Thời sự Việt Nam – Thứ tư 18-5-2022
Chùa Việt ở Ba Lan đón người Việt tị nạn cuộc chiến Ukraine
Trong hơn hai tháng đón nhận đồng bào từ các vùng chiến sự Ukraine chạy sang, chùa Nhân Hòa ở ngoại ô Warsaw vào lúc cao điểm có tới 500-600 người trú ngụ.
Tính đến cuối tháng Tư 2022, tại chùa vẫn còn khoảng 40 người tị nạn tá túc, chờ đi tiếp sang nước thứ ba.
Sư thầy Thích Trung Đạt cho biết chùa đã kêu gọi lòng thiện nguyện, đóng góp hỗ trợ từ các đạo tràng các nơi ở Pháp, Đức, Cộng hoà Czech, Ba Lan… “kêu gọi chung tay góp sức với chùa Nhân Hoà… để chăm lo cho bà con trong thời gian họ ở chùa”.
“Các đạo tràng đã đồng loạt hưởng ứng. Chùa đã quyên góp được 30.000 USD,” sư thầy Thích Trung Đạt nói.
Sỹ quan biên phòng chống ma túy bị tuyên 20 năm tù vì buôn ma tuý
RFA
18/5/2022
Tòa án Quân sự Quân khu 5 hôm 17/5 kết án hai sỹ quan biên phòng là đại úy Nguyễn Viết Hùng và đại úy Trịnh Văn Thuần tổng cộng 36 năm tù giam vì tội danh “Mua bán trái phép chất ma túy” theo Điều 251 của Bộ luật Hình sự.
Mạng báo Công lý cho biết, đại úy Hùng là đội trưởng đội Vũ trang, Đồn Biên phòng Cồn Cỏ (thuộc Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị)- bị tuyên 20 năm tù giam. Người này từng là sỹ quan thuộc Đội Đặc nhiệm phòng chống ma túy và tội phạm của Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị.
Trong khi đó, Trịnh Văn Thuần- đội trưởng đội Vũ trang, Đồn Biên phòng Non nước (thuộc Bộ đội Biên phòng thành phố Đà Nẵng) bị kết án 16 năm tù giam.
Cáo trạng của Viện Kiểm sát Quân sự Bộ đội Biên phòng xác định, Hùng và Thuần cấu kết với hai thường dân Nguyễn Duy Bằng và Phạm Công Hoàng Huy để buôn bán chất cấm.
Đêm 13/10/2019, Công an thành phố Đà Nẵng bắt quả tang Bằng và Duy vận chuyển 0.5 kg ma túy tổng hợp ketamin để trả lại cho hai sỹ quan biên phòng, vì cho rằng bị lừa, mua nhầm hàng không đúng phẩm cấp. Tuy nhiên, tổng khối lượng ma túy mà hai người này phải chịu trách nhiệm chỉ là 277,1 gam heroin.
Trong vụ này, đại úy Hùng bị xác định là người giữ vai trò chính, trực tiếp thỏa thuận, đi giao ma túy và nhận 240 triệu đồng từ Bằng. Còn đại úy Thuần là đồng phạm với vai trò giúp sức tích cực.
Trước đó, trong phiên tòa hình sự hồi tháng 9 năm 2020, Tòa án nhân dân thành phố Đà Nẵng tuyên phạt Nguyễn Duy Bằng tù chung thân và Phạm Công Hoàng Huy mức án 20 năm tù giam về tội danh “Mua bán trái phép chất ma túy.”
Trong phiên tòa xử hai sỹ quan biên phòng ngày hôm qua, báo chí nhà nước cho biết Nguyễn Duy Bằng đã chết, nhưng không cho biết rõ thời điểm và nguyên nhân của cái chết.
Việt Nam nhờ LHQ giúp kết nối với G7 cho mục tiêu tài chính về khí hậu
17/5/2022
Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp Tổng Giám đốc UNDP – Achim Steiner – tại New York, Hoa Kỳ, vào ngày 16/5/2022.
Việt Nam vừa đề nghị Liên Hiệp Quốc hỗ trợ thiết lập quan hệ đối tác về chuyển đổi năng lượng với các nước thuộc nhóm G7 để xây dựng chiến lược tài chính về biến đổi khí hậu.
Đề nghị được Thủ tướng Phạm Minh Chính đưa ra trong cuộc gặp với với Tổng Giám đốc Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) – Achim Steiner – tại New York vào ngày 16/5.
Tại cuộc họp với đại diện UNDP, ông Phạm Minh Chính cảm ơn cơ quan LHQ đã đồng hành và hỗ trợ Việt Nam trong công cuộc tái thiết, xây dựng và phát triển kinh tế-xã hội trong gần 50 năm qua. Ông cũng nhắc đến các chiến lược phát triển của Việt Nam, và nói rằng để cụ thể hóa các cam kết vừa qua của Việt Nam tại Hội nghị COP26 (hội nghị về biến đổi khí hậu), Việt Nam sẽ tiếp tục xây dựng và triển khai các biện pháp mạnh mẽ, tổng thể, toàn diện để giảm phát thải khí nhà kính trong các lĩnh vực.
Ông Chính đề nghị UNDP tiếp tục tư vấn kỹ thuật, chuyên môn cho Việt Nam để đạt thoả thuận thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng với các nước G7, đồng thời hỗ trợ Việt Nam xây dựng chiến lược huy động tài chính khí hậu từ các đối tác phát triển khác.
Lãnh đạo Việt Nam cho rằng mối quan hệ đối tác với các nền kinh tế tiên tiến trong nhóm G7, bao gồm Canada, Pháp, Đức, Ý, Nhật Bản, Anh và Mỹ, sẽ giúp Việt Nam giải quyết các vấn đề tài chính để theo đuổi chiến lược chuyển đổi sang nền kinh tế xanh và đạt được mức trung hoà carbon vào năm 2050, với ước tính cần phải huy động nguồn tài chính từ 350 – 400 tỷ USD.
Mới đây, các Bộ trưởng Ngoại giao G7 đã cam kết hỗ trợ các nước mới nổi và đang phát triển, trong đó có Việt Nam, để chuyển đổi từ sản xuất điện từ đốt than chủ lực sang năng lượng tái tạo nhằm thúc đẩy quá trình khử carbon.
Thỏa thuận Paris đặt ra mục tiêu hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu trong khoảng 1,5°C so với trước. Để đạt được điều này, LHQ cho rằng cần phải giảm lượng khí thải carbon dioxide 45% vào năm 2030 so với mức năm 2010.
Ngoài vấn đề khí hậu, Thủ tướng Việt Nam cũng bày tỏ mong muốn UNDP hỗ trợ trong việc giải quyết hậu quả bom mìn còn sót lại sau chiến tranh thông qua việc tài trợ, hỗ trợ kỹ thuật, nâng cao nhận thức và năng lực.
Việt Nam: Cần hơn 11.700 tỷ để ‘mua lại’ các dự án treo BOT
17/5/2022
Người dân và tài xế phản đối Trạm thu phí BOT Biên Cương, Cẩm Phả, Quảng Ninh, ngày 22/2/2018 (TTXVN). Các trạm thu phí BOT trở thành vấn đề gây bức xúc xã hội trong những năm gần đây.
Chia sẻ
Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Việt Nam cho biết cần phải có hơn 11.700 tỷ đồng ngân sách để giải quyết 7 dự án BOT đang bị treo nhiều năm nay. Con số ước tính được Bộ này đưa ra trong cuộc họp với Phó thủ tướng Lê Văn Thành vào ngày 17/5.
Bộ GTVT cho biết trong thời gian qua đã xử lý những vướng mắc, bất cập tại 14 dự án BOT, nhưng vẫn còn 7 dự án chưa được tháo gỡ vì cần bổ sung vốn nhà nước. Điều này vượt thẩm quyền của bộ.
Trong khi đó, phía Ngân hàng Nhà nước cho rằng con số Bộ GTVT đưa ra “khá chênh lệch” so với chi phí mà các doanh nghiệp của 7 dự án đề xuất là 16.600 tỷ đồng. Do đó, cần phải rà soát lại số tiền đề nghị trên, theo tường thuật của Thanh Niên.
Trong những năm qua, các dự án BOT đã trở thành vấn đề gây tranh cãi và bức xúc trong công chúng vì có quá nhiều tiêu cực và bất cập xảy ra trong quá trình thực hiện. Thậm chí, nhiều người đã bị bắt giam và bỏ tù vì hành động phản ánh hay phản kháng những tiêu cực này, trong đó có nhóm phóng viên Báo Sạch.
Trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng Cộng sản, Việt Nam đề ra mục tiêu đến năm 2030 cả nước sẽ có khoảng 5.000 km đường bộ cao tốc. Mục tiêu này dẫn đến việc đưa ra các cơ chế, chính sách về đầu tư phát triển đường bộ cao tốc, đặc biệt là vấn đề đầu tư vào các dự án BOT giao thông trên toàn quốc.
Trong báo cáo gửi đến Quốc hội vào năm ngoái, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam cho biết, tính đến cuối tháng 7/2021, tín dụng đối với các dự án BOT, BT giao thông giảm 3,57% so cuối năm 2020, chiếm 1,07% tổng dư nợ của nền kinh tế. Nhưng khả năng nợ xấu tăng lên trong thời gian tới vì nhiều nguyên do, trong đó có lý do nhà đầu tư có năng lực tài chính hạn chế, khó có khả năng hỗ trợ dự án khi có biến động, nhiều dự án sụt giảm doanh thu so phương án tài chính ban đầu khi chính sách thu phí không ổn định, ảnh hưởng của dịch Covid-19…
Theo NHNN, tỷ lệ nợ xấu trong lĩnh vực này cao hơn khoảng bốn lần so con số nợ xấu chung của toàn nền kinh tế. Chính vì vậy, NHNN vào năm ngoái đã ra văn bản yêu cầu các ngân hàng thương mại phải cân đối nguồn vốn, sử dụng vốn để cho vay trung và dài hạn, trong đó có liên quan đến các dự án BOT, BT giao thông để hạn chế rủi ro thanh khoản.
Văn hóa Lãnh đạo hay Lãnh đạo thiếu văn hóa?
Bình luận của Gia Cát Tường
17/5/2022
Hình minh họa: Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn Việt Nam gặp Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken ở Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 13/5/2022 /AFP
Thủ tướng Phạm Minh Chính được nghe thấy trò chuyện bằng ngôn ngữ thân mật với các quan chức Việt Nam khác khi kể về trải nghiệm của ông tại Nhà Trắng. Thủ tướng Phạm Minh Chính “chém gió” bằng loại ngôn ngữ như thế này: “Rõ ràng… sòng phẳng. Mẹ nó… Sợ cái gì!” Ông vừa cười to vừa hoa chân múa tay. Đoạn video nằm trong Livestream của Bộ Ngoại giao Mỹ phát trên YouTube ngày 13/5 ghi lại trước thời điểm cuộc gặp của ông Chính với Ngoại trưởng Antony Blinken. Nó dường như vô tình được ghi lại các khoảnh khắc riêng tư của các quan chức hàng đầu Việt Nam tán gẫu với nhau trong khi chờ Ngoại trưởng Blinken tới. Thủ tướng Chính và ông Tô Lâm có lẽ không để ý cái camera của Bộ Ngoại giao Mỹ đang ghi hình của đoàn và phát trực tiếp (1).
Có một cái lệ bất thành văn, lãnh đạo Việt Nam vì mắc căn bệnh “khệnh khạng” (trừ một số ít ngoại lệ), nên khi ra tiếp xúc bên ngoài cơ quan, đều muốn tỏ ra mình là người của công chúng, dễ gần gũi, nên thường có thói quen ăn nói đời thường, giản dị. Họ không ngần ngại dùng các “phương ngữ đường phố”. Nguyên nhân là vì hàng ngày tại các công sở, trong các cuộc họp, họ đều phải dùng một loại “ngôn ngữ gỗ”, cứng nhắc, giả tạo, che đậy hầu hết sự thật… Vì vậy lúc nào, các quan chức này cũng có nhu cầu “xả stress”. Trường hợp phái đoàn Chính phủ cũng thế thôi. Đang sống “chậm” ở Việt Nam, khi đột ngột phải chuyển sang một môi trường làm việc “nhanh”, nghị trình đi lại, tiếp xúc căng thẳng… Trong những phút giải lao như thế này, thường người có cương vị cao nhất hay khơi mào, bắt đầu “nổ”, những người khác phụ họa theo, sao cho vừa lòng cấp trên. Tất cả… cứ “tự nhiên như người Hà Nội”. Tất nhiên, cuộc “diễn xuất” vừa qua ở Bộ Ngoại giao Mỹ là một thất thố quá đáng (No excuse!)
FB Nga Pham, một nhà báo có tiếng từng làm cho BBC đã “tuýt” như sau: “Thời buổi cái gì cũng Livesstream, YouTube và TikTok nữa mà không ai cố vấn cho cụ Chính và các cụ trong đoàn hay sao? Nên cho dàn An ninh và Lễ tân (đi phục vụ đoàn) đứng úp mặt vào tường hai ngày (như một hình thức kỷ luật)! Tha hồ cho các ban Việt ngữ câu view, chứ Tây chắc nó chả hiểu gì đâu. Tôi cũng chịu, không biết dịch “nó” với “thằng” sang tiếng nước ngoài như thế nào?” Tuy nhiên, có nhiều ý kiến khác bác lại status của FB Nga Pham, cho rằng “bọn Tây” ở đâu và bao giờ cũng có cánh trợ lý “An Nam” giúp việc. Mà nếu không có trợ lý Đông Lào thì bạn hãy chịu khó đọc Basam.vet cũng ra hết (2).
Tuy nhiên, hiện Video ghi lại cuộc nói chuyện “không đáng có” giữa Thủ tướng Phạm Minh Chính và các quan chức Việt Nam tại Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ hôm 13/5 hiện đã không còn được tìm thấy trên kênh YouTube của Bộ Ngoại giao Mỹ nữa, mà chưa rõ nguyên nhân vì sao. Trong cuộc nói chuyện giữa Thủ tướng Chính với các quan chức trong đoàn, bao gồm Bộ trưởng Công an Tô Lâm, Thứ trưởng Quốc phòng Phạm Hoài Nam và một số quan chức khác diễn ra vào trước cuộc gặp giữa đoàn Việt Nam với Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken và được nhân viên Bộ Ngoại giao Mỹ thu lại toàn bộ, và phát trực tiếp trên kênh YouTube của Bộ này. Điểm đáng chú ý trong đoạn bình luận năm phút tại phòng khánh tiết Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ là cách ăn nói thiếu văn hóa của quan chức Việt Nam. Bộ trưởng Công an Tô Lâm khi đề cập đến cựu Cố vấn An ninh Quốc gia Matthew Pottinger dưới thời Tổng thống Trump, đã gọi ông này là “thằng”, và bổ sung thêm “nó” (tức ông Pottinger) có vợ là Việt Nam và khen cô vợ này thông minh.
Kể ra cũng thật bất ngờ khi bàn dân thiên hạ lại có thể nghe từ miệng ông Phạm Minh Chính phát ra: “Rõ ràng… sòng phẳng. Mẹ nó… Sợ cái gì!” . Chưa hết, một quan chức trong đoàn còn tranh thủ “nịnh xoáy”: “Mình nói ngoài này, ngồi trong đấy nó nghe hết…”. Đoạn video ngay lập tức đã được lan truyền rộng rãi trên các trang mạng xã hội và thu hút nhiều nhận xét của cộng đồng mạng. Một người xem video này trên Facebook của RFA có tên Kien Nguyen viết nhận xét: “Làm khách tới nhà người ta mà ăn nói sau lưng chủ nhà (Thật ra là nói trước camera đấy chứ, có phải sau lưng đâu!) một cách vô học, bố đời, bố láo, bố toét.” Một người khác có tên Lê Minh Hoàng viết: “Những câu nói này…. tưởng đang nghe trên bàn nhậu nào đó…. chứ không phải ở Ngoại giao Cấp cao. Chính khách đại diện cho nước Việt Nam như thế này ah.” Người khác tên Hoa Nguyen viết: “Ngôn từ!!! Từ miệng Thủ tướng mà nghe cứ như ở bến xe.” Đến chiều tối ngày 14/5 giờ miền đông nước Mỹ, khi người xem bấm vào video này trên kênh YouTube của Bộ Ngoại giao Mỹ thì được báo “Video unvailable” (Tức không thể xem được). (3)
Trên Twitter, cựu nhà báo BBC Bill Hayton viết: “Thật quá là xấu hổ cho đoàn Việt Nam đến mức Bộ Ngoại giao Mỹ dường như phải gỡ đoạn video xuống”.
Đây không phải là lần đầu tiên giới chức lãnh đạo của Chính phủ Việt Nam gây ra những xì-căng-đan khét tiếng về mặt ngoại giao khi công cán nước ngoài. Hồi tháng 10 năm ngoái, Bộ trưởng Công an Tô Lâm khi tháp tùng Thủ tướng Phạm Minh Chính sang dự Hội nghị Thượng đỉnh khí hậu tại Anh đã đến ăn thịt bò dát vàng tại quán ăn nổi tiếng của đầu bếp người Thổ Nhĩ Kỳ Salt Bae. Bữa ăn nghe nói có giá trung bình khoảng 1.975 USD. Điều đáng chú ý là ông Tô Lâm đi ăn bữa ăn đắt đỏ trong khi ở Việt Nam lúc bấy giờ đang có đại dịch COVID-19 và nhiều người dân bị phong toả hàng tháng trời, không việc làm, không thu nhập. Bữa ăn này của Bộ trưởng Tô Lâm cũng khiến cả báo chí quốc tế “dậy sóng” và gọi món bò mà ông Tô Lâm ăn là “Bò Cộng sản” (4).
Nhìn ta mà ngẫm đến người! Trước đây, các Tổng thống Clinton, Obama sang thăm chính thức Việt Nam họ cũng “diễn” cuộc sống đời thường của những Tổng thống. Dân Việt mình, cả ở Hà Nội lẫn Sài gòn, tự nguyện sắp hàng từ sân bay về đến Khách sạn, chỉ để được vẫy chiếc xe đặc chủng chở người đứng đầu nước Mỹ. Đáp lại thịnh tình dân Đông Lào, các Tổng thống đang trên đường ra sân bay về nước lại bảo dừng xe để ăn bát phở (Clinton), mua cốm làng Vòng (Obama). Và các chính khách Mỹ quả thực đã chiếm được trái tim người Việt, mặc dầu dân Việt cũng thừa biết chưa chắc họ đã mê phở và cốm làng Vòng đến mức như thế. Diễn cả thôi! Những “diễn” là nhất thời mà “đẳng cấp văn hóa” là vĩnh viễn. Đấy là văn hóa của Lãnh đạo, chứ không phải là loại Lãnh đạo thiếu văn hóa!