Sau những lần Sài Gòn ‘phong thành’, kết quả có như ý lãnh đạo? – Long Đức – VNTB


(VNTB) – Nếu thành phố tiếp tục “giam cứng’ sau 15-9 để xét nghiệm tìm người nhiễm, thì chắc hẳn sẽ lên hơn con số của hiện tại. 

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 550.996 ca nhiễm, đứng thứ 51/ 222 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỉ lệ số ca nhiễm/ 1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 158/ 222 quốc gia và vùng lãnh thổ; bình quân cứ 1 triệu người có 5.601 ca nhiễm.

Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến 7-9 là 13.701 ca tử vong, chiếm tỉ lệ 2,5% so với tổng số ca mắc và cao hơn 0,4% so với tỉ lệ tử vong do Covid-19 trên thế giới (2,1%).

Bảy lần điều chỉnh, kéo dài giãn cách bằng các chỉ thị, ghi nhận tại TP.HCM, các nhà lãnh đạo thành phố này đã ‘giản cách’ với nhiều mức độ người dân từ 31-5 đến nay. Đặc biệt từ ngày 23-8, theo lệnh từ Trung ương, TP.HCM song hành áp dụng chỉ thị 16 của Thủ tướng và chỉ thị 11 Thành ủy TP.HCM siết chặt mọi hoạt động đời sống của người dân với mệnh lệnh ‘ai ở đâu ở yên đó’ kèm quân đội ồ ạt đổ quân vào thành.

Hơn 2 tuần trôi qua kể từ ngày 23-8, người dân đã tuân thủ hạn chế tối đa việc ra khỏi nhà theo lệnh của chính quyền, các hoạt động buôn bán, làm ăn đã ngưng hoàn toàn, ngoại trừ những điểm bán hàng theo chỉ định của nhà chức trách.

Ngỡ rằng người dân sẽ không ra đường thì số ca nhiễm sẽ giảm theo, và phải ít hơn so với thời gian trước. Nhưng rồi số người mắc Covid-19 mỗi ngày ở TP.HCM vẫn duy trì ở mức 4 con số, có ngày lên tới 7 – 8 ngàn ca nhiễm.

Theo số liệu của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM, giai đoạn tuần đầu: ngày 23-8: 4.251 (số ca nhiễm mới)/ 344 (số tử vong mới); ngày 24-8: 4.627 ca/ 292 ca; ngày 25-8: 5.294 ca/ 266 ca; ngày 26-8: 3.934 ca/ 242 ca; ngày 27-8: 5.383 ca/ 287 ca; ngày 28-8: 5.481 ca/ 271 ca; ngày 29-8: 4.957 ca/ 256 ca.

Bước sang tuần thứ hai: ngày 30-8: 5.889 ca/ 245 ca; ngày 31-8: 5.444 ca/ 315 ca; ngày 1-9: 5.368 ca/ 334 ca; ngày 2-9: 5.963 ca/ 197 ca; ngày 3-9: 8.499 ca/ 250 ca; ngày 4-9: 4.104 ca/ 256 ca; ngày 5-9: 6.226 ca/ 222 ca; ngày 6-9: 7.122 ca/ 233 ca; ngày 7-9: 7.310 ca/ 253 ca.

Trung bình số ca nhiễm trong vòng 7 ngày của giai đoạn tuần đầu: 4.846 ca nhiễm/ ngày; giai đoạn tuần thứ hai: 5.927 ca nhiễm/ ngày. Có thể thấy, dường như kéo dài thời gian giãn cách, cũng cùng nghĩa với việc làm tăng số lượng người nhiễm bệnh (!?).

Nếu so sánh 1 tuần lễ trước ngày 23-8, tức trước khi thành phố tăng cường siết chặt giãn cách, số ca nhiễm sẽ chênh lệch rõ ràng.

Đơn cử, ngày 22-8: 4.193 ca; ngày 21-8: 4.084 ca; ngày 20-8: 3.375 ca; ngày 19-8: 4.425 ca; ngày 18-8: 3.731 ca; ngày 17-8: 3.559 ca; ngày 16-8: 3.341 ca.

Trung bình số ca nhiễm trong vòng 7 ngày ở mức 3.815 ca/ ngày. Nếu so sánh giai đoạn tuần thứ hai (từ 30-8 đến 5-9) với thời gian trước trên thì số ca nhiễm tăng hơn 2.000 ca mỗi ngày.

Như vậy, thành phố càng kéo dài thời gian giãn cách, càng siết chặt người dân ra ngoài đường, thì số ca nhiễm không hề giảm mà lại bị tác dụng ngược. Ví như 2 ngày gần đây nhất là ngày 6 – 7 tháng 9, số ca nhiễm đều trên con số 7.000 ca.

Nếu thành phố tiếp tục “giam cứng’ sau 15-9 để xét nghiệm tìm người nhiễm, thì chắc hẳn sẽ lên hơn con số của hiện tại. Vì theo một số chuyên gia dịch tễ, dịch bệnh ở thành phố đã “thấm sâu” trong thời gian qua, bất cứ đâu cũng có thể xuất hiện người nhiễm. Nếu giãn cách để bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng là điều không thể.

Chính vì vậy, vấn đề được nhiều người thẳng thắn đưa ra yêu cầu là lãnh đạo thành phố nên để cho hoạt động thông thương mua bán trở lại, người dân được ra bên ngoài sau những tháng liên tục ở nhà. Mọi hoạt động sản xuất cần được khôi phục vì mức sống hiện tại của người dân đã dần đi vào kiệt quệ vì dịch giã kéo dài từ tháng 1-2020 đến nay, là quá sức chịu đựng của giới cần lao.

Tags: , , , ,

Comments are closed.