Tin tức thế giới ngày Thứ ba 07 tháng 9 năm 2021 – Võ Thái Hà tổng hợp


Hàng chục chiến đấu cơ của Trung Quốc xâm nhập không phận Đài Loan

https://news.vietluan.com.au/wp-content/uploads/2021/09/TQ-xam-nhap-taiwan.jpg

Trung Quốc hôm Chủ Nhật (5/9) đã điều động 19 máy bay chiến đấu các loại xâm nhập vào vùng nhận diện phòng không (ADIZ) của Đài Loan, qua đó tiếp tục động thái hung hăng dọa nạt quốc đảo dân chủ. Đáp trả, Đài Loan đã cho phi cơ cất cách để ngăn chặn và triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa để giám sát. Động thái gây hấn của Bắc Kinh nhắm vào Đài Bắc cũng khiến các cựu quan chức và quan chức Mỹ đương nhiệm lập tức bày tỏ thái độ quan ngại.
Máy bay ném bom H-6K và máy bay chiến đấu Su-30 của PLA (Ảnh: PLA)

Theo Bộ Quốc phòng Đài Loan, các máy bay quân sự Trung Quốc xâm nhập ADIZ của quốc đảo dân chủ hôm 5/9 gồm 10 phi cơ chiến đấu đa chức năng J-16, 4 chiến đấu cơ Su-30, 4 oanh tạc cơ H-6, và 1 phi cơ chống hạm Y-8. Đáp trả, Đài Loan đã điều chiến đấu cơ cất cánh để bám theo và triển khai các hệ thống tên lửa để giám sát các máy bay quân sự Trung Quốc.

Đây là ngày thứ ba liên tiếp chế độ Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) quyết định điều động máy bay quân sự xâm nhập ADIZ của Đài Loan. Trong hai ngày trước đó, mỗi ngày Bắc Kinh cử 4 máy bay quân sự bay vào AIDZ của quốc đảo dân chủ.

ADIZ là một khu vực được tuyên bố công khai nằm liền sát không phận của một quốc gia. Trong vùng ADIZ các máy bay nước ngoài phải sẵn sàng gửi nhận diện và vị trí cho quốc gia chủ quản. Khu vực này cho phép một quốc gia có thời gian để đánh giá bản chất của chiếc may bay nước ngoài đang xâm nhập và đưa ra các biện pháp phòng thủ nếu cần.

Trong năm qua, chế độ Trung Quốc đã tiến hành nhiều vụ xâm nhập tương tự, động thái nằm trong nỗ lực của Bắc Kinh nhằm bắt nạt chính phủ dân chủ tại Đài Loan và cưỡng ép công chúng Đài Loan phải chấp nhận các luật lệ của ĐCSTQ. Thời điểm Trung Quốc điều động nhiều máy bay nhất xâm nhập ADIZ của Đài Loan là hôm 15/6, khi đó có tới 28 máy bay quân sự Trung Quốc áp sát không phận của quốc đảo.

Cùng với hành động đe dọa quân sự, Trung Quốc cũng sử dụng truyền thông để hù dọa Đài Loan. Tờ Hoàn cầu Thời báo, cơ quan của ĐCSTQ, mới đây đã cho đăng bài xã luận biện minh cho vụ xâm nhập ADIZ của Đài Loan, gọi đó là “cuộc diễn tập thông thường” và cho thấy “ưu thế vượt trội” của quân đội Trung Quốc so với lực lượng vũ trang của Đài Loan.

Bài viết của Hoàn cầu Thời báo cũng tuyên bố rằng “khoảng cách sức mạnh” giữa hai bờ Eo biển sẽ cho phép những người cộng sản Trung Quốc tại Bắc Kinh bảo vệ được “toàn vẹn lãnh thổ, ngay cả khi lực lượng nước ngoài can thiệp”.

Chế độ Trung Quốc trước nay luôn tìm cách áp đặt luật lệ lên Đài Loan hoặc là thông qua chiến tranh hoặc qua các biện pháp khác để làm xói mòn nền dân chủ của quốc đảo, bởi vì họ coi quốc đảo chỉ là lãnh thổ ngoài khơi xa trực thuộc ĐCSTQ. Nhưng thực tế, Đài Loan là một quốc gia độc lập, có quan hệ ngoại giao chính thức với 15 nước và duy trì các mối quan hệ đối tác không chính thức với nhiều nước khác trong đó có Nhật Bản và Mỹ.

Kinh tế Đức le lói tin vui

Người ta có thể không còn quá lạc quan về nền kinh tế Đức sau khi công bố một cuộc khảo sát vào hôm nay. Chỉ số tâm lý kinh tế ZEW, trong đó thăm dò ý kiến của khoảng 350 chuyên gia thị trường tài chính, đã giảm ba tháng liên tiếp trong mùa hè, và dự kiến sẽ giảm tiếp tháng thứ tư. Nguyên nhân là do lo ngại về làn sóng covid-19 mới và tắc nghẽn chuỗi cung ứng. Dữ liệu cho thấy lạm phát của Đức đã tăng 3,9% trong tháng 8 so với một năm trước đó. Chỉ số nhà quản lý mua hàng tổng hợp, bao gồm cả ngành dịch vụ và sản xuất, cũng giảm từ 62,4 trong tháng 7 xuống 60 vào tháng 8.

Song có một số tin tốt. Hôm qua văn phòng thống kê liên bang cho biết số đơn đặt hàng công nghiệp đã tăng 3,4% trong tháng 7. Còn bộ tài chính tuyên bố nền kinh tế Đức đang trên đà phục hồi mạnh trong quý 3, chủ yếu nhờ nhu cầu tiêu dùng trong nước.

El Salvador công nhận bitcoin làm phương tiện thanh toán

Từ hôm nay, El Salvador sẽ công nhận bitcoin là tiền mặt hợp pháp, trở thành quốc gia đầu tiên công nhận loại tiền điện tử này cho hệ thống thanh toán quốc gia. Tổng thống Nayib Bukele chỉ mới công bố kế hoạch chính thức áp dụng loại tiền này ba tháng trước đây tại một hội nghị bitcoin ở Miami. Để ăn mừng, người dân địa phương và các fan tiền điện tử đã gọi ngày 7 tháng 9 là “B-day”.

Luật mới cho phép sử dụng bitcoin để trả thuế và trả nợ. Nó cũng sẽ buộc các doanh nghiệp phải chấp nhận thanh toán bằng bitcoin. Để chuẩn bị, nước này đang tung ra ví bitcoin kỹ thuật số của riêng mình mang tên “Chivo” (tiếng lóng của “ngầu”), mà người dân Salvador có thể dùng để giữ và trao đổi bitcoin. Hiện họ đã lắp đặt khoảng 200 máy rút tiền có thể đổi tiền mặt ra bitcoin.

Song nhiều doanh nghiệp ở thủ đô San Salvador dường như không được chuẩn bị. Ba phần tư số người Salvador được thăm dò ý kiến vào tháng 7 tỏ ra hoài nghi về việc triển khai trong khi hai phần ba không muốn chấp nhận thanh toán bằng bitcoin.

Tiếp tục kiện tụng về đại dịch opioid ở Mỹ

Các hãng dược và nhà phân phối đang đối mặt hàng nghìn vụ kiện liên quan đến đại dịch opioid của Mỹ, vốn khiến hơn nửa triệu người thiệt mạng. Một số vụ kiện này tưởng như đã khép lại vào hôm 4 tháng 9 khi ba trong số các nhà phân phối lớn nhất và Johnson & Johnson đồng ý bồi thường 26 tỷ đô la cho 42 tiểu bang.

Tuy nhiên, bang Washington phản đối, vì cho rằng phải được nhận nhiều hơn so với mức 527,5 triệu đô la trong thỏa thuận. Hôm nay, tại một phòng xử án ở Seattle, các đại diện của bang sẽ tố cáo các nhà phân phối — McKesson, Cardinal Health và AmerisourceBergen — xử lý đơn đặt hàng opioid hàng loạt từ các hiệu thuốc mà không điều tra hoặc báo cáo nghi ngờ, do đó đã phạm luật. (Họ phủ nhận cáo buộc.) Kết quả là cứ bốn người dân thì có một người có ít nhất một đơn thuốc opioid vào năm 2014, và có hơn 8.000 người đã chết trong khoảng thời gian từ năm 2006 đến năm 2017. “Làm sao CEO của các công ty này có thể ngủ ngon khi đêm xuống?” tổng chưởng lý bang đã bình luận như vậy khi thông cáo tiến hành vụ kiện.

Nền kinh tế Nam Phi phục hồi yếu

Đây đáng lẽ là năm mà nền kinh tế Nam Phi phục hồi sau khi suy thoái 7% trong đại dịch vào năm 2020. Các nhà kinh tế dự đoán GDP tăng từ 4% đến 4,5% trong năm 2021, tỉ lệ cao nhất mười năm qua. Song họ có thể thất vọng khi công bố số liệu GDP quý hai vào hôm nay. Phong tỏa và thiếu khách du lịch chính là nguyên nhân.

Chưa hết, Nam Phi còn chìm trong bạo loạn vào tháng 7 sau vụ tống giam cựu Tổng thống Jacob Zuma vì ông này không làm theo lệnh của Tòa án Hiến pháp yêu cầu ông ra trình diện cho một vụ điều tra tham nhũng. Chỉ riêng bất ổn xã hội đã có thể làm giảm gần 1% sản lượng kinh tế hàng năm. Trong khi đó, những người ủng hộ ông Zuma sẽ ăn mừng ông được ra tù sớm trong tuần này vì lý do sức khỏe kém, một tuyên bố bị nhiều người coi là đáng ngờ.

Dân biểu Hoa Kỳ: Có ít nhất 500 người Mỹ vẫn mắc kẹt ở Afghanistan

https://news.vietluan.com.au/wp-content/uploads/2021/09/Darrell-Issa.jpg

Dân biểu Cộng hòa Darrell Issa (tiểu bang California) cho biết, có khả năng còn khoảng 500 người Mỹ vẫn mắc kẹt tại nước này, cao hơn so với con số ước tính của các quan chức Nhà Trắng. Hiện văn phòng của ông Issa vẫn đang nỗ lực để sơ tán hai công dân Mỹ cao tuổi rời khỏi Afghanistan.

Khi xác nhận con số này, ông Issa trao đổi với The Associated Press (AP): “Trừ khi chúng ta tiếp tục đưa những công dân Mỹ còn lại của mình và tất cả những người đủ điều kiện ra ngoài [Afghanistan], nếu không chúng ta sẽ không hoàn thành nhiệm vụ của mình.”

Khi tính luôn các thành viên gia đình của những công dân Mỹ, Dân biểu Issa ước tính số người mắc kẹt tại Afghanistan có thể lên tới 1.000 người.

Dân biểu Cộng hòa Don Bacon (tiểu bang Nebraska) cũng nói với hãng tin này, chính quyền Biden cần phải cung cấp con số đầy đủ những người bị bỏ lại tại quốc gia Nam Á này.

Ông lưu ý: “Vấn đề là, nó [con số ước tính] không bao gồm các [thành viên] gia đình. Họ đang làm thấp các con số.”

Hôm 5/9, Chánh văn phòng Nhà Trắng Ron Klain tiết lộ với CNN, còn khoảng 100 người Mỹ vẫn mắc kẹt ở tại Afghanistan. Trong khi đó hồi tuần trước, Tổng thống Joe Biden tuyên bố còn khoảng 100 đến 200 công dân Mỹ vẫn kẹt lại tại nước này. Chuyến bay sơ tán quân sự cuối cùng của Hoa Kỳ đã được thực hiện từ sân bay Kabul cách đây một tuần, chính thức kết thúc sự can dự quân sự kéo dài 20 năm của Hoa Kỳ tại quốc gia Nam Á này.

Ông Klain, cấp phó hàng đầu của ông Biden khẳng định CNN: “Chúng tôi tin còn khoảng 100 người. Chúng tôi thường xuyên liên lạc với tất cả những người mà chúng tôi đã xác định được.”

Ông cho biết thêm, một số công dân Hoa Kỳ và công dân Afghanistan đang “rời khỏi” Afghanistan bằng cách di chuyển “bằng đường bộ”.

Ngoài ra, Nhà Trắng cũng đang “tiếp tục nỗ lực đưa họ ra ngoài bằng đường hàng không. Chúng tôi sẽ tiếp tục đưa những người [có Thị thực Nhập cư Đặc biệt] ra khỏi nước này.”

Không chỉ có Dân biểu Issa, một số tổ chức giải cứu do cựu binh dẫn đầu cũng nói với AP rằng con số ước tính chưa đến 200 người Mỹ bị bỏ lại ở Afghanistan là quá thấp.

Ông Mike Jason, người điều hành một chiến dịch giải cứu có tên Allied Airlift 21 nhận định, ông tin con số [thực tế] cao hơn nhiều. Ông cho rằng con số ước tính cũng sai lầm vì nó không bao gồm các thành viên gia đình của những người Mỹ bị mắc kẹt ở đó.

Ông Alex Plitsas, một cựu chiến binh trong Chiến tranh Iraq và là thành viên của mạng lưới giải cứu có tên Digital Dunkirk cũng cho biết, đầu tuần này, chỉ trong một ngày, ông đã nhận được cuộc gọi của sáu người Mỹ mắc kẹt tại nước này và không có ai đăng ký với Đại sứ quán Hoa Kỳ.

Trước khi chính phủ và quân đội Afghanistan sụp đổ hoàn toàn và Taliban nắm quyền kiểm soát đất nước, các quan chức Nhà Trắng ước tính rằng có khoảng 10.000 đến 15.000 người Mỹ ở tại quốc gia này. Tuần trước, Tổng thống đã thông báo rằng hơn 120.000 người, bao gồm cả người Mỹ và người Afghanistan, đã được sơ tán khỏi sân bay Kabul.

Nhật Minh (Theo AP)

Myanmar: Chính phủ đối lập kêu gọi nổi dậy chống lại sự cai trị của quân đội 

Reuters 

Binh sĩ Myanmar ở Yangon.

Binh sĩ Myanmar ở Yangon. 

Hôm 7/9, Chính phủ đối lập ở Myanmar, do những người phản đối sự cai trị của quân đội thành lập, kêu gọi nổi dậy chống lại chính quyền, đề ra một chiến lược bao gồm hành động của các lực lượng dân quân và dân tộc vũ trang, đồng thời kêu gọi các quan chức từ nhiệm, theo Reuters.

Ông Duwa Lashi La, quyền chủ tịch của Chính phủ Thống nhất Quốc gia, cho biết trong một bài phát biểu rằng chính phủ đối lập, bao gồm các thành viên lưu vong hoặc ẩn náu, đã ban bố tình trạng khẩn cấp.

Quân đội Myanmar đã lật đổ chính phủ dân cử của bà Aung San Suu Kyi vào ngày 1/2, gây ra làn sóng phản đối của những người ủng hộ dân chủ và hàng trăm người đã chết khi bị các lực lượng an ninh trấn áp và dập tắt biểu tình chống đối.

Một số người chống đối sự cai trị của quân đội đã thành lập các nhóm vũ trang, dưới ngọn cờ của Lực lượng Phòng vệ Nhân dân, và liên minh với một số dân quân dân tộc từ lâu đã coi quân đội Myanmar là kẻ thù của họ.

Trong tuyên bố phát động “cuộc chiến tranh phòng vệ”, ông Duwa Lashi La kêu gọi một “cuộc nổi dậy chống lại sự thống trị của những kẻ khủng bố quân sự do Min Aung Hlaing cầm đầu ở mọi nơi trên đất nước.”

Ông Min Aung Hlaing vào tháng trước đã đảm nhận vai trò thủ tướng trong một chính phủ mới được thành lập và cam kết tổ chức các cuộc bầu cử mới vào năm 2023.

Nhà sư Myanmar Ashin Wirathu.

Nhà sư Myanmar Ashin Wirathu. 

Cũng theo Reuters, nhà chức trách quân sự Myanmar đã trả tự do cho ông Ashin Wirathu, một nhà sư Phật giáo theo chủ nghĩa dân tộc, sau khi đưa ra cáo buộc “kích động thù hận”.

Nhà sư Wirathu từng nổi tiếng chống người Hồi giáo thiểu số, đặc biệt là cộng đồng Rohingya, và ông cũng từng chỉ trích chính phủ dân sự và việc ủng hộ quân đội của bà Suu Kyi.

Ông Wirathu đã tự thú vào tháng 11 năm ngoái sau hơn một năm lẩn tránh các cáo buộc, có án tù lên đến ba năm vì các hành vi kích động “thù hận hoặc khinh thường” hoặc gây bất bình chống lại chính phủ.

Người phát ngôn quân đội Myanmar nói với báo chí hôm 6/9 rằng đã hủy cáo trạng đối với nhà sư.

“Chính quyền khu vực Yangon đã đóng hồ sơ và ông ấy được tự do từ tối hôm nay nhưng ông đang phải nhập viện tại bệnh viện quân đội”, ông Zaw Min Tun nói.

Ông Wirathu là người nổi bật nhất trong số các nhà sư theo chủ nghĩa dân tộc có sức mạnh chính trị ngày càng tăng ở Myanmar trong những thập kỷ gần đây.

Hoa Kỳ sẽ thực hiện các chuyến bay thuê bao tại Afghanistan 

Reuters 

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken.

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken. 

Hôm 7/9, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken cho biết Hoa Kỳ đang làm việc để đảm bảo các chuyến bay thuê có thể rời Afghanistan an toàn, theo Reuters.

Phát biểu tại Qatar trong một cuộc họp báo cùng với Ngoại trưởng Qatar Sheikh Mohammed bin Abdulrahman Al Thani và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin, Ngoại trưởng Blinken cho biết các quan chức Taliban đã nói với phía Mỹ rằng họ sẽ để những người có giấy tờ thông hành tự do rời khỏi Afghanistan.

Cũng theo Reuters, Ngoại trưởng Blinken cho biết Washington đã xác định một số “tương đối nhỏ” người Mỹ đang tìm cách rời khỏi thành phố Mazar-i-Sharif ở Afghanistan.

Ông Blinken nói rằng thách thức với các chuyến bay thuê chuyến sơ tán là một số người Afghanistan đang tìm cách rời đi nhưng không có giấy tờ hợp lệ.

Tags: , , , , ,

Comments are closed.