Việt Nam: Nhìn lại năm 2021 và 10 sự kiện nổi bật – Gs. Nguyễn Văn Tuấn


31/12/2021

https://nguyenvantuan830970966.files.wordpress.com/2021/12/screen-shot-2021-12-31-at-12.26.49-pm.png?w=1024

Năm 2021, với đại dịch vẫn còn tiếp diễn, đã để lại nhiều dấu ấn làm cho chúng ta khó quên. Đối với tôi, có 5 dấu ấn đáng ghi nhận: tử vong vì dịch Vũ Hán, vụ Việt Á, vụ bạo hành trẻ em, sự kiện công nhân tháo chạy, và bữa ăn thị bò tẩm vàng.

Năm sự kiện 2021: 32000 người tử vong vì covid; sự vụ kit xét nghiệm Việt Á; bé Vân An bị ngược đãi đến chết; cuộc tháo chạy về quê của công nhân; 15 con chó bị tiêu diệt một cách dã man; và bữa ăn thịt bò nạm vàng. 

1. Tử vong vì đại dịch

Dịch Vũ Hán đã cướp đi gần 32,000 sanh mạng người Việt. Đó là một tổn thất quá lớn cho một quốc gia [1]. Mỗi năm ở Việt Nam số người chết vì tai nạn giao thông là khoảng 6000, và đã là con số kinh hoàng. Nhưng con số tử vong vì con virus Vũ Hán cao hơn 5 lần con số đó thì phải nói đó là một tang tóc cấp quốc gia.

Thật ra, nhiều người trong cộng đồng vẫn không tin con số ~32000 tử vong là chính xác; họ nghĩ rằng con số còn cao hơn nữa. Và, người ta có lí do để tin như thế, bởi có nhiều người nhiễm và chết nhưng họ không báo cho các nhà chức trách. Ngoài ra, người ta cũng không tin những thống kê từ Nhà nước [2] thường bất nhứt và nhiều khi bị vặn vẹo theo định hướng của cấp trên.

Con số tử vong trong đại dịch nói lên năng lực và chất lượng của hệ thống y tế (cũng như số ca tử vong giữa các bệnh viện nói lên năng lực và chất lượng chăm sóc của bệnh viện). Việt Nam đã quá quen với những lời tâng bốc, tự khen, và khinh thường các nước láng giềng về chống dịch, nhưng khi dịch đến thì mới thấy cái hệ thống y tế đó có vấn đề nghiêm trọng. Không chỉ hệ thống y tế, con số tử vong còn nói lên sự thất bại về chánh sách chống và kiểm soát dịch, và điều này thì không ai còn tranh cãi (và chắc không cần nhắc lại).

2.  Vụ Việt Á

Liên quan đến dịch là “Sự kiện Việt Á” cho thấy sự tha hoá mang tính hệ thống. Các cán bộ ăn chia, lại quả với nhau, nhưng nhân danh ‘chống dịch’. Có thể nói sự cấu kết với nhau như thế là một ‘băng đảng’. Cho đến nay, không ai biết số tiền chia chác và lại quả là bao nhiêu, và bao nhiêu người liên can. Cũng không ai biết vụ bê bối này dẫn đến bao nhiêu cái chết oan trong đại dịch. Sự việc phản ảnh chất lượng của bộ máy quản lí và phẩm chất lẫn tri thức khoa học của nhân sự. Có ai ngờ một tổ chức cấp quốc gia (Bộ) mà không hiểu tiếng Anh?!

Sự việc còn nói lên sự thất bại của thiết chế khoa học Việt Nam [3]. Rất nhiều câu hỏi căn bản được đặt ra, từ cách đánh giá đề tài nghiên cứu đến công bố khoa học. Chẳng hạn như dựa vào tiêu chí nào mà một đề tài nghiên cứu được thông qua trong khi đã có những kĩ thuật như thế trên thị trường [4]. Chẳng hạn như ngân sách cho nghiên cứu này lên đến gần 19 tỉ đồng (tức khoảng 900,000 USD), vậy thì câu hỏi là số tiền này đã được chi cho các khoản nào: bao nhiêu là chi cho chất liệu nghiên cứu, bao nhiêu là lương cho nhân viên? Về ‘sản phẩm tri thức’ một nghiên cứu với 19 tỉ đồng mà chỉ cho ra 2 bài báo quốc tế trên tập san dưới trung bình mà đánh giá là ‘xuất sắc’ thì phải nói là tiêu chuẩn quá thấp.

Một cách chính thức, nghiên cứu chưa được nghiệm thu, nhưng tại sao bộ kit xét nghiệm đã được bán cho các bệnh viện và trung tâm y tế trên cả nước. Vai trò của công ti Việt Á là gì trong nghiên cứu, và tại sao nghiên cứu được tài trợ bởi Nhà nước mà sản phẩm thì lại giao cho tư nhân để lấy lời?

Tuy nhiên, sự vụ Việt Á có lẽ chỉ là bề mặt của tảng băng chìm. Trong thực tế, nhiều bạn chỉ ra rằng còn nhiều Việt Á khác, mà chưa phát hiện thôi. Khoa học Việt Nam và các nhóm lợi ích trong khoa học là có thật. Chừng 2 năm trước, nhà báo Lê Thanh Phong (Báo Lao Động) có viết một bài mà anh kết luận rằng “Hãy bỏ cái kiểu chi tiền nghiên cứu khoa học tràn lan, vô ích, vô bổ, chỉ chia chác tiền bạc cho các cá nhân và các nhóm lợi ích” [5]. Câu này vẫn còn tính thời sự hiện nay. Khoa học Việt Nam rất cần một cuộc ‘đại phẩu’.

3.  Vụ bạo hành trẻ em

Sự kiện bé Vân An bị bạo hành cả năm trời và chết là một nỗi buồn trong những ngày cuối năm. Thật khó tưởng tượng nổi một em bé chỉ 8 tuổi bị hành hạ thể xác trong một thời gian dài như thế, và dẫn đến cái kết cục tang thương như thế.

Nhìn hai hung khí (cây roi mây và cây gậy) dùng để hành hạ bé Vân An làm tôi liên tưởng đến lí thuyết Cây búa Maslow (Maslow’s Hammer theory). Sếp cũ tôi hay nhắc đến lí thuyết này mà tôi diễn dịch đơn giản như sau: Nếu bạn chỉ có cây búa là công cụ thì bạn chỉ thấy cây đinh ở mọi nơi (If the only tool you have is a hammer, you tend to see every problem as a nail). Lí thuyết này thuộc dạng tâm lí học, và ý nói rằng con người chúng ta có thiên kiến – bias trong hành xử, và thiên kiến cả chuyên môn. Ví dụ như bác sĩ đi đâu thì cũng nhìn mặt và bắt mạch, nhà thơ đến đâu cũng thấy có thể sáng tác một bài thơ, nhà kinh tế thì đụng việc gì cũng nghĩ đến lời lỗ, v.v. Tương tự, khi người ta có một hung khí trong tay thì người ta hay có xu hướng nghĩ đến đánh đập ai đó. Sự lệ thuộc vào công cụ đó làm cho người ta hành xử sai lệch. Hiểu được thiên kiến đó, nên ngày nay ở các trường học nước ngoài không bao giờ có cây roi.

“Sự kiện Vân An” không chỉ nói lên sự suy thoái về đạo đức ở vài (?) cá nhân, mà còn là sự thất bại mang tính hệ thống ở Việt Nam. Như các chuyên gia UNICEF nói, Việt Nam không có khung pháp lí thích hợp bảo vệ trẻ em. Các hội đoàn phụ nữ, bảo vệ trẻ em chỉ là những ‘hoa lá cành’ của đảng mà thôi, chớ họ đâu có tiếng nói gì. Hôm kia, khi tôi nói vai trò của họ mờ nhạt, thì thấy hôm nay họ lên tiếng (đòi bắt người cha đứa bé), nhưng đó cũng chỉ là một phản ứng chiếu lệ; họ cần phải làm nhiều hơn nữa và có chủ trương cụ thể hơn nữa.

Ở Việt Nam, số liệu nghiên cứu cho thấy có đến 68% trẻ em bị bạo hành [6]. Nhiều người bạo hành trẻ em mà họ không biết vì vẫn nghĩ theo kiểu ‘dạy con’. Hậu quả là có rất nhiều bé Vân An trong cộng đồng, và các hội đoàn phải có hành động. Hành động cụ thể nhứt theo tôi là họ nên nhân sự kiện này lập ra một “Van An Foundation” để nghiên cứu và đi đến những chánh sách cụ thể nhằm bảo vệ trẻ em. Việt Nam trong thế kỉ 21 phải thay đổi nhận thức về quyền của trẻ em, và nhận thức rằng suy nghĩ kiểu “Đèn nhà ai nấy rạng” không còn thích hợp trong thế giới văn minh.

4.  Sự kiện tháo chạy và 15 con chó 

Cuộc tháo chạy khỏi Sài Gòn và các khu công nghiệp của công nhân phải nói là một sự kiện lớn trong năm. Làn sóng tháo chạy không phải xảy ra 1 lần, mà nhiều lần. Họ đi bằng xe gắn máy, xe tự chế, thậm chí đi bộ hàng trăm cây số. Nhìn dòng người tháo chạy đó tôi liên tưởng đến hình ảnh thời ‘tản cư’ trong thời chiến.

Họ tháo chạy vì sự thất bại của chủ trương chống dịch và sự bất tài của bộ máy quản lí [7]. Họ bị cách li lâu ngày mà không nhận tài trợ gì từ Nhà nước. Tháng 4/2020, Nhà nước tuyên bố là tung ra gói cứu trợ 62,000 tỉ đồng, nhưng chẳng ai biết số tiền đó đi đâu. Như một người tháo chạy nói một cách chua chát:

“Chờ được đồng tiền của Nhà nước đến tay thì dân đã chết đói lâu rồi. Lịch sử đã chứng minh việc cứu đói bằng sắn gạc nai thời bao cấp và cứu đói trong lũ lụt miền Trung. Nhà nước ra cam kết ở lại nếu chết đói thì lãnh đạo đi tù thử xem dân ở lại không?”

Làn sóng chạy khỏi các khu công nghiệp còn tiết lộ một sự thật về cuộc sống nghèo khổ của công nhân bấy lâu nay mà Nhà nước chẳng chú ý hay quan tâm. Họ phải sống và sinh hoạt trong những khu ổ chuột để chắt chiu vài đồng gởi về quê. Nhà nước này có lẽ chỉ quan tâm đến xuất khẩu và đồng đôla thu về, mà không quan tâm đến đời sống của người làm ra giá trị xuất khẩu.

Hai người nổi tiếng nhứt trong dòng người di tản đó là vợ chồng anh Trần Văn Hùng và 15 con chó [8]. Trong cơn hoạn nạn, hai người dù nghèo lắm, nhưng vẫn chở 15 con chó từ Long An về Cà Mau, để rồi vì một hiểu sai về khoa học mà một nhân viên y tế ra lệnh giết sạch! Thật là dã man! Sự việc không chỉ nói lên trình độ chuyên môn của nhân viên y tế mà còn chủ trương chống dịch sai lầm.

Sở dĩ tôi xem vụ tiêu diệt 15 con chó là một ‘sự kiện’ là vì sau vụ việc là một làn sóng phản đối và phẫn nộ về sự đối xử dã man với thú vật. Sự kiện này nó đánh thức cả xã hội về quyền của thú vật và đạo đức xã hội mà ở Việt Nam trước đó chưa được quan tâm đúng mức.

5. Sự kiện bò tẩm vàng

Trong năm 2021 Việt Nam đột nhiên trở nên nổi tiếng khắp 5 châu về việc một quan chức cao cấp ăn thịt bò tẩm vàng. Báo chí khắp nơi đưa tin, kèm theo những bình luận có thể nói là chẳng hay ho gì. Họ viết về một đất nước còn nghèo, thu nhập bình quân chỉ chừng 2500 USD một năm, và thu nhập 1 năm đó chỉ bằng một bữa ăn của một quan chức trong Chánh phủ. Phải nói đó là một ‘sự kiện’.

Sự kiện đó có thể nhìn từ nhiều khía cạnh, nhưng tôi muốn nhìn đó như là một sự tiến hoá của cách mạng. Ngày xưa, khi thế hệ đầu dấn thân làm cách mạng, họ muốn đem lại bình đẳng và ấm no cho mọi lương dân — một lí tưởng rất tuyệt vời. Để biện minh cho sự dấn thân làm cách mạng, họ phải tạo ra những sự bất bình đẳng vô lí trong xã hội, và những kẻ trong giai cấp thượng lưu, quan lại ‘ăn trên ngồi chốc’ như là những kẻ tội phạm, có lối sống xa hoa trên xương máu của lương dân, những kẻ tha hoá về đạo đức, v.v. Thế nhưng, y như trong truyện ngụ ngôn Trại Súc Vật của George Orwell [9], sau khi cuộc cách mạng thành công thì chính họ chọn lối sống xa hoa và chính họ trở nên tha hoá. Sự thay đổi đó là một qui luật chung.

Qui luật đó đã ứng nghiệm ở miền Bắc từ sau 1945 và miền Nam từ sau 1975 [10]. Theo đó, giới lãnh đạo cao cấp có tiêu chuẩn ăn uống riêng và cao hơn so với người dân. Họ thậm chí còn có ruộng và vườn rau riêng chỉ phục vụ cho họ. Họ có hệ thống y tế đặc biệt chỉ chăm sóc họ. Thành ra, vị quan chức kia ăn thịt bò tẩm vàng chẳng có gì là ngạc nhiên cả, nhưng sự kiện cho chúng ta thấy những lí lẽ biện minh cho cuộc cách mạng không còn hợp lí nữa. Hoá ra, người ta làm cách mạng là chỉ để có một cuộc sống tốt hơn cho chính họ và gia đình họ. Người bị thiệt thòi là đa số lương dân.

Các sự kiện khác

Dĩ nhiên, 5 sự kiện trên là theo cách đánh giá của tôi. Ngoài 5 sự kiện trên, tôi nghĩ chúng ta cũng cần ghi nhận một số sự kiện quan trọng khác:

https://nguyenvantuan830970966.files.wordpress.com/2021/12/screen-shot-2021-12-31-at-12.26.43-pm.png?w=1024

Những nhân vật nổi tiếng trong năm 2021: Nguyễn Thúc Thuỳ Tiên (Hoa hậu Hoà Bình); Phạm Đoan Trang (nhà báo, tù nhân lương tâm); mẹ con bà Cấn Thị Thêu (tù nhân lương tâm); ca sĩ Phi Nhung và danh ca Lệ Thu qua đời vì covid; nghệ sĩ cải lương Thanh Kim Huệ; và người gây sóng dư luận qua những ngôn từ ‘graphic’ Nguyễn Hương Hằng. 

(a)  Hoa hậu Hoà bình Nguyễn Thúc Thuỳ Tiên

Lần đầu tiên, Việt Nam có một cô gái thông minh, xinh đẹp và năng động xứng đáng đại diện cho nữ lưu Việt Nam chiếm giải Hoa hậu Hoà Bình [11]. Tôi thích nhứt đoạn cô ấy trả lời câu hỏi sanh ra ở đâu: “Sài Gòn”. Sự tương phản với cô Thuỳ Tiên là cô hoa hậu ngoài kia nghe ai đó đi vóc chông chống Mĩ và ăn rau má phá đường rầy ngay trên đất Mĩ.

(b) Nhiều văn nghệ sĩ qua đời

Năm nay số văn nghệ sĩ qua đời khá nhiều. Chỉ kể những người tôi biết và ngưỡng mộ bao gồm Lệ Thu, Phi Nhung, Phú Quang, Nguyễn Huy Thiệp, Thanh Kim Huệ, và mới nhứt là Trần Quang Hải. Tôi rất mến mộ tiếng hát của Lệ Thu từ những năm trước 1975. Nói như Trịnh Công Sơn là “Vắng một người thế giới trở nên hoang vu“, vắng tiếng hát Lệ Thu trên bầu trời nhạc Việt làm cho nhiều người, kể cả tôi, hụt hẫng.

(c)  Nguyễn Phương Hằng

Khởi đầu từ những phát biểu đầy cá tánh, bà chuyển sang livestream tố cáo người mà gia đình bà từng hợp tác là ông Võ Hoàng Yên. Không dừng ở đó, bà chuyển sang tấn công các nghệ sĩ và vài người trong giới showbiz làm từ thiện, mà chẳng ai biết hư thực của những cáo buộc đó ra sao. Thế rồi ‘mặt trận’ được chuyển sang một nhóm tu tại gia, nhưng một lần nữa, các cáo buộc hoặc là sai về chứng cớ hoặc là chứng cớ không đáng tin cậy. Ngạc nhiên hơn, ‘mặt trận’ bèn xoay sang nhà báo, và nạn nhân là 2 nhà báo có tiếng. Tôi không quen biết hai nhà báo này nhưng thấy họ nói chuyện rất đàng hoàng và có tính chuyên nghiệp cao, nên những vu cáo về họ đều không thuyết phục, hay thậm chí vô lí.

Điều hết sức kinh ngạc là ngôn ngữ trong các buổi livestream rất ư là khiếm nhã, có khi tục tĩu một cách ‘graphic’ (mà người bình thuờng như chúng ta không thể nghe hết 5 phút). Vậy mà có hàng trăm ngàn người nghe! Chẳng những thế, còn có hàng trăm (?) youtuber khác phát tán và đưa ra những phán xét hết sức vô văn hoá. Có người gọi là ‘kền kền’. Thật không thể hiểu nổi trình độ văn hoá của cộng đồng mạng TTXH Việt Nam sao có thể suy dốc thê thảm như thế. Điều càng ngạc nhiên là sự thờ ơ (?) của nhà cầm quyền.  Sự việc đã và đang diễn ra suốt 9 tháng trời, và rất nhiều nạn nhân đã đâm đơn kiện hay phàn nàn, nhưng chưa thấy nhà chức trách có hành động nào chấn chỉnh! Rất khó giải thích sự im lặng đáng sợ của nhà chức trách. Phải nói đó là một ‘hiện tượng’.

(d)  Đàn áp gia tăng

Sự kiện Phạm Đoan Trang bị phạt tù 9 năm chỉ vì nói lên tiếng nói ôn hoà về xã hội dân sự cũng đáng ghi nhận. Không chỉ Đoan Trang, mà còn nhiều người khác cũng bị bắt bớ và giam cầm: Cấn Thị Thêu, Trịnh Bá Phương, Trịnh Bá Tư, v.v. Thật ra, theo một nguồn tin nước ngoài, Việt Nam đang giam tù đến 23 nhà báo, trong đó có những người nổi tiếng như Trương Duy Nhất, Nguyễn Tường Thụy, và nhóm ‘Báo Sạch’.

(e)  Hàng loạt quan chức cao cấp bị kỉ luật

Năm 2021 có lẽ là năm ghi nhận nhiều quan chức cao cấp bị kỉ luật, giam tù, hay ra toà. Danh sách rất dài và gồm cả những người nổi tiếng như Nguyễn Đức Chung (cựu chủ tịch Hà Nội), Trần Văn Nam (cựu bí thư Bình Dương), Tất Thành Cang (cựu Phó bí thư TPHCM), Nguyễn Thành Tài (cựu Phó chủ tịch TPHCM), và Trần Vĩnh Tuyến (cựu Phó chủ tịch TPHCM). Hàng loạt sĩ quan cấp tướng và 2 cự thứ trưởng Y Tế Trương Quốc Cường và Cao Minh Quang. Sự kiện cho thấy bộ máy cai trị đã mục ruỗng từ trên cao.

Riêng cá nhân tôi cũng có vài đổi thay trong năm nay.

Sau 30 năm gắn bó, tôi chia tay với Viện Y khoa Garvan (Bệnh viện St Vincent’s) và chuyển nhóm nghiên cứu về Trung tâm Công nghệ Y tế của Đại học Công nghệ Sydney (UTS). Cuộc chia tay nào cũng để lại nhiều cảm xúc, nhứt là chia tay với một nơi mình đã quen từ đường đi lối về, quen từng hành lang của building, và quen từng đồng nghiệp cùng thời trong đó. Nhưng ở đời thì không có cái gì là vĩnh viễn, và tôi cũng phải thay đổi, phải tìm hướng đi mới cho mình. Thật ra, tôi đã là người của UTS 6 năm qua và đã ‘làm quen’ với môi trường mới, nhưng chỉ dưới dạng bán thời gian. Kể từ tháng 10/2021 thì tôi trở thành một ‘faculty’ toàn thời gian với UTS, dù vẫn giữ các chức vụ affiliation với Đại học New South Wales và Đại học Notre Dame.

Trong năm nay, tôi viết được 2 cuốn sách. Một cuốn bàn về suy nghĩ khoa học và một cuốn bàn về nhân tình thế thái. Hai cuốn này là tập hợp những bài tôi viết trong thời gian thành phố Sydney bị phong toả. Hai cuốn này sẽ xuất bản vào năm 2022.

Ngoài hai cuốn này, tôi cũng đóng góp cho nhiều báo và đài ở trong và ngoài nước. Chẳng nhớ từ cơ duyên nào mà tôi trở thành một cây viết cho vnexpress trong phần ‘Góc Nhìn’ và đã đóng góp vài ý kiến cho tờ báo. Ngoài ra, tôi còn có dịp trò chuyện hay đóng góp bài vở cho các báo như Tuổi Trẻ, PLO, Vietnamnet, Zing, Infonet, Soha, v.v. (nhiều quá, không nhớ hết), và cả đài ‘địch’ nữa (BBC, RFA, SBS).

Tôi có một kênh youtube làm phương tiện chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm và kĩ năng khoa học. Trong thời gian 12 tháng qua, tôi đã 25 bài giảng trên kênh youtube. Tuần nào tôi cũng nhận vài email động viên và khuyến khích, có bạn cho biết những bài giảng đó đã giúp cho họ làm nghiên cứu khoa học tốt hơn hay học tập tốt hơn. Tôi rất cảm kích trước những lời khuyến khích và thành quả của các bạn.

https://nguyenvantuan830970966.files.wordpress.com/2021/12/screen-shot-2021-12-31-at-12.29.38-pm.png?w=872

Tôi được báo chí đề cập sau công trình nghiên cứu về loãng xương mà trong đó tôi đề xuất khái niệm ‘Skeletal Age’. 

Trong năm qua, labo nghiên cứu của tôi chịu nhiều áp lực và khó khăn, chủ yếu là đại dịch. Thế nhưng, chúng tôi cũng đã công bố được hơn 10 bài báo; trong đó phải kể đến 2 công trình trên các tập san số 1 trên thế giới (BMJ và eLife). Đó cũng là năm đánh dấu một phát kiến của tôi về “Skeletal Age” mà chúng tôi và đồng nghiệp trên thế giới sẽ khai thác trong tương lai. Tất cả thành tích này là nhờ vào đóng góp của các thành viên trong labo, và tôi muốn nhân dịp này tỏ lời cảm ơn đến các bạn.

Qui luật vô thường (impermanence) phát biểu rằng tất cả các sự vật trên đời này tồn tại đều có điều kiện, đều nhứt thời, đều phai nhoà, và đều đổi thay. Những biến cố, sự kiện, và đổi thay trong năm 2021 đều đúng và chỉ là một phần của Qui luật Vô thường.

Mến chúc các bạn một năm mới dồi dào sức khoẻ, nhiều may mắn, và thành công! 

________

[1] Tại sao Việt Nam có số ca tử vong cao? https://www.facebook.com/t.nguyen.2016/posts/1321030958344218

[2] Khó tin con số covid của Nhà nước. https://www.facebook.com/t.nguyen.2016/posts/1328039960976651

[3] Một hư hỏng về thiết chế khoa học. https://www.facebook.com/t.nguyen.2016/posts/1383652218748758

[4] “Reinvent the wheel”. https://www.facebook.com/t.nguyen.2016/posts/1387507568363223

[5] “Nguỵ khoa học” và tiêu tiền trong khoa học. https://www.facebook.com/t.nguyen.2016/posts/854824698298182

[6] Thất bại của xã hội đối với trẻ em. https://www.facebook.com/t.nguyen.2016/posts/1388700634910583

[7] Nỗi lòng người đi. https://www.facebook.com/t.nguyen.2016/posts/1332472713866709

[8] Vụ 15 con chó bị giết chết. https://www.facebook.com/t.nguyen.2016/posts/1336427340137913

[9] Animal Farm. https://www.facebook.com/t.nguyen.2016/posts/1355216628258984

[10] ‘Nouveau Riche’ và ‘Bad Taste’. https://www.facebook.com/t.nguyen.2016/posts/1354450058335641

[11] Thuỳ Tiên: https://www.facebook.com/t.nguyen.2016/posts/1374102583037055

nguyenvantuan.info/2021/12/31

Tags: , , ,

Comments are closed.