Sau 50 năm, KIM PHÚC “CÔ GÁI NAPALM” tiết lộ thêm những điều chưa kể – Tuấn Khanh


2 tháng 6, 2022

Inline image

Bà Kim Phúc nhận được giải thưởng DresdenPeacePrize vì hoạt động tích cực và vì công việc ủng hộ Unesco và trẻ em bị thương trong chiến tranh.    (Ảnh: Twitter)

Bà Kim Phúc kể lại rằng sau 14 tháng nằm trong bệnh viện để hồi phục vết bỏng 65% cơ thể, bà nhìn thấy bức ảnh của mình đang ám ảnh cả thế giới. “Tôi về nhà và bố tôi cho tôi xem bức ảnh của tôi, được cắt từ một tờ báo Việt Nam, lần đầu tiên”, người phụ nữ 59 tuổi nói với tờ Insider từ nhà của cô ở ngoại ô Toronto, Canada. “Tôi đã rất bối rối. Tôi thấy mặt mình đau đớn, khóc lóc, trần truồng. Tôi ghét bức ảnh đó quá”. Hình ảnh đau đớn đó không những chỉ thay đổi cuộc đời của bà, mà sau khi lên trang nhất của nhiều tờ báo quốc tế, nó đã làm thay đổi thế giới và thay đổi cả diễn biến của Chiến tranh Việt Nam.

Vào ngày 8 Tháng Sáu 1972, lúc đó bà Kim Phúc mới 9 tuổi, bất ngờ chứng kiến cuộc tấn công từ trên không của những chiếc Skyraiders, và gây thương tích cho bà. Ngọn lửa nóng của bom napalm đã khiến bà la hét trên Quốc lộ 1, sau khi tự xé toạc quần áo, trong khi người nhà của bà vây lại. Khoảnh khắc ấy có một nhiếp ảnh gia tên Nick Út, lúc ấy 21 tuổi đã ghi lại được. Sau bức ảnh đoạt giải Pulitzer đó, số phận của hai người gắn liền với nhau.

Nick Út, cũng là người Việt Nam, là một nhiếp ảnh gia của AP, kể lại rằng khi chụp ảnh, ông nhìn thấy cô gái nhỏ đau đớn tột cùng – da thịt cô ấy tái đi khi cô ấy rên rỉ “Tôi sắp chết”.

     – “Tôi nhìn Kim Phúc và tôi nghĩ rằng không thể để cô ấy chết”, Nick Út nói với Insider. Ông chính là người sau khi chụp bức ảnh đó đã đích thân đưa cô đến bệnh viện, dùng áp lực của tên hãng tin AP bảo đảm cô bé đó nhận được sự chăm sóc y tế, lúc ấy đã quá tải. Ít ai biết rằng Kim Phúc đã được đưa vào nhà xác sau khi được cho là bị thương quá nặng nên không thể sống sót.

Inline image

                                                                                                      Bà Kim Phúc trong một buổi nói chuyện 

  (Ảnh: Alain Nogues/Sygma/Sygma via Getty Images)

Khi Nick Út đưa bức ảnh của mình vào hệ thống tin tức, ông nhớ lại rằng đã có một số biên tập viên yêu cầu anh chỉnh sửa hình ảnh vì mọi thứ nhìn giống ảnh khoả thân. Nhưng cuối cùng thì nó được xuất bản nguyên vẹn, mở ra một giai đoạn tranh cãi dữ dội về sự can dự của Hoa Kỳ ở Việt Nam.

Bà Kim Phúc kể “Tôi mang ơn anh Nick, vì cách anh ấy không chỉ chụp ảnh tôi, mà còn cứu mạng tôi. Anh ấy đặt máy ảnh xuống và đưa tôi đến bệnh viện”. Còn ông Nick Út thì nói “Khi cứu sống cô ấy, tôi coi Kim Phúc như người trong gia đình”, ông Nick Út, năm nay 71 tuổi, nói với Insider.

Tuy nhiên, phải 17 năm sau họ mới đoàn tụ. Sau khi Cộng sản chiếm miền Nam, Nick Út đã di tản khỏi Việt Nam, nhưng Kim Phúc thì kẹt lại ở đó. Hai người gặp lại nhau khi Kim Phúc được đưa học ở Cuba như một biểu tượng tuyên truyền của chính quyền. Lúc đó bà Phúc nói với ông Út rằng bà khao khát được chạy trốn khỏi quê hương bị cộng sản xâm chiếm, như anh vậy.

Inline image

                                          Bức tượng miêu tả bà Kim Phúc của điêu khắc gia Adel Abdessemed tại David Zwirner Gallery, London (Anh)      (Ảnh: Dan Kitwood/Getty Images)

Ông Út đi khỏi Sài Gòn vào năm 1975, sau khi Sài Gòn thất thủ và chuyển đến Los Angeles hai năm sau đó, năm 1977. Nhưng Đại sứ quán Cộng sản Việt Nam ở Cuba theo dõi rất chặt. “Tôi muốn hét lên ngay khi gặp chú Út, và muốn được giúp đào thoát, nhưng tôi biết cả hai sẽ gặp rắc rối”, bà Phúc kể. Sau đó bằng một kế hoạch tẩu thoát mong manh và mạo hiểm trong một chuyến đi máy bay, bà Kim Phúc đã đào thoát an toàn đến Canada vào năm 1992.

Inline image

Cùng với vết sẹo bỏng, ký ức chiến tranh là vết sẹo nằm sâu trong tâm trí bà Kim Phúc  (Ảnh: Michael Brennan/Getty Images)

Được tị nạn chính trị cách quê hương áp bức hàng nghìn dặm, bà định cư gần Toronto với người chồng Việt Nam, trở thành bà mẹ của hai cậu con trai và rồi làm Đại sứ thiện chí UNESCO nổi tiếng toàn cầu. Còn ông Nick Út sống ở Hollywood và quay phim cho AP trong nhiều thập niên. Chiếc máy ảnh ông dùng để chụp cho Kim Phúc, chiếc Leica M2 35 mm ống kính f2, đã được giữ trong một viện bảo tàng lịch sử ở Washington. “Khi tôi có được tự do ở Canada, tôi muốn thoát khỏi bức tranh đó”, bà Phúc, người thường được mô tả hay có sự buồn bã và hy vọng hoà trộn trong mình, hồi tưởng và kể lại. “Tôi không thích trở thành cô bé trong bức ảnh đó chút nào, tôi không cảm thấy cuộc đời mình thuộc về tôi”.

Bà Kim Phúc đã trải qua 17 lần phẫu thuật và 11 lần điều trị bằng laser, đã thay đổi cuộc đời mình bằng những tư tưởng mới. “Tôi có tự do và tôi có thể bảo vệ trẻ em trên toàn thế giới”, bà nói. Đối với tất cả sự đáng sợ và nhân văn trong bức ảnh danh tiếng của mình, bà Phúc đã cho nó trở thành đại diện cho sự trân quý bình yên, với sự tức giận nhường chỗ cho sự chấp nhận – và cuối cùng là lòng biết ơn : “Tôi quay lại ôm bức ảnh đó và làm việc với nó vì hòa bình. Khoảnh khắc đó đã trở thành một món quà mạnh mẽ đối với tôi”.

Ngày nay, bài học nhọc nhằn giành được sự sống còn của bà Kim Phúc trở nên hiện thực hơn bao giờ hết. Khi những hình ảnh từ Ukraine xuất hiện, trong đó có cuộc diễu hành hình ảnh trẻ em bị thương và chạy trốn, bà Phúc nói bằng chiêm nghiệm dài nửa thế kỷ của mình : “Tôi là một trong số hàng triệu trẻ em bị tổn thương vì chiến tranh. Đừng đánh mất hy vọng của bạn”.

                                                                     

Mời vô đây coi video :“Napalm Girl” Kim Phuc, from iconic Vietnam photo, on pain and forgiveness | Brief But Spectacular

Comments are closed.