Việt Nam : Hiệp định Paris 1973 chỉ là một cuộc hưu chiến tạm thời


Sau khi ký kết Hiệp định Paris giữa Mỹ và Bắc Việt tại Trung Tâm Hội Nghị Quốc Tế, đại lộ Kleber, Paris, Pháp, ngày 23/01/2973. Từ trái qua: Bộ trưởng Xuân Thủy, cố vấn Lê Đức Thọ, cố vấn Henry Kissinger, thứ trưởng Ngoại Giao Nguyễn Cơ Thạch. AP – Anonymous

Đăng ngày: 30/01/2023 – 16:04Sửa đổi ngày: 30/01/2023 – 16:11

Đức Tâm

Ngày 27/01/1973, tại Paris, Pháp, Hoa Kỳ, Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, Việt Nam Cộng Hòa và Chính Phủ Cách Mạng Lâm Thời Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam đã ký hiệp định ngừng bắn, tái lập hòa bình tại Việt Nam – Hiệp định Paris. Đây là động thái ngoại giao cuối cùng kết thúc bốn năm đàm phán và các hàng chục cuộc gặp bí mật, được tiến hành từ ngày 13/05/1968, giữa cố vấn đặc biệt của chính quyền Bắc Việt Nam Lê Đức Thọ và cố vấn an ninh quốc gia Hoa Kỳ Henri Kissinger.QUẢNG CÁO

Chấm dứt chiến tranh về mặt « lý thuyết »

Thế nhưng, con đường tái lập hòa bình tại Việt Nam còn đầy chông gai. Sau khi ký Hiệp định Paris, chiến sự vẫn nổ ra gần như hàng ngày giữa lực lượng Cộng Sản và quân đội Sài Gòn (Việt Nam Cộng Hòa).  

Và hai bên tham chiến chủ chốt trong cuộc chiến tranh kéo dài nhiều năm trời này – Hoa Kỳ và Bắc Việt Nam –  cũng biết điều đó.

Thực vậy, Hiệp định Paris bao gồm những vấn đề chính như thỏa thuận ngừng bắn, giải pháp chính trị ôn hòa cho phép tổng thống Việt Nam Cộng Hòa Nguyễn Văn Thiệu tiếp tục nắm quyền, thừa nhận tính chính đáng của Chính Phủ Cách Mạng (Việt Cộng), quân đội Mỹ rút ra khỏi miền Nam Việt Nam, trao trả tù binh, thế nhưng không có một câu chữ, một điều khoản nào liên quan đến việc rút các lực lượng quân sự của Bắc Việt ra khỏi miền Nam Việt Nam.PUBLICITÉ

Thế nhưng, Washington và Bắc Việt Nam cần bản Hiệp định này. Phe cộng sản Việt Nam muốn chấm dứt sự hiện diện của quân đội Mỹ tại Việt Nam và tiến hành thống nhất đất nước, vốn bị chia cắt từ năm 1954 sau Hiệp định Geneve. Còn phía Mỹ thì muốn rút quân, đón nhận các tù binh. Theo một số nhà phân tích, khi ký Hiệp định Paris, Mỹ hy vọng có được một « thời gian hợp lý » kể từ khi lính Mỹ rút khỏi miền Nam Việt Nam và sự sụp đổ của chế độ Sài Gòn.

Đàm phán sau các chiến dịch quân sự

Hoa Kỳ và Bắc Việt bắt đầu đàm phán trong bối cảnh lực lượng Cộng Sản Việt Nam đạt được một thắng lợi ngoại giao to lớn với chiến dịch tấn công Tết Mậu Thân 1968, cho dù bị thiệt hại nặng về nhân mạng.

Theo số liệu của Bắc Việt, khoảng 80 ngàn chiến binh hầu như đồng thời phát động tấn công, nổi dậy ở hơn 100 thành phố, địa phương ở miền Nam Việt Nam, thậm chí tấn công cả vào đại sứ quán Mỹ tại Sài Gòn.

Chính quyền của tổng thống Richard Nixon không thể giảm nhẹ sức kháng cự của lực lượng Cộng Sản. Tại Mỹ, có nhiều tiếng nói đòi rút binh sĩ về nước.

Các cuộc đàm phán tại Paris bao gồm hai loại cuộc họp khác nhau : Một bên là các cuộc gặp chính thức tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế, đại lộ Kleber, Paris, Pháp và bên kia các cuộc đàm phán bí mật giữa Lê Đức Thọ và Henry Kissinger tại nhiều nơi ở ngoại ô Paris, như Choisy-le-Roi, Gif-sur-Yvette, Saint-Nom-la-Bretèche…

Có hai giai đoạn đàm phán. Giai đoạn đầu, từ tháng 05 đến tháng 10/1968, chỉ có các cuộc gặp song phương giữa Lê Đức Thọ và Henry Kissinger, chủ yếu đề cập đến việc Mỹ chấm dứt ném bom miền Bắc Việt Nam.  Giai đoạn hai, từ 01/1969 đến 27/01/1973, bao gồm bốn bên, ngoài đại diện Hoa Kỳ, Bắc Việt Nam, còn có đại diện chính quyền Sài Gòn và Chính Phủ Cách Mạng (Việt Cộng), tập trung đàm phán về việc Mỹ rút quân và tình hình chính trị miền Nam Việt Nam.

Tổng thống Mỹ Nixon và cố vấn Kissinger trong một thời gian dài đã nghĩ rằng với sức mạnh ưu thế về quân sự, họ có thể gây sức ép với Bắc Việt để đạt được một hiệp định hòa bình theo ý muốn. Hầu như cứ mỗi lần đàm phán rơi vào bế tắc, Kissinger lại chủ trương leo thang vũ lực : tháng 04/1970, lực lượng Mỹ và binh sĩ Sài Gòn tấn công vào Cam Bốt với mục đích ngăn chặn đường mòn Hồ Chí Minh, con đường tiếp viện chủ chốt của Bắc Việt Nam cho Việt Cộng ở miền Nam, đồng thời, phá hủy các cứ địa của Việt Cộng đặt trên đất Cam Bốt.

Chiến dịch thất bại. Tháng 10/1970, Nixon đưa ra hai đề xuất, ngừng bắn và Mỹ chấm dứt ném bom trên toàn Đông Dương, và coi đây là cơ sở cho một Hội nghị hòa bình cho phép Mỹ rút quân ra khỏi Đông Dương. Thế nhưng, Bắc Việt Nam bác bỏ đề xuất này và đòi tổng thống Việt Nam Cộng Hòa Nguyễn Văn Thiệu phải ra đi.

Cuối năm 1970, vào lúc chính quyền Nixon muốn tiến hành chính sách Việt Nam hóa chiến tranh, Kissinger đề nghị mở một cuộc tấn công mới vào Lào, chiến dịch « Lam Sơn 719 ».

Sau hai năm liên tiếp ném bom, chiến sự ác liệt và đàm phán không kết quả, Hoa Kỳ buộc phải xem xét lại mục tiêu đề ra nếu họ muốn giải quyết cuộc xung đột thông qua đàm phán : đó là cần phải đạt được một hiệp định cho phép chính quyền Sài Gòn tồn tại một thời gian đủ dài sau khi Mỹ rút quân, trong bối cảnh nguy cơ chính quyền này sụp đổ ngày càng gia tăng.

Giai đoạn cuối cùng

Cuối tháng 03/1972, lực lượng cộng sản Việt Nam mở chiến dịch thu-hè. Thất bại của chiến dịch này cùng với việc tổng thống Mỹ Nixon gần như chắc chắn tái đắc cử, đã tác động đến quyết địch của Bắc Việt Nam nối lại các cuộc đàm phán với Hoa Kỳ.

Ngày 12/10/1972, Hoa Kỳ và Bắc Việt đã đạt được thỏa thuận với các nội dung không khác gì nhiều so với bản Hiệp định Paris mà các bên sẽ ký vào ngày 27/01/1973. Thế nhưng, tổng thống Sài Gòn Nguyễn Văn Thiệu không chấp nhận nội dung này mà ông coi là một vụ « tự sát » : quân đội Bắc Việt được phép ở lại miền Nam Việt Nam (vì hiệp định không hề nhắc tới lực lượng này) trong khi binh sĩ Mỹ phải ra đi.

Cuộc đàm phán giữa Lê Đức Thọ và Henry Kissinger được nối lại vào ngày 20/11/1972, nhưng bế tắc. Phía Mỹ đưa ra những đề nghị sửa đổi văn bản ngày 12/10. Bắc Việt cũng làm tương. Hai bên ngừng đàm phán ngày 13/12.

Ngày 18/12/1972, Hoa Kỳ huy động hàng chục máy bay ném bom chiến lược B52, tiến hành chiến dịch ném bom ồ ạt xuống nhiều thành phố Bắc Việt Nam, kể cả thủ đô Hà Nội trong vòng 11 ngày. Theo giới phân tích, mục tiêu của chiến dịch không chỉ nhằm buộc Bắc Việt quay lại bàn đàm phán, mà còn muốn gửi tới tổng thống Việt Nam Cộng Hòa Nguyễn Văn Thiệu thông điệp : Ông ta không thể hy vọng có được một hiệp định tốt hơn văn bản hồi tháng 10/1972.

Ngày 26/12, Bắc Việt Nam bắn tín hiệu sẵn sàng quay lại bàn đàm phán nếu Mỹ ngừng ném bom. Các cuộc thương lượng được nối lại ngày 03/01/1973 tại Pháp. Và 10 ngày sau, 13/01, Mỹ và Bắc Việt đạt được một thỏa thuận với nội dung chính giống như văn bản hồi tháng 10/1972.

Ngày 23/01/1973, Lê Đức Thọ và Henry Kissinger ký thỏa thuận và bốn ngày sau, 27/01 lễ ký kết chính thức diễn ra tại đại lộ Kleber, Paris.

Ngay từ lúc đó, tất cả các bên ký kết đều biết là chiến tranh sẽ tiếp tục. Theo các tài liệu vừa được công bố, vào năm 1973, khi quyết định tặng giải Nobel Hòa Bình cho Henry Kissinger và Lê Đức Thọ (nhưng ông Thọ đã từ chối), Ủy ban Nobel Hòa bình đã biết là Hiệp định Paris sẽ không mang lại hòa bình cho Việt Nam.

Hai năm sau, 30/04/1975, lực lượng Cộng Sản tiến vào Sài Gòn, chế độ Việt Nam Cộng Hòa sụp đổ và nước Việt Nam thống nhất.

*

Tham khảo

1/ https://www.lefigaro.fr/histoire/archives/2018/01/26/26010-20180126ARTFIG00294-les-accords-de-paris-signe-en-1973-n-apporte-pas-encore-la-paix-au-vietnam.php 

2/ https://blog.mondediplo.net/2015-04-13-Vietnam-au-coeur-des-negociations-secretes 

3/ https://www.cairn.info/revue-relations-internationales-2008-3-page-53.htm 

Theo RFI tiếng Việt

Tags: , , , ,

Comments are closed.