Chuyện Việt Nam Thứ Sáu 20/01/2023: Cháy chợ Bình Định – Xác bé Hạo Nam được kéo lên – Sinh viên đón Tết trong nợ nần –


Quê Hương tổng hợp


Cháy chợ Bình Định trong đêm, tiểu thương mất sạch hàng hóa bán Tết

Tường Vy
https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/01/06-chay-cho-binh-dinh-2.jpg

Lực lượng Cảnh sát PCCC đang chữa cháy tại chợ Bình Định – Ảnh Tuổi Trẻ 

Rất nhiều hàng hóa trong 20 sạp hàng bán Tết tại chợ bị “bà hỏa” thiêu rụi ngay trong đêm 19 Tháng Giêng (28 Tết). Nhiều tiểu thương đứng như trời trồng vì mất trăng vốn liếng làm ăn, lại phải mang nợ nần.

Trưa cùng ngày, ông Mai Xuân Tiến – phó chủ tịch UBND thị xã An Nhơn – cho biết thị xã đang cố gắng giúp tiểu thương khắc phục hậu quả vụ cháy chợ Bình Định và yêu cầu các cơ quan chức năng bảo vệ hiện trường, sớm điều tra xác định nguyên nhân vụ cháy.

Theo ông Tiến, vụ cháy chợ Bình Định được phát hiện lúc 0h30. Thời điểm trên, Ban quản lý chợ Bình Định nhận được tin của người dân cho biết lửa bốc lên tại một sạp hàng trái cây. Ngọn lửa nhanh chóng lan ra các sạp hàng xung quanh.

Lực lượng PCCC nhanh chóng có mặt, tuy nhiên do do gió to, các gian hàng chứa nhiều mặt hàng dễ dẫn lửa như: vải, mỹ phẩm… nên công tác chữa cháy gặp nhiều khó khăn, ngọn lửa có nguy cơ lan rộng.

Đến 2h44 thì ngọn lửa được dập tắt hoàn toàn. Ông Tiến nói vụ cháy không có thiệt hại về người, nhưng đã gây thiệt hại cho 20 lô, sạp hàng hóa của 17 tiểu thương, buôn bán các mặt hàng trái cây, vàng mã, nhang đèn, gạo, vải, mỹ phẩm, quần áo…

Mức độ thiệt hại, nguyên nhân vụ cháy đang được thống kê. Tuy nhiên, theo đánh giá từ chính quyền, vụ cháy gây ra nhiều thiệt hại vì các tiểu thương trữ nhiều hàng hóa để phục vụ dịp Tết Quý Mão.

Trong sáng cùng ngày, chính quyền thị xã An Nhơn hỗ trợ bước đầu cho bốn hộ tiểu thương bị thiệt hại nặng trong vụ cháy, mỗi hộ 5 triệu đồng; 13 hộ thiệt hại nhẹ được hỗ trợ 2 triệu đồng/hộ.


Thi thể bé Hạo Nam đã được đưa lên mặt đất – Lê Thiệt
19 tháng 1, 2023

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/01/05-be-Hao-Nam-03.jpg

Lực lượng PCCC Công an tỉnh Đồng Tháp đeo thiết bị chuyên dụng để tìm và đưa thi thể bé trai lên, tối 19 Tháng Giêng. Ảnh: VNExpress 

Cuối cùng, thi thể bé Hạo Nam, nạn nhân rơi xuống cọc bê tông sâu 35 mét ở dự án cầu Rọc Sen, xã Phú Lợi, huyện Thanh Bình (tỉnh Đồng Tháp), cũng được đưa lên mặt đất sau 21 ngày làm việc cật lực của lực lượng cứu nạn.

Báo VNExpress cho biết vào lúc 1h25 ngày 20 Tháng Giêng (29 Tết), hai cảnh sát cứu nạn Công an tỉnh Đồng Tháp đeo dưỡng khí, xuống độ sâu hơn 25 m trong lồng ống sắt bao quanh trụ bê tông – nơi bé trai 10 tuổi bị kẹt, dùng thiết bị chuyên dụng để đưa thi thể lên. Do trong ống vách nhỏ hẹp, thao tác khó khăn, từng nhóm hai người xuống phải lên để đổi nhóm khác. Sau nhiều lượt lên xuống, việc trục vớt mới hoàn thành sau gần hai tiếng thực hiện.

Báo chí cho biết, sau khi khám nghiệm pháp y, thi thể bé Hạo Nam được khâm liệm rồi giao cho gia đình tổ chức lệ an táng.

Trưa 31/12/2022, bé Hạo Nam lọt xuống cọc bê tông đường kính 25 cm, khi cùng bạn nhặt phế liệu ở công trường cầu cách nhà gần một cây số. Những ngày sau đó, tỉnh Đồng Tháp và các lực lượng huy động thiết bị, nhân sự, đưa ra nhiều phương án, nhưng việc cứu hộ không thành công do hạn chế máy móc, nhân lực… Tối 4 Tháng Giêng, tức sau 5 ngày xảy ra tai nạn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Đoàn Tấn Bửu tuyên bố bé Hạo Nam tử vong sau khi tiến hành hội chẩn dựa trên những dữ liệu thu thập.

Lời tuyên bố của ông Bửu mở ra một cuộc tranh luận gay gắt trên báo chí và mạng xã hội. Một số luật sư nói lời tuyên bố của ông Bửu không có giá trị về mặt pháp lý. Nhiều người cho rằng ông Bửu tuyên bố như thế để giảm trách nhiệm cho lực lượng cứu nạn, thay vì cứu người, giờ chỉ có nhiệm vụ đưa thi thể người chết lên.

Có người cũng không tin bé Hạo Nam, cho dù thiếu ăn, cũng không thể lọt vào ống có đường kính 25 cm được, nên đặt câu hỏi có thực sự lòng cọc bê tông này rỗng 25 cm hay hơn thế?

Nhiều người phân tích vấn đề này vì từ khi tai nạn xảy ra, không phóng viên nào chụp đường hình ống bê tông tại hiện trường để xác nhận đường kính thực sự của nó là bao nhiêu. Cho đến ngày 19 Tháng Giêng, một tấm hình được chia sẻ trên mạng xã hội lại càng làm cư dân mạng phân tích về chiều rộng lòng ống bê tông này.

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/01/05-be-Hao-Nam-1A.jpg

Từ tấm hình này, cư dân mạng bàn cãi về đường kính lòng ống bê tông là bao nhiêu – Ảnh: MXH 

Nhiều ý kiến cho rằng theo tấm hình này đường kính lòng ống phải lớn hơn 30 cm. Nếu nhận định này đúng, cho phép người ta lý giải được tại sao bé Hạo Nam lọt vào đường ống dễ dàng. Thế nhưng điều này cũng có nghĩa là đơn vị thi công có thể đã “ăn gian” vật liệu, điều mà nhiều người lại cho rằng rất khó xảy ra, vì “chẳng ai dại gì ăn gian vào kết cấu cả”.

Nói chung, sau khi thi thể bé Hạo Nam được đưa lên mặt đất để an táng, cơ quan chức năng sẽ bắt đầu xem xét trách nhiệm của các đơn vị liên quan, từ chủ đầu tư đến công ty nhận thầu, xuống tới đơn vị thi công.

Tết Quý Mão này không chỉ là cái Tết ảm đạm cho gia đình bé Hạo Nam, mà còn là cái Tết lo lắng, bồn chồn của những người để tai nạn thương tâm này xảy ra.


Sinh viên đón Tết trong nợ nần vì bị lừa kiếm tiền online – Lê Thiệt
19/01/2023

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/01/04-lua-dao-1.jpg

Giao diện website mà Thanh phải làm nhiệm vụ. Ảnh: VNExpress 

Chiêu lừa tiền qua cách tuyển mộ bán hàng online tuy cũ nhưng vẫn rất còn hiệu nghiệm trong những ngày giáp Tết, khi nhiều sinh viên hối hả kiếm tiền trước khi về quê ăn Tết với gia đình.

Một trong nhiều nạn nhân là Cẩm Thanh, cô sinh viên năm thứ nhất tại Sài Gòn.

Thanh kể do trường cho nghỉ Tết sớm nên cô tận dụng thời gian trước khi về quê tìm việc làm kiếm thêm chút tiền phụ gia đình. Sau khi đăng thông tin tìm việc trên hàng loạt trang tuyển dụng, Thanh được một người liên lạc giới thiệu về công việc “tăng like video cho đối tác”.

Từ nhiệm vụ “like video” với thù lao “bèo bọt”, Thanh bị dụ dỗ vào nhóm “đặt đơn hàng” được trả thù lao hơn gấp ba cộng với tiền lãi lên đến 30% giá trị món hàng giao được, với điều kiện cô phải ứng trước số tiền từ 100.000 đến 700.000 đồng cho công ty để chuyển đổi thành tài khoản trên một website.

Thanh kể, “ngày đầu tiên tham gia đã lời gần một triệu đồng, trả thẳng về tài khoản. Đó là số tiền lớn đầu tiên tôi kiếm được”.

Niềm vui đó còn được “nhân đôi” khi ngày thứ hai, Thanh được trưởng nhóm trao cho “cơ hội” khác. Họ nói cô được phép “đầu tư” vài chục triệu đồng để kiếm tiền lời nhiều hơn. Thấy họ trả lời sòng phẳng, cô quyết định đập hết khoản lời hôm trước vào, bỏ thêm vài triệu tiền tiết kiệm và vay thêm bạn bè làm ăn, với quyết tâm “làm giàu thì phải có gan”.

Thề là Thanh dính bẫy, vì lúc này nhiệm vụ “đặt đơn hàng” trở nên phức tạp, yêu cầu nhiều thao tác hơn, trong khi thời gian rút ngắn. Nó y như một trò chơi online, càng vào sâu càng khó hoàn thành nhiệm vụ.

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/01/04-lua-dao-2.jpg

Minh họa: nationalnotary.org 

Một lần, lấy lý do cô thao tác sai, hệ thống khóa tài khoản. Cô sau đó được trưởng nhóm hướng dẫn “làm bù”, bằng cách thực hiện nhiệm vụ với số tiền lớn hơn. Tiếc số tiền gốc và lãi sắp được nhận, Thanh chấp nhận chuyển tiền như yêu cầu, trong đó lần nhiều nhất là 28 triệu đồng.

Cho đến lúc Thanh chuyển vào hệ thống này gần 50 triệu thì cô mới biết mình bị lừa. Hệ thống tự động sập và cô không biết cách nào liên lạc với họ để hỏi số tiền của cô đi về đâu.

Thanh tự nhận là người luôn cẩn thận trong các khoản chi. Nhưng đến nay khi nhớ lại, Thanh cho biết khi được đưa vào đường dây, cô dường như bị “thao túng tâm lý”. Tác động từ việc liên tục bị thúc ép chọn nhiệm vụ trong thời gian ngắn, lo lắng mất số tiền đã nạp, đồng thời có một số “chim mồi” là các thành viên khác trong nhóm khoe làm nhiệm vụ thành công, cô bị tác động và làm theo yêu cầu. Thanh kể:

“Mỗi khi hoàn thành nhiệm vụ và tăng tiền, tôi luôn được yêu cầu vào nhóm nói cảm ơn. Có thể tôi cũng vô tình trở thành chim mồi để lừa người mới”.

Ông Ngô Minh Hiếu, nhà sáng lập dự án Chống lừa đảo, cho biết chỉ mới nửa tháng đầu năm 2023, dự án nhận được hàng chục báo cáo từ các nạn nhân là sinh viên bị lừa khi làm cộng tác viên online.

Theo ông Hiếu, mặc dù hình thức lừa đảo “làm cộng tác viên” không mới, chúng liên tục thay đổi về hình thức khiến nhiều người vẫn đồng ý tham gia. Trong số những người bị lừa, có cả sinh viên công nghệ thông tin, vốn tiếp xúc với môi trường mạng từ lâu.

Theo ông Hiếu, kịch bản chung của thủ đoạn là dụ dỗ người dùng vào cộng đồng bằng công việc đơn giản, mức thù lao hậu hĩnh. Thời gian đầu, kẻ gian sẽ thả mồi bằng cách trả đầy đủ gốc và lãi cho người dùng. Nhưng sau đó, mức tiền nạp vào ngày càng tăng cùng thủ đoạn dụ dỗ, dọa dẫm để nạn nhân làm theo. Cuối cùng, khi số tiền đủ lớn, hệ thống sẽ “sập”, hoặc lấy cớ nạn nhân vi phạm để không cho rút tiền, thậm chí yêu cầu nạp thêm nếu muốn lấy.

Giờ thì Thanh đã về quê, nhưng chắc cái Tết năm nay đối với cô chắc chẳng vui vẻ gì khi phải giấu kín nỗi buồn với gia đình. Cô chia sẻ:

“Tiếc tiền và khó chịu vì mình đã cực kỳ cảnh giác mà vẫn bị lừa. Tết này tôi sẽ quay lại thành phố sớm để vừa học vừa kiếm tiền trả nợ”.

Comments are closed.