Các tổ chức xã hội dân sự yêu cầu hủy bỏ ba điều của Bộ Luật Hình sự 2015


VOA Tiếng Việt 

06/01/2022

Phần đầu bản kiến nghị 117 yêu cầu hủy bỏ 3 điều trong Bộ Luật Hình sự 2015 của Việt Nam. Photo Google Drive.

Phần đầu bản kiến nghị 117 yêu cầu hủy bỏ 3 điều trong Bộ Luật Hình sự 2015 của Việt Nam. Photo Google Drive. 

Hàng chục cá nhân và tổ chức xã hội dân sự vừa khởi xướng Kiến nghị 117 gửi đến chính quyền Việt Nam yêu cầu hủy bỏ ba điều luật 109, 117, và 331 của Bộ luật Hình sự 2015.

Kiến nghị này được đưa ra vào dịp đầu năm mới, ngay sau khi chính quyền Việt Nam vừa kết án hàng loạt các nhà hoạt động với án tù rất cao vào dịp cuối năm.

Các điều luật này từng bị LHQ và các quốc gia phương tây kiến nghị Hà Nội chỉnh sửa hoặc hủy bỏ vì chúng được cho là có nội dung “mơ hồ” và được chính quyền Việt Nam dùng để bắt bớ hàng loạt các nhà hoạt động dân chủ và nhân quyền ôn hòa.

Các tổ chức khởi xướng kiến nghị là nhóm các tổ chức xã hội dân sự trong nước, bao gồm Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng, Ban vận động Văn đoàn độc lập, Diễn đàn Xã hội dân sự, Diễn đàn Bauxite Vietnam, Lập quyền dân, Trung tâm nghiên cứu văn hóa Minh Triết, Câu lạc bộ Nguyễn Trọng Vĩnh, với gần 80 cá nhân trong và ngoài nước.

Luật sư Lê Quốc Quân ở Hà Nội, một người ký tên trong kiến nghị 117, nói với VOA:

“Theo quan điểm của những người kiến nghị, những điều luật này đi ngược lại với những quy định trong Hiến pháp, đi ngược lại Công ước Quốc tế về Quyền Dân sự và Chính trị (ICCPR) mà Việt Nam đã tham gia ký kết.

“Thấy rằng tình trạng ngày càng nặng nề hơn và khó khăn hơn cho việc thực hiện các quyền cơ bản của công dân, những người tham gia kiến nghị đề nghị hủy bỏ, hoặc sửa đổi bằng những quy định rõ ràng hơn, chi tiết hơn, và phải bắt đầu bằng việc thực hiện các điều luật đã được nêu ra trong Hiến pháp 2013.”

Bản kiến nghị 117 đăng trên trang Bauxite Việt Nam có đoạn viết: “Những quy định mơ hồ của các Điều 109, 117 và 331 của Bộ luật Hình sự đã mở đường cho các cơ quan chấp pháp vi phạm nghiêm trọng Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị, vì thế Việt Nam bị các tổ chức quốc tế, các nước dân chủ và cả các cơ quan LHQ lên án làm tổn hại nghiêm trọng đến danh dự của Việt Nam trước thế giới”.

Bản kiến nghị gửi đến Chủ tịch nước, Trưởng ban Chỉ đạo Cải cách Tư pháp Nguyễn Xuân Phúc; Chủ tịch Quốc Hội Vương Đình Huệ; và các Đại biểu Quốc hội.

VOA đã liên lạc Văn phòng Chủ tịch nước và Văn phòng Chủ tịch Quốc hội để xin ý kiến về kiến nghị này, nhưng chưa được phản hồi.

Trong Bộ Luật Hình sự 2015, Điều 109 quy định về “Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”; Điều 117 về “Tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam”; Điều 331 về “Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”.

Luật sư Lê Quốc Quân cho biết thêm rằng ông không tin là chính quyền Việt Nam sẽ thay đổi ngay khi tiếp nhận bản kiến nghị này, nhưng ít ra cũng cho dân chúng nhận biết các điều phi lý, không phù hợp của những điều luật hình sự này, để từ đó chính quyền và cơ quan lập pháp của Việt Nam có thể chỉnh sửa dần.

Ông nói:

“Trong thời gian vừa qua, có gần 1.000 năm tù được áp dụng cho công dân vì những vấn đề mà người ta bày tỏ, mà theo chúng tôi là họ không vi phạm pháp luật.

“Cụ thể, Điều 109, có 52 người bắt, 550 năm tù; Điều 117 có 57 người bị bắt giam, với hơn 400 năm tù; Điều 331 có 11 người bị bắt với hơn 50 năm tù đã gieo xuống đầu những người, mà theo chúng tôi là rất nặng lòng với đất nước, quan tâm các vấn đề đang xảy ra trong xã hội và sự phát triển của đất nước”.

Một người khác ký tên trong bản kiến nghị là bà Đỗ Lê Na, vợ của nhà hoạt động Lê Trọng Hùng – người vừa bị một tòa án ở Hà Nội tuyên phạt 5 năm tù hôm 31/12/2021 theo Điều 117- nói với VOA:

“Đó là một cáo trạng hết sức ngớ ngẩn và vô lý. Họ dựa vào bốn video clip của chồng tôi làm để kết án chồng tôi, theo khoản 1 Điều 117. Tôi nghĩ rằng những video clip chẳng có vi phạm gì cả.”

Các tổ chức nhân quyền quốc tế trong đó có tổ chức Phóng viên Không biên giới (RSF) lên tiếng chỉ trích bản án đối với ông Hùng.

Trong tuyên bố được đưa ra ngay sau phiên xét xử, ông Daniel Bastard – người đứng đấu phân ban Châu Á – Thái Bình Dương của tổ chức Phóng viên Không biên giới nói: “Bản án 5 năm tù mà ông Lê Trọng Hùng phải chịu một lần nữa cho thấy nền tư pháp của Việt Nam thiếu đi tính độc lập, và chứng tỏ toà án chỉ thừa hành mệnh lệnh từ đảng Cộng Sản”.

Báo Công an nhân dân online (CAND) của Bộ Công an Việt Nam hôm 3/1/2022 có bài viết chỉ trích tổ chức RSF, cho rằng tổ chức này “đánh tráo bản chất, tô vẽ kẻ phạm tội chống phá Nhà nước” liên quan tới phiên toà xét xử ông Lê Trọng Hùng, một ứng cử viên Đại biểu Quốc hội độc lập.

Cơ quan ngôn luận của Bộ Công an gọi việc các tổ chức nhân quyền đứng về phía ông Lê Trọng Hùng và chỉ trích Nhà nước Việt Nam là “nhằm tạo sóng dư luận, gây sự chú ý từ quốc tế để bôi nhọ, xuyên tạc tình hình dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam”.

Ông Lê Trọng Hùng là một trong năm nhà hoạt động nhân quyền đã bị kết án từ 5-10 năm tù trong hai tuần cuối năm 2021 với cáo buộc “Tuyên truyền chống Nhà nước” trên mạng xã hội. Những nhà hoạt động khác bị tuyên án là bà Phạm Đoan Trang, ông Trịnh Bá Phương, bà Nguyễn Thị Tâm và ông Đỗ Nam Trung.

Theo Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) có ít nhất 145 nhà hoạt động đã bị giam cầm vì đã lên tiếng thực hiện các quyền cơ bản một cách ôn hòa tại Việt Nam.

VOA

Tags: , ,

Comments are closed.