Chuyện Việt Nam Thứ Năm 16/02/2023: Điện lực lỗ gần 65 ngàn tỷ đồng – Việt Nam: Điện thoại, xuất khẩu dệt may giảm – Việt Nam phải chấm dứt thủy sản bất hợp pháp – Việt Nam / Thái Lan chống đánh cá trái phép
Quê Hương tổng hợp
Tập đoàn Điện lực Việt Nam sẽ phải lỗ gần 65 ngàn tỷ đồng nếu không tăng giá điện
15/02/2023
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) sẽ phải chịu lỗ 64,9 ngàn tỷ đồng (tương đương 2,75 tỷ đô la Mỹ) nếu giá bán lẻ điện không tăng.
Reuters loan tin ngày 15/2, dẫn thông báo của Chính phủ Hà Nội như vừa nêu. Theo đó tổng khoản lỗ của EVN trong hai năm 2022 và 2023 sẽ là gần 94 ngàn tỷ đồng.
Vào đầu tháng hai vừa qua, giá sàn bán lẻ điện tại Việt Nam đã tăng gần 14% và đây được cho là biện pháp mở đường cho việc tăng giá thêm nữa của EVN.
Tuy vậy, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên cảnh báo “bất cứ biện pháp điều chỉnh giá điện nào cũng phải tính đến những tác động có thể đối với lạm phát, đời sống người dân và kinh tế vĩ mô.”
Chính phủ Hà Nội đặt mục tiêu kiềm chế lạm phát dưới 4,5% trong năm 2023; trong khi đó để khuyến khích đầu tư vào ngành phát điện, thì giá điện bán lẻ cần phải được tăng thêm.
Lượng điện thoại thông minh xuất từ Việt Nam giảm xuống mức năm 2015
15/02/2023
Lượng điện thoại thông minh lắp ráp ở Việt Nam rồi xuất ra thế giới trong năm 2022 giảm xuống mức của năm 2015.
Số liệu của Tập đoàn Dữ liệu Quốc tế (IDC) vào ngày 15/2 cho thấy như vừa nêu. Cụ thể, mức giảm là 15,6% trong năm 2022 so với năm trước đó, xuống còn 13,4 triệu chiếc.
Vào quý tư năm ngoái, thời điểm mùa lễ hội mua sắm lớn nhất trong năm, số điện thoại thông minh xuất xưởng trên thế giới được cho biết giảm hơn 18% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống mức 300 triệu chiếc.
Tuy nhiên, đây được nhận định là xu thế chung trên toàn cầu. Trong năm qua, có tổng cộng 1,21 tỷ chiếc điện thoại thông minh được xuất xưởng và là mức thấp nhất kể từ năm 2013.
Theo IDC đó là do nhu cầu của người tiêu dùng giảm đáng kể và áp lực từ lạm phát cũng như những bất ổn kinh tế vĩ mô.
Việt Nam hiện có hai nhà máy chuyên lắp ráp điện thoại thông minh Samsung, một ở Thái Nguyên và một ở Bắc Ninh. Doanh thu của Nhà máy Samsung Thái Nguyên cao nhất ở mức 23,2 tỷ đô la Mỹ.
Xuất khẩu dệt may của Việt Nam giảm trong tháng một năm 2023
15/02/2023
Trong năm 2022, tổng giá trị xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam đạt 37,5 tỷ đô la.
Hiện Hoa Kỳ là thị trường nhập khẩu hàng dệt may lớn nhất của Việt nam, chiếm hơn 44% tổng giá trị xuất khẩu trong tháng qua, tương đương 990 triệu đô la. Các nước Nhật Bản và Hàn Quốc cũng là các quốc gia nhập khẩu nhiều hàng dệt may từ Việt Nam với trị giá xuất khẩu tương ứng là 248 triệu và 244 triệu đô la.
Xuất khẩu của Việt Nam trong tháng 1 cũng giảm hơn 52% so với cùng kỳ năm ngoái, tương đương con số là 225 triệu đô la.
Việt Nam đặt kế hoạch trong năm 2023 xuất khẩu hàng dệt may và sợi đạt 48 tỷ đô la trong tình huống thị trường tích cực, theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam.
TikToker đưa tin về thiếu tướng Đinh Văn Nơi bị xử lý
15/02/2023
Chủ tài khoản Tiktok có tên “T.T.010280”- T.M.T ngụ tại xã Nam Hồng, huyện Đông Anh, Thành phố Hà Nội bị Công an Quảng Ninh và Hà Nội làm việc về tin loan liên quan Thiếu tướng Đinh Văn Nơi. Công an tỉnh Quảng Ninh vào ngày 14/2 cho biết như vừa nêu.
Vụ việc cụ thể được cho biết, vào ngày 4/2, Phòng An ninh Mạng và Phòng Chống Tội phạm Sử dụng Công nghệ Cao thuộc Công an tỉnh Quảng Ninh phát hiện tài khoản vừa nêu đăng và phát đi một video với nội dung bị cho cắt ghép liên quan bài phát biểu của ông Đinh Văn Nơi khi đang còn là Giám đốc Công an tỉnh An Giang.
Công an tinh Quảng Ninh sau đó phối hợp với Công an TP Hà Nội và xác định được chủ tài khoản là ông T.M.T., sinh năm 1976 ngụ tại xã Nam Hồng, huyện Đông Anh.
Công an cho rằng ông này còn đăng trên tài khoản cá nhân một số bài viết liên quan đến lãnh đạo Đảng và Nhà nước Việt Nam. Những thông tin liên quan bị cho thiếu kiểm chứng.
Biện pháp xử lý đối với ông T.M.T. được cho biết trước mắt yêu cầu xóa các bài và video có nội dung bị cho vi phạm; và hồ sơ vụ việc được giao cho Công an TP Hà Nội để xử lý tiếp.
Đại tá Đinh Văn Nơi hôm đầu tháng 10/2021 gây xôn xao dư luận khi một đoạn ghi âm dài sáu phút được cho là cuộc nói chuyện điện thoại giữa ông Nơi và cựu Bí thư tỉnh uỷ – Thiếu tướng Bùi Bé Tư, nói về việc người dân ở tỉnh này về quê nhưng không được đón nhận, bị phát tán trên mạng xã hội.
Tuy nhiên, sau đó, Ban thường vụ Tỉnh ủy An Giang đã khẳng định thông tin trên file ghi âm là “cắt ghép, gây chia rẽ đoàn kết nội bộ”, đồng thời quy kết ông Hoàng Dũng – một trong những người sáng lập Phong trào Con đường Việt Nam hiện đang ở Mỹ là người phát tán lên mạng.
Ông Hoàng Dũng sau đó đã phủ nhận làm chuyện này trên trang Facebook cá nhân.
Việt Nam chấm dứt khai thác thủy sản bất hợp pháp để gỡ ‘thẻ vàng’ của EU trong năm nay
15/02/2023
Một sĩ quan Cảnh sát biển Hoàng gia Thái Lan đứng trước hai tàu đánh cá Việt Nam bị bắt giữ đang neo đậu ven biển ở tỉnh Narathiwat hồi tháng 4/2020. Việt Nam đặt mục tiêu chấm dứt đánh bắt cá hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài vào tháng 5 năm nay.
Việt Nam quyết tâm gỡ “thẻ vàng” mà Liên minh châu Âu đang áp lên ngành khai thác thủy sản của quốc gia Đông Nam Á bằng cách đặt mục tiêu chấm dứt các tàu cá khai thác hải sản bất hợp pháp vào giữa năm nay.
Việt Nam bị Ủy ban châu Âu (EC) áp dụng hình thức cảnh báo “thẻ vàng” trong hơn 5 năm qua vì tình trạng khai thác thủy sản bất hợp pháp, không khai báo, không theo quy định (IUU) và có nguy cơ tiếp tục bị phạt “thẻ đỏ” nếu không cải thiện tình hình.
Việt Nam hiện đang đối mặt với khoản thiệt hại lên tới 480 triệu USD mỗi năm trong xuất khẩu thủy sản sang thị trường EU nếu bị phạt “thẻ đỏ”.
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang hôm 15/2 ký ban hành Kế hoạch Hành động chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định, theo báo Công Thương.
Mục tiêu của Kế hoạch là “triển khai đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả” các quy định pháp luật thủy sản để khắc phục các tồn tại, hạn chế theo khuyến nghị của EC về IUU nhằm gỡ cảnh báo “thẻ vàng” của khối này trong năm 2023.
Theo Kế hoạch, cũng được Tiền Phong ghi nhận, các bộ, ngành và địa phương phải rà soát, thống kê toàn bộ số lượng tàu cá, hoàn thành 100% việc đăng ký, đăng kiểm, đánh dấu tàu cá, cấp giấy phép khai thác thủy sản, lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá (VMS) theo quy định. Mục tiêu là đảm bảo 100% hồ sơ các lô hàng xuất khẩu sang thị trường châu Âu và các thị trường khác có yêu cầu truy xuất được nguồn gốc nguyên liệu thủy sản khai thác.
Việt Nam bị EC phạt “thẻ vàng” vào tháng 10/2017 và cảnh báo có thể sẽ cấm nhập thủy sản từ Việt Nam nếu quốc gia Đông Nam Á không “làm nhiều hơn” để cải thiện tình trạng IUU.
Kể từ sau khi bị cảnh cáo “thẻ vàng”, EC đã tiến hành kiểm tra thực tế Việt Nam 3 lần vào các năm 2017, 2019 và tháng 10 năm ngoái.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phùng Đức Tiến hồi đầu tháng này cho biết rằng qua lần kiểm tra thứ 3, Ủy ban châu Âu chỉ ra những tồn tại về giám sát hoạt động của tài cá trên biển, vẫn còn số lượng lớn các tàu cá bị bắt khi hoạt động ở vùng biển nước ngoài, theo Tiền Phong.
Ngư dân và tàu cá của Việt Nam từng bị bắt khi được cho là đánh bắt trái phép trong vùng biển của Thái Lan, Indonesia, Philippines, Malaysia và Campuchia. Mới đây nhất, cơ quan chức năng Malaysia đã bắt giữ hai tàu cá Việt Nam cùng với 19 thuyền viên ở phía đông bắc ngoài khơi đảo Aur của nước này. Trước đó, 37 ngư dân tỉnh Quảng Nam đã được Malaysia thả về sau khi bắt giữ và cáo buộc họ vi phạm luật thủy sản của nước này.
Sau lần kiểm tra thứ 3 của EC, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã banh hành chương trình hành động 180 ngày quyết tâm gỡ “thẻ vàng” để chuẩn bị cho đợt kiểm tra tiếp theo của EC vào tháng 4 năm nay.
Mục tiêu của Kế hoạch vừa được ban hành hôm 15/2 là từ nay đến tháng 5, điều tra và xử lý 100% vụ việc tàu cá Việt Nam bị nước ngoài bắt giữ, xử lý và xử phạt 100% các trường hợp vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài cũng như thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Mục tiêu này lùi lại hai tháng so với yêu cầu của Thủ tướng Phạm Minh Chính đưa ra hồi tháng 12 năm ngoái, trong đó ông Chính chỉ thị cho các bộ ngành, địa phương phối hợp ngăn chặn và chấm dứt tình trạng tàu cá khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài trước ngày 31/3 năm nay.
Bốn tấn mèo đông lạnh bị phát hiện tại Đồng Tháp
16/02/2023
Khoảng bốn tấn mèo đã qua giết mổ bị phát hiện trong một kho lạnh ở tỉnh Đồng Tháp.
Lực lượng chức năng gồm Cảnh sát Môi trường, Công an huyện Lai Vung, Công an tỉnh và Chi cục Chăn nuôi, Thú y – Thủy sản tỉnh Đồng Tháp tiến hành kiểm tra một kho lạnh và phát hiện lượng mèo bị giết như vừa nêu.
Ngoài số mèo đã bị giết, còn có 480 con mèo sống đang bị nhốt trên một xe tải.
Lực lượng chức năng cho biết chủ cơ sở kinh doanh khai số mèo sống sẽ được chuyển lên Thành phố Hồ Chí Minh để bán lại; số đã bị giết và đông lạnh sẽ chuyển ra ngoài Bắc để nấu cao. Tuy nhiên nguồn gốc của số mèo bị giết vào còn sống không được cơ quan năng nêu ra.
Vào tháng 12/2021 Thành phố Hội An ký một thỏa thuận với nhóm bảo vệ quyền động vật Four Paws International, hứa hẹn sẽ thực hiện cam kết loại bỏ dần việc bán thịt chó và mèo.
Ông Nguyễn Thế Hùng – Phó Chủ tịch Thành phố Hội An, cho AFP biết khi ký kết thỏa thuận rằng: “Chúng tôi muốn giúp thúc đẩy phúc lợi động vật thông qua việc xóa sổ bệnh dại, xóa bỏ buôn bán thịt chó và mèo, và đưa thành phố trở thành điểm đến du lịch hàng đầu”.
Còn bà Julie Sanders, đại diện Four Paws International, thì cho rằng đây là một khởi đầu để có thể làm gương cho những nơi khác ở Việt Nam.
AFP dẫn lời bà Julie Sanders rằng ước tính ở Việt Nam mỗi năm có năm triệu con chó và một triệu con mèo bị buôn bán để giết lấy thịt ăn. Đây là mức được cho cao thứ hai trên thế giới chỉ sau Trung Quốc. Một số người tin rằng ăn thịt chó mèo có thể giúp xua tan vận rủi.
Việt Nam – Thái Lan ký bản ghi nhớ trao đổi thông tin chống đánh bắt cá trái phép
16/02/2023
Bộ Nông nghiệp và Hợp tác xã Thái Lan và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam sẽ ký một bản ghi nhớ trao đổi thông tin để chống tình trạng đánh bắt cá trái phép, không báo cáo và không theo quy định (IUU).
Phó phát ngôn chính phủ Thái Lan Ratchada Thanadirek hôm 14/2 cho báo chí biết chính phủ Thái Lan đã phê duyệt bản ghi nhớ này.
Bà Thanadirek cho biết “bản ghi nhớ giữa hai nước nhằm chia sẻ kinh nghiệm, thông tin và các biện pháp liên quan đến IUU, đặc biệt là tình trạng xâm phạm vùng biển của các tàu cá, giấy phép khai thác và truy xuất nguồn gốc, nhằm ngăn chặn các sản phẩm từ đánh bắt cá trái phép lọt vào đường dây cung ứng.”
Việc ký kết Bản ghi nhớ này sẽ diễn ra nhân cuộc họp của nhóm làm việc chung lần thứ bảy giữa Việt Nam và Thái Lan tổ chức ở Việt Nam vào tháng ba này, theo thông tin từ người phó phát ngôn chính phủ Thái.
Thông tin mới nhất về hợp tác giữa Thái Lan và Việt Nam liên quan đến IUU được đưa ra vào khi Việt Nam cam kết sẽ chấm dứt tình trạng đánh bắt cá trái phép trong vòng ba tháng tới để hướng tới được bỏ “thẻ vàng” cảnh cáo của Châu Âu áp dụng lên thủy sản Việt Nam từ năm 2017 đến nay.
Các ngư dân Việt Nam thời gian qua cũng liên tục phải đối mặt với tình trạng bị bắt giữ, thậm chỉ bị đưa ra tòa xét xử ở các nước láng giềng vì tình trạng xâm phạm vùng biển để đánh bắt cá trái phép.