Việt Nam: Sài Gòn phòng và chống ung thư kiểu gì?
An Vui /SGN – 14/4/2023
Bệnh nhân ung thư (ngoại trú) đang vào hóa chất tại bệnh viện Ung bướu cơ sở 2 (TP. Thủ Đức, Sài Gòn) – Ảnh: VietnamNet
Với số ca mắc và tử vong do ung thư có chiều hướng gia tăng ở Sài Gòn, Sở Y tế thành phố (Sài Gòn) vừa đề ra chiến lược phòng, chống ung thư trong giai đoạn mới.
Truyền thông trong nước ngày 13 và 14 Tháng Tư 2023 dẫn nguồn tin từ Sở Y tế thành phố (Sài Gòn) cho biết chiến lược này gồm sáu giải pháp cụ thể: Thứ nhất, chú trọng truyền thông, giáo dục sức khỏe, chích ngừa vaccine… phòng ngừa; Thứ hai, tăng tỷ lệ tầm soát, phát hiện sớm bệnh lý ung thư trong cộng đồng, bao gồm cả chương trình quản lý bệnh không lây nhiễm của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại tuyến y tế cơ sở và nghiên cứu triển khai trung tâm tầm soát và phát hiện sớm ung thư bằng công nghệ cao (mô hình Ningen dock của Nhật Bản); Thứ ba, xây dựng và củng cố mạng lưới y tế về chẩn đoán, điều trị ung thư rộng khắp từ tuyến y tế cơ sở đến các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa; hoàn thiện đồng bộ cơ sở vật chất, trang thiết bị trong điều trị ung thư tại các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa; Thứ tư, xây dựng, hoàn thiện mạng lưới chăm sóc giảm nhẹ cho bệnh nhân ung thư trong cộng đồng; Thứ năm, chuyển đổi số công tác báo cáo, giám sát các trường hợp bệnh nhằm quản lý dữ liệu bệnh nhân ung thư, từng bước hình thành bản đồ điều trị ung thư tại Sài Gòn; Thứ sáu, đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực phòng chống ung thư.
Cần phải mở ngoặc nói về mô hình Ningen dock của Nhật Bản: Là gói khám sức khỏe tổng quát theo tiêu chuẩn Nhật Bản, bảo đảm khám sức khỏe toàn diện, khách hàng phải trả lời 120 câu hỏi về tiền sử bệnh tật của gia đình và cá nhân, ngoài ra phải thực hiện từ 50 – 80 xét nghiệm, trong khi gói khám sức khỏe thông thường có tối đa 30 xét nghiệm. Như vậy có thể suy ra, gói khám sức khỏe thông thường hiện nay dao động từ hơn 2 triệu đồng – 4 triệu đồng/người (trên $100 – gần $200) thì gói khám theo mô hình Ningen dock chắc chắn sẽ cao hơn, nhưng cao hơn bao nhiêu?
Hiện Sài Gòn có hai nơi khám sức khỏe theo mô hình Ningen dock của Nhật Bản. Đó là Trung tâm Kiểm tra Sức khỏe HECI Chợ Rẫy (do bệnh viện Chợ Rẫy liên kết với trường ĐH Quốc tế Y tế và Phúc lợi Nhật Bản) tọa lạc ở quận 11 và Trung tâm Y khoa Quốc tế Bernard, tọa lạc ở quận 3, Sài Gòn. Bảng giá ở HECI Chợ Rẫy từ 18 triệu đồng – 34 triệu đồng ($767 – $1,450), còn ở Bernard từ 23 triệu đồng – 45 triệu đồng ($980 – $1,919). Như vậy đã rõ đối tượng khách hàng của hai nơi này sẽ là ai. Người nghèo giỏi lắm chỉ sở hữu thẻ bảo hiểm y tế tự nguyện đừng có mơ, vì gói khám sức khỏe tổng quát không bao giờ nằm trong danh mục được Bảo hiểm Y tế Nhà nước chi trả.
Bảng giá khám sức khỏe theo mô hình Ningen dock ở Trung tâm Y khoa Quốc tế Bernard – Ảnh: VietnamPlus
Trong bối cảnh ung thư gia tăng, bệnh viện tại Sài Gòn luôn phải tiếp số lượng bệnh nhân tại chỗ và các tỉnh đông hơn khả năng khám chữa bệnh, năng lực chẩn đoán và điều trị không đồng đều, nên đa số bệnh nhân ung thư ở Sài Gòn và phía Nam phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn. Bên cạnh đó, chương trình tầm soát phát hiện sớm, nếu có, chủ yếu được thực hiện cho bệnh nhân có nhu cầu, hầu như không có chương trình tầm soát phát hiện sớm ung thư trong cộng đồng. Ngoài ra, những bệnh nhân giai đoạn cuối ở Sài Gòn hầu như không tìm ra nơi nhận dịch vụ chăm sóc giảm nhẹ, phải tự tìm kiếm thuốc morphine (dán hoặc chích) trong tình trạng gần như vô vọng vì loại này không được phép bán trên thị trường tự do.
Vì thế, không có gì lạ khi thống kê của Tổ chức Ung thư toàn cầu (GLOBOCAN) cho thấy Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ mắc ung thư cao (97.3-111.9/100,000 dân).
Năm 2020, tại Việt Nam ước tính có 182,563 ca mắc mới và 122,690 ca tử vong do ung thư; trung bình cứ 100,000 người thì có 159 người chẩn đoán mắc mới ung thư và 106 người tử vong vì ung thư.
So với năm 2018, tỷ lệ mắc ung thư mới ở Việt Nam tăng lên 9 bậc (xếp thứ 90/185 quốc gia), tỷ lệ tử vong do ung thư tăng 6 bậc (xếp thứ 50/185 quốc gia).
VietnamNet ngày 8 Tháng Tư 2023 trích dẫn lời của thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết tính cả số ca mắc ung thư còn sống với ca mắc mới, Việt Nam thường xuyên có khoảng 354,000 người đang sống chung với ung thư, xu hướng ngày càng gia tăng, gấp nhiều lần so với 30 năm trước.
Tại Việt Nam, 10 loại ung thư phổ biến nhất gồm: Ung thư gan (chiếm 14.5%), ung thư phổi (14.4%), ung thư vú (11.8%), ung thư dạ dày (9.8%), ung thư đại tràng (5.1%), ung thư trực tràng (3.5%), bệnh bạch cầu hay ung thư máu (3.4%), ung thư tuyến tiền liệt (3.4%), ung thư vòm họng (3.3%) và ung thư tuyến giáp (3%).
VietnamPlus ngày 14 Tháng Tư 2023 dẫn thống kê của bệnh viện K (Hà Nội) cho biết chi phí điều trị của bệnh nhân ung thư trung bình trên 176 triệu đồng/năm ($7,506/năm). Trong đó bảo hiểm y tế chi trả khoảng 51 triệu đồng (chiếm 29% chi phí điều trị). Điều đáng lo ngại là có tới 33.8% bệnh nhân ung thư hiện nay không thể trả nổi tiền thuốc do kinh phí điều trị quá nhiều.
Tỷ lệ chi trả từ tiền túi của người bệnh ở Việt Nam hiện rất cao. Số liệu từ Bảo hiểm Xã hội Việt Nam năm 2017 cho thấy mức chi trả trực tiếp từ tiền túi của người bệnh xấp xỉ 43%. Tỷ lệ này rất cao so với mục tiêu của Bộ Y tế là 35% vào năm 2025 và 30% vào năm 2030. Theo thống kê của WHO, tỷ lệ này chiếm khoảng 45% tổng chi y tế, ảnh hưởng lớn đến khả năng tiếp cận chăm sóc sức khỏe của người dân.
Bảng giá khám sức khỏe theo mô hình Ningen dock ở Trung tâm Kiểm tra Sức khỏe HECI Chợ Rẫy – Ảnh: An Vui
Hiện có những chỉ định chụp chiếu hoặc loại thuốc mới ra đời có hiệu quả cao đối với bệnh nhân ung thư, song chưa được bảo hiểm y tế chi trả. Chẳng hạn như nếu bị chỉ định chụp Pet-scan toàn thân, bệnh nhân phải trả ít nhất 30 triệu đồng ($1,279) một lần chụp. Hoặc nếu bị chỉ định xạ trị, chọn gói xạ trị kỹ thuật cao ít nhất cũng phải trả trên 100 triệu đồng/trọn gói (khoảng gần $5,000); chọn gói hóa trị sinh học cho bệnh nhân ung thư vú có khi tốn hơn 1 tỷ đồng (khoảng $25,000).
Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Thái Hòa, Trưởng khoa Nội 2 (bệnh viện K – Hà Nội), cho biết tại bệnh viện K hiện nay mới chỉ có 5% bệnh nhân điều trị theo phương pháp hiện đại, đó là liệu pháp miễn dịch, vì giá điều trị cao, bảo hiểm y tế không chi trả.
Điều kỳ lạ là trong các số liệu về bệnh nhân ung thư ở Việt Nam, ngành y tế không hề nhắc đến số bệnh nhân trẻ em. Khi số lượng trẻ em điều trị ung thư ở Việt Nam không có con số thống kê nghĩa là hiện trạng đau lòng này sẽ mãi mãi không thay đổi. Hiện nay, số trẻ em điều trị ung thư ở Việt Nam chiếm đông nhất là ở khoa Nội 3 bệnh viện Ung Bướu thành phố (Sài Gòn), trên dưới 200 em (từ vài tháng tuổi – 15 tuổi) đang chữa trị, cả nội lẫn ngoại trú. Trong khi các bệnh viện khác đã số hóa mọi dữ liệu của bệnh nhân khi họ đến khám bệnh thì bệnh viện Ung Bướu thành phố (Sài Gòn) vẫn duy trì cách viết tay trong sổ và lưu bệnh án bằng giấy. Khi bệnh nhân được chuyển từ khoa này sang khoa khác để phối hợp điều trị, luôn có hộ lý hay y tá đi theo cầm hồ sơ bệnh án.
Chiến lược phòng, chống ung thư của Sở Y tế thành phố (Sài Gòn) vì thế nghe thì hay nhưng e rằng khó đạt hiệu quả là kéo giảm số lượng bệnh nhân ung thư (cả người lớn lẫn trẻ em) trong tương lai.