Đồng Tâm: Tuyên án tử hình ông Lê Đình Công, Lê Đình Chức – BBC
Chiều 14/9, TAND Hà Nội chính thức ra phán quyết với 29 bị cáo liên quan đến vụ đụng độ giữa công an và dân làng rạng sáng ngày 9/1/2020 ở thôn Hoành, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức.
Hội đồng Xét xử (HĐXX) tuyên tử hình Lê Đình Công và Lê Đình Chức (hai con trai cụ Lê Đình Kình) về tội Giết người với cáo buộc họ “chủ mưu, cầm đầu vụ giết người”.
Cùng tội danh trên, tòa tuyên Lê Đình Doanh (cháu nội cụ Lê Đình Kình) án chung thân. Bị cáo Bùi Viết Hiểu lĩnh 16 năm tù, Nguyễn Quốc Tiến 13 năm tù, Nguyễn Văn Tuyển 12 năm tù.
23 bị cáo còn lại lĩnh các mức án từ 15 tháng tù treo đến 6 năm tù giam đều về tội Chống người thi hành công vụ.
Về trách nhiệm dân sự, tại tòa, đại diện gia đình các bị hại yêu cầu các bị cáo bồi thường theo quy định của pháp luật. Trên cơ sở đó, HĐXX buộc mỗi bị cáo thuộc nhóm cầm đầu phải bồi thường 116 triệu đồng cho mỗi gia đình nạn nhân và chu cấp chi phí nuôi dưỡng các con của 3 nạn nhân cho đến khi họ đủ 18 tuổi.
Ông Lê Đình Công và ông Lê Đình Chức sẽ kháng cáo.
Vụ án diễn ra thế nào?
Sau bốn ngày xét xử vụ án “Giết người” và “Chống người thi hành công vụ” xảy ra tại thôn Hoành (xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức), TAND TP Hà Nội đã tuyên án chiều 14/9.
Theo cáo trạng ban đầu, trong 29 người làng Đồng Tâm, 25 bị truy tố về tội “Giết người” theo quy định tại Điều 123 Bộ luật Hình sự; bốn bị truy tố về tội “Chống người thi hành công vụ” theo quy định tại Điều 330 Bộ luật Hình sự.
Tuy nhiên sau đó, khi luận tội, Đại diện VKSND TP Hà Nội đã quyết định thay đổi tội danh truy tố với 19 bị cáo từ “giết người” sang “chống người thi hành công vụ”.
Theo đó, VKSND đề nghị mức án tử hình với ông Lê Đình Công và Lê Đình Chức (con trai ông Lê Đình Kình).
Bùi Viết Hiểu và Nguyễn Quốc Tiến bị đề nghị 16-18 năm tù; Nguyễn Văn Tuyển 14-16 năm tù cùng về tội Giết người.
Đối với 23 bị cáo còn lại, VKS đề nghị mức án từ 15 tháng tù treo đến 7 năm tù về tội Chống người thi hành công vụ.
Trong lời nói sau cùng, gần 20 bị cáo nói gần giống nhau khi cùng xin được hưởng mức án khoan hồng, gửi lời cảm ơn giám thị trại tạm giam giúp nhận ra lỗi lầm.
Mật hóa kế hoạch tập kích Đồng Tâm tạo điểm nghẽn cho vụ án?
Đồng Tâm: Luật sư của 3 công an ‘biến tòa thành nhà tang lễ’?
Xử án Đồng Tâm: Cơ hội, thử thách cho Đảng Cộng sản cải tổ?
Vụ việc tranh chấp đất đai ở cánh đồng Sênh, xã Đồng Tâm bắt đầu nóng lên từ năm 2017, khi công an Hà Nội bắt giam một số người dân Đồng Tâm sau khi cho xã ‘mời’ họ lên họp, trong đó ông Lê Đình Kình – người đứng đầu phong trào đấu tranh giữ đất của làng – báo buộc bị chính quyền đánh gẫy chân.
Đỉnh điểm của cuộc xung đột xảy ra vào tháng 4/2017, khi dân làng Đồng Tâm bắt giữ hơn 30 cảnh sát để đòi chính quyền trả người. Vụ việc đã khiến ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP Hà Nội phải trực tiếp về Đồng Tâm đối thoại với người dân.
Trong cuộc gặp, ông Chung đã trao văn bản với chữ kỹ viết tay cho dân Đồng Tâm, trong đó ông hứa ba điều, bao gồm không truy tố họ.
Vụ án Đồng Tâm: Nhà nước VN sẽ lại thắng người dân?
André Menras: ‘Vụ Đồng Tâm – ĐCSVN từ mị dân đến coi dân là kẻ thù’
Vụ Đồng Tâm: Vì sao không thực nghiệm điều tra?
Tuy nhiên chỉ sau đó hai tháng, công an thành phố Hà Nội ra quyết định khởi tố điều tra vụ án hình sự liên quan tới vụ đối đầu giữa người dân Đồng Tâm với giới chức do tranh chấp đất đai, theo hướng nhằm làm rõ hai tội danh “bắt giữ hoặc giam người trái pháp luật” và “hủy hoại tài sản hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản”.
Cuối năm 2019, Quân chủng Phòng không – Không quân, Bộ Quốc phòng cho người đào mương, xây dựng tường rào xung quanh sân bay Miếu Môn – khu vực đang tranh chấp và vấp phải phản đối của người Đồng Tâm.
Rạng sáng 1/9/2020, công an TP Hà Nội đưa hàng ngàn quân tiến vào thôn Hoành, Đồng Tâm, Hoài Đức, Hà Nội – mà ông Lương Tam Quang, thứ trưởng, sau này nói là vào để ‘đảm bảo an ninh trật tự công trình xây dựng tường rào xung quân sân bay Miếu Môn”. Cuộc đụng độ với dân làng Hoành nổ ra khiến bốn người thiệt mạng, trong đó có ông Lê Đình Kình và ba công an. 29 dân làng bị bắt giam, trong đó nhiều người bị thương nặng.
Kết luận điều tra sau đó cho hay ba công an rớt xuống hố sau đó đã bị hai ông Công, Chức đổ xăng xuống thiêu cháy.
Tuy nhiên, các luật sư hỗ trợ pháp lý cho 29 bị cáo cho rằng cần phải tái dựng hiện trường vụ công an chết vì kết luận điều tra có nhiều chi tiết mâu thuẫn và thiếu bằng chứng.
Các luật sư cũng kiến nghị trả hồ sơ cho cơ quan điều tra để xem xét, bổ sung các thiếu sót.