Chuyện Việt Nam Thứ tư 11/01/2023: Thương mại VN thâm hụt với TQ – Nhiều nơi đăng kiểm bị khởi tố – VN chỉ xét nghiệm nhanh với khách TQ có triệu chứng Covid.


Quê Hương tổng hợp


Thương mại Việt Nam: Đạt thặng dư kỷ lục với Mỹ, tăng thâm hụt với Trung Quốc – 10/01/2023 

VOA Tiếng Việt 

Các container chứa hàng được xếp lên một tàu biển ở cảng Hải Phòng. Xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ ngày càng tăng trong khi nhập khẩu của quốc gia Đông Nam Á từ Trung Quốc cũng tăng mạnh trong năm qua.

Các container chứa hàng được xếp lên một tàu biển ở cảng Hải Phòng. Xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ ngày càng tăng trong khi nhập khẩu của quốc gia Đông Nam Á từ Trung Quốc cũng tăng mạnh trong năm qua. 

Thặng dư thương mại của Việt Nam với Hoa Kỳ đã tăng lên mức kỷ lục trong khi thâm hụt trong lĩnh vực giao thương hàng hóa với Trung Quốc của quốc gia Đông Nam Á cũng tăng lên mức cao nhất được ghi nhận.

Giữ liệu mới được Tổng cục Hải quan đưa ra do Reuters trích dẫn cho thấy thặng dư thương mại của Việt Nam với Mỹ tăng cao nhất được ghi nhận trong lịch sử, lên 94,9 tỷ USD vào năm 2022, với các sản phẩm chủ lực của Việt Nam xuất sang thị trường Hoa Kỳ như may mặc, giày dép, điện thoại thông minh, đồ điện tử và đồ gỗ.

Trong khi đó, dữ liệu do Cục Dân số Hoa Kỳ (USCB) công bố cho thấy tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ trị giá hơn 109 tỷ USD trong khi nhập khẩu từ Hoa Kỳ trị giá chỉ hơn 9,7 tỷ USD.

Việt Nam có mức thặng dư thương mại với Mỹ vào năm 2021 là hơn 90,8 tỷ USD, cũng là mức cao kỷ lục tính tới thời điểm đó.

Mức thâm hụt thương mại của Việt Nam với Mỹ tăng cao hàng năm khiến Việt Nam trở thành nước có mức chênh lệch giữa xuất khẩu và nhập khẩu với Mỹ cao thứ 3, chỉ sau Trung Quốc và Mexico.

Điều này đã khiến Tổng thống Donald Trump đưa Việt Nam vào ‘tầm ngắm’ để thúc ép giảm thặng dư thương mại với Mỹ. Ông Trump cũng từng chỉ đạo Bộ Tài chính tiến hành các cuộc điều tra về thao túng tiền tệ hay nguồn gốc gỗ nhập khẩu tại quốc gia Đông Nam Á. Tuy nhiên, căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Việt Nam đã được hạ giảm dưới thời Tổng thống Joe Biden với việc Việt Nam được đưa ra khỏi danh sách các nước thao túng tiền tệ của Mỹ.

Cùng thời gian, thâm hụt thương mại với Trung Quốc, nhà cung cấp nguyên liệu và thiết bị lớn nhất cho lĩnh vực sản xuất tập trung nhiều lao động của Việt Nam, đã tăng lên mức kỷ lục 60,2 tỷ USD vào năm ngoái, cao hơn mức 54 tỷ USD một năm trước đó.

Dữ liệu hải quan Việt Nam công bố hôm 9/1 được Reuters trích dẫn cho thấy nhập khẩu của Việt Nam từ Trung Quốc vào năm ngoái tăng 6,6% lên 117,87 tỷ USD, với các sản phẩm nhập khẩu dẫn đầu là máy móc, đồ điện tử, vải, điện thoại thông minh và linh kiện.

Dù Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, nhưng theo nhận định của VnEconomy vào tháng 11 năm ngoái, Trung Quốc lại là “thị trường quan trọng nhất, tác động lớn đến quy mô và tốc độ tăng xuất, nhập khẩu của Việt Nam”. Theo tờ báo này, nhập khẩu và nhập siêu từ Trung Quốc lớn và còn tăng lên do nhiều nguyên nhân, trong đó có việc nước láng giềng của Việt Nam hiện là nền kinh tế có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất thế giới.

Còn xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ ngày càng tăng, đặc biệt trong những năm gần đây kể từ khi Tổng thống Trump phát động cuộc chiến tranh thương mại với Trung Quốc, khiến các công ty Mỹ tìm kiếm nhà cung cấp bên ngoài Trung Quốc. Đại dịch COVID-19 lại càng khiến việc chuyển dịch dây chuyền sản xuất của các công ty Mỹ ra khỏi Trung Quốc sang các nước như Việt Nam thêm nhanh chóng và đẩy mạnh thương mại giữa Mỹ và Việt Nam tăng cao hơn.

Với tỷ trọng thương mại tăng cao với Hoa Kỳ, Việt Nam trong năm qua đã đẩy bật Anh ra khỏi vị trí lâu năm trong nhóm 7 đối tác thương mại hàng hóa đứng đầu của Mỹ.

Việt Nam đang được hưởng lợi từ khoảng 15 hiệp định thương mại tự do vốn giúp thúc đẩy nền kinh tế định hướng xuất khẩu của quốc gia Đông Nam Á tăng trưởng 8% trong năm ngoái. Tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2022 tăng 10,6% lên 371,85 tỷ USD, theo thống kê mới được đưa ra của Tổng cục Hải quan Việt Nam.

Tuy nhiên theo Reuters, các nhà kinh tế cảnh báo rằng Việt Nam đang phải đối mặt với những “cơn gió thổi ngược,” khi nhu cầu toàn cầu suy yếu đã bắt đầu ảnh hưởng đến các đơn đặt hàng của Việt Nam vào tháng 12/2022 khiến xuất khẩu giảm 14% so với một năm trước đó.


GĐ, PGĐ và 5 nhân viên của Trung tâm Đăng kiểm 50-14D bị khởi tố

https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2023/01/trung-tam-dang-kiem-5014D-768x576-1-700x480.jpg

Trung Tâm đăng kiểm xe cơ giới 50-14D. (Ảnh: car247.net) 

Mở rộng điều tra sai phạm tại các Trung tâm Đăng kiểm, Công an huyện Hóc Môn đã khởi tố Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm 50-14D cùng 6 người khác.

Ngày 11/1, Công an huyện Hóc Môn (TP.HCM) đã khởi tố bị can, bắt giam 7 người tại Trung tâm Đăng kiểm 50-14D (ở Cụm C1, KCN Khánh Đông, Quốc lộ 22, xã Xuân Thới Sơn, huyện Hóc Môn) để điều tra về tội “Nhận hối lộ”.

7 người gồm:

– Hoàng Tấn Lực (SN 1989, ngụ huyện Củ Chi), Giám đốc;
– Bế Bình Dương (SN 1984, ngụ quận 12), Phó Giám đốc;
– Đặng Huỳnh Nhật Quang (SN 1990, ngụ tỉnh Tây Ninh), Chuyền trưởng;
– Hà Anh Tiến (SN 1988), Trần Hoài Phạm Anh Ly (SN 1983, cùng ngụ tỉnh Tây Ninh), Vũ Trường Sơn (SN 1989, ngụ tỉnh Nam Định) và Nguyễn Văn Nối (SN 1997, ngụ tỉnh Long An) – đều là đăng kiểm viên.

Bạn đang sao chép nội dung của Trí Thức VN. Nếu là cá nhân sử dụng, vui lòng ghi rõ nguồn trithucvn.org. Nếu là website, kênh truyền thông, vui lòng chỉ sử dụng nội dung khi có sự cho phép của Trí Thức VN.

Hiện chưa rõ số tiền mà 7 bị can nhận hối lộ là bao nhiêu. Trung tâm Đăng kiểm 50-14D trước đó bị công an khám xét vào khoảng 14h15 ngày 29/12/2022.

Vụ án sai phạm tại các Trung tâm Đăng kiểm được Công an TP.HCM phát hiện từ tháng 10/2022.

Khi đó, lực lượng CSGT TP.HCM đã chặn dừng xe tải 50H-100.20 trên đường để kiểm tra thành thùng và giấy kiểm định phương tiện.

Qua kết quả đo thành thùng phương tiện về chiều dài, rộng, cao và đối chiếu với sổ giấy kiểm định, phương tiện này không khớp với thông số kỹ thuật trên giấy kiểm định do Trung tâm kiểm định 62-03D cấp. Thấy có dấu hiệu tội phạm, cơ quan điều tra lấy lời khai tài xế, chủ xe để tiến hành điều tra.

Sau đó, Công an TP.HCM khám xét 12 Trung tâm Đăng kiểm ở các tỉnh Long An, Bến Tre, Sóc Trăng, Đồng Tháp, Tiền Giang… phát hiện các Trung tâm Đăng kiểm khi kiểm định đã cố ý bỏ qua lỗi vi phạm của hơn 70.000 phương tiện giao thông, thu lợi bất chính gần 10 tỷ đồng.

Mở rộng điều tra, vụ việc còn liên quan đến Cục Đăng kiểm Việt Nam. Ngày 5/1, Công an TP.HCM đã khởi tố bị can, bắt tạm giam Trần Anh Quân (SN 1963, Quyền Trưởng phòng kiểm định xe cơ giới), Đặng Trần Khanh (SN 1976, Phó Trưởng Phòng phòng kiểm định xe cơ giới) và Phạm Đức Ngọc (SN 1977, chuyên viên Phòng Kiểm định xe cơ giới) về tội “Nhận hối lộ”.

Tại Cục Đăng kiểm Việt Nam, hiện ông Nguyễn Vũ Hải, Phó cục trưởng, điều hành hoạt động thay ông Đặng Việt Hà, Cục trưởng. Ông Hà vắng mặt tại Cục để phục vụ công tác điều tra theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.

Đến nay, công an TP.HCM đã khởi tố khoảng 60 bị can về các tội Môi giới hối lộ, Đưa hối lộ, Nhận hối lộ và Giả mạo trong công tác.

Minh Long

Cục trưởng Cục Đăng kiểm không bị bắt mới là lạ

https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2023/01/Anh-man-hinh-2023-01-11-luc-08.19.13.png

Tối qua, nhiều trang báo chính thống đưa tin Đặng Việt Hà – Cục trưởng Cục Đăng kiểm VN, bị bắt nhưng sáng nay các trang đều gỡ bài. Có người cho rằng, ông Hà bị “tó” cách đây hai ngày, khi báo chí đưa tin Cục phó Nguyễn Vũ Hải tạm điều hành hoạt động của Cục, và Cục trưởng vắng mặt để phục vụ cơ quan điều tra!

Trước đó, Công an TP.HCM đã khám xét 13 trung tâm kiểm định, khởi tố 6 vụ án, 43 bị can với các tội danh “Nhận hối lộ”, “Môi giới hối lộ” và “giả mạo trong công tác”.

Nói huỵch toẹt là 12 Trung tâm đăng kiểm ở TP.HCM và các tỉnh Long An, Tiền Giang, Sóc Trăng, Đồng Tháp, Bến Tre đã bỏ qua các lỗi kỹ thuật của xe, cấp 52.300 giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường cho 70.000 xe được kiểm định, để nhận hối lộ.

Công an thành phố đã bắt giam quyền trưởng phòng và phó phòng Kiểm định của Cục Đăng kiểm vì nhận hối lộ, thì Cục trưởng khó mà vô can. Cục Đăng kiểm VN quản lý Nhà nước về “an toàn xe cộ trên đường” mà tiếp tay cho “cô hồn” giúp người đi đường mau gặp tai nạn.

Trước đây, hai thứ trưởng bộ Y tế Cao Minh Quang và Trương Quốc Cường (xuất thân từ Cục trưởng Quản lý Dược VN) đã bị bắt vì cấp số đăng ký lưu hành cho thuốc ung thư giả, thuốc không đủ hồ xuất xứ, thuốc gây nghiện, nhập chất kích tạo nạc salbutamol. Nghĩa là, hai đời Cục trưởng quản lý “an toàn dược phẩm, dược liệu” đã tiếp tay cho “tử thần” giúp bệnh nhân tử vong.

Phải cám ơn dịch Covid, nhờ nó mà lòi ra các bộ trưởng Y tế và KHCN, thứ trưởng ngoại giao và nhiều cục trưởng và phó của: Cục Lãnh sự VN, Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Vụ trang thiết bị y tế… bị bắt vì lợi dụng dịch bệnh, nhận hối lộ để cho lưu hành test kit Việt Á, nhận hối lộ từ giá vé bay cắt cổ để giải cứu kiều bào từ tâm dịch.

Đó là chưa kể Cục trưởng Cục Quản lý giá của Bộ Tài chính bị Uỷ ban kiểm tra Trung ương cách hết chức vụ trong đảng do gây hậu quả “rất nghiêm trọng” trong chuyến bay giải cứu, nhưng chưa bị khởi tố.

Tất cả Cục của các Bộ đều có thòng đuôi “Việt Nam”, vì nó thay mặt Chính phủ quản lý ngành chuyên môn, mà dẫn nhau vô tù đông như vậy, thì nhân dân chỉ còn chờ xuống âm phủ, vì “cô hồn” và “tử thần” luôn luôn sát bên cạnh!

Mai Bá Kiếm


Trà Vinh: Chủ cơ sở buôn bán hải sản bị phạt 17 năm tù

https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2023/01/nguyen-thi-my-700x480.jpg

Bà Nguyễn Thị Mỹ Cơ tại phiên tòa ngày 10/1. (Ảnh: congan.travinh.gov.vn). 

Kinh doanh khó khăn từ đầu năm 2020, một chủ cơ sở bán hải sản nói dối cần tiền đầu tư nuôi tôm, từ đó chiếm đoạt tới hơn 16 tỷ đồng của các nạn nhân.

Ngày 10/1, TAND tỉnh Trà Vinh mở phiên tòa xét xử sơ thẩm đối với bị cáo Nguyễn Thị Mỹ Cơ (SN 1981, trú tại xã Dân Thành, thị xã Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh) về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015.

Theo cáo trạng, năm 2010, bà Cơ làm nghề mua bán hải sản tại xã Long Khánh (huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh). Trong quá trình mua bán hải sản nhỏ lẻ tại địa phương, bà Cơ quen biết với nhiều người, trong đó có bà Nguyễn Hồng Sang (SN 1979) và bà Lâm Thị Thu Hồng (SN 1978, cùng trú tại xã Dân Thành, thị xã Duyên Hải).

Đầu năm 2020, việc mua bán hải sản của bà Cơ gặp nhiều khó khăn. Để có tiền chi tiêu cá nhân và tiếp tục mua bán hải sản, trả tiền nhân công, bà Cơ đưa ra thông tin gian dối nhằm vay số tiền lớn của các bị hại. Cụ thể, bà Cơ nói dối rằng vay tiền để mua tôm nuôi, hứa từ 5 – 10 ngày sẽ trả cả tiền gốc và lãi.

Do tin tưởng bà Cơ, các bị hại đồng ý cho vay. Bằng thủ đoạn như trên, bà Cơ chiếm đoạt của bà Sang hơn 13 tỷ đồng, chiếm đoạt của bà Hồng hơn 3 tỷ đồng.

Căn cứ vào hành vi, tính chất của vụ án, HĐXX tuyên phạt bà Cơ 17 năm tù giam, đồng thời buộc phải bồi thường số tiền hơn 16 tỷ đồng cho các bị hại.

Khánh Vy


Việt Nam xét nghiệm COVID nhanh với người nhập cảnh từ Trung Quốc 

10/01/2023 

VOA Tiếng Việt 

Cửa khẩu quốc tế hữu nghị nhìn từ phía tỉnh Lạng Sơn của Việt Nam
Cửa khẩu quốc tế hữu nghị nhìn từ phía tỉnh Lạng Sơn của Việt Nam 

Giới chức tỉnh giáp biên Lạng Sơn được yêu cầu xét nghiệm nhanh COVID-19 đối với dòng người về và đến từ Trung Quốc qua cửa khẩu đường bộ Hữu Nghị sau khi phía Trung Quốc cho xuất nhập cảnh trở lại sau ba năm.

Trong buổi làm việc với Sở Y tế Lạng Sơn và lực lượng tại cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị hôm 9/1 về các biện pháp phòng-chống dịch sau khi Trung Quốc mở cửa trở lại, ông Nguyễn Lương Tâm, Phó Cục trưởng Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, đã đưa ra yêu cầu này, theo tường thuật của trang mạng VnExpress.

Theo đó, những ca nghi mắc COVID, tức là có triệu chứng sốt, ho, khó thở…, sẽ được lấy mẫu để xét nghiệm nhanh tại chỗ. Nếu xét nghiệm dương tính với virus corona thì mẫu bệnh phẩm sẽ được gửi đến Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương để giải mã trình tự gien. Mục đích của việc này là truy lùng các biến chủng mới dễ lây lan để ngăn chúng xâm nhập vào Việt Nam.
Ông Tâm được dẫn lời cho rằng việc test nhanh này là ‘cần thiết’ trước tình hình dịch bệnh ở Trung Quốc.

Ông yêu cầu Lạng Sơn tăng cường phòng chống dịch trong dịp Tết và chuẩn bị sẵn sàng khi số ca mắc tăng vọt. Ông Tâm cũng đề nghị giới chức biên giới đẩy mạnh tuyên truyền ở cửa khẩu để khách nhập cảnh lưu ý các biện pháp phòng chống dịch theo phương châm 2K (khẩu trang và khử khuẩn).

“Trong bối cảnh mới, các biện pháp phòng chống dịch phải linh hoạt và an toàn chứ không nên phát sinh thêm bất kỳ thủ tục gì khác”, ông Tâm được dẫn lời nói.

Việt Nam đã bãi bỏ các biện pháp chống dịch hà khắc và tiến đến ‘thích ứng an toàn, linh hoạt’, tức sống chung với dịch COVID kể từ ngày 1/10/2021 – sớm hơn một năm so với Trung Quốc.

VnExpress dẫn lời ông Vương Ánh Dương, Phó Cục trưởng Quản lý Khám chữa bệnh, cho biết Việt Nam không đòi hỏi phải xét nghiệm PCR đối với khách đến hay về từ Trung Quốc mặc dù nhiều nước trên thế giới đang áp dụng biện pháp này để kiểm soát dòng người nhập cảnh từ Trung Quốc.

“Cần chuẩn bị các tình huống xử trí khi phát hiện ca bệnh nặng, suy hô hấp, vận chuyển từ cửa khẩu về cơ sở y tế”, ông Dương được dẫn lời nói.

Việt Nam và Trung Quốc đang bước vào đợt cao điểm đi lại của người dân trước thềm Tết Nguyên đán Quý Mão. Hàng ngàn người từ cả hai phía đang nhập cảnh qua cửa khẩu Hữu Nghị để về nước ăn Tết, trang VnExpress cho biết.

Hiện tại Việt Nam đang cảnh giác với biến thể phụ XBB, XBB 1.5 của biến chủng Omicron vốn đang lây lan rất nhanh ở hơn 60 nước trên thế giới. Ông Ngũ Duy Nghĩa, Trưởng khoa Kiểm soát dịch bệnh truyền nhiễm, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, được VnExpress dẫn lời cho rằng việc các biến chủng này xâm nhập vào Việt Nam là ‘khó tránh khỏi’.

Trung Quốc đã mở cửa biên giới trở lại với các nước hôm 8/1 sau ba năm đóng cửa để thực hiện chính sách Zero COVID. Việc mở cửa này diễn ra vào lúc dịch COVID-19 bùng phát mạnh mẽ ở Trung Quốc khiến nhiều nước phương Tây áp đặt các biện pháp kiểm soát chặt chẽ đối với hành khách nhập cảnh từ nước này.

Trên mạng xã hội, có nhiều tiếng nói yêu cầu Việt Nam nên làm theo các nước phương Tây là xét nghiệm PCR đối với khách đến từ Trung Quốc hay thậm chí là đóng cửa biên giới với nước này.


Bloomberg: VinFast cân nhắc tiến hành IPO tại Mỹ vào quý 2 

10/01/2023 

VOA Tiếng Việt 

Người xem trước gian hàng của VinFast tại Triển lãm Điện tử Tiêu dùng CES 2023 được tổ chức ở Las Vegas của Mỹ từ 5-8 tháng này.

Người xem trước gian hàng của VinFast tại Triển lãm Điện tử Tiêu dùng CES 2023 được tổ chức ở Las Vegas của Mỹ từ 5-8 tháng này. 

VinFast, hãng sản xuất xe ô tô điện được hậu thuẫn bởi tỷ phú giàu nhất Việt Nam, đang xem xét phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) tại Mỹ ngay trong quý 2 năm nay, theo Bloomberg.

Hãng xe của tập đoàn Vingroup, do tỷ phú Phạm Nhật Vương sáng lập, nộp đơn xin phát hành IPO cho Ủy ban Giao dịch Chứng khoán Mỹ (SEC) hồi đầu tháng 12 năm ngoái. Theo hồ sơ mà VinFast nộp cho SEC, hãng xe Việt Nam đã làm việc với 9 ngân hàng, bao gồm JPMorgan và Citygroup, về kế hoạch niêm yết của công ty tại Mỹ. Theo đó, VinFast có thể huy động ít nhất 1 tỷ USD nhưng cũng có thể nhiều hơn tùy thuộc vào sự quan tâm của cổ đông.

Các nguồn tin biết về kế hoạch phát hành IPO tại Mỹ của VinFast nói với Bloomberg trong tư cách ẩn danh rằng chưa có quyết định cuối cùng nào được đưa ra về việc phát hành và các chi tiết, gồm cả thời gian, vẫn có thể thay đổi.

Kế hoạch chào bán IPO ra công chúng của hãng xe điện khởi nghiệp của Việt Nam đã được ấp ủ từ gần hai năm nay. Bloomberg lần đầu tin đưa tin hồi đầu năm 2021 rằng Vingroup đang xem xét IPO trị giá 2 tỷ USD ở Mỹ cho VinFast. Hồi tháng 4 năm nay, công ty cho biết đã nộp hồ sơ kín để niêm yết tại Mỹ.

VinFast, bắt đầu hoạt động từ năm 2019, đang tăng tốc mở rộng hoạt động kinh doanh sang thị trường Mỹ, nơi có sự cạnh tranh khốc liệt của các hãng xe danh tiếng như Telsa, Ford, BMW hay Nissan.

Tuy nhiên trong thời gian gần đây, nhiều trang tin chuyên về ô tô và công nghệ ở Mỹ đã đưa ra nhận xét tiêu cực về xe điện của VinFast với nhận định rằng xe ô tô của Việt Nam sẽ khó cạnh tranh ở thị trường Hoa Kỳ.

Nhưng theo Tổng Giám đốc điều hành VinFast tại Mỹ, Nguyễn Giang, nói với VOA tại cuộc Triển lãm Điện tử Tiêu dùng CES 2023 ở Las Vegas hồi đầu tháng này, công ty của Việt Nam “đã có nghiên cứu về xe điện nhiều năm trước khi xâm nhập vào thị trường Mỹ.”

Bà Giang còn cho biết VinFast không cho rằng các hãng ô tô điện hiện nay là đối thủ của mình bởi vì “chiến lược lâu dài của VinFast là chuyển đổi từ xe xăng sang xe điện nên VinFast sẽ cùng với các hãng ô tô điện để ngày càng có nhiều khách hàng sử dụng xe điện hơn nữa”.

Hãng đã xuất lô xe điện đầu tiên gồm gần 1.000 chiếc sang Mỹ và lô hàng này đã cập cảng ở Benicia của California hôm 19/12. VinFast đã trì hoãn việc giao những chiến xe này cho khách hàng sang tháng này với lý do là các ngày lễ cuối năm ở Mỹ, theo Bloomberg.

Trong một thông báo về việc trở lại tham gia CES 2023 ở Las Vegas của VinFast, Phó Thủ tịch Vingroup kiêm Chủ tịch VinFast Lê Thị Thu Thủy cho biết rằng 999 chiếc xe điện VF 8 đầu tiên cập cảng ở California “sẽ sớm được giao cho khách hàng”.

Toàn bộ xe của VinFast hiện đang được sản xuất ở nhà máy của hãng tại Hải Phòng. Hãng cũng đã có kế hoạch xây dựng một nhà máy sản xuất xe ở Mỹ với công suất 150.000 xe/năm, dự kiến đi vào hoạt động vào tháng 7/2024.

Tuy nhiên, dự án xây nhà máy của VinFast đang vấp phải phản đối từ một tổ chức phi lợi nhuận ở North Carolina, nơi dự kiến sẽ đặt nhà máy của hãng xe Việt Nam, vì những quan ngại về môi trường sinh thái.

Comments are closed.