúng tôi cho rằng cách lý giải đó thể hiện việc chà đạp lên luật pháp quốc tế và phản ánh một xu hướng rất nguy hiểm là đàn áp xuyên quốc gia do an ninh Việt Nam thực hiện trong những năm gần đây và ngày càng trở nên lộ liễu, trắng trợn hơn”.

Ông Lê Văn Thương bày tỏ sự kỳ vọng sau khi nộp thỉnh nguyện thư:

“Với sự việc của ông Đường Văn Thái, không riêng bản thân tôi mà các anh chị em tị nạn tại Thái Lan đang rất mong muốn các cơ quan chức năng và đặc biệt là UNHCR phải có điều tra thật sự nghiêm túc, rõ ràng, minh bạch liên quan đến vấn đề này để chính quyền Việt Nam không làm những việc bắt cóc tiếp theo và phải ngăn chặn hành vi bắt cóc của chính quyền Việt Nam”.

Ngoài UNHCR, thỉnh nguyện thư còn được gửi đến Cao uỷ Nhân quyền LHQ, chính phủ các quốc gia dân chủ, các vị dân biểu, tổ chức Ân xá Quốc tế, tổ chức Theo dõi Nhân quyền, các tổ chức bảo vệ quyền con người và các cơ quan truyền thông quốc tế.

Việt Nam khởi tố một mục sư ở Mỹ, bắt giam thầy truyền đạo của hội thánh độc lập 


19/4/2023

VOA Tiếng Việt 

Mục sư Tin Lành A Ga (phải) và đạo hữu Cao Đài Lương Xuân Dương chụp hình lưu niệm trước khi vào Tòa Bạch Ốc gặp Tổng thống Donald Trump chiều ngày 17/7/2019. 

Công an tỉnh Đăk Lăk vừa khởi tố Mục sư tin lành A Ga sống lưu vong ở bang North Carolina, Mỹ, về tội “Phá hoại chính sách đại đoàn kết”, đồng thời bắt giam thầy truyền đạo Y Krếc Byă thuộc hội thánh Tin Lành Đấng Christ Tây Nguyên với cùng tội danh.

Mục sư A Ga, hiện là thường trú nhân ở Mỹ, nêu nhận định với VOA:

“Họ khởi tố như vậy không đúng sự thật. Hội thánh Tin lành Đấng Christ của chúng tôi rất hòa đồng với tất cả các hệ phái khác nhau. Chẳng qua là họ thấy hội thánh Tin Lành Đấng Christ Tây Nguyên càng ngày càng phát triển nên họ sợ”.

Hôm 8/4, cổng thông tin Bộ Công an thông báo về việc công an tỉnh Đăk Lăk khởi tố bị can đối với ông A Ga, gọi ông “là 1 đối tượng phản động FULRO lưu vong” và khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với ông Y Krếc Byă, với cáo buộc “Phá hoại chính sách đoàn kết” theo Điều 116 Bộ luật Hình sự.

Ông A Ga, người sáng lập Hội thánh Tin lành Đấng Christ Tây Nguyên, tị nạn ở Hoa Kỳ từ năm 2018, sau một thời gian lánh nạn ở Thái Lan, cho biết thêm:

“Chính quyền tìm cớ bằng mọi cách để khởi tố thầy Y Krếc Byă vừa rồi, và các anh em khác vừa rồi, và ngay cả chính tôi nữa, để cho những người không hiểu biết sẽ nghĩ rằng hội thánh này “gây chia rẽ” giữa tôn giáo này với tôn giáo khác, dân tộc này với dân tộc khác. Thật ra chính họ mới gây chia rẽ các vấn đề tôn giáo của chúng tôi ở tại Tây Nguyên, Việt Nam!”

“Chúng tôi không làm gì để gây chia rẽ, mất đoàn kết dân tộc cả”.

Từ Thái Lan, ông Y Quynh Bdap, sáng lập viên tổ chức Người Thượng vì Công lý, nêu nhận định với VOA về việc chính quyền khởi tố hai ông A Ga và Y Krếc Byă:

“Việc họ bắt thầy Y Krếc Byă và khởi tố mục sư A Ga nhằm răn đe các hội thánh độc lập và dập tắt hội thánh Tin lành Đấng Christ Tây Nguyên”.

“Mục tiêu của công an tỉnh Đăk Lăk từ năm 2019 là xóa bỏ hệ phái Tin lành Đấng Christ Tây Nguyên”, ông Y Quynh Bdap cho biết thêm.

Ông nói:

“Việc kết tội “Phá hoại chính sách đại đoàn kết” là việc kết tội rất mơ hồ.

“Việc chính quyền xóa bỏ Tin lành Đấng Christ không đúng theo công ước quốc tế, vi phạm quyền tự do tín ngưỡng, theo đạo hoặc không theo đạo, và không ai có thể tước được quyền tự do tôn giáo của người khác”.

VOA đã liên lạc Công an tỉnh Đắk Lắk, và Uỷ ban Nhân dân tỉnh Đắk Lắk, yêu cầu họ bình luận về các phát biểu này, nhưng chưa được phản hồi.

Báo Đắk Lắk cho biết cơ quan chức năng xác định trong thời gian qua, 2 bị can A Ga và Y Krếc Byă cùng một số đối tượng khác “đã có hành vi chỉ đạo tiến hành những âm mưu, hoạt động phá hoại chính sách đoàn kết; tổ chức hàng trăm buổi hội họp tập huấn trực tuyến để chỉ đạo thu thập các thông tin, tài liệu xuyên tạc, gây chia rẽ giữa người dân với chính quyền và lực lượng vũ trang; gây chia rẽ giữa người dân theo các tôn giáo khác nhau”.

Chính quyền Việt Nam nhiều lần cáo buộc Hội thánh Tin lành Đấng Christ ở Tây Nguyên là “phản động, chống phá Nhà nước”, thông qua những “chiêu trò lừa mị các tín đồ”.

Một bức thư chung của 35 tổ chức quốc tế đề ngày 13/4 gửi đến Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken trước khi ông cùng phái đoàn Hoa Kỳ đến Việt Nam đề cập đến việc công an tỉnh Đắk Lắk bắt giam thầy truyền đạo Y Krếc Byă khi đang tổ chức lễ vọng Phục Sinh tại gia.

Bức thư khuyến nghị ngoại trưởng Mỹ kêu gọi nhà nước Việt Nam chỉ thị các cấp chính quyền địa phương, huyện và tỉnh “phải ngưng ngay chính sách ép tín đồ Tin Lành người H’mong bỏ đạo và phải tôn trọng quyền hành đạo tại tư gia của các tín đồ Thiên Chúa Giáo người Tây Nguyên”.

Trước đó, vào tháng 3, theo mục sư A Ga, một nhóm các nhà ngoại giao Mỹ đã đến Đăk Lăk tìm hiểu về vấn đề tự do tôn giáo ở khu vực này và gặp gỡ ông Y Krếc Byă nhưng bị chính quyền ngăn cản và không phái đoàn vào nhà ông.

Chính quyền Việt Nam bác bỏ các cáo buộc vi phạm tự do tôn giáo, cho rằng Việt Nam “luôn thực hiện nhất quán chính sách tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, quyền theo hoặc không theo tôn giáo của người dân, bảo đảm sự bình đẳng, không phân biệt đối xử vì lý do tôn giáo, tín ngưỡng, bảo hộ hoạt động của các tổ chức tôn giáo bằng pháp luật”.

“Thực tế từ lâu nay, tại Tây Nguyên đời sống tự do tôn giáo, tín ngưỡng thuần túy luôn được Đảng, Nhà nước, chính quyền các cấp tạo điều kiện hoạt động”, báo Công an Đắk Lắk viết, đồng thời kêu gọi “những tổ chức phản động đội lốt tôn giáo dưới các tên gọi như “Hội thánh Tin Lành đấng Christ Việt Nam” và “Hội thánh Tin Lành đấng Christ Tây Nguyên” là cần phải loại bỏ, cần phải tẩy chay ra khỏi cộng đồng”.

Công ty luật đòi nợ thuê, cưỡng đoạt cả ngàn tỷ đồng với gần 3 triệu nạn nhân


Lê Thiệt /SGN

Công an khám xét trụ sở công ty Luật TNHH Pháp Việt – Ảnh: Công an Tiền Giang 

Đây là một tổ chức tội phạm lớn, tổ chức quy mô, núp bóng công ty tư vấn luật đi đòi nợ thuê cho các ngân hàng và công ty tài chính qua nhiều hình thức khủng bố, đe dọa, kể cả cưỡng đoạt tài sản của nạn nhân.

Trong cuộc họp báo ngày 18 Tháng Tư, Đại tá Nguyễn Văn Lộc, Phó giám đốc Công an tỉnh Tiền Giang cho biết trong chuyên án cưỡng đoạt tài sản liên quan Công ty Luật TNHH Pháp Việt (trụ sở tại số 07, đường Lê Văn Huân, phường 13, quận Tân Bình, TP.HCM), cơ quan điều tra Công an tỉnh đã khởi tố 60 bị can và phong tỏa nhiều tài sản các đối tượng có liên quan.

Dư luận cả nước đặc biệt quan tâm đến vụ án này vì theo ông Lộc, đã có gần 3 triệu bị hại, với tổng số tiền liên quan lên đến 1,000 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong vụ án này, nhiều người thắc mắc tại sao đơn vị phá án chính không phải là Công an TP.HCM (vì nhóm tội phạm đặt trụ sở chính tại Sài Gòn) mà lại là Công an tỉnh Tiền Giang (?)

Điều này làm dấy lên nghi vấn có thể Bộ Công an không giao cho Công an TP.HCM phá án vì sợ lộ kế hoạch, nên chỉ cho phối hợp vào phút chót.

Trở lại chi tiết vụ án. Đại tá Lộc cho biết vào ngày 14 Tháng Hai, Công an tỉnh Tiền Giang phối hợp với Cục Cảnh sát hình sự, Cục Kỹ thuật nghiệp vụ (Bộ Công an) và Công an TP.HCM tiến hành khám phá chuyên án, triệu tập 133 đối tượng là lãnh đạo, nhân viên Công ty Luật TNHH Pháp Việt.

Cơ quan điều tra khám xét trụ sở chính và hai chi nhánh của Công ty Luật TNHH Pháp Việt (trong đó trụ sở chính đặt tại số 07, đường Lê Văn Huân, phường 13, quận Tân Bình, TP.HCM) thu giữ các tài liệu, chứng cứ.

Làm việc với cơ quan công an, các đối tượng khai Công ty Luật TNHH Pháp Việt ký hợp đồng dịch vụ pháp lý đối với sáu ngân hàng và công ty tài chính.

Hiện chưa rõ đó là các ngân hàng và công ty tài chính nào, và họ có bị xem là đồng phạm với tổ chức tội phạm này không.

Ông Lộc cũng chưa cho biết giám đốc công ty Luật TNHH Pháp Việt là ai, chỉ đề cập đến hai phó giám đốc là Trần Văn Châu (43 tuổi) và Hồ Quốc Hùng (36 tuổi). Hai nghi phạm này đã thừa nhận việc phân công nhiệm vụ từ các trưởng phòng, trưởng nhóm và từng nhân viên thực hiện hoạt động phạm tội rộng khắp cả nước.

Sau khi nhận thông tin về các khách hàng vay chưa trả theo hợp đồng (nợ xấu) do các ngân hàng và công ty tài chính chuyển đến, Châu và Hùng phân chia cho các trưởng phòng, các trưởng phòng sẽ phân chia cho các nhóm trưởng để giao cho các thành viên trong nhóm tổ chức đòi nợ thuê bằng các thủ đoạn: Gọi điện thoại chửi bới, đe dọa sẽ giết người thân, ghép hình tung lên mạng xã hội nhằm bôi nhọ danh dự, nhân phẩm, đe dọa cho mất việc làm; mang quan tài đến nhà, cơ quan, tổ chức, đặt bình gas, bình xăng dọa cho nổ tung cơ quan, nhà của khách hàng và người thân…

Kết quả điều tra xác định Công ty Luật TNHH Pháp Việt được hưởng lợi từ 24% đến 35% trên số tiền đòi được.

Theo Đại tá Nguyễn Văn Lộc, vụ án này có 415 đối tượng, trong đó 400 đối tượng có liên quan trực tiếp tham gia hành vi đòi nợ bằng các thủ đoạn khác nhau buộc người thiếu nợ phải trả tiền đã cấu thành tội cưỡng đoạt tài sản.

Đến nay, cơ quan điều tra xác định các đối tượng có liên quan đã đòi nợ thuê đến thời điểm điều tra là hơn 1,000 tỉ đồng. Hiện cơ quan điều tra đã cấm xuất cảnh đối với 415 đối tượng có liên quan này.

Cơ quan điều tra yêu cầu các ngân hàng, công ty tài chính giao nộp toàn bộ số tiền mà công ty Luật TNHH Pháp Việt đã đòi nợ thuê, cưỡng đoạt tài sản từ người vay về cơ quan điều tra để xử lý theo đúng quy định pháp luật và xem đây là tang vật vụ án.

Ông Lộc cho biết thêm, đây là vụ án có số bị hại rất lớn nên công tác điều tra cũng gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều bị hại không hợp tác với cơ quan điều tra, do tâm lý ngại ngùng.

Ông chủ Tân Hiệp Phát: vì sao từ đỉnh cao lao xuống vòng lao lý? 


20/04/2023 

VOA Tiếng Việt 

Ông Trần Quý Thanh cùng hai con gái: Trần Uyên Phương (phải) và Trần Ngọc Bích (trái) – Ảnh chụp màn hình VTC 

Cách làm ăn quyết liệt, nhạy bén cùng một chút may mắn đã giúp ông Trần Quí Thanh xây dựng nên đế chế Tân Hiệp Phát, nhưng từ khi ông chuyển qua cho vay nặng lãi trên thị trường bất động sản thì xuất hiện nhiều lời ta thán cuối cùng dẫn đến việc ông và hai con gái bị bắt, một đối tác từng làm ăn nhiều năm với tập đoàn này cho VOA biết.

Ông Trần Quí Thanh, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tân Hiệp Phát, cùng hai con gái Trần Uyên Phương và Trần Ngọc Bích, đều là phó tổng giám đốc tập đoàn, đã bị công an bắt hôm 10/4 để điều tra về hành vi ‘Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản’ theo đơn tố cáo của người dân, báo chí trong nước đưa tin.

Tân Hiệp Phát là tập đoàn nước giải khát hàng đầu ở Việt Nam, cạnh tranh ngang ngửa với các tên tuổi lớn của Mỹ như Pepsi Cola hay Coca Cola. Các sản phẩm của hãng này như nước tăng lực Number One, trà xanh 0 độ hay trà thảo mộc Dr Thanh có mặt đến từng ngõ hẻm trên khắp lãnh thổ Việt Nam.

Mỗi năm doanh nghiệp này có lợi nhuận trên 3.000 tỷ đồng, tương đương 129 triệu đô la Mỹ. Trong năm 2019, với 3.300 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế của Tân Hiệp Phát gần bằng tổng lợi nhuận ở Việt Nam của Pepsi Cola và Coca Cola cộng lại (3.700 tỷ đồng), theo trang cafef.vn.

Còn xét về doanh thu, hồi năm 2018, ông Thanh cho biết Tân Hiệp Phát đạt doanh thu 500 triệu đô la/năm và hướng đến mốc 3 tỷ đô la đến năm 2030, theo trang VTC. Tập đoàn này tạo công ăn việc làm cho gần 4.000 công nhân.

Cho vay nóng, siết tài sản

Trao đổi với VOA từ thành phố Hồ Chí Minh với điều kiện ẩn danh vì tính chất nhạy cảm của vấn đề, ông K., một đối tác có nhiều năm hợp tác chặt chẽ với Tân Hiệp Phát, nói rõ những vi phạm mà cha con ông Thanh bị bắt hiện nay ‘không liên quan gì đến mảng kinh doanh nước giải khát’.

“Ông Thanh từ mấy chục năm nay đã đổ tiền vào bất động sản rồi. Ông mua đất để đó thôi chứ không làm dự án gì hết vì ông vẫn tập trung vào mảng nước giải khát,” ông K nói và cho biết đất của ông Thanh ‘bao la bạt ngàn, miếng nào miếng nấy to đùng’.

Giải thích lý do ông Trần Quý Thanh nhảy vào bất động sản, người đối tác này cho biết từ thành công trong mảng kinh doanh nước giải khát, ông Thanh có rất nhiều tiền mặt. Từ đó, ông và các con bỏ tiền ra mua đất. Đồng thời, các doanh nghiệp bất động sản tìm đến ông để vay tiền vì họ gặp khó khăn khi vay vốn ngân hàng.

Ông Thanh cho vay nóng với lãi suất lên đến 3% một tháng. Doanh nghiệp nào cần đến 2.000-3.000 tỷ thì ông sẵn sàng cho vay ngay, nhưng với điều kiện ‘phải thế chấp dự án hay thế chấp công ty’, theo lời kể của ông K.

“Ông Thanh rất là khôn. Mỗi lần thế chấp là ông bắt đưa ra công chứng ký tên chuyển nhượng tài sản luôn. Nếu người vay đến hạn không trả nợ là ông siết luôn tài sản.”

“Thí dụ như tháng đầu người vay trả đủ, nhưng sang tháng thứ hai họ trễ hạn vài ngày thì ông Thanh sang tên luôn vì giấy tờ đã công chứng rồi. Ổng không cho người ta cơ hội đem tiền đến chuộc lại,” ông K. giải thích. “Nhiều người bị như vậy rồi nên người ta bức xúc người ta đi kiện thôi.”

Theo nhận xét của đối tác ẩn danh này thì ‘ông Thanh làm rất kỹ’ nên ‘về luật không có gì sai’, chỉ là ‘không có đạo đức’ khi dồn người ta đến đường cùng để lấy tài sản.

“Người ta trễ hẹn trả nợ, người ta sai nên đứng về pháp lý cha con ông Thanh có toàn quyền xử lý tài sản thế chấp, nhưng đó là toàn bộ gia sản của người ta, giá trị tài sản rất lớn, người ta lạy lục xin lại mà cha con ông Thanh không cho.”

Ông K. dẫn chứng một dự án cả ngàn hectare gần sân bay Long Thành của công ty Kim Oanh, một trong những nguyên đơn đứng ra tố cáo cha con ông Thanh, đã bị lấy mất sau khi ‘trễ hạn trả nợ chừng nửa tháng gì đó’ mặc cho người ta đến nhà ‘quỳ gối van xin’ nhưng cô Trần Uyên Phương không trả.

“Mà Kim Oanh vay 110 tỷ nhưng đến tay chỉ có 80 tỷ thôi, còn 30 tỷ trả tiền môi giới,” ông K. nói và cho biết nếu ai vay 1.000 tỷ thì ông Thanh chỉ đưa trước tầm 800-900 tỷ thôi, số còn lại ‘ông nói còn tiền cò, tiền môi giới các thứ nữa’.

Từ kinh nghiệm làm việc của mình, ông K. lưu ý ông Thanh ‘rất chặt chẽ về luật, không một chút sơ hở và không ai qua mặt được ông ấy đâu’.

“Ông ấy kỹ lắm, tính trước tính sau bao nhiêu nước cờ,” ông nói và cho biết mỗi khi có tranh chấp pháp lý với Tân Hiệp Phát, công ty ông ‘toàn thua’.

‘Bốn lần thắng lớn’

Người đối tác này nhận định vụ bắt giữ ba cha con ông Thanh ‘không gây sốc gì nhiều cho Tân Hiệp Phát’ vì ‘họ đã có thị trường ổn định rồi’ và sai phạm là ‘của riêng cha con ông Thanh, không dính đến tập đoàn’.

Ông K. làm việc với ông Thanh từ những ngày đầu khi Tân Hiệp Phát cho ra đời sản phẩm rà xanh 0 độ nên nắm rõ con đường đi lên của ông Thanh.

Theo lời ông kể thì ông Thanh tốt nghiệp đại học với tấm bằng kỹ sư cơ khí. “Nhà ổng ở ngay Cầu Kiệu, đường Phan Đình Phùng, ba mẹ ổng có xưởng cơ khí ở đó nên ổng cũng tập tành làm bia các thứ,” ông nói.

Lúc đó ông Thanh biết hãng bia Sài Gòn rã một dây chuyền máy móc bia đóng chai của Pháp để lại để bán thanh lý nhưng ông mua không kịp. “Ông ấy mất mấy tháng đi tìm khắp các vựa ve chai mua lại hầu hết toàn bộ dây chuyền, rồi ông ấy tự một mình lắp lại toàn bộ. Dây chuyền chạy ổn, ông ấy bắt đầu đóng chai bia Bến Thành,” ông K. kể và cho biết bia Bến Thành bán chạy trên khắp các tỉnh miền Nam.

Thành công thứ hai của ông Thanh là nước tăng lực Number One, cũng theo ông K. Lúc ấy thị trường nước tăng lực chủ yếu là sản phẩm lon thiếc của Red Bull hay Lipovitan với giá thành 5.000-7.000 đồng một lon.

“Ông Thanh phát hiện ra một điều là giới tài xế uống nước tăng lực nhiều, mà bán giá đó họ đâu có mua uống nhiều được, nên ông làm ra nước tăng lực đóng chai thủy tinh chỉ có 2.000 đồng một chai thôi,” ông K. kể. “Ổng quảng cáo một phát bán sạch sành sanh.”

Sau khi thắng nước tăng lực, ông Thanh có tiền về Bình Dương xây cơ ngơi, mở nhà máy lớn như bây giờ và phát triển thêm các dòng sản phẩm khác, trong đó có trà xanh 0 độ, thành công thứ ba của ông.

“Lúc đó ổng hỏi tụi tôi là theo tụi bây tao nên bán chai 0 độ bao nhiêu? Ly trà đá khi đó 500 đồng, mọi người mới nói bán 3.000-3.500 đồng thôi. Vậy mà ổng nói ‘Tao bán 5.000’. Mọi người ai cũng phản đối, nói bán giá đó ai mà mua,” ông K. kể.

“Ai ngờ ổng tung trà xanh 0 độ ra ổng thắng lớn. Ổng lời biết bao nhiêu mà nói vì vốn mỗi chai có chừng 1.000 mà bán giá 5.000 đồng.”

Giải thích lý do ông Thanh thành công, ông K. nói ‘ổng truyền được thông điệp uống trà xanh 0 độ vô làm mát cơ thể, có lợi cho sức khỏe’.

“Khi đó thị trường chưa có trà xanh đóng chai, ổng ra thì ổng một mình một chợ bao phủ cả nước nên tăng trưởng khủng khiếp.”

Thành công thứ tư là trà thảo mộc Dr Thanh, đặt theo tên chính ông Thanh. Nguyên do là một lần ông Thanh đi Trung Quốc ‘sau khi uống thử trà thảo mộc của họ, ông đem về và đẻ ra Dr Thanh’. “Ổng bịa ra thảo mộc cung đình này nọ nhưng đâu có đâu. Vấn đề là thị trường họ tin nên ổng thắng thêm cú đó nữa,” ông K. kể.

Nhưng sau trà thảo mộc Dr Thanh đến nay thì ông Thanh ‘không thắng thêm cú nào nữa’, cũng theo lời người đối tác này nhưng ông cho biết với những sản phẩm chủ lực đó, mỗi năm Tân Hiệp Phát có mức lợi nhuận đến 30% doanh thu mà thường doanh nghiệp ‘chỉ mong lời được 5-10% là mừng’.

“Ông Thanh từng tâm sự là nếu ngày xưa có người cướp của của người giàu chia cho người nghèo, thì ngày nay ‘tao lấy của người nghèo tao làm giàu’,” ông K. kể lại lời ông Thanh.

Về tai tiếng ‘con ruồi’ bị cáo buộc là tìm thấy trong chai nước tăng lực Number One của Tân Hiệp Phát hồi năm 2015 khiến người tố cáo phải chịu mức án 7 năm tù về tội ‘Cưỡng đoạt tài sản’, anh K. thuật lại lời ông Thanh khi đó là: “Tao đâu có muốn nó đi tù chi.” và cho rằng ông Thanh làm cú đó là ‘đánh một trận để dẹp loạn’.

“Hồi đó mỗi ngày ông Thanh nhận hàng trăm cuộc gọi tống tiền trong nhiều năm liên tục,” ông K. kể và cho biết lúc đó có một đội ngũ ‘các nhà báo bẩn chuyên soi mói sơ hở của các doanh nghiệp lớn, không chỉ Tân Hiệp Phát, rồi ‘bắt doanh nghiệp cúng tiền cho họ sống’.

“Khi đó ông nói thôi, ta sẽ đánh một trận. Ổng đi rào trước hết với các cơ quan nhà nước,” ông K. kể. “Ổng đánh xong trận đó là im hết, tắt đài hết luôn, không thằng nào dám xớ rớ nữa.”

https://www.voatiengviet.com

Bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn đang bị truy nã vẫn chưa thôi quốc tịch Việt Nam

19/4/2023

Bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty AIC 

AIC Group 

Bà Nguyễn thị Thanh Nhàn, cựu Chủ tịch Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC), đang bị truy nã do bỏ trốn khỏi Việt Nam, vẫn còn quốc tịch Việt Nam vì chưa hoàn tất các thủ tục từ bỏ quốc tịch theo quy định.

Bộ Tư pháp Việt Nam vào chiều ngày 19/4 trả lời truyền thông như vừa nêu khi được hỏi về vấn đề liên quan. Cục trưởng Cục Hộ tịch, quốc tịch và chứng thực thuộc Bộ Tư pháp – ông Nguyễn Thanh Hải – trả lời báo chí rằng cơ quan của ông phụ trách chưa nhận được thông tin do địa phương nơi bà Nhàn cư trú chuyển đến liên quan việc thôi quốc tịch Việt Nam của bà Nguyễn thị Thanh Nhàn.

Ông Hải trình bày lại quy trình xin thôi quốc tịch Việt Nam. Cụ thể người muốn thôi quốc tịch Việt Nam phải nộp hồ sơ trực tiếp tại Sở Tư pháp nơi cư trú, không được ủy quyền. Sau khi nhận được hồ sơ hợp lệ, Sở Tư pháp đăng thông báo về việc này trên một báo viết hay báo điện tử ở địa phương trong ba số liên tiếp, và đăng trên Trang thông tin điện tử của Bộ Tư pháp Việt Nam. Sở Tư pháp còn phải đề nghị Công an cấp tỉnh/thành xác minh về nhân thân người nộp đơn. Thời hạn giải quyết đơn xin thôi quốc tịch hợp lệ là 75 ngày.

Vào tháng 11/2022, bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn và bảy người khác trong vụ án “vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, nhận hối lộ…” xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Nai, Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC) và các đơn vị liên quan được Bộ Công an Việt Nam thông báo đang bỏ trốn và bị truy nã. Công an Việt Nam kêu gọi họ ra đầu thú.

Bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn bị xác định có vai trò lớn trong vụ án. Bà này trốn truy nã và bị phát hiện đang ẩn mình ở Châu Âu. Bản thân bà Nhàn từng là trung gian cho các thương vụ mua bán vũ khí giữa Việt Nam và những nhóm quốc phòng Phương Tây. Trong đó có thương vụ mua bán một vệ tinh quân sự cho Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Vũ trụ Israel (IAI) hồi năm 2018.

Vào ngày 4/1/2023, bà Nhàn bị Tòa Hà Nội tuyên án tổng cộng 30 năm tù trong vụ án vi phạm quy định đấu thầu, lợi dụng chức vụ quyền hạn, thiếu trách nhiệm, gây hậu quả nghiêm trọng, đưa và nhận hối lộ xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, Công ty AIC và các đơn vị có liên quan.

Ngoài vai trò trong vụ án tại tỉnh Đồng Nai, bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn vào tháng 8/2022 còn bị khởi tố trong vụ án “vi phạm về quy định đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Quảng NInh và AIC hồi năm 2012. Lúc đó ông Phạm Minh Chính, nay là Thủ tướng, làm Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh.

Việt Nam: Chú khỉ trầm cảm khi cuộc đời ‘bị đánh cắp’


BBC News

20/4/2023

Nguồn hình ảnh, Minh Hieu

Chụp lại hình ảnh, 

Chú khỉ bị trầm cảm tại vườn quốc gia Bù Gia Mập và hình vẽ minh họa của sinh viên Đại học HUTECH, Nguyễn Hoàng Minh Hiếu 

Không phải tất cả chúng ta đều biết loài khỉ có thể bị trầm cảm như con người, sau khi chúng phải trải qua nhiều tổn thương trong quá khứ.

Trong một chuyến đi trekking tại vườn quốc gia Bù Gia Mập ở tỉnh Bình Phước cách đây vài tháng, sinh viên Nguyễn Hoàng Minh Hiếu từ Đại học HUTECH ở Sài Gòn chú ý đến một con khỉ 15 tuổi, ngồi buồn bã trong chiếc chuồng sắt. 

“Tôi chú ý đến một chú khỉ già lắm rồi, ngồi yên trong cái chuồng, rất khác so với những con khỉ hiếu động kế bên.”

Cuộc đời ‘bị đánh cắp’

Sau khi hỏi các nhân viên kiểm lâm của vườn quốc gia Bù Gia Mập, Minh Hiếu hiểu thêm về nguyên nhân trầm cảm của chú khỉ mặt đỏ này, vốn đã mất khả năng quay trở về thiên nhiên.

“Một anh kiểm lâm nói với tôi rằng chú khỉ đó bị săn bắt trộm từ nhỏ, sau đó được giải cứu về thì chú ta bị trầm cảm. Sau khi được thả về rừng tự nhiên thì chú khỉ này không được đồng loại chấp nhận, và cũng không tự kiếm ăn được. Sau vài lần thả không thành công như vậy, người ta phải đưa chú về lại vườn quốc gia. Chú khỉ này sống tại Bù Gia Mập khoảng 8 đến 9 năm rồi”, Minh Hiếu nói với BBC News Tiếng Việt.

Nhân viên kiểm lâm kể thêm với Minh Hiếu là họ đã giải cứu chú khỉ này ở vùng biên giới giữa Việt Nam và Campuchia, khi đó chú khỉ “rất hoảng loạn khi lồng kế bên là một khỉ khác bị chết.”

Nguồn hình ảnh, Minh Hieu

Chụp lại hình ảnh, 

Minh Hiếu cho biết bản thân rất bị ám ảnh từ đôi mắt buồn bã của chú khỉ 15 tuổi này

“Chú khỉ mặt đỏ 15 tuổi này được giải cứu từ một vụ mua bán động vật hoang dã trái phép. Lúc mới tiếp nhận, chú bị nhốt trong một cái lồng chật hẹp, sức khỏe rất yếu. Bên cạnh chú là một bạn khỉ đi cùng đã chết nên lúc đầu về trung tâm chú rất hoảng loạn, trầm cảm, không ăn uống gì nhiều. Sau nhiều tháng được chăm sóc thì tâm lý chú phần nào đã ổn định.”

“Chú khỉ ngồi yên ở Bù Gia Mập như đang suy nghĩ về trong quá khứ, về một cuộc đời bị đánh cắp vậy với ánh mắt nhìn rất xa xăm”, Minh Hiếu nói với BBC.

Tác phẩm về chú khỉ bị trầm cảm ở trung tâm cứu hộ động vật rừng quốc gia Bù Gia Mập của sinh viên Đại học HUTECH, ngành thiết kế đồ họa này đã thu hút hàng ngàn lượt like trên mạng xã hội.

‘Biết vui, biết đau’

Minh Hiếu nói khi còn nhỏ, con vật yêu thích là hươu cao cổ, nhưng khi lớn, đôi mắt của loài khỉ khiến bạn rất ám ảnh.

“Sau thời gian tìm hiểu thì tôi thích khỉ, vì tôi thấy chúng có nhiều cảm xúc giống như con người, biết vui, biết đau. Đôi mắt của chú khỉ bị nhốt trong chuồng khiến tôi bị ánh ảm.”

Khỉ mặt đỏ là loại động vật quý hiếm, nằm trong Sách đỏ (Red List of Threatened Species) của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế IUCN với mức độ bảo toàn khẩn cấp.

“Khỉ không phải thú cưng, đừng nuôi nhốt chúng bằng những chiếc lồng sắt hay trói chân chúng bằng xiềng xích”, theo Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (Education for Nature Vietnam – ENV).

Nguồn hình ảnh, Minh Hieu

Chụp lại hình ảnh, 

“Chú khỉ ngồi yên ở Bù Gia Mập như đang suy nghĩ về trong quá khứ, về một cuộc đời bị đánh cắp vậy với ánh mắt nhìn rất xa xăm”, Minh Hiếu nói với BBC

Minh Hiếu đã vẽ minh họa cho một số sách thiếu nhi và được xuất bản. Chủ đề đa số về số phận động vật hoang dã tại Việt Nam. 

Ngoài chú khỉ bị trầm cảm, tác phẩm ‘Bức tranh chim mồi’ của Minh Hiếu nói về nạn săn bắt chim mùa di cư ở Việt Nam.

“Một trong những tác phẩm tâm đắc nhất của tôi là về mùa chim mồi. Tôi đã ấp ủ trước đó một năm rồi sau khi đọc bài viết về săn bắt chim trời thì rất thiếu nhân tính, đau đớn. Đọc tư liệu và xem hình thật thì tôi đau lòng quá, phải dừng lại rồi sau đó mới vẽ tiếp được.”

Nguồn hình ảnh, Minh Hieu

Chụp lại hình ảnh, 

Minh Hiếu vẽ một con cói bị khâu mắt để làm mồi săn bắt chim trời

Mùa chim di cư ở Việt Nam diễn ra từ cuối tháng Tám, đầu tháng Chín, khi chim bay từ phía bắc về phương nam để chống rét.

Săn bắt chim trời vẫn là cách mưu sinh của nhiều người dân Việt Nam. 

Nguồn hình ảnh, Minh Hieu

Chụp lại hình ảnh, 

Minh Hiếu vẽ một con chim bị vặt lông sau khi bị bắt trong mùa di cư, để đem đi tiêu thụ thịt

Dùng các loại bẫy như cò giả và mồi thậm chí như con cói bị khâu mắt, nhiều người vẫn tiếp tục săn bắt, giết thịt và buôn bán chim di cư tại những nơi được gọi là ‘thủ phủ’ như tại Hà Tĩnh…

Nguồn hình ảnh, Minh Hieu

Chụp lại hình ảnh, 

Minh Hiếu vẽ về những bữa ăn với thịt chim từ nạn săn bắt trái phép mùa chim di cư tránh rét

Minh Hiếu cho biết những tác phẩm về bảo vệ động vật hoang dã, có thể chạm đến cảm xúc của người xem sẽ luôn là động lực của bạn.

Nguồn hình ảnh, Minh Hieu

Chụp lại hình ảnh, 

Qua hình vẽ, Minh Hiếu muốn nói về số phận những cú voi phải cõng khách du lịch và chịu tổn thương về xương sống như Pai Lin đã được giải cứu tại Thái Lan

Nguồn hình ảnh, Wildlife Friends Foundation in Thailand (WFFT)

Chụp lại hình ảnh, 

Voi Pai Lin, 71 tuổi ở Thái Lan, đã bị còng xương sống sau 25 năm cõng khách du lịch, mỗi lần cõng đến sáu người

“Chủ đề về phóng sinh cũng rất hay, và tôi cũng có kế hoạch vẽ tiếp về các động vật bị sử dụng cho dịch vụ du lịch.”

“Trong tác phẩm ‘Niềm vui ngắn, nỗi đau dài, tôi nghĩ không có động vật nào đáng phải chịu đau đớn như vậy. Ngôi nhà của chúng là ở tự nhiên”, Minh Hiếu cho biết.

Nguồn hình ảnh, Minh Hieu

Chụp lại hình ảnh, 

Minh Hiếu vẽ về những con gấu bị bắt đứng hai chân làm xiếc 

Nguồn hình ảnh, Minh Hieu

Chụp lại hình ảnh, 

Sinh viên Minh Hiếu kêu gọi mọi người hãy gọi đến đường dây nóng của ENV 1800-1522 ở Việt Nam khi phát hiện thấy có vi phạm động vật hoang dã

Comments are closed.