Chuyện Việt Nam Thứ Sáu 28/4/2023: *Mỹ cấm VN nhập nguyên liệu từ Tân Cương. *Biến cố tuyến cáp quang biển Liên Á. *Việt Nam cấm mặc giống quân phục VNCH? *RSF yêu cầu tiết lộ blogger bị bắt cóc ở Thái Lan. *592 kg ma túy bị thu giữ tại Nội Bài trong 3 tháng đầu 2023. *VN trấn áp mạnh loạn showbiz


Quê Hương tổng hợp


Ngành may mặc Việt Nam chật vật khi Mỹ cấm nhập nguyên liệu từ Tân Cương – BBC News

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh, 

Các quy định ngày càng chặt chẽ của Mỹ trong việc cấm nhập khẩu hàng hoá từ khu vực Tân Cương của Trung Quốc đang gây áp lực nặng nề lên các nhà sản xuất hàng may mặc và giày dép của Việt Nam, theo Reuters.

Trong số các nước xuất khẩu hàng may mặc, Việt Nam được xem là một trung tâm sản xuất toàn cầu, nhưng đã có gần 90.000 lao động mất việc làm kể từ tháng 10/2022, do nhu cầu trên toàn cầu chậm lại.

Theo Đạo luật Bảo vệ Lao động Cưỡng bức của người Duy Ngô Nhĩ (UFLPA) có hiệu lực từ tháng 6 của Mỹ, yêu cầu các công ty chứng minh rằng họ không sử dụng nguyên liệu thô hoặc linh kiện được sản xuất bằng lao động cưỡng bức ở Tân Cương.

Biện pháp trừng phạt của Mỹ càng gây tổn hại hơn giữa bối cảnh nhu cầu về quần áo ở các quốc gia giàu có giảm đi. Điều này đã làm giảm sản lượng công nghiệp và xuất khẩu từ các trung tâm sản xuất Đông Nam Á, vốn là nhà cung ứng chính cho các thương hiệu lớn như Gap, Nike và Adidas.

Trong số các lô hàng may mặc và giày dép trị giá 15 triệu USD bị giữ lại để kiểm tra UFLPA, hơn 80% là từ Việt Nam và chỉ 13% hàng hóa của Việt Nam được thông quan, dữ liệu hải quan của Mỹ tính đến ngày 3/4 cho thấy.

Nhiều nhà nhập khẩu Mỹ vẫn lạc quan dù chuỗi cung ứng của họ vẫn có thể bị gián đoạn, do các nhà sản xuất hàng may mặc của Việt Nam phụ thuộc vào Trung Quốc, với khoảng một nửa nguyên liệu đầu vào, theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam.

Các nhà sản xuất Việt Nam, hiệp hội thương mại và bộ công nghiệp đã không trả lời các câu hỏi của Reuters về tác động của UFLPA.

Do các biện pháp trừng phạt tăng theo cấp số nhân trong những tháng đầu năm nay, nên giá trị các lô hàng từ Việt Nam bị từ chối nhập cảnh vào Mỹ vượt quá 2 triệu USD, gấp ba lần so với các lô hàng từ Trung Quốc.

Mặc dù các biện pháp kiểm soát của Mỹ thường xuyên xảy ra hơn đối với ngành công nghiệp điện tử, đặc biệt là đối với các tấm pin mặt trời có thể được sản xuất bằng polysilicon từ Tân Cương, nhưng chỉ có 1% hàng hóa điện tử qua kiểm tra bị từ chối nhập cảnh, so với 43% lô hàng may mặc và giày dép.

Tổng cộng, hải quan đã rà soát gần 3.600 lô hàng trị giá hơn 1 tỷ USD từ nhiều quốc gia để xác định rằng chúng không chở hàng hóa có đầu vào từ lao động cưỡng bức ở Tân Cương, dữ liệu hải quan Mỹ cho thấy.

Liên đới với Tân Cương

Mặc dù các lô hàng bị tạm dừng chiếm một phần rất nhỏ trong tổng trị giá 27 tỷ USD hàng may mặc và giày dép mà Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ vào năm ngoái, nhưng rủi ro về việc tuân thủ các quy định có thể dẫn đến những điều chỉnh đau đớn hơn cho Việt Nam.

Theo Bộ Thương mại Hoa Kỳ, điều đó sẽ ảnh hưởng đến người tiêu dùng Mỹ vì Việt Nam là nguồn cung cấp hàng may mặc từ sợi bông chính cho nước này.

Sheng Lu, Giám đốc Khoa Nghiên cứu Thời trang và May mặc tại Đại học Delaware, cho biết: “Sự phụ thuộc nặng nề của Việt Nam vào nguyên liệu dệt bông từ Trung Quốc đề ra nguy cơ đáng kể về khả năng sản phẩm chứa bông Tân Cương, vì tỉnh này sản xuất hơn 90% lượng bông của Trung Quốc”.

Theo ông Lu, Việt Nam khó có thể giảm mạnh sự phụ thuộc này bởi vì nhiều nhà sản xuất tại Việt Nam thuộc sở hữu của các nhà đầu tư Trung Quốc.

Một quan chức chính phủ am tường về ngành công nghiệp này đã xác nhận với Reuters rằng một số nhà cung cấp Việt Nam có thể khó tuân thủ các quy định mới, vì họ nhập khẩu bông từ Tân Cương hoặc vì họ không thể chứng minh rằng họ không nhập từ đó. 

Ủy ban Hàng hải Liên bang, cơ quan Hoa Kỳ chịu trách nhiệm về vận tải biển quốc tế, đã cảnh báo vào đầu tháng này về khả năng gián đoạn chuỗi cung ứng do việc kiểm tra UFLPA gây ra.

Trong một cuộc khảo sát năm ngoái, gần 60% các nhà quản lý ngành thời trang Mỹ cho biết họ đang thăm dò các quốc gia bên ngoài châu Á để tìm nguồn cung cấp để đối phó với đạo luật về lao động cưỡng bức.

Ông Sheng Lu nói các công ty của Mỹ sẽ khó có thể nhanh chóng tìm được nhà cung cấp thay thế. Do đó, dự kiến sẽ có nhiều đợt kiểm tra hơn đối với hàng hóa của Việt Nam.

Theo chuyên gia này, các công ty phương Tây nên “nỗ lực cật lực hơn để vạch ra chuỗi cung ứng của họ, tìm ra đâu là nơi sản xuất cho từng giai đoạn và thực hiện thẩm định tường tận”.

Mất việc làm

Nhu cầu toàn cầu sụt giảm đã buộc ngành công nghiệp sử dụng lao động lớn thứ hai của Việt Nam sau nông nghiệp, phải sa thải gần 3% trong số 3,4 triệu lao động kể từ tháng 10/2022, dẫn đến việc giảm 11,9% xuất khẩu của cả nước và giảm 2,3% sản lượng trong quý đầu tiên của năm nay so với một năm trước đó, khiến cho tăng trưởng chậm lại.

Trong 3 đôi giày của Nike và Adidas bán ra trên toàn cầu thì có 1 đôi được sản xuất tại Việt Nam, và tương ứng 26% và 17% quần áo của họ bán trên toàn cầu đều được sản xuất tại Việt Nam.

Tuy nhiên, Nike đã giảm đáng kể sản lượng hàng may mặc và giày dép tại Việt Nam mặc dù quốc gia này vẫn là trung tâm sản xuất chính của họ, theo báo cáo thường niên mới nhất cập nhật đến tháng 5/2022. Nike không trả lời các câu hỏi về UFLPA.

Adidas cũng không bình luận về UFLPA, nhưng cho biết việc thu hẹp quy mô nơi các nhà cung cấp Việt Nam là phù hợp với luật pháp địa phương.

Người phát ngôn của Adidas cho biết: “Việt Nam tiếp tục là một trong những quốc gia cung ứng chính của chúng tôi.”

Gap cho biết họ không có lô hàng nào bị giữ lại.

Hai quan chức từ hiệp hội thương mại ngành may mặc và giày dép Hoa Kỳ cho biết các quy định mới cho đến nay không có tác động lớn đến Việt Nam. Họ đổ lỗi việc cắt giảm việc làm gần đây là do nhu cầu toàn cầu thấp hơn.

Pou Chen – nhà cung cấp chính cho Nike và Adidas đang tiến hành cắt giảm hàng loạt việc làm ở Việt Nam khi họ lên kế hoạch đầu tư sản xuất lớn ở Ấn Độ. Reuters đưa tin vào tháng Hai.

Số người đã bị sa thải là những người làm việc cho một nhà thầu của công ty đồ thể thao Hoa Kỳ Under Armour, và nhiều công nhân bị cắt giảm giờ làm tại Regina Miracle International, nhà cung cấp cho hãng đồ lót khổng lồ Victoria’s Secret của Mỹ. – các công nhân và giám đốc điều hành nói với Reuters. 

Tuy nhiên, những công ty đó đã không trả lời các câu hỏi từ Reuters.

“Thông thường các công ty tuyển lao động sau Tết Nguyên đán, nhưng năm nay mọi thứ diễn ra ngược lại”, bà Nguyễn Thị Hương, 45 tuổi, làm việc cho Pou Chen 10 năm và vừa bị mất việc, cho biết.


Việt Nam đã khắc phục xong biến cố tuyến cáp quang biển Liên Á

RFA – 27/4/2023

Người dùng internet tại một quán cà phê ở Hà Nội hôm 25/8/2017 (minh họa) 

Reuters 

Tuyến cáp quang biển Liên Á (IA) vừa được khắc phục sửa chữa xong sau gần ba tháng xảy ra sự cố.

Như vậy vẫn còn bốn tuyến cáp quang biển gặp sự cố, Việt Nam vẫn chưa khắc phục xong. Truyền thông Nhà nước loan tin trên trong ngày 27/4 theo thông tin từ đại diện một nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP) tại Việt Nam.

Cụ thể, đại diện ISP cho biết, lỗi trên nhánh S1 hướng kết nối đi Singapore của tuyến cáp quang biển Liên Á đã được sửa xong, khôi phục hoàn toàn dung lượng trên tuyến. Hiện tại, tuyến cáp này đã hoạt động ổn định trở lại.

Liên Á là một trong năm tuyến cáp quang biển chiếm phần lớn dung lượng kết nối Internet từ Việt Nam đi quốc tế, cùng với bốn tuyến khác gồm AAG, APG, AAE-1 và SMW3. Đây là tuyến cáp biển được đánh giá có vai trò quan trọng để trung chuyển lưu lượng đến châu Mỹ và châu Âu cho các khách hàng ở Việt Nam và khu vực.

Với việc tuyến cáp quang biển Liên Á được khôi phục, hiện vẫn còn bốn tuyến khác là AAG, APG, AAE-1 và SMW3 vẫn đang gặp sự cố từ cuối năm 2022 đến nay.

Một đại diện ISP tại Việt Nam từng cho biết trên tờ VnExpress rằng quá trình sửa cáp quốc tế gặp nhiều thách thức, trong đó có việc xin phép các nước để tiếp cận vị trí cáp. Các tuyến đều thuộc sở hữu và quản lý của các liên minh, gồm nhiều doanh nghiệp viễn thông ở nhiều quốc gia khác nhau. Vì vậy, các nhà mạng Việt Nam không thể chủ động trong việc khắc phục.

Tại Việt Nam, lưu lượng truy cập internet từ các địa chỉ nước ngoài hiện lớn hơn nhiều so với trong nước. Vì thế, mỗi lần các tuyến cáp biển quốc tế gặp sự cố, chất lượng dịch vụ internet của hầu hết các nhà mạng tại Việt Nam đều bị ảnh hưởng, đặc biệt trong việc truy cập các nền tảng xã hội như Facebook, Twitter hay YouTube …

Hôm cuối tháng 12/2021, theo báo cáo của Internet Việt Nam, cáp quang biển tại Việt Nam bình quân gặp sự cố khoảng 10 lần mỗi năm, mỗi lần sửa có thể kéo dài cả tháng. Điều này khiến nhà mạng viễn thông trong nước chỉ khai thác, sử dụng được 3/4 công suất của tuyến cáp đó.


Việt Nam : Luật có cấm mặc đồ giống quân phục VNCH?

RFA
25/4/2023

Cựu chiến binh chiến tranh Việt Nam ở Washington, DC trong ngày kỷ niệm ngày cựu chiến binh. 

https://www.rfa.org/++plone++rfa-resources/img/icon-zoom.pngAFP 

Truyền thông Nhà nước chỉ trích một số người Việt Nam thích mặc những bộ trang phục rằn ri giống quân phục VNCH. Trang phục như thế có bị cấm theo luật pháp Việt Nam hay không?

Mới đây, Báo Nhân Dân – Cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Việt Nam – có bài viết tựa “Một sở thích lố bịch và phản cảm”. Theo bài viết, việc một số người thích mặc trang phục lính của chế độ cũ ở miền Nam Việt Nam “là một biểu hiện không lành mạnh, cần lên án bởi nó cổ xúy cho bạo lực, kích động hận thù, khoét sâu vào những vết thương chiến tranh, gây bức xúc dư luận. Nếu không lên án, ngăn chặn kịp thời thì hậu quả sẽ rất khó lường.”

Bài viết kêu gọi “mỗi người dân cần nâng cao tinh thần cảnh giác, chủ động nhận diện, phát hiện và cùng ngăn chặn, đấu tranh với những hoạt động, hành vi phản cảm của một số cá nhân trong trang phục lính ngụy.”

Bày tỏ quan điểm của mình trên báo Nhân Dân, Thiếu tướng, nhà văn Khổng Minh Dụ nói: “Mặc cái gì tốt đẹp thì nên mặc, còn mặc đồ của đội quân đã một thời đi đến đâu là đàn áp, bắn giết, cướp bóc, đốt nhà, đánh đập, tra tấn người Việt Nam đến đó chỉ vì có liên quan đến Việt Cộng thì có nên cổ xúy không? Chủ trương hòa hợp dân tộc của Đảng và Nhà nước ta đã quá rõ ràng, được thể hiện ngay khi giải phóng miền nam, thống nhất đất nước, không để xảy ra cảnh ‘tắm máu trả thù’ như luận điệu tuyên truyền chiến tranh tâm lý của địch.”

Sự xuất hiện của nhiều nhóm, hội thích mặc quân phục của chế độ VNCH hoặc Mỹ theo tôi nghĩ cũng chỉ là ý thích “vớ vẩn”  mà đó cũng quyền tự do của họ (quyền con người) chẳng ảnh hưởng đến ai chứ không như nhận định trên báo Nhân dân nhận định là “tiềm ẩn” này nọ. Nhận định đó rất ấu trĩ và hoang tưởng của đám tuyên giáo cộng sản. Đó là nhận xét của tôi. – Ông Nguyễn Quang Vinh

Ông Nguyễn Quang Vinh, một đại tá quân đội về hưu nêu suy nghĩ của ông với RFA sáng 25 tháng 4 năm 2023, qua ứng dụng facebook messenger:

Bản thân tôi đã từng là quân nhân dưới chế độ cộng sản nhưng khi đã không còn phục vụ quân đội, tôi chưa bao giờ mặc lại bộ quân phục bất kể trong trường hợp nào. Theo tôi, khi đã về là dân thường mình trân trọng bộ quân phục chỉ để làm kỷ niệm (dù là của chế độ nào).

Sự xuất hiện của nhiều nhóm, hội thích mặc quân phục của chế độ VNCH hoặc Mỹ theo tôi nghĩ cũng chỉ là ý thích “vớ vẩn”  mà đó cũng quyền tự do của họ (quyền con người) chẳng ảnh hưởng đến ai chứ không như nhận định trên báo Nhân dân là “tiềm ẩn” này nọ. Nhận định đó rất ấu trĩ và hoang tưởng của đám tuyên giáo cộng sản. Đó là nhận xét của tôi.”

Một số cơ quan truyền thông khác như báo Công an Nhân Dân, báo Công an Sơn La có những bài viết phê phán những người thích mặc trang phục giống quân phục VNCH, gọi họ là những người “thiếu hiểu biết”; là “những kẻ dị hợm”.

Theo tác giả bài viết “Một sở thích lố bịch và phản cảm” trên báo Nhân Dân, nếu không tỉnh táo nhận diện và ngăn chặn rất có thể trào lưu “thời trang lính Việt Nam Cộng Hòa” sẽ bị các đối tượng phản động, thù địch triệt để khai thác, lợi dụng để chống phá Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam. Thậm chí các hội nhóm này có thể trở thành mục tiêu hướng đến của các tổ chức phản động, trở thành các tổ chức ngoại vi, phục vụ cho hoạt động chống phá đất nước.

Cựu Trung tá quân đội Vũ Minh Trí nêu quan điểm của ông với RFA sáng 25 tháng 4 rằng, nếu mặc quân phục lính Đức Quốc Xã hay lính Pol Pot Ieng Sary – những lực lượng bị tòa án quốc tế kết tội là phát xít hay diệt chủng – là điều hoàn toàn không nên, thậm chí bị cấm đoán. Còn với những người mặc quân phục giống lính VNCH, ông Trí nêu quan điểm:

Nhìn họ mặc như vậy, những người luôn luôn cảm thấy sợ hãi “các thế lực thù địch” thì đương nhiên họ sẽ thấy là lố bịch, phản cảm. Họ sợ rằng người ta sẽ liên tưởng đến quân lực Việt Nam Cộng Hòa. Còn đối với những người dân như chúng tôi thì chúng tôi thấy nó hoàn toàn bình thường. Đấy là sở thích cá nhân. Miễn nó không vi phạm pháp luật, không bị điều luật nào cấm.

Luật thì mỗi nước mỗi khác, nhưng tôi nghĩ, đến giờ phút này mà công an hoặc lực lượng chức năng chưa xử lý thì chắc không có luật nào bắt tội họ. Nếu có thì xử lý ngay rồi. Họ phải dùng truyền thông. Mà theo tôi, đó là ý kiến của một cá nhân nào đó thôi chứ dư luận xã hội chẳng ai quan tâm.”

Vậy pháp luật Việt Nam có cấm người dân mặc quân phục VNCH hay không? Luật sư Đặng Đình Mạnh viết trên Facebook cá nhân của ông từ năm 2017 rằng: Luật pháp quy định quân phục cùng với vũ khí quân dụng … thuộc nhóm A, có trong danh mục hàng hóa cấm kinh doanh (Nghị Định số 59/2006/NĐ-CP thi hành Luật Thương mại). Và chỉ trong phạm vi cấm kinh doanh mà thôi. Dĩ nhiên, trong giới hạn là văn bản ban hành với mục đích thi hành Luật Thương mại, cho nên, Nghị định số 59/NĐCP không quy định cấm đoán người dân sở hữu, sử dụng quân phục.

Cũng theo Luật sư Đặng Đình Mạnh, nếu người dân không phải là quân nhân, nhưng khoác vào mình bộ quân phục với đầy đủ phù hiệu, quân hiệu, cấp hiệu chỉ với mục đích lấy oai, khoe khoang mà không có hành vi vi phạm pháp luật thì không bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Ông kết luận: “Công dân có quyền làm những gì mà pháp luật không cấm đoán”.

Nhìn họ mặc như vậy, những người luôn luôn cảm thấy sợ hãi “các thế lực thù địch” thì đương nhiên họ sẽ thấy là lố bịch, phản cảm. Họ sợ rằng người ta sẽ liên tưởng đến quân lực Việt Nam Cộng Hòa. Còn đối với những người dân như chúng tôi thì chúng tôi thấy nó hoàn toàn bình thường. Đấy là sở thích cá nhân. Miễn nó không vi phạm pháp luật, không bị điều luật nào cấm. – Cựu Trung tá quân đội Vũ Minh Trí

Tuy pháp luật không cấm nhưng anh Nguyễn Viết Dũng, một người bất đồng chính kiến sau khi ra tù lần thứ nhất khẳng định: “Đúng là họ bắt tôi vì bộ đồ hơn là hành động tôi đi biểu tình bảo vệ cây xanh ở Hà Nội, nhưng tôi không bao giờ hối hận điều này mà còn tự hào về điều đó nữa”.

Anh Nguyễn Viết Dũng bị bắt lần đầu vào tháng 4 năm 2015 khi ra Hà Nội tham gia biểu tình tuần hành chống chặt cây xanh, với chiếc áo thun đen có in hình quốc huy Việt Nam Cộng Hòa và dòng chữ tiếng Anh có nghĩa “dân không sợ chính quyền, chỉ có chính quyền mới sợ dân”. Anh Nguyễn Viết Dũng bị tuyên 15 tháng tù với cáo buộc “Gây rối trật tự công cộng”.

Đến ngày 27 tháng 9 năm 2017, Nguyễn Viết Dũng bị bắt lần hai với cáo buộc về việc cắm cờ vàng ba sọc đỏ và các bài đăng trên trang cá nhân bày tỏ chính kiến của bản thân. Anh bị đưa ra tòa xử sơ thẩm vào tháng 4 năm 2018 và bị tuyên án bảy năm tù giam và năm năm quản chế. Phiên phúc thẩm vào tháng 8 sau đó, tòa giảm một năm tù giam xuống còn sáu năm tù giam.


RSF yêu cầu Việt Nam tiết lộ số phận blogger bị bắt cóc ở Thái Lan sau khi hết hạn tạm giữ

28/4/2023

Tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới (RSF) hôm 27/4 kêu gọi chính phủ Việt Nam làm rõ về tình trạng mất tích của một blogger Việt Nam cách đây hai tuần tại Thái Lan. Tổ chức này cho rằng gần như chắc chắn blogger này đã bị đặc vụ Việt Nam bắt cóc với sự đồng lõa của các quan chức Thái Lan.

Nhà báo tự do và blogger Đường Văn Thái đã mất tích vào ngày 13/4, mà bạn bè và những người quen biết cho là ông bị bắt cóc gần nhà ông ở tỉnh Pathum Thani, miền trung Thái Lan, nơi ông đến tị nạn bốn năm trước để thoát khỏi tình trạng đàn áp các nhà báo độc lập tại Việt Nam.

Cho tới nay, thông tin chính thức duy nhất về ông Đường Văn Thái là bản tin được đăng hàng loạt trên báo chí chính thống rằng công an Hà Tĩnh vào ngày 14/4 phát hiện một đối tượng “không có giấy tờ tuỳ thân, xâm nhập trái phép vào Việt Nam qua đường mòn, lối mở ở khu vực biên giới thuộc xã Sơn Kim 1” và “đối tượng khai nhận tên Đường Văn Thái”.

Kể từ đó, chính quyền Việt Nam không đả động gì đến số phận của nhà báo-blogger này, mặc dù theo Luật tố tụng Hình sự của Việt Nam, họ phải trả tự do cho ông hoặc chính thức buộc tội ông trong vòng 9 ngày. Thời hạn này đã hết hạn vào ngày 23/4 mà không có tuyên bố chính thức nào từ phía chính quyền Việt Nam về tình trạng của ông Thái.

“Chúng tôi muốn chính phủ Việt Nam trả lời một câu hỏi cực kỳ đơn giản: Đường Văn Thái đang ở đâu? Một mặt, mọi thứ cho thấy ông đã bị bắt cóc ở Thái Lan bởi các đặc vụ Việt Nam. Mặt khác, việc ông bị bắt vì nhập cảnh trái phép từ Lào có tất cả các dấu hiệu của một nỗ lực thô thiển nhằm gây nhầm lẫn vấn đề. Và giờ đây, công an thậm chí còn không tôn trọng các quy tắc của chính họ trong việc quyết định sẽ làm gì với ông ấy. Trường hợp này là một ví dụ đáng buồn về mức độ coi thường khủng khiếp của một chính phủ nắm giữ pháp quyền và tự do báo chí”, ông Daniel Bastard, Trưởng ban châu Á-Thái Bình Dương của RSF, nói trong thông cáo.

Tổ chức này cho biết họ đã liên hệ với trụ sở công an tỉnh Hà Tĩnh, nơi được cho là đang giam giữ ông Thái, nhưng không nhận được câu trả lời, sau 3 ngày hết hạn phải trả tự do hoặc buộc tội ông Thái theo luật.

Blogger Người Buôn Gió (Bùi Thanh Hiếu), một trong những blogger có nhiều thông tin nội bộ chính trị Việt Nam hiện đang sống ở Đức, cho rằng “Khả năng Đường Văn Thái nguy hiểm tính mạng”.

Trước đó vào ngày 19/4, ông Hiếu nói với VOA rằng theo những thông tin ông nhận được thì ông Đường Văn Thái “bị đánh thuốc mê” nên chưa thể tỉnh lại. Bởi vậy, phía nhà chức trách Việt Nam không thể cung cấp cho báo chí Việt Nam một tấm ảnh nào khi thông tin về vụ bắt giữ.

Các nguồn tin mật nói với RSF rằng vụ bắt cóc ông Thái mang dấu ấn của Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng, người đang tiến hành một cuộc thanh trừng lớn trong nội bộ đảng dẫn đến việc thay thế chủ tịch nước vào tháng trước.

RSF nói ông Trọng đã giữ vai trò lãnh đạo đảng quá lâu đến nỗi giờ đây ông ta đang ở nhiệm kỳ thứ ba, điều mà không một người tiền nhiệm nào của ông dám làm, và có một vị trí nổi bật trong danh sách những kẻ săn lùng tự do báo chí của tổ chức này.

Vì ông Thái có những nguồn tin mật từ cấp cao của Đảng Cộng sản nên ông đã đưa nhiều thông tin dưới dạng các bài viết và video về tham nhũng và tranh giành quyền lực trong đảng. Điều này khiến cho tổng bí thư có mọi lý do để nhắm vào ông, vẫn theo RSF.

Ông Đường Văn Thái đã được Văn phòng Cao ủy Liên Hiệp Quốc về người tị nạn tại Bangkok trao quy chế tị nạn vào năm 2020.

RSF cho biết họ đã gửi một văn bản yêu cầu Bộ Nội vụ Thái Lan cung cấp thông tin về vụ bắt cóc ông Thái vào ngày 20/4 nhưng Bộ này không trả lời RSF.

Ông Đường Văn Thái không phải là trường hợp đầu tiên một nhà báo nước ngoài tị nạn ở Thái Lan bị cưỡng chế “trục xuất” về nước họ với bất kỳ hành vi phạm tội cụ thể nào tại Bangkok.

Ông Trương Duy Nhất, một cộng tác viên Ban Việt ngữ của Đài Á Châu Tự Do, đã bị bắt cóc ngay trung tâm Bangkok vào tháng Một năm 2019. Ngày 9/3/2020, ông bị kết án 10 năm tù tại Việt Nam về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Vào năm 2016, Li Xin, một nhà báo Trung Quốc đã trốn sang Thái Lan sau khi làm việc cho nhật báo Nanfang Dushi Bao, đã bị bắt cóc khi đang đi trên chuyến tàu từ Bangkok đến đông bắc Thái Lan mặc dù ông đã định xin tị nạn. Ông này đã bị đưa trở lại Trung Quốc và bị bỏ tù.

Năm 2015, một nhà xuất bản Thụy Điển gốc Hoa, Gui Minhai, đã bị bắt cóc khi đang ở tại Pattaya, một khu nghỉ mát trên bãi biển của Thái Lan, và cuối cùng xuất hiện trở lại vài tháng sau đó để buộc phải nhận tội trên kênh CCTV của nhà nước Trung Quốc. Chính quyền Trung Quốc kết án ông này 10 năm tù vào ngày 24/2/2020, vì tội “cung cấp thông tin tình báo bất hợp pháp” cho nước ngoài.


592 kg ma túy bị thu giữ tại sân bay Nội Bài trong 3 tháng đầu năm nay (27-4-2023)

Posted by hoangtran204 trên 28/04/2023

Số ma túy được giấu trong các hộp kem đánh răng được vận chuyển qua đường hàng không bị bắt giữ

(Tiếng Chuông) Trong 3 tháng đầu năm 2023, lực lượng chức năng bắt giữ 10 vụ vận chuyển ma tuý qua đường hàng không về sân bay Nội Bài, thu giữ 592 kg ma tuý tổng hợp.

Thượng tá Đoàn Tất Nam, Phó trưởng phòng 7, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma tuý, Bộ Công an cho biết, tình hình tội phạm ma tuý trên tuyến đường hàng không thời gian qua diễn biến rất phức tạp.

Số lượng ma tuý thu giữ được trên tuyến đường hàng không trong 3 tháng đầu năm 2023 lớn hơn số lượng ma tuý thu giữ ma túy của 5 năm trước cộng lại. Đặc biệt, trong 3 tháng gần đây, lượng ma túy thu giữ được rất lớn, lên tới hàng trăm kilogam một vụ.

Trong 3 tháng đầu năm 2023, lực lượng chức năng phát hiện 10 vụ vận chuyển ma tuý qua cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài, bắt 21 đối tượng, thu giữ 592 kg ma tuý tổng hợp.

Theo Thượng tá Đoàn Nhất Nam, tội phạm thiết lập đường dây không phải ở trong nước mà từ nước ngoài vận chuyển ma tuý về Việt Nam. Chủ mưu cầm đầu đều là người Việt, sinh sống, học tập, lao động ở nước ngoài, sau đó móc nối với các đối tượng ở trong nước để vận chuyển ma tuý về Việt Nam.

Ma tuý được nguỵ trang trong tuýp kem đánh răng vận chuyển qua đường hàng không. 

Phương thức, thủ đoạn của tội phạm ma tuý trên tuyến đường hàng không rất đa dạng, phức tạp. Tội phạm lợi dụng loại hình du lịch, lợi dụng mua bán hàng ký gửi ở sân bay, lợi dụng vận chuyển hàng hoá qua công ty logistic để vận chuyển ma tuý vào Việt Nam.

Lý giải nguyên nhân tội phạm ma tuý trên tuyến đường hàng không diễn biến phức tạp, Thượng tá Nam cho biết do áp lực từ 4 trung tâm sản xuất ma tuý của thế giới rất lớn, đặc biệt là châu Âu – trung tâm sản xuất ma tuý tổng hợp để đưa ra thị trường thế giới. Với máy móc hiện đại, công nghệ tiên tiến, vì vậy chất lượng tinh khiết cao, độ phê cao, giá thành rẻ và đặc biệt từ châu Âu về Việt Nam đường hàng không rất thuận tiện. Do vậy, tội phạm lợi dụng để vận chuyển ma tuý về sân bay Nội Bài (Hà Nội), sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM).

Trong khi đó, nguồn cầu về ma tuý ở trong nước rất lớn, với hơn 200.000 người nghiện và gần 60.000 người sử dụng trái phép chất ma tuý ở trong nước, các đối tượng lợi dụng dịch vụ vũ trường, quán bar, karaoke để tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý. Trước nhu cầu lớn, đối tượng thường xuyên cung cấp ma tuý về trong nước để đáp ứng nguồn cầu.

Một nguyên nhân khiến tình hình phức tạp là lợi nhuận. Ở châu Âu giá ma tuý rất rẻ, về Việt Nam giá tăng lên gấp 5 đến 10 lần. Lực lượng chức năng triệt phá nhiều vụ án qua đường hàng không, bắt giữ cả đường dây, thu được số lượng ma tuý rất lớn. Nhưng vì lợi nhuận ma tuý mang lại rất cao, các đối tượng tiếp tục tìm cách để vận chuyển ma tuý về Việt Nam.

Ngoài ra, pháp luật ma tuý ở châu Âu không giống ở Việt Nam, tội vận chuyển ma tuý ở châu Âu rất nhẹ, do vậy công tác phối hợp quốc tế trong đấu tranh chống tội phạm ma tuý trên tuyến đường hàng không còn chưa được kịp thời, chưa triệt để, nên tội phạm lợi dụng để vận chuyển ma tuý vào Việt Nam.

Bên cạnh đó, theo Thượng tá Đoàn Nhất Nam, việc chấp hành pháp luật của các công ty dịch vụ bưu chính, chuyển phát nhanh, nhận thức của khách đi máy bay còn đơn giản, nghĩ rằng xách hàng không biết là không có tội. Do vậy tội phạm ma tuý lợi dụng để vận chuyển ma tuý qua đường hàng không.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ Công an, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma tuý đã phối hợp với lực lượng Hải quan, Công an các địa phương có địa bàn trọng điểm, đặc biệt Hà Nội, TP.HCM họp bàn giải pháp, chủ động phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn tội phạm này, không để tình hình diễn biến phức tạp.

Để ngăn chặn tội phạm ma tuý trên tuyến đường hàng không, bên cạnh công tác tuyên truyền, theo ông Nam cần phải giảm nguồn cầu.

“Lãnh đạo Bộ Công an đã phân công trách nhiệm các đơn vị, địa phương giải quyết các điểm, tụ điểm, không để tụ điểm phát sinh, phải triệt xoá, vô hiệu hoá các điểm sử dụng trái phép chất ma tuý, làm tốt công tác cai nghiện để hạn chế người nghiện ở ngoài xã hội, quản lý người nghiện để không tái nghiện”, ông Nam cho hay.

Thượng tá Nam cũng cho rằng cần phải phối hợp với cơ quan phòng, chống ma tuý quốc tế phòng, chống ma tuý từ sớm, từ xa, từ nơi xuất phát, chủ động thu thập tài liệu, dựng đường dây để đấu tranh triệt để, bắt được đối tượng chủ mưu cầm đầu. Nếu để ma tuý vào nước ta mới phát hiện thì hiệu quả công tác điều tra rất hạn chế, đối tượng vẫn tiếp tục để vận chuyển ma tuý từ nước ngoài về Việt Nam.


Loạn showbiz, Việt Nam cân nhắc trấn áp mạnh tay 

28/4/2023 

Ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng mới đây bị chỉ trích vì tự xưng là ‘Vua’ trong dự án phim tiểu sử bản thân (Hình ảnh chỉ mang tính chất minh họa) 

Nhà chức trách Việt Nam sẽ trừng phạt các nghệ sỹ dính chàm bằng biện pháp ‘ba cấm’, tức cấm diễn, cấm sóng, cấm quảng cáo, kể từ tháng 10 tới để làm trong sạch lại giới showbiz trong nước vốn đang bị bê bối bủa vây, theo tìm hiểu cùa VOA.

Giới showbiz ở Việt Nam trong thời gian gần đây bị dính hàng loạt tai tiếng, từ cáo buộc ăn chặn tiền từ thiện, quảng cáo thuốc sai sự thật, tung tin thất thiệt, phát ngôn gây sốc, quỵt tiền, vỡ nợ, sử dụng chất kích thích, buôn bán ma túy cho đến bị tố cáo hiếp dâm ở nước ngoài.

Biện pháp ‘ba cấm’ mà Bộ Thông tin và Truyền thông vừa thông qua trong Kế hoạch triển khai Chiến lược phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử nhắm tới các nghệ sỹ và người có ảnh hưởng trên mạng xã hội có hành vi vi phạm pháp luật, trái thuần phong mỹ tục và gây ảnh hưởng không tốt đến xã hội, trang mạng VOV cho biết.

Các biện pháp cấm trên khắp các nền tảng này gợi nhắc đến ‘phong sát’ – cách làm của Trung Quốc phong tỏa toàn diện đối với bất cứ nghệ sỹ nào có tỳ vết, không cho họ còn không gian để xuất hiện trước công chúng.

Theo VOV thì biện pháp này của Bộ Thông tin và Truyền thông ‘nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của dư luận’ nhằm tránh cho giới trẻ bị tác động xấu từ giới showbiz.

Quy trình thực hiện biện pháp này đang được Cục Nghệ thuật Biểu diễn, Bộ Văn hóa – Thể thao – Du lịch, phối hợp với Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông soạn thảo, tờ Tuổi Trẻ dẫn lời bà Trần Ly Ly, quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn, cho biết.

Khác với ‘phong sát’ của Trung Quốc là cấm luôn, Việt Nam sẽ cấm có thời hạn 3 tháng, 6 tháng, 8 tháng, 10 tháng hay 24 tháng tùy theo mức độ vi phạm, bà Ly được Tuổi Trẻ dẫn lời nói.

Các vi phạm sẽ được một tổ công tác của hai bộ này xem xét, từ đó khuyến nghị đến các cơ quan truyền thông, các đơn vị tổ chức biểu diễn và các công ty để họ không mời các nghệ sỹ vi phạm, cũng theo bà Ly.

Tại buổi tọa đàm về thực trạng văn hóa ứng xử trên không gian mạng được tổ chức ở Hà Nội hôm 19/4, người mẫu Hạ Vy và diễn viên trẻ Hàn Trang được trang mạng VnExpress dẫn lời nói họ ủng hộ làm mạnh tay với những nghệ sỹ nhúng chàm nhưng ‘đừng đến mức phong sát’.

VOA đã liên lạc một số nghệ sỹ và nhà quản lý văn hóa trong nước để hỏi ý kiến về việc này nhưng tất cả đều từ chối trả lời.

‘Cần lập lại trật tự’

Trao đổi với VOA từ thành phố Hồ Chí Minh với điều kiện giấu tên vì sợ mất lòng người trong giới, một nhà báo theo dõi mảng văn nghệ nói ông ‘rất đồng tình’ với biện pháp mạnh tay để lặp lại trật tự trong giới nghệ sỹ mà ông cho là ‘hiện rất loạn’.

“Trước giờ toàn giơ cao đánh khẽ nên các nghệ sỹ không sợ. Họ cứ làm bừa. Báo chí có phê bình nhưng sau đó một thời gian thì họ lại quên đi,” nhà báo này chỉ ra.

Bên cạnh đó, việc khán giả Việt Nam ‘quá dễ dãi’, theo lời nhà báo này, càng khiến cho những nghệ sỹ làm sai ‘cứ mặc kệ, thậm chí họ còn lợi dụng chiêu trò bẩn để càng thêm nổi tiếng’.

“Khán giả cứ tẩy chay một thời gian rồi sau đó nghe họ hát, xem họ diễn trở lại thì họ đâu có sợ,” ông giải thích.

Ông dẫn chứng việc một số nghệ sỹ ‘bản thân không hề biết gì về dược lý mà lại lên mạng quảng cáo tầm bậy tầm bạ thuốc chữa mỡ bụng chẳng hạn’. “Họ đem tên tuổi mình ra đảm bảo, khán giả cứ thấy nghệ sỹ quảng cáo là họ tin, họ mua,” ông nói.

“Bây giờ có những bạn trẻ chỉ cần có ngoại hình, giọng ca trung bình, vô phòng thu thu một bài hát nào đó đang nổi rồi thảy lên YouTube hay TikTok hay tham gia gameshow trên truyền hình là ngày mai nổi tiếng ngay,” nhà báo giấu tên này nói thêm và gọi những người này là ‘nổi tiếng ảo’.

Việc nổi tiếng nhờ chiêu trò, đánh vào thị hiếu dễ dãi này, theo ông, là ‘rất không công bằng cho những người làm nghề tử tế’.

“Có những nghệ sỹ phải qua đào tạo trường lớp mấy năm, khi mới ra nghề còn phải chật vật chạy Grab kiếm sống để tối còn lên sân khấu biểu diễn. Họ yêu nghề, bền bỉ với nghề với hy vọng một ngày nào đó được công chúng để ý,” ông cho biết.

Bên cạnh đó, quy chế phong tặng danh hiệu nhà nước như ‘Nghệ sỹ Nhân dân’, ‘Nghệ sỹ Ưu tú’ lâu nay chỉ xét đến số lượng huy chương tại các hội diễn khiến cho ‘một số nghệ sỹ có đời sống cá nhân be bét cũng được trao danh hiệu’, ông chỉ ra.

“Có thưởng, có trao danh hiệu thì phải có phạt,” ông lập luận. “Hình ảnh người nghệ sỹ đã trở nên ngày càng lố bịch khiến khán giả không còn thương, không còn nể gì hết mà nếu không có biện pháp mạnh thì sẽ càng tuầy huầy hơn.”

Tuy nhiên, ông cho rằng không nên rập khuôn ‘phong sát’ kiểu Trung Quốc vì như vậy thì ‘quá nặng nề’, mà chỉ nên cấm có thời hạn hay thu hồi lại danh hiệu đã phong tặng.

“Bản thân người nghệ sỹ chỉ cần không được đứng trên sân khấu, không được lên hình trong 6 tháng 1 năm là đã quá đau rồi,” ông lý giải và dẫn ra trường hợp nghệ sỹ hài Minh Béo, vốn bị kết tội ấu dâm ở Mỹ, về nước đã phải rất khổ sở tìm lại chỗ đứng vì bị các sân khấu và đài truyền hình tẩy chay.

“Ở Việt Nam, Minh Béo không bị tòa nào kết án hết nhưng vẫn phải rời khỏi cuộc chơi chuyên nghiệp,” ông nói.

Nhà báo này đề xuất xây dựng một bảng quy tắc cụ thể – từng vi phạm sẽ bị cấm tương ứng trong bao lâu. Việc đó cũng nhằm tạo điều kiện cho những nghệ sỹ lầm lỡ ‘có cơ hội quay đầu’, ông nói thêm.

Comments are closed.