Chuyện Việt Nam Thứ sáu 09 tháng 6 năm 2023
Quê Hương tổng hợp
VNCS: WHAUP-đại gia Thái Lan muốn mua nhà máy điện mặt trời và gió ở Việt Nam
RFA
08/6/2023
Điện mặt trời và điện gió tại tỉnh Bình Thuận, ảnh minh họa.
AFP
Một đại gia ngành năng lượng Thái Lan đang có kế hoạch mua lại các cơ sở sản xuất năng lượng mặt trời và gió tại Việt Nam.
Truyền thông nhà nước loan tin trên từ tờ Bangkok Post trong ngày 8/6 rằng, Whaup – nhà cung cấp sản phẩm và dịch vụ tiện ích và là nhà đầu tư năng lượng Thái Lan, đang có kế hoạch mua các cơ sở sản xuất năng lượng mặt trời và gió với công suất 50-100MW tại Việt Nam. Mặc dù vậy kế hoạch chi tiết về thương vụ mua lại này chưa được Whaup tiết lộ. Tuy nhiên nguồn tin cho biết có thể việc ký kết các thoả thuận sẽ được triển khai vào cuối năm 2023.
Giám đốc điều hành của Whaup ông Somkiat Masunthasuwun cho biết việc mua lại này sẽ giúp công ty mở rộng hoạt động kinh doanh tại Việt Nam nhất là vào khi Chính phủ Việt Nam vừa phê duyệt Quy hoạch Phát triển Điện lực quốc gia VIII, mà phần lớn công suất đến từ năng lượng gió. Và đó đúng là thời điểm Whaup không để vụt mất cơ hội kinh doanh này.
Mới đây, hôm tháng 3/2023, Super Energy, nhà điều hành trang trại năng lượng mặt trời lớn nhất Thái Lan, cũng đã tuyên bố sẽ phân bổ chi phí vốn 41,5 tỷ bath (1,2 tỷ USD) để tài trợ cho các dự án năng lượng tái tạo tại Thái Lan và Việt Nam.
Theo kế hoạch, phần lớn khoản chi năm 2023 của Super energy được nói sẽ dành cho việc phát triển các trang trại gió ở Việt Nam, bao gồm một trang trại gió ngoài khơi với công suất phát điện 30MW ở Sóc Trăng và một trang trại gió gần bờ với công suất 70MW ở Bạc Liêu.
VNCS: Đại sứ Mỹ muốn đưa ‘tình hữu nghị’ với Việt Nam lên ‘tầm cao mới’
08/6/2023
Đại sứ Knapper và Ngoại trưởng Blinken tại Hà Nội hôm 15/4.
Trang Facebook của Đại sứ quán Hoa Kỳ ở Hà Nội hôm 8/6 đăng tải hình ảnh và tuyên bố của Đại sứ Marc Knapper về cuộc gặp 3 ngày trước đó với Chủ tịch Việt Nam Võ Văn Thưởng.
Ông Knapper cho biết “vinh dự được gặp Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và chúc mừng ông trên cương vị mới”.
Đại sứ Mỹ cho biết tiếp rằng phía Mỹ “cam kết làm việc cùng nhau để tăng cường các mối quan hệ giữa hai quốc gia và tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước”.
“Trong năm kỷ niệm 10 năm Quan hệ Đối tác Toàn diện Hoa Kỳ – Việt Nam này, chúng tôi mong đợi có nhiều cơ hội để đưa tình hữu nghị vốn đã tuyệt vời giữa hai nước chúng ta lên một tầm cao mới”, ông Knapper nói, theo Đại sứ quán Hoa Kỳ.
Như VOA tiếng Việt đã đưa tin, Chủ tịch Thưởng tiếp Đại sứ Knapper hôm 5/6 và theo Thông tấn xã Việt Nam, trong cuộc gặp đó, ông Thưởng “đề nghị hai bên mở rộng hơn nữa hợp tác quốc phòng, an ninh”, bao gồm cả việc khắc phục hậu quả chiến tranh, “nhất là xử lý ảnh hưởng chất độc da cam/dioxin tại Việt Nam”.
Điều đó được cho là “góp phần quan trọng” vào quá trình hòa hợp, hàn gắn và xây dựng lòng tin giữa hai nước, đồng thời mở ra những cơ hội hợp tác mới trong các lĩnh vực quan trọng khác.
Theo TTXVN, liên quan tới vấn đề kinh tế, ông Thưởng nói rằng Việt Nam “luôn tạo điều kiện thuận lợi” cho các doanh nghiệp Hoa Kỳ đến tìm hiểu cơ hội đầu tư, hợp tác kinh doanh tại Việt Nam.
Trong chuyến công du tới Việt Nam lần đầu tiên trên cương vị người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ hồi tháng Tư, Ngoại trưởng Antony Blinken nói trong một cuộc họp báo về mối bang giao với Việt Nam: “Đối với Tổng thống Biden, đối với Washington, đây là một trong những mối quan hệ năng động nhất và quan trọng nhất mà chúng tôi có”.
Ông Blinken cũng bày tỏ niềm tin rằng mối quan hệ đối tác toàn diện với Việt Nam “có thể và sẽ phát triển thậm chí còn mạnh mẽ hơn nữa trong những thập kỷ tới”.
VNCS: EVN bị yêu cầu thanh tra về cung ứng điện giữa lúc thiếu điện trầm trọng
Mất điện luân phiên, người dân phải mua máy phát điện để sử dụng. (Ảnh: vov.vn)
Thủ tướng Phạm Minh Chính giao Bộ Công Thương lập đoàn thanh tra về quản lý, cung ứng điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) từ đầu 2021 đến tháng 6/2023.
Nội dung này được nêu tại công điện về đảm bảo cung ứng điện được Thủ tướng Phạm Minh Chính ký, ban hành hôm 6/6.
Bộ Công Thương được giao rà soát, đánh giá kỹ về tình hình cung ứng điện hiện nay, nhất là các yếu tố phát sinh và hướng dẫn EVN xây dựng các kịch bản để ứng phó với những khó khăn về điện, hoàn thành trước 10/6.
Bộ Công Thương phải hoàn thiện chỉ thị của Thủ tướng về tiết kiệm điện 2023 – 2025; chỉ thị về đảm bảo cung ứng, cấp than, khí cho sản xuất điện. Các công việc này cần báo cáo trước ngày 8 và 15/6.
Với các dự án điện gió, điện mặt trời đã thực hiện đầu tư xây dựng nhưng không đáp ứng thời hạn áp dụng cơ chế giá FIT (đã hết hạn), Bộ phải nghiên cứu, hướng dẫn xử lý dứt điểm theo thẩm quyền trong tháng 6/2023.
EVN được giao trực tiếp tháo gỡ khắc phục sự cố các nhà máy điện, nhất là các nhà máy điện tại miền Bắc để đưa vào vận hành trong thời gian sớm nhất; thực hiện biện pháp tăng cường tiết kiệm điện, đặc biệt trong tháng 6/2023.
Các tập đoàn khác gồm Tập đoàn Công nghiệp than-khoáng sản Việt Nam (TKV) và Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) được yêu cầu đảm bảo cung cấp đủ than, khí cho các nhà máy điện theo đề nghị của EVN; phối hợp để bảo đảm cung ứng điện, khắc phục sự cố các nhà máy điện thuộc thẩm quyền, sớm đưa vào vận hành trong tháng 6/2023.
Trước đó, ĐBQH Lê Thanh Vân đề nghị cần thanh tra đặc biệt, kiểm toán đặc biệt, điều tra đặc biệt đối với toàn bộ hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh của EVN trong giai đoạn 10 năm gần đây, đặc biệt là việc thường xuyên báo lỗ, trong khi các công ty thành viên báo lãi…, theo báo VOV.
Ông Vân cho rằng để ngăn tránh cơ chế độc quyền, khả năng lộng hành giá và thao túng thị trường điện, ông đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan chức năng nghiên cứu để sớm tách EVN ra làm 2 Tổng công ty độc lập, gồm: Tổng công ty truyền tải điện, quản lý hệ thống truyền tải 220 KV trở lên theo đúng Luật Điện lực và 1 Tổng công ty phân phối điện trên cơ sở cổ phần hóa các công ty phân phối trực thuộc Tổng công ty phân phối điện.
Ông cũng đề nghị Thủ tướng Chính phủ sớm quyết định cổ phần hóa các nhà máy điện hiện nay do EVN đang hạch toán phụ thuộc, để lấy tiền đầu tư cho hệ thống đường dây truyền tải, nhằm giảm áp lực về truyền tải.
Ông còn đề nghị Chính phủ “sớm thực hiện lộ trình xã hội hóa đối với ngành điện, để chấm dứt tình trạng độc quyền như hiện nay, bởi độc quyền sẽ dẫn đến nguy cơ lộng hành giá cả và thao túng thị trường điện”.
Hoàng Minh
VNCS : Lưu lượng nước giảm 10 lần, thủy điện Thác Bà có nguy cơ tê liệt
Lòng hồ thủy điện Thác Bà ngày càng cạn kiệt. (Ảnh: baoyenbai.com.vn)
Thủy điện Thác Bà (Yên Bái) phải dừng hoạt động của 2 tổ máy vì mực nước hồ còn 45,5 m, dưới mực nước chết 0,5 m. Nếu mực nước xuống dưới 45 m, tổ máy số 3 có khả năng cũng phải dừng hoạt động.
Ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Thủy điện Thác Bà, cho biết theo số liệu từ đơn vị khí tượng thủy văn, vào tháng 5-6 sẽ có lũ, nhưng năm nay không có.
Từ cuối tháng 5 đầu tháng 6, có những ngày nước về hồ thủy điện chỉ đạt 7-10 m3/s, trong khi đó bình thường vào những thời điểm này như các năm trước phải lên vài chục m3/s, như vậy lưu lượng nước giảm đi khoảng 10 lần.
Tính đến thời điểm này, mức nước tại hồ thủy điện Thác Bà chỉ đạt 45,5 m, dưới mực nước chết 0,5 m.
Do đó, Công ty Cổ phần Thủy điện Thác Bà đã phải dừng hoạt động của 2 tổ máy (công suất mỗi tổ máy 40MW); tổ máy số 3 tiếp tục phát điện ở mức tối thiểu (15MW) nhằm đảm bảo cung cấp nước cho hạ du và duy trì cung cấp điện cho người dân.
Trong tháng 5, sản lượng điện của nhà máy chỉ bằng 1/10 cùng kỳ của năm 2022 (chỉ đạt 2 triệu kWh trong khi tháng 5/2022 là 20 triệu kWh).
“Đây là lần đầu tiên Nhà máy Thủy điện Thác Bà phải dừng hoạt động của 2 tổ máy do thiếu nước”, ông Cường nói.
Các tàu khách tại bến cảng Hương Lý do nước cạn nên đi lại gặp nhiều khó khăn. (Ảnh: baoyenbai.com.vn)
Ông Cường cho hay hiện công ty đang tiếp tục theo dõi tổ máy số 3, vì khi chạy dưới mực nước chết, độ an toàn kỹ thuật của tổ máy ảnh hưởng rất lớn, có thể xảy ra các nguy cơ nứt cánh tuabin, hiện tượng xâm thực…. Do vậy, công ty phải bố trí lực lượng kỹ sư ứng trực 24/24h.
“Nếu mực nước xuống dưới 45m, tổ máy số 3 có khả năng phải dừng, không thể duy trì được vì nó sai lệch về giá trị cho phép rất lớn”, ông Cường nói thêm.
Đến nay, có 9 hồ thủy điện ở mực nước chết gồm: Lai Châu, Sơn La, Thác Bà, Tuyên Quang, Bản Vẽ, Hủa Na, Trung Sơn, Thác Mơ và Trị An. Cùng với đó, 11 nhà máy thủy điện phải dừng phát điện vì lưu lượng và mực nước hồ không đảm bảo như: Lai Châu, Huội Quảng, Thác Bà, Tuyên Quang, Bản Vẽ, Hủa Na, Trung Sơn, Trị An, Đại Ninh và Plei Krông.
VNCS: Bị tàu chưa rõ số hiệu đâm chìm, 6 ngư dân trên tàu cá rơi xuống biển
Sáu ngư dân tàu cá Bình Định tại cầu cảng huyện Côn Đảo. (Ảnh: vov.vn)
Trong lúc đang khai thác tại vùng biển Côn Đảo, một tàu cá Việt Nam bị tàu chở hàng chưa rõ số hiệu đâm chìm khiến thuyền trưởng cùng 5 ngư dân trên tàu bị rơi xuống biển.
Chiều ngày 8/6, Đồn Biên phòng Côn Đảo, Bộ đội biên phòng Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết vừa tiếp nhận 6 ngư dân trên tàu cá Bình Định bị một tàu hàng đâm chìm trên vùng biển Côn Đảo.
Trước đó, vào ngày 5/6, tàu cá BĐ 30093 TS do ông Đặng Văn Tèo (SN 1977, trú tại Cát Tiến, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định) làm thuyền trưởng cùng 5 ngư dân xuất bến tại Cảng Bến Đá, TP. Vũng Tàu.
Khoảng 2h ngày 7/6, trong lúc đang khai thác tại vùng biển cách Côn Đảo khoảng 40 hải lý về phía Đông thì bị tàu hàng chưa rõ số hiệu đâm chìm.
Trước khi tàu chìm, thuyền trưởng Tèo đã kịp thời bật máy nhận dạng trên tàu cá BĐ 30093 TS, phát hiện phương tiện trên có chữ BAR – LLI hoặc PAR – LLI hiển thị trên máy nhận dạng tàu cá.
Đến khoảng 7h cùng ngày, ông Tèo đã được một tàu cá Tiền Giang cứu vớt. Sau đó 1 giờ, 5 ngư dân con lại được tàu cá BĐ 31159 TS cứu vớt.
Đến 9h ngày 7/6, toàn bộ 6 ngư dân bị nạn được chuyển qua tàu cá BĐ 10922 TS do ông Nguyễn Văn Đông (SN 1985, trú tại TP. Quy Nhơn, tỉnh Bình Định) làm thuyền trưởng đưa vào bờ để bàn giao cho lực lượng chức năng.
17h cùng ngày, tàu cá BĐ 10922 TS đã cập cảng Bến Đầm, huyện Côn Đảo bàn giao 6 ngư dân trên cho Đồn Biên phòng Côn Đảo, Bộ đội Biên Phòng Bà Rịa – Vũng Tàu.
Sáu ngư dân bị nạn đã được Quân y chăm sóc sức khỏe và lực lượng biên phòng hỗ trợ nơi ăn, nghỉ.
Hiện, Đồn Biên phòng Côn Đảo đang tiếp tục lấy lời khai các thuyền viên trên tàu cá BĐ 30093 TS để xác minh vụ việc.
Bảo Khánh
VNCS: Hai nghi phạm người Lào vận chuyển trái phép 18.000 viên ma túy vào Việt Nam
Hai nghi phạm mang quốc tịch Lào cùng số tang vật của vụ án. (Ảnh: Hải quan cung cấp/dẫn qua vtc.vn)
Hai nghi phạm quốc tịch Lào vận chuyển trái phép 18.000 viên ma túy tổng hợp vào Việt Nam rồi bị bắt tại khu vực thị trấn Lao Bảo (huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị).
Sáng ngày 8/6, thông tin từ Cục Hải quan tỉnh Quảng Trị cho hay Đội Kiểm soát phòng, chống ma túy (Cục Hải quan tỉnh Quảng Trị) cùng Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an tỉnh Quảng Trị vừa bắt vụ vận chuyển ma túy với số lượng lớn.
Theo đó, vào lúc 13h45 chiều ngày 7/6, các lực lượng chức năng đã bắt 2 nghi phạm quốc tịch Lào tại khu vực thị trấn Lao Bảo (huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) về hành vi vận chuyển trái phép chất ma túy từ Lào qua Việt Nam.
Qua khám xét, lực lượng chức năng phát hiện và thu giữ tang vật hơn 18.000 viên ma túy tổng hợp.
Hiện, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an tỉnh Quảng Trị đang tạm giữ hình sự 2 nghi phạm trên để tiếp tục mở rộng điều tra.
Trước đó, vào chiều ngày 1/6, tại xã Lộc Bổn (huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên – Huế), Công an tỉnh Quảng Trị phối hợp với Đội kiểm soát ma túy Cục Hải quan tỉnh Quảng Trị, Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo và Công an tỉnh Thừa Thiên – Huế bắt giữ Phùng Thanh Thịnh (SN 1991) và Hoàng Phi Hùng (SN 2005, cùng trú tại phường Thủy Dương, thị xã Hương Thuỷ, tỉnh Thừa Thiên – Huế), thu giữ 1kg ma túy tổng hợp.
Ngọc Mai
VNCS: bổ nhiệm người phát ngôn Bộ Ngoại giao
08/6/2023
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng (MOFA via Bao Quoc te)
Bộ ngoại giao Việt Nam hôm 8/6 thông báo bổ nhiệm bà Phạm Thu Hằng làm tân phát ngôn viên của Bộ này, trở thành nữ phát ngôn viên thứ năm của Việt Nam từ trước tới nay.
Theo Cổng thông tin chính phủ (VGP News), Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc đã trao quyết định của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao bổ nhiệm bà Hằng, Phó Vụ trưởng Vụ Thông tin báo chí kiêm Phó Phát ngôn, giữ chức Quyền Vụ trưởng Vụ Thông tin báo chí kiêm Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao.
Theo VGP News, bà Hằng “có nhiều năm công tác” tại Vụ Thông tin Báo chí cũng như là “người có kinh nghiệm làm việc với báo chí trong nước và quốc tế”.
Bà Phạm Thu Hằng chính thức được bổ nhiệm vào vị trí người phát ngôn, nhiều tháng sau khi người tiền nhiệm của bà là Lê Thị Thu Hằng nhậm chức Thứ trưởng Ngoại giao cuối năm ngoái.
Trong sáu tháng qua, trên cương vị Phó Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao, bà Phạm Thu Hằng đã lên tiếng về nhiều vấn đề liên quan tới các nước, trong đó có Trung Quốc và Hoa Kỳ.
Cuối tháng trước, trong buổi họp báo thường kỳ, bà Hằng“yêu cầu” phía Trung Quốc “chấm dứt ngay hoạt động xâm phạm, rút tàu Hướng Dương Hồng 10 và các tàu hải cảnh, tàu cá ra khỏi vùng biển Việt Nam, tôn trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam, thực hiện nghiêm túc Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông, giữ gìn hòa bình, hợp tác và phát triển ở Biển Đông, đóng góp vào việc phát triển quan hệ hai nước”.
Trước đó, khi được hỏi về báo cáo tự do tôn giáo quốc tế của Hoa Kỳ, trong đó nói rằng các nhóm tôn giáo không đăng ký với nhà nước tiếp tục bị chính quyền “vi phạm quyền tự do tôn giáo và quyền tự do hành đạo”, bà Hằng nói rằng “Việt Nam sẵn sàng trao đổi với Hoa Kỳ về các vấn đề hai bên cùng quan tâm trên tinh thần thẳng thắn, cởi mở và tôn trọng lẫn nhau về những vấn đề còn khác biệt, qua đó đóng góp vào việc thúc đẩy quan hệ Đối tác toàn diện giữa hai nước”.
Cổng thông tin của chính phủ Việt Nam cho biết, trước bà Hằng, Việt Nam từng có 4 nữ phát ngôn viên Bộ Ngoại giao, trong đó có bà Nguyễn Phương Nga, hiện là Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam.