30 năm sau khi Liên Xô sụp đổ, Putin bám víu quá khứ cộng sản


Người dân lật đổ bức tượng Felix Dzerzhinsky, người sáng lập cơ quan mật vụ Nga trước trụ sở KGB ở quảng trường Lubyanka, Matxcơva ngày 23/08/1991. AP – Alexander Zemlianichenko

RFI Đăng ngày: 22/12/2021

Thụy My

Liên Xô đã qua đời mà không cần bắn một phát súng nào hôm 25/12/1991, khi Mikhail Gorbatchev từ chức tổng thống. Nhưng theo Le Figaro, xác chết của Liên bang Xô viết vẫn còn đe dọa Ukraina.QUẢNG CÁO

Le Figaro hôm nay 22/12/2021 dành nhiều trang báo để kỷ niệm 30 năm Liên Xô sụp đổ. Tờ báo chạy tựa « Ba mươi năm sau, nước Nga trong bóng tối Liên Xô ». Ở trang trong có các bài viết « Nga bấu víu quá khứ cộng sản và đế quốc », « Ukraina rạn nứt giữa hoài nhớ thế giới Xô viết cũ và ý hướng độc lập », « Iekaterinbourg, thành phố của Boris Eltsine không quên người hùng của mình ».

Tấm ảnh lịch sử về ngày cuối cùng của Liên Xô

Lúc 17 giờ ngày hôm ấy, ông Gorbatchev đến điện Kremlin trên chiếc xe ZIL công vụ, với sự hộ tống của hai đại tá xách chiếc vali đựng mật mã nguyên tử. Từ hôm 08/12, tổng thống Nga Boris Eltsine và hai đồng nhiệm Ukraina, Belarus đã ký thỏa thuận về một cộng đồng các Nhà nước độc lập, khiến Liên bang Xô viết trở thành chiếc vỏ rỗng. Ông chuẩn bị bài diễn văn từ chức, kết thúc sự tồn tại của Liên Xô.

Đến 19 giờ, Mikhail Gorbatchev bước vào phòng thu, nơi có vài nhà báo đang chờ. Lưu Hương Thành (Liu Heung Shing) của hãng tin Associated Press ngạc nhiên nhận thấy anh là phóng viên ảnh duy nhất có mặt. Mọi người chứng kiến cảnh Gorbatchev ký giấy từ chức tổng tham mưu trưởng quân đội Liên Xô. Bút không ra mực, nên chủ tịch CNN là Tom Johnson cho mượn cây bút Montblanc, ngày nay được trưng bày ở bảo tàng báo chí Washington. Sau đó Mikhail Gorbatchev bắt đầu phát biểu.

KGB đã báo trước là không được chụp hình trong khi đang ghi âm, nhưng Lưu Hương Thành nghĩ, đang trực tiếp nhìn thấy hồi kết của cuộc cách mạng bôn-sê-vích, cần phải ghi lại khoảnh khắc tổng thống xếp lại tập giấy. Anh bấm máy đúng lúc đó, nhân viên KGB giận dữ tặng cho một cú đấm. Người phóng viên ảnh đã từng tường thuật vụ Thiên An Môn vẫn bình tĩnh, chạy vội ra khỏi điện Kremlin để phát đi tấm ảnh quý giá. Một nhóm đồng nghiệp đến trễ, hiểu rằng đã lỡ mất thời điểm lịch sử, cũng tỏ ra bực tức với anh. Lưu Hương Thành chỉ kịp nhìn thấy lá cờ đỏ búa liềm bị hạ xuống, và cờ ba màu xanh trắng đỏ của Nga được kéo lên trên mái vòm điện Kremlin.

Đế quốc cộng sản từng làm rung chuyển thế giới chấm dứt tồn tại

Liên Xô không còn tồn tại nữa. Đế quốc cộng sản toàn trị đã làm rung chuyển thế giới, vừa biến mất sau một nét bút. Không một tiếng súng nổ. Gần như lặng lẽ. Giờ đây nhìn lại, mới thấy quá trình tan rã của Liên bang Xô viết rất nhanh, chỉ sáu năm sau khi Mikhail Gorbatchev, nhân vật năng nổ muốn hiện đại hóa đất nước, lên nắm quyền.

Trong sáu năm ấy, những thay đổi chóng mặt đã diễn ra. Bức tường Berlin sụp đổ năm 1989, khi người dân các nước Đông Âu lao vào kẽ hở tự do được perestroika mở ra. Gorbatchev để yên, ông không muốn máu đổ, và đây là hành động quan trọng mang lại vinh quang cho ông trong lịch sử. Nhưng sự tiết chế của ông khiến khát vọng tự do tràn ngập khắp nơi. Lên nhậm chức để cứu vãn một hệ thống đang tàn hơi, nhân vật của đổi mới đánh mất sự kiểm soát.

Thời điểm nào đã quyết định vận mạng của Liên Xô ? Phải chăng tại Afghanistan, khi chính quyền Brejenev dấn thêm vào một cuộc chiến ? Hay là năm 1989, khi Gorbatchev bỏ rơi tổng bí thư Đông Đức Erich Honecker, để cho người biểu tình leo lên bức tường chia cắt Đông-Tây, trong khi tại Thiên An Môn, Bắc Kinh đàn áp đẫm máu các sinh viên đòi tự do ? Tổng thống cuối cùng của Liên Xô có là « kẻ phản bội » như một số người Nga nuối tiếc quyền lực quá khứ vẫn nghĩ ? Có nên quy trách nhiệm cho Boris Eltsine và vụ đảo chính nhằm lật đổ Gorbatchev, hay là Liên Xô ngay từ đầu đã mang mầm tan rã?

Do phương Tây can thiệp, hay hệ quả của một chủ nghĩa không tưởng ?

Cuộc tranh luận chưa chấm dứt, và ngày nay nhiều người Nga tin vào lịch sử bị Kremlin bóp méo, vẫn cho rằng có âm mưu của phương Tây với sự hợp tác của những người chủ trương tự do. Họ không hình dung được phương Tây đã sững sờ như thế nào, không hề chuẩn bị nhìn thấy sự sụp đổ này. Họ quên rằng George Bush cha không muốn Ukraina độc lập, tổng thống Pháp Mitterrand cũng có cùng quan điểm. Liên Xô tan vỡ vì chính những nghịch lý của mình, vì sự thất bại của hệ thống toàn trị cộng sản.

Thật ra quá trình xuống dốc đã bắt đầu từ lâu, với những vụ nổi dậy liên tục của nhân dân Đông Âu, nhất là Công đoàn Đoàn Kết Ba Lan. Một số chỉ ra mô hình kinh tế kế hoạch, việc hủy diệt sở hữu tư nhân khiến Liên Xô không nuôi nổi người dân, phải nhập khẩu ồ ạt. Số khác cho rằng chính Reagan đã tungg cú đòn quyết định khi lăng-xê « Chiến tranh giữa các vì sao » khiến Matxcơva phải hụt hơi chạy theo. Tất cả đưa dần đến sự kiện năm 1991. Một khi cưỡng bức và sợ hãi đã giảm nhẹ bởi Gorbatchev, hệ thống dựa trên một ý thức hệ bề ngoài không chống chọi nổi, sụp đổ như một tòa lâu đài trên cát. Điều đáng chú ý là không xảy ra bạo lực như ở Nam Tư, ngược lại Nga là nước đầu tiên công nhận Ukraina độc lập.

Với việc Vladimir Putin lên nắm quyền, giờ đây là sự pha trộn giữa tư bản tài phiệt, đàn áp đối lập, tuyên truyền Nhà nước, nuối tiếc đế quốc, gợi lại một thế giới xô-viết tưởng chừng đã tàn lụi. Tương lai dân chủ từng được hy vọng năm 1991 vụt tắt, gây lo ngại cho các láng giềng, nhất là Ukraina phải đối mặt với họa xâm lăng, bảy năm sau khi Crimée bị chiếm.

Từ Liên Xô hùng mạnh đến nước Nga chuyên quấy nhiễu

Trong bài xã luận « Tro bụi đế quốc », Le Figaro nhận định sau 30 năm nhìn lại, chiến thắng mang dư vị cay đắng. Với tờ giấy khai tử Liên Xô được Mikhail Gorbatchev ký, phương Tây tin rằng mô hình dân chủ tư bản sẽ lên ngôi sau khi thắng được cuộc chiến tranh lạnh. Nhưng trận đại hồng thủy địa chính trị đã tạo ra 15 nước cộng hòa trên 22,5 triệu kilomet vuông của Liên bang Xô viết cũ, nửa triệu quân nhân và hàng ngàn vũ khí nguyên tử phải đưa về nước, trong bối cảnh kinh tế, kỹ nghệ suy sụp, mà thảm họa Tchernobyl là triệu chứng báo trước cách đó 5 năm. Phương Tây cận thị không thấy đó là nguồn gây bất ổn.

Móng vuốt gấu Nga làm máu đổ ở Tchetchenya, Gruzia, Ukraina ; Vladimir Putin tìm kiếm sức mạnh và vinh dự đã mất. Ông ta muốn lập ra thăng bằng chiến lược với NATO. Nhưng một khi đế quốc Xô viết chỉ còn là những hạt bụi, Putin chỉ còn lại vũ khí của kẻ yếu : tấn công vào những nước nhỏ nhất, gặm nhấm biên giới, duy trì xung đột, ủng hộ những tên độc tài lẽ ra phải trả giá, huy động lính đánh thuê, can thiệp giấu mặt, bóp méo thông tin, phá hoại, tấn công tin học…

Từ Liên Xô hùng mạnh trở thành nước Nga quấy nhiễu, Putin gỡ gạc nỗi nhục lịch sử của Nga bằng tiền lẻ. Cũng như nhiều thế kỷ qua, trước hết chính người dân Nga phải trả giá, giấc mơ tự do của họ bị nạn trấn áp và nỗi sợ đè bẹp.

Kim Jong Un làm Bắc Triều Tiên càng bị cô lập

Nhìn sang châu Á, Les Echos nhận xét « Trong 10 năm, Kim Jong Un đã gia tăng năng lực nguyên tử nhưng lại làm trầm trọng thêm tình trạng cô lập của Bắc Triều Tiên ».

Lúc Kim Jong Un lên nối ngôi cha cách đây 10 năm, ngày 20/12/2011, các nhà quan sát cho rằng sự tồn tại của Bắc Triều Tiên chỉ có thể tính bằng tháng, thậm chí tuần lễ. Nhưng nhà lãnh đạo trẻ tuổi vẫn giữ được ngai vàng bằng bàn tay sắt. Cũng như cha và ông nội, Kim Jong Un lần lượt trừ khử mọi đối thủ tiềm năng hoặc người chỉ trích, kể cả cho xử bắn chú dượng Jang Song Thaek và đầu độc người anh cùng cha khác mẹ Kim Jong Nam. Chế độ Kim Jong Un cũng dựa trên sự tàn bạo, nỗi sợ và đàn áp, dẫn đến việc vi phạm các quyền của người dân, khó khăn kinh tế và có thể là nạn đói.

Tuy trong bài diễn văn đầu tiên đọc trước dân chúng năm 2012, Jong Un hứa hẹn « sẽ không còn phải thắt lưng buộc bụng », và sau đó thực hiện một số cải cách. Nhưng ngày nay cứ 10 người dân có 4 người bị suy dinh dưỡng. Trong những năm tới, Bắc Kinh vẫn sẽ hỗ trợ để tránh chế độ Bình Nhưỡng bị sụp đổ, đồng thời bảo đảm miền Bắc không thống nhất được với miền Nam – quá gắn bó với Hoa Kỳ. Giáo sư Park Jong Chul, đại học Daejeon nhận xét : « Ngay cả Kim Jong Un cũng không tin vào việc thống nhất do Bình Nhưỡng chủ xướng. Ưu tiên duy nhất của ông ta là sống sót ».

Châu Âu có dám mạnh tay với Việt Nam ?

Liên quan đến Việt Nam, tác giả Julien Bouissou trên Le Monde đặt vấn đề « Liên Hiệp Châu Âu, lợi ích thương mại và các giá trị ». « Chính sách thương mại có thể phục vụ đắc lực cho những điều tốt đẹp ». Đó là câu nói của ủy viên thương mại châu Âu Phil Hogan hồi tháng 7/2020, khi hiệp định tự do mậu dịch giữa Liên Hiệp Châu Âu (EU) và Việt Nam bắt đầu có hiệu lực.

Hiệp định « thế hệ mới » lần đầu tiên giữa một quốc gia Đông Nam Á và cựu lục địa, khiến Bruxelles hãnh diện về các điều khoản phát triển bền vững. Đôi bên cam kết tôn trọng các nguyên tắc căn bản liên quan đến quyền của người lao động, thông qua việc phê chuẩn các công ước chính của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO). Các nhà đàm phán châu Âu còn thành công trong việc thúc đẩy chính quyền cộng sản Việt Nam ký văn bản khẳng định tôn trọng Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền. Ông Geert Bourgeois, chủ tịch Ủy ban Thương mại Quốc tế của Nghị Viện Châu Âu bày tỏ tin tưởng hiệp ước sẽ đẩy nhanh nhịp độ cải cách tại Việt Nam.

Vài tháng sau, năm nhà báo công dân bị vào tù vì « lợi dụng các quyền dân chủ » khi điều tra về tham nhũng hoặc cưỡng chế đất đai, và mới đây một nhà báo kiêm blogger khác bị lãnh án 9 năm tù vì các bài viết được cho là gây bất ổn xã hội. Về quyền của người lao động, trong thời gian phong tỏa, công nhân phải ở lại nhà máy cả ngày lẫn đêm, giờ phụ trội không được trả, khiến nhiều người lao động sau đó đổ xô về quê. Về chống biến đổi khí hậu, lãnh vực Bruxelles quan tâm nhất, Climate Action Tracker (CAT) xếp Việt Nam trong số những nước tệ nhất.

Tác giả đặt câu hỏi, liệu EU lại có ngây thơ như trước Trung Quốc khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cách đây 20 năm hay không ? Hiệp ước dự trù những biện pháp nếu không tôn trọng những cam kết, tuy nhiên vấn đề nhân quyền và khí hậu khó ràng buộc hơn so với thuế quan vì Bruxelles không muốn bị các đối tác cáo buộc xen vào chuyện nội bộ. Tháng 2/2020, EU đã hủy một phần ưu đãi thuế cho Cam Bốt, liệu sẽ có cùng sự can đảm này đối với Việt Nam, một trong những nền kinh tế năng động nhất châu Á ?

Tags: , ,

Comments are closed.