Nhiệm vụ cuối (của đảng CS)(*) – Phan Công Luận (tháng 5, 1989)


 Tháng 5/ 1989

Tổng bí thư đảng Cộng sản (Rumani) bị Tòa án binh tuyên án xử tử hình ngay lập tức vì tội đàn áp nhân dân

Sau một loạt cuộc cách mạng nhung, hòa bình ở Trung và Đông Âu năm 1989, cuộc cách mạng ở Rumani đã diễn ra đầy bạo lực và đẫm máu, làm hàng nghìn người chết.

Nằm mộng thấy Lê-Nin lại bảo,

Ra công tìm kiếm gạo từ đây,

Tao thôi chẳng có nuôi mầy…

 (Quốc Văn Giáo Khoa Thư, tân trang)

1. CÁI GIƯỜNG CỦA PROCUSTE 

«ÐỔI MỚI»? Chủ nghĩa cộng sản là một hệ thống: những chính sách, chủ trương của nó, mặc dù không có cùng tầm quan trọng, vẫn gắn bó chặt chẽ với nhau như chuỗi khâu của một dây xích. Có những khâu có khả năng quy định các khâu khác và mang tính chủ động; có những khâu bị quy định và chỉ mang tính thụ động. Ðặt vấn đề đổi mới trong điều kiện này, nói cho cùng, là đặt vấn đề thay đổi khâu nào, để một sự biến đổi, tùy theo ý muốn của người khởi xướng, có thể hay không có thể gây ra một phản ứng dây chuyền, có khả năng phát động hàng loạt đổi thay khác, thậm chí đi đến chỗ cải tổ luôn cả bản chất của toàn bộ hệ thống.

«CỞI TRÓI»? Chủ nghĩa cộng sản còn thuộc loại quá trình nhằm áp dụng một học thuyết vào những hoàn cảnh lịch sử xã hội cụ thể, đặc thù. Cho đến bây giờ, đây là một quá trình vừa xuống cấp vừa tự trói: mỗi bước «phát triển» là một sự đơn giản hóa tư duy sáng tạo thành công thức máy móc, và tự trói mình vào những giáo điều khô chết đó. Từ Karl Marx xuống đến Trường Chinh, qua Lênin, Stalin và Mao, chủ nghĩa Marx đã trở thành một thứ chủ nghĩa kinh viện mới. Hô hào cởi trói trong điều kiện này, nói cho cùng, là kêu gọi thoát ly ra khỏi ảnh hưởng tê liệt của những công thức giáo điều ở mọi cấp bậc để, từ thấp lên cao, trở về với tư duy sáng tạo.

Tại sao lại phải «đổi mới», phải «cởi trói»? Vì khi vào đến Việt Nam, chủ nghĩa Marx đã trở thành cái giường của Procuste. Trong thần thoại Hy Lạp, đạo tặc Procuste là hung thần của khách qua lại vùng Attique. Sau khi cướp của, Procuste thường đặt những nạn nhân của hắn lên một cái giường đặc biệt bằng sắt, tay chân ai dài quá kích thước của giường sẽ bị chặt đi, tay chân ai quá ngắn sẽ bị kéo dài ra cho vừa với kích thước của giường. Trên cái giường tử thần đó, dĩ nhiên là những nạn nhân của y chỉ còn có nước giãy chết. Về sau, Thésée đã bắt Procuste phải đền tội cũng bằng chính cực hình này. Procuste là Ðảng Cộng Sản Việt Nam, những nạn nhân của hắn là các thành phần dân tộc Việt Nam, và cái giường quan tài chính là chủ nghĩa cộng sản.

2. «ÐỔI MỚI» HAY ÐỔI TIỀN TÂN TRANG

Tình thế hiện nay ở Việt Nam không thể nào kéo dài mãi mãi. Ai cũng biết như thế và ai cũng chờ đợi một sự thay đổi. Khi nghe nhóm ông Nguyễn Văn Linh phát động đổi mới, tôi đã hy vọng: có lẽ Trung Ương Ðảng cũng không đến nỗi đui mù như người ta vẫn sợ. Ðược tin ông Ðỗ Mười lên làm thủ tướng để thực hiện đổi mới, tôi đâm lo: giữa khái niệm «đổi mới» và tên họ ông Ðỗ Mười, không có cái gì chung, ngoài hai chữ viết tắt. Rồi nghe nói ông Trường Chinh, trước khi đi gặp lại các cụ Marx, Lênin, Stalin, cũng hô hào đổi mới, tôi phát hoảng thực tình: «lý thuyết gia» này vốn là quan «Stalin đại học sĩ» của triều đại Hồ Chí Minh. Cho đến khi, tình cờ được đọc hai bài diễn văn của ông Linh, Ðổi Mới Tư Duy và Phong Cách (đọc tại Trường Ðảng Cao Cấp Nguyễn Aí Quốc, ngày 06-05-1987) cùng với Ðổi Mới Sâu Sắc và Toàn Diện trên Mọi Lĩnh Vực Hoạt Động (đọc trước Quốc Hội, ngày 17-06-1987), tôi mới vỡ lẽ.

Chuyện «đổi mới» cũng giống như chuyện đổi tiền. Ðồng bạc anh cầm trong tay có thể là mới toanh vì mới ra khuôn, nhưng ngoài cái sự mất giá như xe tuột dốc không phanh, nó chỉ là hiện thân của một chính sách cũ mèm là vô sản hoá tất cả mọi người, cái ý đồ này lại xuất phát từ một chế độ cũ rích là chuyên chính vô sản, hậu quả tất nhiên của một thế giới quan cũng cũ xì là đấu tranh giai cấp. Một sự đổi mới chính danh phải bắt đầu bằng việc vất bỏ vào thùng rác những cái cũ xì, cũ rích, cũ mèm đó đi. Ðổi mới thật sự phải là loại trừ những nguyên nhân đã gây ra những hiện tượng tiêu cực (cán bộ dốt nát, tham nhũng, ác ôn, v.v…), chứ không phải là chỉ cải thiện đôi chút những cái tiêu cực đó trong khi vẫn duy trì loại nguyên nhân đã sản sinh ra chúng.

Ðọc ông Linh, tôi không thấy cái quyết tâm đó, mà ngược lại. Ông tố cáo «những người nhân danh tư duy mới để phủ định những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác-Lênin»; theo ông, «nói đổi mới tư duy hoàn toàn không có nghĩa là phủ nhận những thành tựu lý luận và quan điểm đúng đắn của Ðảng, phủ nhận các quy luật phổ biến của cách mạng xã hội chủ nghĩa, trái lại, cần tiếp tục hoàn chỉnh và phát triển thêm những thành tựu đó» [01] .Thực chất của phong trào gọi là đổi mới này, như vậy, đã rõ ràng: nó chỉ là một sự vận động loanh quanh, luẩn quẩn trong khuôn khổ của một chủ nghĩa đã cằn cỗi, giữa chồng sách vở được tôn sùng như kinh điển của các ông Marx, ông Lênin, ông Stalin. Nó xác nhận thêm một lần nữa cái sự thực là người cộng sản không thể nào tiến hóa mà vẫn còn là cộng sản!

3. «ÐỔI MỚI TƯ DUY» HAY «THỬ LÀM THẬT»

«Ðổi mới tư duy»? Tư duy đúng đắn chỉ có thể được xây dựng trên một nền tảng đúng đắn. Tất cả tư duy chính trị của Ðảng Cộng Sản Việt Nam được xây dựng trên một sự đồng nhất, khi hiểu ngầm, lúc công khai, nhưng ngụy lý đến trở thành quái gở: Ðảng Cộng Sản là giai cấp vô sản, đất nước cũng là giai cấp vô sản, do đó Ðảng Cộng Sản Việt Nam là đất nước. Còn cái tam đoạn luận xảo trá này một ngày nào, dù chỉ là trong tiềm thức đi nữa, thì không có một sự đóng góp nào cho đất nước có thể thoát khỏi sự kiểm soát và nhãn hiệu của Ðảng, không có một hành động chống Ðảng nào lại không bị chụp mũ là «phản quốc». Những người không phải là cộng sản chỉ còn có quyền sống bên lề tổ quốc của họ. Một đất nước khoảng sáu mươi triệu người, mà ít nhất là hai phần ba đã phải sống bên lề, thì đất nước đó sẽ đi về đâu?

Tuy là sản phẩm của óc ngụy biện và bệnh ngụy tín, sự đồng nhất quốc gia với đảng phái này vẫn là cơ sở chủ yếu của lý luận vô sản về dân chủ; nó đã cho phép các đảng cộng sản tự hào, từ bao năm nay, về nền «dân chủ thực sự» của họ và phỉ báng cái bị chê chỉ là một thứ «dân chủ hình thức» tại các nước tư bản. Ở Việt Nam, nó là cha đẻ của cái thể chế đã được tóm tắt trong một khẩu hiệu ba vế khá kêu là «Ðảng lãnh đạo, nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ tập thể». Ðảng là Ðảng, nhà nước cũng là Ðảng, nhân dân là giai cấp công nhân, giai cấp nông dân tập thể, và thành phần trí thức xã hội chủ nghĩa; trong thực chất, lãnh đạo là thống trị, quản lý là nhắm mắt áp dụng mọi chỉ thị của Ðảng, làm chủ tập thể là vẫn còn có một chỗ đứng nào đó trong xã hội cộng sản tuy đã bị tước mất một số quyền xem là quyền tối thiểu ở các nước khác.

Ðiều có vẻ «mới lạ» là sau hơn nửa thế kỷ ca tụng «dân chủ thực sự» và chửi rủa «dân chủ hình thức», bây giờ người ta bỗng khám phá ra rằng nền «dân chủ thực sự» ở Việt Nam đang bị đe dọa trầm trọng bởi… «chủ nghĩa hình thức», với hai điều nguy hại là: không những «người ta làm giả (mọi chuyện) chứ không làm thật, mà người ta đã quen với cái giả đến mức xem cái giả là thật» [02]! Và từ nửa năm nay, người ta «THỬ (!) đặt vấn đề dân chủ hóa trong giai đoạn hiện tại» [03]; có người còn muốn đối chiếu hai nền dân chủ, để xem… «có thể thừa kế những gì của dân chủ tư sản» [04]! Hay chữ và biện chứng quá dễ trở thành lẩn thẩn, người ta quên tuốt là theo lập luận vô sản, «dân chủ thực sự» đã là một sự «trội vượt» đối với «dân chủ tư sản», nghĩa là hắn ÐÃ kế thừa cái cũ, nhưng lại phát huy nó trên một cơ sở khác; lối thoát bây giờ không phải là kế thừa thêm một hay nhiều lần nữa, mà là đặt lại toàn bộ vấn đề giai cấp trong lý thuyết dân chủ. Cuộc tranh luận về dân chủ ở Việt Nam từ mấy tháng nay, thật ra, chẳng có gì là đặc biệt mới mẻ; về nội dung, nó cũng già nua như chủ nghĩa cộng sản, cũng xưa cũ như những bài viết cách đây đã mấy mươi năm [05].

Dù sao, nếu có thật nhiều thiện chí, người ta cũng có thể phát hiện ra được một số điều đáng chú ý trong thời sự báo chí trong và ngoài nước gần đây. Thứ nhất là cái điệp khúc sẽ «làm thật chứ không làm giả nữa» hay «phải chuyển từ làm kiểng sang làm thật». Thứ hai là cái quyết định chấm dứt vai trò của Quốc Hội như là một cơ quan «chỉ để giơ tay và vỗ tay» [06], và nâng cao vai trò của nó với tư cách là cơ quan lập pháp và giám sát việc thi hành pháp luật (nếu có!). Thứ ba là cái đề nghị chấm dứt kiếp làm bonzai của Mặt Trận Tổ Quốc hầu biến nó thành một thế lực «đối trọng» [contrepoids] với Ðảng [07] (nhưng ngay sau đó là… sự giải thể của hai «hình thức đảng» là Ðảng Xã Hội và Ðảng Dân Chủ trong Mặt Trận, cùng lúc với sự đóng cửa hai cơ quan ngôn luận liên hệ là tờ Tổ Quốc và tờ Dân Chủ, bất ngờ trở thành diễn đàn khá ồn ào của một số đảng viên bất mãn!). Thứ tư là sự xuất hiện của khẩu hiệu «tự cởi trói» trong giới báo chí (tiếp theo đó là … sự bịt miệng báo Văn Nghệ!). Thứ năm là sự thú nhận sau đây của một người trong cuộc: «dân chủ không thể có bằng sự ban ơn mà bằng sự đấu tranh» [08]. Các báo thân hoặc của chánh quyền ở nước ngoài còn hứa hẹn với độc giả của họ nhiều màn gay cấn khác…

4. KHI CẢNH «VUA LÊ CHÚA TRỊNH» LÀ HỢP HIẾN

Bi quan, tôi chỉ sợ là công cuộc «dân chủ hoá» và «công khai hoá» này chưa thật sự bắt đầu (mới làm thử!) đã (tạm thời?) kết thúc, với những «đổi mới», còn trong trứng nước hay đã thành hình, vừa ngộ nghĩnh vừa thông thái (đám con ngoại tình của ông Thân Canh Tử với bà Vũ Như Cẩn). Trước đây, nhà nước cộng sản Việt Nam là một nhà nước đa đảng giả tạo; bây giờ nó là một nhà nước độc đảng công khai. Cái nhà nước tập quyền này tuy không chấp nhận nguyên tắc phân quyền, nhưng cũng lại không phủ nhận nguyên tắc phân công. Nó ngăn cấm mọi lực lượng đối lập, nhưng cũng «có thể sẽ» (!) cho phép một thế lực «đối trọng» (?) nào đó [09]. Trước đây, khẩu hiệu chính thức là «Ðảng lãnh đạo, nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ», bây giờ đổi lại thành «Ðảng lãnh đạo, nhân dân làm chủ, nhà nước quản lý». Quả thật là có tế nhị hơn đối với nhân dân! Trong quan hệ giữa các cơ quan nhà nước thì hình như bây giờ Quốc Hội và lập pháp được đề cao hơn Hội Ðồng Bộ Trưởng và hành pháp; Quốc Hội còn có quyền «truy tố trước pháp luật những cá nhân và tập thế nào phạm sai lầm nghiêm trọng ÐẾN MỨC (!?) phải xử lý» [10]; các cơ quan đại diện nhân dân không còn là cây kiểng nữa mà được yêu cầu lên tiếng, và nhân dân được mời mọc tham gia. Quả là có tôn kính hơn đối với nhân dân!

Ðiều mà tôi vẫn chưa hiểu nổi là làm thế nào chuyến xe «đổi mới» này có thể chuyển bánh được, nếu không có sự can thiệp của một số phép lạ, nơi một chủ nghĩa và một chế độ vốn phủ nhận mọi phép lạ. Ðảng vẫn nằm trên chóp, vẫn lãnh đạo, và vẫn… không chịu trách nhiệm trước bất cứ một cơ quan quyền lực nào khác cả. Nhờ phép lạ nào, một chánh đảng nắm quyền tuyệt đối như thế có thể không sử dụng và lạm dụng những đặc quyền đặc lợi của mình? Quốc Hội chỉ là bù nhìn, Mặt Trận chỉ là cây kiểng. Nhờ phép lạ nào, một cơ quan có công tác nhưng không có quyền hành, tự dưng lại có tinh thần trách nhiệm? Nhờ phép lạ nào, chỉ trong một sớm một chiều, người bù nhìn được tạo ra với chức năng đuổi chim cho Ðảng có thể trở thành người thực, và cây bonzai đổi kiếp từ vật trang hoàng thành cây ăn trái? «Cần chấm dứt cảnh Vua Lê Chúa Trịnh»! [11]. Nhưng chuyện Chúa Trịnh lộng quyền ngày xưa là một ngoại lệ: đạo Nho không trù liệu việc khuynh loát vua trong tổ chức xã tắc bình thường; sự chuyên quyền của Ðảng Cộng Sản ngày nay là một thông lệ: nó nằm ngay trong định nghĩa của nền «dân chủ thực sự», có hiến pháp làm bằng. Nhờ phép lạ nào, cái trò đảo chánh thường trực mà hợp hiến này, cái cảnh cương thường đảo lộn tân thời này – ông Chúa Ðảng ngồi ngất ngưởng trên đầu ngài Chủ Tịch Nước, sẽ tự dưng cáo chung đây?

Lãnh vực chính trị thường được phân định bằng một cặp khái niệm căn bản là «công» và «tư», với những tác động qua lại của chúng. Cái công là lãnh vực của nhà nước, của «xã hội chính trị»; cái tư là khu vực của «xã hội dân sự». Ðời sống chính trị trong các nước cộng sản đánh dấu một sự băng hoại của ngay chính ý niệm chính trị. Cái công (nhà nước) trở thành tư (đồ chơi của một chánh đảng) và cái tư (Ðảng Cộng Sản) trở thành công (Ðảng ngồi xổm trên nhà nước), với khuynh hướng là cái tư đã trở thành công đó sẽ phình tướng ra và dần dần chiếm hữu toàn thể mọi sinh hoạt xã hội, kể cả đời riêng của người công dân; trong loại chế độ toàn trị này, phép nước thua lệ đảng, công quyền kém đảng quyền, tư lý thế công lý, tư luận thành công luận. Người ta muốn hồi sinh cho xã hội dân sự, nhưng tất cả đã trở thành lãnh địa của bộ máy Ðảng/nhà nước mất rồi, làm quái gì còn chỗ đứng cho một xã hội dân sự tự lập mà mơ tưởng «phục hồi sức sống» [12] cho nó!

5. «ÐỔI MỚI PHONG CÁCH» HAY AI BẠN, AI THÙ?

«Ðổi mới phong cách»? Tương tự như Janus trong thần thoại La Mã, Ðảng Cộng Sản Việt Nam có hai mặt: mặt «dân chủ» đối với «nhân dân», và mặt chuyên chính đối với những «kẻ thù của nhân dân». Tuy hai nhưng thực chất vẫn là một: từ dân chủ giả hiệu sang chuyên chính thực sự (mà có mồm mép biện chứng [13] còn cho là «lỏng lẻo»!), chỉ cần thêm một cái dấu bằng! Janus là thần giữ cửa thành phố La Mã ngày xưa, với nhiệm vụ là canh chừng những ai ra vào thành quốc, vì thế nên một mặt của Janus quay vào trong, mặt kia quay ra ngoài, và hai cặp mắt của Janus chỉ ngưng nghỉ trong thời bình. Ðảng giống Janus ở chỗ cùng đảm nhận cái chức năng mà trong ngôn ngữ hiện đại ta gọi là công an đó; nhưng Ðảng cũng khác Janus ở điểm là Ðảng chẳng bao giờ chịu khép những con mắt cú vọ của mình lại, bất kỳ trong tình huống nào!

Từ 1975 đến nay, suốt 46 năm sau chiến tranh (tôi không dám viết là hòa bình!), làm công an tập thể cho nền Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, Ðảng đã đối xử với toàn thể dân chúng miền Nam như kẻ thù, còn khốn nạn hơn cả cách cư xử của mẫu quốc với dân thuộc địa trước đây. Bởi vì, chỉ với điều kiện là xem những người mà Ðảng cai trị như kẻ thù, Ðảng mới có thể dùng những biện pháp chính trị như Ðảng đã sử dụng (gạt gẫm đổi tiền, lừa bịp cải tạo, thanh toán các thành phần «phi xã hội chủ nghĩa», cưỡng bách thị dân đi kinh tế mới, cưỡng bách nông dân vào hợp tác xã hay nông trường, tổ chức vượt biên giả để lấy vàng, bắn giết người đi chui)… Tuy nhiều thủ đoạn, nhưng cái tác phong của toàn Ðảng tựu trung vẫn là dựa vào gian trá và bạo lực, hai phương tiện cố hữu của chính trường – hai bộ mặt thực của Ðảng – để áp đặt vào miền Nam chế độ cộng sản, với cái kết quả không thể tránh được là sự ly dị hoàn toàn giữa Ðảng với nhân dân. Một đất nước mà, khi chính quyền khẳng định một đàng, dân chúng đem suy diễn một nẻo, thì đất nước ấy sẽ đi về đâu?

Ðảng đặt vấn đề «đổi mới phong cách» là điều chí lý; chỉ sợ là bây giờ đã quá muộn. Dù sao, nếu đã đặt vấn đề, xin hãy có đủ can đảm và liêm sỉ để đặt ngay từ cấp lãnh đạo. Nhà dột thì dột từ trên nóc dột xuống! Những chính sách, chủ trương đơn phương của Ðảng – như mù quáng tiến lên chủ nghĩa xã hội không dựa vào lực lượng tư sản dân tộc, cưỡng bách phân phối lại sức lao động trên cả nước, tập thể hóa cấp tốc nông nghiệp, cải tạo xã hội chủ nghĩa gấp rút, thanh trừng thẳng tay «ngụy quân ngụy quyền» và «phản loạn», v. v… – không xuất phát từ cán bộ trung hay hạ cấp mà từ cấp lãnh đạo. Chúng đều mang nặng tính chất phiêu lưu, và xem dân chúng chỉ như con vật thí nghiệm; nếu lãnh đạo đã không khinh dân như cỏ rác, đời nào cán bộ lại dám hà hiếp dân? Lẩn trốn trách nhiệm thế nào được!

Trong thành phần cán bộ, đảng viên, hiển nhiên là có những phần tử bất hảo, như trong bất cứ một tổ chức nào khác, ngay cả tôn giáo. Nhưng giữa những chánh sách, chủ trương của Ðảng và tác phong của chúng, có một quan hệ nhân quả, một quan hệ nhân duyên sinh khó chối cãi. Ðã trọng «hồng» hơn «chuyên», thì đừng than trách cán bộ dốt nát. Ðã chủ trương vô sản hóa nhân dân, đừng ngạc nhiên khi đảng viên trở thành tham nhũng vì nghèo đói. Không có chính sách công an trị, thì thành phần công an không đông đảo và có nhiều quyền lực như hiện nay, với những vũ khí độc địa như học tập cải tạo, khai báo lý lịch, đăng ký hộ khẩu. Không có chủ trương thanh trừng đối lập chính trị và kinh tế, công an đã không có lý do gì bắt giữ người để làm bậy. Không có chính sách hợp tác hóa cấp tốc nông nghiệp, thì không có hiện tượng cường hào tịch thu ruộng đất của nông dân. Không có chủ trương di dân gấp rút, đã không có chuyện lùa người đi kinh tế mới để cướp đoạt nhà cửa. Làm gì có sự đứt đoạn giữa đường lối «đúng đắn» của Ðảng với tác phong «sai trái» của đảng viên!

Lãnh vực chính trị còn thường được phân định bằng một cặp khái niệm căn bản khác là «bạn» và «thù»; ở đây, người ta phát hiện ra một sự băng hoại khác của ý niệm và đời sống chính trị trong các nước cộng sản. Bình thường, khái niệm «kẻ thù» phải được hiểu theo nghĩa tương đối là «địch thủ», tức là những cá nhân hay tập thể cùng có với nhau một số mâu thuẫn. Những mâu thuẫn này có thể thuộc nhiều loại hình khác nhau, có thể rất trầm trọng, nhưng đều có thể giải quyết được và biến mất; «địch thủ», do đó, cũng có lúc trở thành «đồng minh», trong một tập hợp mới. Ðối với đảng cộng sản, nhất là khi nó đã nắm chính quyền, khái niệm «kẻ thù» phải được hiểu theo nghĩa tuyệt đối, bởi vì «nhiệm vụ lịch sử» của chuyên chính vô sản không phải là đi tìm một thỏa ước giữa các thế lực đối kháng, mà chính là để tiêu diệt toàn bộ các giai cấp đối lập, và san bằng mọi tàn tích hay mầm mống phân chia giai cấp, nhằm mở đường cho một xã hội chỉ còn có những người vô sản.

6. «ÐỔI MỚI SÂU SẮC VÀ TOÀN DIỆN»  HAY KIẾN BÒ MIỆNG CHÉN?

«Ðổi mới sâu sắc và toàn diện»? Không có gì sâu sắc và toàn diện cho bằng cái thế giới quan của một cá nhân hay một tập thể. Thế giới quan của các đảng cộng sản là «đấu tranh giai cấp» theo quan điểm vô sản. Mâu thuẫn quyền lợi giữa các giai cấp là một dữ kiện lịch sử: «lịch sử loài người cho đến bây giờ là lịch sử của những cuộc đấu tranh giai cấp» (Karl Marx); nhưng từ sự kiện không ai có thể phủ nhận này, vẫn mở ra hai đường hướng giải quyết: con đường dân tộc và con đường quốc tế vô sản. Nhảy từ đường lối dân tộc sang đường lối quốc tế, hay ngược lại, là thực hiện một sự đổi mới sâu sắc và toàn diện đúng nghĩa: đây là cái khâu quy định tất cả mọi khâu khác.

Chọn con đường dân tộc là tìm cách giải quyết những đối kháng nội bộ giữa các giai cấp trong khuôn khổ của cộng đồng quốc gia; những mâu thuẫn về quyền lợi giữa các tầng lớp xã hội phải được dàn xếp thế nào để không tổn hại đến sự hòa hợp dân tộc. Trong các nước theo giải pháp này, người ta thấy xuất hiện những chánh quyền tả khuynh hoặc hữu khuynh, dựa vào giai cấp này hay giai cấp kia để cai trị, nhưng chung quy, cộng đồng dân tộc vẫn còn tồn tại. Ngược lại, chọn con đường quốc tế là tìm cách giải quyết những đối kháng giữa các giai cấp trên quy mô toàn thế giới; sự đoàn kết giữa các đảng cộng sản, dù khác quốc tịch, vẫn quan trọng hơn sự hòa thuận giữa các giai cấp đối nghịch, tuy cùng một quốc gia. Kết quả là cộng đồng dân tộc hoặc sẽ teo nhỏ lại, hoặc sẽ nổ tung, như ở Việt Nam, thành muôn ngàn thuyền vượt biển!

Lãnh vực chính trị vẫn được định nghĩa bằng cặp khái niệm căn bản «chỉ huy» và «tuân lệnh»; tác động qua lại của hai khái niệm này quy định nội dung của một «trật tự chính trị». Trong các nước cộng sản, đây là một trật tự hết sức kỳ quặc. Chánh đảng nắm quyền lãnh đạo không nhằm phục vụ lợi ích công cộng (hiểu như lợi ích chung của tất cả mọi thành phần dân tộc đã hợp lại thành một tập thể chính trị) mà lợi ích của giai cấp công nhân thế giới, không nhằm phục vụ quyền lợi của mọi tầng lớp xã hội mà của riêng một giai cấp được xem là «tiên tiến» nhất. Trong nước, Ðảng đã không chủ trương phát triển đồng thuận mà còn kích động sự xung khắc giữa các thành phần dân tộc, không chủ trương phồn thịnh hóa mà vô sản hóa mọi tầng lớp nhân dân. Ðối với bên ngoài, Ðảng không nhằm bảo vệ mà đôi khi còn sẵn sàng hy sinh cả an ninh quốc gia cho một số nước được xem không những là đồng minh mà còn là «anh em». Một trật tự như thế, dù được xây dựng trên một hệ thống pháp lý đi nữa, cũng không thể nào được xem là chánh đáng, theo nghĩa là được sự chấp thuận của quốc dân; nó chỉ có thể là một trật tự do bạo lực áp đặt, và do đó, không có cơ sở đạo lý để bắt buộc mọi người phải tuân theo, mà ngược lại, biện minh trước cho mọi hành động chống đối – vũ trang hay bất bạo động – của quần chúng.

Ðảng Cộng Sản Ý đã thực hiện được một sự thay đổi toàn diện và sâu sắc, khi nó từ bỏ «đấu tranh giai cấp» như một thứ chủ nghĩa, và cái kết quả tất yếu của nó là «chuyên chính vô sản». Ðảng tiếp tục đấu tranh vì quyền lợi của giai cấp công nhân Ý, và vẫn đoàn kết với giai cấp công nhân ở mọi nước, nhưng từ chối hy sinh quyền lợi tối cao của quốc gia và nhân dân Ý cho quốc tế vô sản; trở thành một đảng cộng sản dân tộc, Ðảng sẵn sàng nắm chánh quyền trong một liên minh với các đảng phái tư sản [14]. Ðảng Cộng Sản Việt Nam, trái hẳn lại, chủ trương phải nắm chánh quyền song song với sự triệt hạ mọi lực lượng đối lập. Nếu «quyền hành làm hư hỏng, và quyền hành tuyệt đối làm hư hỏng một cách tuyệt đối», khó lòng trông mong có một sự thay đổi sâu rộng như thế ở Việt Nam.

Mặt khác, nếu không bắt đầu bằng sự từ bỏ hẳn cái thế giới quan «đấu tranh giai cấp» đã biến thành chủ nghĩa, và do đó, từ bỏ hẳn chế độ «chuyên chính vô sản» và những tệ đoan đi kèm, Ðảng không thể nào đổi mới thực sự, mà sẽ chỉ vận động loay hoay như một con kiến bò quanh miệng chén, có bò suốt đời cũng không ra khỏi mê cung của một thứ chủ nghĩa không tưởng đội lốt khoa học đã đến hồi suy tàn. Trong khi các nước tân tiến trên thế giới đã hoặc đang bước vào một thứ «xã hội hậu công nghiệp» gọi là «xã hội thông tin», một xã hội không có cả trong tầm nhìn của Karl Marx ở thế kỷ thứ 19, Ðảng vẫn còn quằn quại trong «thời kỳ quá độ», hòng có ngày khập khiễng lết qua được ngưỡng cửa của xã hội công nghiệp, còn tiếp tục được xem là đỉnh phát triển cao nhất của xã hội loài người!

7. CON CHÓ VÀ CÁI ÐUÔI CHÓ

Vấn đề là Ðảng Cộng Sản Việt Nam có thực lòng muốn đổi mới hay không? Thật ra, câu hỏi này chỉ đáng được nêu lên nếu không có phong trào «perestroika» và «glasnost» ở Liên Xô! Trái với những huyền thoại mà Ðảng vẫn tìm đủ mọi cách để phổ biến, Ðảng Cộng Sản Việt Nam là một chánh đảng rất lệ thuộc vào phong trào quốc tế vô sản, đặc biệt vào Liên Xô và Trung Cộng, phụ thuộc từ lý thuyết và đường lối đến súng đạn và lương thực. Ðặt những vấn đề «đổi mới», «cởi trói» ra trong lúc này chỉ tổ làm lộ thêm sự lệ thuộc của Ðảng, chỉ làm đau lòng thêm, tủi nhục thêm cho thân nhân của bao nhiêu người đã bỏ mạng ngoài khơi nhưng vẫn không làm Ðảng mảy may thay đổi, hay đã vĩnh viễn nằm xuống trong cuộc đấu tranh giành độc lập dưới ngọn cờ của Ðảng.

Về mặt lý thuyết và đường lối, Ðảng không có một đóng góp nào đáng kể cho chủ nghĩa cộng sản quốc tế; tất cả những cống hiến của Ðảng cho chủ nghĩa này chỉ vỏn vẹn tóm thâu vào một khẩu hiệu không có cả thực chất: «vận dụng một cách sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin vào tình hình cụ thể của Việt Nam». «Sáng tạo» đến cái mức mà trong thời kỳ còn ôm chân Mao trước đây, khi Ðảng Cộng Sản Trung Hoa chủ trương đấu tố thì Ðảng ta cũng đấu tố, khi Ðảng đàn anh phát động phong trào «chỉnh đốn» thì Ðảng ta cũng «chỉnh đốn»! Chới với vì các phương pháp «động» của chủ nghĩa Mao, Ðảng quay lại ôm cái mồ ma của Stalin, thoát được trò «nhảy vọt» với trò «cách mạng văn hóa», nhưng lại rơi vào chủ nghĩa Stalin, đặt trên những nguyên tắc «tĩnh» không thể nào trái ngược hơn với tư duy sáng tạo: tuyệt đối trung thành với tổ quốc xô viết đầu tiên, tuyệt đối vâng lệnh cấp lãnh đạo, tuyệt đối tin tưởng nơi sách vở kinh điển, tuyệt đối tránh suy nghĩ và bàn cãi! Kết quả trông thấy là cái trình độ lý luận của Ðảng ngày nay: dù thực lòng muốn đổi mới đi nữa, chỉ sợ là Ðảng cũng không có đủ bản lãnh trí thức để thoát khỏi chủ nghĩa giáo điều!

Sự kiện là phong trào «đổi mới» xuất hiện lúc này đây, ngay sau khi Liên Xô phát động đổi mới, còn tố cáo một sự lệ thuộc khác của Ðảng về vật chất. «Tiến lên chủ nghĩa xã hội không đi qua giai đoạn tư bản chủ nghĩa» (tội nghiệp cho các «quy luật lịch sử»!) chỉ có thể có nghĩa là trong «thời kỳ quá độ», Ðảng trông cậy vào viện trợ của Liên Xô để sống còn, trong khi đàn anh cũng bắt đầu kiệt quệ vì cái gia tài của quá khứ, vì chạy đua vũ trang với chạy đua không gian, vì cuộc chiến tranh ở Afghanistan, vì… viện trợ cho đàn em. Ði ngủ thì nằm mộng thấy Lênin lại cảnh cáo, lúc tỉnh dậy lại phải nghe Gorbatchev hăm he, Trung Ương Ðảng có to gan lớn mật đến đâu cũng không dám chủ trương «vẫn như cũ», khi ngay chính Liên Xô cũng bắt buộc phải lao vào con đường đổi mới.

Tình thế của Ðảng đối với Liên Xô cũng giống như hoàn cảnh của chánh quyền Thiệu đối với Hoa Kỳ trước đây. Khi Mỹ đã muốn thương thuyết để rút quân ra khỏi Việt Nam, Nguyễn Văn Thiệu, dù không muốn đàm phán, cũng phải đến Paris và cuối cùng phải hạ bút ký hiệp định. Báo chí cộng sản thời ấy đã ví chánh quyền Thiệu với cái đuôi chó: Nixon đã vẫy đuôi thì nhất định là cái đuôi Thiệu phải vẫy theo, không có cách nào khác. Câu chuyện đổi mới gượng gạo, kiểu kiến bò quanh miệng chén ngày nay, ít nhất cũng có một cái hay: nó nhắc nhở chúng ta rằng loài chó tuy có nhiều chi, giống, nhưng vì sự vận động của cơ thể chó đều như nhau, nên rốt cuộc rồi, cái đuôi chó nào cũng giống cái đuôi chó nào!

8. CON ÐƯỜNG ÐẤU TRANH

Ðổi mới thực sự chỉ có thể đến từ quần chúng đấu tranh, đánh sâu vào và khoét rộng ra những kẽ hở mà Ðảng Cộng Sản Việt Nam đã bị bắt buộc phải phơi bầy trước công luận để, từng bước một, đẩy Ðảng lui về cương vị của một chánh đảng bình thường, trước khi tan biến vào đêm đen của hậu trường lịch sử. Hào quang của cuộc «kháng chiến thần thánh» chống đế quốc Mỹ chỉ là một thành tích nước đôi: nếu Ðảng là người đã chiến thắng đế quốc Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Ðảng đồng thời cũng là kẻ đã gây ra cảnh huynh đệ tương tàn, biến can thiệp Mỹ thành tham chiến, suýt đưa dân tộc đến hố diệt vong; lịch sử và các thế hệ sau sẽ luận định về công / tội của Ðảng, đối với đất nước và đối với gia đình của hơn hai triệu người đã chết trong chiến tranh. Với nạn đói hiện còn đang hoành hành, hào quang của cuộc kháng chiến chống Pháp – hào quang thật sự, xứng đáng, độc nhất, và cuối cùng của Ðảng – cũng đã rơi mất, Ðảng hiện nguyên hình là một tổ chức mafia chính trị công khai. Vì lẽ sống còn, Ðảng hiện đang bị bắt buộc phải chơi với lửa, chịu đựng công luận phê phán, nông dân biểu tình, v.v…; Ðảng rất có thể sẽ thiêu thân, như đã từng bị phỏng nặng trong trận Trăm Hoa trước đây. Dù sao, Ðảng cũng không còn chút danh chánh ngôn thuận nào nữa để tiếp tục bám víu lấy chánh quyền.

«Chế độ chính trị nào là thể chế tốt đẹp nhất?» , có người đã đặt câu hỏi đó cho Solon và triết gia này đã trả lời bằng một câu hỏi khác: «Cho nước nào và ở vào thời điểm nào?» . Một trong bảy hiền sĩ của cổ Hy Lạp, Solon (640 – 558 trước Tây lịch) là người đã đặt những viên đá đầu tiên cho nền dân chủ của thành quốc Athènes, bằng một cuộc cải cách xã hội và chính trị, một sự đổi mới thật sự và sâu rộng. Cho Việt Nam và trước ngưỡng cửa của thế kỷ thứ 21, thể chế nào sẽ là chế độ thích hợp nhất? Có lẽ vẫn chưa ai trong chúng ta thực tình có khả năng hình dung được tường tận bộ mặt của tương lai đất nước; điều dứt khoát là đó sẽ không phải là một thể chế đã được dân chúng miền Nam tặng cho cái danh xưng xứng đáng là «Xấu Hơn Cả Ngụy» ngày nay, không thể là chế độ cộng sản. Nếu quả thật là Ðảng có những «nhiệm vụ lịch sử», thì cái nhiệm vụ cuối cùng của Ðảng chính là sự xác lập chân lý này, bằng tất cả những thành tựu của Ðảng trong mọi lĩnh vực từ 1975 đến nay. Ðảng đã hoàn thành nhiệm vụ một cách xuất sắc!

PHAN CÔNG LUẬN

Thông Luận, số 16, tháng 05, 1989


[01] Nguyễn Văn Linh. Ðổi Mới Tư Duy và Phong Cách. Hà Nội: Nxb Sự Thật, 1987. Tr. 15 & 17.

[02] Lý Chánh Trung. Phát biểu tại Đại Hội MTTQVN-TPHCM, 23-24/09/1988. Ðoàn Kết, số 407, tháng 11-1988. Tr. 44.

[03] Ðề tài của một cuộc hội thảo do MTTQVN-TPHCM tổ chức ở Saigon, 11/06/1988. Ðoàn Kết, số 407, tháng 11-1988. Tr. 42-50.

[04] Lý Chánh Trung. Tham luận trong buổi hội thảo do MTTQVN-TPHCM tổ chức ở Saigon, 11/06/1988. Ðoàn Kết, số 407, tháng 11-1988. Tr. 43 và các trang tiếp.

[05] Nếu chỉ giới hạn vào Việt Nam từ khi bị chia đôi, có thể đọc lại toàn bộ những bài viết trong thời kỳ Nhân Văn Giai Phẩm (1956), ít ra là các bài của Trần Ðức Thảo (Nội Dung Xã Hội và Hình Thức Tự Do, và Nỗ Lực Phát Triển Tự Do Dân Chủ), và Nguyễn Mạnh Tường (Qua Những Sai Lầm Trong Cuộc Cải Cách Ruộng Đất, Xây Dựng Quan Điểm Lãnh Đạo), đăng lại trong Trăm Hoa Đua Nở trên Đất Bắc, tr. 288-315.

[06] Phạm Văn Kiết. Phát biểu tại Đại Hội MTTQVN-TPHCM, 23-24/09/1988. Ðoàn Kết, số 407, tháng 11-1988. Tr. 46.

[07] Lý Chánh Trung. Tham luận trong buổi hội thảo do MTTQVN-TPHCM tổ chức ở Saigon, 11/06/1988. Ðoàn Kết, số 407, tháng 11-1988. Tr. 43 và các trang tiếp.

[08] Nguyễn Hữu Thọ. Phát biểu tại Đại Hội MTTQVN-TPHCM, 23-24/09/1988. Ðoàn Kết, số 407, tháng 11-1988. Tr. 48.

[09] Sau Kết Luận của Bộ Chính Trị về Một Số Vấn Đề Trước Mắt trong Công Tác Tư Tưởng (Nhân Dân, 09-12-1988), và bài hiệu đính gọi là Lược Ghi những ý kiến của Tổng Bí Thư Nguyễn Văn Linh về báo chí (Nhân Dân, 14-02-1989), Hội Nghị lần thứ 6 của Ban Chấp Hành Trung Ương Ðảng Cộng Sản Việt Nam (20 đến 29-03-1989) đã chính thức bác bỏ mọi đề nghị về «đối trọng», «đa nguyên», đã được phát biểu trên báo chí và trong các buổi hội thảo về «đổi mới».

[10] Nguyễn Văn Linh. Ðổi Mới Sâu Sắc và Toàn Diện trên Mọi Lĩnh Vực Hoạt Động. Hà Nội: Nxb Sự Thật, 1987. Tr 25.

[11] Lý Chánh Trung. Phát biểu tại Đại Hội MTTQVN-TPHCM, 23-24/09/1988. Ðoàn Kết, số 407, tháng 11-1988. Tr. 44.

[12] Lý Chánh Trung. Tham luận trong buổi hội thảo do MTTQVN-TPHCM tổ chức ở Saigon, 11/06/1988. Ðoàn Kết, số 407, tháng 11-1988. Tr. 43 và các trang tiếp.

[13] Nguyễn Khắc Viện. Tham luận trong buổi hội thảo do MTTQVN-TPHCM tổ chức ở Saigon, 11/06/1988. Ðoàn Kết, số 408, tháng 12-1988. Tr. 36-39.

[14] Ðảng Cộng Sản Ý còn là một đảng đối lập ở Tây Âu. Nhưng những biến cố mới đây tại nhiều nước Ðông Âu cho phép chúng ta nghĩ rằng đó cũng có thể sẽ là xu hướng thay đổi ở một số đảng cộng sản đang cầm quyền trong vùng này.

 http://amvc.free.fr/Damvc/Khoa/ChinhTri/NHIEMVUCUOI.htm

(*) Chữ trong ngoặc đơn do chúng tôi thêm vào)

Tags: ,

Comments are closed.