Chuyện Việt Nam Thứ Sáu 05/05/2023: *Mỹ đang là gì ở Việt Nam? *Việt Nam chạy theo sau Bangladesh. *Bốn ngân hàng thương mại bị chuyển giao. *Bà Nguyễn Phương Hằng và sẽ ra toà. *Nhà đầu tư nước ngoài rời Việt Nam
Quê Hương tổng hợp
Mỹ đang là gì ở Việt Nam?
Chương trình Việt Nam của Viện Hòa bình Hoa Kỳ (USIP)
Gần 50 năm kể từ khi Chiến tranh Việt Nam kết thúc và hơn một phần tư thế kỷ kể từ khi bình thường hóa quan hệ Hoa Kỳ – Việt Nam, Việt Nam đang dần trỗi dậy như một cường quốc mới nổi ở trung tâm của khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và là đối tác ngày càng quan trọng của Hoa Kỳ. Từng là một trong những quốc gia nghèo nhất và cô lập nhất thế giới, Việt Nam hiện là một nước có thu nhập trung bình với dân số trẻ, năng động và một tương lai đầy hứa hẹn
https://drive.google.com/file/d/1qykaWt_qJCuQNywoAgtBFyhATsuW01FU/view?usp=share_link
Chuyện không nhỏ
Chính quyền, Ban tổ chức Si gêm (SEA Games), thậm chí chính thủ tướng Hunsen của Campuchia hôm qua ra thông báo cấm cổ động viên Việt Nam đem ảnh “bác Hồ” vào trong sân vận động. Họ chỉ cấm mà không nói rõ lý do. Không nói ra nhưng ai cũng biết căn nguyên.
Này, có nhẽ từ chuyện Campuchia cấm đem ảnh idol vào sân chơi thể thao để nhảy nhót hò hét ủng hộ, xứ An Nam cũng cần coi lại cái cách dung túng những trò tuyên truyền dở hơi lâu nay.
Trước hết, nó không hợp, sân bóng không phải là chỗ biểu dương lãnh tụ. Sau nữa, trong thế giới văn minh văn hóa, nó có vẻ thô lậu, nhố nhăng, chả giống ai, cứ kiểu một mình một chợ, anh hùng làng này cóc thằng nào bằng ta. Sau nữa, đừng để thiên hạ người ta chê cười, mà lệnh cấm vỗ mặt như Campuchia vừa ban hành là biểu hiện dứt khoát của sự chê cười ấy.
Ngay trên đất mình còn chả nên thế, huống hồ cứ cái thói “đem ảnh đi đấm nước người”. Rồi lại còn hát “như có bác trong ngày vui đại thắng” nữa.
Còn cờ đỏ sao vàng tung bay trước gió thì được, OK, chẳng ai cấm, bởi cờ là biểu tượng của quốc gia, chứ không phải ảnh. Ảnh chỉ là thói sùng bái cá nhân, mà thói này thì nhân loại nói chung, nhất là thế giới văn minh, rất ghét.
Lạ kỳ cho thể chế một quốc gia, cứ để cho thiên hạ “dạy” từng bài học ứng xử, đối nhân xử thế nho nhỏ, mà “thầy” lại là “thằng em dại” Campuchia mới đau.
Tôi khuyên các vị lãnh đạo xứ này từ giờ nên bớt ngạo nghễ, tự sướng, ảo tưởng, lừa dối… đi. Hãy sống cho tử tế và thực chất. Vẫn biết rằng đối với các vị, làm được điều đơn giản như thế là cực khó bởi mấy thứ “phẩm chất” kia ngấm vào trong máu rồi, nhưng không làm thì xê ra cho người khác làm. Tôi nói thật.
Nguyễn Thông
Việt Nam “hụt hơi” trước Bangladesh trong cuộc đua gia công
04/5/2023
Một xưởng may tại tỉnh Bắc Giang
Reuters
Trong khi ngành công nghiệp gia công của Việt Nam đang đối mặt với tình trạng thiếu việc làm, công nhân mất việc hàng loạt, thì Bangladesh vẫn “làm không ngơi tay”.
Đơn hàng chạy sang Bangladesh
Theo Tổng cục thống kê, trong ba tháng đầu năm nay, Việt Nam có 149 ngàn lao động, tập trung ở các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Bắc Giang đã mất việc do doanh nghiệp bị cắt đơn hàng.
Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam phát biểu hôm 1/5 : “Chưa bao giờ trong suốt mấy chục năm qua, ngành may mặc xuất khẩu của Việt Nam gặp khó khăn và chịu áp lực lớn như bây giờ. Hai tháng đầu năm, giá trị xuất khẩu tiếp tục giảm 20%. Hiện giờ đơn hàng đặt cho tháng 6 và tháng 7 vẫn chưa có”.
Một số chuyên gia kinh tế từng nhận định với RFA rằng, tình trạng thiếu đơn hàng ở Việt Nam là do tình trạng khó khăn kinh tế chung trên toàn cấu khiến nhu cầu và sức mua ở các thị trường như Mỹ hay Châu Âu sụt giảm.
Tuy nhiên, nhìn sang đối thủ cạnh tranh của Việt Nam là Bangladesh thì họ vẫn nhận được nhiều đơn hàng trong thời điểm này. Thậm chí, mạng báo The Business Standard có một bài viết hồi tháng 7/2022, nhận định rằng trong ngành công nghiệp thời trang, dự báo trong hai năm tới, Bangladesh sẽ nhận nhiều đơn hàng hơn cả Trung Quốc và Việt Nam.
Mạng báo này dẫn Báo cáo do Hiệp hội Công nghiệp Thời trang Hoa Kỳ (USFIA) công bố, có khoảng 55% giám đốc điều hành ngành may mặc Hoa Kỳ có kế hoạch tìm nguồn cung ứng từ Bangladesh nhiều hơn từ Trung Quốc, Việt Nam, Indonesia, Campuchia và các đối thủ cạnh tranh khác trong hai năm tới.
Giảm năng lực cạnh tranh
Lý giải cho thực trạng này, tiến sỹ kinh tế Nguyễn Huy Vũ cho biết thứ nhất là do chi phí trả cho nhân công ở Bangladesh hiện nay thấp hơn nhiều so với Việt Nam:
“Chi phí sản xuất ở Bangladesh thấp hơn Việt Nam, tiền nhân công ở Bangladesh thấp hơn Việt Nam khoảng 50%. Các ngành sản xuất hàng may mặc gia dụng đòi hỏi chủ yếu là chi phí cho nhân công, cho nên giá nhân công thấp thì giá thành sản xuất ở Bangladesh thấp hơn Việt Nam.”
Theo thống kê của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), trong năm 2022, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam đạt khoảng 4,09 ngàn USD, trong khi Bangladesh chỉ đạt khoảng 2,73 ngàn USD.
Thứ hai, theo ông Huy Vũ, Bangladesh có lợi thế về nguồn nguyên liệu thô tại chỗ, do đó giảm được chi phí vận chuyển và minh bạch về nguồn gốc xuất xứ nguyên liệu sản xuất:
“Ở một số nước thì vấn đề nhân quyền bắt đầu tăng lên, họ muốn là xem nguồn gốc sợi vải ở đâu, nhân công sản xuất ra hàng hóa có bị bóc lột lao động nô lệ nhưng ở Tân Cương Trung Quốc hay không. Những nhóm nhân quyền lên tiếng rất nhiều cho nên những nhà sản xuất hàng hóa, chủ yếu là hàng may mặc, rất là nhạy cảm với nhu cầu của khách hàng.
Cho nên họ tìm kiếm tới những nơi mà xem xét thấy được nguồn gốc của hàng hóa và họ nhìn thấy Bangladesh có nguồn hàng nguyên liệu rồi chuyển gia công thành phẩm và họ kiểm soát hết được dây chuyền đó.”
Thứ ba là Việt Nam đang dần mất đi năng lực cạnh tranh khi mức lương trung bình của Việt Nam bắt đầu tăng lên. Trong khi đó, theo tiến sỹ Huy Vũ, Mỹ lại ở cách rất xa Việt Nam cho nên các doanh nghiệp của Mỹ hiện nay có xu hướng chuyển các cơ sở sản xuất của mình đến những vùng gần hơn ở Nam Mỹ. Chi phí nhân công ở đó cao hơn Việt Nam không bao nhiêu nhưng họ tiết kiệm được tiền vận chuyển từ Mỹ qua Việt Nam.
Thiếu đầu tư công nghệ xanh
Các công nhân trong một xưởng may tại Dhaka, Bangladesh năm 2020. Ảnh: Reuters
Ông Đình Đệ, chủ một doanh nghiệp ở TPHCM cho biết, nguyên nhân khác khiến nhiều nhà đầu tư quay lưng với thị trường Việt Nam là bởi Chính phủ Việt Nam thiếu sót trong việc đầu tư vào công nghệ xanh, sạch:
“Phải đầu tư vào các nguồn năng lượng sạch như năng lượng mặt trời, năng lượng có thể tái tạo chứ cứ sử dụng năng lượng hóa thạch thì các thương hiệu nổi tiếng trên thế giới họ sẽ quay lưng thì Việt Nam mình khi đó sẽ mất đi đơn hàng.”
Ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) nhận định trên Tạp chí Thương gia rằng hiện nay, xu thế thế giới là cắt giảm tối đa lượng phát thải, chuyển đổi sản xuất xanh để tiết kiệm năng lượng, sử dụng năng lượng tái tạo, sử dụng nguyên liệu thân thiện với môi trường hay mô hình kinh tế tuần hoàn.
Ông thừa nhận rằng các doanh nghiệp Bangladesh, từ rất sớm, đã chuyển đổi ngành dệt may theo “tiêu chuẩn xanh” nên hiện là nơi được các thương hiệu ưu tiên lựa chọn để đặt hàng.
Bangladesh đã nhìn thấy và hướng tới sự phát triển bền vững bằng cách thực hiện xanh hoá quy trình sản xuất. Từ năm 2008, Hội đồng Công trình Xanh Bangladesh được thành lập, với mục tiêu là làm cho đất nước trở nên “xanh hơn”, theo một bài báo được phát hành trên The Business Standard hồi tháng 9/2022.
Trong thập kỷ qua, có 122 tòa nhà được chứng nhận LEED ở quốc gia này. Tiêu chuẩn LEED là bộ tiêu chuẩn được ban hành bởi Hội đồng công trình xanh tại Mỹ, là bộ tiêu chuẩn quốc tế tiên phong và phổ biến nhất về vấn đề xây dựng các công trình để tiết kiệm năng lượng.
Ông Đình Đệ bày tỏ sự tiếc nuối khi Chính phủ Việt Nam đã không hành động nhanh chóng để bắt kịp xu hướng toàn cầu:
“Tôi nghĩ là Chính phủ mình đã phải thấy vấn đề này từ lâu rồi, cũng không hiểu sao tới giờ này mà vẫn đầu tư cho các nhà máy nhiệt điện, than dầu…”
Vấn đề khác cũng quan trọng để kéo đơn hàng quay trở lại, theo ông Đệ là Việt Nam phải đáp ứng được các chế độ phúc lợi và phải có công đoàn độc lập bảo vệ quyền lợi cho người lao động. Ông nói:
“Hoặc các vấn đề đạo đức, ví dụ như người công nhân phải được hưởng lương bao nhiêu, rồi chế độ nghỉ ngơi sinh nở của phụ nữ như thế nào, và vấn đề về công đoàn tự do nữa… Đó là những điều kiện quan trọng để các nhà đầu tư vào Việt Nam.”
Theo tiến sỹ Huy Vũ, hiện nay, Việt Nam đã không còn cạnh tranh được với Bangladesh về chi phí nhân công. Vì vậy, Việt Nam buộc phải tiến lên bằng cách nâng cao kỹ năng sản xuất, tiếp cận với những thị trường ngách, thị trường đòi hỏi giá trị gia tăng cao, kỹ năng tay nghề người lao động cũng cao hơn:
“Điều đó buộc chính quyền phải đầu tư nhiều hơn nữa về giáo dục, kinh tế và cơ sở hạ tầng để kích thích mở ra các ngành khác để doanh nghiệp chuyển hướng sang lĩnh vực khác sản xuất. Nếu không thì Việt Nam sẽ bị kẹt trong cái bẫy thu nhập trung bình.”
Bốn ngân hàng thương mại yếu kém của Việt Nam sẽ bị chuyển giao bắt buộc
04/5/2023
Trụ sở Ngân hàng Nhà nước ở Hà Nội
AFP
Bốn ngân hàng thương mại bị cho là có hoạt động yếu kém sẽ bị chuyển giao bắt buộc cho các ngân hàng khác để tái cơ cấu.
Theo một báo cáo của Ngân hàng Nhà nước gửi Uỷ ban Kinh tế Quốc hội trước kỳ họp thứ năm khai mạc vào ngày 22/5 tới được truyền thông Nhà nước trích dẫn, Ngân hàng Nhà nước đề nghị các cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương xử lý bốn ngân hàng yếu kém gồm: DongA Bank, Vietnam Construction Bank, Ocean Bank và Global Petro Bank.
Ba ngân hàng bị mua bắt buộc gồm: CBBank, OceanBank, GPBank.
Các ngân hàng được cho là sẽ tiếp nhận chuyển giao một trong bốn ngân hàng nói trên gồm Vietcombank, MB, VPBank, và HDBank.
Báo Nhà nước dẫn lời ông Phạm Quang Dũng – Chủ tịch HĐQT Vietcombank – cho biếtVietcombank đánh giá thời gian xử lý ngân hàng được tiếp nhận sẽ không quá 8 – 10 năm, để biến những tổ chức này thành các tổ chức tín dụng lành mạnh và hoạt động bình thường.
Phó Tổng giám đốc thường trực MB – ông Phạm Như Ánh được báo trong nước dẫn lời nói rằng Ban điều hành đang thực hiện thủ tục định giá ngân hàng chuyển giao bắt buộc.
“Thời gian định giá 11 tháng từ tháng 3/2023 và dự kiến cuối năm nay hoặc đầu năm 2024 thì việc định giá mới xong và MB mới có thể nhận chuyển giao bắt buộc được”– ông Ánh cho biết.
Chủ tịch HĐQT VPBank Ngô Chí Dũng nói với báo Nhà nước VPBank đang trong quá trình nghiên cứu, đề xuất cơ quan chức năng. Tại dự thảo đề án, trong bốn ngân hàng tham gia thì có hai ngân hàng được nới room ngoại lên 49% nhưng việc này còn phụ thuộc vào quá trình phê duyệt.
Ngân hàng HDBank đã trình Đại hội đồng cổ đông phương án góp không quá 9.000 tỷ đồng cho ngân hàng chuyển giao bắt buộc. Ngân hàng yếu kém sẽ hoạt động dưới hình thức ngân hàng trách nhiệm hữu hạn một thành viên do HDBank là chủ sở hữu 100% vốn điều lệ, là pháp nhân độc lập với HDBank.
Bà Nguyễn Phương Hằng và bốn đồng phạm chuẩn bị hầu toà
RFA
04/5/2023
Vụ Youtuber Nguyễn Phương Hằng sắp bị đưa ra xét xử
VOV-RFA edited
Toà án Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đang lên kế hoạch đưa vụ án Nguyễn Phương Hằng và bốn đồng phạm ra xét xử.
Ngày 4/5, truyền thông cho hay Toà án nhân dân TP.HCM đã thụ lý hồ sơ vụ án Nguyễn Phương Hằng và bốn đồng phạm “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích hợp pháp của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” từ Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp. Theo đó, vụ án sẽ sớm được đưa ra xét xử.
Theo hồ sơ của VKS, trong vụ án này, các bị can bị truy tố gồm: Nguyễn Phương Hằng (52 tuổi, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đại Nam); Nguyễn Thị Mai Nhi (trợ lý của bà Hằng), Lê Thị Thu Hà (nhân viên Công ty CP Đại Nam), Huỳnh Công Tân (Trưởng phòng Truyền thông Công ty CP Đại Nam), Đặng Anh Quân (giảng viên trường Đại học Luật TP.HCM).
Cơ quan điều tra xác định bà Hằng đóng vai trò chủ mưu, cầm đầu trong vụ án này; những người còn lại với vai trò giúp sức. Riêng ông Đặng Anh Quân được nhận định, giúp sức tích cực cho bà Nguyễn Phương Hằng thực hiện hành vi phạm tội liên tục, nhiều lần trong thời gian dài, gây bức xúc trong dư luận xã hội, làm phức tạp tình hình trên không gian mạng, gây ảnh hưởng xấu đến tình hình trật tự an toàn xã hội.
Theo cáo trạng, từ khoảng tháng 3/2021, thông qua các tài khoản mạng xã hội, bị can Nguyễn Phương Hằng đã tổ chức nhiều buổi livestream phát ngôn trực tiếp về chuyện bí mật đời tư của nhiều cá nhân không đúng sự thật hoặc chưa được kiểm chứng. Trong số đó có ông Võ Nguyễn Hoài Linh (nghệ sĩ Hoài Linh), bà Nguyễn Thị Mỹ Oanh (ca sĩ Vy Oanh), bà Ðặng Thị Hàn Ni (cựu nhà báo – luật sư, thạc sĩ luật Hàn Ni), ông Huỳnh Minh Hưng (ca sĩ Ðàm Vĩnh Hưng), bà Trần Thị Thủy Tiên (ca sĩ Thủy Tiên) cùng chồng là Lê Công Vinh, ông Nguyễn Đức Hiển (Phó Tổng biên tập báo Pháp Luật TP.HCM), bà Ðinh Thị Lan, bà Lê Thị Giàu, bà Trương Việt Hà… Trong quá trình điều tra, bà Nguyễn Phương Hằng khai nhận các thông tin đã phát ngôn về các cá nhân trên là do đọc trên mạng Internet, báo chí và nằm mơ, chưa được kiểm chứng và không có căn cứ.
Đại diện cơ quan điều tra Công an TPHCM cho biết đối với các cá nhân sử dụng kênh YouTube để chia sẻ thông tin liên quan đến bà Hằng nhằm mục đích “câu like”, tăng thu nhập, hiện Công an TP.HCM và các đơn vị chức năng liên quan đang xác minh, làm rõ để xử lý.
Văn Bút Hoa Kỳ xếp Việt Nam nhóm bắt bớ người viết nhiều nhất thế giới
VOA Tiếng Việt
PEN America xếp Việt Nam vào nhóm 10 quốc gia đáng quan ngại nhất trên thế giới về việc đàn áp các tác giả, nhà báo, với 16 người đang bị chính quyền giam cầm và 27 người đang đối mặt với nguy hiểm.
Văn bút Hoa Kỳ (PEN America) vừa xếp Việt Nam vào nhóm 10 quốc gia đáng quan ngại nhất trên thế giới về việc đàn áp các tác giả, nhà báo, với 16 người đang bị chính quyền giam cầm và 27 người đang đối mặt với nguy hiểm, chỉ sau Trung Quốc, Iran, và Ả Rập Xê Út.
Bảng xếp hạng “Tự do Sáng tác 2022” công bố vào cuối tháng 4/2023 kèm theo báo cáo về phần Việt Nam của Văn Bút Hoa Kỳ viết: “Chính phủ Việt Nam tiếp tục bắt giữ và bỏ tù người viết vì đã đưa ra những phát biểu chỉ trích chính phủ Việt Nam, hành vi này bị coi là “tuyên truyền chống nhà nước” theo Điều 117 của Bộ luật Hình sự Việt Nam 2015”.
“Số lượng người viết bị giam giữ tại Việt Nam trong năm 2022 là 16 người. Tương quan với việc chính phủ tăng cường truy cập vào dữ liệu nền tảng, dường như đã có sự gia tăng các vụ bắt giữ và bỏ tù các nhà bình luận trực tuyến tại Việt Nam. Gần như tất cả những người viết bị cầm tù ở Việt Nam—15 trong số 16 người—đều là nhà bình luận trên mạng”, Văn Bút Mỹ cho biết.
Tổ chức này nêu các trường hợp của ông Bùi Văn Thuận, Trần Hoàng Huấn, Lê Mạnh Hà bị phạt tù dài hạn trong năm 2022 hay trường hợp của ông Nguyễn Lân Thắng trong năm nay với cáo buộc “Tuyên truyền chống nhà nước” theo Điều 117 Bộ Luật Hình sự. Tổ chức này cũng nêu trường hợp của nhà báo Lê Anh Hùng và Phạm Đoan Trang.
“Chính phủ Việt Nam kiểm soát hiệu quả tất cả các phương tiện truyền thông truyền thống, bao gồm báo chí, truyền hình, đài phát thanh và các ấn phẩm khác. Chính quyền Việt Nam giám sát các không gian trực tuyến để kiểm duyệt và giám sát nội dung trực tuyến” tổ chức này cho biết thêm.
Văn Bút Mỹ cũng ghi nhận việc chính phủ Việt Nam gia tăng áp lực lên các nền tảng công nghệ, yêu cầu nhanh chóng xóa nội dung cụ thể hoặc quyền truy cập vào dữ liệu cá nhân của người dùng trực tuyến. “Tại Việt Nam, chính phủ yêu cầu các nền tảng gỡ bỏ nội dung “tin giả” trong vòng 24 giờ, đồng thời những tiếng nói bất đồng chính kiến bị quấy rối và báo cáo sai sự thật bởi các lực lượng dân quân kỹ thuật số ủng hộ chính phủ”.
Pen America, tổ chức có trụ sở tại New York với hơn 100 năm thâm niên, tập hợp hơn 7,500 tác giả, nhà báo, cũng lên án Lực lượng 47, một nhóm do Tổng cục Chính trị Quân đội Việt Nam lãnh đạo, được thành lập theo một chỉ thị cùng tên vào năm 2016, hậu thuẫn quan điểm của Đảng, Nhà nước Việt Nam trên mạng xã hội.
Lực lượng 47 được giao nhiệm vụ chống lại sự chỉ trích chính phủ trên các nền tảng MXH, chủ yếu là Facebook và YouTube, và có bằng chứng cho thấy Lực lượng 47 “đã mở rộng đáng kể trong những năm qua” với sự ra đời của lữ đoàn dân sự E47.
Văn Bút Mỹ cho biết Blogger Mẹ Nấm, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, người dù đã sống lưu vong ở Mỹ, nhưng vẫn bị chính quyền nhắm mục tiêu vì bị “báo cáo” hàng loạt trên trang Facebook và kênh YouTube của bà, và bà nghi ngờ “các phóng viên” thuộc Lực lượng 47 là người ra tay.
Bộ Ngoại giao Việt Nam chưa phản hồi ngay yêu cầu bình luận của VOA về bảng xếp hạng này.
Bà Trịnh Thị Nhung, vợ của ông Bùi Văn Thuận, nói với VOA về bản án 8 năm tù đối với chồng bà và nguy cơ bị kết tội theo Điều 117 đối với những người viết trên mạng.
“Khi thấy tòa án kết án anh Bùi Văn Thuận với mức án cao như vậy thì tôi rất phẫn nộ”.
“Tôi nghĩ rằng bất cứ ai cũng có thể trở thành nạn nhân của điều luật này. Những người muốn bày tỏ ý kiến trái chiều đều hoàn toàn có thể sẽ bị kết tội”.
“Tòa án Việt Nam ủng hộ xu hướng phạt tù dài hạn bất chấp sự lên án từ Văn phòng Cao ủy Nhân quyền LHQ và các tổ chức nhân quyền”, PEN America viết.
Văn Bút Hoa Kỳ khuyến nghị Việt Nam hủy bỏ Điều 117 của BLHS, điều khoản được dùng để hình sự hóa các cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước”, đồng thời kêu gọi các nhà lập pháp Hoa Kỳ tái giới thiệu và thông qua Dự luật Nhân quyền Việt Nam, và yêu cầu Chính phủ Việt Nam tuân thủ các quyên tắc nhân quyền và tự do ngôn luận như một yếu tố nền tảng của mối quan hệ song phương giữa hai nước.
Trong bảng xếp hạng 2022 của Văn Bút Mỹ, ngoài Việt Nam, hai nước Belarus và Myanmar cũng có 16 người viết bị giam cầm, đồng hạng 4 trên thế giới.
Hôm 3/5, tổ chức Phóng viên Không biên giới (RSF) xếp Việt Nam vào gần cuối bảng về tự do báo chí 2023, đứng thứ 178/180 quốc gia, chỉ trên Trung Quốc và Triều Tiên.
VNTB – Nhà đầu tư nước ngoài rời Việt Nam
Hàn Lam
(VNTB) – Những ngày cuối của tháng tư này, hai nhà đầu tư nước ngoài trong ngành thương mại dịch vụ công bố… rời Việt Nam.
Hệ lụy của tụng ca?
Trước làn sóng dịch chuyển của dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) sau đại dịch Covid-19, Thủ tướng Chính phủ – khi ấy là ông Nguyễn Xuân Phúc đã quyết định thành lập tổ công tác đặc biệt về thu hút FDI và giao các cơ quan chức năng xây dựng ngay đề án thu hút dòng vốn quan trọng này.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng yêu cầu trong quá trình phục hồi phát triển kinh tế sau dịch, các tỉnh, thành phố trong vùng kinh tế trọng điểm của cả nước phải đặt mục tiêu thu hút đầu tư của các tập đoàn lớn, trở thành những điểm thu hút đầu tư, đón đầu dòng dịch chuyển vốn đầu tư khu vực và toàn cầu, biến thách thức thành cơ hội.
Thời điểm đó, ông Nguyễn Xuân Phúc đã cùng hòa nhịp với Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trong những phát biểu đầy phấn khích kiểu ‘Mây đen phủ lên toàn cầu nhưng mặt trời vẫn đang tỏa sáng ở Việt Nam’. Theo đó, Thủ tướng Phúc từng hô hào rằng sau hơn 30 năm mở cửa, hội nhập và cải cách môi trường kinh doanh, Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài, dòng vốn FDI ngày càng khẳng định vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế – xã hội của đất nước…
Báo chí Việt Nam khi đó đã dẫn nguồn từ báo chí nước ngoài để ‘bè theo’ cho thấy sự hồ hởi là không khí tràn ngập trong khúc tụng ca ở nền chính trị của Việt Nam dưới nhiệm kỳ liên tiếp thứ ba của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Theo đó, báo chí Việt Nam dẫn nguồn từ Nikkei Asia và cho rằng năm 2021, nền kinh tế các nước Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng, đang hướng đến mục tiêu tăng trưởng mạnh trở lại như giai đoạn chưa xảy ra đại dịch Covid-19.
Việt Nam tiếp tục được dự báo sẽ dẫn đầu về tăng trưởng kinh tế ở Đông Nam Á. Năm 2020, dù phải thực hiện mục tiêu kép: vừa phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội, phấn đấu đạt tăng trưởng ở mức cao nhất; vừa quyết liệt phòng, chống dịch bệnh, Việt Nam vẫn đạt được mức tăng trưởng 2,9%, nhờ thành công trong phòng chống dịch bệnh cũng như xuất khẩu mạnh mẽ sản phẩm điện tử và các mặc hàng tiêu dùng, tiếp tục phấn đấu cho mục tiêu tăng trưởng 6,5%…
Tin tức tường thuật trên báo chí phủ gam hồng đối với các cuộc gặp gỡ về vấn đề đầu tư phát triển, tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động với lãnh đạo các tỉnh, thành phố. Khi đó, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc luôn nhấn mạnh đến hình ảnh một môi trường Việt Nam mở cửa, kinh doanh năng động và thông thoáng để lôi kéo thật nhiều “đại bàng” (doanh nghiệp lớn) về làm tổ.
Vì sao họ rời Việt Nam?
Củng cố thêm niềm tin trên, hồi hạ tuần tháng 3-2023, một phái đoàn gồm hơn 50 doanh nghiệp Mỹ đã đến Việt Nam, trong đó có các công ty quốc phòng, dược phẩm và công nghệ đã sang Việt Nam để thảo luận về các cơ hội đầu tư và kinh doanh theo chương trình hàng năm do Hội đồng Kinh doanh Mỹ – ASEAN tổ chức.
Thế nhưng rồi đến hạ tuần tháng 4-2023, trong không khí cả nước ‘ăn lễ’, thật bất ngờ khi báo chí đồng loạt đăng tin chủ chuỗi trung tâm thương mại Parkson Việt Nam nộp đơn phá sản; và khách sạn liên doanh đầu tiên giữa Việt Nam và Australia được khai trương vào năm 1991 tại trung tâm TP.HCM tuyên bố “khép lại hành trình phục vụ khách hàng”. Đây là một khách sạn thuộc Norfolk Group, tập đoàn quốc tế trong lĩnh vực đầu tư, phát triển và quản lý các dự án bất động sản ở Việt Nam và Australia, bắt đầu hoạt động tại Việt Nam từ năm 1990.
Không chỉ Norfolk mà nhiều khách sạn khác ở trung tâm TP.HCM cũng đóng cửa thời gian dài và ngừng hẳn hoạt động kinh doanh. Không ít khách sạn trên “đất vàng” như đường Bùi Viện, Đỗ Quang Đẩu, Lê Thánh Tôn, Lý Tự Trọng… đều treo bảng sang nhượng đã nhiều tháng, và dần xuống cấp theo thời gian.
Nếu như Norfolk có chặng đường làm ăn tại TP.HCM được 30 năm, thì chỉ sau 18 năm hoạt động, Parkson Việt Nam đã phải nộp đơn phá sản trước những khó khăn về môi trường kinh doanh.
Parkson Retail Asia (PRA), công ty con được niêm yết tại Singapore do Parkson Holding sở hữu 67,96%, cho biết tập đoàn Parkson sẽ rời khỏi Việt Nam sau 18 năm hoạt động do không đạt kết quả thuận lợi về thương mại. Công ty TNHH Parkson Việt Nam (PRA sở hữu 100% vốn) đã đệ đơn lên tòa án tại TP.HCM và bắt đầu thủ tục phá sản tự nguyện hôm 28-4-2023.
Theo giải thích của Chủ tịch điều hành PRA Tan Sri William Cheng, tập đoàn đánh giá và xác định việc duy trì hoạt động tại Việt Nam không khả thi về mặt thương mại. Do đó, hội đồng quản trị Parkson Việt Nam thống nhất việc nộp đơn phá sản mang lại lợi ích tốt nhất cho công ty.
Trong năm tài chính 2022, các hoạt động tại Việt Nam ghi nhận khoản lỗ trước thuế 1,72 triệu USD trong khi cùng kỳ năm trước lãi trước thuế 10,27 triệu USD. Doanh thu công ty cũng giảm từ 7,57 triệu USD vào năm 2021 xuống còn 1,8 triệu USD vào năm ngoái…
Tags: độc tài, Tham nhũng, toàn trị, việt nam