Tin dịch covid-19 tại Việt Nam 17/7/2021


Một cảnh phong tỏa tại Việt Nam

VNTB – Vì sao chính sách ‘lockdown – phong thành’ kéo dài sẽ đẩy dân chúng vào khốn cùng?

Nguyễn Nam

(VNTB) – Thủ tướng Chính phủ đồng ý áp dụng giãn cách theo chỉ thị 16 đối với 16 tỉnh thành phía Nam từ 0g ngày 19-7-2021, thời hạn 14 ngày, để chống dịch.

Chỉ với 32 ký tự của ‘chapeâu’ ở trên đã quá dư dã cho việc gây choáng váng cho người nghèo, khi họ không biết sẽ phải kiếm cái ăn ở đâu cho những ngày được gọi tên rất đơn giản là ‘giãn cách theo chỉ thị 16’.

Chiều 17-7, báo chí đồng loạt đưa tin, Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký văn bản hỏa tốc về việc áp dụng biện pháp giãn cách xã hội để phòng, chống dịch tại một số địa phương.

Theo đó, ngoài 3 tỉnh, thành đang áp dụng chỉ thị 16 là TP.HCM, Bình Dương và Đồng Nai, sẽ có thêm 16 tỉnh, thành giãn cách theo chỉ thị này để chống dịch gồm: Cần Thơ, Bình Phước, Tây Ninh, Bà Rịa – Vũng Tàu, Tiền Giang, Long An, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Bến Tre, Hậu Giang, An Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Cà Mau và Kiên Giang.

Thứ trưởng Bộ Công thương, ông Đỗ Thắng Hải được báo chí ghi nhận về cam kết của bộ này: “Chúng ta đã có kinh nghiệm áp dụng chỉ thị 16 tại một số nơi như Bắc Giang, Bắc Ninh, TP.HCM. Xin khẳng định Chính phủ và các bộ ngành luôn đảm bảo đủ hàng phục vụ nhu cầu người dân. Mong người dân bình tĩnh, tin tưởng vào các chỉ đạo, hướng dẫn của các bộ ngành, địa phương, chúng tôi làm hết sức mình để bảo đảm nhu cầu thiết yếu của người dân”.

Vậy kinh nghiệm đó là gì mà Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải đã phát biểu ‘hồn nhiên’ đến vậy?

Đó là thực tế được ghi nhận ở bài báo “Đừng bình ổn thị trường trên giấy” đăng trên tờ Tuổi Trẻ số phát hành hôm 17-7. Bài báo cho biết, trong khi thị trường thực phẩm tại TP.HCM trở nên căng thẳng hơn tuần nay, sau khi TP.HCM thực hiện giãn cách xã hội, nhiều bản tin về tình hình hàng hóa, giá cả được Bộ Công thương phát ra lại đều khẳng định nguồn hàng hóa dồi dào, giá cả ổn định, việc khan hàng sốt giá chỉ cục bộ một vài nơi…

Chỉ đến các bản tin ngày 15 và 16-7, tình trạng người dân tại TP.HCM phải xếp hàng khi đi mua thực phẩm ở các siêu thị mới được ghi nhận với lý do quá nhiều người đi mua sắm, “giá các loại hàng trong siêu thị tăng nhẹ do chi phí vận chuyển tăng”… Những bản tin trước đó đều đưa ra những thông tin rất xa rời thực tế.

Chẳng hạn, tại bản tin ngày 14-7, bộ này cho biết thị trường Cần Thơ ổn định, siêu thị đủ hàng và không tăng giá… Tương tự, tại Đồng Nai cũng “không xảy ra hiện tượng đầu cơ, găm hàng”. Trước đó, bản tin ngày 11-7 khẳng định TP.HCM có lượng hàng hóa dồi dào, không có tình trạng khan hiếm, giá cả ổn định…

Trong thực tế, tràn ngập trên các mặt báo và những trang mạng xã hội là thông tin và hình ảnh người dân TP.HCM phải sắp hàng vài giờ trước siêu thị chờ mua hàng, nhưng vào được siêu thị lại chỉ thấy các quầy kệ trống trơn. Nhiều người đội nắng sắp hàng lúc 12g trưa nhưng chỉ nhận được… phiếu hẹn đến 22g quay lại mua hàng!

Bên cạnh đó, thì câu hỏi đang là ám ảnh của dân chúng: buộc ở nhà, vậy tiền đâu để họ có thể xoay xở cho các chi phí ăn uống, tiền điện nước, tiền thuê trọ?

Cũng có ý kiến phải chăng ‘lockdown’ khiến số ca tử vong Covid-19 tăng vì thật ra đây là những bệnh nhân có trong người những bệnh mãn tính, ‘lockdown’ khiến họ khó khăn hơn khi đi khám bệnh, và rồi bị ‘dính Covid’, họ dễ dàng bị suy sụp và nhập viện thì mọi chuyện trở nên muộn màng…

Đó là chưa kể – như xác nhận của lãnh đạo TP.HCM, “Phần lớn các ca mới những ngày qua đều trong khu cách ly. Chúng ta phải thẳng thắn nhìn nhận không loại trừ lây chéo ở những nơi này. Vì vậy, sắp tới phải giảm dần số ca F0 ở các khu cách ly, phong toả”, Chủ tịch UBND TP.HCM, ông Nguyễn Thành Phong nói, và cho rằng thống kê cho thấy 3 – 8% số ca trong khu cách ly do lây chéo, còn lại do ủ bệnh lâu.

Đọc thêm

VNTB – Người dân tiếp tục căng thẳng với lệnh tiếp tục ‘ở yên trong nhà’

Hiền Lương

(VNTB) – ‘Ở yên trong nhà’ là đối mặt với đứt bữa, với nợ nần bủa vây của tiền điện, tiền nước, và có thể là cả tiền thuê nhà.

Ngồi không mà ăn, núi cũng phải lở. Ông, bà mình dặn vậy rồi mà.

“Trong tình huống dịch bệnh tiếp tục diễn biến khó lường thì thành phố cũng lường trước đến chuyện sẽ tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16 trong một thời gian nữa” – Phó Bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM Phan Văn Mãi đã rào trước đón sau như vậy ở những lần họp báo vào mỗi buổi chiều.

Thậm chí, ông Phan Văn Mãi cũng xa gần nói rằng khi áp dụng giãn cách theo Chỉ thị 16, thì trong thời gian tối không loại trừ thêm việc “nâng lên mức phong tỏa ở rất nhiều địa bàn”.

Đã làm không ra tiền, với thực tế đang diễn ra về tình hình hàng hóa, người lao động hiện đang rất lo lắng về việc giá cả các mặt hàng thiếu yếu tăng cao tại một số khu chợ. Trong khi đó, tại các siêu thị bình ổn giá, một số mặt hàng chưa đáp ứng kịp thời nhu cầu của người dân.

Thị trường tiếp tục xáo trộn, tiếc thay đó là vì các yêu cầu của thủ tục hành chính do Bộ Y tế đưa ra, và lại ‘bảo thủ’ khi công luận lên tiếng về những phi lý cả về mặt kiến thức y học.

Đó là câu chuyện dài tập của phiếu trả kết quả xét nghiệm test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 được xem như “giấy thông hành” khi dịch Covid-19 đang gieo rắc sự sợ hãi, nỗi hoài nghi và nhân lên sự thoái thác, đùn đẩy ở nhiều nơi…

Ghi nhận tại chốt kiểm soát dịch liên ngành đặt tại xã Tân Đức, huyện Hàm Tân tỉnh Bình Thuận. Đây là một trong hai chốt mà tỉnh Bình Thuận thành lập để kiểm soát y tế ở hai đầu cửa ngõ ra vào địa phương, đoạn giáp Ninh Thuận và Đồng Nai từ ngày 7-7. Theo quy định, tất cả người đi/ đến/ về Bình Thuận phải có kết quả âm tính với Covid-19.

Một cảnh sát giao thông tại chốt cho biết tình trạng ùn ứ xe cộ hướng TP.HCM chạy ra trong thời gian hiện nay là thường bắt đầu từ chiều hôm trước, kéo dài qua tỉnh Đồng Nai khoảng 7km.

Nguyên nhân là tất cả xe cộ di chuyển hướng này buộc phải dừng lại tại chốt để kiểm tra y tế tài xế và người trên xe. Nhiều tài xế ‘chôn chân’ từ rạng sáng đến trưa cùng ngày mới di chuyển được.

Theo tính toán của một chỉ huy tại chốt, cứ 1 phút có khoảng 7 loại xe di chuyển qua đây. Khi vào khai báo y tế, một tài xế phải mất khoảng 10 phút. Nếu tài xế đi từ vùng dịch đến mà không có giấy xét nghiệm âm tính, hoặc đã hết hạn buộc phải vào khu vực test nhanh tại chốt.

Quy trình test trung bình khoảng 30 phút. Nếu một tài xế từ lúc vào khai báo cho đến test nhanh kết thúc phải mất gần 45 phút.

Đó là lúc công việc suôn sẻ. Còn thời điểm đông người test cùng lúc sẽ mất rất nhiều thời gian nhưng phải làm. Trung bình một ngày tại chốt này có khoảng 3.800 lượt xe cộ vào khai báo y tế. Chỉ huy chốt cho biết thường xuyên quá tải kể cả sức người lẫn trang thiết bị vật tư y tế.

Không chỉ vậy.

Ông Nay Phi La – Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk, cho rằng việc đòi hỏi đại trà tất cả những ai qua chốt phải có giấy thông hành là một việc làm không cần thiết, và tỉnh này đã đề nghị Bộ Y tế có kiến nghị Thủ tướng thống nhất việc có cần áp dụng giấy thông hành khi qua chốt hay không.

Đến nay, chưa thấy bất cứ một thông tin nào về xử lý những bất cập đối với giấy thông hành Covid-19 như kể ở trên.

Vì tính cho đến chiều 16-7, dù Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) đã yêu cầu cho những xe không dừng đỗ được đi không cần giấy, thì tỉnh Bình Phước vẫn yêu cầu “có giấy thông hành thì thông chốt”. Tại các chốt kiểm dịch, tỉnh này vẫn không tổ chức lấy mẫu, xét nghiệm test nhanh Covid-19 cho tài xế đường dài… Mà không qua được tỉnh Bình Phước thì sẽ rất khó để đi tiếp lên Tây nguyên.

Đọc thêm

VNTB – Ừ thì giãn cách, nhưng lao động bình dân sẽ ra sao?

Hoàng Mai

(VNTB) – 26.000 tỷ đã tới tay bao nhiêu người dân?

Chiều ngày 17-7-2021, nhiều người dân xôn xao với tin tức mà báo chí đưa ra, kèm theo đó là công văn hỏa tốc được ký bởi Thủ tướng Phạm Minh Chính vào cùng ngày, về vấn đề các tỉnh thành phía Nam giãn cách theo chỉ thị 16, từ 0g ngày 19-7.

Xoay quanh vấn đề này, xuất hiện nhiều luồng ý kiến, đại đa số là vì vấn đề phòng chống dịch Covid-19 hiệu quả ở khu vực miền Nam, cho nên đều đồng tình. Tuy nhiên, trong số đó, cũng có không ít ý kiến cho rằng, nếu như tiếp tục giãn cách theo chỉ thị 16, với những quy định như đang áp dụng hiện nay ở khu vực TP.HCM, nhiều người dân sẽ sinh sống ra sao?

Để giải đáp cho vấn đề, theo trích dẫn từ bài báo đăng trên báo Tuổi Trẻ thì:

Thủ tướng yêu cầu các bộ, cơ quan trung ương chủ động phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các địa phương để thực hiện nghiêm túc, hiệu quả chỉ thị 16, chú ý bảo đảm nguồn vật tư, trang thiết bị, nhân lực y tế, nhất là đội ngũ y bác sĩ, cán bộ, nhân viên y tế.

Đồng thời bảo đảm an ninh, an toàn, an sinh xã hội, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, không để bất cứ người dân nào thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu nhu yếu phẩm thiết yếu; đặc biệt chú ý nâng cao hiệu quả điều trị, ưu tiên tối đa nguồn lực cho các ca bệnh nặng”.

Thoạt nghe qua, là một cảm giác an tâm, bởi tất cả đã nằm trong tiên liệu trước.

Trước khi đưa ra quyết định toàn miền Nam cùng chung tay thực hiện chỉ thị 16, đã có sự tính toán trước không chỉ trong vấn đề vật tư, trang thiết bị hay nhân lực y tế mà còn là về an sinh, cuộc sống của người dân cũng như tình hình trật tự trị an. Tuy nhiên, làm việc đó như thế nào, ra sao, lại không được nói rõ.

“Thành phố Hồ Chí Minh vừa qua là một ví dụ đó. Không cần ngồi ở Việt Nam cũng thấy người dân rất tuân thủ quy định mà chính quyền địa phương đưa ra. Dù biết là khó khăn, là ảnh hưởng rất nhiều đến việc mưu sinh, đời sống của họ, nhưng họ vẫn chấp nhận hy sinh vì cái chung.

Có thể bạn thấy kéo dài thời gian thực hiện chỉ thị 16 thôi mà, có gì mà đáng lo, mấy ông cứ nói quá. Điều bạn nói có thể không sai nhưng nó không đúng với tất cả.

Với những người buôn gánh bán bưng, làm ngày nào sống ngày đó, dư dả một ít, để tiết kiệm, là mừng lắm rồi. Giờ đây, buôn bán không được, đi lại cũng khó khăn, một số công việc như vé số, xe ôm cũng tạm dừng. Không phải sống để ăn nhưng cần ăn để mà sống, giờ đây sẽ ra sao? Không lẽ suốt ngày ăn mì gói, cháo gói? Rồi sức khỏe sẽ như thế nào trước dịch bệnh Covid-19 này?

Vận động chủ nhà giảm tiền trọ là một phương pháp, dù thực tế cũng có không ít chủ nhà trọ không cần vận động vẫn tự động giảm tiền trọ, nhưng dù sao đi chăng nữa, đó cũng chỉ là bớt một phần tiền ở, còn tiền ăn, tiền sinh hoạt, tiền điện – nước, tiền phòng bệnh tật, đủ thứ cái để lo.

Trong khi đó, cái gọi là hỗ trợ Covid-19 cho những người khó khăn, có chắc chắn những ai khó khăn đều được nhận không? Đã giải ngân hết chưa? Rồi 26.000 tỷ trao được bao nhiêu người?

Một số người có thể thấy thêm thời gian chỉ thị 16 là bình thường như đối với một số lao động nghèo, lang thang cơ nhỡ, là khó khăn nhiều lắm chứ”.

Hàng loạt vấn đề ở trên đang được đặt ra qua góc nhìn của giới lao động cần lao.

Có thể nói, người dân luôn sẵn sàng chung tay cùng chính phủ và chính quyền địa phương thực hiện chỉ thị 16 để đẩy lùi dịch Covid-19. Thế nhưng, cũng mong rằng, sẽ có chính sách an sinh thật sự rõ ràng và hiệu quả để người dân không quá cơ cực trong thời gian này…

Đọc thêm

VNTB – Kịch bản thứ 4 mà Thành ủy TP.HCM cố tình lảng tránh

Quang Nhựt

(VNTB) – Kịch bản thứ 4 bao trùm: người dân chỉ sống bằng không khí suốt cả 3 kịch bản, nhất là khi có thêm 16 tỉnh, thành cùng đồng loạt ‘bế môn’?

Phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM  Phan Văn Mãi nói rằng có thể thành phố này tiếp tục ‘phong thành’ thêm thời gian nữa để nhà chức trách ‘kiểm soát dịch’.

Ông Phan Văn Mãi cũng đã đưa ra 3 kịch bản sau thời gian giãn cách xã hội theo chỉ thị 16.

Kịch bản thứ 1 là chính quyền thành phố kiểm soát được dịch Covid-19, lúc này sẽ xem xét lại việc thực hiện chỉ thị 16; có thể là chỉ thị 16 hay chỉ thị 15 hoặc chỉ thị 19.

Kịch bản thứ 2 là chính quyền chưa kiểm soát được và dịch vẫn gia tăng, lúc này sẽ tiếp tục chỉ thị 16 một thời gian, và có thể thực hiện gia giảm kiểu ‘drama’ 16+ ở một số địa bàn.

Kịch bản thứ 3 là dịch gia tăng mạnh mẽ, mất kiểm soát nên chính quyền phải tính đến tình huống phong tỏa với ‘biện pháp mạnh hơn’ – nhưng lại không nói rõ là biện pháp gì.

Theo ông Mãi – một chính khách vừa chân ướt chân ráo đến từ miệt sông nước Bến Tre, thì Ban chỉ đạo phòng, chống dịch TP.HCM đang nỗ lực thực hiện để đạt được mục tiêu theo kịch bản thứ 1. Tuy nhiên, trong tình hình dịch bệnh diễn biến khó lường, chính quyền cũng lường trước việc sẽ tiếp tục thực hiện chỉ thị 16 trong một thời gian nữa, sau khi hết 15 ngày giãn cách xã hội.

Kể từ ngày 9-7-2021, TP.HCM đã trải qua hơn 1 tuần lễ dưới chỉ thị 16 của chính phủ. Trong thời gian qua, có thể nói, thành phố này đã “thay da đổi thịt” nhiều.

Những con đường luôn tràn ngập xe cộ qua lại, giờ đây vắng hoe, liệu chăng, nếu có, thì đó cũng là những xe cấp cứu hoặc xe buýt chở người bệnh đi cách ly, chữa trị.

Những con phố tấp nập hàng ăn, hàng quán thì giờ đây được thay bằng cảnh giăng dây, đóng cửa ở nhiều nơi. Những khu chợ buôn bán ở ngoài đường, luôn đông đúc người mua kẻ bán thì giờ đây là hình ảnh của chiếc lá bay theo chiều của một cơn gió thoảng qua, hay một vài chú chó đi lang thang ngoài đường, ở cái nơi là ngày xưa luôn tấp nập xe cộ.

Có thể nói, một tuần qua là một tuần khó khăn.

Khó khăn trên nhiều phương diện, từ công việc, đi lại cho đến lương thực, thực phẩm rồi hồi hộp rằng, trong vô vàn những con người đó, không biết rằng, mình có “vấp phải F0” nào hay không?

Biết rằng, chính quyền rất nỗ lực trong việc đảm bảo nguồn hàng hóa, phục vụ cho người dân, song hễ mỗi khi có một ‘fake news’ xuất hiện, hình ảnh người người đứng xếp hàng, có lẽ, hoàn toàn không khó để bắt gặp.

Một tuần hơn trôi qua với nhiều vấn đề, vẫn chấp nhận khó khăn, chuẩn bị tinh thần cho tuần mới khi chỉ thị 16 vẫn còn đó. Thôi thì đã thông báo trước, có một ít thời gian để chuẩn bị từ vấn đề ăn uống cho đến công việc, biết rằng càng kéo lâu thì càng khó khăn, cũng đành chấp nhận.

Những ngày qua, mặc dù có tin tức trong thời gian dưới chỉ thị 16, số ca nhiễm trong cộng đồng đã có chiều hướng giảm (mặc dù ngày nào số ca nhiễm cũng như số ca đang điều tra dịch tễ là hoàn toàn không ít, vaccine thì hết dời ngày này tới ngày khác), thôi thì lạc quan mà nghĩ, có tín hiệu tích cực là điều đáng mừng rồi.

Thế nhưng, theo như lời ông Mãi, một kịch bản về chỉ thị 16 tiếp tục được thực thi, liệu rằng khi đó, sẽ như thế nào?

Có thể sẽ là càng lúc càng khó khăn hơn. Tuần đầu, nhiều người còn có thể trụ được vì còn có thể ăn vào tiết kiệm.

Tuần hai, vơi đi phần nào nhưng có lẽ cố gắng vẫn còn có thể cầm cự được. Nhưng thêm tuần ba hay thêm 15 ngày nữa, thật sự là một điều khó khăn. Rồi còn những người khuyết tật, những người bán vé số, chạy xe ôm…, chạy ăn hằng ngày đã khó, giờ đây còn chỉ thị 16, biết làm sao?.

Người dân sẵn sàng chung tay phòng chống dịch Covid19 với chính quyền; người dân sẵn sàng nghe theo những quy định chính quyền đưa ra, sẵn sàng tin tưởng và chấp nhận khó khăn.

Lên tiếng trước về ba kịch bản sau 15 ngày thực hiện chỉ thị 16 là một ghi nhận về tầm nhìn những cái sắp tới. Song, tại sao lại không có (hoặc không thông báo hay tờ báo không viết) về những kịch bản sắp tới cho vấn đề dân sinh khi thực hiện 3 kịch bản dịch sau thời gian giãn cách xã hội theo chỉ thị 16?

Vô tình ‘quên’ hay không để tâm, hoặc đơn giản vì lực bất tòng tâm?!

Comments are closed.