Chuyện Việt Nam Thứ  tư 10/05/2023: * Tham nhũng…. *Trù dập cô Lê Thị Dung là rất phổ biến, * Việt Nam có thể nêu quan ngại về an ninh Biển Đông; *


Quê Hương tổng hợp


Tham nhũng 10 đồng, chỉ thu hồi được 3 đồng

Tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng ở Việt Nam hiện nay chỉ đạt 32.5%, tức mất 10 đồng chỉ thu hồi được 3 đồng. 

An Vui /SGN – 09/5/2023

Tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng, số liệu từ Ban nội chính trung ương, đồ họa Tuổi Trẻ 

Đó là thông tin từ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tuổi Trẻ trích đăng ngày 8 Tháng Năm 2023.

Trong kiến nghị gửi cấp trên (Bộ chính trị, Ban bí thư, Thường trực chính phủ), cơ quan Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho biết trong giai đoạn từ 2018 – 2021 và chín tháng đầu năm 2022, việc thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế còn thấp.

Tỷ lệ thu hồi chỉ đạt 32.5%, tức mất 10 đồng chỉ thu hồi được 3 đồng. Cơ quan này phàn nàn đến nay chưa có quy trình cụ thể để truy tìm tài sản, xác định “đường đi” của tài sản bị chiếm đoạt để làm rõ hành vi che giấu nguồn gốc tài sản tham nhũng.

Cụ thể, Bộ luật hình sự quy định biện pháp tịch thu tài sản của người bị kết án để nộp ngân sách nhà nước chỉ áp dụng với người bị kết án về tội phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng xâm phạm an ninh quốc gia, tội phạm ma túy, tham nhũng.

Hơn nữa, lại thiếu cơ chế về kiểm soát thu nhập cũng như luật đăng ký tài sản.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, bà Trương Thị Ngọc Ánh, phó chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đề nghị để cải thiện việc này thì việc kê khai tài sản của cán bộ, công chức, người có chức vụ quyền hạn trong bộ máy nhà nước tại nơi cư trú để người dân cùng giám sát là điều cần thiết.

Nếu có sự giám sát của người dân sinh sống cùng khu dân cư với cán bộ, đảng viên thì sẽ kịp phát giác việc tẩu tán tài sản.

Theo luật sư Trương Thanh Đức, giám đốc công ty luật ANVI, nhà nước nên xây dựng một website để công bố công khai tài sản quan chức, cán bộ để mọi người dân có thể giám sát. Các quan chức nên chấp nhận công khai tài sản trong khi đương nhiệm.

Quan chức có tài sản thì sẽ chịu sự giám sát của người dân; còn quan chức có tài sản nhưng không kê khai, cố tình che giấu tài sản thì khi phát giác có thể bị tịch thu.

Vụ án AVG thuộc loại hiếm hoi, thu hồi được 100%, hơn 8,000 tỷ đồng ($341 triệu) – Ảnh: Tuổi Trẻ 

Còn việc kiểm soát đầu tư ra ngoại quốc của quan chức, cán bộ, trong đó có mua bất động sản thì sao? Theo ông Nguyễn Văn Toàn, phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, với quy định pháp luật về đầu tư hiện nay thì có thể kiểm soát được nếu họ có đăng ký dự án đầu tư và được Cục Đầu tư nước ngoài cấp phép.

Tuy nhiên, nếu họ đầu tư qua kênh thứ ba, đầu tư chui thì rất khó kiểm soát. Ông Trương Thanh Đức cũng công nhận việc kiểm soát tài sản của quan chức ở ngoại quốc là rất khó. Vấn đề mấu chốt là quan chức đầu tư bất hợp pháp ra ngoại quốc nên mới cần kiểm soát.

Ông Đức tư vấn: Phải đề ra cơ chế xử lý đủ tính răn đe nếu phát giác quan chức đầu tư bất hợp pháp ra ngoại quốc, nhằm hạn chế, ngăn chặn từ xa hoạt động tẩu tán tài sản của quan chức.

Ông Thang Văn Phúc, cựu thứ trưởng Bộ nội vụ, cho rằng cốt lõi là phải thay đổi quy định trong phòng chống tham nhũng, ông nói với Tuổi Trẻ: Cái gốc của vấn đề là phải thay đổi hệ thống quản trị để bịt dần những kẽ hở chính sách, pháp luật, tránh lợi dụng chính sách để tham nhũng, tiêu cực.

Luật sư Phạm Tấn Thuấn, Đoàn luật sư thành phố (Sài Gòn), tư vấn: Rất cần để dân giám sát bản kê khai tài sản của quan chức vì họ nắm rất nhiều thông tin và thậm chí rất chính xác.

Thế nhưng hiện nay, theo quy định phòng chống tham nhũng thì bản kê khai tài sản của cán bộ, đảng viên thuộc diện có nghĩa vụ kê khai tài sản chỉ công khai với tổ chức đảng tại nơi họ công tác.

Các bản kê khai này cũng được giao cho đầu mối quản lý tập trung là cơ quan Thanh tra, nên người dân không thể cùng giám sát, kiểm tra, ngăn ngừa… hành vi tham nhũng.

Vì thế, theo ông Thuấn, rất cần bổ sung vào quy định pháp luật phòng chống tham nhũng về việc công khai bản kê khai tài sản của đảng viên, cán bộ tại địa phương, nơi họ cư trú… cho người dân cùng giám sát.

Thật ra thì các ông các bà ấy chỉ nói thế thôi. Chẳng người dân nào có thể giám sát được cái hệ thống của họ cả. Còn lâu mới tin là họ thành thật để dân “giám sát”.


Việc trù dập như với cô Lê Thị Dung là rất phổ biến ở xứ này

Nguyễn Đình Ấm/VNTB

10/5/2023

 “Thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh”

Ở một xứ xở như Việt Nam thì việc cấp trên trù dập người, cấp dưới cản trở những hành vi sai trái của mình là rất phổ biến. Bởi vì, thực chất quan chức đồng thời là đại diện của đảng mà đảng “lãnh đạo toàn diện” nắm trong tay mọi quyền hành, luật pháp nên quan chức đảng lộng hành, tùy tiện ứng xử với cấp dưới, “thấp cổ, bé họng” là tất yếu. Việc cấp dưới, người dân ngăn chặn những hành vi sai trái của quan chức là “phạm thượng”, hầu hết phản tác dụng, thất bại.

Theo FB Lưu Trọng Văn, cô Lê Thị Dung là cán bộ cấp dưới nhưng đã  phản đối việc cấp trên (sở, huyện, tỉnh) bán đất của trung tâm GDTX do cô quản lý cho tư nhân, gửi đơn lên bộ Nội vụ và lãnh đạo cơ quan này về sai phạm tuyển dụng của giám đốc sở GDĐT tỉnh, “ có cuộc gặp căng thẳng” giữa cô và P. chủ tịch tỉnh Nghệ An…Nếu đúng vậy thì việc cô Dung bị án oan mà dư luận cả nước phẫn nộ là tất yếu.

Là cấp dưới mà dám như thế thì làm sao cấp trên đầy quyền uy khoan dung được. Nếu cô Dung không bị trừng phạt thì mọi việc sai trái trong xứ sẽ bị “soi”, rất bức bối, làm sao mà để yên được? Vấn đề là bộ máy quyền hành ở xứ Nghệ quá nôn nóng, coi thường dư luận xã hội trong việc xử cô Dung mà thôi. Với những nơi khác, vụ khác họ sẽ áp dụng vô vàn cách để vô hiệu hóa, trừng phạt tàn nhẫn kẻ “chống phá” ví như phân công việc khác ở TTGDTX huyện Tương Dương, Mường Xén…chẳng hạn thì cô Dung có phản đối được không khi sức khỏe hạn chế, mọi điều kiện sinh hoạt, sinh sống của gia đình bị đảo lộn. 

Nếu cô Dung phản đối sẽ xuất hiện tội “chống đối sự phân công của đảng”, việc khai trừ đảng, cho thôi làm giám đốc, chuyển làm tạp vụ ở cơ quan thì cũng “âu trời cãi”. Trong vụ cướp đất ở dự án Ecopark Văn Giang một trong những cách khuất phục những người không chịu nhận tiền đền bù đất, phản đối giao ruộng của chính quyền là chuyển công tác con em họ đến nơi bất lợi, khó khăn, cản trở sản xuất kinh doanh, không cấp giấy đi xuất khẩu lao động, kết hôn…

Chính tôi đã bị cách trù dập cực kỳ ma giáo của lãnh đạo tạp chí, ngành hàng không Việt Nam. Từ những năm 1990 tôi đã “cản phá”, ngăn chặn một số vụ tham nhũng lớn, nhỏ ở ngành HKVN. Đầu năm 1994 tôi vẫn là phóng viên cỡ chủ chốt của tờ báo, thành tích “đầy mình” tự nhiên tổng biên tập tạp chí HKVN chuyển tôi “thôi làm phóng viên làm tạp vụ của cơ quan trong đó bán dạo tạp chí HKVN” với số lượng không tưởng. 

Tất nhiên tôi không thể bán được số lượng tạp chí “trên trời” mà họ giao cho. Thế là tôi phát sinh tội “Không hoàn thành nhiệm vụ”. Tôi tố cáo lãnh đạo tạp chí và ngành HKVN trù dập tôi. Thế là tôi phát sinh tội “vu khống lãnh đạo HKVN” và lực lượng công an được sử dụng ngay. 

Năm 1996 tôi bị cơ quan điều tra A24 bộ nội vụ (nay là bộ công an)khởi tố, điều tra, khám xét nhà cửa về tội “vu khống lãnh đạo HKVN”… hòng cho tôi vào nhà đá. Hồi đó chưa có mạng Internet, mạng xã hội nên tôi phải âm thầm chịu trận và tìm cách “phản đòn”. Rất may tôi đã chứng minh đanh thép những tố cáo của tôi với họ là còn dưới sự thật, đăng được nhiều vụ tham nhũng “động trời” của họ trên các báo khác, bản chất lãnh đạo ngành HKVN phơi bày trước thiên hạ và sự may mắn nên thoát nạn.

Vấn đề ở đây là mọi sự tố cáo của nhân viên, cấp dưới với cấp trên hầu hết bị lờ đi, trù dập, nên chỉ tỷ lệ cực nhỏ trường hợp người như tôi, cô Dung “dại dột” làm cái việc 99,9% thất bại mà thôi. Việc hầu hết các vụ tham nhũng do tình cờ bị lộ và báo chí phát hiện chứ không phải cơ quan pháp luật,thanh tra, kiểm soát, công đoàn, mặt trận tổ quốc…có chức năng giám sát, chống tham nhũng phát hiện chứng tỏ điều đó.

Vừa qua, tại hội nghị TW4 khóa 12 đã nêu cần loại bỏ căn bệnh diễn ra ở nhiều nơi, từ rất lâu “thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh” nhưng có kết quả gì không khi trật tự cũ vẫn không thay đổi?


Hội nghị cấp cao ASEAN 42: Việt Nam có thể nêu quan ngại về an ninh Biển Đông

Quốc Phương, cộng tác viên RFA Tiếng Việt từ London
10/5/2023

Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính hội đàm với Quốc vương Brunei Hassanal Bolkiah hôm 10/5/2023 trong cuộc gặp song phương bên lề Hội nghị Cấp cao ASEAN tổ chức tại Labuan Bajo, tỉnh Đông Nusa Tenggara, Indonesia. 

https://www.rfa.org/++plone++rfa-resources/img/icon-zoom.pngREUTERS/Willy Kurniawan/Pool 

Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 42 đang được tổ chức ở Labuan Bajo, Indonesia, trong bối cảnh quốc tế và khu vực còn có nhiều căng thẳng từ an ninh, chính trị, cho đến kinh tế, thương mại.

Truyền thông Việt Nam đưa tin Thủ tướng Việt Nam ông Phạm Minh Chính, cùng ngày đã tới Indonesia, nơi mà trong ba ngày hội nghị, sẽ dự các phiên họp toàn thể và phiên họp hẹp của ASEAN 42.

“Sáng 10/5, tại Labuan Bajo, Indonesia, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Trưởng đoàn các nước ASEAN tham dự lễ khai mạc và phiên toàn thể hội nghị cấp cao Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lần thứ 42. Thủ tướng Phạm Minh Chính và lãnh đạo các nước sẽ dự phiên toàn thể và những phiên đối thoại giữa lãnh đạo các nước ASEAN và đại diện Đại hội đồng liên nghị viện ASEAN, đại diện thanh niên ASEAN, đại diện Hội đồng tư vấn kinh doanh ASEAN, Nhóm công tác cấp cao về Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau năm 2025.

Các phiên họp của hội nghị cấp cao ASEAN 42 sẽ tập trung thảo luận về tiến trình xây dựng cộng đồng ASEAN, tập trung vào chủ đề ‘ASEAN tầm vóc: Tâm điểm của tăng trưởng’; trao đổi về những vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm.,” báo mạng VietnamNet, thuộc Bộ Thông tin & Truyền thông hôm thứ tư cho biết.

Đâu là nội dung chính yếu được kỳ vọng?

Nhân dịp này, từ Sài Gòn, Tiến sĩ Nguyễn Thành Trung, Giảng viên Đại học Fulbright, nhà nghiên cứu quan hệ quốc tế và khu vực và Tiến sĩ Nguyễn Khắc Giang, nhà nghiên cứu khách mời thuộc Viện ISEAS Singapore dành cho Đài Á Châu Tự Do một cuộc trao đổi xung quanh sự kiện này và những kỳ vọng đối với Việt Nam và ASEAN ở hội nghị cấp cao lần thứ 42 này.

RFA: Đâu là nội dung chính yếu được các giới quan sát, phân tích kỳ vọng và chờ đợi từ Hội nghị cấp cao ASEAN lần này đối với khối này và các nước thành viên, và các chủ thể quốc tế, khu vực có lợi ích trực tiếp liên quan, đặc biệt về hợp tác an ninh khu vực, hợp tác phát triển nói chung ở vùng này, thưa ông?

TS. Nguyễn Thành Trung: Tôi cho rằng đó chính là sự đồng thuận giữa những nhà lãnh đạo ASEAN về những bước cụ thể sắp tới cho Cộng đồng ASEAN. Đó chính là Kế hoạch Tổng thể 2025 cho 3 trụ cột chính trị-an ninh, kinh tế và văn hóa-xã hội.

TS. Nguyễn Khắc Giang: Thông thường một năm ASEAN sẽ có 2 kỳ thượng đỉnh, kỳ họp đầu tiên sẽ bàn về các vấn đề nội khối. Mỗi nước sẽ có mục tiêu riêng, nhưng chương trình nghị sự phụ thuộc vào nước chủ nhà. Theo lịch trình từ nước chủ nhà Indonesia, các vấn đề được quan tâm bao gồm việc tăng cường các thể chế hợp tác của ASEAN từ sau tầm nhìn 2025, phục hồi kinh tế, và Myanmar. Câu chuyện được quan tâm nhất có lẽ là cuộc khủng hoảng ở Myanmar mà ASEAN vẫn chưa giải quyết được trong vài năm qua và các thảo luận về phục hồi kinh tế sau đại dịch.

RFA: Đâu là điều mà Việt Nam chờ đợi nhất có thể nhận được từ hội nghị cấp cao ASEAN lần này, so với những quan tâm được ưu tiên tại thời điểm này, cũng như hướng tới tương lai trung bình và dài hạn?

TS. Nguyễn Thành Trung: Đó chính là ASEAN có thể thúc đẩy được vai trò trung tâm của mình trong việc giải quyết các vấn đề khu vực. Để làm được điểu này, ASEAN phải trở thành một cộng đồng gắn kết. Đó cũng là điều mà Việt Nam mong đợi các quốc gia ASEAN có thể đạt được trong việc xây dựng một kế hoạch cụ thể cho Cộng đồng ASEAN 2025.

TS. Nguyễn Khắc Giang: Theo tôi, ASEAN vẫn là thể chế đa phương quan trọng bậc nhất trong chính sách đối ngoại của Việt Nam. Việc tăng cường sức mạnh nội khối ASEAN cũng sẽ là quan tâm của Hà Nội trong dài hạn, nhằm hạn chế ảnh hưởng từ diễn biến phức tạp của cạnh tranh Mỹ – Trung. Trong ngắn hạn, diễn đàn ASEAN luôn là nơi để Việt Nam nêu lên những lo ngại về an ninh, đặc biệt là biển Đông. Indonesia không phải là một bên tranh chấp, tuy nhiên, với vai trò của mình cũng như ảnh hưởng từ tuyên bố chủ quyền phi pháp của Trung Quốc, Việt Nam có thể kỳ vọng thúc đẩy câu chuyện an ninh biển Đông trong chương trình nghị sự và trong các phiên thảo luận liên quan của hội nghị.

Lãnh đạo của 10 nước ASEAN chụp ảnh lưu niệm hôm 10/5/2023. Ảnh: Akbar Nugroho Gumay/Pool via REUTERS 

An ninh và chủ quyền trên Biển Đông của Việt Nam sẽ có tiến bộ gì?

RFA: Cụ thể hơn, một số khía cạnh như tăng cường và hợp tác an ninh ở Biển Đông Nam Á, Biển Đông sẽ có thể được Việt Nam tận dụng, khai thác ra sao ở hội nghị cấp cao này, kể cả một số vấn đề nội khối (như chẳng hạn Indonesia có biên giới trên biển được cho là có “chồng chéo”, “chồng lấn” với Việt Nam, trong lúc họ cũng có những tranh chấp với Trung Quốc ở Biển Đông)? An ninh, chủ quyền biển đảo của Việt Nam trên Biển Đông qua hội nghị cấp cao lần này có thể đạt tiến bộ gì không và ra sao?

TS. Nguyễn Thành Trung: Theo tôi, các vấn đề mang tính đa phương luôn sẽ giải quyết khó hơn các vấn đề song phương. Chúng ta cũng biết tháng 12/2022, Việt Nam và Indonesia đã hoàn tất đàm phán phân định vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) chồng lấn giữa hai nước sau 12 năm. Song phương chỉ giữa hai nước mà còn tới thời gian như vậy thì tôi cho rằng không dễ dàng cho chúng ta thấy tiến bộ ở các hội nghị đa phương. Do đó, tôi không nghĩ rằng hội nghị cấp cao ASEAN 42 có thể mang lại nhiều tiến bộ và thuận lợi cho Việt Nam để đưa ra các vấn đề liên quan đến biển Đông.

TS. Nguyễn Khắc Giang: Việt Nam và Indonesia hoàn tất đàm phán phân định vùng đặc quyền kinh tế vào cuối năm ngoái, tạo cơ sở để hai nước thống nhất một “mặt trận” chung đấu tranh với tuyên bố chủ quyền phi pháp của Trung Quốc. Tuy nhiên, do chương trình nghị sự lần này tập trung vào vấn đề nội khối, biển Đông có lẽ sẽ không phải là chủ đề được quan tâm nhiều. Tuy vậy, Việt Nam có thể tận dụng cơ hội này để tiếp tục nêu rõ quan điểm của mình về biển Đông, đồng thời thúc đẩy một quan điểm nội khối thống nhất khi thảo luận vấn đề xây dựng Tuyên bố ứng xử các bên trên biển Đông (DOC) với Trung Quốc.

RFA: Về khía cạnh hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, y tế, môi trường, năng lượng, đặc biệt là hợp tác hỗ trợ tiến bộ về cải cách thể chế, nâng cao năng lực quản trị, trong đó có đẩy mạnh các tiến trình dân chủ hóa, dân chủ pháp trị hay nhà nước pháp quyền và tự do thị trường, thì cấp cao này có thể có khả năng ít nhiều đáp ứng gì về nhu cầu cho các nước thành viên, và trong đó có Việt Nam hay không?

TS. Nguyễn Thành Trung: Tôi cho rằng ASEAN sẽ đề cập nhiều hơn các vấn đề về hồi phục kinh tế sau đại dịch COVID-19, cũng như giảm thiểu tác động tiêu cực của chiến sự Ukraine, và căng thẳng Mỹ-Trung trong khu vực hơn là đẩy mạnh về các tiến trình dân chủ hoá. Tập trung sẽ vào việc làm thế nào để đưa Cộng đồng ASEAN gần với hiện thực hơn vào năm 2025.

TS. Nguyễn Khắc Giang: Nguyên tắc cơ bản của ASEAN là không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, nên những vấn đề về hợp tác hay thúc đẩy cải cách thể chế và dân chủ hóa là rất khó khăn, nếu không muốn nói là không thể. Bản thân các nước ASEAN đều gặp vấn đề riêng về dân chủ và có thể chế chính trị vô cùng đa dạng và phần lớn là phi dân chủ, nên dù ASEAN có nêu ra các vấn đề về dân chủ (như tuyên bố nhân quyền ASEAN), đây cũng không phải là ưu tiên. ASEAN không phải là một hình mẫu về liên minh dân chủ như Liên minh Châu Âu, và có lẽ sẽ không bao giờ trở thành như vậy. Ngay như cuộc khủng hoảng ở Myanmar, xuất phát từ một cuộc đảo chính quân sự lật đổ một chính quyền dân sự được bầu lên, ASEAN vẫn đang loay hoay tìm phương án giải quyết.

Có tiếp cận gì mới và kỳ vọng gì về hợp tác và cải thiện nhân quyền?

RFA: Về cải thiện nhân quyền thì có thể trông đợi gì về hợp tác, quan tâm nội khối hay không qua cấp cao này, hay phải đợi tới một vài cấp cao khác? Quan điểm riêng của ông thế nào về năng lực của ASEAN trong việc giúp các nước thành viên cải thiện và nâng cao vẫn đề đảm bảo nhân quyền, dân chủ ở nội khối này, mặc dù ASEAN có thể có quy định nội bộ nào đó mà có thể bị một số quốc gia thành viên có thể có quan ngại, mà có thể viện đến để tránh áp lực, chẳng hạn như Myanmar, Lào, Campuchia hay như một số nhà quan sát nói, đặc biệt là Việt Nam, với Việt Nam gần đây các bảng xếp hạng từ Reporters Without Border, cho tới PEN America chẳng hạn, đều cho thấy sự quan ngại về tình trạng được cho là “xấu đi” khá đáng quan ngại qua việc chính quyền được cho là tăng cường trấn áp các giới trong đó có giới phản biện độc lập, các thành viên xã hội dân sự, những người viết, các nhà báo và những nhà hoạt động ôn hòa khác? Ý kiến trên quan điểm riêng của ông về vấn đề này thế nào?

TS. Nguyễn Thành Trung: Tôi cho rằng ASEAN vẫn trung thành với quan điểm của họ là không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau. Nguyên tắc này được nhiều nhà phân tích cho là điểm yếu của ASEAN, nhưng cũng có ý kiến cho rằng chính việc không can thiệp nội bộ của nhau khiến cho các quốc gia trong khối duy trì được sự đoàn kết của mình, và giữ họ ở lại trong khối. Do đó, tôi cho rằng ASEAN sẽ tránh đề cập tới vấn đề nhân quyền hay dân chủ. Ngoài ra, các quốc gia trong khối hầu như cũng đều có vấn đề này vấn đề kia nên họ không thể nào “lên giọng” với quốc gia khác được.

TS. Nguyễn Khắc Giang: Tương tự như trên đã đề cập, tôi không cho rằng nhân quyền là mối quan tâm chính của các nước ASEAN, vốn không phải là tập các nước dân chủ kiểu như EU và có những nguyên tắc rõ ràng về dân chủ và nhân quyền. Nguyên tắc chính của ASEAN là không can thiệp, và chúng ta thấy rõ điều này ngay cả khi xuất hiện các cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Myanmar vào năm 2018 (khủng hoảng người Rohingya) và sau năm 2021 sau cuộc chính biến của quân đội nước này. Vì thế, sẽ khó kỳ vọng ASEAN sẽ cải thiện được gì nhiều tình hình dân chủ hay nhân quyền của các nước thành viên.

RFA: Xin chân thành cảm ơn hai ông đã trả lời cuộc phỏng vấn này.

Tiến sĩ Nguyễn Thành Trung hiện là giảng viên chuyên ngành Quan hệ Quốc tế và Chính trị học so sánh tại Đại học Fulbright Việt Nam. Trước đây, ông từng là Trưởng khoa Quan hệ Quốc tế và Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế (SCIS), ĐH KHXH-NV, ĐHQG-HCM. Ông Nguyễn Thành Trung từng du học sau đại học cả ở Trung Quốc, Mỹ và Hong Kong, và thành thạo tiếng Anh và Trung.

Tiến sỹ Nguyễn Khắc Giang là Nghiên cứu viên khách mời tại Chương trình Nghiên cứu Việt Nam thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS-Yusof Ishak Institute), Singapore, ông nhận bằng Tiến sĩ về Khoa học Chính trị tại Đại học Victoria ở Wellington, New Zealand. Ông cũng từng là trưởng nhóm nghiên cứu chính trị tại Viện NC Kinh tế và Chính sách (VEPR), Đại học Kinh tế, thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội.

https://www.rfa.org/vietnamese

Comments are closed.