Chuyện Việt Nam Thứ Tư 01/02/2023: Tham nhũng, vật giá leo thang
Quê Hương tổng hợp
Hoa Kỳ gây sức ép lên Việt Nam về vấn đề công đoàn cho người lao động – 01/02/2023
Hoa Kỳ đang gây sức ép lên Việt Nam về vấn đề quyền của người lao động bao gồm cả việc cho phép các công đoàn lao động được hoạt động độc lập khỏi sự chi phối của Đảng Cộng sản.
Trang Nikkei Asia hôm 30/1 cho biết Hoa Kỳ cũng đang gia tăng các cảnh báo về việc sử dụng lao động cưỡng bức, đặc biệt là ở Tân Cương, Trung Quốc, nơi các vật liệu bông sợi được cung cấp cho ngành dệt may của Việt Nam.
Hoa Kỳ từng đã gây sức ép đối với Việt Nam trong việc cho phép thành lập công đoàn độc lập khi đàm phán Hiệp định Thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) nhưng sau đó Hoa Kỳ đã rút khỏi Hiệp định này.
Tuy nhiên, vào năm 2022, Hoa Kỳ đã lần đầu tiên bổ nhiệm một tham tán phụ trách vấn đề lao động ở Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam. Đó là ông Chad Salitan. Điều này cho thấy chính quyền của Tổng thống Biden đặt vấn đề lao động là trọng tâm trong chính sách thương mại.
Ông Salitan nói với Nikkei rằng hiện giới chức Việt Nam vẫn còn đang soạn thảo nghị định liên quan đến các quyền của các tổ chức công đoàn độc lập ở Việt Nam. Dự kiến nghị định này sẽ được đưa ra vào năm nay. Hoa Kỳ đang đàm phán với các đối tác Việt Nam để soạn thảo nghị định này.
Giới chức Mỹ cũng thảo luận các vấn đề liên quan đến tình trạng các nhà máy ở Việt Nam sử dụng bông sợi từ Tân Cương.
Tổ chức phi chính phủ Business & Human Rights Resources Centre (Trung tâm Tài nguyên về Kinh doanh & Quyền con người) hồi cuối tháng 7 cho biết, nhiều nhóm vận động và một số chính trị gia phương Tây cáo buộc các nhà sản xuất ở một số quốc gia như Việt Nam và Bangladesh đóng vai trò tẩy xóa nguồn gốc xuất xứ cho sản phẩm bông-sợi-nguyên liệu dệt may có nguồn gốc từ Tân Cương của Trung Quốc.
Việc giấu nguồn gốc này là để tránh bị chế tài bởi Đạo luật phòng chống lao động cưỡng bức với người Duy Ngô Nhĩ vừa đi vào hiệu lực hồi tháng 6 năm ngoái.
Việt Nam – Khi EVN biết trước tương lai…
Ông Tư Sài Gòn
31 tháng 1, 2023
Trong báo cáo vừa gửi Bộ trưởng Bộ Công Thương của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), lãnh đạo EVN cho biết, ước tính năm 2022, công ty mẹ EVN, các tổng công ty điện lực và Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia, lỗ sản xuất kinh doanh khoảng 28.876 tỉ đồng.
Theo lãnh đạo EVN thì trong năm qua nhờ họ “sáng suốt” thực hiện các biện pháp tiết giảm chi phí đầu vào, vận hành tối ưu hệ thống điện, nên mới chỉ lỗ nhiêu đó thôi, chứ nếu không thì sẽ còn lỗ nhiều hơn nữa.
Ông Trần Đình Nhân – Tổng Giám đốc EVN cho hay, 2022 là năm khó khăn với EVN và các đơn vị thành viên.
Trong năm 2022, dù doanh thu tập đoàn ước đạt 460.000 tỉ đồng, tăng 4,3% so với năm 2021, song do biến động giá nhiên liệu gồm cả than, dầu, khí đã làm cho chi phí tăng rất cao, nên cứ mỗi kWh điện bán ra thì phía EVN lỗ khoảng 180 đồng.
Còn theo báo cáo mới nhất của EVN, doanh nghiệp này đã tính toán tình hình tài chính cho năm 2023 còn u ám hơn khi dự kiến lỗ sản xuất kinh doanh khoảng 64.941 tỉ đồng, nếu giá bán lẻ điện giữ như hiện hành là 1.864 đồng/kWh.
Nếu đúng như tính toán thì EVN sẽ lỗ lũy kế hai năm là 93.817 tỷ đồng (gần 4 tỷ đô la Mỹ). Chưa thấy công ty nào chưa làm mà đã tính được lỗ rõ ràng như EVN. Hình như lãnh đạo EVN có tài nhìn thấy tương lai?!
Để cắt lỗ, năm ngoái EVN đã nhiều lần đề nghị Bộ trưởng Bộ Công Thương cho tăng giá điện bằng cụm từ hoa mỹ “điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân để bảo đảm cân bằng tài chính năm 2023 và không làm mất vốn của nhà nước đầu tư tại EVN”. Song đến nay, phương án này vẫn chưa được thông qua.
EVN cũng kiến nghị Bộ Công Thương báo cáo và kiến nghị Thủ tướng Chính phủ sớm áp dụng cơ chế thị trường đối với hoạt động điện lực, kịp thời điều chỉnh giá điện khi các yếu tố đầu vào thay đổi.
Nhân dân có thể hiểu EVN muốn nói với Thủ tướng như thế này: “Quý anh cho các em tự tăng giá điện vào bất cứ thời điểm nào chúng em thấy cần thiết để bảo toàn vốn nhà nước và vốn của các anh nữa. Chứ mỗi lần xin là mỗi lần các anh làm khó, vật tụi em ra bã rồi cũng phải thông qua thôi, chứ các anh cũng đâu muốn thất thu?”
Dân trên Facebook đọc tin này máu chạy rần rần, nóng lắm nhưng cũng chỉ biết chửi đổng thôi. Cụ Tài Nguyễn Đăng nói tụi nó báo lỗ thế thì nhà nước cho giải tán EVN rồi tuyên bố phá sản cho rồi, chứ nếu áp dụng cơ chế thị trường thì cứ để tư nhân đứng ra kinh doanh chứ mắc mớ gì để lũ đười ươi làm trùm rồi báo lỗ hại dân.
Ý kiến cụ Nguyễn Xuân Diện, nhà nghiên cứu hán nôm, cũng giống như cụ Tài, nhưng còn đề nghị thêm: “Chưa thấy thằng nào ĐỂU như thằng EVN. Phải cho bọn này vào lò…”
Nói cho cùng thì thằng sếp của nó thế nào nó mới dám đểu với dân thế chứ!
Còn cụ Nguyễn Hữu Quý lại nhìn ở góc độ khác, cụ nói:
“Thật ra, ‘đảng ta’ sống được một phần là dựa vào tiền thu xăng dầu và điện sinh hoạt hàng ngày đấy (tiền tươi thóc thật!). Ngành điện không lỗ đâu, nhưng buộc phải tăng giá để tăng nguồn thu, đáp ứng các yêu cầu chi hàng ngày. Ngoài ra, nhằm bù lỗ cho nhiều ngành khác trong đó có Đường Cát Linh đi Hà Đông”.
Cụ Thang Le còn đểu hơn khi nhìn sang Mỹ ca thán giùm lãnh đạo: “Bên Mỹ họ bắt đóng một lần tiền học phí, tiền nhà, tiền xe của các cháu, các bác thông cảm”.
Người đẹp Nguyễn Thị Mùi nhìn góc bếp thở dài: “Các bác cứ thông cảm cho lắm vào. Bao đời nay cứ cho thằng điện lên giá thì mấy thằng khác lên theo, mà lương thì có thích lên cũng chẳng thấy nhích. Tiên sư chúng nó!”
Cụ bà Kim Sương nói như thế cũng còn may, vì EVN chỉ tính lỗ trước một năm thôi, “chứ nếu lãnh đạo ở đấy có tầm nhìn xa 10 năm lỗ để tăng giá điện một lần thì còn khốn khổ khốn nạn hơn nữa”.
Nhờ đảng bao che, nữ hiệu trưởng không bị ra tòa
Lê Thiệt
31 tháng 1, 2023
Trường Mầm non Đức Ninh Đông phường Đức Ninh Đông (TP. Đồng Hới, Quảng Bình) – Ảnh: Người Lao Động
Với tội sử dụng văn bằng giả, sử dụng chứng chỉ, chứng nhận, xác nhận giả, bà Nguyễn Thị Ngân – nữ hiệu trưởng kiêm bí thư chi bộ Trường Mầm non Đức Ninh Đông, phường Đức Ninh Đông (TP. Đồng Hới, Quảng Bình) – chỉ bị kỷ luật nội bộ, thay vì phải ra tòa.
Tội cụ thể của bà Ngân là mua và sử dụng bằng cấp 2 giả để được đi học trung cấp mầm non; trung học phổ thông (hệ bổ túc), tạo điều kiện cho bà nhận chức hiệu trưởng sau này.
Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Thành ủy Đồng Hới (Quảng Bình) xác nhận bà Ngân đã bị cách tất cả chức vụ trong đảng, điều này cũng có nghĩa là bà ấy cũng bị mất chức hiệu trưởng luôn. Đổi lại, bà Ngân không bị đuổi ra khỏi đảng, và không bị ra tòa.
Với tội sử dụng tài liệu, bằng cấp giả, nếu bị khởi tố, bà Ngân có thể bị phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 100 triệu đồng, bị phạt cải tạo không giam giữ, hoặc bị phạt tù đến 7 năm tù tùy theo từng mức độ vi phạm.
Xem ra cũng xứng đáng với mức trung thành của bà Ngân với đảng từ nhiều năm nay.
Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Thành ủy Đồng Hới cho rằng do bà Ngân “tự giác” nhận trách nhiệm về khuyết điểm (khi bị quần chúng phát giác), và tự nhận hình thức kỷ luật tương xứng với nội dung, tính chất, mức độ vi phạm trước và trong quá trình thanh tra. Thêm nữa, do bà Ngân có nhiều đóng góp trong quá trình công tác, nên UBKT Thành ủy Đồng Hới có nương tay không xử “cạn tàu ráo máng” bằng cách khai trừ khỏi đảng.
Người dân đã quá quen với cách hành xử của tổ chức đảng rồi nên không quá ngạc nhiên khi họ thường đứng lên trên pháp luật để xử lý đảng viên của họ. Đây cũng là lời cảnh báo cho các đảng viên là “phải tuyệt đối trung thành với đảng, để được định tội nhẹ nhàng nhất”.
Tuy nhiên, cũng có dư luận xầm xì rằng dù trung thành với đảng cách mấy mà không có tiền bịt miệng thì hậu quả vẫn tàn khốc như thường.
Hơn 200.000 người lao động bị nợ đóng bảo hiểm xã hội, không được hưởng chế độ
01/02/2023
Công nhân tại một nhà máy may ở Hà Nội (minh họa)
AFP
Hơn 200.000 người lao động tại Việt Nam đang là nạn nhân của tình trạng chậm, thậm chí trốn dóng bảo hiểm xã hội, không được hưởng các chế độ bao gồm cả lương hưu. Đó là con số được ông Nguyễn Đình Khang – Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam báo cáo với Thủ tướng Chính phủ hôm 1/2.
Ông Khang đề nghị báo cáo Bộ Chính trị về tình trạng này và trình Quốc hội phương án giải quyết.
Theo báo cáo của người đứng đầu Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, tình hình nhiều doanh nghiệp không có đơn hàng từ trước Tết đến nay đã ảnh hưởng đến việc làm của người lao động.
Cụ thể, ông Khang cho biết, nhiều doanh nghiệp dệt may, da giày giảm từ 30 – 40% đơn hàng; chế biến gỗ giảm 50% đơn hàng. Theo báo cáo của các cấp công đoàn, có 441 doanh nghiệp với tổng số 624.786 lao động tại 25 tỉnh, thành phố bị ảnh hưởng. Trong đó có 562.400 lao động bị giảm giờ làm, 31.370 lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, 31.012 lao động nghỉ không lương, tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ hưởng lương ngừng việc.
Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nêu lên tình trạng chủ doanh nghiệp bỏ tốn, nợ bảo hiểm xã hội và các cuộc đình công có dấu hiệu tăng lên thời gian qua. Cụ thể, năm 2022, trên địa bàn cả nước xảy ra 144 cuộc ngừng việc tập thể, tăng 53 cuộc so với cùng kỳ năm 2021.
Sân bay Việt Nam gia tăng biện pháp phòng dịch COVID-19 trước nguy cơ các biến thể mới
01/02/2023
Một hành khách đợi xe ở bên ngoài cửa đến tại sân bây Tân Sơn Nhất, TPHCM hôm 1/12/2021 (minh họa)
AFP
Hai sân bay lớn nhất Việt Nam là Tân Sơn Nhất (TPHCM) và Nội Bài (Hà Nội) đang phải gia tăng các biện pháp phòng dịch trước nguy cơ lây lan của biến thể vi-rút COVID-19 mới.
Truyền thông Nhà nước hôm 1 tháng 2 cho biết, sân bay Tân Sơn Nhất tiếp tục duy trì thông điệp 2K của Bộ Y tế bao gồm khẩu trang và khử khuẩn. Sân bay cũng duy trì 48 thiết bị khử khuẩn tự động tại nhà ga quốc tế.
Đại diện sân bay Nội Bài cho báo Nhà nước biết cảng này cũng đang áp dụng khuyến cáo 2K đối với hành khách và nhân viên.
Theo Bộ Giao thông Vận tải, tổng sản lượng thông qua các cảng hàng không Việt Nam trong bảy ngày Tết đạt xấp xỉ 13.000 lần hạ cất cánh với hơn 1,9 triệu hành khách.
Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Đinh Việt Thắng cho báo chí biết, nếu tính gộp cả chiến dịch Tết (30 ngày, từ 15 tháng chạp đến 15 tháng giêng), có tới 11,2 triệu khách thông qua sân bay, trong đó khách quốc nội 9,2 triệu, khách quốc tế đạt hai triệu.
Hôm 8/1 vừa qua, Trung Quốc mở cửa cho người dân đi lại sau nhiều tháng phong tỏa vì đại dịch. Khách du lịch Trung Quốc đã trở lại Việt Nam giữa những lo ngại về tình trạng dịch bệnh đang lây lan nhanh chóng ở đất nước đông dân nhất thế giới này.
Trong khi đó, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hiện vẫn quyết định duy trì mức cảnh báo cao nhất với đại dịch COVID-19 – tình trạng khẩn cấp toàn cầu. Đây là quyết định mà WHO đã đưa ra cách đây ba năm khi dịch mới bùng phát.
WHO cũng cảnh báo về việc có thể sẽ xuất hiện các biến thể mới. Mới đây, thế giới đã phát hiện một biến thể mới có tên gọi XBB.1.5 có khả năng lây lan nhanh chóng. Đây là một dòng phụ của biến thể Omicron.
Bộ Y tế Việt Nam cho biết, về cơ bản Việt Nam đã kiểm soát được dịch bệnh nhưng vẫn khuyến cáo các địa phương cẩn trọng và thúc đẩy việc tiêm vắc-xin phòng dịch.
Chuyện hài… tiếp tục hài: Đang trốn truy nã, bà Nhàn vẫn gởi đơn kháng cáo
Ông Tư Sài Gòn
31 tháng 1, 2023
Cựu chủ tịch AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn đang bỏ trốn vẫn bị C03 đề nghị truy tố, và mới nhờ luật sư nộp đơn kháng cáo – Ảnh: AIC Group
Chuyện hài này có tên của người đẹp Nguyễn Thị Thanh Nhàn, cựu Chủ tịch Công ty cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC), người chôn vùi thân xác cũng như danh tiếng của hàng loạt lãnh đạo tỉnh Đồng Nai trong nhà tù XHCN.
Trước đây, người ta đã bật cười khi thấy trong vụ án AIC, dù không bắt được bà Nhàn cùng bảy người liên quan khác, nhưng cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) vẫn ra quyết định khởi tố họ, bằng một lý do rất ất ơ là “đã có đủ căn cứ để khép tội” bà Nhàn, nên cứ truy tố thôi, chẳng cần biết “giờ này em ở đâu”. Chắc họ nghĩ sau này bắt được bà ta rồi thì chỉ cần đưa cho bà giấy khép tội, có tòa đóng dấu chấp thuận là được.
Lý lẽ này của C03 làm nhiều người cười rớt hàm, còn các thầy cãi thì chỉ ú ớ không nói nên lời, vì họ chưa bao giờ thấy vụ khởi tố nào giống như vậy trên toàn thế giới, kể cả một số nước độc tài hạng nặng.
Có người nói có thể C03 làm thế là theo lệnh trên, để dằn mặt đám quan chức kiểu “ các ông các bà có trốn đằng trời chúng tôi vẫn khởi tố”.
Bà luật sư Hà Thị Khuyên (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng việc truy tố bà Nhàn “đúng theo quy định pháp luật”.
Theo bà Khuyên thì mấy tên cựu lãnh đạo Đồng Nai nhận tiền của bà Nhàn khai hết rồi, tài liệu hồ sơ thu được cũng đã rõ ràng rồi, nên “đủ cơ sở xác định bà Nhàn là chủ mưu, cầm đầu và chịu trách nhiệm chính trong vụ án, cơ quan tố tụng có quyền ra kết luận điều tra, truy tố, xét xử vắng mặt”.
Vẫn theo bà Khuyên, do bà Nhàn không xuất hiện tại tòa, bà ấy mất quyền tự bào chữa, và mất luôn quyền mướn luật sư bào chữa.
Cựu chủ tịch Đồng Nai Đinh Quốc Thái (trái), và cựu bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Trần Đình Thành, hai nhân vật chủ chốt “sập bẫy” bà Nhàn – Ảnh: HM
Thế nhưng ngày 31 Tháng Giêng năm 2023, TAND TP. Hà Nội cho biết trong số 17 đơn kháng cáo vụ án xảy ra tại Công ty Cổ phần Tiến bộ quốc tế (Công ty AIC) và dự án Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Nai, có đơn kháng cáo của người đẹp Nguyễn Thị Thanh Nhàn.
Thực ra bà Nhàn không trực tiếp gởi đơn kháng cáo, mà luật sư của bà kháng cáo thay, với nội dung cho rằng cơ quan tố tụng điều tra chưa đầy đủ, chưa chứng minh được bà này là chủ mưu vụ án.
“Chuyện này giống như thằng hề gặp quái kiệt”, trên mạng xã hội người ta bàn tán như thế. Tài khoản Minh Dự viết: “Trước đây C03 đã diễn hề khi truy tố bà Nhàn, giờ bả diễn hài lại khi làm đơn kháng cáo. Để xem toàn án xử lý đơn của bả như thế nào”.
Tài khoản Minh Thanh cho rằng đơn kháng cáo là một hành động thách thức chính quyền, Ông viết thêm: “Câu hỏi tôi đặt ra là nếu nói bà Nhàn bỏ trốn nên mất quyền tự bào chữa, và mất luôn quyền mướn luật sư bào chữa, thì có quyền kháng cáo hay không? Nếu tòa trả lời ‘Có’ thì không đúng, còn tòa trả lời ‘Không’ thì rõ ràng tự lột mặt nạ mình”.