Chuyện Việt Nam Thứ Ba 25/4/2023: * CH Czech đàm phán với Việt Nam về cung cấp thiết bị *70 tổ chức giục Mỹ áp lực CSVN về đàn áp tôn giáo *Việt Nam: Giải cứu nông sản *Vụ tiếp viên và ma túy: bắt hơn 50 người
Quê Hương tổng hợp
Công ty quốc phòng CH Czech Omnipol đang đàm phán chuyên sâu với Việt Nam về cung cấp thiết bị
25/4/2023
Quân đội Việt nam trong một cuộc duyệt binh ở Hà Nội.
Công ty quốc phòng và hàng không vũ trụ Omnipol của Cộng hòa Czech đang đàm phán tích cực với Việt Nam về khả năng bán thiết bị, công ty này nói với Reuters hôm 25/4.
Bình luận này được đưa ra sau một bản tin của Reuters hôm 24/4 về các cuộc đàm phán của công ty Omnipol vào tuần trước với các quan chức Việt Nam về khả năng bán máy bay vận tải L 410 NG, radar sử dụng cho các sân bay dân sự và quân sự, và các hợp đồng mới có thể cung cấp thêm Máy bay chiến đấu hạng nhẹ L-39NG mà Hà Nội đã đặt mua 12 chiếc.
Phản hồi cho Reuters về các cuộc đàm phán cho các nguồn cung cấp mới, người phát ngôn của công ty Omnipol cho biết trong một tuyên bố gửi qua email: “Chúng tôi có thể xác nhận rằng chúng tôi đang đàm phán chuyên sâu với khách hàng này, tuy nhiên chúng tôi bị ràng buộc bởi Thỏa thuận không tiết lộ thông tin và chúng tôi không thể bình luận về bất kỳ hợp đồng hiện tại hoặc tiềm năng nào”.
Công ty Omnipol có cổ phần thiểu số trong Aero Vodochody, công ty sản xuất máy bay chiến đấu hạng nhẹ L-39NG. Công ty có trụ sở tại Praha này cũng sở hữu Aircraft Industries, nhà sản xuất máy bay vận tải L 410 NG của Czech.
Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Việt Nam vào tuần trước của Thủ tướng Czech Petr Fiala, bốn công ty quốc phòng Czech đã thảo luận về khả năng mua bán với các quan chức mua sắm quốc phòng Việt Nam, một nguồn tin chính phủ Czech nói với Reuters.
Ngoài Omnipol, 3 doanh nghiệp khác trong đoàn là Czechoslovak, Colt CZ và STV.
Trang Euro Defense hôm 24/4 viết: “Khi đàm phán với đoàn do Thủ tướng Fiala dẫn đầu, Việt Nam tỏ ra rất quan tâm đến việc mua máy bay quân sự, radar và hiện đại hóa các vũ khí có nguồn gốc từ Nga”.
Thủ tướng Czech viết trên Twitter khi kết thúc chuyến công du Việt Nam hôm 23/4: “Bảo vệ các công ty của chúng tôi và tạo điều kiện tiếp cận thị trường Việt Nam, tăng cường hợp tác trong ngành công nghiệp ôtô, năng lượng và quốc phòng. Đây là những chủ đề chính trong các cuộc đàm phán của tôi ở Việt Nam”.
Truyền thông Việt Nam khi đưa tin về chuyến thăm của Thủ tướng Czech, từ ngày 20-22/4, nói rằng hai bên đã chứng kiến lễ ký kết các văn kiện hợp tác giữa hai nước, trong đó có thỏa thuận hỗ trợ doanh nghiệp, đào tạo phi công thương mại, hợp tác về điện lực dầu khí…nhưng không đề cập đến các thiết bị quốc phòng.
Truyền thông nhà nước cho biết các doanh nghiệp Czech đã đầu tư vào Việt Nam trong nhiều lĩnh vực như công nghiệp khai khoáng, y tế, tài chính, công nghiệp quốc phòng, hàng không… Trong đó, có các doanh nghiệp đang đầu tư thành công tại Việt Nam như Tập đoàn Colt CZ, Home Credit, Tập đoàn Omnipol.
Hơn 70 tổ chức thúc giục Mỹ gây áp lực với CSVN về đàn áp tôn giáo
24/4/2023
HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Hơn 70 tổ chức tôn giáo quốc tế và rất nhiều chuyên viên nhân quyền đang thúc giục chính phủ Mỹ gây áp lực với CSVN về vấn đề đàn áp tôn giáo ở quốc gia này.
Tổ chức thông tin Christian Post hôm Thứ Hai, 24 Tháng Tư, cho hay tin trên và nói rằng các tổ chức tôn giáo quốc tế cáo buộc nhà cầm quyền CSVN chủ trương áp dụng các biện pháp đàn áp tôn giáo, đặc biệt với các cộng đồng sắc dân thiểu số ở Việt Nam.
Cán bộ xã Dăk Jăk huyện Ngọc Hồi, Kontum, phá thánh lễ ngày 22 Tháng Ba, 2023. (Hình: Tổng Giáo Phận Sài Gòn)
Trong một bức thư chung gửi cho Ngoại Trưởng Anthony Blinken và nhiều viên chức hàng đầu trong chính phủ Biden, họ lưu ý chính phủ Mỹ về các biện pháp đàn áp tôn giáo ngày càng gia tăng của chế độ độc tài tại Việt Nam, đặc biệt là những sắc dân thiểu số không chấp nhận gia nhập vào các tổ chức tôn giáo do nhà cầm quyền lập ra để sai khiến, thường được gọi là tôn giáo quốc doanh.
Các tổ chức tôn giáo quốc tế nói trên bày tỏ quan ngại về các vụ đàn áp tôn giáo tại Việt Nam xảy ra trong năm qua. Những chứng cớ được họ nêu ra để cho thấy CSVN cưỡng bách tín đồ Tin Lành phải bỏ đạo, đàn áp các nhà nguyện hay nhà thờ thiết lập tại tư gia giáo dân không được nhà cầm quyền cấp giấy phép hoạt động.
Khi giáo dân xin phép thành lập hay xây dựng nhà nguyện, nhà thờ thì không bao giờ được cấp giấy phép. Đồng thời, nhà cầm quyền còn thúc ép các nhóm tôn giáo độc lập gia nhập vào các tổ chức tôn giáo quốc doanh.
Các tổ chức trên cho hay ngày 8 Tháng Tư vừa qua, nhà cầm quyền tỉnh Dak Lak đã bắt giam nhà truyền giáo người Thượng tên Y Krech Bya, một thành viên của Giáo Hội Tin Lành Evangelical Church of Christ, khi tín đồ đã tập trung tại nhà nguyện và cũng là tư gia của ông, dự Lễ Phục Sinh. Ông Bya bị cáo buộc “phá hoại chính sách đoàn kết quốc gia” theo điều 116 Luật Hình Sự CSVN với bản án có thể đến 15 năm tù.
Nhà cầm quyền cáo buộc nhà nguyện tại nhà ông là bất hợp pháp và bắt ông gia nhập Giáo Hội Tin Lành nhà nước nhưng ông đã không gia nhập. Ông bị bắt thẩm vấn đe dọa rất nhiều lần. Trước đây, ông đã từng bị bắt tù tám năm hồi năm 2004 vì đã tham dự các cuộc biểu tình đòi quyền tự do tôn giáo cho người Thượng.
Nguồn tin trên cho hay nhà cầm quyền tỉnh Dăk Lăk cũng tuyên án khiếm diện đối với Mục Sư A Ga, một chức sắc Tin Lành hiện sống ở North Carolina, người sáng lập Giáo Hội Tin Lành Evangelical Church of Christ ở Tây Nguyên, một người được quốc tế công nhận là nhân vật xuất sắc trong vận động tự do tôn giáo cho người thiểu số ở Việt Nam.
Hình phổ biến trên trang mạng của Tổng Giáo Phận Hà Nội khi hai viên chức thị trấn Vụ Bản phá rối Thánh lễ đồng tế do Tổng Giám Mục Hà Nội Giuse Vũ Văn Thiên chủ tế ngày 20 Tháng Hai, 2022. (Hình: Tổng Giáo Phận Hà Nội)
Bức thư chung nói trên dẫn nhiều trường hợp nhà cầm quyền CSVN đã bắt giữ và kết án một cách phi lý nhiều tín đồ và mục sư Tin Lành trong những năm qua. Họ kêu gọi chính phủ Mỹ áp lực để CSVN trả tự do cho các nhân vật đã bị bỏ tù chỉ vì niềm tin tôn giáo, nhất là những người thuộc các sắc dân thiểu số. Đồng thời, buộc CSVN phải sửa đổi luật lệ vốn dùng để đàn áp tôn giáo.
Trước khi Ngoại Trưởng Blinken đến Hà Nội giữa Tháng Tư vừa qua, một nguồn tin thân cận chính phủ tại Washington cho hay, ông cũng thảo luận với những người cầm đầu CSVN về nhân quyền, gồm cả tự do tôn giáo, nhưng không hề thấy chi tiết gì được loan báo.
Trong bản báo cáo tình hình tự do tôn giáo quốc tế hàng năm, Bộ Ngoại Giao Mỹ vẫn thường xuyên lên án CSVN đàn áp các tôn giáo, nhất là những tổ chức không chịu gia nhập hệ thống tôn giáo quốc doanh. (TN) [kn]
Nguyễn Văn Tuấn – ‘Bao nhiêu năm rồi còn mãi ra đi …’
Vậy là 14 người chết trên biển Đài Loan đều là người Việt. Tất cả đều xuất phát từ miền Bắc. Tất cả cũng chỉ vì miếng cơm manh áo – theo như một người trong cuộc nói thật.
Hơn 45 năm rồi mà người Việt vẫn còn ra đi. Đi nhiều là đằng khác.
Trong suốt 25 năm qua, mỗi năm có gần 100.000 người Việt rời quê hương đi định cư ở nước ngoài, chủ yếu là Mỹ. Họ ra đi chủ yếu là vì lý do kinh tế và là ‘air people’ (đi bằng máy bay). Họ may mắn hơn 14 đồng hương bỏ mạng trên biển Đài Loan.
Con số 14 đó thật ra chẳng thấm gì so với con số mấy chục năm trước. Trong thập niên 1970 và 1980 có khoảng 200.000 đến 400.000 (số của Liên hợp quốc) người miền Nam chết trên đường vượt biên. Chưa bao giờ trong lịch sử Việt Nam có nhiều người bỏ mạng như trong thời gian này. Khác với đồng hương ngày nay ra đi vì miếng ăn, ngày xưa người mình ra đi vì hai chữ ‘tự do.’
Mười bốn đồng hương mình bỏ mạng ở xứ người mà chánh phủ Việt Nam không có một lời phát biểu. Báo chí thì chỉ viết mé mé, làm như họ chẳng dính dáng gì với dân tộc mình! Vô cảm là đây.
Hình: Chiếc thuyền bị lật trên biển làm cho 14 người Việt (9 nam và 5 nữ) bỏ mạng. Họ vượt biên bằng đường bộ sang Phúc Kiến, rồi từ đó mua ghe đi sang Đài Loan. Nhưng chuyến vượt biển không thành.
NGUYỄN VĂN TUẤN 23.04.2023
Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Trà Bồng bỗng dưng… cháy
Lê Thiệt /SGN
24/4/2023
Cháy tại Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Trà Bồng – Ảnh cắt từ video clip
Tối 23 Tháng Tư, đám cháy tại Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi bất ngờ bùng phát trong một căn phòng nằm ở tầng 2. Rất may đám cháy được khống chế, không cháy lan qua các phòng bên cạnh.
Một người dân chứng kiến cho biết họ nghi ngờ nguyên nhân không phải do chập điện, mà do con người làm.
“Mới đầu đám cháy nhỏ, xuất phát từ bên trong phòng. Khoảng 5 phút sau, tôi nghe tiếng kính vỡ và thấy đám cháy lớn dần, ngọn lửa phủ lên cả trần nhà”, chị Trinh (người dân chứng kiến) cho biết.
Cũng may do Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Trà Bồng nằm ngay quảng trường huyện, dù tối nhưng vẫn còn nhiều người dân qua lại đã phát hiện vụ việc và báo ngay cho cơ quan chức năng.
Ngọn lửa xuất phát từ bên trong một căn phòng nằm trên tầng 2 – Ảnh cắt từ video clip
May mắn hơn, trụ sở Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện nằm đối diện trụ sở Công an huyện nên công an huyện chạy qua phá cửa phòng, sử dụng những bình chữa cháy cá nhân tạm thời khống chế đám cháy, trong lúc chờ xe cứu hỏa đến.
Lúc 22h30, lãnh đạo huyện Trà Bồng xác nhận đám cháy hiện đã được khống chế, ngọn lửa không cháy lan qua các phòng bên cạnh.
Một lãnh đạo huyện Trà Bồng nói chưa rõ nguyên nhân, và cũng chưa thể thống kê thiệt hại. Tuy nhiên, điều ông lo lắng là giấy tờ, tài liệu quan trọng của nhà trường có nguy cơ bị tiêu hủy và hư hỏng nghiêm trọng, khó có thể phục hồi.
Người dân địa phương cũng bàn tán xôn xao về vụ cháy này. Nhiều người cho rằng không có gì “tự nhiên” xảy ra, kể cả nếu có chập điện. Vụ cháy chắc nằm trong kế hoạch hủy tang chứng, để các cấp lãnh đạo giáo dục và chính quyền có thể “ngủ yên” trước khi tiếp đón đoàn thanh tra về thăm.
Đắk Lắk: Công an ‘bắt’ cây sao đen về đồn vì ngã đè người đi đường
Lê Thiệt /SGN
24/4/2023
Hiện trường cây Sao đen ngã đổ, đè lên người chị N. – Ảnh: Người Lao Động
Ngày 22 Tháng Tư, một cơn gió lốc đầu mùa đã khiến hơn 70 cây xanh trên nhiều tuyến đường TP. Buôn Mê Thuột bị trốc rễ, gãy cành.
Tại trước nhà số 48 đường Y Jút. Một sây sao đen bị trốc gốc gãy đổ, đè lên người chị T.T.K.N. (26 tuổi, ngụ xã Hòa Phú, TP. Buôn Ma Thuột) đang đi xe máy tới.
Ngay lập tức, người đi đường và người dân xung quanh xúm vào cùng nhau khiêng thân cây lên để giải cứu và đưa chị N. đến Bệnh viện Đa khoa Thiện Hạnh cấp cứu.
Một cây sao đen khác trên đường Đam San cũng bị gãy, làm một nhân viên điện lực bị thương nhẹ.
Đến ngày hôm sau, chị N. được chuyển lên Bệnh viện Đại học Y Dược Sài Gòn để được tiếp tục chữa trị.
Lãnh đạo Công ty Cổ phần Đô thị và Môi trường Đắk Lắk, đơn vị quản lý cây xanh, cho biết đã cử cán bộ đến thăm hỏi và hỗ trợ cho các gia đình nạn nhân. Đồng thời, đến hiện trường để phối hợp cùng Công an TP Buôn Ma Thuột, Phòng Quản lý Đô thị, Ban Quản lý dự án thành phố xử lý tình trạng nêu trên.
Vị lãnh đạo Công ty này cho biết thêm, công an thành phố đã “bắt” cây sao đen này về đồn để “phục vụ điều tra”.
Chị T.T.K.N. đang được điều trị tại Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM – Ảnh: Người Lao Động
Tin này làm cho người dân rất ngạc nhiên về tinh thần phá án của công an, cũng như tinh thần trách nhiệm của lãnh đạo Công ty Cổ phần Đô thị và Môi trường Đắk Lắk. “Đến cái cây gây tại nạn cũng bị ‘bắt’ thì phải biết công an làm việc cẩn thận đến mức nào”.
Ông mang tên Thiên Lôi, một độc giả của báo Người Lao Động viết rằng, gặp công an thì“nó” (cây sao đen) sẽ khai hết thôi!
Độc giả Minh Nguyễn cũng đồng tình: “Phải phạt cái cây thật nặng vì làm bị thương người khác, và làm phí tiền thuế của dân”.
Có người còn đề nghị hẳn 10 năm tù cho cái cây này. Sau khi mãn hạn tù mới đem nó làm củi nấu bánh tét.
Chuyện cái cây này bị đưa về đồn công an điều tra khiến cư dân mạng nhớ lại một câu chuyện khác cũng liên quan đến công an và con… bò.
Chuyện xảy ra tại Tp. Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương vào năm 2018.
Theo lời kể của anh Nguyễn Ngọc Tân, chiều ngày 13 Tháng Giêng năm 2018, anh lái xe hơi bon bon trên đường thì bất ngờ bị một chị bò băng qua đường tông vào đầu xe của anh. Đầu xe bị hư hại nặng, chị bò cũng bị gãy chân nằm luôn xuống đường không đi nổi.
Lúc đó người dân địa phương đến xem rất đông, nhưng không ai đứng ra nhận là chủ chị bò. Cũng đúng thôi, vì nếu nhận là chủ thì phải đền tiền sửa xe cho anh Tân, nghe đâu tới cả trăm triệu đồng.
Một vài người muốn mua lại chị bò vô chủ này 8 triệu rồi đưa tiền bán bò cho anh Tân làm chi phí sửa xe. Anh Tân đồng ý vì chẳng có cách nào khác, thế nhưng cán bộ phường Hòa Phú có mặt tại đó không đồng ý. Cán bộ công an nói rằng anh ta cần phải đưa thủ phạm gây tai nạn về phường để điều tra thêm, rồi phường sẽ lập ủy ban hóa giá để hóa kiếp chị bò này. Tiền bán được sẽ đưa lại cho anh Tân, anh cứ yên tâm.
Thực lòng anh Tân cũng chẳng yên tâm chút nào, nhưng cán bộ công an nói thế thì phải nghe thôi. Sau một đêm không ngủ, sáng hôm sau anh Tân đến UBND phường Hòa Phú để xem sự việc giải quyết ra sao. Anh kể:
“Một công an ở đây nói với tôi là con bò đã được bán nhưng không biết được bao nhiêu vì cán bộ công an phụ trách giải quyết vụ việc đã đi học. Tôi yêu cầu công an lập biên bản buổi làm việc giữa tôi và họ. Cán bộ công an đang lập biên bản thì nhận được cuộc gọi nên bỏ đi ra ngoài”.
“20 phút sau, người này quay lại nói con bò đã bị tiêu hủy. Tôi không tin con bò bị tiêu hủy vì lúc xảy ra tai nạn, nó vẫn sống. Sự việc xảy ra chưa đầy 24 giờ, sao tiêu hủy nhanh vậy? Tôi yêu cầu dẫn đến vị trí giữ bò, tiêu hủy bò nhưng không được chấp nhận”.
Anh Tân nói anh sẽ gởi đơn kiến nghị lên công an cấp trên xem xét giải quyết. Từ đó, không ai nhắc đến anh Tân và chị bò này nữa. Hóa ra anh Tân và chị bò, nạn nhân và thủ phạm vụ tai nạn hy hữu này, đều bị công an phường Hòa Phú “dắt mũi”!
Việt Nam: Giải cứu nông sản – Tại sao đến hẹn lại lên?
Nguồn hình ảnh, Other
Chụp lại hình ảnh,
Hình minh họa
Sản xuất nông nghiệp quy mô nhỏ là một trong những yếu tố cốt lõi trong việc xoá đói giảm nghèo, cùng với tạo việc làm và giữ gìn hệ sinh thái ở các nước đang phát triển. Bên cạnh đó, nó còn là nguồn cung quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều thách thức khi xây dựng chính sách phát triển nông nghiệp nông thôn, từ việc giảm nghèo ở các nước đang phát triển đến đảm bảo nguồn cung thực phẩm cho các nước phát triển.
Mạng lưới thu mua nông sản ở Việt Nam nhìn chung vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thông thương giữa các hộ nông dân và người tiêu dùng.
Hằng năm, điệp khúc giải cứu nông sản luôn được đưa ra, từ thanh long, dưa hấu, đến sầu riêng, mít, cam, v.v.
Điều đó đặt ra các câu hỏi cần trả lời một cách cấp thiết: Thực trạng cụ thể của hệ thống thu mua nông sản? Đâu là nguyên nhân và giải pháp?
Một nhóm nhà nghiên cứu ở Đại học De Montfort, vương quốc Anh, dẫn đầu bởi PGS Lương Tuấn Anh, đã cùng hợp tác với Học viện nông nghiệp Việt Nam và Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, để tiến hành phân tích cũng như đánh giá khả năng phục hồi mạng lưới mua bán nông sản ở Việt Nam.
Dự án được sự tài trợ của Viện Hàn Lâm vương quốc Anh (British Academy) từ năm 2021 đến 2023.
Khảo sát được thực hiện ở ba xã là Vân Hội (huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc), Văn Đức (huyện Gia Lâm, Hà Nội), và thôn Côi Hạ, xã Phạm Trần (huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương).
Trong khi Vân Hội và Văn Đức thuộc vùng ven đô thị của hai thành phố Vĩnh Phúc và Hà Nôi, Phạm Trần thuôc khu vực nông thôn xa thành phố.
Trồng trọt, sản xuất nông nghiệp là nguồn thu nhập chính đã tồn tại ở ba xã này hơn ba mươi năm.
Nguồn hình ảnh, Tran Uy
Chụp lại hình ảnh,
Một số sản phẩm Việt trong siêu thị đồ Việt Nam ở Anh quốc
Thông tin về nhân khẩu học, các loại rau được trồng, thu nhập từ trồng trọt được thu thập từ mẫu dữ liệu gồm 176, 180 và 123 hộ gia đình ở Văn Hội, Văn Đức và Phạm Trần. Bên cạnh đó, các hình thức, chiến lược mua bán, mối quan hệ với người mua cũng như các yếu tố hành vi cũng được khảo sát.
Kết quả phân tích và đánh giá cho thấy tính đa dạng trong mạng lưới mua bán ở ba xã, tuy nhiên, nhìn chung khả năng phục hồi của mạng lưới mua bán nông sản ở nông thôn Việt Nam còn kém.
Trung bình, mỗi hộ gia đình không bán nông sản cho hơn hai thương lái. Đặc biệt, quan hệ giữa nông dân và thương lái đã kéo dài trung bình hơn mười năm, và thương lái thường xuyên đến thăm nơi canh tác.
Mỗi thương lái ở Văn Đức và Vân Hội hợp tác với ít hơn mười hộ gia đình. Ở Văn Đức, hơn một nửa hộ gia đình được khảo sát bán nông sản cho một thương lái duy nhất và hơn ba phần tư hộ chỉ bán nông sản qua một kênh thương mại (thương lái, hoặc hợp tác xã, hoặc chợ địa phương).
Ngược lại, ở Vân Hội, trung bình mỗi hộ gia đình mua bán với hơn hai thương lái và thông qua nhiều kênh khác nhau. Do đó, so với Văn Đức, mạng lưới mua bán ở Vân Hội có khả năng phục hồi tốt hơn.
Mạng lưới mua bán ở Phạm Trần (với tổng số thương lái hoạt động là tám, nhỏ hơn đáng kể so với hai xã trên) như trường hợp trung gian của hai trường hợp trên. Ở Phạm Trần, mạng lưới mua bán được chi phối bởi chủ yếu ba thương lái mà trong đó mỗi thương lái có có khả năng thu mua nông sản của hơn 50 hộ.
Giới tính và tính lo ngại rủi ro là hai trong ba yếu tố cho thấy khả năng tác động tiêu cực đến việc mở rộng mối quan hệ cũng như đối tác của nông dân.
Nam giới thường là chủ gia đình, nhờ vào các hoạt động bên ngoài mà có thể có nhiều mối quan hệ. Trong khi đó, nữ giới thường chịu trách nhiệm với công việc nhà.
Nhóm nghiên cứu nhận thấy rằng người vợ tham gia vào hầu hết các quyết định mua bán trong gia đình. Ở Vân Hội và Văn Đức, các hộ gia đình mà người chồng quyết định việc bán cho thương lái dường như hợp tác với nhiều thương lái hơn so với những hộ gia đình mà quyền bán được thực hiện bởi vợ hoặc cả hai vợ chồng. Điều này xuất hiện rõ nét hơn ở Phạm Trần, mặc dù chỉ có một số nhỏ hộ gia đình việc bán cho thương lái được thực hiện bởi người chồng.
Đặc biệt, dựa trên phân tích hồi quy, chỉ ở Phạm Trần cho thấy kết quả có ý nghĩa thống kê. Do đó, có sự đa dạng trong mối liên hệ giữa giới tính của người quyết định bán và số lượng thương lái mà mỗi hộ gia đình tương tác với.
Tương tự, dự án cũng đánh giá ảnh hưởng của mức độ lo ngại rủi ro và thị hiếu về thời gian của người được phỏng vấn đối với việc hình thành mua bán và mạng lưới giao dịch.
Biểu đồ phân bố số lượng thương lái dựa trên mức độ lo ngại rủi ro của người được phỏng vấn cho thấy những cá nhân không thích rủi ro có ít khả năng phụ thuôc chỉ duy nhất một thương lái, nhưng cũng không tương tác với nhiều hơn ba thương lái.
Điều này phù hợp với các hộ gia đình không thích rủi ro muốn đa dạng việc mua bán (không dựa vào chỉ một thương lái) nhưng thận trọng việc thay đổi các mối quan hệ (dẫn đến việc không hợp tác với rất nhiều thương lái).
Nhóm nghiên cứu cũng thấy rằng những người có tính trì hoãn công việc (so với những người cố gắng hoàn thành công việc ngay lập tức) trong khảo sát về thị hiếu thời gian có nhiều khả năng phụ thuộc vào một thương lái.
Sự trì hoãn thường tạo ra sự chậm chạp trong thay đổi. Phân tích hồi quy cho thấy chỉ ở Vân Hội, nơi mà mạng lưới mua bán với khả năng phục hồi cao nhất trong ba xã, những người không thích rủi ro tương tác với ít thương lái hơn.
Khả năng phục hồi kém của mạng lưới ở Phạm Trần và Văn Đức có thể là do các yếu tố địa lý, văn hóa và lịch sử tạo ra những hạn chế mà dẫn đến việc thái độ lo ngại rủi ro ít liên quan hơn trong việc hình thành mạng lưới.
Ở Vân Hội, ngược lại, nhóm nghiên cứu thấy rằng những người không sợ rủi ro tìm kiếm cơ hội giao dịch nhiều hơn. Điều này sẽ tăng khả năng phục hồi mạng lưới. Nhìn chung, tính lo ngại rủi ro có ảnh hưởng đến mạng lưới mua bán hơn là thị hiếu về thời gian.
Dưa trên kết quả nghiên cứu mà mạng lưới giao dịch ở ba xã có khả năng phục hồi kém, cùng với bằng chứng thực nghiệm cho thấy ảnh hưởng của yếu tố hành vi và giới tính, nhóm nghiên cứu tin rằng áp dụng công nghệ giám sát là một giải pháp tiềm năng.
Công nghệ giám sát cho phép người nông dân ghi lại những công đoạn chăm sóc cây trồng trên điện thoại cầm tay một cách đơn giản và tiện lợi, mà có thể giúp giảm rủi ro trong thực hiện hợp đồng và thời gian đi lại giám sát của thương lái.
Do đó, nó có thể góp phần cung cấp một lộ trình giúp đơn giản hoá mối quan hệ giữa thương lái và nông dân.
Vụ tiếp viên và ma túy: Công an TPHCM bắt hơn 50 người
25/4/2023
Nguồn hình ảnh, Getty Images
Chụp lại hình ảnh,
Hình minh họa
Công an TPHCM bắt hơn 50 người về hành vi mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy, liên quan vụ việc 4 tiếp viên hàng không xách ma túy từ Pháp về Việt Nam qua cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất.
Trang web Chính phủ nói: “Những người trên liên quan đến các đầu mối giao, nhận ma tuý từ nước ngoài về Việt Nam. Họ bị điều tra về tội Mua bán trái phép chất ma tuý và Vận chuyển trái phép chất ma tuý xuyên quốc gia.”
Hồi tháng Ba, hôm 16/3, Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất phát hiện lô hàng hóa khoảng 60 kg, gồm 4 va li của bốn tiếp viên hàng không, có nghi vấn nên tiến hành kiểm tra.
Chi cục Hải quan phối hợp Bộ Công an và Công an TPHCM phát hiện trong 4 va li, ngoài các vật dụng cá nhân, còn có tổng cộng 327 tuýp kem đánh răng và 17 chai nước súc miệng.
Kiểm tra bên trong các tuýp kem đánh răng nêu trên, giới chức phát hiện có 157 tuýp chứa tổng cộng 11.284,57 gr ma túy các loại ketamin và MDMA.
Ngày 22/3, Cơ quan CSĐT Công an TPHCM trả tự do cho 4 tiếp viên hàng không vì chưa đủ căn cứ để xử lý hình sự các tiếp viên.
Nhưng đồng thời công an khởi tố vụ án “vận chuyển trái phép chất ma túy” để điều tra.