Archive for August 1st, 2023


Hệ điều hành “Windows” hoặc là chết…

Tuesday, August 1st, 2023

BM B’Krông – 01/8/2023

Không cần phải hiểu biết quá sâu về công nghệ, người ta cũng nhận thức được rằng, một cỗ máy vi tính sẽ không thể hoạt động được nếu không có hệ điều hành. Trong thế giới công nghệ, cho đến hôm nay, đã xuất hiện nhiều hệ điều hành khác nhau dành cho máy vi tính như Windows, Linux, OS X, Chrome OS… trong đó, Windows của Microsoft là hệ điều hành thông dụng và nổi trội nhất vì tính ổn định và hiệu quả của nó.

(more…)

Chuyện Việt Nam Thứ Ba 01 tháng 8 năm 2023: *Nông dân miền Tây đang trúng mùa sau nhiều năm *Nước sông Đồng Nai và La Ngà dâng cao, 2000 tấn cá bị mất *An Giang, Sóc Trăng mưa nhiều, lúa, hoa màu bị hư hại *Âm mưu chia rẽ về Biển Đông *Ba người tại Sóc Trăng, Trà Vinh bị bắt vì “chống Nhà nước” *Ban nhạc Blackpink ‘gây bão’ tại Việt Nam

Tuesday, August 1st, 2023

Quê Hương tổng hợp

Nông dân miền Tây đang trúng mùa, trúng giá lúa

Hồng Dân/VNTB

01/8/2023

VNTB – Nông dân miền Tây đang trúng mùa, trúng giá lúa

Đây là điều hiếm hoi suốt nhiều năm qua khi giá vụ mùa năm nay cao đến cuối vụ, nông dân phấn khởi, bạn hàng cân dễ dàng, nhiều thương lái thu mua hơn…

Tại Cần Thơ, hàng chục ngàn ha lúa thu đông ở huyện Thới Lai, Cờ Đỏ, Vĩnh Thạnh, đang giai đoạn làm đòng. Giá lúa ở mức cao từ đầu năm đến nay và liên tục tăng mấy ngày qua khiến nhiều nông dân rất… hào hứng.

Ông Nguyễn Văn Thành ở xã Trung Thạnh, huyện Cờ Đỏ, cho biết hiện 2 ha lúa thu đông của gia đình đang trổ bông, khoảng 40 ngày sau mới thu hoạch, dự kiến sản lượng khoảng 9 tấn mỗi ha. “Lúa đang trổ bông nhưng thương lái đã đến hỏi mua”, ông nói.

Lúa hạt dài vụ Đông Xuân trước, thương lái đang lùng sục mua giá 9.000 đồng mỗi kg.

Cánh đồng lúa huyện Tri Tôn, ở tỉnh An Giang, đang vào vụ thu hoạch với giá bán lúa OM 5651 từ 6.800 đồng một kg, trong khi OM 18 từ 7.050-7.100 đồng mỗi kg, tăng khoảng 500 đồng so với vụ trước. Nông dân Nguyễn Văn Hào, xã Tấn Tuyến, cho biết 3 ha lúa của gia đình sắp thu hoạch nhưng chưa vội nhận cọc bán lúa, ước chừng giá tăng tiếp.

Tuy nhiên vẫn đang có khuyến cáo là khi giá lúa cao, người dân sẽ gia tăng diện tích, kéo theo sản lượng tăng, đầu vào sử dụng phân bón, thuốc… cũng nhiều hơn. Sau một thời gian giá lúa sẽ bình thường trở lại, lúc này, sản lượng lại quá lớn, đi tìm nguồn cung sẽ rất vất vả.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp đang khuyến cáo, người dân không nên ào ạt xuống giống lúa vụ 3 ở những vùng đất không thuận lợi, nguy cơ bị ngập úng. Thay vào đó nông dân trồng rau màu, nuôi trồng thuỷ sản vẫn cho thu nhập cao, lại ít rủi ro.

Theo Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ, ngày 20-7-2023, Tổng cục Ngoại thương, cơ quan thuộc Bộ Công Thương Ấn Độ đã ra Thông báo số 20/2023 về việc cấm xuất khẩu tất cả các loại gạo tẻ thường, quyết định này có hiệu lực ngay lập tức.

Một số trường hợp được tiếp tục xuất khẩu gồm lô hàng bắt đầu đưa lên tàu trước thời điểm thông báo; các lô hàng đã có hóa đơn vận tải đã được điền, con tàu đã cập cảng Ấn Độ và thứ tự bốc hàng lên tàu đã được cấp; lô hàng đã được chuyển cho Hải quan trước khi thông báo và đã được đăng ký trên hệ thống hải quan điện tử hoặc lô hàng đã đưa vào kho hải quan để xuất khẩu trước thời điểm thông báo.

Thời điểm xuất khẩu các lô hàng này là đến 31-8-2023; lô hàng được xuất khẩu theo giấy phép của Chính phủ Ấn Độ tới các quốc gia nhằm đáp ứng nhu cầu an ninh lương thực và dựa trên đề nghị của Chính phủ nước đó.

“Lệnh cấm xuất khẩu này kéo dài hay không phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Thứ nhất phụ thuộc vào sản lượng diện tích gieo trồng vụ Hè Thu. Thứ hai phụ thuộc vào chỉ số giá bán lẻ, chỉ số giá tiêu dùng các mặt hàng lương thực nói chung, trong đó có mặt hàng lúa gạo. Thứ ba là các yếu khách quan khác.

Chính phủ Ấn Độ có thể cho phép xuất khẩu qua hình thức giữa chính phủ với chính phủ. Đối với việc đảm bảo an ninh lương thực cho một số nước Chính phủ Ấn Độ có thể xem xét áp dụng việc này”, ông Bùi Trung Thướng, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Ấn Độ, cho biết.

Số liệu từ Bộ Công Thương Ấn Độ cho thấy, trong tháng 5-2023, Việt Nam nhập khẩu khối lượng gạo kỷ lục từ Ấn Độ, đạt khoảng 101.000 tấn, tăng 56,64% so với tháng 5 năm 2022, vươn lên đứng thứ 4 trong số các nước nhập khẩu gạo Ấn Độ tính về khối lượng.

Trong 5 tháng đầu năm nay, Việt Nam nhập khẩu 367,5 ngàn tấn gạo Ấn Độ, tăng 31,76% so với cùng kỳ, đứng thứ 8 trong số các nước nhập khẩu gạo Ấn Độ. Việt Nam nhập gạo từ Ấn Độ về để làm nguyên liệu sản xuất bánh, bún, thức ăn chăn nuôi…

Tính đến nay, khu vực đồng bằng sông Cửu Long mới chỉ thu hoạch khoảng 80% so với cùng kỳ, tập trung tại các tỉnh Long An, Đồng Tháp và Vĩnh Long. Vì vậy, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) nhận định sản lượng lúa thu hoạch trong thời gian tới dự kiến sẽ còn dư địa gia tăng mạnh khi vụ Hè Thu đạt điểm rộ nhất rơi vào tháng 8.

VFA cho rằng các doanh nghiệp nên mua vào hỗ trợ người nông dân và hạn chế bán ra.

Hiện nay nhiều đại lý, cửa hàng gạo tại TP.HCM cho biết, giá gạo bán lẻ hiện tăng từ 500-1.000 đồng/kg (tùy loại) do giá từ nguồn cung tăng.


Nước sông Đồng Nai và La Ngà dâng cao, ngư dân mất hơn 2,000 tấn cá

Lê Thiệt /SGN
31/7/2023

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/07/04-dong-nai-la-nga-1.jpg

Người dân di dời bè nuôi cá đến nơi an toàn để tránh bị ngập lụt ảnh hưởng – Ảnh: Tuổi Trẻ 

Theo tin từ Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Định Quán (Đồng Nai) vào tối 31 Tháng Bảy, mưa lớn khiến sông Đồng Nai và sông La Ngà dâng cao gây ngập lụt nhiều nơi, khiến hơn 2,000 tấn cá lồng bè bị chết hoặc trôi theo con nước.

Riêng tại huyện Định Quán xảy ra ngập nặng tại một số khu vực trũng của các xã Phú Vinh, Thanh Sơn, Ngọc Định, Phú Hòa và Gia Canh. Lũ xuất hiện với cường độ lớn (vượt báo động 3) gây thiệt hại kinh tế cho người dân hơn 20 tỉ đồng.

Xã Phú Vinh bị thiệt hại nặng nhất với 112 bè, lồng nuôi cá của 15 gia đình có tới 1,000 tấn cá bị chết hay thoát ra sông.

Tại huyện Tân Phú, nhiều xã dọc sông Đồng Nai cũng bị ngập lụt do nước sông dâng cao. Thống kê ban đầu, 35 hộ dân bị ngập, 282.5 ha lúa, hoa màu, cây ăn trái bị ngập úng, 180 tấn cá lồng bè ở xã Phú Thịnh bị thiệt hại… May mắn không có thương vong về người.

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/07/04-dong-nai-la-nga-2.jpg

Hơn 1,800 tấn cá lồng bè chết hoặc thoát ra ngoài tự nhiên do ngập lụt – Ảnh: Tuổi Trẻ 

Sau khi có cảnh báo thiên tai xảy ra, lực lượng chức năng huyện Định Quán và huyện Tân Phú đã di dời người và tài sản trong khu vực nguy cơ đến nơi an toàn. Yêu cầu các gia đình nuôi cá di chuyển lồng bè neo đậu vào các vị trí an toàn nhằm hạn chế thiệt hại.

Trong khi đó, mực nước tại trạm Phú Hiệp (sông La Ngà) đang tiếp tục lên, cao hơn mức báo động 2 và đạt đỉnh vào ngày 1 hoặc 2 Tháng Tám.


An Giang, Sóc Trăng: Mưa trắng trời, hàng ngàn hecta lúa, hoa màu bị hư hại

Theo tin từ Chi cục Thủy lợi tỉnh An Giang, khoảng 4:00 ngày 30 Tháng Bảy, toàn tỉnh An Giang xảy ra mưa lớn kèm theo giông, lốc đã làm thiệt hại nhà cửa và gây ngập úng lúa, hoa màu của người dân và các trục lộ giao thông trên địa bàn huyện: Tri Tôn, Thoại Sơn, Châu Phú và thị xã Tịnh Biên.

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/07/04-dong-nai-la-nga-3.jpg

Toàn bộ lúa của nông dân thị trấn Ba Chúc, huyện Tri Tôn, An Giang bị đổ ngã sau cơn mưa lớn chiều 30 Tháng Bảy- Ảnh: Tuổi Trẻ 

Toàn tỉnh có 38 căn nhà sập và tốc mái, uớc tổng thiệt hại trên 625 triệu đồng. Về lúa và hoa màu, theo thống kê ban đầu, chỉ riêng ngày 30 Tháng Bảy, đã có hơn 4,000 ha bị ngập úng, chưa rõ thiệt hại bao nhiêu.

Trong khi đó tại Sóc Trăng, vào sáng 31 Tháng Bảy, mưa lớn kèm gió mạnh đã làm ba căn nhà ở thị trấn Lịch Hội Thượng, huyện Trần Đề bị sập hoàn toàn và tốc mái 27 căn, trong đó có ba người bị thương.

Ngoài ra, mưa gió trong sáng nay cũng làm nhiều căn nhà ở thị xã Vĩnh Châu, huyện Thạnh Trị bị tốc mái và sập.

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/07/04-dong-nai-la-nga-4.jpg

Hiện trường vụ sập nhà tại Sóc Trăng sáng 31 Tháng Bảy – Ảnh: Tuổi Trẻ 

Theo ông Phạm Tấn Đạo – Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Sóc Trăng, do ảnh hưởng mưa, giông lốc trong một tuần qua, đã có 218 căn nhà ở Sóc Trăng bị sập, tốc mái; một trường học, một nhà kho và một cơ sở sản xuất kinh doanh bị ảnh hưởng; nhiều cây xanh bị đổ ngã.

Đáng chú ý có 83 đoạn đường bê tông, đê biển, bờ bao với chiều dài 1,657 mét bị sạt lở, ước tổng thiệt hại trên 22 tỉ đồng.


Âm mưu chia rẽ về Biển Đông – Đặng Sơn Duân

01/8/2023

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2023/08/32.jpeg

Ảnh: Phillipine Star 

Sáng nay, tại Philippines đã nổ ra cuộc biểu tình trước Đại sứ quán Việt Nam. Theo tờ Manila Bulletin, một số nhân vật thuộc nhóm Makabansa đã tập hợp trước đại sứ quán lên án cái gọi là hoạt động quân sự hóa của Việt Nam ở Biển Đông và kêu gọi Việt Nam ngừng đánh bắt cá ở quần đảo Trường Sa mà họ gọi là Kalayaan.

Đây không phải là một cuộc biểu tình bất chợt mà nhiều khả năng là một vụ giật dây do “bàn tay vô hình” nào đó đạo diễn.

Âm mưu này bắt đầu từ khi tờ Manila Times ngày 16.7 đăng bài viết về hoạt động xây cất của Việt Nam ở quần đảo Trường Sa, sử dụng cái gọi là tài liệu bị rò rỉ từ phía Việt Nam.

Đến ngày 27.7, tờ báo này tiếp tục đăng thêm một bài viết chi tiết, với nhiều thông tin hết sức cụ thể về kế hoạch xây dựng, phát triển cũng như bố phòng của Việt Nam, dựa vào các nguồn tài liệu mật chưa thể kiểm chứng tính xác thực.

Bề ngoài có vẻ như những thông tin này đã kích động cuộc biểu tình diễn ra sáng nay. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của tôi, đằng sau các sự việc này có thể là một âm mưu được tính toán kỹ lưỡng từ phía mà ai cũng biết là ai đó.

Cụ thể, một “nguồn tin” trong thời gian qua đã chủ động tiếp xúc với báo chí Philippines đề nghị cung cấp “các tài liệu mật”, cũng như tóm tắt nội dung các tài liệu, với các điểm đáng chú ý.

Về hình thức, các tài liệu có vẻ như giống với tài liệu thật, dù không loại trừ khả năng nó được chèn vào các thông tin giả, hoặc ít nhất nếu làm giả thì những kẻ đứng sau hết sức chuyên nghiệp và tinh vi.

Việc bài báo xuất hiện trên tờ Manila Times gợi ý có thể có các nhân tố Trung Quốc ở đằng sau, đặc biệt trong việc thu thập tài liệu, bởi tờ Manila Times có tiếng là thân Trung Quốc.

Tuy nhiên, vì Manila Times là tờ báo được xếp vào hàng “cơ quan ngôn luận của Bắc Kinh”, đặc biệt về vấn đề Biển Đông, nên không tạo ra được hiểu ứng lan tỏa. Vấn đề bị chìm đi sau đó không lâu sau bài báo đầu tiên, nên cái gọi là “nguồn tin” đã cố gắng tiếp xúc với những tờ báo lớn hơn ở Philippines để mớm và thúc đẩy vấn đề này, nhằm mục đích tiếp tục làm nóng, tạo ra dư luận lớn hơn, nhưng bất thành.

Vì thế, đến ngày 27.7, tờ báo này tiếp tục chạy một bài nặng đô hơn. Và cuộc biểu tình nổ ra đã làm vấn đề này trở nên được quan tâm hơn. Không loại trừ khả năng cả cuộc biểu tình này cũng đã được hoạch định trong âm mưu đó. Vì dù các tờ báo khác ở Philippines có bỏ qua “các tài liệu mật” thì vụ biểu tình cũng đã thu hút chú ý của dư luận.

Mục đích của âm mưu này không ngoài việc rêu rao hoạt động xây đảo của Việt Nam, xem Việt Nam là kẻ gây hấn lớn ở quần đảo Trường Sa, chia rẽ Việt Nam với Philippines, Malaysia, cũng như hướng dư luận Philippines có thái độ không thân thiện với Việt Nam trong vấn đề Biển Đông, phá hoại sự đoàn kết trong ASEAN.

Việc Việt Nam có tranh chấp với các nước khác ở Trường Sa là một thực tế. Song Makabansa không hẳn đại diện cho người Philippines. Nếu chúng ta vội vã lao vào một cuộc cãi vã và đấu khẩu với phía bạn, thì có thể sẽ mắc mưu chính những kẻ giật dây.


Ba người tại Sóc Trăng, Trà Vinh bị bắt theo cáo buộc chống Nhà nước

01/8/2023

Ba người tại Sóc Trăng, Trà Vinh bị bắt theo cáo buộc chống Nhà nước

Công an hai tỉnh Sóc Trăng và Trà Vinh khởi tố và bắt giam Thạch Cương 

https://www.rfa.org/++plone++rfa-resources/img/icon-zoom.pngCAND 

Ba ông Danh Minh Quang, Thạch Cương và Tô Hoàng Chương vào ngày 31/7 bị Công an hai tỉnh Sóc Trăng và Trà Vinh khởi tố và bắt giam theo cáo buộc “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” theo Điều 331 Bộ luật Hình sự Việt Nam.

Công an hai tỉnh ở khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long gồm Sóc Trăng và Trà Vinh cho truyền thông Nhà nước biết như vừa nêu. Cụ thể người bị bắt và khởi tố tại Sóc Trăng là ông Danh Minh Quang- sinh năm 1987, ngụ tại ấp Đại Nghĩa Thắng, xã Đạo Tâm, huyện Mỹ Xuyên; còn tại Trà Vinh gồm hai người là Thạch Cương- sinh năm 1987 và Tô Hoàng Chương- sinh năm 1986, đề ngụ tại ấp Lạc Sơn, xã Thạch Hòa Sơn, huyện Cầu Ngang.

Công an hai tỉnh Sóc Trăng và Trà Vinh chỉ cho biết biện pháp bắt giữ và khởi tố ba người vừa nêu xuất phát từ nguồn tin phản ánh của người dân về việc trên địa bàn hai địa phương vừa nêu gần đây xuất hiện nhiều người bị cho là “lợi dụng quyền tự do ngôn luận để đăng tải, chia sẻ trên mạng xã hội nhiều bài viết, video có nội dung tuyên truyền, xuyên tạc, không đúng sự thật, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, gây ảnh hưởng xấu trong dư luận xã hội và tình hình an ninh, trật tự ở địa phương”.

Một trong ba người vừa bị khởi tố và bị bắt là ông Tô Hoàng Chương, người hôm 28/6 cho Đài Á Châu Tự do biết ông  bị Công an tỉnh Sóc Trăng chặn xe, đánh đập sau khi đi thăm một người bạn tại xã Mỹ  Tâm, huyện Mỹ Xuyên về.

Ông Tô Hoàng Chương cho biết ông từng đi phát sách Tuyên ngôn của Liên Hiệp Quốc về quyền của các dân tộc bản địa.

Vào ngày 25/6, Liên minh Người Khmers Kampuchea Krom (KKF) có trụ sở ở Hoa Kỳ ra thông cáo báo chí lên án Công an tỉnh Sóc Trăng về “hành vi đối xử tàn bạo và vô nhân đạo” đối với ông Tô Hoàng Chương.


Blackpink ‘gây bão’ tại Việt Nam sau khi suýt bị cấm cửa vì bản đồ và tác quyền 

31/7/2023 – VOA Tiếng Việt 

Xe buýt với hình ảnh quảng bá cho show diễn của nhóm nhạc Hàn Quốc Blackpink tại Hà Nội hôm 28/7. Hàng chục nghìn khán giả đã tới xem 2 buổi diễn của nhóm nhạc nữ K-Pop tại sân Mỹ Đình hôm 29-30/7.

Xe buýt với hình ảnh quảng bá cho show diễn của nhóm nhạc Hàn Quốc Blackpink tại Hà Nội hôm 28/7. Hàng chục nghìn khán giả đã tới xem 2 buổi diễn của nhóm nhạc nữ K-Pop tại sân Mỹ Đình hôm 29-30/7. 

Ban nhạc nữ nổi tiếng nhất toàn cầu Blackpink cuối cùng đã có hai đêm diễn ở Việt Nam trước hàng chục nghìn khán giả trẻ cuồng nhiệt K-Pop ở quốc gia Đông Nam Á sau khi đối mặt với nguy cơ bị cấm diễn vì hình ảnh bản đồ và vấn đề tác quyền.

Những hình ảnh trên truyền thông Việt Nam cho thấy ban nhạc Hàn Quốc với 4 thành viên nữ đã có hai buổi diễn cuối tuần qua tại sân vận động Mỹ Đình chật cứng khán giả, trong đó có những người bỏ ra hàng chục triệu đồng để được xem các thần tượng K-Pop của họ diễn.

Nhưng chỉ vài tuần trước đó, nhiều người ở Việt Nam đã đòi tẩy chay nhóm nhạc Hàn Quốc vì trên trang web của công ty tổ chức (IME) có bản đồ đường lưỡi bò – còn được gọi là đường chín đoạn mà Trung Quốc đơn phương đưa ra cho yêu sách chủ quyền gần toàn bộ Biển Đông trồng chéo lên các tuyên bố chủ quyền của Việt Nam. Ngay trước đó, Việt Nam tuyên bố cấm chiếu bộ phim Barbie của Mỹ vì có cảnh với hình ảnh bản đồ đường chín đoạn.

Sau khi người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam nói “việc quảng bá, sử dụng các ấn phẩm, sản phẩm có đường chín đoạn là vi phạm và không thể chấp nhận tại Việt Nam” thì công ty IME đã đưa ra lời xin lỗi đến khán giả Việt Nam cho sự cố mà họ gọi là “sự hiểu lầm đáng tiếc.”

Không chỉ có vậy, trước ngày nhóm nhạc đến Việt Nam, Trung tâm Bảo vệ Quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam hôm 27/7 đã đề nghị UBND thành phố Hà Nội và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch của thành phố thu hồi giấy phép đêm diễn của Blackpink sau khi nhận được yêu cầu từ phía Hàn Quốc.

Tuy nhiên nhóm nhạc sau đó vẫn được phép biểu diễn ở Việt Nam và theo Dân Trí, hàng nghìn fan hâm mộ hôm 28/7 đổ về sân bay Nội Bài ở Hà Nội để đón 4 cô gái của Blackpink, hiện đang là nhóm nhạc nữ được nghe tải trực tuyến nhiều nhất trên thế giới.

Đây không phải là lần đầu tiên các khán giả trẻ Việt Nam được đón thần tượng âm nhạc của Hàn Quốc tới biểu diễn, nhưng Blackpink là nhóm nhạc đương thời nổi tiếng đầu tiên đến quốc gia Đông Nam Á, nơi văn hóa Hàn Quốc – như phim ảnh và mỹ phẩm – và đặc biệt là K-Pop được rất ưa chuộng.

Một khán giả 22 tuổi từ Bình Dương nói với Dân Trí rằng anh đã chi gần 20 triệu đồng mua hạng vé VIP – có giá gốc 9,8 triệu đồng – để được xem đêm diễn Born Pink của nhóm nhạc Hàn Quốc, trong khi mức thu thập bình quân đầu người ở Việt Nam chưa đến 5 triệu đồng/tháng.

Theo ghi nhận của Tiền Phong, 30.000 khán giả đã đã về sân Mỹ Đình để xem show diễn đầu tiên của Blackpink và mô tả sân vận động, vốn được dùng để tổ chức các trận bóng đá quốc gia và quốc tế, “chưa bao giờ đông đến thế.”

Tuy nhiên, cũng có người bày tỏ lo ngại đối với sự cuồng nhiệt của giới trẻ Việt Nam dành cho các idol âm nhạc khi cho rằng họ có thể khóc vì hâm mộ thần tượng mà dửng dưng trước những bất công trong xã hội.

Một người dùng Facebook tên Hoa Kim Ngo đặt câu hỏi: “Có bao nhiêu trong những bạn trẻ này rơi nước mắt khi nhìn thấy cảnh đau thương mà hàng ngày vẫn xảy ra với đồng bào mình?”

Một Facebooker khác thì cho rằng “Tuổi trẻ trên thế giới họ cũng yêu nhạc yêu nhóm nhưng họ yêu đất nước mình trước, họ không làm ngơ trước sự tồn vong của đất nước họ, họ yêu trẻ em cơ nhỡ mồ côi, họ yêu sự nghèo đói của đồng bào mình.” Người dùng có tên Nguyễn Duy Tài Em còn đưa ra so sánh khi viết: “Nhìn tuổi trẻ Hồng Kông người ta cũng khóc nhưng khóc cho lý tưởng khóc cho sự tự do tồn vong của tổ quốc.”

Một quan ngại khác là ý thức của những người trẻ Việt Nam về việc xả rác tại sân vận động sau khi xem nhóm nhạc trình diễn. Theo ghi nhận của Tiền Phong, sân Mỹ Đình “bội thực” rác sau đêm diễn của Blackpink với rác thải nhựa, vỏ chai nước, áo mưa tiện lợi… bị vứt tràn lan khắp nơi trong và ngoài sân Mỹ Đình. 

Trong khi đó đối với các lãnh đạo Việt Nam, việc Blackpink tới đây biểu diễn được xem là một “liều doping” cho du lịch của quốc gia Đông Nam Á, vì theo Vietnam Plus, Hà Nội đã mở ra trào lưu thu hút các ngôi sao hạng A của thế giới chọn Việt Nam là điểm dừng chân, giúp nền “kinh tế xanh” nước nhà có thêm “lối đi” mới với loại hình du lịch âm nhạc.

Còn theo VnEconomy, nhờ hiệu ứng Blackpink, du lịch Hà Nội không chỉ kích cầu được lượng khách nội địa đông đảo là người hâm mộ của Blackpink, mà còn thu hút được các du khách quốc tế, nhất là từ các nước như Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore… đến thủ đô trong tháng 7.

Trang Facebook chính thức của Chính phủ Việt Nam cám ơn ban nhạc Blackpink và gọi đây là “sự kiện văn hóa mang tầm quốc tế, quảng bá hình ảnh Việt Nam thân thiện, mến khách, là địa điểm phù hợp tổ chức các sự kiện chính trị, văn hóa, thể thao tới bạn bè Quốc tế.”

Born Pink là tour diễn vòng quanh thế giới của Blackpink bắt đầu từ tháng 10/2022 tại Seoul, Hàn Quốc. Trước khi đến Việt Nam, nhóm đã biểu diễn ở các nước châu Âu và châu Á như Thái Lan, Singapore, Trung Quốc.

https://www.voatiengviet.com/a/blackpink-gay-bao-tai-viet-nam-sau-khi-suyt-bi-cam-cua-vi-ban-do-va-tac-quyen/7205250.html

XEM THÊM: