Thời sự Việt Nam – Thứ hai 23 tháng 5 năm 2022


Tuyên Quang: 12 người H’mong theo đạo Dương Văn Mình bị xử tù – RFA
23/5/2022

Tuyên Quang: 12 người H’mong theo đạo Dương Văn Mình bị xử tù

Cảnh sát cơ động và lực lượng mặc đồ bảo hộ y tế bố ráp đám tang của ông Dương Văn Mình hồi tháng 12/2021 /Người dân cung cấp 

12 tín đồ của đạo Dương Văn Mình đều bị tuyên có tội và phải nhận các án tù.

Hôm 18 tháng 5, một toà án ở tỉnh Tuyên Quang tuyên phạt 12 người H’mong là tín đồ của đạo Dương Văn Mình các mức án từ hai năm đến bốn năm tù giam, báo chí nhà nước không đưa tin về phiên tòa này. 

Những người này bị bắt hồi tháng 12 năm 2021, trong cuộc bố ráp của lực lượng công an vào đám tang của ông Dương Văn Mình, người sáng lập ra đạo. 

Cả 12 người bị cáo buộc dưới tội danh “chống người thi hành công vụ”, trong đó có một người là ông Lý Văn Dũng thì bị cáo buộc có hành vi “xúi giục chống người thi hành công vụ”. 

Trả lời phỏng vấn của Đài Á Châu Tự Do, ông Y. – một tín đồ đạo Dương Văn Mình ở địa phương có mặt ở bên ngoài tòa án, cho biết thêm thông tin dưới điều kiện ẩn danh vì lý do an toàn:

“Phiên toà diễn ra vào lúc 8 giờ 30 phút ngày 18 tháng 5 tại Tòa án Nhân dân huyện Hàm Yên. Toàn bộ những người này đều có luật sư bào chữa, nhưng là luật sư do toà chỉ định, chứ luật sư do người nhà thuê thì không được chính quyền chấp nhận.”

Điều này trùng khớp với thông tin mà luật sư Nguyễn Văn Miếng cung cấp cho phóng viên chúng tôi hôm 13 tháng 5. 

Khi đó, vị luật sư của Đoàn Luật sư thành phố Hồ Chí Minh cho biết ông được người nhà của một số bị cáo trong vụ án này thuê để tham gia bào chữa tại phiên tòa, nhưng phía chính quyền phản hồi rằng các bị cáo không có nhu cầu gặp luật sư. 

Ông Y. cũng cho biết những người đến dự phiên toà đã không được vào trong phòng xử án, mà phải đứng ở ngoài trong phiên xét xử buổi sáng, còn đến buổi chiều thì được cho vào một căn phòng riêng để theo dõi diễn biến phiên tòa qua màn hình TV. 

“Trong phần xét hỏi thì tất cả những người này đều không nhận tội, nhưng theo bản cáo trạng của Viện kiểm sát thì vẫn buộc tội họ. Khi được hỏi thì họ nói rằng không bị ai xúi giục để chống lại đoàn chính quyền cả.” Ông Y. cho biết về diễn biến phiên toà. 

Cũng theo ông này thì ông Lý Văn Dũng đã bác bỏ cáo buộc mà Viện kiểm sát đưa ra cho rằng ông là người xúi giục những người còn lại chống người thi hành công vụ. 

“Theo tôi biết thì hồi năm 2014 ông Dũng là người đưa đoàn phái viên của Liên Hiệp Quốc về tự do tôn giáo tới gặp những người H’mong theo đạo Dương Văn Mình bị đàn áp, nên chính quyền cho rằng ông ấy là người có uy tín trong thôn và muốn xử phạt ông ấy.”

Ông Lý Văn Dũng là người phải nhận bản án bốn năm tù giam, nặng nhất trong số 12 người. 

Khi được hỏi về tình trạng của cộng đồng những người theo đạo Dương Văn Mình ở địa phương sau khi 12 tín đồ của đạo này bị kết án tù, ông Y. cho hay:

“Trong thời gian này thì người dân rất hoang mang lo lắng, không biết phải làm gì để giúp đỡ những người bị kết án tù.”

Ngoài ra thì người dân địa phương cũng cho biết chính quyền đã cấm họ không được tổ chức các nghi lễ và hoạt động của đạo Dương Văn Mình, và yêu cầu người dân ký giấy bỏ đạo.

Chính quyền cũng thực hiện chính sách “Bốn cùng” bao gồm cùng ở, cùng ăn, cùng làm, cùng nói tiếng dân tộc để giám sát hoạt động của cộng đồng người H’mong theo đạo Dương Văn Mình ở địa phương. 

Chính phủ Việt Nam không thừa nhận đạo Dương Văn Mình và gọi đây là một tà đạo. Báo chí tuyên truyền của Nhà nước Việt Nam chỉ trích các hoạt động tang lễ của người theo đạo này và gọi đây là trái với phong tục tập quán của người H’mong. 

Đạo Dương Văn Mình thờ Đức Chúa trời, chủ trương bỏ phong tục làm lễ tang dài bảy ngày vô cùng tốn kém, chuyển sang quàn người chết tại nhà đòn và chôn cất trong một ngày đêm.

Theo báo cáo về tự do tôn giáo của chính phủ Hoa Kỳ, đã có ít nhất 60 nhà tang lễ của người H’mong theo đạo Dương Văn Mình từ năm 2013 đến năm 2020 bị công an phá hủy.  

Kinh tế VN: ‘Thách thức lớn’ để đạt mục tiêu tăng trưởng 2022

Người dân trên đường phố Hà Nội vào ngày 11/05

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh, 

Người dân trên đường phố Hà Nội vào ngày 11/05

Mục tiêu tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm nay từ 6% đến 6,5% là “thách thức lớn”, theo Chính phủ Việt Nam vào hôm nay 23/05.

Dù đã có những phục hồi nhưng các yếu tố như cuộc chiến tranh Ukraine kéo dài, giá xăng dầu tăng, lạm phát tại Mỹ gia tăng, chuỗi cung ứng đứt gãy tại Trung Quốc, thị trường xăng dầu nhiều biến động đã tác động rất lớn đến nền kinh tế Việt Nam không chỉ trong năm nay mà còn năm 2023.

Chính phủ Việt Nam cũng thừa nhận nguyên nhân cũng từ công tác dự báo, quản lý điều hành trong thời gian qua, cụ thể như vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế.

Phát biểu trước Quốc hội, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nói Việt Nam cần “thực hiện các biện pháp linh hoạt” để đảm bảo sự ổn định kinh tế vĩ mô và kiềm chế lạm phát.

Trước đó vào tháng Tư, chỉ số giá tiêu dùng của Việt Nam đã tăng 2,64% so với cùng kỳ năm trước vì chi phí thực phẩm, vận tải và xây dựng tăng cao.

Vào tháng Tư, Ngân hàng Thế giới (World Bank) điều chỉnh mức dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam xuống còn 5,3% trong năm 2022. Nếu những diễn biến bất lợi không được cải thiện, có thể tăng trưởng chỉ đạt mức 4%.

Cũng vào tháng Tư, Tổ chức Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã cho rằng lạm phát ở Việt Nam trong năm nay có thể ở mức dưới 4%. Nhưng IMF cũng nhấn mạnh “Triển vọng [kinh tế] có thể chịu ảnh hưởng từ các nguy cơ lớn. Các rủi ro ngay lập tức gồm những căng thẳng địa chính trị ngày càng dâng cao và sự phát triển chậm lại của Trung Quốc”.

Rủi ro vĩ mô từ cuộc chiến Ukraine

Việt Nam được dự báo sẽ tiếp tục chịu tác động từ cuộc chiến tranh Ukraine

Trong một dự báo công bố ngày 26/04 từ Ngân hàng Thế giới (WB) thì cuộc chiến tranh Ukraine đã gây nên “một cú sốc hàng hóa lớn nhất” trên thế giới kể từ những năm 1970.

Việc đứt gãy nguồn cung từ cuộc chiến tranh Ukraine sẽ khiến giá hàng hóa tăng vọt từ giá khí đốt tự nhiên, đến lúa mì và bông cotton.

Peter Nagle, tác giả báo cáo của WB nói với BBC rằng “mỗi hộ gia đình trên thế giới đang bắt đầu cảm nhận được những hậu quả kinh tế và nhân đạo rất lớn”.

Các lệnh trừng phạt nặng nề của Phương Tây nhằm vào Nga liên quan đến cuộc chiến Ukraine đang tác động lên nền kinh tế toàn cầu và Việt Nam cũng không thể đứng ngoài cuộc, theo một phân tích trên trang The Diplomat ngày 28/04.

Nga là đối tác thương mại song phương quan trọng của Việt Nam và kim ngạch song phương đã đạt 7,2 tỷ USD trong năm 2021.

Trong lĩnh vực xuất khẩu nông nghiệp thì các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam đã rất lo lắng khi Nga bị loại khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT.

Ngành du lịch Việt Nam cũng bị tổn thất khi Nga là quốc gia có du khách đến Việt Nam đông thứ 6 và ảnh hưởng đáng kể đến kế hoạch mở cửa du lịch hồi tháng 3. Ngoài ra giá xăng dầu tăng cũng ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống người dân Việt Nam. 

Đường tiếp cận ra Biển Đen của Ukraine bị Nga chặn đứng đã làm đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu và ảnh hưởng đến các doanh nghiệp nhập khẩu tại Việt Nam.

Cho đến nay, việc đánh giá toàn diện tác động từ cuộc chiến Ukraine lên nền kinh tế Việt Nam được vẫn còn quá sớm khi cuộc chiến này bước sang tháng thứ tư. 

Thế nhưng Việt Nam đã và đang phần nào gánh chịu những tác động tiêu cực và các rủi ro kinh tế vĩ mô ngày càng tăng, theo The Diplomat. 

Tổng thống Mỹ công bố kế hoạch cho Khuôn khổ Kinh tế Châu Á Thái Bình Dương

23/5/2022

Tổng thống Mỹ công bố kế hoạch cho Khuôn khổ Kinh tế Châu Á Thái Bình Dương

Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Nhật Fumio Kishida tại Tokyo hôm 23/5/2022 

/Reuters 

Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 23/5 công bố kế hoạch Khuôn khổ kinh tế Châu Á Thái Bình Dương Thịnh Vượng (gọi tắt là IPEF) với 13 quốc gia tham gia, nhân chuyến thăm Nhật Bản.

Tổng thống Mỹ chính thức công bố kế hoạch này vào ngày thứ hai ở thăm Nhật trong cuộc nói chuyện với Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida, ngay trước cuộc gặp với các nước trong khối Quad (gồm Nhật Bản, Ấn Độ, Mỹ, Australia) vào ngày 24/5.

13 nước tham gia IPEF gồm: Mỹ, Nhật Bản, Australia, Ấn Độ, Indonesia, New Zealand, Philippines, Singarpore, Hàn Quốc, Thái Lan, Việt Nam.

Khác với Hiệp định Thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) trước đó, IPEF không bắt các nước tham gia phải đàm phán vấn đề thuế quan và tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp cận thị trường, một vấn đề khiến nhiều người Mỹ lo ngại sẽ ảnh hưởng đến việc sản xuất trong nước. Thay vào đó, chương trình tìm cách kết hợp các nước qua các tiêu chuẩn chung được các bên đồng ý trong bốn lĩnh vực gồm: kinh tế kỹ thuật số, dây chuyền cung ứng, hạ tầng cơ sở cho năng lượng sạch, các biện pháp chống tham nhũng.

Các nước tham gia IPEF có GPD chiếm khoảng 40% GDP toàn cầu. Tổng thống Biden nói rằng sẽ có thêm các nước khác sẽ tham gia khuôn khổ này.

Tuy nhiên ông không cho biết khi nào thì IPEF sẽ đi vào hiệu lực.

IPEF được coi như là đối trọng của Mỹ trước sức ảnh hưởng về kinh tế của Trung Quốc ở khu vực Châu Á Thái Bình Dương, nhất là sau khi Mỹ dưới thời của Tổng thống Trump đã rút khỏi TPP hồi năm 2017. Hiệp định này sau đó đổi tên thành Hiệp định Đối tác Tiến bộ và Toàn diện xuyên Thái Bình Dương có hiệu lực từ ngày 20/12/2018 với 11 nước thành viên.

Thủ tướng Nhật Bản cho biết ông hoan nghênh IPEF nhưng đồng thời cho biết có mong muốn Mỹ sẽ tham gia lại vào TPP.

Trung Quốc trong khi đó đã lên tiếng phản đối IPEF và gọi đây là câu lạc bộ đóng với mục đích nhằm tthu hút các nước Đông Nam Á “tách khỏi Trung Quốc”.

Giá xăng tại Việt Nam lập kỷ lục tăng cao mới

23/5/2022

Giá xăng tại Việt Nam lập kỷ lục tăng cao mới

Hình minh họa: Khách mua xăng ở một trạm xăng tại Hà Nội hôm 10/3/2022 /AFP 

Giá một số mặt hàng xăng tại Việt Nam kể từ chiều ngày 23/5 tăng lên mức kỷ lục mới.

Cụ thể, mỗi lít xăng E5 RON 92 tăng 680 đồng, mỗi lít xăng RON 95 tăng 670 đồng. Như vậy, giá xăng RON 95-III đã lập đỉnh mới, lên 30.650 đồng một lít, còn giá xăng E5 RON 92 là 29.630 đồng mỗi lít.

Ngoại trừ xăng RON 95-III, loại phổ biến trên thị trường và được liên Bộ Công Thương – Tài chính điều hành, trên thị trường còn có loại xăng RON 95-IV đáp ứng tiêu chuẩn Euro 4 tại vùng 1 (đô thị, thành phố lớn) lên mức 30.750 đồng một lít; ở vùng 2 (nông thôn, vùng sâu, xa), giá loại xăng này là 31.360 đồng một lít.

Riêng loại xăng RON 95-V (tiêu chuẩn Euro 5) được các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu thông báo giá bán mới vượt 31.000 đồng, ở mức 31.250 đồng một lít.

Lý do giá xăng tăng được Liên Bộ Công Thương – Tài chính Việt Nam nêu ra là vì thị trường xăng dầu thế giới 10 ngày qua có nhiều biến động lớn. Nguồn cung bị ảnh hưởng do cấm vận đối với các sản phẩm dầu mỏ từ Nga, trong khi đó lượng tồn kho dầu thô của Mỹ tiếp tục ở mức thấp.

Giá xăng tăng như vừa nêu, tuy nhiên giá một số mặt hàng dầu tại kỳ điều hành lần này được điều chỉnh giảm 760-1.100 đồng/lít. Theo đó, giá bán đối với mặt hàng dầu diesel 25.550 đồng/lít, dầu hỏa là 24.400 đồng/kg, dầu mazut là 20.590 đồng/kg.

Từ đầu năm 2022 đến nay, xăng dầu tại Việt Nam trải qua 13 lần điều chỉnh giá, trong đó có 10 lần tăng và ba lần giảm.

Tàu Cát Linh- Hà Đông bị dừng đột ngột khi trời mưa

23/5/2022

Tàu Cát Linh- Hà Đông bị dừng đột ngột khi trời mưa

Đoàn tàu Cát Linh – Hà Đông ở Hà Nội /AFP 

Tàu Cát Linh- Hà Đông vào sáng ngày 23/5 và chiều ngày 22/5 phải dừng đột ngột khi trờ đổ mưa.

Tin từ truyền thông Nhà nước Việt Nam ngày 23/5 dẫn xác nhận của ông Vũ Hồng Trường, Tổng Giám đốc Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Một Thành viên Đường sắt Hà Nội (Metro Hà Nội), về thực tế vừa nêu.

Trong khi người dân sử dụng phương tiện này lo lắng về việc tàu dừng đột ngột mà không được thông báo gì, ông Vũ Hồng Trường phát biểu với báo giới là trời mưa làm đường ray trơn trượt và đó là chuyện bình thường.

Ông Trường cho biết khi xảy ra tình trạng nước mưa làm đường ray trơn trượt, Ban Quản lý Metro Hà Nội cho chuyển từ chế độ lái tự động sang lái thủ công.

Hồi đầu tháng 12 năm ngoái, tàu Cát Linh- Hà Đông được cho biết gặp sự cố về tín hiệu khiến không thể hoạt động tại ga Cát Linh hơn nữa tiếng đồng hồ.

Dự án đường sắt Cát Linh- Hà Đông được khởi công vào tháng 10/2011 do Bộ Giao thông- Vận tải làm chủ đầu tư, tổng thầu là công ty của Trung Quốc theo dạng EPC, với mức đầu tư sau điều chỉnh là 868 triệu USD (khoảng hơn 20.000 tỷ đồng).

Tuyến đường sắt này đã gây nhiều bức xúc trong công luận do bị đội vốn lên quá cao (hơn 300 triệu đô la) và đã bị trì hoãn đưa vào sử dụng hơn 10 lần.

Comments are closed.