Chuyện Việt Nam Thứ Hai 19/12/2022: Vietjet bị kiện – Tình trạng thất nghiệp ‘còn tệ hơn trong đại dịch’ – Từ sân quần tới sân golf – La liệt ‘biệt thự ma’ triệu đô ở Hà Nội
Quê Hương tổng hợp
Báo Anh nói VietJet “vướng vào vụ kiện 155 triệu bảng” thuê phi cơ
18/12/2022
Nguồn hình ảnh, Getty Images
VietJet, còn được biết đến với tên gọi ‘hãng hàng không bikini’, đang bị kiện tại Tòa Thượng thẩm Anh, trong vụ kiện thương mại liên quan tới khoản nợ 155 triệu bảng Anh, cộng với tiền lãi phải trả ở mức ít nhất là 31 ngàn bảng một ngày.
Theo báo Anh The Telegraph, đơn do hãng FW Aviation (Holdings) 1 Limited đệ trình, kiện VietJet ký thuê bốn phi cơ nhưng nhiều lần trễ hạn thanh toán trong năm 2021.
Đơn khởi kiện được nộp vào 26/8/2022, theo hồ sơ tòa án, và VietJet đã nộp giải trình vào hôm 7/12.
Trong đơn giải trình, VietJet cho rằng việc các bên cho thuê bán tàu bay cho công ty mới và chấm dứt hợp đồng thuê dài hạn, ổn định đang có là không hợp lệ.
VietJet nói việc chậm thanh toán tiền thuê là bình thường, do ảnh hưởng của đại dịch và của việc áp dụng phong tỏa các quốc gia, dẫn đến việc hãng phải tạm ngưng hoạt động.
VietJet bác bỏ việc họ vi phạm thỏa thuận thuê, và bác bỏ việc họ nợ “bất kỳ khoản nào nêu trong đơn kiện”.
Hãng hàng không này cũng cho rằng việc việc các bên cho thuê đột ngột bán các tàu bay và chấm dứt hợp đồng thuê dài hạn đang có là không hợp lệ, ảnh hưởng tới quyền lợi hãng hàng không đang thuê tàu ổn định, dài hạn.
Đại diện cho VietJet tại tòa Anh là Herbert Smith Freehills, một hãng luật quốc tế có trụ sở tại London và Sydney, còn luật sư của nguyên đơn là hãng luật Quinn Emanuel Urquhart & Sullivan có trụ sở tại California.
Tranh chấp thương mại liên quan việc hãng hàng không không đồng ý việc bên cho thuê tàu đột ngột bán tàu bay cho đối tác mới và chấm dứt “không hợp lệ” hợp đồng thuê dài hạn đang có của hãng hàng không này.
Nhất là sự việc diễn ra trong điều kiện dịch bệnh Covid, các quốc gia phong toả, các hãng hàng không ngừng hoạt động.
Trước đó, cũng chính công ty FW Aviation (Holdings) 1 Limited đã đưa tranh chấp với Vietnam Airlines, hãng hàng không quốc gia Việt Nam, ra toà án Anh.
Hiện nay, liên quan tới dịch bệnh Covid, tranh chấp giữa bên cho thuê tàu và các hãng hàng không trở nên phổ biến và các bên đang xếp hàng khá dài tại các cơ quan tranh tụng thương mại quốc tế.
Câu chuyện về môt khoản 155 triệu bảng khác
Tập đoàn Sovico, công ty mẹ của VietJet hồi cuối năm 2021 đã ký thỏa thuận với một trường thuộc Đại học Oxford để tài trợ cho trường này khoản tiền 155 triệu bảng.
Đổi lại, trường Linacre nói họ sẽ đổi tên trường thành Thao College, lấy theo tên của chủ tịch tập đoàn Nguyễn Thị Phương Thảo.
Nguồn hình ảnh, Google/Chụp lại hình ảnh,
Linacre College được thành lập vào năm 1962 và được đặt theo tên của học giả thế kỷ 16 – Thomas Linacre
Nguồn hình ảnh, Getty Images
Trường Linacre đã được chính phủ Anh cho phép nhận khoản tài trợ 155 triệu bảng Anh sau khi chính phủ kết thúc việc xem xét.
Tuy nhiên, sau những ồn ã ban đầu, khoản tài trợ 50 triệu bảng đầu tiên nay vẫn chưa được chuyển dù đã quá hạn 6 tháng.
Telegraph dẫn nguồn nói có tin đồn chính phủ Việt Nam đặt lệnh tạm chặn các khoản quỹ trên, không cho chuyển ra nước ngoài.
“Lý do, nhiều khả năng là bởi có một số phản ứng từ Việt Nam, những người nói rằng số tiền đó đi ra khỏi Việt Nam, một nước nghèo, để tới một nước phương Tây giàu có,” Telegraph dẫn lời một nguồn tin.
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo là nhà sáng lập VietJet Air, hiện là Tổng Giám đốc của công ty.
Theo tiểu sử chính thức, bà Phương Thảo là nữ doanh nhân Việt Nam đầu tiên được Chính phủ Pháp tặng Huân chương Bắc đẩu bội tinh.
Việt Nam: Đơn hàng giảm mạnh, tình trạng công nhân mất việc ‘còn tệ hơn trong đại dịch’
VOA Tiếng Việt – 18/12/2022
Công nhân làm việc tại một xưởng dệt may ở ngoại thành Hà Nội.
Hơn 500 công ty tại Việt Nam đã bị ảnh hưởng nặng nề do đơn đặt hàng từ các nước bị cắt giảm, khiến cho khoảng 637.000 công nhân bị ảnh hưởng, trong đó 53.000 người đã mất việc làm, theo một thống kê mới công bố của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Việt Nam.
Tại thành phố Hồ Chí Minh, trung tâm kinh tế của cả nước, khoảng 102.000 công nhân đã bị cắt giảm giờ làm và 6.000 người bị sa thải, Việt Nam News dẫn nguồn từ Ban Chính sách và Pháp luật thuộc Liên đoàn Lao động thành phố cho biết.
Trưởng ban Nguyễn Thành Đô đã đề xuất chính phủ Việt Nam cần phải xem xét ban hành các gói hỗ trợ lãi xuất tiền vay để giúp các doanh nghiệp gặp khó khăn về tài chính duy trì hoạt động và nên có gói cứu trợ lớn để hỗ trợ những người lao động bị ảnh hưởng.
Tại một cuộc họp chính phủ gần đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính kêu gọi phải có các biện pháp cứng rắn để giữ cho thị trường lao động ổn định khi nền kinh tế đang tiến gần đến cuối năm. “Dứt khoát không để đứt gãy chuỗi cung ứng lao động”, ông Phạm Minh Chính đưa ra yêu cầu với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.
Các ngành công nghiệp xuất khẩu của Việt Nam bị ảnh hưởng nặng nề do nhu cầu nhập khẩu trên toàn cầu suy giảm. Tuy nhiên, các nhà thầu cho các tập đoàn lớn như Nike, Adidas vẫn thưởng Tết cho công nhân dù đơn hàng bị sụt giảm để chia sẻ gánh nặng của người lao động, theo AFP.
Công ty chuyên gia công giày Pouyuen, nơi có đông công nhân nhất TPHCM với khoảng 50.000 người trước đó thông báo rằng 18.000 công nhân sẽ phải thay phiên nghỉ vào các ngày thứ Bảy kể từ tháng 12 năm 2022 đến tháng 2 năm 2023 do số lượng đơn đặt hàng giảm.
Đại diện công ty này cho biết sẽ tăng tiền thưởng Tết nhằm giảm bớt gánh nặng cho người lao động dù số lượng đơn hàng về cuối năm có giảm.
Tại Bình Dương, một trong những trung tâm của các khu công nghiệp, số nhân công bị giảm giờ làm của tỉnh này vào khoảng 240.000, số người hưởng bảo hiểm thất nghiệp khoảng 140.000, số lao động đang tạm hoãn hợp đồng khoảng 30.000 người, theo thống kê của Ban Chính sách pháp luật thuộc Liên đoàn Lao động Bình Dương.
Nhiều tỉnh, thành khác trên cả nước cũng đang rơi vào tình trạng tương tự. Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, ông Ngọ Duy Hiểu, cảnh báo nếu không giải quyết tốt tình trạng người lao động bị ảnh hưởng việc làm sẽ gây tác động tiêu cực không chỉ trên đời sống người dân mà còn cả về an ninh trật tự.
Hãng thông tấn AFP dẫn lời một số công nhân ở Việt Nam cho biết tình hình mất việc hay giảm thu nhập của người lao động hiện nay “còn tệ hơn cả trong đại dịch”, thời điểm mà nhiều công nhân đã phải xin tiếp tế thực phẩm vì bị phong toả tại nhà.
Theo ông Nguyễn Thành Đô, Trưởng ban Chính sách và Pháp luật thuộc Liên đoàn Lao động TPHCM, dự báo sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp sẽ tiếp tục khó khăn trong quý I và có thể kéo dài đến hết quý II năm 2023, khiến nhiều người lao động không có việc làm hay bị giảm thu nhập.
Từ sân quần tới sân golf: Thất kinh, khi người chơi golf trở thành ‘vị chơi golf’
Báo Tuổi Trẻ ( Việt Nam)
18/12/2022
TTO – Thiệt bất ngờ khi nghe mẩu tin của một kênh truyền hình với từ ngữ thiệt lạ như sau: “Hành động của một người đàn ông, một vị golfer […] là rất đáng phê phán”.
“Thất kinh” là do thế hệ chúng tôi được dạy rằng chữ “vị” được dùng để bày tỏ sự trân trọng. Tỉ như bình thường vẫn cứ gọi là ông bác sĩ, viên tướng hoặc ông giáo sư…
Nhưng khi thuật lại người ấy làm một công việc gì đó đáng ca tụng, ta thêm chữ “vị” để bày tỏ lòng ngưỡng mộ: vị bác sĩ đã kịp cứu sống bệnh nhân… Còn thì bình thường khi nhắc tới, vẫn chỉ gọi là ông bác sĩ, ông bộ trưởng!
Có lẽ sự nâng lên hàng “vị” này là do nhà đài cho rằng môn thể thao này là một “môn thể thao quý tộc”(?), nên người chơi môn này cũng đương nhiên là/ trở thành một “nhà quý tộc”?
Không rõ có phải không ít người ở ta cũng có cái nhìn chưa đúng như vậy? Quả là môn thể thao này, do những chi phí của nó, từ cuối thế kỷ 19 đã trở thành một một chỉ dấu xã hội, khác với các tầng lớp xã hội khác, đặc biệt là đối với những nhà giàu mới. Chẳng qua môn này khác hay “hơn” môn kia do các nối kết xã hội tạo ra.
Cách đây một thế kỷ, nhà văn Vũ Trọng Phụng đã nhìn và thấy trong cái thế giới gọi là “thượng lưu” ấy những nối kết xã hội và những bộ mặt chẳng thượng lưu chút nào:
“Ông Văn Minh tung chăn vùng ngồi nhỏm dậy. Nhìn sang bên tay phải không thấy bà vợ yêu quý đâu cả, lại trông lên cái lịch trên tường, ông mới nhớ ra rằng vợ ông đã đến sân quần vì hôm ấy vào ngày thứ năm… Mấy tiếng giày lẹp kẹp tiến đến cửa phòng… cửa phòng mở toang ra.
– Mẹ có việc gì mà đến sớm thế?
– Chị ấy đâu rồi?
– Nhà con nó đi đánh quần.
– Gớm! Vợ chồng nhà anh độ này nhiều cái văn minh quá! Thế cái ông đốc Xuân ấy đâu?
– À, ông ấy là giáo sư quần vợt, chắc bây giờ ông ấy phải ở sân quần.
Trong khi nói thế, ông Văn Minh cũng không biết cứ lừa dối mãi người khác thì cuối cùng mình lừa dối đến cả mình mà không biết. Một cách vô tâm nhất đời, ông ta đã làm cho một thằng Xuân Tóc Ðỏ nhặt quần, nhảy một bước lên một ông giáo sư.
Phải, phải một người đã có chức như: nguyên sinh viên trường thuốc, có học thức, có óc mới, tất nhiên không thể quay về nhặt quần cho quý hội viên được”. (Số đỏ, chương 12).
Tất nhiên, cái xã hội mà ngòi bút châm chích của cụ Vũ Trọng Phụng mô tả không thể được xem là định nghĩa của cái xã hội “đánh quần” trước kia, càng không thể dùng để “nhìn” vào xã hội golf hiện nay.
Cũng như môn quần vợt trước kia, môn golf có những hữu ích của nó:
1. Tạo mối quan hệ để bắt đầu các mối quan hệ nghề nghiệp mới;
2. Có thể giúp gặp gỡ các giám đốc điều hành cấp cao, những người khó tiếp cận trong các trường hợp khác;
3. Bầu không khí cụ thể của một trận đấu golf giúp bạn có thể xử lý và thường giải quyết các vấn đề cụ thể;
4. Một vòng chơi golf, đặc biệt khi được tổ chức cho mục đích này, có thể thay thế một cách hữu ích các hoạt động quan hệ công chúng;
5. Vì golf được quốc tế hóa, nên có thể là một cách hay để vượt qua các đặc thù văn hóa quốc gia (*).
Song từ đó mà nâng tầm người chơi hay môn thể thao này hay kia thì “quá thể”!
——–
(*) Patrice Bouvet, Le “capital golfique”: un utile investissement professionnel et humain? (“Vốn tư bản” từ chơi golf: một sự đầu tư hữu ích về mặt nghề nghiệp và con người?)
La liệt khu ‘biệt thự ma’ triệu đô ở Hà Nội – Lê Thiệt
18/12/2022
Cận cảnh khu đô thị dang dở, la liệt biệt thự triệu đô bỏ hoang ở Hà Nội – Ảnh: Dân Trí
Sau hơn 10 năm xây dựng, khu đô thị Sudico – Nam An Khánh (Hoài Đức, Hà Nội) vẫn được xây dựng dở dang, hàng loạt biệt thự không người ở, như những khu biệt thư dành riêng cho ma trú ngụ.
Khu đô thị Nam An Khánh – Sudico nằm ở phía Tây Hà Nội, thuộc 2hai xã An Khánh và An Thượng (huyện Hoài Đức), ngay nút giao giữa Đại lộ Thăng Long và trục đường Lê Trọng Tấn, được xây dựng từ năm 2008, với tổng diện tích đất dự án quy hoạch cho xây dựng khu đô thị gần 190 ha, do Công ty cổ phần Đầu tư phát triển đô thị và khu công nghiệp Sông Đà (Sudico) làm chủ đầu tư.
Bên trên là một phần khu do Sudico triển khai quản lý, còn khu vực phía xa là phần khu đô thị Sudico đã chuyển cho nhà đầu tư thứ cấp xây dựng có tên Vinhomes Thăng Long – Ảnh: Dân Trí
Dự án có tổng diện tích 288 ha, bao gồm bốn phân khu chính là khu hỗn hợp, khu hồ lớn, khu hồ nhỏ, khu mở rộng do Sudico. Các sản phẩm bao gồm biệt thự, liền kề, shophouse, trung tâm thương mại, chung cư.
Mặc dù đã nhiều năm được triển khai xây dựng, nhưng đến nay, diện mạo toàn khu đô thị này ngày càng nhếch nhác, cỏ dại mọc um tùm mọc cạnh những ngôi nhà triệu đô hoang phế.
Chỉ có số ít những căn biệt thự tại phân khu này được đưa vào khai thác sử dụng, bên cạnh là hàng loạt căn biệt thự khác bỏ hoang, rêu mốc – Ảnh: Dân Trí
Đáng chú ý, tại khu đô thị Nam An Khánh này, Sudico đã hợp tác với Techcom Development (thuộc Techcombank) từ năm 2014, và trong năm 2015, tiếp tục ký phụ lục chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho Techcom Development với giá trị chuyển nhượng tăng thêm gần 900 tỷ đồng, tổng giá trị hợp đồng là 2,100 tỷ đồng.
Dù đã bị bỏ hoang nhiều năm, nhưng theo khảo sát Dân trí trên thị trường, giá mỗi căn liền kề, biệt thự khu đô thị này đang được rao bán từ 15 tỷ đồng đến hơn 30 tỷ đồng, tùy từng vị trí và diện tích.
Theo nhiều môi giới nhà đất khu này, những dãy nhà biệt thự đang bỏ hoang đã được chủ đầu tư bán hết cho người mua. Việc hoàn thiện phụ thuộc nhu cầu người về ở – Ảnh: Dân Trí
Theo nhiều môi giới nhà đất khu này, những dãy nhà biệt thự đang bỏ hoang đã được chủ đầu tư bán hết cho người mua. Việc hoàn thiện phụ thuộc nhu cầu người về ở.
Thế nhưng, do nhiều người mua với mục đích đầu cơ nên họ không chọn phương án hoàn thiện mà cứ để nguyên phần thô như thế rao bán.
Có thời gian những căn biệt thự tại đây tăng giá chóng mặt, và do thủ tục sang nhượng không chặt chẽ, nên nhiều căn rơi vào tình trạng tranh chấp.
Điều quan trọng nhất làm cho khu đất này trở thành “bãi tha ma biệt thự” là chủ đầu tư không hoàn thiện cơ sở hạ tầng rồi bàn giao cho địa phương, nên chẳng ai dám mua. Nhiều người theo “sóng đầu tư” đã phải ôm hận.
Sudico là công ty đại chúng, từng có vốn góp của nhà nước, hoạt động trong lĩnh vực đầu tư xây dựng các dự án khu đô thị, khu công nghiệp. Doanh nghiệp này được biết đến như một “ông lớn” trong ngành bất động sản, với việc làm chủ đầu tư hàng loạt dự án quy mô hàng nghìn hecta. Thế nhưng, dù Sudico đã nhanh chân đi trước một bước, giành lấy cho mình những mảnh đất màu mỡ, nhưng nhiều dự án chậm tiến độ cả thập kỷ.
Tại Hà Nội, không chỉ có khu biệt thự này bị bỏ hoang, dự án khu đô thị Tiến Xuân (Thạch Thất) và khu nhà ở Văn La (Hà Đông) do Sudico làm chủ đầu tư đang rơi vào tình trạng “đắp chiếu”, được tận dụng làm nơi chăn thả trâu bò.
Hiện nay, chính quyền Hà Nội vẫn đang loay hoay xử lý vấn đề tồn đọng.
Tags: Đại dịch, độc tài, Tham nhũng, việt nam