Việt Nam bắt đầu xét xử vụ Đồng Tâm (VOA)


Spread the love
Đơn khiếu nại của các luật sư trong ngày đầu xét xử vụ Đồng Tâm.
Đơn khiếu nại của các luật sư trong ngày đầu xét xử vụ Đồng Tâm.

07/09/2020


Việt Nam hôm 7/9 đã đưa các bị cáo là dân làng Đồng Tâm ra xét xử ở Hà Nội trong phiên tòa dự kiến kéo dài 10 ngày.

Trong số 29 bị cáo, 25 người bị truy tố tội “Giết người” với khung hình phạt từ 12 năm tù đến tử hình. 4 người bị cáo buộc “Chống người thi hành công vụ” với khung hình phạt từ 2 đến 7 năm tù.

Ông Đặng Đình Mạnh, một trong các luật sư bào chữa, viết trên Facebook rằng “buổi làm việc đầu tiên của phiên tòa xét xử vụ án Đồng Tâm là những tranh đấu của các luật sư về vô số các vấn đề thuộc về thủ tục tố tụng”.

Ông Mạnh cũng đăng ảnh “đơn khiếu nại” gửi chánh án Tòa án Nhân dân TP Hà Nội về “hành vi tố tụng trái pháp luật của thẩm phán chủ tọa phiên tòa”, trong đó viết rằng “lực lượng cảnh sát bảo vệ phiên tòa đã ngăn cản các luật sư tiếp xúc với các bị cáo do mình bào chữa” và “yêu cầu thẩm phán Chủ tọa phiên tòa [ông Trương Việt Toàn] cùng HĐXX [Hội đồng Xét xử] phải đảm bảo ngay lập tức quyền tiếp xúc giữa bị cáo và luật sư bào chữa trong suốt thời gian diễn ra phiên tòa”.

Một luật sư khác, ông Lê Văn Luân, cũng viết trên mạng xã hội lớn nhất thế giới về “tiền lệ” mà ông nói là “chưa từng gặp trong các phiên toà trước đây” này.

Hiện chưa rõ ngay, chánh án Tòa án Nhân dân TP Hà Nội phản ứng và giải quyết yêu cầu này như thế nào.

Vụ tranh chấp đất đai giữa người dân Đồng Tâm và chính quyền kéo dài và rơi vào thế bế tắc trong nhiều năm.XEM THÊM:Vụ Đồng Tâm: Facebook lên tiếng; EU kêu gọi Việt Nam điều tra ‘độc lập’

Sự việc lên tới đỉnh điểm năm 2017 với vụ dân làng bắt giữ nhiều cảnh sát cơ động, khiến ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội khi đó, phải về Đồng Tâm đối thoại và viết bản cam kết, trong đó có đoạn “không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với toàn thể nhân dân xã Đồng Tâm”, trước khi “các con tin” được thả.

Mới nhất là vụ bố ráp lúc rạng sáng hồi đầu năm nay, làm ông Lê Đình Kình, người được coi là “thủ lĩnh tinh thần” của dân làng Đồng Tâm, và 3 công an tử vong trong các diễn biến hiện vẫn gây tranh cãi.

Theo báo điện tử VnExpress, Chủ tọa Trương Việt Toàn đã bác bỏ đề nghị triệu tập Chủ tịch Nguyễn Đức Chung của các luật sư vì cho rằng lãnh đạo TP Hà Nội, vốn bị “khởi tố” và “bắt tạm giam” một vài ngày trước trong một vụ án khác, “không liên quan trực tiếp”.

Tin cho hay, ông Toàn cũng “không chấp nhận đề nghị mời người thân các bị cáo tới theo dõi xét xử” vì cho rằng “29 bị cáo đều đủ năng lực chịu trách nhiệm hình sự, không cần người giám hộ”.

Hình ảnh được truyền thông trong nước đăng tải cho thấy nhiều chốt kiểm soát đã được lập bên ngoài nơi xét xử, với sự hiện diện đông đảo của lực lượng an ninh.

Phát ngôn viên của Liên minh châu Âu về Quan hệ Đối ngoại và Chính sách An ninh Virginie Battu-Henriksson từng nói với VOA tiếng Việt rằng tổ chức này “quan ngại” về hành động “dẫn tới tổn thất đáng lên án về nhân mạng” ở Đồng Tâm.

“Việc sử dụng bạo lực đối với dân thường đã dẫn tới tổn thất đáng lên án về nhân mạng. Chúng tôi xin gửi lời chia buồn tới các gia đình và bạn bè của các nạn nhân”, bà Battu-Henriksson nói thêm, đồng thời bày tỏ kỳ vọng rằng “chính quyền Việt Nam sẽ tôn trọng các quyền cơ bản của người dân về việc hội họp và thể hiện quan điểm ôn hòa mà không phải đối mặt với bất kỳ đe dọa hay việc sử dụng vũ lực nào”.

Comments are closed.