Thời sự Việt Nam – Thứ tư 25 tháng 5 năm 2022
- Facebook thu thêm 5% thuế cho các quảng cáo ở Việt Nam
- Thêm giới chức y tế bị bắt vì dính líu đến vụ Việt Á
- Đại sứ Mỹ khai trương Trung tâm Hợp tác Việt Nam – Hoa Kỳ
- USAID hỗ trợ giảm ùn tắc tại cảng Cát Lái ở TP HCM
- Mỹ điều tra lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại đối với tủ gỗ từ Việt Nam
Facebook thu thêm 5% thuế cho các quảng cáo ở Việt Nam
25/5/2022
Hình minh họa: người dùng vào tài khoản Facebook trên điện thoại di động tại một quán cà phê ở Hà Nội năm 2020 /Reuters
Công ty mẹ của Facebook là Meta sẽ thu thêm 5% thuế giá trị gia tăng cho tất cả các quảng cáo trên nền tảng này ở Việt Nam kể từ ngày 1/6 tới. Thông báo này được Meta thông báo trên trang chủ của mình.
Theo Meta, thuế VAT sẽ được áp dụng cho tất cả các quảng cáo cho thị trường Việt Nam không phân biệt đó là công ty hay cá nhân.
Trong chuyến thăm Mỹ hồi tuần trước, Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính đã có cuộc gặp với các lãnh đạo của Meta. Phía Meta đã cam kết sẽ đăng ký và trả thuế như một công ty nước ngoài hoạt động ở Việt Nam theo đúng quy định.
Giới chức thuế ở Việt Nam từ lâu đã kêu gọi các tập đoàn lớn như Meta và Google phải trả thêm thuế vì cho rằng 70% các quảng cáo trực tuyến ở thị trường này đến từ các nền tảng này nhưng hai tập đoàn đã sử dụng nhiều biện pháp khác nhau để tránh thuế.
Báo cáo từ Tổng cục Thuế cho biết hiện nay có khoảng 14 tập đoàn, công ty công nghệ lớn trên thế giới và tám trang điện tử hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới có thu nhập tại Việt Nam đã thực hiện nghĩa vụ thuế và số thuế thu được thông qua các tổ chức, cá nhân Việt Nam khấu trừ, nộp thay.
Trong đó, từ năm 2018 đến hết tháng 10/2021, Facebook nộp số tiền là 1.641,75 tỷ đồng. Tính riêng trong năm 2021 (tính đến ngày 3/12/2021), số thuế thu được từ các tổ chức Việt Nam có ký hợp đồng quảng cáo trực tuyến với Facebook là 521 tỷ đồng.
Thêm giới chức y tế bị bắt vì dính líu đến vụ Việt Á
25/5/2022
Hình minh họa: Người dân đi qua tấm biển cổ động phòng chống COVID-19 ở Hà Nội hôm 19/7/2021
AFP
Thêm một số giới chức y tế Việt Nam từ trung ương đến địa phương vào ngày 25/5 bị khởi tố và bắt giam vì dính líu đến vụ Công ty Việt Á nâng khống giá bộ xét nghiệm COVID-19 và chi hoa hồng ‘khủng’ cho đơn vị mua.
Ở cấp trung ương tại Bộ Y tế, ông Nguyễn Huỳnh – Phó Trưởng phòng Quản lý Giá thuộc Cục Quản lý Dược bị Cơ quan Cảnh sát Điều Tra, Bộ Công an khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt giam và lệnh khám xét nhà về tội ‘Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.”
Ông này bị xác định có hành vi lợi dụng vị trí công tác để giới thiệu, can thiệp và tác động đến ông Nguyễn Minh Tuấn – Vụ trưởng Vụ Trang Thiết bị & Công tình Y tế, để trình, ký đề xuất với Bộ ban hành quyết định cấp số đăng ký lưu hành bộ xét nghiệm cho Công ty Việt Á.
Ở cấp tỉnh, tại Trà Vinh, các ông Trần Đắc Thanh- nguyên Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Trà Vinh, ông Nguyễn Văn Lơ- nguyên Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) tỉnh Trà Vinh; ông Lê Văn Thanh- nguyên Phó Trưởng Khoa Xét nghiệm- Chẩn đoán Hình ảnh thuộc CDC tỉnh Trà Vinh; và ông Nguyễn Văn Truyền- chuyên viên Phòng Nghiệp vụ Dược thuộc Sở Y tế tỉnh Trà Vinh bị khởi tố và bắt tạm giam về hành vi ‘Vi phạm qui định đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng’.
Tại tỉnh Vĩnh Long, Công an tỉnh này cũng khởi tố bị can và bắt tạm giam ông Đoàn Văn Hùng- Giám đốc Bệnh viện Đa Khoa tỉnh; bà Đinh Thị Thanh Chi- quyền Trưởng Khoa Dược; bà Pham Thị Ngọc Thấm- Kỹ thuật viên trưởng, Bệnh viện Đa Khoa tỉnh, cùng về hành vi ‘Vi phạm các qui định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”.
Đại sứ Mỹ khai trương Trung tâm Hợp tác Việt Nam – Hoa Kỳ
24/5/2022
Đại sứ Hoa Kỳ Marc Knapper phát biểu trong video do Đại sứ quán Hoa Kỳ đăng trên Facebook hôm 12/2/2022. Photo Facebook US Embassy in Hanoi.
Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Marc Knapper hôm 24/5 đã cùng với các quan chức Việt Nam cắt băng khánh thành Trung tâm Hợp tác Việt Nam – Hoa Kỳ đặt trong khuôn viên Học viện Ngoại giao Việt Nam.
Theo Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội, việc hợp tác này “không chỉ nhấn mạnh tầm quan trọng của quan hệ giữa Hoa Kỳ và Việt Nam, mà còn thúc đẩy sự gắn bó giữa Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội và Học viện Ngoại giao Việt Nam”.
Cơ quan ngoại giao Mỹ cũng nói thêm rằng “điều này cũng thể hiện cam kết của Hoa Kỳ nhằm hỗ trợ sự phát triển của một Việt Nam vững mạnh, thịnh vượng và độc lập”.
Tin cho hay, Trung tâm Hợp tác Việt Nam – Hoa Kỳ tại Học viện Ngoại giao Việt Nam là công trình hợp tác thứ hai giữa hai nước thuộc cái gọi là “Không gian Hoa Kỳ” ở miền Bắc Việt Nam. Trước đó, hai nước cũng đã khai trương “Không gian Hoa Kỳ” tại trường Đại học Thái Nguyên.
“Trung tâm này cùng với hơn 600 Không gian Hoa Kỳ trên khắp thế giới, giúp tăng cường đối thoại mở, và xây dựng cầu nối hiểu biết lẫn nhau, bằng việc hoạt động như các trung tâm học tập cho học sinh sinh viên, cũng như các không gian cộng đồng dành cho những người quan tâm tới văn hoá và các giá trị của Hoa Kỳ”, Đại sứ Knapper phát biểu tại lễ khai trương, theo Đại sứ quán Mỹ.
Tin cho hay, không gian nằm trong khuôn viên của Học viện Ngoại giao Việt Nam sẽ “mở cửa rộng rãi cho các học giả, các nhà nghiên cứu, học sinh, sinh viên, các khoa, cũng như công chúng nói chung”.
“Đây sẽ là một diễn đàn cho các chương trình văn hoá giáo dục, hỗ trợ nghiên cứu và các dịch vụ học thuật. Trung tâm cũng sẽ hỗ trợ các chương trình của Học viện Ngoại giao Việt Nam, như chương trình Nghiên cứu về Hoa Kỳ, các khoá học tiếng Anh, và phát triển năng lực lãnh đạo, đồng thời cung cấp thông tin về Hợp chủng quốc Hoa Kỳ và chính sách ngoại giao của nước này”, đại sứ quán Mỹ cho biết.
Theo Học viện Ngoại giao Việt Nam, hai bên hồi cuối tháng Ba đã ký biên bản ghi nhớ về việc thành lập trung tâm “với mong muốn mở rộng quan hệ đối tác và hợp tác hướng tới các mục tiêu chung là thúc đẩy giáo dục, văn hóa, đào tạo, tăng cường hiểu biết lẫn nhau và hỗ trợ phát triển kinh tế”.
Học viện này cho biết thêm rằng trung tâm “sẽ là nơi diễn ra các hoạt động đa dạng như các chương trình tương tác trực tuyến, các buổi diễn thuyết của diễn giả đến từ Hoa Kỳ, chương trình thuyết trình, giảng dạy về Hoa Kỳ học, tiếng Anh, văn hóa… nhằm tăng cường sự hiểu biết và gắn kết lẫn nhau giữa Việt Nam và Hoa Kỳ”.
USAID hỗ trợ giảm ùn tắc tại cảng Cát Lái ở TP HCM
24/5/2022
Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) nói rằng một nghiên cứu của cơ quan này đã “xem xét một cách toàn diện các hoạt động của cảng trên diện tích 160 ha nhằm đánh giá hiệu quả vận hành, các điểm nghẽn và vướng mắc trong quá trình tăng cường năng lực xếp dỡ của cảng”.
Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và Tổng cục Hải quan (TCHQ) Việt Nam mới công bố một kế hoạch hành động để giảm ùn tắc tại cảng Cát Lái ở TP HCM.
USAID cho biết rằng kế hoạch hành động này được công bố hôm 19/5 tại một hội thảo do cơ quan này và TCHQ đồng tổ chức, và 21 khuyến nghị được đưa ra nhằm “nâng cao hiệu quả hoạt động của cảng để đáp ứng nhu cầu ngày càng gia tăng”.
Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ nói rằng trước khi đại dịch COVID-19 xảy ra, Cát Lái, vốn được coi là cảng container “nhộn nhịp nhất” tại Việt Nam, đã “hoạt động hết công suất” và nhu cầu tính theo lượng container “được dự báo sẽ tăng gấp đôi vào năm 2030”.
Theo USAID, một nghiên cứu của cơ quan này đã “xem xét một cách toàn diện các hoạt động của cảng trên diện tích 160 ha nhằm đánh giá hiệu quả vận hành, các điểm nghẽn và vướng mắc trong quá trình tăng cường năng lực xếp dỡ của cảng, đồng thời đưa ra 21 khuyến nghị dưới hình thức một kế hoạch hành động để chính quyền và các cơ quan hữu quan tại địa phương cân nhắc”.
Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ dẫn lời ông Mai Xuân Thành, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, cho biết trong một tuyên bố rằng “khi thương mại quốc tế dần phục hồi sau tác động của COVID-19 thì việc giải quyết ùn tắc tại cảng Cát Lái lại càng được ưu tiên”.
Ông cũng được dẫn lời nói tiếp rằng “các giải pháp chống ùn tắc đã được nghiên cứu và trình bày tại hội thảo hôm nay khi được triển khai sẽ tạo thuận lợi cho thương mại quốc tế, góp phần giúp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh trong khu vực và trên thế giới”.
Trong khi đó, Giám đốc USAID Việt Nam Ann Marie Yatishock được trích lời phát biểu rằng “giảm bớt tắc nghẽn tại các cảng của Việt Nam sẽ ngày càng trở nên quan trọng khi thương mại dần phục hồi hậu COVID-19”.
“Nghiên cứu tiền khả thi tại cảng Cát Lái do USAID thực hiện đã đề xuất một kế hoạch hành động cho cảng container nhộn nhịp nhất Việt Nam này với mục tiêu giúp cảng có thể xử lý lượng container dự kiến sẽ tăng cao. Nỗ lực này tái khẳng định cam kết của chúng tôi trong việc hỗ trợ Chính phủ Việt Nam tạo thuận lợi cho thương mại và đầu tư cũng như nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia”, bà Yatishock nói, theo USAID.
Tin cho hay, mỗi năm có khoảng 4,9 triệu container được xếp dỡ tại TP HCM, tương đương với khoảng ba triệu xe tải, hoặc hơn 8.000 xe tải mỗi ngày qua lại trong và xung quanh thành phố để xếp dỡ container từ khu vực cảng. Cảng Cát Lái xử lý hơn 92% khối lượng này và khoảng 50% tổng khối lượng container của cả nước.
Theo Bộ Giao thông Vận tải Việt Nam, giảm ùn tắc giao thông và cải thiện hậu cần khu vực cảng Cát Lái “là giải pháp quan trọng tạo thuận lợi thương mại, thúc đẩy xuất nhập khẩu cho TP Hồ Chí Minh nói riêng và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói chung”.
Mỹ điều tra lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại đối với tủ gỗ từ Việt Nam
24/5/2022
Ảnh minh họa ngành gỗ Việt Nam. Photo diendandoanhnghiep.vn
Hôm 24/5, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) thông báo bắt đầu tiến hành điều tra cáo buộc lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại đối với sản phẩm tủ bếp và tủ nhà tắm nhập khẩu từ Việt Nam mà trước đó có xuất xứ từ Trung Quốc.
Quyết định điều tra được đưa ra sau khi có cáo buộc rằng các nhà sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam đã nhập tủ, bộ phận tủ từ Trung Quốc (đối tượng đang bị áp dụng thuế phòng vệ thương mại ở mức cao của Mỹ), sau đó lắp ráp hoàn thiện rồi xuất khẩu sang Mỹ.
Hồi cuối tháng 4/2021, Bộ Thương mại Mỹ đã phát đi thông báo về việc nhận đơn đề nghị điều tra phạm vi sản phẩm (Scope Ruling) và chống lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại (Anti-circumvention) với sản phẩm tủ gỗ nhập khẩu từ Việt Nam và Malaysia.
Thông báo cho biết Liên minh tủ bếp Hoa Kỳ (AKCK), nguyên đơn của vụ kiện, là đại diện cho một số doanh nghiệp sản xuất tủ gỗ của Hoa Kỳ, đề nghị DOC điều tra 2 nội dung: thứ nhất, phạm vi sản phẩm: mở rộng lệnh áp thuế hiện tại với Trung Quốc đối với cả tủ bếp và tủ nhà tắm bằng gỗ được lắp ráp tại Việt Nam và xuất khẩu sang Hoa Kỳ; thứ hai, chống lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại: trong trường hợp DOC kết luận không mở rộng phạm vi sản phẩm, nguyên đơn đề nghị điều tra chống lẩn tránh thuế với tủ tủ bếp và tủ nhà tắm bằng gỗ nhập khẩu từ Việt Nam.
Các sản phẩm bị cáo buộc là tủ bếp và tủ nhà tắm bằng gỗ có mã HTSUS 9403.40.9060, 9403.60.8081, và 9403.90.7080.5.
Được biết vụ việc gốc là vào tháng 2/2020, Mỹ đã ban hành lệnh áp thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp với cùng loại sản phẩm trên có xuất xứ từ Trung Quốc với mức thuế chống bán phá giá là từ 4,37% đến 262,18%, mức thuế chống trợ cấp là từ 13,33% đến 293,45%.
Trả lời phỏng vấn trang Pháp Luật Online hôm 24/5, ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam (VIFOREST), nói: “Nếu bị áp thuế cao, các nhà máy sản xuất mặt hàng này xuất sang Mỹ sẽ gặp rất nhiều khó khăn, thiệt hại lớn, thậm chí đóng cửa. Từ đó ảnh hưởng tới cả ngành gỗ như giảm sút doanh số, ảnh hưởng tới công ăn việc làm của người lao động, đồng thời ảnh hưởng tới uy tín của ngành gỗ Việt trên thị trường quốc tế.”
Cục Phòng vệ Thương mại thuộc Bộ Công Thương Việt Nam cho biết đã có công văn gửi VIFOREST cảnh báo các doanh nghiệp và nhà xuất khẩu trong nước, yêu cầu cần nắm thông tin và chuẩn bị ứng phó với vụ việc này.