Pháp nạn – Ma chướng trong chế độ cộng sản – Chu Sơn


Chúng tôi xin giới thiệu ở đây tài liệu – chứng từ do nhà thơ Chu Sơn gửi tới. Độc giả của Diễn Đàn hẳn đã quen thuộc với nhà thơ, nhà hoạt động trong phong trào đô thị Miền Nam trong những năm 60-70. Và sau 1975 ông từng đăng trên Diễn Đàn cũng như trên nhiều báo mạng khác nhiều bài thơ, bút ký, luận chiến… trên nhiều chủ đề văn hoá, lịch sử… chẳng hạn như “cuộc nói chuyện dài với đứa văn nô”, “Thảm sát Tết Mậu Thân”, cuộc trò chuyện trên núi Truồi; nhà rường ở Huế…

Tuy ông tự nhận là người ngoại đạo, nhưng lại rất quen thuộc và hiểu rõ Phật Giáo Việt Nam. Chứng từ này không phải là tài liệu duy nhất ông viết trên chủ đề Phật Giáo, nhưng có lẽ với khoảng cách thời gian, chủ đề đã được phát triển bao quát nhiều mặt trong một thời gian dài từ 1975 tới nay, như mục lục dưới đây cho thấy.

Bản PDF:

https://drive.google.com/file/d/1pQci7ch9EfOoTyqEjHO3UnkwxACi3O4X/view?usp=sharing

PHÁP NẠN – MA CHƯỚNG TRONG CHẾ ĐỘ CỘNG SẢN

Mục Lục

Phần I. Sau 1975: Chính quyền và các tôn giáo, đặc biệt Phật Giáo, tại miền Nam

I.1/ Học tập, cải tạo và sách lược tôn giáo vận I.2/ Đòn phép với chùa chiền : quản lý hộ khẩu I.3/ Với Phật giáo Ấn Quang

I.4/ Bi kịch -Thảm cảnh chùa Dược Sư. I.5/ Phật giáo Ấn Quang bị đàn áp.

  1. 6/ Cuộc đấu tranh của thiền sư Thích Thiện Minh.

Phần II. Thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN)

  1. 1/ Hai khát vọng Ngược chiều – Mạnh được Yếu thua. II.2/ Chính quyền chuẩn bị

II.3. Cuối 1981 : Đại Hội

Phần III. Sau khi GHPG quốc doanh thành lập

  1. 1/ Một nhóm tăng, ni trung niên trí thức đi “làm rẫy”. III.2/ Gặp Hòa thượng Thích Trí Thủ

III.3/ 1988 : “Toà án” , đấu tranh công khai và dư luận quốc tế, chính quyền lùi bước bên bờ vực thẳm

  1. 4/ Đấu tranh kêu đòi phục hoạt GHPGVNTN

Phần IV : Hòa thượng Thích Đôn Hậu và các đệ tử

  1. 1/ Hòa thượng Thích Đôn Hậu

IV.2/ Cuộc đấu tranh của các sư tăng đệ tử hòa thượng Thích Đôn Hậu IV.3/ Hòa thượng Thích Huyền Quang

IV.4/ Hòa thượng Quảng Độ

IV.5/ Hòa thượng Thích Không Tánh.

Lời kết

Phần I. Sau 1975: Chính quyền và các tôn giáo, đặc biệt Phật Giáo, tại miền Nam

I.1/ Học tập, cải tạo và sách lược tôn giáo vận

Chính phủ Dương văn Minh bị bắt buộc phải đầu hàng cũng có nghĩa là Phong trào Phật giáo Dấn thân phải đầu hàng, bởi vì họ đã cùng với các nhóm thuộc Thành phần thứ Ba khác như nhóm các chức sắc Công giáo cấp tiến (tổng giám mục Nguyễn Văn Bình, thượng nghị sĩ Nguyễn Văn Huyền, các linh mục Chân Tín, Nguyễn Ngọc Lan, Trương Bá Cần…), nhóm các nghị sĩ, dân biểu đối lập Vũ Văn Mẫu, Bùi Tường Huân, Hồ Ngọc Nhuận, Ngô Công Đức, Lý Quý Chung, Trần Văn Tuyên… đại diện cho đa số nhân dân Miền Nam hậu thuẫn chính phủ ấy. Bi kịch nằm ở chỗ những người đã từng dấn thân chống hai chế độ độc tài gia đình trị (Ngô Đình Diệm) và quân phiệt trị (Nguyễn Văn Thiệu), chống cuộc chiến tranh của Mỹ, kêu gọi hòa bình và hòa giải, hòa hợp dân tộc lại thay cho “Mỹ – Ngụy” cúi đầu, dong tay đầu hàng trước xe tăng và họng súng của “quân giải phóng” sáng trưa 30.4.1975. Bởi vì nếu không làm như thế Sài Gòn sẽ đổ nát và hàng chục ngàn người của cả hai phía chết chóc thương tật trong cuộc xung đột cuối cùng với quyết tâm được đúc kết bằng khẩu hiệu “đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào” của đảng Cộng sản. Bi kịch còn lớn hơn, một khi nắm được chính quyền, đảng Cộng sản tiến hành các cuộc cải tạo đối với tất cả các thành phần quần chúng (không Cộng sản) trong gần 14 triệu nhân dân miền Nam. Họ quên rằng trong cương lĩnh của Mặt Trận Giải Phóng 1960, trong tuyên ngôn của Liên Minh các Dân tộc – Dân chủ và Hòa Bình 1968, trong tuyên bố của chính phủ lâm thời Cộng Hòa Miền Nam, kể cả trong tuyên truyền của đài phát thanh Hà Nội trước đó và sau này, họ không ngừng rêu rao khẩu hiệu Hòa Bình – Dân Chủ, Hòa Giải, Hòa Hợp Dân Tộc.

Nhân dân miền Nam, ngoài trừ một thiểu số Cộng sản, đa phần nếu không “Ngụy quân” thì “Ngụy quyền”, nếu không Tư sản thì Trí thức, nếu không Nông dân thì Thợ thủ công, Tiểu Thương, Tiểu chủ, nếu không Phật giáo thì Công giáo, Cao Đài, Hào Hảo, Tin Lành… Tất cả đều phải bị cải tạo để đất nước “Tiến nhanh, tiến mạnh lên Xã hội chủ nghĩa”. Như thế là hàng trăm ngàn người bị bắt đi tù, hàng triệu người bị cưỡng bách lao động cải tạo – học tập tẩy não, hàng triệu người đi kinh tế mới, hàng triệu người mất nhà, mất đất, mất xưởng, mất tiệm buôn, mất công ăn việc làm, vợ chồng, con cái lê la đầu đường xó chợ, hàng mấy triệu người vượt biên… Lại chết

chóc, tra tấn, tù đày, đói khổ, bệnh tật. Hết bạo động chiến tranh thì bạo động cách mạng. Thực tế là một cuộc chiến tranh khác. Đảng Cộng sản tuyên chiến với tất cả mọi tầng lớp nhân dân bằng bạo quyền toàn trị.

Cũng như chức sắc các tôn giáo khác (Công giáo, Cao Đài, Hòa Hảo, Tin Lành…), các thiền sư lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (GHPGVNTN khối Ấn Quang) cùng cộng đồng tu sĩ, phật tử hiện diện trong biển khổ của nhân dân nhận ra trách nhiệm của mình trong cuộc đấu tranh vô vọng trước guồng máy bạo quyền.

Đối với đảng Cộng sản, Phật giáo cũng như các tôn giáo khác, đều mang mầm mống phản động. Sau 1975, một tờ rơi phát tán từ ủy ban Mặt trận các cấp ghi lại lời của giáo chủ K Mác: “…Tôn giáo là lương tâm của một thế giới không có lương tâm (thế giới Tư bản chủ nghĩa – Chu Sơn), là tiếng kêu bi thương trong một xã hội đầy rẫy bất công và áp bức, là thuốc phiện của nhân dân”. Các đảng viên Cộng sản chú trọng đến mệnh đề cuối cùng của câu trích dẫn trên: “tôn giáo là thuốc phiện của nhân dân”. Đã là “thuốc phiện của nhân dân” thì bài trừ là tất nhiên. Năm 1930, trong Phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh, đảng Cộng sản đã nêu khẩu hiệu ba không: không gia đình, không tổ quốc, không tôn giáo. Trong các thời kỳ vận động cách mạng và tiến hành chiến tranh về sau, một mặt Cộng sản kêu gọi lòng “yêu nước”, “đoàn kết lương giáo”, một mặt họ ngấm ngầm bài trừ tôn giáo dưới chiêu bài Tự do Tôn giáo với sách lược Tôn giáo vận. Về mặt tổ chức: Trước 1975, Tôn giáo vận thuộc trách nhiệm Ban Dân vận trung ương (của đảng Cộng sản). Sau 1975 do tình hình phức tạp của miền Nam, Tôn giáo vận vừa trực thuộc Ban Dân vận, vừa trực thuộc Ban Bí thư trung ương đảng, đều do ủy viên bộ chính trị phụ trách. Trước khi công cụ hóa Giáo hội Phật giáo (1981), đảng Cộng sản cử Trần Quốc Hoàn, một ủy viên bộ chính trị đã làm bộ trưởng Công an 35 năm, làm trưởng Ban Dân vận. Về mặt chính quyền, đảng Cộng sản còn tổ chức một ban (tương đương một bộ) gọi là Ban Tôn giáo chính phủ. Chức năng của nó là thay mặt đảng và chính phủ làm công tác “vận động tôn giáo”. Họ lợi dụng lòng yêu nước và sử dụng chiêu bài “yêu nước” để ràng buộc, khống chế các đối tượng tôn giáo với khẩu hiệu: “Yêu nước là yêu chủ nghĩa Xã hội”. Khẩu hiệu này ngấm ngầm nội dung răn đe đầy tính chất bạo động: “Không yêu chủ nghĩa Xã hội là không yêu nước”. Mà không yêu nước là phản động, là Việt gian bán nước, là tàn dư Phong Kiến, Mỹ – Ngụy, là phản động mới, là chuyển hóa chuyển biến hòa bình đáng bị tiêu diệt. Ở đây xin mở một ngoặc đơn để làm rõ nội dung nhóm từ “phản động mới”. Phản động mới tất nhiên không phải là phản động cũ. Phản động cũ là “phong kiến, thực dân – đế quốc Mỹ – Ngụy và tàn dư của chúng”. Phản động mới phát sinh từ trong lòng chế độ mới, Xã hội chủ nghĩa. Phản động mới bao gồm những người viễn mơ lý tưởng Cộng sản đã và

đang thức tỉnh, hoặc những người kháng chiến không Cộng sản, hoặc những người đấu tranh vì mục tiêu Dân chủ, Hòa bình, Hòa giải, Hòa hợp Dân tộc trong xã hội Miền Nam trước 1975. Phản động mới đặt vấn đề với chế độ, chất vấn chế độ trước đường lối đối nội, đối ngoại của đảng, trước những tệ nạn xã hội: tham ô nhũng lạm, những vi phạm nhân quyền, tự do, dân chủ… Ở miền Bắc sau 1954, nhóm Nhân văn Gia phẩm,… là phản động mới. Ở miền Nam sau 1975, nhóm Câu lạc bộ kháng chiến của Nguyễn Hộ, Trần Văn Giàu, Trần Văn Trà…, Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng, nhóm Phật giáo đấu tranh Thích Thiện Minh, Thích Quảng Độ, Thích Huyền Quang, Thích Tuệ Sĩ, Thích Trí Siêu…, nhóm Công giáo cấp tiến Chân Tín – Nguyễn Ngọc Lan…, nhóm nghị sĩ dân biểu đối lập Bùi Tường Huân, Ngô Công Đức, Hồ Ngọc Nhuận, Trần Văn Tuyên, Kiều Mộng Thu,… là phản động mới.

Đối với Phật giáo, đảng Cộng sản có cái nhìn đặc biệt. Ngoài nhóm Thích Tâm Châu chống Cộng công khai, ủng hộ cuộc chiến tranh của Mỹ, ủng hộ chế độ Nguyễn Văn Thiệu đã chạy ra nước ngoài; ngoài nhóm “Phật giáo yêu nước” do đảng khai sinh để làm công cụ, đa phần các nhóm Phật giáo còn lại, đặc biệt Giáo hội Phật giáo Ấn Quang (còn gọị là Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất – GHPGVNTN ) là một thế lực đáng gờm. Họ nổi tiếng thế giới qua các cuộc đấu tranh trong các đô thị miền Nam từ 1963 đến 1975, họ có uy tín trong đa số phật tử và quần chúng, họ có khả năng vận động quần chúng đấu tranh vì các mục tiêu Dân chủ, Nhân quyền và lành mạnh hóa xã hội, họ cực kỳ nguy hiểm trong chế độ mới, đặc biệt các nhân vật âm thầm dị ứng với ý thức hệ Cộng sản như Thích Thiện Minh, Thích Quảng Độ, Thích Huyền Quang, Thích Tuệ Sĩ, Thích Trí Siêu (Lê Mạnh Thát), Thích Nữ Trí Hải…Đặc biệt hơn nữa là Thích Trí Quang, theo nhận định của một số lãnh tụ đảng như Trần Bạch Đằng, là “CIA chiến lược.”

Do vậy, từ sau khi bắt buộc chính phủ Dương Văn Minh đầu hàng, kết thúc chiến tranh, thiết lập chế độ quân quản, tiến hành các cuộc cải tạo, áp đặt chế độ toàn trị trên cả hai miền đất nước, đảng Cộng sản đã sử dụng bộ máy công an, bộ máy hành chánh, bộ máy dân vận mặt trận nhằm trấn áp tiêu diệt các “mầm mống phản động mới”, vô hiệu hóa Giáo Hội Ấn Quang và giáo hội các tôn giáo khác, giải tán các tổ chức quần chúng phật tử, quốc hữu hóa các cơ sở giáo dục xã hội của các giáo hội ấy, hình thành một giáo hội Phật giáo mới làm công cụ cho đảng hoạt động trong khuôn khổ Mặt trận Tổ Quốc dưới sự lãnh đạo toàn diện và tuyệt đối của đảng Cộng sản.

Công an, cán bộ Dân vận Mặt trận và Ban tôn giáo chính phủ không khó để lên danh sách, phân loại mức độ “phản động” trong hàng ngũ lãnh đạo Phật giáo Ấn Quang để

tìm ra biện pháp thích đáng cho từng đối tượng. Bởi từ trong các thời kỳ đấu tranh trước (trong chế độ Việt Nam Cộng Hòa) cũng như hiện tại (trong chế độ Cộng sản) họ công khai lập trường Tự do, Dân chủ, Hòa bình, Hòa giải, Hòa hợp Dân tộc. Trong thời chiến, Cộng sản cổ vũ các cuộc đấu tranh của Phật giáo vì các mục tiêu ấy cốt để làm rối loạn xã hội và hàng ngũ đối phương, làm tuyên truyền thế giới và kích thích tinh thần chiến đấu “Giải phóng Miền Nam” của bộ đội cụ Hồ. Nhưng nay chiến tranh đã chấm dứt, đảng Cộng sản không muốn có bất cứ một trở ngại nào trong công cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa. Tự do, Dân chủ, Nhân quyền – theo nhận thức của Cộng sản là những sản phẩm của chế độ Tư bản phản động, là tàn dư của Mỹ Ngụy cần loại trừ. Những lãnh tụ của Phật giáo Ấn Quang không bị bắt đi cải tạo trong các trại tập trung như “Ngụy quân – Ngụy quyền”, nhưng họ cần bị kiểm soát chặt chẽ, cần bị tướt đọat hết mọi phương tiện, cần cách ly các cộng sự và quần chúng. Trong trường hợp này, cá nhân nào ngoan cố sẽ bị trừng trị thích đáng bởi đòn phép công an: chỉ định cư trú, nhà tù và cả cái chết. .

I.2/ Đòn phép với chùa chiền : quản lý hộ khẩu

Đòn phép đầu tiên chế độ Cộng sản dành cho các chức sắc tôn giáo nói chung, các lãnh tụ Ấn Quang và các chùa Phật giáo khắp miền Nam nói riêng (ngoại trừ các chùa thuộc Phật giáo quốc doanh), là chế độ quản lý hộ khẩu, tổ dân phố, đồn công an và bọn chỉ điểm được cài đặt khắp nơi.

Công an toàn quyền quyết định ai có tên trong hộ khẩu, ai không, theo hai tiêu chí: an ninh và thời gian cư trú. Vì hai tiêu chí này mà hàng chục ngàn tu sĩ bị đuổi khỏi các chùa họ đang tu hành, hàng trăm chùa thuộc Phật giáo Ấn Quang bị quốc doanh hóa, hay đóng cửa.

Trong chiến tranh, cửa chùa rộng mở cho những thanh niên trốn quân dịch, những binh lính đào ngũ, những tu sĩ và phật tử đấu tranh trốn thoát khỏi các cuộc truy lùng của bạo lực Việt Nam Cộng Hòa, kể cả những “anh em Cộng sản” giả dạng nạn nhân chiến tranh vào chùa đội lốt thầy tu.

Chùa lớn là một đơn vị dân cư đặc biệt do một tổ công an đặc nhiệm đảm trách. Chùa nhỏ do một công an đảm trách hay nằm trong tổ dân phố. Công an chìm và bọn chỉ điểm được cài sẵn trong chùa hay trong các hộ dân cư liên cận. Công an chìm, chỉ điểm viên, công an đặc nhiệm, công an khu vực, công an phường, công an quận huyện, công an tỉnh, thành phố và cả công an bộ là một hệ thống chuyên chính kiểm soát,

giám sát chặc chẽ nhân – hộ khẩu trong các hộ dân cư, đặc biệt các chùa, nhà thờ, thánh thất, tu viện…là “nơi mai phục, tụ họp bởi bọn phản động cũ, phản động mới. Bất kể ngày đêm, công an và tổ dân phố toàn quyền khám xét để truy lùng “người cư trú bất hợp pháp” (người không có tên trong hộ khẩu) tại bất cứ hộ dân cư nào. Những nhân – hộ khẩu hợp pháp muốn đi đâu, bao lâu, làm gì phải khai báo, nếu không, tức thì mất hộ khẩu. (Mà: mất hộ khẩu là hậu khổ). Công an vào tận giường các nữ tu để kiểm tra hộ khẩu lúc một hai giờ sáng là chuyện diễn ra bình thường trong những năm đầu “giải phóng”. Mục tiêu công tác tôn giáo vận của đảng Cộng sản sau chiến tranh là hạn chế đến tối thiểu các hoạt động tôn giáo ở Miền Nam, đồng thời vô hiệu hóa các giáo hội truyền thống và hình thành các giáo hội quốc doanh làm công cụ tuyên truyền cho cuộc cách mạng long trời lở đất được dẫn dắt bởi triết học Mác Lê dưới sự lãnh đạo của đảng Cộng sản. Thành tựu 20 năm tôn giáo vận ở Miền Bắc sẽ là mẫu mực noi theo và cũng là bài học cho các cán bộ đảng viên chuyên trách tôn giáo vận ở Miền Nam. Đỗ Trung Hiếu, một cán bộ tôn giáo vận thuộc ban dân vận thành ủy Cộng sản Hồ Chí Minh mô tả tình cảnh tôn giáo trên Miền Bắc trong một chuyến tham quan trước 1980 như sau:

“Hầu hết các chùa, nhà thờ ở miền Bắc mà tôi đã đến thăm đều rêu phong tàn tạ. Các nhà sư (sư ông, sư bà) lẩm cẩm sợ sệt, một báo các cụ, hai báo các cụ. Các linh mục, giám mục đóng kín cửa lạc hậu với thời cuộc. Phật tử gần như không còn gì nữa, chỉ ẩn hiện dưới dạng mê tín, cúng bái linh tinh và rất e dè trước khách lạ. Tín đồ Thiên Chúa giáo thì khổ cực, hằn sâu trong mắt họ những nét u uất thâm nghiêm, nhưng rực lửa và sẵn sàng bốc cháy khi có mồi. Đó là mối nguy lớn, chứ không phải thành công của tôn giáo vận.”( Đỗ Trung Hiếu, hồi kí THỐNG NHẤT PHẬT GIÁO, Uyên Nguyên tháng 11.2018).

Đỗ Trung Hiếu dù là đảng viên cộng sản, nhưng gốc gác Phật giáo, sâu nặng tâm thức nhân bản nên mô tả và nhận định thực tế tình cảnh tôn giáo Miền Bắc như thế là chính xác. Nhưng người Cộng Sản chính danh chắc chắn có cái nhìn ngược lại. Nếu không, họ đã không mưu đồ thực hiện các thủ đoạn và biện pháp quản lí tôn giáo (các giáo hội và giáo dân) gian ác, khắc nghiệt như cảm nhận từ kinh nghiệm đau thương của những nạn nhân trong cuộc. Trên đại thể, đảng Cộng sản đã đem kinh nghiệm mà họ cho là thành công trên Miền Bắc áp đặt tại Miền Nam trong công tác tôn giáo vận nói riêng và quản lí con người nói chung.

Để đạt mục tiêu ấy, chỉ riêng đối với Phật giáo Ấn Quang, ngoài các thủ đoạn và biện pháp chia rẽ kèm kẹp con người, phân liệt và vô hiệu hóa giáo hội, đảng Cộng sản còn

tước đoạt và giới hạn đến tối thiểu các điều kiện sinh hoạt của các cấp giáo hội như đổi tiền, cải tạo kinh tế đối với các tầng lớp phật tử. Một khi các tầng lớp phật tử khánh kiệt thì lấy ai đóng góp để nuôi sống giáo hội, lấy phương tiện đâu để giáo hội tiến hành các hoạt động Phật sự? Bần cùng, vô sản hóa nhân dân là phương cách tiêu diệt tôn giáo hữu hiệu nhất.

I.3/ Với Phật giáo Ấn Quang

Phật giáo Ấn Quang đến năm 1976 đã lâm vào tình cảnh khốn cùng. Chùa thành phố, chùa nông thôn đều thiếu đói trầm trọng. Đất ruộng chùa nông thôn phải giao nộp cho hợp tác xã. Chùa thành phố, sau hai lần đổi tiền, không có tiền mua gạo sắn khoai, rau muối, hương đèn, áo quần giày dép! Đây không phải tình cảnh tôn giáo trên Miền Bắc trước 1975 sao?

Để đạt mục tiêu ấy, đối với Phật giáo Ấn Quang, đảng Cộng còn:

  • Giải tán các Tổng vụ trực thuộc viện Hóa Đạo, Trung tâm Thích Quảng Đức, các đoàn Sinh viên phật tử, Thanh thiếu niên phật tử, Hướng đạo phật tử ở thành phố, tỉnh lị, và các Gia đình phật tử, các Khuôn hội, Niệm Phật đường ở nông thôn.
  • Giải tán và tước đoạt tài sản cô nhi viện Quách Thị Trang tại Sài Gòn và hàng chục cô nhi viện và cơ sở xã hội ở các tỉnh.
  • Giải tán, tước đoạt tài sản viện đại học Vạn Hạnh và #163 trường trung tiểu học Bồ Đề trên khắp các tỉnh thành Miền Nam. Thư viện đại học Vạn Hạnh rất lớn chứa hàng chục ngàn đầu sách bao gồm các thứ tiếng: Việt, Anh, Pháp, Đức, Hán, Pa li, Sancrit, và hàng trăm tủ sách tại các trường Bồ Đề đều bị đốt thành tro bụi. Hàng ngàn thầy cô giáo mất việc vì không đáp ứng yêu cầu chính trị để được đảng “lưu dung” ( lưu lại mà dung tha, lưu lại mà sử dụng).
  • Thư viện và kho tài liệu đồ sộ tại chùa Ấn Quang bị tịch thu và đốt thành tro buị.
  • Giải tán, tước đoạt tài sản nhà xuất bản Lá Bối, tạp chí Tư Tưởng, tạp chí Liên Hoa…, đốt hàng chục ngàn đầu sách và tạp chí triết, văn, sử “đồi trụy, phản động”.
  • Giải tán Phật học viện Nha trang và các cơ sở đào tạo tăng ni cao đẳng, trung cấp ở nhiều tỉnh thành khác. Thư viện của Phật học viện cũng bị đốt.

Điều vô cùng bạo ngược chưa có chế độ nào làm trước 1975 là can thiệp vào nội dung, chương trình truyền giảng Phật pháp và cách thức tổ chức các cuộc lễ tại các chùa.

Theo đó, trụ trì các chùa tùy theo tầm vóc mà được mời tới ủy ban Mặt trận từ xã phường, quận huyện đến tỉnh thành để “được đề nghị” kết hợp Phật pháp với các bài giảng chính trị về “sự nghiệp cách mạng của Bác Đảng quang vinh”, về “chủ nghĩa Mác-Lê bách chiến bách thắng vô địch muôn năm”, về các cuộc chiến tranh thần thánh đánh bại thực dân Pháp và đế quốc Mỹ cùng bọn “tay sai Ngụy quân – Ngụy quyền”. Đây là giọt nước tràn ly, là giới hạn cuối cùng của sự chịu đựng.

Biết đấu tranh trong chế độ Cộng sản là lấy trứng chọi đá, là hành động tuyệt vọng, nhưng rồi vẫn cứ đấu tranh. Những cuộc đấu tranh tuyệt vọng này của các thành viên Phật giáo Ấn Quang tạm chia thành hai thời đoạn: Trước và sau 1981- thời điểm Phật giáo Ấn Quang bị đè bẹp, và Phật giáo Quốc doanh – Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) được đảng Cộng sản khai sinh.

Giáo hội Phật giáo Ấn Quang từ sau tháng 5.1975 gần như bị tê liệt hoàn toàn. Các lãnh tụ lừng danh một thời như Thích Trí Quang, Thích Thiện Minh, Thích Huyền Quang, Thích Quảng Độ… vẫn còn đó nhưng không phát động được phong trào đấu tranh mà họ nung nấu vì những lí do như đã trình bày trên. Từ tháng 5.1975 đến tháng

11. 1981( thời điểm thành lập giáo hội quốc doanh), theo ghi nhận chưa đầy đủ, tại miền Nam (từ Quảng Trị-Huế đến Cà Mâu) đã xẩy ra các sự cố sau đây:

I.4/ Bi kịch -Thảm cảnh chùa Dược Sư.

Chùa Dược Sư tọa lạc tại một địa điểm phía nam cách Cần Thơ khoảng 30 km. Chùa được xây dựng vào thời điểm hưng phấn nhất của Phật giáo Việt Nam: Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất lần đầu tiên được thành lập năm1964, sau hơn 30 năm vận động. Nhiều chùa như thế được xây dựng trên khắp Miền Nam vào sau thời điểm đó. Trước khi có chùa, phật tử địa phương sinh hoạt Phật sự tại tư gia, Khuôn hội, hay Niệm Phật đường. Sau khi được biết GHPGVNTN thành lập, phật tử và Giáo hội nhiều địa phương do nhu cầu tín ngưỡng quyết định làm chùa và đề nghị Giáo hội trung ương cử tăng sĩ về làng. Đại đức Thích Huệ Hiền đến trụ trì chùa Dược Sư trong dịp này.

Đại đức Thích Huệ Hiền được đào tạo tại Phật học viện Hải Đức Nha Trang, đã kinh qua tù tội vì tham gia đấu tranh cho Tự do và Bình đẳng tôn giáo thời đệ nhất Cộng Hòa. Chẳng bao lâu chùa Dược Sư trở thành trung tâm tu hành, truyền bá Phật pháp thu hút sự chú ý và tin theo của phật tử và nhân dân địa phương về con đường Đạo

pháp và Dân tộc trước hiểm họa chiến tranh chia rẽ Dân tộc, về cuộc đấu tranh vì các mục tiêu: Hòa bình, Hòa giải, Hòa hợp Dân tộc theo chủ trương của GHPGVNTN.

Tháng 5.1975, liền sau khi chiến tranh chấm dứt, chùa Dược Sư tổ chức lễ cầu siêu cho tử sĩ của hai bên Quốc gia và Cộng sản với sự tham dự của đồng bào phật tử và nhân dân địa phương. Lúc này chính quyền “Cách mạng” tạị địa phương vẫn còn sơ khai do người Mặt trận đảm trách, chưa bị Bắc hóa, nên lễ cầu siêu đã diễn ra suôn sẻ. Nhưng càng về sau tình trạng Bắc hóa ngày một thêm phát triển, chùa bị đặt trong sự kiểm soát của công an ngày càng gắt gao: bị đấu tố phản động vì đã tổ chức lễ cầu siêu, bị kiểm tra an ninh, bị kiểm tra nhân hộ khẩu, bị bắt giao nộp tự điền và tham gia lao động cùng hợp tác xã, bị cấm treo cờ trong các cuộc lễ, bị buộc phải “ăn nói giống như mọi người” trong mọi sinh hoạt Phật sự (phải chửi bới Mỹ-Ngụy, phải ca ngợi công lao kháng chiến của Bác Hồ và đảng Cộng sản, phải bày tỏ sự tuyệt đối tin tưởng và trung thành với cách mạng Xã hội chủ nghĩa…), bị sỉ nhục là mê tín dị đoan, lười biếng lao động, bị cảnh cáo thường xuyên về “âm mưu tụ tập phản động chống phá cách mạng”, bị bắt đi lính tất cả những tăng sĩ đang độ tuổi thanh niên.

Tóm lại: tình trạng chung ngoài xã hội và riêng trong chùa ngày một bế tắt, tuyệt vọng: bị thiếu đói, bị tẩy não, bị xúc phạm nhân quyền, bị cấm đoán và can thiệp nghiêm trọng các quyền tự do, đặc biệt tự do tôn giáo; nhà sư trụ trì Thích Huệ Hiền và 11 tăng, ni chùa Dược Sư quyết định cùng nhau tự thiêu vào ngày 2 tháng 11.1976.

Trong cuộc đấu tranh đòi Tự do và Bình đẳng tôn giáo năm 1963, bắt đầu từ hòa thượng Thích Quảng Đức, ở Miền Nam đã diễn ra 8 cuộc tự thiêu. Hầu hết đều tự thiêu cá thể. Lúc bấy giờ báo chí thế giới tập trung ở Sài Gòn khá đông. Ngay từ cuộc tự thiêu đầu tiên của hòa thượng Thích Quảng Đức, các phương tiện truyền thông không phân biệt Cộng sản hay Tư bản đều đưa tin. Nhân dân Mỹ và thế giới bày tỏ sự xúc động, phẫn nộ, phản đối nhà cầm quyền Ngô Đình Diệm đàn áp Phật giáo. Thế giới Cộng sản càng tố cáo quyết liệt hơn và cổ vũ mạnh mẽ các cuộc đấu tranh của Phật giáo đồ.

Từ sau biến cố tháng 5.1975, chính quyền Cộng sản trục xuất hết “các phóng viên ngoại quốc không đáng tin cậy”, thiết lập guồng máy toàn trị, thực thi chế độ quân quản, ngăn sông cấm chợ, nên vụ tự thiêu tập thể của 12 Tăng, Ni chùa Dược Sư hoàn toàn bị bưng bít: công an dấu xác, thu dọn tang chứng, chiếm cứ chùa, đe dọa, phong tỏa nhân dân quanh vùng (nội bất xuất-ngoại bất nhập). Mãi đến một tuần sau, thư tuyệt mệnh của Ngài Trụ Trì Thích Huệ Hiền và Chư Vị Tăng Ni Bất Khuất chùa Dược Sư mới đến được chùa Ấn Quang, nơi mà vòng vây và sự kèm kẹp, phong tỏa

của công an chặt chẽ hơn bao giờ hết. Bức thư thông báo mục đích và tên tuổi 12 người tự thiêu. Về mục đích, nhà sư Thích Huệ Hiền “ báo cáo tình trạng tuyệt vọng do Nhân quyền và quyền Tự do tôn giáo bị chà đạp, bị vi phạm nghiêm trọng hơn rất nhiều trong chế độ cũ”. Bằng mọi biện pháp, chính quyền Cộng sản muốn tránh một cuộc nổi dậy từ phía Phật giáo Ấn Quang. Về phía Phật giáo Ấn Quang: các vị lãnh đạo và phật tử còn lại (đa phần đã bị đuổi khỏi chùa vì các biện pháp an ninh và hộ khẩu của công an) vô cùng bức xúc, nhưng không còn khả năng sức lực để thực hiện bất cứ một toan tính âm thầm nào: tự thiêu cá thể, tự thiêu tập thể, biểu tình, tuyệt thực… Không có kế hoạch nào thực hiện được tại các chùa thuộc Phật giáo Ấn Quang cả vì công an chìm, mật vụ đội lốt sư tăng phật tử đầy chùa, công an đặc nhiệm, công an phường, công an quận, công an thành, công an bộ và cả những cán bộ Tôn giáo vận, Mặt trận vào ra tấp nập với không biết bao nhiêu mánh lới, thủ đoạn tuyên truyền, chia rẽ, hứa hẹn, hù dọa…

Chưa bao giờ Giáo hội Phật giáo Ấn Quang lúng túng, đau khổ và giằng xé như lúc này. Trong chế độ cũ, Phật giáo chủ trương, phát động các cuộc đấu tranh vì Tự do, Bình đẳng tôn giáo, Dân chủ, Hòa bình, Hòa giải – Hòa hợp Dân tộc. Tăng, ni, phật tử và nhân dân đã hưởng ứng và đã hy sinh rất nhiều. Nay đã có Hòa bình, nhưng các mục tiêu khác thì không có gì cả! Tự do – Dân chủ? –   Không! Hòa giải – Hòa hợp Dân tôc? – Không! Cơm no áo ấm? – Không! Hóa ra “Giáo hội Phật giáo đã làm tay sai cho chế độ Cộng sản: đưa phật tử và nhân dân vào tròng?” Dĩ nhiên sự thật không phải như thế, nhưng kết quả thì hoàn toàn như thế!

Làm gì, và làm như thế nào trước tình cảnh khốn cùng này? Sám hối và cầu nguyện? Câu hỏi này giáo hội Ấn Quang đặt ra hàng triệu lần từ khi đảng Cộng sản thiết lập chế độ cai trị khắc nghiệt trên đất nước và dân tộc.

Trần Phương, trong bài Miền Nam sau 30/4/1975: Khi các nhà sư vỡ mộng, viết theo nhật báo Chicago Tribune rằng “ba tuần sau thảm họa chùa Dược Sư, Hòa thượng Thích Trí Thủ…, đã gửi thư đến Chính phủ Lâm thời miền Nam để khiếu nại. Hòa thượng Trí Thủ nói rằng cán bộ cách mạng đã tịch thu chùa Dược Sư và cả thi thể các tăng ni. Bức thư được gửi cùng thư tuyệt mệnh của trụ trì Huệ Hiền, trong đó ghi lại tên tuổi 11 tăng ni và lý do tự thiêu là để yêu cầu chính phủ cách mạng “tôn trọng triệt để tự do tín ngưỡng của các tôn giáo”… “Qua vụ việc trên, chúng tôi hy vọng chính phủ cách mạng sẽ lưu tâm đến những gì đang diễn ra ở cấp cơ sở. Chúng tôi không muốn tin rằng vụ việc đáng tiếc trên cũng như nhiều vụ việc liên quan đến tự do tôn giáo khác phản ánh chính sách của Mặt trận Giải phóng Dân tộc và Chính phủ Cách

mạng Lâm thời”. “…đáng lẽ chúng tôi nên đến gặp ông để trình bày chi tiết và kín đáo hơn. Tuy nhiên, một cuộc họp như vậy có vẻ là bất khả thi, kể từ khi thống nhất chúng tôi đã xin gặp chính phủ ba lần để nói về quan điểm của giáo hội đối với vấn đề tôn giáo nhưng liên tiếp bị từ chối.” “ Tương tự như yêu cầu xin gặp chính phủ cách mạng, bức thư của Hòa thương Thích Trí Thủ không được hồi đáp.”

Trần Phương viết tiếp: “…Tháng 9/1976, Tổ chức Nhân quyền và Ân xá Quốc tế đã gửi thư đến Bộ Nội vụ Việt Nam để yêu cầu cung cấp thông tin (về vụ tự thiêu ở chùa Dược Sư, C.S). Khoảng sáu tháng sau, Bộ Nội vụ đã hồi đáp bức thư đó bằng một giải thích rất bất ngờ. Chính phủ cho rằng theo lời khai của các nhân chứng thì ông Phạm Văn Có (tên khai sinh của Đại đức Huệ Hiền) đã giết hai ni cô lần lược vào năm 1972 và năm 1974 sau khi ông ta làm hai người này mang thai,…” “…Sau ngày giải phóng, ông Có vẫn tiếp tục nhiều hành động vô đạo đức” .“…vì sợ việc làm của mình bị lộ ra ngoài, ông Có đã quyết định tự sát, trước khi đốt chùa và tự thiêu mình, ông đã giết chết 11 người khác trong chùa, trong đó có hai thiếu niên.”

Không thể ém nhẹm, bưng bít lâu dài, trước những phản ứng quốc tế và trước những bất mãn âm thầm nhưng quyết liệt của một số chức sắc Phật giáo Ấn Quang, chính quyền Cộng sản đã “tổ chức một cuộc điều tra” với sự tham dự của đại diện Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất. Biên bản điều tra kết luận rằng: “Đại đức Huệ Hiền đã tự sát cùng 11 người khác vì các lý do sau: Sợ bị cách mạng trừng trị vì đã làm chỉ điểm cho Mỹ-Ngụy, không còn lương thực để sống vì trước đó được Mỹ-Ngụy chu cấp và sợ chuyện dâm ô với các ni cô bị bại lộ.”… “Hòa thượng Thích Quảng Độ, lúc đó là Tổng thư ký Viện Hóa Đạo của GHPGVNTN, sau này trở thành Tăng thống thứ năm của giáo hội, nói rằng ông và các vị hòa thượng Thích Thiện Minh, Thích Huyền Quang không chấp nhận lời giải thích của chính quyền.”

Không chỉ có ba vị hòa thượng Thiện Minh, Huyền Quang, Quảng Độ “không chấp nhận lời giải thích của chính quyền”, mà hầu hết chức sắc giáo hội Phật giáo Ấn Quang và phật tử đều khẳng định rằng lời giải thích đó là vu khống trắng trợn, là nhục mạ đối với tăng ni chùa Dược Sư và với cả GHPGVNTN. Tuy nhiên, tùy theo mức độ dị ứng Cộng sản nặng nhẹ khác nhau mà các vị lãnh đạo Ấn Quang thể hiện thái độ bất mãn mức độ khác nhau đối với chế độ.

Một số vị ôn hòa và mềm dẻo như các hoà thượng Thích Trí Thủ, Thích Minh Châu…, còn một chút hy vọng vào “công lao quá khứ” sẽ được đảng Cộng sản thừa nhận vai trò nòng cốt của một giáo hội mới trong một nước Việt Nam thống nhất sẽ đươc bầu cử sắp tới.

Một số khác đông hơn như các hòa thượng Thiện Minh, Huyền Quang, Quảng Độ, và các tăng ni trẻ như Thích Tuệ Sĩ, Thích Trí Siêu, Thích Nữ Trí Hải,…thì bày tỏ thái độ bất hợp tác quyết liệt. Thậm chí có vị (như Thiện Minh) thì “thà chết chứ không chịu sống mà không có Tự Do”. Rất nhiều tăng sĩ, trí thức vượt biên. Thiền sư Thích Nhất Hạnh ở nước ngoài tố cáo với dư luận thế giới: Cộng sản Việt Nam vi phạm nhân quyền, đàn áp tôn giáo. Đồng thời, thiền sư Nhất Hạnh cổ vũ cho một phát động phong trào Phật giáo đấu tranh trong nước.

I.5/ Phật giáo Ấn Quang bị đàn áp.

Sau thời gian dài chịu đựng các cuộc cải tạo, thảm kịch chùa Dược Sư xẩy ra đã xoáy vào tâm thức Phật giáo Ấn Quang những mũi khoan đau nhức không cứu chữa được.

Ngày 6 tháng 4 năm 1977, khoảng vài trăm tăng, ni, phật tử tập họp tại chùa Ấn Quang để thảo luận về “một thái độ ứng xử, một kế hoạch đối phó với chế độ”. Cuộc hội thảo đang tiến hành thì công an ập vào bố ráp. Đàn áp thô bạo đã diễn ra. Vài chục sư tăng và trí thức Phật tử, đứng đầu là các thượng tọa Huyền Quang, Quảng Độ, Thanh Thế, Thuyền Ấn, Thông Huệ…, bị bắt. Từ đó chùa Ấn Quang bị phong tỏa ngày đêm, phật tử chỉ được đến chùa một tháng 2 lần, đầu hoặc giữa tháng, để cầu nguyện trước bàn thờ Phật. Không còn có những buổi giảng dạy Phật pháp như thông lệ trước đó. Các chùa khác thuộc giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất trên khắp miền Nam đều lâm vào tinh trạng tương tự. Phong tỏa, kèm kẹp, kiểm tra nhân hộ khẩu, bắt tăng sĩ trẻ vào lính, bắt bất cứ ai tình nghi chính trị vào tù. Hành hạ, tra tấn, giết chóc tàn bạo hơn rất nhiều trong chế độ Việt Nam Cộng Hòa. Nhiều chùa bị đập phá, đóng cửa. Thêm nhiều vụ tự thiêu cá thể. Theo Trần Phương trong bài đã dẫn: “Trong hai năm 1977-1978, ở miền Nam có thêm 18 tăng ni khác tự thiêu”. Thêm nhiều vụ vượt biên. (Cũng theo Trần Phương, “Khoảng sáu tháng sau cuộc bố ráp vào chùa Ấn Quang. Hòa thượng Thích Mãn Giác, Ủy viên trung ương trong GHPGVNTN, đã vượt biên đến Paris (Pháp) để tố cáo các cuộc đàn áp đạo Phật đang diễn ra rất trầm trọng tại miền Nam.”).

  1. 6/ Cuộc đấu tranh của thiền sư Thích Thiện Minh.

Từ sau khi bị công an đuổi khỏi trụ sở Tổng vụ Thanh niên (trung tâm Thích Quảng Đức), trong gần ba năm (từ tháng 5.1975 đến tháng 3.1978, trong điều kiện không có chùa, bị cách li tăng thân và phật tử, không có hộ khẩu, không có sổ gạo, bị theo dõi,

kềm kẹp, dọa nạt, răn đe, sỉ nhục, kể cả dụ dỗ, mua chuộc, Thích Thiện Minh vẫn kiên trì chịu đựng, đấu tranh với chính mình, đấu tranh với cái ác để giữ tư cách và sứ mệnh của người tu hành vì Đạo pháp và Dân tộc. Những ai ngoài cuộc không biết những gì ông trao đổi với tăng thân và phật tử trong các cuộc giao tiếp “bất hợp pháp” mà ông tranh thủ được khi vắng bóng công an. Nhưng độc giả đời sau có thể nắm bắt được nội dung các cuộc giao tiếp ấy qua cuộc đối thoại sau đây giữa người sau này là bộ trưởng công an Mai Chí Thọ ( MCT) và nhà sư Thích Thiện Minh (TTM) trước khi ông bị bắt:

MCT: “ Có thể các thầy nói hàng ngàn người nghe, chúng tôi nói không ai nghe, nhưng chúng tôi có súng, có nhà lao, có quân đội. Tất cả chúng tôi có trong tay. Liệu các thầy có chống đối được không và chống đến bao giờ?”

TTM: “ Tôi nghĩ rằng ông đã nói sai. Hơn ai hết ông biết rằng trong suốt thời gian đương đầu với Pháp và Mỹ, kẻ khác chứ không phải ông đã nói những câu tương tự như vậy. Lịch sử đã chứng minh rằng súng đạn và nhà tù không phải là tất cả, lại càng không phải là yếu tố tất thắng. Một Ngô Đình Diệm với chín năm cai trị bằng mật vụ, một Tần Thủy Hoàng với chính sách bạo ngược đốt sách chôn học trò. Kết quả như thế nào? Đúng, chúng tôi không có tất sắt trong tay, và các ông có tất cả. Nhưng chúng tôi biết bài học lịch sử.”( Trần Phương, tài liệu đã dẫn).

Lời của tướng công an Mai Chí Thọ là lời đe dọa trắng trợn thể hiện lập trường sắt máu cuả đảng Cộng sản: Chỉ có súng đạn, nhà tù và tra tấn, chết chóc để thành tựu cuộc cách mạng Xã hội chủ nghĩa, và khẳng định quyền lực tuyệt đối của đảng Cộng sản.

Nhưng lời đáp trả của thiền sư Thích Thiện Minh trước sự đe dọa trắng trợn của ông Mai Chí Thọ lại là lời tuyên bố của kẻ sĩ đầy khí phách thách đố trước bạo quyền.

Sau cuộc đối thoại chát chúa với bộ tướng công an Mai Chí Thọ, thiền sư Thích Thiện Minh bị bắt. Ông bị nhốt thẩm vấn ở trại X4, đường Nguyễn Trãi, bị tra tấn cho đến chết tại lò sát sinh này. Để giảm nhẹ áp lực tâm lý của quần chúng phật tử Sài Gòn, lãnh đạo Cộng sản ra lệnh chở xác ông ra tận Hàm Tân (Phan Thiết) mới thông báo cho nhà chùa (Quê Mẹ số 90/91).

Một ngày cuối tháng 8.1978, hòa thượng Thích Trí Thủ được tin ông chết đến Hàm Tân xin nhận xác. Công an không cho. Hòa thượng yêu cầu được tham dự lễ chôn cất ông. Công an bảo là không được. Hòa thượng xin được tụng cho ông một hồi kinh.

Cũng không được. “Luật của trại giam như thế.” Thiền sư Thích Trí Thủ chỉ được phép từ biệt khuôn mặt tím đen méo mó của người đồng đạo, đồng hương (Triệu Phong, Quảng Trị) trong cái thùng gỗ dùng làm quan tài.

Tin thiền sư Thích Thiện Minh bị giết tại trại tù Hàm Tân lan truyền đến Huế làm rúng động tâm thức phật tử và cả người ngoại đạo như tôi. Cuối năm 1978, tôi có viêc đi Sài Gòn, ghé thăm hòa thượng Thích Trí Thủ tại chùa Già Lam, tiện thể để biết thêm tình hình Phật giáo Ấn Quang mà tôi rất quan tâm, và cũng để biết rõ hơn về con người và cái chết của thiền sư Thích Thiện Minh mà tôi cho rằng còn nhiều điều mình chưa biết. Trên khuôn mặt phương phi nhân hậu của nhà sư già tôi đã diện kiến mấy lần trong năm 1974 (mời độc giả xem thêm hồi kí Không Lên Núi) vơi đi rất nhiều những nụ cười an lạc. Rất nhiều ưu tư trăn trở ông không hề giấu giếm trong suốt buổi chuyện trò. Ông nói: “Phật giáo nói riêng từ sau biến cố 1975 đã chuyển qua thời kỳ pháp nạn mới. Thời Việt Nam Cộng Hòa, các chế độ độc tài gia đình, quân phiệt trị còn có những kẽ hở trong cai trị và những lực cản như Mỹ, báo chí và dư luận thế giới một bên, một bên là Miền Bắc và Mặt Trận, nên Phật giáo tuy bị đánh phá từ ngoài và chia rẽ từ bên trong, nhưng giáo hội Ấn Quang vẫn tồn tại và phát triển như là một lực lượng văn hóa – chính trị bày tỏ nguyện vọng hòa bình, hòa giải, hòa hợp dân tộc và nhân loại”.

“Ngày nay, đảng Cộng sản một mình một chợ, ngấm ngầm bảo rằng hòa bình, hòa giải, hòa hợp dân tộc chỉ là vấn đề của quá khứ, là thủ đoạn chính trị trong thời chiến, nay “Mỹ đã cút – Ngụy đã nhào, đất nước đã hòa bình, thống nhất, đồng bào các tôn giáo phải chung sức chung lòng cùng với đảng Cộng sản tiến hành cuộc cách mạng vô sản để đưa đất nước tiến nhanh tiến mạnh lên Xã hội chủ nghĩa”.

“Công tác tôn giáo vận của đảng Cộng sản từ sau biến cố 1975, thực chất là cải tạo tôn giáo. Một mặt đảng Cộng sản thanh lọc hàng ngũ giáo phẩm theo hướng có lợi cho đường lối, sách lược của đảng. Một mặt, đáng Cộng sản giải tán các đoàn thể quần chúng tôn giáo. Mặt khác nữa, đảng Cộng sản quốc hữu hóa tất cả các cơ sở kinh tế, giáo dục, văn hóa, xã hội của các giáo hội. Như thế, giáo hội Phật giáo Ấn Quang chỉ còn lại mấy ông già bị trói chân trói tay. Thậm chí đảng Cộng sản còn muốn biến các ông già trong giáo hội thành cộng cụ để qua đó qui phục phật tử tuân hành các mệnh lệnh kinh tế, chính trị, văn hóa, quân sự của đảng”.

“Thầy Thích Thiện Minh bị giết, lý do gần, vì đã nhất quyết chống đối sách lược tôn giáo vận ấy. Lý do sâu xa: trước 1975, thầy đã công khai truyền bá tư tưởng về một mô hình “Xã hội chủ nghĩa không Cộng sản”. Trong số các đệ tử của thầy Thiện Minh có

không ít người là cán bộ Cộng sản nằm vùng, họ báo cáo lên trên. Như thế là Thích Thiện Minh đứng đầu sổ đen “những tên phản động chiến lược, mưu đồ đấu tranh tư tưởng với đảng thời hậu chiến”.

Tôi hỏi: Thưa Hòa thựơng, thế nào là Xã hội chủ nghĩa không cộng sản? Hòa thượng Thích Trí Thủ chậm rãi:

– “Xã hội chủ nghĩa không cộng sản là chế độ chính trị tam quyền phân lập, các chính trị gia ở các cơ quan công quyền được nhân dân tụ do bầu chọn qua phổ thông đầu phiếu. Xã hội chủ nghĩa không cộng sản chủ trương quyền lợi và nghĩa vụ của những người cùng khổ hài hòa với các giai tầng xã hội khác. Người cùng khổ được chính quyền và các tổ chức xã hội hỗ trợ nâng cao văn hóa và các điều kiện sinh hoạt, thực tập các khả năng quản lí, làm chủ kinh tế, trách nhiệm xã hội. Con cháu họ có đầy đủ các điều kiện giáo dục để có khả năng cạnh tranh bình đẳng với con cháu các giai tầng khác. Xã hội chủ nghĩa không cộng sản không có đảng độc quyền lãnh đạo toàn diện và tuyệt đối chủ trương gây căm thù qua các cuộc đấu tranh giai cấp nhằm triệt tiêu quyền tư hữu, lật đổ giai cấp Tư sản, đưa giai cấp Công nhân lên hàng thống soái. Các cơ quan công quyền trong chế độ Xã hội Chủ Nghĩa Không Cộng Sản hành xử quyền hạn và trách nhiệm theo Hiến pháp và Luật pháp, đồng thời là trung tâm hòa giải mọi xung đột xã hội và kiến tạo môi trường sống nhân bản, hài hòa. Xã hội chủ nghĩa không cộng sản phối hợp và điều tiết hài hòa giữa Công quyền, Tư quyền (Nhân quyền, Dân quyền) và Hội đoàn quyền; giữa Công hữu, Tư hữu và Hội – đoàn hữu; giũa Công lợi, Tư lợi và Hội đoàn lợi”.

“Mô hình chế độ Xã hội chủ nghĩa không cộng sản (còn có thể gọi là Xã hội chủ nghĩa Phật giáo) đã được giáo hội (Phật giáo Việt Nam Thống nhất) bảo trợ, bước đầu áp dụng trong cuộc bầu cử Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành, thị xã thời chính phủ Phan Huy Quát (16.2 – 12.6. 1964). Đáng tiếc là chính phủ Phan Huy Quát sụp đổ vị bị các thế lực chủ chiến tố cáo: thân Phật giáo, không kịp tổ chức bầu cử Quốc hội để kiến tạo chế độ Dân chủ – Xã hội, kiến tạo hòa bình theo dự kiến…”.

Càng nghe hòa thượng Trí Thủ nói, tôi càng tò mò muốn biết nhiều hơn về vị thiền sư vừa mới tuẫn tiết. Tôi xin hòa thượng nói thêm về người bạn vong niên đồng hương, đồng đạo mà qua ngữ âm và cử chỉ ông bày tỏ sự thương tiếc sâu nặng. Hòa thượng Thích Trí Thủ tiếp tục:

  • “Thiện Minh cùng quê Triệu Phong với mình, nhỏ hơn mình mười hai tuổi, vào chùa sau mình 17 năm. Thời ấy (đầu thế kỷ 20. Chu Sơn) nhiều trẻ em Triệu Phong đói, có

em tìm đường vào chùa để kiếm cơm. Chùa không chỉ cho cơm mà chùa còn cho học Đạo (Phật pháp), học đời (các kiến thức văn hóa, lịch sử dân tộc, học thuật, tư tưởng phương Tây) và un đúc thêm lòng yêu nước. Cả mình và Thiện Minh đều có duyên với Phật pháp, đều kiên trì, quyết đi hết con đường Đạo pháp và Dân tộc, không hề quay đầu lại.

  • “Thiện Minh thông minh, khỏe mạnh, tinh tấn, siêng năng, cần mẫn, 11 tuổi (1932 – Chu Sơn) vào chùa Thuyền Tôn, trong vòng ba năm đã gây được niềm tin của tôn sư Giác Nhiên và tăng thân. Lúc bấy giờ trên cả ba miền đất nước, phong trào Chấn hưng Phật giáo phát khởi. Thiện Minh được khuyến khich thi tuyển vào lớp đào tạo tăng tài của trường An Nam Phật học. Trường An Nam Phật học được điều hành và giảng dạy bởi những giảng sư uyên thâm Phật pháp, đầy nhiệt huyết với tinh thần chấn hưng và lòng yêu nước: các thiền sư Giác Tiên, Phước Huệ, Trí Độ, Mật Thể, Mật Khế,…, đặc biệt với bác sĩ Lê Đình Thám – một người say mê nghiên cứu, thực hành giáo lý đạo Phật, và trong chừng mực nào đó am hiểu tinh hoa nền văn minh phương Tây. Chính bác sĩ Lê Đình Thám đã mớm cho các học trò của mình những biểu biết ban đầu về chế độ dân chủ với mô hình tam quyền phân lập và các khái niệm Tự do, Dân chủ, Công bằng, Bác ái…An Nam Phật học đường đã đào tạo được những tăng sĩ ưu tú. Bốn người xuất sắc nhất là Trí Thuyên (đã bị Tây giết năm 1946), Trí Quang, Thiện Minh, Thiện Siêu.
  • “Cách mạng tháng 8 (1945) và kháng chiến chống Pháp nổ ra, hầu hết thầy-trò của phong trào Phật giáo Chấn hưng đều tham gia Cứu quốc. Huyền Quang ở Quảng Ngãi, Lê Đình Thám ở Liên khu 5, Trí Độ ở Liên khu 4, Trí Quang ở Quảng Bình, Mật Thể ở Thừa Thiên-Huế, Thiện Minh ở Quảng Trị…Tiếp xúc, chung đụng với kháng chiến Cộng sản một vài năm, Huyền Quang, Trí Quang, Thiện Minh và nhiều người khác lục tục quay trở lại vùng Pháp và Quốc gia để tiếp tục công cuộc Chấn hưng. Còn những người khác: Trí Độ, Lê Đình Thám, Mật Thể…đi với Cộng sản hết cuộc kháng chiến chống Pháp, sau 1954, ở lại miền Bắc.
  • “Thiện Minh và các tăng sĩ trẻ, sau khi từ bỏ kháng chiến, trở về Huế cùng với những người ở lại quyết định tiếp tục phục hoạt công cuộc Chấn hưng với đường hướng riêng: Đạo pháp và Dân tộc, đứng ngoài cuộc chiến tranh giữa Việt Minh – Cộng sản và xâm lược Pháp – Quốc gia (vua Bảo Đại làm quốc trưởng).
  • “Vào giữa năm 1947, hai thiền sư Mật Hiển, Mật Nguyện đã đề xuất ý kiến – thành lâp Sơn môn Tăng già. Không lâu sau đó, Sơn môn Tăng già Thừa Thiên Huế ra đời. Giữa năm 1948, các tăng sĩ từ chiến khu về đề nghị thành lập thêm một tổ chức vòng

ngoài: Hội Việt Nam Phật Học. Mọi người phấn khởi bắt tay vào việc. Như thế là khắp các tỉnh từ Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, đến Bình Định đều hình thành được hai tổ chức “vòng trong vòng ngoài” là Sơn môn Tăng già và Hội Việt Nam Phật học. Trụ sở đầu não cấp “miền” (Trung) của hai tổ chức này đặt tại Huế. Thiện Minh được “Giáo hội Miền Trung” cử vào Nha trang xây dựng giáo hội tại địa phương này.

“Là người năng động, tràn đầy nhiệt huyết, có tài tổ chức, bất chấp khó khăn trở ngại, trong vòng sáu năm (1948 -1954), với sự tiếp sức hạn chế từ “trung ương miền Trung – Huế” Thiện Minh đã lặn lội khắp các tỉnh phía nam miền Trung: Nha Trang, Phan Rang, Phan Thiết và khắp các tỉnh Tây Nguyên từ Kon Tum, Gia Lai…, xuống đến Đồng Nai Thượng. Đâu đâu Thiện Minh cũng đã đặt xong nền móng giáo hội cấp tỉnh và một số Gia đình phật tử, một số trường Bồ Đề, xây dựng được mấy chùa mới, mấy Khuôn hội, Niệm Phật đường.

  • “Ngoài khả năng tổ chức, Thiện Minh còn có tài thuyết phục các đồng sự, đối tác, người đối thoại và cả những ai bất đồng chính kiến.
  • “Giữa năm 1963, khi cuộc đấu tranh đòi tự do và bình đẳng tôn giáo trong chế độ Việt Nam Cộng Hòa thời Ngô Đình Diệm đến hồi gay cấn, sau sự kiện thiền sư Thích Quảng Đức tự thiêu gây sửng sốt và bất bình trong nước và thế giới, chính quyền Ngô Đình Diệm muốn làm giảm nhẹ dư luận, đề nghị Phật giáo thương thuyết. Phật giáo nắm lấy cơ hội. Tổng thống Diệm cử phó Tổng thống Nguyễn Ngọc Thơ đứng đầu Ủy ban liên bộ. Tham gia cùng Nguyễn Ngọc Thơ là hai ông Nguyễn Đình Thuần (bộ trưởng phủ tổng thống) và Bùi Văn Lương (bộ trưởng nội vụ). Phía Phật giáo, thiền sư Thích Tịnh Khiết,   hội chủ Tổng hội Phật giáo Việt Nam, cử thiền sư Thích Thiện Minh dẫn đầu Ủy ban liên phái, hai đoàn viên là thiền sư Thích Tâm Châu và thiền sư Thích Thiện Hoa. Cuộc hội đàm rất căng thẳng diễn ra trong ba ngày, kết thúc bằng một Thông Cáo Chung với chữ ký của sáu nhà đàm phán và chữ ký xác nhận của hai nhà lãnh đạo cao nhất của chính quyền Việt Nam Cộng Hòa và tổng hội Phât giáo Việt Nam là tổng thống Ngô Đỉnh Diệm và hội chủ Thích Tịnh Khiết.
  • “Thông Cáo Chung là môt thắng lợi đối với Phật giáo: 5 Nguyện vọng Phật giáo đưa ra từ đầu – một ngày sau cuộc đàn áp đẫm máu tại đài phát thanh Huế – được thỏa mãn gần hết. Do vậy, theo sự quyết đoán của cố vấn Ngô Đình Nhu, chính quyền lật lọng, xóa bỏ Thông Cáo Chung, tiếp tục các cuộc đàn áp ngày một khốc liệt hơn. Đêm 20.8, cảnh sát và lực lượng đặc nhiệm của chế độ Ngô Đình Diệm thực hiện kế hoạch Nước Lũ, tấn công vào tất cả các chùa và một số tư gia trên khắp các tỉnh thành miền Nam,

đập phá, đánh đập, bắt đi 1400 tăng ni, nhân sĩ, trí thức, lãnh tụ sinh viên phật tử. Như thế là đầu tàu Lực lượng đấu tranh của Phật giáo bị nhốt hết trong các trại giam (ngoại trừ trường hợp thiền sư Thích Trí Quang trốn thoát khỏi trại giam, tị nạn tại tòa đại sứ Hoa Kỳ), phong trào đấu tranh vì Tự do và Bình đẳng tôn giáo bị gián đoạn. Trước tình thế đó, Sinh viên, Trí thức, Đảng phái và Quân đội vào cuộc, quyết lật đổ chế độ. Ngày 1.11.1963, chế độ Ngô Đình Diệm bị Quân đội (với sự đồng thuận của Mỹ) lật đổ. Phật giáo và đại bộ phận nhân dân Miền Nam (ngoài Cần lao – Thiên chúa giáo) được giải thoát.”

  • “Ngày 31.12.1963, các tông phái, các tập đoàn, hệ phái Phật giáo tổ chức đại hội tại chùa Xá Lợi để hình thành một giáo hội duy nhất lấy tên là Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (GHPGVNTN). Đại hội đề ra đường hướng, cơ cấu giáo hội và soạn thảo Hiến chương. Cơ cấu giáo hội là một hệ thống bốn cấp: trung ương, miền, tỉnh (thành) và cơ sở (khuôn hội, niệm phật đường với các đoàn thể quần chúng phật tử). Giáo hội còn có một phòng Thông tin ở hải ngoại (Paris, do cư sĩ Võ Văn Ái phụ trách. Chu Sơn). Ở trung ương gồm hai viện Tăng thống và Hóa đạo. Đại lão hòa thượng Thích Tịnh Khiết được cung thỉnh làm viện trưởng Viện Tăng Thống. Hòa thượng Thích Tâm Châu được bầu làm viện trưởng Viện Hóa Đạo. Thiền sư Thích Trí Quang được đề cử làm thư ký Viện Tăng Thống. Thiền sư Thích Thiện Minh được đề cử phó viện trưởng Viện Hóa đạo, kiêm phụ trách Tổng vụ Thanh niên phật tử…
  • “Trên cương vị người đứng đầu tổ chức Thanh niên, Sinh viên phật tử toàn Miền Nam, Thiện Minh đóng góp rất tích cực trong các phong trào Phật giáo Dấn thân từ 1964-1966: chống quân phiệt Nguyễn Khánh, chống độc tài Trần Văn Hương, ủng hộ chính phủ Phan Huy Quát xây dựng Dân chủ, chống Mỹ -Thiệu – Kỳ tiến hành chiến tranh.
    • “Nhiều người tiếp xúc với Thiện Minh ngày càng nghe ông nói nhiều hơn về chủ nghĩa Xã hội không Cộng sản. Phía Công giáo “chiến đấu” và Thiệu – Kỳ cho rằng ông hành động và nói năng chỉ có lợi cho Cộng sản. Phía Cộng sản cho rằng Thiện Minh muốn đấu tranh ý thức hệ với chủ nghĩa Mác-Lê Nin, thách thức sự lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối của đảng. “Thiện Minh là một tên phản động nguy hiểm trước mắt và lâu dài”. Giữa năm 1966, Thích Thiện Minh bị mưu sát, nhưng chỉ bị thương nhẹ. Nhiều lời đồn đoán về kẻ chủ mưu, nhưng không có bằng chứng xác đáng để chỉ đích danh bất cứ ai.

“Sau vụ bị ám sát hụt, đặc biệt sau biến cố đẫm máu Tết Mậu thân ở Huế, Thiện Minh nhận định rằng “sẽ không có chuyện hòa giải hòa hợp trong chế độ Cộng sản; nếu

không thận trọng, chúng ta (Phật giáo) có thể vô tình tiếp tay cho một thứ bạo lực mà Việt Nam Cộng Hòa không sánh được”.

  • “Sau hiệp định Paris, Thiện Minh khẳng định rằng Cộng sản sẽ thắng và sẽ không có gì hết ngoài bạo lực. Từ đó Thiện Minh ít lui tới chùa Ấn Quang. Năm 1974, gíao hội Ấn Quang tổ chức Lực lượng Hòa giải Dân tộc, tham gia hình thành chính phủ Dương Văn Minh; Thiện minh không chống đối, cũng không tham gia.
  • “Sau biến cố tháng 5.1975, Thiện Minh bị chính quyền cách mạng đuổi khỏi trụ sở Tổng vụ Thanh niên, lang thang khắp nơi, đến Già Lam nhưng không đến Ấn Quang. Vụ công an bố ráp chùa Ấn Quang ngày 6 tháng 4.1977, Thiện Minh không có mặt nên không bị bắt cùng các thiền sư Quảng Độ, Huyền Quang, …
  • “Thiện Minh chỉ bị bắt sau khi đối đáp thẳng thừng với bộ trưởng công an Mai Chí Thọ đầu tháng 3.1978…”
  • “Được tin Thiện Minh bị bắt, mình chạy đôn chạy đáo, gõ khắp các cửa quyền lực, năn nỉ lạy lục đến sói đầu mà chẳng được gì. Cuối cùng Thiện minh bị giết chết trong tù (bốn tháng sau khi bị bắt), mình được công an thông báo đến thăm ở trại Hàm Tân và chỉ được phép nhìn qua khuôn mặt Thiện Minh tím bầm méo mó trong hòm.
  • “Là người tu hành, mình biết sống chết là lẽ thường tình, nhưng cái chết của 12 tăng ni chùa Dược Sư, cái chết của Thiện Minh cũng như những cái chết và tù đày khác dưới bạo lực cách mạng đã làm mình đau xót, giằng xé đến bất thường, có cả ăn năn sám hối. Phải chăng, giáo hội trong đó có mình đã ảo tưởng khi chủ trương hòa giải Dân tộc với ngươi Cộng sản…?”

Đặt vấn đề như thế, nhưng rồi hòa thượng Thích Trí Thủ vẫn tiếp tục ảo tưởng và hợp tác với Cộng sản để thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) theo chủ trương và sách lược chính trị của đảng này. Phải chăng cuộc Dấn thân đầy ảo tưởng của Phật giáo Ấn Quang đến thời điểm cuối năm 1978, sau khi 12 Tăng Ni chùa Dược Sư tự thiêu và thiền sư Thiện Minh bị giết…, vẫn chưa dừng lại được theo cái đà lăn của nó? Đặt vấn đề như thế vì đến thời điểm cuối năm 1981, khi Giáo hội Phật giáo Việt Nam được đảng Cộng sản khai sinh, không chỉ đa số phật tử mà cả một số đảng viên còn giữ chút lương tri như Nguyễn Quang Huy (trưởng ban Tôn giáo chính phủ), Đỗ Trung Hiếu (cán bộ tôn giáo vận thành ủy phành phố HCM)…, cũng thừa nhận sự chân thành đúng đắn trong suy nghĩ về mục tiêu thống nhất Phật giáo trong tự do, nhân quyền của các vị thiền sư thuộc khối Ấn Quang, đặc biệt các vị đã có quá trình cộng tác với Việt Minh – Cộng sản trong hai cuộc kháng chiến, như Thích Đôn Hậu, Thích

Minh Châu, Thích Thiện Siêu, Thích Trí Thủ…; có điều cái chút lương tri èo uột đó cuối cùng chỉ đủ sức lừa phỉnh các vị tu hành ngây ngô để đưa họ vào tròng làm công cụ rẻ tiền cho guồng máy gian manh toàn trị mà người đại diện trực tiếp, chính danh là các ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, trưởng Ban Dân vận Mặt trận, bộ Công an thay nhau: Xuân Thủy, Nguyễn Văn Linh, Trần Quốc Hoàn. (Xem Đỗ Trung Hiếu: THỐNG NHẤT PHẬT GIÁO Thư viện Hoa Sen 23/12/2010)

***

Phần II. Thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN)

  1. 1/ Hai khát vọng Ngược chiều – Mạnh được Yếu thua.

Kết thúc thắng lợi cuộc chiến tranh với Mỹ và Việt Nam Cộng hòa, đảng Cộng Sản Việt Nam bày tỏ khát vọng độc tài toàn diện và tuyệt đối qua những cuộc cải tạo các bộ phận nhân dân Miền Nam, trong đó có cộng đồng các tôn giáo. Đại hội lần thứ tư (1V) khẳng định con đường đấu tranh cách mạng đưa đất nước đến thắng lợi Chủ Nghĩa Xã Hội và bảo vệ vững chắc Tổ Quốc Xã Hội Chủ Nghĩa. Riêng đối với Phật giáo, công cuộc thành lập GHPGVN được Đảng nâng lên tầm chiến lược. (Xem hồi ký Đỗ Trung Hiếu, tài liệu đã dẫn).

Đối với Phật giáo Ấn Quang, mặc dầu rất bức xúc trước các cuộc cải tạo có tính chất khủng bố và bội tín của đảng Cộng sản, vẫn kiên trì mục tiêu thống nhất giáo hội trên bình diện cả nước nhằm truyền bá Phật pháp đến dân tộc và nhân loại. Khát vọng này không có vấn đề gì trong các chế độ dân chủ Cộng hòa như Tích Lan, Ấn Độ, Hàn Quốc, Đài Loan, Mỹ, Úc, Tây Âu, Ca Na Đa…, hay Quân chủ Lập hiến như Nhật Bản,Thái lan, Nê Pan…; tuy nhiên, đối với chế độ Cộng sản là một thách thức nghiêm trọng.

Năm 1976, Hòa thượng Thích Đôn Hậu, tổng thư kí Giáo hội Phât giáo Việt Nam Thống nhất khối Ấn Quang, đại biểu quốc hội, gởi kiến nghị đến tổng bí thư Lê Duẩn, chủ tịch nước Tôn Đức Thắng, chủ tịch quốc hội Trường Chinh và thủ tướng Phạm Văn Đồng về việc thống nhất Phật giáo. Hòa thượng nói rõ: “Khi đất nước bị xâm lược, tôi làm nghĩa vụ công dân (ông tham gia kháng chiến chống Pháp suýt bị giặc giết, may nhờ bà Từ Cung cứu. Trong chiến tranh chống Mỹ và Việt Nam Cộng hòa, ông lên chiến khu tham gia Liên minh các Lực lượng Dân tộc Dân chủ và Hòa bình với tư cách phó chủ tịch), nay đất nước độc lập, tôi trở lại chu toàn việc đạo, và

trước hêt là vận động cho công cuộc thống nhất Phật giáo Việt Nam.” Theo hòa thượng Đôn Hậu, thống nhất là hợp nhất hai tổ chức: GHPGVNTN ở Miền Nam và HPGTNVN ở Miền Bắc thành một tổ chức duy nhất có tên gọi là GHPGVN. Giáo hội đó cam kết tuân thủ luật pháp quốc gia và đường lối chính trị mà đảng đề ra (khi thành lập Liên Minh). Nhựng mọi việc thuộc về tôn giáo thì hàng giáo phẩm, tăng ni và đồng bào phật tử quyết định. (Đỗ Trung Hiếu, tài liệu đã dẫn, trang 4).

Kiến nghị của thiền sư Thích Đôn Hậu phản ảnh lập trường của giáo hội Phật giáo Ấn Quang bị đảng Cộng sản từ trên xuống dưới quy kết là xấu, nguy hiểm, phản động.

Trước tình thế đó, đảng Cộng sản, một mặt dùng bàn tay sắt giết chóc, tra tấn, tù đày và cải tạo, một mặt dùng bàn tay sắt bọc nhung – cán bộ Dân vận Mặt trận, trực tiếp là cán bộ Tôn giáo vận từ trung ương xuống địa phương nhằm đưa một số chức sắc già cả và nhẹ dạ của Phật giáo Ấn Quang vào tròng.

Thành lập GHPGVN là một công tác chiến lược, nên đảng Cộng sản đã bỏ ra nhiều công sức, thời gian, của cải, tiền bạc.

Từ sau khi nước nhà thống nhất trên phương diện hành chánh (1976), đảng Cộng sản cử ông Xuân Thủy, bí thư Trung ương đảng, một nhà ngoại giao nổi tiếng lịch lãm tại hội nghị Paris, làm trưởng ban Dân vận – Mặt trận. Ông Xuân Thủy cũng phụ trách luôn Ban Tôn giáo chính phủ. Ông đã chọn người “lịch lãm” ở Miền Bắc để sung vào Ban Tôn giáo, như Nguyễn Quang Huy chẳng hạn. Ông đã đi Miền Nam nhiều lần để nghiên cứu tình hình các Tôn giáo và tìm kiếm “nhân tài thạo nghề vận động Tôn giáo ở các đô thị Miền Nam”, như Đỗ Trung Hiếu, như Nguyễn Chính (nhà thơ Phan Duy Nhân) chẳng hạn.

Là nhà chính trị, ngoại giao lão luyện nên ông Xuân Thủy khá “được lòng” các đối tượng công tác của ông. Ông cũng tạo được niềm tin và sự kính trọng tuyệt đối nơi hai người cán bộ xuất sắc mà ông đã chọn. Ông đưa Nguyễn Chính từ ban Dân vận Mặt trận Quảng Nam Đà Nẳng ra Hà Nội làm phó ban Tôn giáo (trực thuộc chính phủ), rồi quyền trưởng ban. Đỗ Trung Hiếu vừa là cán bộ tôn giáo vận của thành ủy HCM, vừa làm tham mưu cho ông Xuân Thủy và ban Tôn giáo chính phủ tại Hà Nội.

Qua sự tìm hiểu trực tiếp của chính mình, qua nghiền ngẫm kiến nghị của hòa thượng Thích Đôn Hậu, và cũng qua sự đóng góp ý kiến của hai người cán bộ đáng tin cậy Nguyễn Chính và Đỗ Trung Hiếu, ông Xuân Thủy có nhận định khá chính xác về các tổ chức Phật giáo nói chung, Phật giáo Ấn Quang nói riêng, về kiến nghị của hòa thượng Thích Đôn Hậu, và về công cuộc thống nhất Phật giáo như sau:

“Việc thống nhất Phật giáo Việt Nam theo tôi biết: Đảng ta chủ trương thống nhất Phật giáo của ta ( đảng Cộng sản. CS) với GHPGVNTN khối Ấn Quang. Phật giáo của ta là các đoàn thể HPGTNVN (Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam) ở miền Bắc và BLLPGYN( Ban Liên lạc Phật giáo Yêu nước) ở miền Nam. Ở miền Bắc, phật tử đã vào các đoàn thể quần chúng hết rồi, chỉ còn những cụ già đi lễ bái ở chùa ngày rằm, mùng một theo tục lệ cổ truyền. Sự tiêu biểu thật hiếm. Cụ Trí Độ đã luống tuổi, quanh đi quẩn lại vẫn cụ Phạm-Thế-Long, nhưng khả năng đức độ của cụ, ảnh hưởng trong nước và quốc tế hạn chế. BLLPGYN có khá hơn một tí. Cụ Minh – Nguyệt có thành tích ở tù 15 năm ở Côn Đảo, cụ Thiện-Hào có thành tích đi kháng chiến, nhưng điều phật tử cần ở nhà sư, cả hai cụ đều hạn chế. GHPGVNTN khối Ấn Quang là một tổ chức tôn giáo và tổ chức quần chúng có uy tín trên thế giới, nhiều nhà sư tài giỏi. Nếu thống nhất theo kiến nghị của cụ Đôn-Hậu, có nghĩa là giải thể BLLPGYN, sáp nhập HPGTNVN vào GHPGVNTH và chịu sự lãnh đạo của họ. Như thế GHPGVNTN phát triển ra toàn lãnh thổ Viêt Nam, chứ không chỉ ở miền Nam như trước năm 1975. Quan trọng là đảng không bao giờ lãnh đạo được GHPGVNTN, mà ngược lại, GHPGVNTN trở thành một tổ chức tôn giáo rộng lớn có đông đảo quần chúng, là một tổ chức áp lực chính trị thường trực đối với đảng và chính phủ Việt Nam. Thống nhất theo dự án của ban Tôn giáo chính phủ chưa ổn lắm, vì chung qui cũng đưa các cụ ở HPGTNVN và BLLPGYN xách cặp cho GHPGVNTN mà thôi. Bởi vì các cụ ta đứng gần thượng tọa Thích Trí Quang sẽ bị hút vào tay áo tràng của thượng tọa hết…(Đỗ Trung Hiếu, tài liệu đã dẫn, trang 7)

Nhận định như thế, nên ông Xuân Thủy chỉ đạo cho thuộc cấp thực hiện hai công tác cụ thể sau:

– Cố gắng tranh thủ cho được các hòa thượng Đôn Hậu, Trí Thủ và thượng tọa Trí Quang (đi theo đường lối của ta).

  • Giải quyết cho được số cực đoan quá khích, đứng đầu là hai thượng tọa Huyền Quang, Quảng Độ bằng biện pháp thuyết phục là thượng sách ( Đỗ Trung Hiếu, tài liệu đã dẫn, trang 7).

Có lẽ chỉ đạo này xẩy ra sau khi Thiền sư Thiện Minh bị giết chết, tháng 8.1978. Nếu không, ông đã đứng đầu danh sách cần thuyết phục. Còn hai thiền sư Huyền Quang, Quảng Độ (bị bắt tháng từ 1977, sau hai năm ở tù, được thả ra, bị chỉ định cư trú ở Quảng Ngãi và Thái bình vì không để bị thuyết phục.

II.2/ Chính quyền chuẩn bị

Tháng 4. 1979, ông Xuân Thủy chỉ đạo tiếp về việc thống nhất Phật giáo Việt Nam gồm mấy điểm mấu chốt:

1/ Hệ thống tổ chức Phật giáo sắp tới theo hình tháp ngược và ở trong Mặt trận Tổ Quốc VN.

2/ Đạo Phật gắn với dân tộc. Nhưng thời đại ngày nay là thời đại xã hội chủ nghĩa nên phải gắn với xã hội chủ nghĩa.

3/ Nhân sự tiêu biểu là người của GHPGVNTN khối Ấn Quang, nhân sư hành động là người của ta (đảng Cộng sản. CS) (Đỗ Trung Hiếu, tài liệu đã dẫn, trang 13).

Đáng tiếc là kế hoạch ấy chưa thực hiện thì ông bị thôi chức trưởng ban Dân vận trung ương và bí thư Trung ương đảng vì đấu đá nội bộ (Theo Đỗ Trung Hiếu: nhân vụ Hoàng Văn Hoan trốn sang Trung Quốc…).

Nguyễn Văn Linh, ủy viên Bộ Chính trị, được đảng cử làm trưởng ban Dân vận tiếp tục thúc đẩy công cuộc thống nhất Phật giáo.

Ngày 13.2.1980, Nguyễn Văn Linh triệu tập một cuộc họp gồm 20 vị đại diện các tổ chức Phật giáo trong cả nước để bàn về việc thống nhất. Phát biểu khai mạc, Nguyễn Văn Linh nói những lời đãi bôi đầy tính chất giả dối: “Nếu quí hòa thượng cho phép, tôi xin được gọi đạo Phật của chúng ta, và nếu quí hòa thượng không ngần ngại cũng có thể gọi Đảng của chúng ta”( Đỗ Trung Hiếu, tài liệu đã dẫn, trang 15).

Những lời đãi bôi giả dối này cán bộ Dân vận Mặt trận quen dùng trong suốt hai cuộc chiến tranh khi đối diện với hiểm nguy gian khó, chưa nắm quyền lực, cần có sự đóng góp xương máu và chia sẻ cơm áo của nhân dân. Nhưng khi đã có quyền lực rồi thì đảng biến nhân dân thành đối tượng cải tạo: cướp bóc, tù đày, giết chóc và tống xuất ra nước ngoài. Hơn bất cứ ai tham gia cuộc họp, các vị thuộc Giáo hội Phật giáo Ấn Quang đã đối diện từng ngày trước quá nhiêù hành động gian ác của Cộng sản từ sau 30.4.1975 (như tôi đã mô tả chưa đầy đủ ở trên). Từ sau tháng 4. 1975, đảng xin phép ai mà tiến hành cải tạo? – đảng xin phép ai mà ngăn sông cấm chợ? – đảng xin phép ai mà bán bãi vượt biên? – đảng xin phép ai mà cấu kết với Liên Xô, tiến quân qua Campuchia để rồi biến dân tộc, đất nước thành kẻ thù của thế giới?…Có quá nhiều câu hỏi như thế dành cho đảng Cộng sản từ nhân dân và Phật giáo Ấn Quang. Đã như thế

thì nhân dân và Phật giáo Ấn Quang không thể gọi đảng Cộng sản là “đảng của chúng ta” được.

Nói xong những lời đãi bôi gian dối thì ủy viên bộ chính trị Nguyễn Văn Linh ra về, giao cho cấp phó của ông là Trần Bạch Đằng điều khiển cuộc họp. Trần Bạch Đằng từ trong chiến tranh đến nhiều năm sau 1975, công khai cáo buộc “Thích Trí Quang là CIA chiến lược”. Trần Bạch Đằng cũng phản đối quyết liệt kiến nghị của hòa thượng Thích Đôn Hậu (Đỗ Trung Hiếu, tài liệu đã dẫn trang 11,19). Thiền sư Thích Trí Quang, Thiền sư Thích Đôn Hậu là linh hồn, là nhà chiến lược, là trụ cột của Phật Ấn Quang đến thời điểm này (1980). Mà Phật Ấn Quang là giáo hội có tầm cở to lớn tập trung nhiều nhân vật “phản động” nhất trong số các tổ chức Phật giáo lúc bấy giờ. Đảng Cộng sản cử Nguyễn Văn Linh, Trần Bạch Đằng đứng ra chủ trì công tác chiến lược Thống nhất Phật giáo là dấu chỉ báo hiệu chẳng có gì hay ho ở phía trước. Sau hai ngày chủ trì cuộc họp, Trần Bạch Đằng nặn ra được một tổ chức mị dân là Ban vận động thống nhất Phật giáo (BVĐTNPG), năn nỉ hòa thượng Thích Trí Thủ làm trưởng ban. Hòa thượng Thích Đôn Hậu từ chối tham gia, nhưng cuối cùng có tên trong danh sách với chức danh cố vấn cùng hòa thượng Thích Đức Nhuận là “nhân sự hành động của ta”. Hòa thượng Thích Đôn Hậu bày tỏ thái độ không bằng lòng. Các thiền sư kiên định lập trường Phật Pháp – Dân tộc, Tự do – Dân chủ, Nhân quyền và Nhân loại trong viện Hóa đạo như Huyền Quang, Quảng Độ,… và các thiền sư miền Trung phản đối quyết liệt.

Lại có thay đổi từ trung ương. Nguyễn Văn Linh thôi ủy viên Bộ Chính trị và trưởng ban Dân vận, về làm bí thư thành ủy HCM. Trần Bạch Đằng thôi chức phó ban Dân Vận, về hưu. Trần Quốc Hoàn thôi bộ trưởng công an, vẫn là ủy viên bộ Chinh trị, bí thư trung ương đảng, về làm trương ban Dân vận trung ương, kiêm ban Tôn giáo chính phủ.

Trần Quốc Hoàn 30 năm làm bộ trưởng công an, ngoài các thủ đoạn bạo động hiểm độc với những ai ông cho là kẻ thù nguy hiểm, ông còn lão luyện trong các mánh lới chính trị với các đối tượng cần tranh thủ. Ông lắng nghe ông Nguyễn Quang Huy ở ban Tôn giáo chính phủ sau khi ông này đi điều nghiên ở Sài Gòn về. Ông tỏ ra chăm chú lắng nghe Đỗ Trung Hiếu, chuyên gia tôn giáo vận của thành ủy HCM về tình hình Phật giáo tại Miền Nam. Ông dễ dàng chấp nhận đề án Thống nhất Phật giáo của “người cán bộ đảng viên sùng Phật” mà ông đã từng nghe tiếng khi còn ở Hà Nội. Có điều, cũng như ông Xuân Thủy, người đồng nghiệp tiền nhiệm, ông Trần Quốc Hoàn thấy cần bảo vệ quyền lãnh đạo toàn diện tuyệt đối và lợi ích của đảng hơn “nguyện

vọng tha thiết và chính đáng của GHPGVNTN và đồng bào phật tử là một bộ phận của nhân dân trong vùng địch chiếm được giải phóng còn rất nhiều phức tạp”. Do vậy, theo chỉ đạo của ông:

Một mặt, ban Dân vận trung ương, ban Tôn giáo chính phủ và bộ phận Tôn giáo thành ủy HCM tạo điều kiện cho BVĐTNPGVN “hoạt động tự do và tích cực với sự bảo vệ âm thầm của công an” nhằm giải tỏa các dồn nén của họ. BVĐTNPGVN long trọng soạn thảo HIẾN CHƯƠNG với rất nhiêu hy vọng, đề xuất nhân sự với sự “giúp đở” của ban Tôn giáo chính phủ và bộ phận Tôn giáo vận thành ủy HCM, đặc biệt là hai ông Đỗ Trung Hiếu và Nguyễn Quang Huy.

Mặt khác, các thiền sư Huyền Quang, Quảng Độ bị lực lượng chuyên chính vô sản quản thúc tại Bình Định và Thái Bình ( Đỗ Trung Hiếu, tài liệu đã dẫn, trang 20).

Cuối cùng ông Trần Quốc Hoàn chỉ đạo cho thuộc cấp, đặc biệt hai cán bộ chủ chốt là Nguyễn Quang Huy và Đỗ Trung Hiếu thực hiện nghiêm chỉnh cương lĩnh ba điểm ông Xuân Thủy để lại:

1/ Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức theo hình tháp ngược và ở trong Mặt trận Tổ Quốc.

2/ Đạo pháp gắn với Dân tộc và Chủ nghĩa Xã hội.

3/ Nhân sự tiêu biểu là người của GHPGVNTN khối Ấn Quang, nhân sự hành động là người của ta .

Chúng ta diễn giải thêm về ba điểm chỉ đạo trên của ông Xuân Thủy: (1) Chỉ tổ chức các ban bệ và các chức danh ở trên, không có các tổ chức, đoàn thể phật tử ở dưới. Như thế là Phật Ấn Quang không có quần chúng để tổ chức hội thảo, ra tuyên ngôn, gởi kiến nghị, tuyệt thực, tổ chức xuống đường đấu tranh như thời Việt Nam Cộng Hòa được nữa. Giáo hội Phật giáo Việt Nam do đảng thành lập chỉ còn là một đoàn thể như Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội Cựu Chiến binh…đặt dưới sự lãnh đạo của Mặt trận Tổ Quốc. (2) Gắn với Xã hội chủ nghĩa là phải hội nhập Phật pháp với chủ nghĩa Mác

  • Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, phải ủng hộ các cuộc cải tạo, cướp đoạt, tù đày, giết chóc…do đảng Cộng sản đề xướng, phát đông và lãnh đạo. Tuyệt đối không được tự ý hành động từ bi hỉ xả (muốn thực hiện từ bi, hỉ xả phải xin phép đảng), càng không đấu tranh dân chủ, tự do, nhân quyền. (3) Các hòa thượng, thượng tọa khối Ấn Quang chỉ được đảng lựa chọn để sắp xếp vào các chức danh tiêu biểu, ngồi chơi xơi nước. Nhân

sự hành động là các “nhà sư của Ta”, là đảng viên cựu chiền binh hay công an đội lốt tăng ni vào chùa nhất nhất chấp hành mệnh lệnh của đảng.

Ông Xuân Thủy quả thật là một chính trị gia thâm hiểm, đảng không cần ra lệnh, chính phủ không cần ký quyết định giải thể, GHPGVNTN khối Ấn Quang mà đảng cổ xúy đấu tranh trong thời chiến, và ông bí thư trung ương đảng “ngưỡng mộ” trong hòa bình sẽ tiêu vong theo kế hoạch ba điểm của ông.

Ông Trần Quốc Hoàn còn nham hiểm hơn ông Xuân Thủy một bậc. Ông đã biến các hòa thượng, thượng tọa của Phật giáo già nua, nhẹ dạ và các cán bộ tôn giáo vận “sùng phật” như Đỗ Trung Hiếu thành những con rối hăm hở đi xây dựng một giáo hội mà sau này người đời gọi một cách mỉa mai là “giáo hội quốc doanh” làm công cụ cho đảng Cộng sản mà cứ tưởng mình đã hành động đúng đắn có lợi cho Đạo pháp và Dân tộc.

Thời điểm dự kiến khai mạc hội nghị thành lập Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam vào cuối năm 1981, nhưng từ đầu năm 1980, hai ông Nguyễn Quang huy và Đỗ Trung Hiếu với sự chỉ đạo sít sao của ban Bí thư, ban Dân vận trung ương, thành ủy HCM, và sự góp sức của công an, của các cơ quan chính quyền liên hệ từ trung ương xuống địa phương đã tất bật tiến hành các khâu chuẩn bị. Họ “giúp đỡ” BVĐTNPGVN “hoàn chỉnh Hiến Chương” và điều đình cùng các nhóm Phật giáo sắp xếp nhân sự. Để thấy rõ sự nghiêm trọng của vấn đề, mời độc giả đọc mấy dòng sau đây trong hồi ký của Đỗ Trung Hiếu:

“ Nội dung (Hiến Chương.CS) để BVĐTNPGVN tự đề ra và quyết định. Ban Tôn giáo chính phủ và ban Tôn giáo tp Hồ Chí Minh theo dõi từng bước để giúp đở và phản ánh với ban Dân vận, cần thì báo cáo với ban Bí thư và Thành ủy tp Hồ Chí Minh.

“Tháng 8 năm 1981 BVĐTNPGVN gởi dự thảo Hiến Chương cho ban Dân vận Trung ương và ban Tôn giáo chính phủ, sau một tuần đã có ý kiến bổ sung như sau:

  • Lời nói đầu thêm đoạn…
  • Chương II đến chương IV thêm “…và Tổ quốc xã hội chủ nghĩa”.
  • Chương V điều 18 qui định hoạt động của Giáo hội gồm vào trong 6 ban một cách hình thức.
  • Chương VI, từ điều 23 đến 26, 27: tổ chức Giáo hội teo dần và cơ sở là Tự viện, Tịnh xá, Tịnh thất, Niệm Phật đường, tức lấy chùa làm cơ sở chứ không phải lấy quần chúng phật tử làm đơn vị  cơ sở của tổ chức Giáo hội.

Như vậy tinh thần của cụ Xuân Thủy được thể hiện trong bản Hiến chương này… (ĐTH, tài liệu đã dẫn trang 33).

  • “ Tôi cố xoay xở về nhân sự cho các bên đều vui lòng, rất vất vả. Ban Tôn giáo chính phủ giao tôi chịu trách nhiệm các tỉnh miền Nam. Anh Huy phụ trách các tỉnh miền Bắc và thường xuyên quan hệ với tôi để giải quyết các vấn đề khúc mắc. Ban Bí thư cho một nguyên tắc:

“Pháp chủ, chủ tịch, tổng thư ký Hội đồng trị sự, ban Tôn giáo chính phủ trình ban Bí thư duyệt.

  • Các thành phần khác trong Hội đồng chứng minh và Hội đồng trị sự, anh Huy và tôi được quyền thông qua khỏi báo cáo.

“ Đó là một cố gắng, chúng tôi tranh thủ Ban Bí thư và đã được quyết.

“ … Nhân sự tiêu biểu đã xong. Nhân sự hành động, anh Huy đề cử thượng tọa Thanh Tứ và anh Trần Khánh Dư, tôi đề nghị thượng tọa Từ Hạnh và bà Nguyễn thị Thanh Quyên. Ban Bí thư thấy chưa đủ sức lèo lái GHPGVN, đề nghị anh Huy và tôi tham gia. Cả hai chúng tôi đều từ chối…”(ĐTH, tlđd, trang 34).

Bị nhào nặn như thế nên Giáo hội Ấn Quang, nhất là Ôn Già Lam (từ của ĐTH) vô cùng bức xúc, phát biểu: “thống nhất kiểu này tới cũng khó mà lui cũng khó”. Tất cả đã bị vào tròng. Cái mà Nguyễn Văn Linh nói “Đảng của chúng ta” như thế đó!

  1. 3/ Cuối 1981 : Đại Hội

Ngày 1.11.1981,140 đại biểu tề tựu đông đủ tại Hà nội.

Ngày 4.11.1981 hội nghị thống nhất Phật giáo Việt Nam khai mạc tại chùa Quán Sứ. Hội nghị thông qua Hiến Chương, mô hình tổ chức giáo hội, chức năng quyền hạng trách nhiệm của các cơ quan; suy tôn, suy cử các chức sắc lãnh đạo từ chóp bu xuống dưới. Cơ cấu giáo hội gồm ba cấp : trung ương, tỉnh và quận- huyện.

Ở trung ương gồm Hội đồng Chứng minh và Hội đồng Trị sự. Dưới địa phương chỉ có Ban Trị sự.

Không có các tổ chức quần chúng phật tử.

Đứng đầu Hội đồng Chứng minh là Pháp chủ. Hòa thượng Thích Đức Nhuận, phó Hội trưởng Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam (một tổ chức do đảng lãnh đạo, không có

quần chúng phật tử) được suy tôn làm pháp chủ tiên khởi của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Hòa thượng Thích Đôn Hậu được ghi tên làm phó Pháp chủ đặc trách giới luật (ông không tham dự hội nghị này, ông chống từ đầu cho đến ngày viên tịch 23.4.1992, theo Đỗ Trung Hiếu, tài liệu đã dẫn, trang5).

Đứng đầu Hội đồng Trị sự gọi là chủ tịch. Hòa thượng Thích Trí Thủ, nguyên viện trưởng Viện Hóa đạo của Phật giáo Ấn Quang được suy tôn vào chức vụ này. Phó chủ tịch Hôi đồng Trị sự là hòa thượng Thích Trí Tịnh, nguyên viện phó viện Hóa đạo Ấn Quang.

Ngày 7.11. 1981, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam ra mắt trước báo chí và truyền thông trong và ngoài nước.

Tổ chức được Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam là một thắng lợi to lớn của đảng và chính quyền Cộng sản .

“ Thường vụ Thành ủy đánh giá việc thống nhất Phật giáo VN là một thành công kỳ diệu”.

“ … ban Bí thư khen sự chỉ đạo nhạy bén, sát thực tế của Thường vụ Thành ủy tp Hồ Chí Minh, mặc dầu suốt thời gian sóng gió thường vụ Thành ủy im hơi lặng tiếng. Ban Tôn giáo mỗi người lên một bậc lương. Riêng anh Nguyễn Quang Huy lên hai bậc, lên Vụ trưởng vụ Tôn giáo ban Dân vận Trung ương, rồi Trưởng ban Tôn giáo chính phủ” (Đỗ Trung Hiếu, tài liệu đã dẫn,trang 39).

Thống Nhất Phật Giáo, đảng Cộng sản không chỉ bày mưu tính kế, bỏ công sức, mà còn tiêu tốn của cải, tiền bạc: mua vé máy bay, sắp xếp nơi ăn chốn ở, xe cộ đi lại, tổ chức hội trường, …, từ A đến Z, đảng bao tuốt. Do vậy, dân gian gọi Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam là giáo hội quốc doanh (như mậu dịch quốc doanh, nông trường quốc doanh…) chẳng có gì là xuyên tạc, bởi : “Ai chi tiền, người đó làm chủ”. Trong ý đồ hủy hoại Tôn giáo nói chung, Phật giáo nói riêng, từ gốc rể, đảng đưa công an, con buôn vào chùa giả dạng tăng ni thực hành ma đạo, nhanh chóng biến môi trường tu hành thanh tịnh thành chợ trời buôn Thần bán Phật ồn ào náo nhiệt, bày biện muôn hình vạn trạng mê tín dị đoan. Đảng còn hào phóng chọn rừng đẹp, cấp đất rộng, cấp tiền nhiều, cấp phép qua loa, cẩu thả cho sư quốc doanh xây chùa lớn, đúc tượng to, tổ chức Pháp thoại hoành tráng, làm “du lịch tâm linh”. Nhiều lãnh tụ đảng, quan lại tham nhũng và tư sản đỏ liên kết với sư tăng ma đạo tiến hành bùa phép hối lộ Phật Thánh để giải trừ ác nghiệp, thăng quan tiến chức, củng cố quyền lực. Đảng đưa “Bác Hồ” vào ngồi chung với Phật, Thánh, Thần trong các chùa, đình và bàn thờ gia tiên, đưa

học thuyết Mác–Lênin vào chương trình giảng dạy tại các Phật học viện. Như thế là “Từ Bi Hỉ Xả, Hòa Giải Hòa Hợp Dân Tộc, Hòa Bình Nhân Loại” bị xiềng chung với “Căm Thù Giai Cấp – Đấu Tranh Cách Mạng, Ta Nhất Định Thắng, Địch Nhất Định Thua”.

“Căm Thù Giai Cấp – Đấu Tranh Cách Mạng, Ta Nhất Định Thắng, Địch Nhất Định Thua” đồng nghĩa với cướp của giết người, công cụ hóa và hủy diệt phần còn lại của Dân tộc và Nhân loại.

Năm 1981 đánh dấu một giai đoạn Pháp Nạn mới chưa từng thấy trước 1975 (trong chế độ VNCH). Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất khối Ấn Quang bị giải thể không kèn không trống. Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam lên ngôi với chữ ký xác nhận (ngày 29.12.1982) của bộ trưởng Đặng Thí thay mặt chính phủ nước Cộng Hòa Xã Hội Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam. Như thế là Giáo hội Phật giáo Quốc doanh được công an bảo kê, được báo đài ngày đêm quảng cáo nghênh ngang truyền bá “ Phật – pháp – Mác – Lênin,” nghênh ngang chiếm chùa, dụ dỗ, răn đe, kèm kẹp, xua đuổi, bắt bớ, tù đày và giết hại những tăng ni không chịu khuất phục. Hai thiền sư Thích Huyền Quang và Thích Quảng Độ bị theo dõi chặt chẽ hơn ở nơi chỉ bị định cư trú, Thiền sư Thích Đôn Hậu bị cô lập tại chùa Thiêng Mụ, thiền sư Thích Trí Quang bị canh chừng nghiêm ngặt hơn tại chùa Ấn Quang, các tăng sĩ thế hệ sau như Thích Tuệ Sỹ sau hai năm ở ở tù được thả ra, và Thích Trí Siêu (Lê Mạnh Thát) bị cắt hộ khẩu lang thang đói khổ khắp chốn, hết Sài Gòn đến Đồng Nai, Nha Trang và ngược lại, hết chùa này đến chùa nọ, hết nhà phật tử này đến nhà phật kia, không có nơi nào cưu mang họ được cả vì công an địa phương chờ sẵn để xua đuổi họ, như hoàn cảnh khốn cùng của thiền sư Thích Thiện Minh sáu năm trước.

Phản ứng sinh tồn sau khi GHPG quốc doanh thành lập ngày càng trở nên quyết liệt trong tuyệt vọng.

***

Phần III. Sau khi GHPG quốc doanh thành lập

  1. 1/ Một nhóm tăng, ni trung niên trí thức đi “làm rẫy”.

Từ “làm rẫy” là nguyên văn trong một lời nhắn của thiền sư Thích Nhất Hạnh gởi kèm theo gói tiền cứu trợ sau khi Giáo hội Phật giáo quốc doanh thành lập. Từ sau 1975, trước tình hình thiếu đói của các tăng thân trong nước, thiền sư Thích Nhất Hạnh đang

ở nước ngoài thường gửi tiền và thuốc tây về cứu trợ. Tết 1981, ngoài tiền và thuốc như mọi năm, thiền sư Thích Nhất Hạnh còn gửi kèm một câu hỏi: – Sao các tăng, ni trẻ không đi “làm rẫy”? Câu hỏi này không gợi ý các thiền sư bất phục chế độ đi kinh tế mới như các thành phần quần chúng khác, mà gợi ý “Đi Lập Chiến Khu”. Huỳnh Văn Tòng, đệ tử của thiền sư Thích Trí Quang, bạn tôi, kể như thế khi tôi đến nhà hỏi anh về vụ Lê Mạnh Thát (Thích Trí Siêu), Thích Tuệ sĩ, Thích nữ Trí Hải… bị bắt. Anh bình luận thêm:

“Vài ba, năm bảy nhà sư nam nữ chân yếu tay mềm, thiếu đói mà đi lập chiến khu để chống lại đảng Cộng sản là ông vua chiến khu suốt hai cuộc kháng chiến, đang làm chủ tuyệt đối tài nguyên quốc gia với hàng triệu đảng viên, hàng triệu bộ đội cụ Hồ và hàng triệu công an trang bị tận răng, là câu chuyện không tưởng, là huyền thoại đối với bất cư ai mới nghe qua. Tuy nhiên cái không tưởng, cái huyền thoại ấy lại là “sự thật” trước tình hình đất nước và nhân dân ngày càng bị đẩy vào cuối đường hầm bế tắt và tuyệt vọng. Hơn bất cứ thành phần quần chúng nào, người trí thức, đặc biệt trí thức Phật giáo,   biết rõ nguyên nhân của sự bế tắt và tuyệt vọng ấy: đảng Cộng sản phát triển tham – sân – si đến đỉnh điểm của các tầng cao, sâu và rộng. Có thể tóm tắt kết quả sách lược đối nội và đối ngoại của đảng Cộng sản từ sau 1975 vào hai điểm sau đây:

“ – Cuộc cách mạng Xã hội chủ nghĩa đã đẩy đại bộ phận nhân dân miền Nam thành nạn nhân, công cụ hay kẻ thù, phí phạm tài nguyên quốc gia, khiến lòng người cả nước thêm li tán, gieo rắc đói khổ khắp nơi, nhà tù rộng mở, tòa án và pháp trường vang vọng phán quyết án lệnh khổ sai, tử hình, đất nước trở thành ngục tù, người người trốn chạy.

“– Cấu kết toàn diện với Liên Xô trong ý hướng bành trướng, nuôi thù với Mỹ, tiến công Cam-bu-chia, mưu đồ thành lập Liên Bang Đông Dương, đảng Cộng sản biến đất nước thành kẻ thù của thế giới còn lại, nhân dân Việt Nam trở thành nạn nhân của cuộc chiến tranh tàn khốc từ phía Trung Cộng.

“Trước tình hình ấy, ở Sài Gòn (tp HCM), hai “nhà tu hành trí thức trung niên” Thích Tuệ Sỹ và Thích Trí Siêu (Lê Mạnh Thát) tập họp lực lượng. Tham gia cùng hai ông là các nam nữ nhà tu hành cũng trung niên trí thức như Thích Nguyên Giác, Thích Như Minh, Thích nữ Huệ Khương, Thích nữ Trí Hải và mấy chục nam nử tăng ni phật tử cùng trang lứa. Ở đây xin mở một ngoặc đơn để làm rõ nhóm từ “nhà tu hành trí thức trung niên”. Những vị này, đến thời điểm 1981, tuổi đời trên dưới 40, học tập, trưởng thành trong nền giáo dục – văn hóa Việt Nam Cộng hòa và Tây phương. Họ nghiên cứu

lịch sử, tư tưởng, triết học, tôn giáo, văn học nghệ thuật Dân tộc, phương Đông và phương Tây bài bản và sâu rộng hơn các thiền sư thế hệ trước. Đồng thời họ tiếp thu Phật pháp qua các Tôn Sư tại chùa, tại Phật học viện, qua kinh sách Hán ngữ và các cổ ngữ Pali, Sancrit. Họ đồng thời là nhà tu hành, nhà thơ, nhà văn, học giả, giáo sư sử dụng thông thạo nhiều ngoại ngữ và cổ ngữ: Anh, Pháp, Đức, Nhật, Hán, Pali, Sancrit. Bình sinh họ nghiêng về chế độ Dân chủ tam quyền phân lập và dị ứng với chế độ Cộng sản toàn trị. Trước 1975, họ tham gia các phong trào đấu tranh vì các mục tiêu Tự do Bình đẳng tôn giáo, Nhân quyền, Dận chủ, Hòa bình, Hòa giải, Hòa hợp Dân tộc. Họ ý thức mạnh mẽ trách nhiệm, quyền hạn công dân và Trí thức trước vận mệnh Dân tộc và Nhân loại. Sau biến cố1975, sau các cuộc cải tạo Xã hội chủ nghĩa mà Trí thức là đối tượng hàng đầu, nhất là sau khi Giáo hội Quốc doanh được nhà nước Cộng sản khai sinh, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất bị đẩy lùi vào quá khứ; những tăng, ni trung niên trí thức như Thích Tuệ Sỹ, Thích Trí Siêu (Lê Mạnh Thát), Thích nữ Trí Hải…, chỉ còn một lựa chọn duy nhất là dấn thân vào cái chết trên chiến hào hoặc trên pháp trường để kích thích tinh thần đấu tranh của thanh niên và mọi tầng lớp quần chúng, đồng thời gây tiếng vang đến người Việt ở nước ngoài và dư luận quốc tế. Sự chọn lựa, dấn thân trong vô vọng và bi tráng ấy chắc chắn sẽ có một kết cục thôi là họ bị bắt bởi vì mật vụ, công an chìm theo sát từng bước chân những người bất phục. Có thể họ sẽ bị đày đọa và giết chết trong ngục tù như thiền sư Thích Thiện Minh năm 1978. Chắc chắn hơn là họ sẽ bị đảng Cộng sản công khai tuyên bố những hình phạt nặng nề nhất nhằm răn đe, ngăn chặn những ý đồ, mưu toan nổi dậy âm ỉ trong nhân dân.”

Nhận định của Huỳnh Văn Tòng khá thỏa đáng đối với tôi. Tuy nhiên, những thông tin anh cung cấp đối với tôi là chưa đầy đủ và cần kiểm chứng. Từ nhà anh, tôi đi thẳng tới chùa Già Lam với hy vọng hòa thượng Thích Trí Thủ sẽ cho tôi biết thêm điều gì?

III.2/ Gặp Hòa thượng Thích Trí Thủ

Hòa thượng Thích Trí Thủ không để tôi ngồi chờ lâu như lần đầu tôi xin gặp (giữa năm 1974, khi đó ngài đang có khách). Chùa Già Lam, lần này (tháng 4. 1984) cũng như lần trước (tháng 8.1978, tôi đến sau cái chết của thiền sư Thiện Minh), trông buồn rầu ảm đạm. Vị trụ trì còn buồn rầu, ảm đạm hơn. Tôi ái ngại nhìn ông: “ – Thưa, Thầy đang bệnh? “ – Ừ, mình đang bệnh, một căn bệnh không chữa được. Căn bệnh tiềm ẩn từ sau 1975, phát tác từ sau khi mình tham gia Giáo hội Phật giáo Việt Nam (1981, Giáo hội Quốc doanh, Chu Sơn)”.

Hòa thượng Thích Trí Thủ nhìn tôi. Ông nói chậm, nói rõ từng tiếng. Ông còn như đang nhìn vào chính mình, đang tra vấn mình? Phải chăng Ông đang sám hối? Tôi đâm hoảng khi nghĩ đến điều này. Khi một nhà tu hành chân chính sám hối công khai là vấn đề đã trở nên trầm trọng, là “căn bệnh không còn đường cứu chữa”. Tôi cung kính: “ – Thưa Thầy, lỗi do đảng Cộng sản, đâu phải tại Thầy ?”. Ông tiếp tục nhìn tôi, và nhìn sâu hơn vào chính mình:

“– Đành rằng, không có mình, đảng Cộng sản cũng sẽ làm như thế. Nhưng có mình (tham gia hình thành GHPGVN – Chu Sơn), họ làm dễ hơn. Họ duy vật, vô thần, chống phá tôn giáo là tất nhiên. Còn mình, là người tu hành, lại tiếp tay với họ để hủy diệt tôn giáo và loại bỏ giáo hội của mình là một tội lỗi, dù lòng mình không như thế. Đó tại vì mình bất trí, nhẹ dạ, cả tin. Đến thời điểm này, 1984, mình mới hiểu tường tận về đảng Cộng sản mà mình đã từng kêu gọi phật tử và mọi người hợp tác. Thì ra, họ không có gì cả, ngoài tham – sân – si. Tội của mình không nhỏ…”

Tôi xin ngừng ở đây vài phút để tự tra vấn chính mình (Chu Sơn). Đến lúc này, khi ngồi viết những dòng này, tôi cảm thấy có cái gì đó trong tôi chưa được sáng tỏ và rõ ràng là mâu thuẫn: Tôi lên án chê bai vai trò tay sai, công cụ của Giáo hội quốc doanh, nhưng tôi chưa hề kết tội hòa thượng Thích Trí Thủ là sư quốc doanh, là tay sai, công cụ của đảng Cộng sản, mặc dù ông là một trong hai chức sắc có vai vế cao nhất trong Giáo hội quốc doanh tay sai công cụ đó.

Tôi đã gặp hòa thượng Thích Trí Thủ năm lần tai chùa Già Lam. Ba lần khoảng giữa năm 1974 với tư cách là người của Phong trào đô thị (Mặt trận Giải phóng) để nghe ông nói về Lực lượng Hòa giải, về Ủy ban Cứu đói, về sự hỗ trợ cho cuộc biểu tình của ký giả đòi tự do báo chí mà Giáo hội Ấn Quang đang tiến hành. Lần thứ tư sau cái chết của thiền sư Thích Thiện Minh vào cuối năm 1988 với tư cách cá nhân từng là công cụ của chế độ trong chiến tranh đã và đang ăn năn sám hối. Lần thứ năm này, vào tháng 4 năm 1984, để có thêm những thông tin về vụ các tăng, ni trí thức Thích Trí Siêu (Lê Mạnh Thát), Thích Tuệ Sĩ, Thích Nữ Trí Hải… bị bắt. Tôi biết nhiều hơn về hòa thượng Thích Trí Thủ qua những lần trò chuyện với thiền sư Thích Đức Tâm, đệ tử tâm phúc của ông, và qua những câu chuyện tình cờ nghe được từ những người bạn phật tử ở Huế như Phan Đạm Hiệp, Tôn Thất Kỳ, Phạm Thị Xuân Quế… Tôi còn biết thêm về ông sau khi đọc hồi kí của Đỗ Trung Hiếu (tài liệu đã dẫn). Tất cả đều để lại trong tâm trí tôi sự tôn kính và thương cảm đối với ông. Theo tôi, ông là nhà tu hành chân chính, thật thà, trung hậu. Ông yêu Quê hương Đất nước và thực hành Phật pháp trong bối cảnh chiến tranh tàn khốc với ngoại nhân và xâu xé Dân tộc. Đi với Cộng

sản, ông như người cứu hộ lên nhầm thuyền (của bọn cường khấu) giữa biển trời mù mịt sóng to bão lớn. Ông tự nhận mình “bất trí” và ông đã sám hối vì sự “bất trí” này. Trong vòng 30 năm giữa thế kỷ 20 (từ 1945 đến 1975) hàng chục triệu người Việt Nam đã “bất trí” tin theo sự hứa hẹn “ Độc lập -Tự do – Hạnh phúc”, đã hăng hái “Thi đua – Đoàn kết -Yêu nước, Hòa giải – Hòa hơp Dân tộc” dưới sự lãnh đạo của đảng Cộng sản, không ngại hi sinh gian khổ, liều chết tham gia hai cuộc kháng chiến “thần thánh” chống Pháp, chống Mỹ. Đến khi “kháng chiến thắng thắng lợi” thì đảng Cộng sản trói chặt mọi người trong câu khẩu hiệu: “Yêu nước là yêu Xã hội chủ nghĩa”. Và một câu khẩu hiệu khác đầy tính chất lật lọng, phản trắc, răn đe, bạo động : “ Không yêu chủ nghĩa Xã hội là khộng yêu nước”. Mà không yêu nước theo quan điểm, chỉ thị và quyền lực toàn trị của đảng Cộng sản thì chỉ có bắt bớ, tra tấn, tù đày và chết chóc…

Trở lại chùa Già Lam với cuộc thăm viếng gián đoạn của tôi.

Tôi thưa với hòa thượng Thích Trí Thủ rằng “pháp nạn của Phật giáo cũng là tổn thất và nỗi đau của tất cả các cộng đồng Dân tộc. Nhân dân cần biết sự thật với cuộc “nổi dậy” của các tăng, ni, phật tử bị đàn áp. Đấu tranh cho tự do tôn giáo vào thời buổi này trên đất nước này cũng là đấu tranh cho Tự do, Dân chủ và xây dựng đất nước, là trách nhiệm trường kỳ của mọi người. Xin thầy cho tôi biết cảm nhận của thầy về những lời đồn đoán rằng chùa Ấn Quang, chùa Già Lam là xuất phát điểm của một chiến khu?”

Hòa thượng Thích Trí Thủ nhìn tôi với đôi mắt hiền từ và bao dung. Ông nói: “Những lời đồn đoán như thế là không có căn cứ. Nếu chùa Ấn Quang và chùa Già Lam chủ trương thành lập chiến khu thì đâu còn có chỗ cho anh ngồi ở đây hôm nay? Tất cả đã trở thành bình địa rồi. Chúng ta đang sống trong chế độ Cộng sản! Trong bất cứ chế độ nào, Phật giáo vẫn chủ trương bất bạo động. Phật pháp có tám vạn bốn ngàn pháp môn, không có pháp môn nào khuyến khích bạo động cả”.

Tôi cảm thấy xấu hổ vì đã đưa ra câu hỏi ngớ ngẩn. Nhưng rồi tôi vẫn tiếp tục chất vấn ông: “Thưa thầy, vậy thì các vị tăng ni Thích Trí Siêu, Thích Tuệ Sĩ, Thích nữ Trí Hải… bị bắt vì lý do gì?

Hòa thượng Thích Trí Thủ quay trở người một chút. Trong tích tắc ông lấy lại tự chủ, nói: “Hơn mười ngày qua mình cũng tự hỏi và hỏi quanh như anh. Mình đã đi khắp các cơ quan có thẩm quyền, lạy sói đầu (mệnh đề này ông lặp lại, lần trước ông đã nói với tôi trong vụ Thiện Minh), xin bảo lãnh cho họ (các tăng ni phật tử nổi dậy – Chu Sơn ), nhưng rồi đều bị từ chối. Mãi đến ngày hôm qua, thứ Hai, mình được mời ra trụ sở Ủy ban Mặt trận thành phố để nghe một cuộn băng ghi lại lời nói, nội dung các cuộc họp

của một tổ chưc Phật tử hô hào lật đổ chế độ, mình nhận ra giọng nói của mấy người thân quen. Lần trước, năm 1988, như anh đã biết, mình không cứu đươc Thiện Minh. Lần này, mình cũng không cứu được Trí Siêu, Tuệ Sỹ, Trí Hải…Từ sau khi ở trụ sở Ủy ban Mặt trận về, mình không ngừng tự chất vấn: Mình ở trong giáo hội làm gì mà không cứu ai được cả? Người tu hành đã từng dấn thân (trong các cuộc đấu tranh kêu đòi Tự do, Dân chủ trước 1975 – Chu Sơn ) mà không cứu được ai thì cũng không cứu được mình.”

Tôi rời chùa Già Lam mà lòng nặng trĩu. Một tuần sau, tôi bàng hoàng nghe Huỳnh Văn Tòng báo tin hòa thượng Thích Trí Thủ đã qua đời tại bệnh viện Thống Nhất (bệnh viện Vì Dân do chế độ cũ để lại). Tôi theo Tòng lên bệnh viện Thống Nhất, và đã tháp tùng trong đoàn rước linh cữu của ông về chùa Già Lam. (Trước tôi và Tòng mấy bước là ông Nguyễn Hộ, một người cao lớn, trưởng ban Dân vận Mặt trận thành ủy HCM. Mấy tháng sau, ông Nguyễn Hộ rời bỏ ngôi biệt thự to đẹp tại trung tâm thành phố ra vùng căn cứ kháng chiến xưa, sống trong căn lều tuềnh toàng tự dựng lấy cạnh bờ sông để nhìn nước chảy bèo trôi. Có người nói ông Nguyễn Hộ đi lập chiến khu. Huỳnh Văn Tòng nói ông từ bỏ vai trò và những đặc quyền đặc lợi cán bộ cao cấp trong đảng Cộng sản để ăn năn sám hối trọn đời…).

Tôi tham dự trọn vẹn tang lễ vị hòa thượng mà tôi kính trọng. Trong suốt thời gian ấy tôi luôn nghĩ về tình cảnh khắt nghiệt mà những người bất phục chế độ đang chịu đựng trong tù. Tôi rùng mình nhớ nghĩ đến sự đày đọa và cái chết thảm khốc của thiền sư bất khuất Thích Thiện Minh. Tôi theo dõi quá trình tù tội của họ.

III.3/ 1988 : “Toà án”, đấu tranh công khai và dư luận quốc tế, chính quyền lùi bước bên bờ vực thẳm

Ngày 22 tháng 9 năm 1988, chính quyền Cộng sản đưa vụ “ Phật giáo chống đảng, lập chiến khu, âm mưu lật đổ chế độ…” ra tòa. Ba án tử hình dành cho thiền sư Thích Trí Siêu (Lê Mạnh Thát), thiền sư Thích Tuệ Sỹ và phật tử Trần Văn Lương. Ba án chung thân dành cho thiền sư Thích Đức Nhuận (tổng thư ký viện Hóa Đạo) và hai phật tử Phan Văn Ty, Tôn Thất Kỳ. 454 năm tù giam dành cho sư cô Thích nữ Trí Hải và 63 tăng, ni, phật tử khác.

Phiên tòa không có luật sư bào chữa kết thúc với những bản án khắt nghiệt, nặng nề là một đòn phủ đầu đánh vào những trí thức bất khuất của Phật giáo Ấn Quang gây chấn động tâm thức phật tử trong, ngoài nước và dư luận quốc tế.

Trong nước, sự căm giận dồn nén với tình trạng câm lặng của cộng đồng Phật giáo Ấn Qung tại Sài Gòn và các tỉnh miền nam. Nhưng ở miền trung, từ Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế, đến Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định…tăng ni, phật tử ngoài quốc doanh sôi sục phổ biến tuyên ngôn của hòa thượng Thích Đôn Hậu nhân danh thường trực viện Tăng thống GHPGVNTN và của hòa thựơng Thích Huyền Quang nhân danh quyền viện trưởng viện Hóa đạo GHPGVNTN phản đối phiên tòa, kêu đòi chính quyền Cộng sản trả tự do cho các tăng, ni, phật bị xử oan.(Sự kiện này sẽ được tường thuật sau).

Ở nước ngoài, trong các xã hội dân chủ, cộng đồng Phật giáo ở Pháp, Đức, Thụy Điển, Anh, Hòa Lan, Đan Mạch, Hoa Kỳ, Úc, Ca Na Đa, Nhật Bản… đã tập họp lại từ sau biến cố thay đổi chế độ trong đau khổ và tuyệt vọng đối với đại đa số nhân dân nhằm đối diện với chính quyền bạo tàn Cộng sản và chia sẻ những đau thương mất mát của đồng bào, đồng đạo trong nước. Nghĩa cử ấy vô cùng to lớn nhưng không tập chú trong khúc đoạn này. Khúc đoạn này chỉ tập chú vào hoạt động của cộng đồng phật tử hải ngoại và phản ứng của quốc tế sau phiên tòa Cộng sản xử “ nhóm Phật giáo phản loạn” ngày 22.9.1988 tại Sài Gòn.

Hai tuần trước phiên toà (22.9), ngày 8 tháng 9.1988, Ủy Ban Bảo Vệ Quyền Làm Người Việt Nam thành lập tại Paris – Pháp dưới sự điều động của Phòng Thông Tin Hải Ngoại của GHPGVNTN do cư sĩ Võ Văn Ái phụ trách. Ủy Ban phát lời kêu gọi cộng đồng phật tử Việt Nam hải ngoại tập hợp lại đấu tranh cho Tự Do – Nhân Quyền trong nước, đồng thời kêu gọi Liên Hiệp Quốc, các chính phủ dân chủ, các tổ chức dân sự và các nhà hoạt động văn hóa xã hội can thiệp để chính quyền Công sản Việt Nam hành xử nhân đạo và công bằng đối với mọi tầng lớp nhân dân.

Liền sau khi phiên tòa kết thúc tại Sài Gòn, tại Paris – Pháp, theo báo Quê Mẹ số 96 tháng 11-12.1988, cư sĩ Võ Văn Ái thay mặt Phòng Thông Tin Phật Giáo Hải Ngoại và Ủy Ban Bảo Vệ Quyền Làm Người Việt Nam gởi văn thư kêu gọi   khẩn cấp đến

1.500.000 phật tử Việt Nam đang sinh sống ở nước ngoài, đến Liên Hiệp Quốc và các cơ quan Nhân Quyền trực thuộc, đến các bộ ngoại giao và văn phòng các chính phủ Dân chủ, các hãng thông tấn, báo chí, các tổ chức dân sự và các nhà hoạt động văn hóa

  • xã hội, …đề nghị can thiệp để đảng Cộng sản xóa bỏ lập tức và vô điều kiện án tử hình cho đại đức Thích Trí Siêu, đại đức Trích Tuệ Sỹ, cư sĩ Trần Văn Lương, và… Sau lời kêu gọi, cư sĩ Võ Văn Ái đã du hành đến thủ đô và thành phố nhiều nước châu Âu, Úc và Hoa Kỳ để làm rõ tình hình đàn áp tôn giáo – vi phạm nhân quyền tại Việt Nam và trực tiếp vận động xóa bỏ.

Lời kêu gọi khẩn thiết và các cuộc vận động năng nổ vang vọng đã được các đối tác hưởng ứng nồng nhiệt và kịp thời:

Từ những ngày đầu đến cuối tháng 10, 70 hội đoàn Người Việt ở Pháp, châu Âu, Hoa Kỳ, Úc và khắp nơi trên thế giới được thành lập, tổ chức hội thảo, ra tuyên ngôn phản đối phiên tòa, kêu đòi chính quyền Cộng sản xóa bỏ các án tử hình cho đại đức Thích Tuệ Sỹ, đại đức Thích Trí Siêu, cư sĩ Trần Văn Lương và tất cả các án tù chung thân, tù giam cho 67 tăng ni phật tử khác; đồng thời kêu gọi xóa bỏ chế độ Cộng sản toàn trị vi phạm tự do dân chủ nhân quyền tại Việt Nam.

15 ngày sau của tháng 10, qua ông Võ Văn Ái, Phòng Thông Tin Hải Ngoại của GHPGVNTN và Ủy Ban Bảo Vệ Quyền Làm Người Việt Nam tới tấp nhận được điện, thư từ văn phòng tổng thư ký Liên Hiệp Quốc và ba cơ quan liên hệ về Nhân Quyền (LHQ), văn phòng quốc hội và chính phủ (Pháp, Anh, Thụy Điển, Phần Lan, Đan Mạch, Úc, Mỹ,), các hội đoàn dân sự (Lưc Lương Thợ Thuyền Pháp, các Nghiệp Đoàn Thợ Thuyền Bắc Âu, Nghiệp Đoàn Thợ Thuyền Hoa Kỳ AFL-CIO, …), các nhà hoạt động Văn hóa Xã hội (viện sĩ hàn lâm và kịch tác gia Eugène Ionesco, nhà báo Olivier Told, nhà toán học Ukraine Lesonid Pliouchtch, nhà văn Claud Mauiac, nhà văn Piere Vidal-Naquet, luật sư Etienne Jaudet, tổng thư ký Liên Đoàn Quốc Tế Nhân Quyền Jean Lacouture…)

Những điện, thư đó bày tỏ sự ủng hộ hết lòng công cuộc đấu tranh vì Tự Do-Nhân Quyền và xóa bỏ kết quả phiên tòa 22.9, xóa bỏ án tử hình cho đại đức Thích Tuệ Sỹ, Thích Trí Siêu, cư sĩ Trần Văn Lương và tất cả các án tù cho 67 tăng ni phật tử cùng là nạn nhân trong vụ “Phật giáo (Ấn Quang) mưu toan lật đổ chính quyền” (1984). Cũng qua các điện và thư đó, họ thông báo nội dung, cách thức vận động, áp lực ngoại giao đối với chính quyền và đảng Cộng sản Việt Nam vì mục tiêu trên.

Ngày 29 tháng 10, một cuộc biểu tình rầm rộ của hơn 1000 người Việt ở Pháp và châu Âu kéo tới tòa đại sứ Việt Cộng tại Paris hô khẩu hiệu và đọc tuyên ngôn phản đối chế chế độ toàn trị trong nước mưu đồ tiêu diệt tôn giáo, đàn áp dân chủ, vi phạm nhân quyền. Cuộc biểu tình kêu đòi tòa án Cộng sản hủy bỏ tức khắc và vô điều kiện án tử hình cho đại đức Thích Tuệ sỹ, đại đức Trí Siêu, cư sĩ Trần Văn Lương và các an tù cho 67 tăng ni phật tử…

Đảng Cộng sản sau 13 năm (1975-1988) chúi mũi chúi lái “tiến nhanh tiến mạnh lên Xã hội chủ nghĩa”, từng bước đẩy xô đất nước đến mép bờ vực thẳm đói nghèo và nô lệ, đang muốn chuyển hóa thành BIẾN THỂ “kinh tế thị trường định hướng XHCN”,

đành nhượng bộ một phần các yêu sách của phật tử hải ngoại cùng áp lực của chính giới và xã hội dân sự phương Tây. Đảng Cộng sản Việt Nam đang muốn hòa hoãn để Mỹ – kẻ cựu thù – bỏ cấm vận và thiết lập quan hệ ngoại giao. Đảng Cộng sản Việt Nam không muốn chấm dứt sự cứu trợ thiện nguyện của Thụy Điển từ trong chiến tranh, của Đan Mạch và Phần Lan từ sau hòa bình.

45 ngày sau phiên tòa 22.9, Cộng sản tổ chức một phiên tòa khác tại Sài Gòn (Ngày 7.11?), án tử hình của thiền sư Thích Tuệ sỹ, Thích Trí Siêu chuyển đổi thành án 20 năm tù giam cho mỗi vị…

10 năm sau, 1998, cũng do các áp lực đó, Thích Trí Siêu, Thích Tuệ Sỹ được trả tự do trước thời hạn (20 năm).

Thích Trí Siêu ra tù, hợp tác với chế độ, tham gia GHPGVN (Quốc doanh), nhận chức giáo sư, phó viện trưởng viện Phật học viện thành phố HCM.

Thích Tuệ Sỹ ra tù, tham gia cùng các hòa thượng Thích Huyền Quang, Thích Quảng Độ đấu tranh theo chủ trương của hòa thượng Thích Đôn Hậu.

  1. 4/ Đấu tranh kêu đòi phục hoạt GHPGVNTN

Các hòa thượng Thích Đôn Hậu, Thích Huyền Quang, Thích Quảng Độ và hàng vạn tăng ni phật tử trong cuộc đấu tranh kêu đòi phục hoạt Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, kêu đòi Tự do, Dân chủ, Nhân quyền. Để hiểu rõ hơn về cuộc đấu tranh này, tôi xin tóm lược tiểu truyện của ba vị hòa thượng theo các tài liệu: Thích Đôn Hậu (Bách khoa toàn thư mở Wikipedia), Tiểu sử và Công hạnh của Đại lão Hòa thượng Thích Huyền Quang đệ tứ Tăng Thống GHPGVNTN (gdptvietnam.org), Sơ lược Tiểu sử Đại Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Quảng Độ Đệ Ngũ Tăng Thống GHPGVNTN (1928- 22), Chặng Đường Dài Đấu Tranh Của GHPGVNTN (từ 1975 đến nay). Các tiểu truyện này, tôi tập chú vào những hành động đấu tranh và những khổ nạn mà ba vị đã nếm trải trong chế độ Cộng sản. Những thành tựu tôn giáo và văn hóa to lớn rất đáng trân trọng không là nội dung trong bài viết nhỏ này.

***

Phần IV : Hòa thượng Thích Đôn Hậu và các đệ tử

  1. 1/ Hòa thượng Thích Đôn Hậu

Hòa thượng Thích Đôn Hậu sinh năm 1905 tại làng Xuân An, phủ Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị, tên khai sinh là Diệp Trương Thuần, con ông Diệp Văn Kỷ và bà Nguyễn thị Cựu. Ông Diệp Văn Kỷ là một thầy thuốc nổi tiếng, sử dụng thành thạo Hán Nôm và hâm mộ đạo Phật. Bà Nguyễn thị Cựu mất sớm khi con trai Diệp Trương Thuần mới 9 tuổi. Vợ chết, ông Diệp Văn Kỷ xây chùa, học Phật, tu tập, về sau xuất gia làm trụ tri chùa Long An, rồi chùa Tịnh Quang ở Quảng Trị. Ông mời thầy dạy chữ Nho cho con trai trong vòng 10 năm với hy vọng cậu sẽ thành đạt trên con đường Phật pháp. Diệp Trương Thuần khỏe mạnh to cao, có ngoại hình tuấn tú, chẳng những không trở ngại gì, mà còn hoan hỉ trước đường hướng xuất gia do cha gợi mở. Năm 19 tuổi, 1924, Diệp Trương Thuần vào chùa Tây Thiên, Huế, xin xuất gia với tổ sư Tâm Tịnh. Là một tăng sĩ có học vấn cao, Phật pháp và lao tác chuyên cần, phẩm hạnh tốt, giới luật nghiêm túc, Thích Đôn Hậu nhanh chóng gây được niềm tin và sự yêu quí của sư tổ và tăng thân. Chỉ một năm sau ngày xuất gia, 1925, ông đã được thụ đại giới Cụ Túc tại giới đàn Từ Hiếu do Bổn sư làm đàn chủ. Theo sách Tiểu Sử Danh Tăng Việt Nam Thế Kỷ XX – Tập I, do Thích Đồng Bổn chủ biên, sau khi Bổn sư viên tịch, ông tới học Phật với sư huynh Giác Tiên ở chùa Hồng Khê. Theo Nguyễn Lang (trong Việt Nam Phật Giáo Sử Luận), thiền sư Đôn Hậu còn học Phật với các đại sư Huệ Pháp, Viên Thành, Hồng Khê và Phước Huệ. Ông bắt đầu và hoàn tất chương trình tiểu học và đại học tại chùa Thập Tháp (1 năm ở Bình Định) và tại chùa Tây Thiên (Huế, những năm còn lại (1927- 1936). Từ 1932, ông đã được mời làm giảng sư Hội An Nam Phật Học. Năm 1836, ông được mời làm giáo sư cho Phật học đường và luật sư cho Sơn Môn Thừa Thiên. Năm 1945, ông được ủy nhiệm trú trì chùa Linh Mụ và làm hội trưởng Hội An Nam Phật Học. Năm 1946, ông làm chủ tịch Phật Giáo Liên Hiệp Trung Bộ (Phật giáo cứu quốc. Chu Sơn). Đến năm 1947, ông bị quân đội Pháp bắt giữ và tra tấn trong nhiều tuần lễ, nếu không nhờ bà Từ Cung mẹ vua Bảo Đại can thiệp thì ông đã bị quân Pháp đưa ra xử bắn. Năm 1951, Sơn Môn Tăng Già Trung Phần mời ông giữ chức giám luật. Năm 1952, khi Giáo Hội Tăng Già Toàn Quốc được thành lập tại Hà Nội, ông cũng được mời giữ trách vụ giám luật. Ông làm chủ nhiệm tạp chí Liên Hoa từ 1959 đến 1966. Năm 1963, ông bị chính phủ Ngô Đình Diệm giam giữ vì tham gia tích cực vào phong trào chống chính sách kỳ thị tôn giáo của chính phủ này. Năm 1964, ông nhận chức Chánh Đại Diện của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất tại miền Van Hạnh. Năm 1975, ông được thỉnh vào Hội Đông Trưởng Lão của Giáo

Hội và làm Chánh Thư Ký cho viện Tăng Thống Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất. (Nguyễn Lang, VNPGSL trang 972 – 973).

Đoạn tiểu truyện trên đây, Nguyễn Lang (thiền sư Thích Nhất Hạnh, Chu Sơn) viết với hình thức biên niên, nên độc giả dễ dàng nhận ra rằng tác giả cố tình không nhắc đến một giai đoạn rất quan trọng trong đời của hòa thượng Thích Đôn Hậu – giai đoạn ông công khai đứng về phía Cộng sản Miền Bắc chống Mỹ và VNCH.

Trong khi đó, Sách Tiểu sử Danh Tăng Việt Nam Thế Kỷ XX – Tập I, Thích Đồng Bổn chủ biên, viết rõ về Thích Đôn Hậu giai đoạn này như sau:

  • “Từ năm 1968, Ngài được mời tham gia Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam, Ngài vào chiến khu, ra Hà Nội. Từ đây, Ngài càng đẩy mạnh sự nghiệp lợi Đạo ích Đời.
    • “ Tháng I/1968: Phó Chủ tịch Liên minh các lực lượng Dân chủ và Hòa Bình Việt Nam. Tháng 6/1968: Ủy viên Hội đồng Cố vấn Chính phủ Lâm thời Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam.
    • “ Năm 1970, đi tham quan văn hóa, tôn giáo ở Liên Xô và Trung Quốc. Năm 1971, đi dự Đại hội thành lập tổ chức Phật giáo Châu Á vì Hòa Bình ở Mông Cổ và được cử làm Ủy viên thường trực Ban Chấp hành Hội Phật giáo Châu Á vì Hòa Bình”(nguyên văn).

Những thông tin trích dẫn trên đây là sự thật lịch sử. Có điều cái sự thật lịch sử đó lại được bình luận theo sách lược tuyên truyền của tất cả các loa Cộng sản rằng là hòa thượng Thích Đôn Hậu đã hành động “lợi Đạo ích Đời” trong giai đoạn ông đi về phía đảng Cộng sản. Xin mở ngoặc đơn để nêu một câu hỏi đặt ra cho nhóm chủ biên Thích Đồng Bổn là “Đạo” nào và “Đời” nào ở đây? Phải chăng “Đạo” là Đạọ Cộng sản, là ý thức hệ Mác Lênin, và “Đời” là đất nước và xã hội tại những lãnh thổ do các đảng Cộng sản Việt Nam, Liên Xô, Trung Quốc… cai trị toàn diện và tuyệt đối ? Theo tôi (Chu Sơn), “Đạo” và “Đời” ấy nhất thiết không phải là đạo và đời của nhân dân Việt Nam bao gồm các cộng đồng Phật tử, giáo dân Công giáo, Tin Lành, Cao Đài, Hòa Hảo và cả những người vô thần không Cộng sản… Bởi vì đảng Cộng sản từ khi mới thành lập (1930), cho đến thời điểm “định hướng XHCN” này (2021), vẫn chủ trương duy vật, vô thần, vô đạo (vô tôn giáo). Đề nghị độc giả đọc lại từ đầu bài viết này để

cùng tôi thấu rõ nhóm từ cực kì lưu manh gian trá của đảng Cộng sản: “ lợi Đạo ích Đời.”

Trở lại câu chuyện tác giả Nguyễn Lang (Thích Nhất Hạnh) “cố tình không nhắc đến” một đoạn đời rất quan trọng của hòa thượng Thích Đôn Hậu tôi nêu ra ở trên.

Trong sách VNPGSL, Nguyễn Lang dành nguyên một chương (chương XXXVI) để viết về THẾ ĐỨNG VÀ CON ĐƯỜNG của Phật giáo Việt Nam từ sau 1954 ở Miền Nam. Thế Đứng và Con Đường đó là ĐỘC LẬP, TRUNG LẬP trong cuộc chiến tranh giữa hai thế giới Tư bản – Cộng sản và hai quốc gia “Miền Nam”, “Miền Bắc” trên lãnh thổ Việt Nam. Theo Nguyễn Lang, sự chọn lựa Thế Đứng và Con Đường ấy thể hiện đúng đắn bản chất Trung Đạo của Phật pháp. Bất cứ ai đi lệch Thế Đứng và Con Đường ấy không còn là thành viên của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (khối Ấn Quang) nữa. Điều này Nguyễn Lang không nói ra, cũng như trong tiểu mục “Thiền sư Đôn Hậu”, ông cố tình không nhắc tới chuyện hòa thượng Thích Đôn Hậu từ năm 1968, công khai đứng về phía VNDCCH và thế giới Cộng sản nhằm đẩy mạnh cuộc chiến tranh chống Mỹ và VNCH dưới chiêu bài Liên Minh Các Lực Lượng Dân Tộc Dân Chủ và Hòa Bình. Đây là vấn đề tế nhị. Đương nhiên, Thiền sư Đôn Hậu không biết gì và cũng không có trách nhiệm trực tiếp về cuộc tắm máu Tết Mậu Thân tại Huế

– nơi ông vừa tạm xa để đón quân Giải phóng về. Và năm 1972, ông cũng không biết gì về đạn pháo của “quân ta” đã làm nên “Đại Lộ Kinh Hoàng” trong “Mùa Hè Đỏ Lửa” với hàng ngàn thân xác dân Quảng Trị và bắc Thừa Thiên, đa phần là những người già, phụ nữ, trẻ em tung tóe máu xương da thịt trên đường chạy về phía nam lánh nạn. Tuy nhiên, không chỉ những người chống Phật giáo, mà những phật tử trung thực, kể cả thiền sư Đôn Hậu, sau 1975, về lại Huế, đã ăn năn, sám hối vì đã “bất trí”( từ của hòa thượng Thích Trí Thủ) tin những lời đường mật của Cộng sản: Dân Tộc, Dân Chủ, Hòa Bình. Tôi có căn cớ để chứng minh khẳng định của mình: Hòa thượng Thích Đôn Hậu đã dành trọn những năm cuối cuộc đời tu hành, cho đến hơi thở cuối cùng, để làm người bất phục, làm “tên phản động mới” kêu đòi Tư Do, Dân Chủ, Nhân Quyền trong chế độ Cộng sản toàn trị. Đây là hành động sám hối cụ thể rất đáng trân trọng và ca ngợi.

Theo tài liệu Những Chặng Đường Đấu Tranh của Pan V.Anh (nguồn vanhanhpagode.nl), tôi ghi chép các sự kiện:

  • Năm 1978, thời điểm phát triển đến đỉnh điểm tình trạng khủng bố đàn áp của chính quyền Cộng sản đối với giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, hòa thượng Thích Đôn Hậu, với tư cách cá nhân, tuyên bố từ nhiệm chức danh đại biểu Quốc hội và thành viên chủ tịch đoàn UB Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam (ông được bầu trước đó, năm 1976). Cùng thời điểm này, với tư cách chánh thư ký Viện Tăng Thống GHPGVNTN, ông gởi kháng thư đến nhà cầm quyền Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh phản đối việc bắt bớ giam cầm trái phép các chức sắc cao cấp của Giáo Hội, tố cáo việc sát hại Thiền sư Thích Thiện Minh, kêu đòi trả tự do cho các Hòa thượng Thích Đức Nhuận, Thích Huyền Quang, Thích Quảng Độ, …
  • Năm 1980, trong buổi họp do Nguyễn Văn Linh, bí thư thành ủy thành phố Hồ Chí Minh chủ trì tại cơ quan Mặt Trận Tổ Quốc thành phố, hòa thượng Thích Đôn Hậu với tư cách chánh thư ký thường trực Viện Tăng Thống GHPGVNTN, phản đối ý đồ công cụ hóa giáo hội trong việc thành lập Ban Vận động Thống nhất Phật giáo của đảng Cộng sản.
  • Năm 1981, nhà nước Cộng sản tổ chức đại hội thành lập Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam (GHPGVN), hòa thượng Thích Đôn Hậu không tham dự. Nhưng sau đó tên ông được công bố là thành viên cao cấp của GHPGVN với chức danh đệ nhất phó pháp chủ kiêm giám luật. Bằng một văn thư ông phản đối việc làm không chính đáng của đảng Cộng sản và từ chối bất cứ chức danh nào trong giáo hội do nhà nước sắp đặt. Ông khẳng định GHPGVNTN vẩn tồn tại hợp pháp, và ông với tư cách chánh thư ký thường trực Viện Tăng Thống có trách nhiệm đấu tranh bảo vệ nó.
  • Năm 1982, hòa thượng Thích Đôn Hậu, chánh thư ký thường trực Viện Tăng Thống GHPGVNTN, gởi văn thư đến GHPGVN phản đối việc Thành Hội GHPGVN chiếm trụ sở trung ương Hội đồng Lưỡng viện GHPGVNTN tại chùa Ấn Quang.
  • Năm 1984, hòa thượng Thích Đôn Hậu, chánh thư ký thường trực Viện Tăng Thống GHPGVNTN, gởi văn thư phản đối đảng Cộng sản đã bắt bớ, giam cầm các tăng ni Thích Tuệ Sỹ, Thích Trí Siêu, Thích nữ Trí Hải, Thích Nguyên Giác…
  • Năm 1985, hòa thượng Thích Đôn Hậu, chánh thư ký thường trực Viện Tăng Thống GHPGVNTN, gửi văn thư đến bộ trưởng công an Mai Chí Thọ yêu cầu trả tự do cho các tăng sỹ Thích Trí Siêu, Thích Tuệ Sỹ, Thích Nguyên Giác…
  • Năm 1991, hòa thượng Thích Đôn Hậu, chánh thư ký thường trực Viện Tăng Thống GHPGVNTN, gởi thông điệp đến các tổ chức Phật giáo cùng phật tử ở nước ngoài đề nghị thành lập một giáo hội hợp nhất lấy tên là GHPGVNTN Hải ngoại, phối hợp hành

động cùng GHPGVNTN trong nước đấu tranh bảo vệ sự tồn tại và phát triển Giáo Hội, đấu tranh cho Tự Do Tôn Giáo và Nhân Quyền. Phật tử và các tổ chức Phật giáo hải ngoại nhiệt liệt hưởng ứng lời kêu gọi của hòa thượng.

  • Ngày 15.11.1991, hòa thượng Thích Đôn Hậu, chánh thư ký thường trực Viện Tăng Thống, gởi Di thư đến phật tử và các cấp GHPGVNTN trong và ngoài nước lời kêu gọi cuối cùng: trong bất cư hoàn cảnh khó khăn nào cũng phải bảo vệ chánh pháp, bảo vệ và phát triển Giáo Hội. Hòa thượng Thích Đôn Hậu khẳng định GHPGVNTN là Giáo hội duy nhất truyền thừa của Phật Giáo Dân tộc có lịch sử 2000 năm. Ngài trao quyền điều hành Giáo hội cho các hòa thượng Thích Huyền Quang (được ngài chỉ định giữ chức viện trưởng Viện Hóa Đạo), Thích Pháp Tri và Thích Quảng Độ với nhiệm vụ trước mắt là tổ chức Đại hội VIII và đặc biệt lưu tâm đến Giáo hội ở hải ngoại.
  • Ngày 23.4.1992 hòa thượng Thích Đôn Hậu qua đời tại chùa Linh Mụ. Ông vừa tắt thở thì cán bộ Cộng sản bao gồm Mặt trận, công an, ban Tôn giáo chính phủ tràn vào tuyên bố sẽ làm chủ tang lễ, và tang lễ sẽ cử hành theo nghi thức và chế độ chính sách dành cho cán bộ cao cấp có công với cách mạng. Điều này trái với lời căn dặn của hòa thượng nhiều ngày trước lúc lâm chung: Giáo hội sẽ tổ chức tang lễ cho ông thật đơn giản, trang nghiêm, đạo vị, miễn tất cả các nghi thức tang lễ thịnh hành như điếu văn kêu khóc bi ai, tuyên dương công trạng tài đức tót vời trái với tinh thần vô ngã, vô tướng của Phật pháp.

Một cuộc đấu tranh căng thẳng diễn ra giữa đệ tử của cố hòa thượng Thích Đôn Hậu là các tăng sĩ Thích Nhật Liên, Thích Trí Tựu, Thích Hải Tạng…với cán bộ Cộng sản để giành quyền tổ chức tang lễ. Cuộc đấu tranh căng thẳng đến độ khi tập thể tăng sĩ chùa Linh Mụ tuyên bố nếu nhà nước Cộng sản lấn tới họ sẽ đồng loạt tuyệt thực trước linh cữu của Tôn sư. Trước thái độ quyết liêt của các tăng sĩ chùa linh Mụ, chính quyền Cộng sản nhượng bộ.

Đồng thời, một cuộc cuộc đấu tranh khác đã diễn ra khi hòa thượng Thích Huyền Quang xin phép chính quyền Quảng Ngãi đi Huế dự đám tang cố hòa thượng Thích Đôn Hậu, chính quyền từ chối, hòa thượng Huyền Quang tuyên bố tuyệt thực cho đến chết, chính quyền đành cho đi. Hòa thượng Huyền Quang đi Huế, làm chủ tang lễ vị thiền sư bất khuất, tiếp nhận vai trò lãnh đạo giáo hội theo sự ủy thác của Ngài. Cuộc đấu tranh bảo tồn và phục hoạt GHPGVNTN chuyển thế hệ.

IV.2/ Cuộc đấu tranh của các sư tăng đệ tử hòa thượng Thích Đôn Hậu

Ngày 6.1.1963, 56 hòa thượng, thượng tọa, đại đức và sư tăng ở 17 chùa tại Huế ký kiến nghị số 1 gởi Ban tôn giáo chính phủ phản đối nhà nước can thiệp vào nội bộ Phật giáo. Kiến nghị tố cáo đích danh các cán bộ đội lốt người tu hành trong ban lãnh đạo GHPGVN tại tỉnh Thừa Thiên Huế. Kiến nghị kêu gọi đảng Cộng sản tôn trọng hiến pháp 1946, tôn trọng tự do tín ngưỡng. Ngày 12.4.1993, thượng tọa Thích Long Trí dẫn đầu ba đoàn xe chở tăng ni, phật tử từ Quảng Ngãi, Quảng Nam, Đà Nẵng đi Huế dự lễ giỗ đầu cố hòa thượng Thích Đôn Hậu. Đoàn xe bị công an ngăn chặn trên đeo Hải Vân. Các tăng ni phật tử xuống xe tràn ra lòng đường ngồi trong tư thế kiết già, tuyên bố sẽ tuyệt thực cho đến chết…Công an đành cho đi. Cũng trong ngày, một ni cô 16 tuổi ở Quảng Ngãi tự thiêu để cúng dường Tam Bảo.

Ngày 21.5. 1993, một nam phật tử khoảng 50 tuổi đã tự thiêu lúc 9 giờ sáng trước ngôi bảo tháp cố hòa thượng Thích Đôn Hậu trong khuôn viên chùa Linh Mụ. Công an canh gác chùa Linh Mụ đã bao vây khủng bố cướp xác và các vật dụng tùy thân (túi xách, tâm thư, giấy tờ) của đương sự và ảnh chụp của du khách). Sau vụ tự thiêu này, đài phát thanh Huế loan báo: “Một thanh niên nghiện ngập, mắc bệnh si-đa, quá thất vọng cuộc đời nên đã tự thiêu chết”. Các sư tăng chùa Linh Mụ thiết lập một bàn vong trước bảo tháp với bảng ghi: “Một Phật tử đã vị pháp thiêu thân lúc 9 giờ sáng ngày 21.5. 1993”. Công an lập tức dẹp bàn vong này.

Ngày 22.5.1993, đại đức Thích Trí Tựu gởi thư khiếu nại đến Ủy ban Nhân dân tỉnh đòi trả lại xác phật tử tự thiêu cùng xách tay và giấy tờ tùy thân của ông để chùa Linh Mụ lo tang lễ.

Ngày 24.5.1993, buổi sáng, công an đến chùa Linh Mụ “mời” đại đức Thích Trí Tựu tới trụ sở ủy ban Nhân dân để “trao đổi”. “Cuộc mời” thực tế là “cuộc bắt”. Đến gần trưa, các sư tăng, phật tử chùa Linh Mụ và các chùa thuộc GHPGVNTN Thừa Thiên – Huế, khoảng 4000 người, kéo đến Ủy ban Nhân dân tỉnh làm cuộc biểu tình giải vây cho đại đức Thích Trí Tựu. 20 vị sư tăng ngồi tuyệt thực trên đường Lê Lợi, trước Ủy ban Nhân dân. Đại đức Thích Trí Tựu được giải thoát về chùa Linh Mụ. (Tôi, Chu Sơn, tình cờ chứng kiến cuộc biểu tình này và cũng tình cờ gặp một người bạn, Nguyễn Chính – thi sĩ Phan Duy Nhân, đang làm phó Ban Tôn giáo Chính phủ, từ Hà Nội vào để “giải quyết cuộc khủng hoảng”. Nguyễn Chính nói nguyên văn: “bộ công an gởi vào một tiểu đoàn chó nghiệp vụ. Tôi mong là không có chuyện gì đáng tiếc xẩy

ra…”. Đúng như Nguyễn Chính nói, ngày đó, 24.5.1993, không có gì đáng tiếc xẩy ra, không có đàn áp, chó nghiệp vụ không xuất hiện cắn xé người biểu tình trên đường phố Huế, Thích Trí Tựu được giải thoát, cuộc khủng hoảng tạm thời lắng xuống. Đó là công lao của phó Ban Tôn Giáo Nguyễn  Chính).

Ngày 27.5.1993 đại đức Thích Trí Tựu gởi một thỉnh nguyện thư tới thủ tướng Chính phủ và chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế. Thỉnh nguyện thư gồm 3 điểm:

1/ Yêu cầu chính quyền chấm dứt tình trạng khủng bố, bắt bớ giam cầm hay quản chế trái phép các thành phần đấu tranh bất bạo động.

2/ Trả lại tự do cho các trí thức, những tù nhân lương tâm.

3/ Trả lại toàn bộ các cơ sở của GHPGVNTH đã bị chánh quyền cưỡng đoạt từ sau 1975

Ngày 5.6.1993, xe tăng bao vây chùa Linh Mụ,   công an vào chùa với lệnh bắt giam đại đức Thích Trí Tựu. Đại đức Thích Trí Tựu, giám tự chùa Linh Mụ bị chửi rủa, bị vật té xuống đất, bị lột y tăng, thay bằng áo quần tù nhân, bị còng tay, bị tống lên xe bịt bùng chở thẳng đến nhà tù Thừa Phủ, không qua xét xử. Cùng thời điểm đó, ở Quảng Trị, đại đức Thích Hải Tạng trụ trì chùa Long An và đại đức Thích Hải Thịnh cũng ở trong tình trạng tương tự.

Ngày 18.11.1993, qua một phiên tòa không có luật sư bào chữa, các đại đức Thích Trí Tựu, Thích Hải Tạng mỗi người bị kết án 4 năm tù; Các đại đức Thích Hải Thịnh, Thích Hải Chánh mỗi ngườ bị kết án 3 năm tù; 6 phật tử bị kết án từ 6 tháng đến 3 năm tù.

Vụ đồng bào phật tử Huế xuống đường và những vụ đàn áp, bắt bớ, tra tấn, tù đày diễn ra trước và sau đó tại Thừa Thiên – Huế – Quảng Trị gây chấn động dư luận trong nước và quốc tế, trong Phật giáo Quốc Doanh và Phật giáo Quốc Lủi.

Tại Quảng Ngãi, hòa thượng Thích Huyền Quang ra một Tuyên ngôn tố cáo đảng Cộng sản Việt Nam là nguyên nhân của đói nghèo, là lực cản trên con đường phát triển của Đất nước Dân tộc. Ông kêu gọi đảng Cộng sản bỏ điều 4 Hiến pháp (đảng cai trị toàn diện và tuyệt đối), trả lại các quyền Tự do Dân chủ cho Nhân dân.

IV.3/ Hòa thượng Thích Huyền Quang

tên thật là Lê Đình Nhàn, con ông Lê Vy và bà Ngô Thị Tư, sinh năm 1920 tại làng An Nhơn, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định.

Năm 1935, thiếu niên Lê Đình Nhàn xuất gia học Phật với lão sư Chơn Hạ Đạo. Lão sư qua đời, ông tới chùa Bích Liên học Phật với sư tăng Chơn Hạ Giám, được tôn sư đặt tên là Thích Huyền Quang.

Năm 1938, tăng sĩ Thích Huyền Quang theo học tại Phật học đường Lưỡng Xuyên, Trà Vinh.

Đầu năm 1945, ông ra Huế theo học trường An Nam Phật Học. Thời cuộc biến đổi: chiến tranh Thế giới lần thứ hai kết thúc, thực dân Pháp quay trở lại, đảng Cộng sản thành lập chính quyền Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa chủ trương chống pháp.

Nam 1946, ông tham gia kháng chiến chống Pháp, phụ trách phó chủ tịch hội Phật giáo cứu quốc Liên khu 5.

Năm 1951, ông bị chính quyền Cộng sản bắt giam trong vòng 4 năm vì chủ trương tự do tôn giáo trong vùng kháng chiến.

Năm 1955, trong vùng kiểm soát của chính quyền Quốc Gia (Bảo Đại – Ngô Đình Diệm), ông tham gia quản giáo tại Phật học đường Long Sơn, Nha Trang. Năm 1958, ông tham gia thành lập tu viện Nguyễn Thiều và Phật học viện Nguyễn Thiều.

Năm 1963, ông giữ chức vụ phó hội trưởng Hội Phật học Trung phần.

Năm 1963, ông tham gia cuộc đấu tranh kêu đòi bình đẳng và tự do tôn giáo, bị chính quyền Ngô Đình Diệm bắt.

Năm 1964, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất thành lập, ông được cử giữ chức thư ký Viện Hóa Đạo kiêm tổng vụ trưởng Tổng vụ Cư sĩ.

Từ năm 1964 đến năm 1966, ông tham gia các phong trào Phật giáo đấu tranh chống độc tài quân phiệt, chống chiến tranh, kêu gọi hòa bình, hòa giải hòa hợp dân tộc; cùng với Thích Thiện Minh. Thích Quảng Độ, ông chủ trương xây dựng đất nước theo mô hình “Chủ nghĩa xã hội không cộng sản” hay còn gọi là CNXH Phật giáo.

Từ năm 1975 đến tháng 4. 1977, trong chế độ Cộng sản, thiền sư Thích Huyền Quang cảm thấy đau khổ, tuyệt vọng và bất phục trước các cuộc cải tạo và cách mạng xã hội chủ nghĩa của đảng Cộng sản.

Tháng 4. 1977, trong một cuộc họp của GHPGVNTH tại chùa Ấn Quang, thiền sư Thích Huyền Quang bị bắt cùng các thiền sư Thích Quảng Độ, Thích Thuyền Ấn, Thích Thông Bửu… bị giam ở số 4 Phan Đăng Lưu. Sau 18 tháng tù, ông bị kết án 2 năm tù. Sau 2 năm tù, ông được tha với lệnh quản chế tại chỗ.

Cuối năm 1981, nhà nước Cộng sản thành lập Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam, thiền sư Huyền Quang phản đối quyết liệt. Ông bị chỉ định cư trú tại chùa Hội Phước tỉnh Nghĩa Bình, bị cấm “hành nghề tôn giáo”.

Năm 1992, Hòa thượng Thích Đôn Hậu qua đời, ông tranh đấu quyết liệt với chính quyền Cộng sản Quảng Ngãi mới được đi Huế dự đám táng vị lãnh đạo cao nhất của GHPGVHTH. Qua di huấn của cố Hòa thượng Thích Đôn Hậu, ông được trao quyền lãnh đạo Viện Hóa Đạo kiêm thường trực viện Tăng thống.

Năm 1992 (ngày 25 tháng 6), tại Quảng Ngãi, ông gởi kháng thư đến các cơ quan hữu trách của chính quyền phản đối tình trạng đàn áp, khủng bố đối với tăng sĩ và phật tử, tố cáo ý đồ tiêu diệt GHPHVNTH của đảng Cộng sản.

Trong nhiều tháng liền, ông gởi thư đến nhà cầm quyền tố cáo những sai lầm nghiêm trọng của đảng Cộng sản trong việc quản lý đất nước, đàn áp nhân dân, vi phạm các quyền tự do dân chủ. Đồng thời, ông kêu gọi tăng ni, phật tử, trong tinh thần bất bạo động, cương quyết đấu tranh bảo vệ chánh pháp, bảo vệ và củng cố GHPGVNTH.

Ngày 2.11.1993, hòa thượng Thích Huyền Quang ra Tuyên bố tố cáo đảng Cộng sản là nguyên nhân của đói nghèo, là lực cản trên con đường phát triển của Dân tộc. Ông đòi viết lại Hiến pháp, xóa bỏ điều 4 – xóa bỏ độc tài toàn trị của đảng Cộng sản.

Ngày 5.11.1994, Hòa thượng Thích Huyền Quang, viện trưởng viện Hóa Đạo, xử lý thường vụ Viện Tăng Thống bị cưỡng bức thay đổi địa bàn quản chế: từ chùa Hội Phước – thị xã Quảng Ngãi đến chùa Quang Phước – thuộc huyện miền núi Nghĩa Hành. Sự thay đổi này nhằm hạn chế đến tối thiểu sự giao tiếp giữa vị hòa thượng đấu tranh với cộng đồng phật tử và quần chúng nhân dân đang thiếu đói cơm áo, công lý và tự do, nhân quyền.

Ngày 21.4.2000, nhân mùa đảng Cộng sản huênh hoang kỷ niệm 25 năm chiến thắng, hòa thượng Thích Huyền Quang gửi thư đến các nhà lãnh đạo đảng và nhà nước yêu cầu thực thi “Linh quyền cho người chết và Nhân quyền cho người sống”, đề nghị lấy ngày 30.4 làm Ngày Sám Hối và Chúc Sinh Toàn quốc.

Tháng 2.2023, hòa thượng Thích Huyền Quang được nhà nước cho ra chữa bệnh tại Hà Nội, nhân dịp này ông diện kiến thủ tường Phan Văn Khải, yêu cầu chính phủ hủy bỏ các hành động can thiệp vào nội bộ Phật giáo, công nhận tính chất hợp pháp của GHPGVNTH, trả tự do cho các tăng ni, phật tử bị bắt. Thủ tướng Phan Văn Khải không đáp ứng được các yêu cầu của ông.

Hòa thượng Thích Huyền Quang từ Hà Nội về, chính quyền Cộng sản chuyển địa bàn cư trú của ông từ chùa Quang Phước huyện Nghĩa Hành tỉnh Quảng Ngãi vào tu viện Nguyễn Thiều tỉnh Bình Định. Tu viện Nguyễn Thiều gần nơi thị tứ hơn nhưng sự kềm kẹp của công an Cộng sản càng siết chặt hơn.

Cuối tháng 9 năm 2003, một cuộc tập hợp được tổ chức âm thầm tại tu viện Nguyễn Thiều, hòa thượng Thích Quảng Độ dẫn một nhóm tăng ni, phật tử đồng sự từ Sài Gòn ra, các nhóm tăng ni, phật tử khác từ các tỉnh miền Trung tới. Cuộc tập họp được gọi là Đại Hội Bất Thường nhằm mục đích củng cố, phát triển GHPGVNTH. Đại Hội Bất Thường đã tôn cử hòa thượng Huyền Quang vào chức vụ viện trưởng Viện Tăng Thống và hòa thượng Quảng Độ vào chức vụ viện trưởng Viện Hóa Đạo GHPGVNTN. Đại hội tiến hành tới đó thì công an ập vào giải tán. Các tăng ni bị buộc trở lại nơi xuất phát. Từ đó hòa thượng Thích Huyền Quang, Thích Quảng Độ và các tăng sĩ bất phục bị kiểm soát chặt chẽ hơn.

Ngày 5 tháng 7 năm 2008, hòa thượng Thích Huyền Quang qua đời tại tu viện Nguyễn Thiều. Từ đó, hòa thượng Thích Quảng Độ thay ngài chủ trì công cuộc đấu tranh của GHPGVNTH, đương đầu với chế độ Cộng sản.

IV.4/ Hòa thượng Quảng Độ

“Hòa thượng Thích Quảng Độ tên khai sinh là Đặng Phúc Tuệ, sinh năm 1928 tại xã Nam Thanh, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình, trong một gia đình làm nghề nông, theo Nho học và đời đời sùng tín Phật pháp. Thân phụ ông là cụ Đặng Phúc Thiều, tự là Minh Viễn, thân mẫu là cụ bà Đào thị Huân, pháp danh là Diệu Hương.”(Trích nguyên văn Sơ Lược Tiểu sử Đại Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Quảng Độ…do VP Thường Trực Hội Đồng Điều Hành GHPGVNTN-HN tại UDL-TTL biên soạn.)

Năm 1934, thiếu niên Đặng Phúc Tuệ theo học trường làng, đến năm 1942 xuất gia tại chùa Linh Quang tỉnh Hà Đông do lão tăng Thích Đức Hải trụ trì, sư phụ đặt tên Phật

là Thích Quảng Độ. Sau đó tiểu tăng Thích Quảng Độ được bổn sư gởi tới tu học tại chùa Quán Sứ – Hà Nội.

Năm 1952, Tổng hội Phật giáo Việt Nam tại miền Bắc tổ chức cho thanh niên tăng Thích Quảng Độ du học tại Phật học viện Pirivena – Tích Lan.

Kết thúc chương trình tu học tại Tích Lan, tăng sĩ Thích Quảng Độ du khảo các di tích và trung tâm Phật giáo tại Ấn Độ, Nepal, Bhutan, Tây Tạng.

Năm 1958, ông trở về Sài Gòn làm giảng viên tại các Phật học đường, tiếp tục nghiên cứu Phật pháp, nghiên cứu lịch sử, văn hóa và văn học dân tộc, dịch kinh, viết sách.

Năm 1963, ông tham gia phong trào Phật giáo đấu tranh kêu đòi chính phủ Ngô Đình Diệm tôn trọng tự do và bình đẳng tôn giáo. Ông bị bắt trong chiến dịch Nước Lũ (20.8.1963) và được giải thoát cùng với 2000 tăng ni và phật tử khác sau cuộc đảo chính do các tướng lãnh cầm đầu (1.11.1963).

Ra tù, đại đức Thích Quảng Độ do tình hình sức khỏe kiệt quệ (bị tra tấn trong tù), ông không thể tham gia thành lập GHPGVNTN, cũng không thể tham gia các cuộc đấu tranh do giáo hội phát động từ 1964 đến 1966.

Năm 1966, Giáo Hội tổ chức đưa ông đi điều trị tại Nhật Bản. Lành bệnh, phục hồi sức khỏe, Giáo Hội gợi ý và tạo điều kiện cho ông du khảo tình hình Phật giáo tại Hồng Kông, Đài Loan, Thái Lan và Miến Điện. Về nước, ông làm giảng sư, giáo sư tại Phật học viện Từ Nghiêm, Phật học viện Dược Sư, Đại học Van Hạnh, Đại học Hòa Hảo.

Năm 1972, thượng tọa Thích Quảng Độ được đề cử làm phát ngôn viên, kiêm thanh tra Viện Hóa Đạo GHPGVNTN. Năm 1973, ông được cử làm thư ký Viện Hóa Đạo GHPGVNTN.

Năm 1974, thượng tòa Thích Quảng Độ tham gia Lực Lượng Hòa Giải Dân Tộc do GHPGVNTN bảo trợ.

Từ sau 1975, thiền sư Thích Quảng Độ đau khổ trước sự cai trị hà khắc của chế độ Cộng sản. Ông cho rằng đảng Cộng sản đã bỏ qua cơ hội ngàn vàng để thực hiện Hòa giải, Hòa hợp Dân Tộc.

Năm 1976, ông qui kết trách nhiệm cho đảng Cộng sản về sự kiện 12 tăng, ni chùa Dược Sư tự thiêu. Ông nhấn mạnh rằng sự kiện tự thiêu tập thể này là phản ứng tuyệt vọng trước các sách lược và hành động sai trái và tội ác của chế độ.

Tháng 4.1977, trong một cuộc họp của khoảng 200 tăng, ni và phật tử tại chùa Ấn Quang để tìm giải pháp thích ứng trước nguy cơ tôn giáo bị cấm cách, giáo hội bị đàn áp, đất nước dân tộc bị suy tàn bởi cuộc cách mạng XHCN và sách lược ngoại giao thể hiện bản chất tham sân si ngoại hạng của đảng Cộng sản, thiền sư Thích Quảng Độ, Thiền sư Thích Huyền Quang và 5 vị tỳ kheo khác bị công an ập vào trấn áp và bắt giam. Tháng 12.1978, được thả sau một phiên tòa xử trắng án. Thực tế, phiên tòa là kết quả của áp lực từ chính giới và truyền thông châu Âu sau chuyến công du đầu tiên của thủ tướng Phạm Văn Đồng.

Đầu năm 1982, do phản đối trước việc đảng Cộng sản tổ chức đại hội thành lập GHPGVN, công cụ của chế độ, hòa thượng Thích Quảng Độ cùng với hòa thượng Thích Huyền Quang bị chính quyền Cộng sản chỉ định cư trú tại quê nhà. Hòa thượng Huyền Quang bị áp giải đi Quảng Ngải. Hòa thượng Quảng Độ (cùng mẹ) bị áp giải đi Thái Bình.

(Thái Bình là quê nhà xưa cũ, hòa thượng Quảng Độ đã rời xa tròn nửa thế kỷ, gia đình, xóm giềng chẳng còn mấy ai thân thuộc, chùa Phật đã trở nên điêu tàn sau chừng ấy thời gian trong chế độ XHCN, lại bị cấm “hành nghề tôn giáo” và bị công an theo giỏi kềm kẹp nghiêm ngặt, ông chẳng biết làm gì ngoài việc dịch kinh, viết sách trong bối cảnh đảng Cộng sản “tự chuyển biến, tự chuyển hóa”: Chính quyền Công Nông chuyển dần qua Tư sản Đỏ, kinh tế chỉ huy – ngăn sông cấm chợ, ồ ạt chuyển qua kinh tế thị trường – chợ búa đến trụ sở đảng trung ương, ngoại giao từ độc kết Liên Xô chuyển qua “thế giới đại đồng” với kẻ cựu thù Đế quốc xâm lược Tư bản Mỹ và đương kim bành trướng hung ác Trung cộng. Trước tình thế đó, thiền sư Quảng Độ tự ý rời bỏ Thái Bình, về lại Miền Nam, quê hương tranh đấu của GHPGVNTN…)

Hòa thượng Thích Quảng Độ về lại Sài Gòn vào khoảng giữa năm 1992. Lang thang thiếu đói khá lâu mới tìm được chỗ ở là Thanh Minh Thiền viện ở số 90 Trần huy Liệu, phường 25, quận Phú Nhuận, tp Hồ Chí Minh do thiền sư Thích Thanh Minh trụ trì. Chắc là thiền sư Thích Thanh Minh thành tâm chia sẻ những mục tiêu và khát vọng đấu tranh của ông mới gồng mình bao che cho một nhân vật nguy hiểm như vậy trong mắt của chính quyền Cộng sản.

Ba mục tiêu hòa thượng Quảng Độ đề ra vào thời điểm này: một là kêu đòi chính quyền Cộng sản tôn trọng quyền hoạt động tôn giáo hợp pháp của GHPGVNTN, hai là đấu tranh kêu đòi Tự do, Dân chủ và Nhân quyền, ba là tham gia các hoạt động xã hội, đóng góp ý kiến cùng phính quyền trong những vấn đề xây dựng, bảo vệ đất nước.

Hòa thượng Thích Quảng Độ âm thầm tập họp lực lượng. Ông quy tụ những tăng, ni bất phục chế độ ở Sài Gòn và các tỉnh lân cận. Ông tìm cách thiết lập mối quan hệ với Quảng Ngãi và Bình Định, nơi hòa thượng Thích Huyền Quang, vị lãnh đạo mới của GHPGVNTN được ủy nhiệm bởi cố hòa thượng Thích Đôn Hậu, đang bị quản thúc. Ông cũng tìm cách thiết lập mối quan hệ với các thiền sư đang sôi sục đấu tranh Bảo Vệ Chánh Pháp theo Di chúc của Ngài Thích Đôn Hậu tại Huế, Quảng Trị, Quảng Nam. Ông thiết lập mối quan hệ với Phòng thông tin hải ngoại thuộc GHPGVNTN tại Pháp và các GHPGVNTN tại Úc và Mỹ.

Ngày 9.8.1994 hòa thượng Thích Quảng Độ, chánh thư ký viện Hóa Đạo trực thuộc GHPGVHTH gởi thư cho tổng bí thư đảng Cộng sản Đỗ Mười để phản đối lệnh quốc tang cho lãnh tụ đảng Cộng sản Triều Tiên Kim Nhật Thành. Theo thiền sư Quảng Độ, nhân dân Việt Nam không để tang cho lãnh tụ độc tài đàn áp nhân dân Triều Tiên. Ông khẳng định rằng nếu nhân dân Việt Nam để tang thì để tang cho hàng chục ngàn người bị giết chết trong Cải Cách Ruộng Đất ở Miền Bắc, 5000 người bị giết trong tết Mậu Thân ở Huế, hàng chục ngàn người bị chết trong các trại cải tạo sĩ quan và công chức Việt Nam Cộng Hòa sau 1975, hàng trăm ngàn người bị chết trong các cuộc vượt biên trên biển hay trên đất liền trong nhiều năm liền đảng Cộng sản tiến hành cuộc cách mạng XHCN.

Qua kháng thư này, thiền sư Thích Quảng Độ chứng tỏ ông không chỉ là một nhà tu hành đấu tranh cho tự do tôn giáo và sự tồn vong của GHPGVNTH, ông đã trở thành nhân vật đấu tranh vì các mục tiêu to lớn hơn là Dân chủ, Nhân quyền và Xã hội Dân sự trên bình diện cả nước.

Kèm theo kháng thư này, thiền sư Thích Quảng Độ còn gởi đên tổng bí thư Đỗ Mười một bản nhận định tổng quát về những sai trái mà đảng Cộng sản Việt Nam mắc phải từ sau 1975 đối với đất nước, dân tộc và các tôn giáo, trong đó có Phật giáo.

Ngày 10.10.1994, hòa thượng Thích Quảng Độ khai dựng bảng “Văn Phòng Viện Hóa Đạo Lưu Vong” tại Thanh Minh Thiền Viện số 90 Trần Huy Liệu, quận Phú Nhuận, t/p Hồ Chí Minh (văn phòng chính của viện Hóa Đạo GHPGVNTN đặt tại chùa Ấn Quang đã bị giáo hội Phật giáo quốc doanh chiếm dụng từ 1991). Nhân dịp này thiền sư Quảng Độ gởi thư cho các tăng ni ngoài Phật giáo quốc doanh trên toàn quốc đề nghị dựng bảng GHPGVNTN tại chùa và tu viện do mình trú trì.

Ngày 24.10.1994. hòa thượng Thích Quảng Độ và nhóm các vị tăng thân thuộc GHPGVNTN tại thành phố HCM và các tỉnh lân cận nhóm họp tại Thanh Minh Thiền

Viện để bàn thảo chương trình cứu trợ đồng bào bị lũ lụt ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Thượng tọa Thích Long Trí được cử đi tiền trạm nhằm quan sát tình hình cụ thể để Giáo Hội có kế hoạch cứu trợ thích ứng. Thượng tọa bị công an chận bắt trên đường đi, đem về giam tại t/p HCM. Công an lục soát Thanh Minh Thiền Viện, lục soát các chùa có tăng thân tham gia công cuộc cứu trợ; công an ngăn chặn các xe chở hàng cứu trợ và lấy đi tất cả của cải Giáo Hội quyên góp được. Một số tăng, ni, phật tử bị bắt như đại đức Thích Trí Lực, các thượng tọa Thích Không Tánh, Thích Nhật Ban, các phật tử Phạm Văn Xua, Nguyễn thị Em…

Ngày 1.12.1994, hòa thượng Thích Quảng Độ bị công an vào Thanh Minh Thiền Viện bắt, đưa ra miền Bắc giam tại trại tù B14, bị đưa ra tòa ngày 15.8. 1985 cùng với 6 tù nhân phản đối chế độ khác. Hòa thượng Thích Quảng Độ bị kết án 5 năm tù.

Ngày 30.8.1998, hòa thượng Thích Quảng Độ được trả tự do, nghe đâu nhờ sự can thiệp của chính phủ Mỹ và các tổ chức Bảo Vệ Nhân Quyền trên thế giới.

Nhân dịp này, hòa thượng Thích Quảng Độ được chính quyền Cộng sản và tòa đại sứ Mỹ đề nghị sang cư trú tại Hoa Kỳ. Ông đã từ chối vì lý do: “Ở lại với quần chúng phật tử”. Hòa thượng Thích Quảng Độ trở lại Sài Gòn, tiếp tục cư trư tại Thanh Minh Thiền Viện, tiếp tục thực hiện “Quyền Công Dân”trước sự kiểm soát nghiêm ngặt của công an.

Ngày 19.3.1999, hòa thượng Thích Quảng Độ đi Quảng Ngãi thăm hòa thượng Thích Huyền Quang (sau 18 năm cách biệt). Cùng thời điểm, từ Quảng Trị, đại đức Thích Hải Tạng cũng đến Quảng Ngãi thăm vị hòa thượng đứng đầu GHPGVNTN. Công an giải tán cuộc họp mặt tình cờ này. Hai vị khách bị công an áp tải về nơi xuất phát. GHPGVNTN vẫn bị chính quyền Cộng Sản đặt ngoài vòng pháp luật.

Ngày 21.2.2001, hòa thượng Thích Quảng Độ công bố Lời kêu gọi DÂN CHỦ CHO VIỆT NAM nhân danh Viện Hóa Đạo GHPGVNTN.

Ngày 9.4.2002, hòa thượng Thích Quảng Độ (cùng hòa thượng Thích Huyền Quang, linh mục Nguyễn Văn Lý) được Tổ chức People in Need, Cộng hòa Séc, trao giải thưởng Homo Homini. Cả ba vị được vinh danh là “những người bảo vệ nhân quyền, tự do dân chủ và tự do tôn giáo ở Việt Nam.

Ngày 22.9.2003, Đại Hội Bất Thường gồm đại diện GHPGVNTN các địa phương khai mạc tại tu viện Nguyên Thiều, Bình Định, nhằm mục đích củng cố và phát triển giáo hội. Tại Đại Hội này, hòa thượng Thích Huyền Quang được tôn cử chính thức viện

trưởng Viện Tăng Thống, hòa thượng Thích Quảng Độ được tôn cử chính thức viện trưởng Viện Hóa Đạo. Trong khi Đại Hội đang tiếp diễn thì công an ập vào trấn áp, giải tán. Hòa thượng Thích Quảng Độ bị công an áp tải trở lại t/p HCM để tiếp tục quản chế.

Tháng 9.2006, hòa thượng Thích Quảng Độ được trao giải Thorolf Rafto, Na Uy, vì “đã dũng cảm và kiên trì chống đối ôn hòa chế độ Cộng sản Việt Nam”. Ông cho biết sẽ không rời Việt Nam để tới Na Uy nhận giải vì ngại chính quyền sẽ không cho trở về Việt Nam nữa, buộc ông phải sống lưu vong. Ông ủy thác cho ông Võ Văn Ái, giám đốc Phòng Thông tin hải ngoại của GHPGVNTN, nhận giải thay ông. Ông không muốn xa lìa nhân dân và quần chúng phật tử.

Tháng 7.2007, hòa thượng Thích Quảng Độ tham gia cứu trợ những người dân đang khiếu kiện đòi lại đất tại t/p HCM, và kêu gọi “chấm dứt cái nạn độc quyền cai trị tại Việt Nam”. Ngày 23.8, ông cử thượng tọa Thích Không Tánh mang tiền ra miền Bắc cứu trợ những người khiếu kiện. Cùng ngày, cả hại vị thiền sư đều bị công an bắt vì cho rằng “đã hoạt động phá rối trật tư trị an”. Đảng Cộng sản đã huy động nhiều cơ quan và phương tiện truyền thông như báo Nhân Dân, báo Tiền Phong, báo Tuổi Trẻ Online tố cáo ông, nào là “lợi dụng tôn giáo mưu đồ chính trị, kích động phản loạn, gây rối…”

Năm 2008, hòa thượng Thích Huyền Quang qua đời, để lại chúc thư cử hòa thượng Thích Quảng Độ thay ông làm đệ ngũ tăng thống GHPGVNTN.

Trên cương vị và chức danh mới, dưới mắt chính quyền Cộng sản, hòa thượng Thích Quảng Độ càng “nguy hiểm” hơn, công an càng kiểm soát nghiêm ngặt hơn, phật tử không còn ai lui tới, Thanh Minh Thiền Viện vắng vẻ như chùa Bà Đanh. Áp lực từ phía công an, cộng thêm áp lực từ tình hình thực tế thiếu đói của cộng đồng tu viện, hòa thượng trụ trì Thích Thanh Minh đề nghị hòa thượng Thích Quảng Độ rời đi. Đó là ngày 15.9. 2018.

Rời Thanh Minh Thiền Viện, thiền sư Thích Quảng Độ lang thang hết chùa này đến chùa nọ, trước áp lực của công an, không chùa nào chứa chấp ông cả. Ngày 5.11.2018, ông lên tàu về quê Thái Bình. Thái Bình cũng không ở được. Ngày 18.11.2018, ông vào lại t/p HCM, tạm trú tại chùa Từ Hiếu quận 8.

Ngày 22.2.2019, thiền sư Quảng Độ qua đời ở tuổi 92. Theo di ngôn, đám tang của Ngài sẽ được hòa thượng Thích Nguyên Lý và các sư tăng chùa Từ Hiếu cử hành đơn giản. Không vòng hoa. Không điếu văn. Không trướng liễn. Không để qúa 3 ngày. Ngài muốn được thiêu để trở về với cát bụi. Trớ trêu là cát bụi cũng không được ngủ yên. Phật giáo Quốc doanh ào ào kéo tới can thiệp vào tang lễ, nhưng mục đích chính là can thiệp vào việc đề cử chức danh tăng thống. Không có thông tin nào được kiểm chứng về ý chỉ của Đức đệ ngũ tăng thống Thích Quảng Độ về vấn đề quan trọng này. Thiền sư Thích Tuệ Sĩ đã xuất hiện bên cạnh đệ tứ tăng thống Thích Huyền Quang từ năm 2003, bên cạnh đệ ngủ tăng thống Thích Quảng Độ từ sau năm 2008 với chức danh phó tăng thống, nhưng năm 2019 này, không thấy ông tham dự tang lễ vị tăng thống quá cố. Phải chăng sức khỏe và tâm nguyện của vị thiền sư thi sĩ không thích hợp với vai trò vị trí này? Tre tàn mà măng không mọc là thực trạng của GHPGVNTN ! Đây là mục tiêu và thủ đoạn của đảng Cộng sản không chỉ dành cho Phật giáo mà còn cho Công giáo và các giáo hội khác.

IV.5/ Hòa thượng Thích Không Tánh.

Hòa thượng Thích Không Tánh tên khai sinh là Phan Ngọc An, sinh 1943, cùng thế hệ, cùng được giáo dục, đào tạo trong nhà trường dân chủ và nhân bản VNCH và các học viện Phật giáo trước thời điểm GHPHVNTN thành lập, như các sư tăng Thích Huệ Hiền, Thích Huệ Thâu, Thích Trí Siêu, Thích Tuệ Sỹ, Thích Trí Hải…

Từ sau 1975, trong chế độ Cộng sản, ông là một sư tăng bất khuất, một con người hành động vì những giá trị tự do, nhân quyền, dân chủ, và xã hội dân sự. Đời ông là một chuỗi liên tiếp những nghĩa cử, khổ nạn và hoạt động thiện nguyện.

Năm 1976, Thích Không Tánh gởi thư cho thủ tướng chính phủ Cộng sản ở Hà Nội để phản đối chủ trương của chế độ bắt những tăng sĩ trẻ thi hành nghĩa vụ quân sự. Đảng Cộng sản đang trong thời kỳ thiết lâp guồng máy toàn trị không chấp nhận một con người ngang tàng như thế. Ông bị bắt và trải qua 10 năm giam cầm (1976 – 1986) trong các trại cải tạo.

Ra tù, ông về chùa cũ Liên Trì ở phường An Khánh quận Thủ Đức. Lúc bấy giờ Liên Trì còn là chùa vô danh và Thủ Thiêm chưa phải là khu đất vàng khêu gợi sự thèm khát của các lãnh tụ cách mạng vô sản. Chùa Liên Trì chưa gây chú ý cho nhiều người, ngoại trừ nhóm công an đặc nhiệm. Bởi vì trong cái chùa không mấy khang trang to đẹp này có một sư tăng bất phục chế độ làm trù trì. Thượng tọa Thích Không Tánh lần

hồi biến ngôi chùa vô danh của mình trở thành nơi giao tiếp, hội họp của những người cùng chí hướng bất kể tôn giáo và tầng lớp xã hội nào. Ông tìm cách liên hệ với các đệ tử của thượng tọa Thích Huyền Quang ở Quảng Ngãi – Bình Định và các nhóm tăng thân, phật tử khắp các tỉnh thành miền Nam. Sau khi hòa thượng Thích Quảng Độ từ Thái Bình về tạm trú tại Thanh Minh thiền viện, ông trở thành người cộng tác đắc lực cho nhà lãnh đạo thứ hai của GHPGVNTH.

Tháng 10.1992, thượng tọa Thích Không Tánh bị bắt, bị kết án 5 năm tù vì tội lưu hành các tài liệu có nội dung chống phá nhà nước như kháng thư của hòa thượng viện trưởng Viện Hóa Đạo GHPGVHTN Thích Huyền Quang gởi cho các lãnh tụ và cơ quan quyền lực của đảng Cộng sản, và thư từ liên lạc giữa giáo hội trung ương gởi đến các giáo hội địa phương trong và ngoài nước.

Được trả tự do trước thời hạn, thượng tọa Thích Không Tánh tiếp tục các hoạt động nhân quyền, tự do tôn giáo và xã hội dân sự. Tận dụng các khoảng thời gian tự do và khả năng vận động, thượng tọa Thích Không Tánh đã tiến hành các công cuộc từ thiện như tặng quà cho các bệnh nhân ung bứu, các bệnh nhân phong cùi, các thương bệnh binh gốc Việt Nam Cộng Hòa, các gia đình thuyền nhân bị cưỡng bách hồi hương, các gia đình dân oan, đặc biệt là dân oan ở Thủ Thiêm.

Tháng 11.1994, thượng tọa Thích Không Tánh bị công an thành phố Hồ Chí Minh bắt vì tội quyên góp và phân phát phẩm vật cứu trợ các nạn nhân bão lụt miền Tây.

Tháng 8.1985, thượng tọa Thích Không Tánh cùng thượng tọa Thích Quảng Độ bi tòa án thành phố Hồ Chí Minh xử mỗi người 5 năm tù vì tội “phá hoại chính sách đoàn kết của đảng Cộng sản và lợi dụng quyền tự do dân chủ phá hoại ích lợi nhà nước”.

Sau 5 năm ở tù, thượng tọa Thích Không Tánh về chùa cùng thời điểm Việt Nam tham gia Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc. Mục sư Nguyễn Mạnh Hùng trong bài “Tại sao nhà cầm quyền quyết tâm cưỡng chế và giải tỏa chùa Liên Trì” đã viết như sau:

Các tổ chức xã hội dân sự độc lập phát triển thì chùa Liên Trì là nơi họp mặt của các tổ chức Xã hội dân sự. Những tổ chức Xã hội dân sự họp tại đây để sáng lập và thành lập các hội đoàn độc lập nhằm phản biện xã hội, cải thiện nhân quyền, dân quyền. Hòa thượng Thích Không Tánh cũng là sáng lập viên của Hội cựu tù nhân lương tâm, Hội đồng Liên tôn Việt Nam”.

“Từ những việc làm nhân đạo, giúp đỡ các tổ chức Xã hội dân sự, đấu tranh cho tự do nhân quyền nói trên, hòa thượng Thích Không Tánh chùa Liên Trì đã bị nhà cầm

quyền xem như thành phần đối kháng và họ đã quyết tâm cưỡng chế và giải tỏa chùa để họ bỏ đi cái gai này. Theo thông tin loan truyền trên mạng, hòa thượng Thích Không Tánh cho biết mặc dù không có lệnh cưỡng chế nhưng chính quyền phường An Khánh và chính quyền quận 2 đã họp kín, quyết định ngày 23.6.2016 tới họ sẽ cưỡng chế và phá dỡ chùa”

Chùa Liên Trì bị san bằng trong tháng 9.2016. Hòa thượng Thích Không Tánh khẳng định chùa và quí thầy không chấp nhận cơ sở do chính quyền dựng sẵn ở Cát Lái để đền bồi cho chùa. Linh mục Đinh Hữu Thoại thuộc Phòng Công Lý và Hòa Bình Dòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn cho là việc san bằng này vì lý do chính trị.

Lý do chính trị đầu tiên và cuối cùng để chùa Liên Trì bị san bằng là vị trụ trì của nó. hòa thượng Thích Không Tánh, chẳng còn chốn dung thân; các nhóm phản biện xã hội, các thành phần đối kháng chế độ, các tổ chức Xã hội dân sự không còn địa sở để hội họp, và các cơ quan truyền thông, tổ chức nhân quyền quốc tế không biết hòa thượng Thích Không Tánh ở đâu để phỏng vấn, đưa tin. Đảng Cộng sản đã vô hiệu hóa sự tồn tại của hòa thượng Thích Không Tánh qua việc san bằng xóa bỏ chùa Lên Trì. Thủ đoạn này áp dụng vào hai năm sau, năm 2018, khi hòa thượng Thích Quảng Độ bị tống xuất khỏi Thanh Minh Thiền Viện.

Theo các thông tin trên mạn, hòa thượng Thích Không Tánh có tham dự đám tang hòa thượng Thích Quảng Độ, 2019. Ông không tuyên bố gì, cũng không có động thái nào thể hiện ý chí bất khuất như trước đây.

Hai nhân vật năng nổ nhất của GHPGVNTN, đến thời điểm này, một người thì chuyển hóa thành cát bụi, người còn lại, tuổi tác đã bào mòn ý chí đấu tranh. GHPGVNTN xem như cáo chung.

Lời Kết

***

Khi MA CHƯỚNG HOÀNH HÀNH TRONG CHẾ ĐỘ CỘNG SẢN thì PHÁP NẠN không thể nào tránh được, tôn giáo bị cấm cách là lẽ đương nhiên. Chắc là đảng Cộng sản Việt Nam thở phào nhẹ nhõm vì đã tiêu diệt được cái vật cản lớn nhất trên con đường kinh tế thị trường định hướng Xã hội chủ nghĩa.

Một thông tin đáng mừng cho đảng Cộng sản là con số tín đồ Phật giáo ngày một giảm. Cuộc tổng điều tra dân số do chính quyền tổ chức năm 2009 xác định số tín đồ Phật giáo trong cả nước năm 2009 là 6,7 triệu người. Cuộc tổng điều tra dân số cũng do chính quyền tổ chức năm 2019 xác định số tín đồ Phật giáo là 4,6 triệu người. Thái Phan (trong bài “Thống kê số tín đồ Phật giáo: Nhà nước nói giảm, giáo hội hụt hẫng” – nguồn luatkhoa.org) người đưa thông tin này còn cho biết là: Theo báo Giác Ngộ, các thông tin của nhà nước đã làm một số nhà sư “bị sốc toàn tập”, tín đồ thì “hụt hẫng và bật khóc”. Tín đồ Phật giáo nói riêng, tín đồ các tôn giáo nói chung bật khóc và đảng Cộng sản thì sảng khoái cười. Bởi vì đảng Cộng sản chủ trương “vô tôn giáo” từ Phong trào Xô viết Nghệ tĩnh 1930, và bài trừ tôn giáo từ sau 1975.

Trong số những tín đồ bật khóc, có nhiều người biết rằng tại miền Nam, năm 1963, khi Phật giáo phát động cuộc đấu tranh đòi bình đẳng và tự do tôn giáo trong chế độ Ngô Đình Diệm thì con số đồng đạo của họ từ 9 đến 11 triệu chiếm tỷ lệ từ 70% đến 80% (theo điều tra của CIA, Thái Phan, tài liệu đã dẫn). Từ 70% đến 80% tổng dân số trong chế độ Việt Nam Cộng Hòa rớt xuống 4,78% tổng dân số trong chế độ Cộng Sản, bật khóc thôi. Chắc là họ sẽ khóc to khi nhìn giáo hội Quốc Doanh được tổ chức theo hình tháp ngược, có ban bệ, chức sắc ở trên mà không có phật tử ở dưới. Tôn giáo mà không có giáo đồ thì tiêu vong rồi, còn gì nữa ?

Mô hình tháp ngược nếu để nó đứng tự nhiên trong không gian thì nó sụp đổ tức thì. Giáo hội Phật giáo Việt Nam quả thật là Giáo hội nhà nước, Giáo hội quốc doanh, Giáo hội công cụ, sẽ giải tán khi đảng Cộng sản thấy cần buông tay.

Vấn đề đặt ra cho các triết gia, các nhà văn hóa là dân tộc, đất nước (và cả nhân loại, thế giới) có cần tôn giáo không? Tiêu diệt nó có phải là tội ác không?

Tôi kể một câu chuyện nhỏ để kết thúc bài viết có nhiều chi tiết tự sự này:

Anh bạn tôi cha mẹ đặt tên là Phan Chánh Dinh. Phan Chánh Dinh là thi sĩ từ buổi thiếu thời. Yêu đương và khắc khoải siêu hình anh làm thơ ký tên là Phan Duy Nhân. Theo Cộng sản và làm cán bộ Mặt Trận anh sửa tên thơ là Thiết Sử, tên họ là Nguyễn Chính cho gần gũi với giai cấp công nông và thể hiện ý chí chiến đấu. Anh Nguyễn Chính đi kháng chiến, ở tù Côn Đảo, sau “giải phóng” làm cán bộ đến chức phó ban Dân vận Mặt trận tại tỉnh ủy Quảng Nam Đà Nẵng. Năm 1982, Nguyễn Chính được ông Xuân Thủy, bí thư trung ương đảng Cộng sản chọn làm “nhân tài” chuyển ra Hà Nội làm phó ban Tôn giáo chính phủ. Sau nhiều năm công tác, Nguyễn Chính tiếp xúc

nhiều với các vị chức sắc và nhân vật trong Công giáo, Phật giáo… mà đảng Cộng sản cho là “trùm phản động” như Tổng giám mục Nguyễn Văn Thuận, Thượng tọa Thích Trí Quang để vận động họ “gằn liền Tôn giáo với Dân tộc và Chủ nghĩa Xã hội.”

Thế rồi, chẳng biết chuyển biến chuyển hóa ra sao mà đảng viên – cán bộ tôn giáo vận Nguyễn Chính qui y Phật, được hòa thượng Thích Trí Quang nhận làm đệ tử. Ngưỡng mộ, tri ân và thương cảm, đệ tử Nguyễn Chính – Phan Duy Nhân đã làm thơ kính tặng Tôn Sư Thích Trí Quang như sau: Tràn đầy mà rỗng lặng / Biển vô lượng thủy triều / Đường về tâm bất động / Tuyệt chiêu mà vô chiêu / Đã thương đời vạn dặm / Vân du vượt núi đèo / Thôi hòa lòng với bụi / Thanh tịnh vầng trăng treo. (Hành thiền – Nguyễn Chính PDN – Báo Thanh Niên thứ năm, 5.12.2002).

Hòa thượngThích Trí Quang là linh hồn, là trụ cột lớn nhất của GHPGVNTN. GHPGVNTN đã tiêu vong trong chế độ Cộng sản như tôi trình bày ở trên. Vậy thì đảng viên Nguyễn Chính PDN mong cầu được gì nơi một lãnh tụ giáo hội Dấn thân thất bại? Phải chăng anh nhận ra giá trị của Phật pháp qua vị Thiền Sư anh đã theo lệnh đảng đi vận động làm sư quốc doanh? Chúng ta biết rất rõ trước khi trở thành đảng viên, Nguyễn Chính đã khẳng định mình là một Con Người – DUY NHÂN. Đã là Con Người, tất nhiên, không thể không Từ Bi, Bác Ái.

Chu Sơn

Diendan.org

Tags: , ,

Comments are closed.