Chuyện Việt Nam Thứ Ba 13 tháng 6 năm 2023
Quê Hương tổng hợp
Tổng thống Hàn Quốc và hơn 200 doanh nghiệp lớn sắp thăm Việt Nam
13/6/2023
Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol.
Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol và đoàn 205 doanh nghiệp lớn sẽ tới thăm Việt Nam từ ngày 22-24/6, Reuters và Yonhap dẫn thông báo của Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc cho biết hôm 13/6.
Theo hãng tin Yonhap, Tổng thống Yoon sẽ có chuyến thăm cấp nhà nước đến Việt Nam theo lời mời của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng.
Đây sẽ là chuyến thăm đầu tiên của ông Yoon tới một quốc gia Đông Nam Á kể từ khi ông nhậm chức vào tháng 5/2022. Phu nhân Kim Keon Hee sẽ tháp tùng ông Yoon trong chuyến thăm này, theo Yonhap.
Trong chuyến thăm cấp nhà nước kéo dài ba ngày tại Việt Nam, ông Yoon sẽ có cuộc gặp thượng đỉnh với Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng vào thứ Sáu (23/6) và thảo luận các biện pháp làm sâu sắc hơn quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện được thiết lập giữa hai nước vào năm ngoái.
Ông sẽ có các cuộc hội đàm riêng rẽ với Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính và Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, đồng thời tham dự quốc yến, vẫn theo Yonhap.
“Thông qua chuyến thăm cấp nhà nước này, chúng tôi có kế hoạch kiểm tra các cơ sở thể chế khác nhau để tạo điều kiện cho các hoạt động kinh tế tích cực hơn giữa hai nước và mở rộng phạm vi hợp tác song phương sang các lĩnh vực mới, chẳng hạn như chuỗi cung ứng khoáng sản quan trọng, năng lượng mới và năng lượng tái tạo, khoa học và công nghệ đổi mới và các thành phố thông minh”, Phó Cố vấn An ninh Quốc gia Kim Tae-hyo nói với báo giới hôm 13/6, đồng thời lưu ý rằng Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ ba của Hàn Quốc.
Dự kiến một đoàn gồm 205 doanh nghiệp lớn sẽ tháp tùng Tổng thống Yoon trong chuyến công du đến Việt Nam.
Các sự kiện kinh doanh khác nhau đã được lên kế hoạch, bao gồm hội chợ triển lãm đối tác Hàn Quốc-Việt Nam và tiệc trưa với các doanh nhân Hàn Quốc tại Việt Nam.
VOA đã liên lạc Bộ Ngoại giao Việt Nam và đề nghị họ xác nhận chuyến thăm của Tổng thống Hàn Quốc, nhưng chưa được phản hồi.
Nhiều điểm bất thường trong phiên tòa xét xử cô giáo Lê Thị Dung
Từ sớm, rất đông người đến tham dự phiên tòa nhưng không được vào bên trong. (Ảnh: Nguyễn Xuân Diện/Facebook)
Người dân không được vào bên trong tham dự phiên tòa, phóng viên phải theo dõi phiên tòa qua phòng riêng để tác nghiệp… là một trong số những điểm bất thường trong phiên tòa xét xử cô giáo Lê Thị Dung.
Hôm nay (ngày 12/6), TAND tỉnh Nghệ An mở phiên tòa phúc thẩm đối với bà Lê Thị Dung (SN 1971, nguyên Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An).
Trước đó, vào ngày 24/4, TAND huyện Hưng Nguyên đã xét xử sơ thẩm, tuyên phạt bà Dung mức án 5 năm tù về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
Tòa đã triệu tập nhân viên giám định của Sở Tài chính Nghệ An, Sở GD&ĐT Nghệ An, đại diện Phòng Tài chính Kế hoạch huyện, Kho bạc Nhà nước huyện Hưng Nguyên và nhiều người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.
Điều đáng nói, rất đông người dân có mặt trước trụ sở TAND tỉnh Nghệ An theo dõi phiên tòa qua hệ thống loa phát thanh nhưng không được vào dự trực tiếp. Các phóng viên, cơ quan báo chí cũng phải theo dõi phiên tòa qua phòng riêng để tác nghiệp.
Chồng và con của bị cáo cũng không được vào dự phiên tòa ngay từ đầu. Đến khi bị cáo Lê Thị Dung nêu: “Tôi chưa thấy chồng và con ở phiên tòa” và đề nghị HĐXX cho phép người thân vào dự phiên tòa thì họ mới được vào dự.
Bị cáo Lê Thị Dung xin HĐXX cung cấp giấy bút để ghi chép.
Tại phiên tòa, bị cáo Lê Thị Dung nói: “Thời điểm bị cáo gửi kháng cáo bản án sơ thẩm, bị cáo chưa nhận được bản án nên tại phiên tòa phúc thẩm này, bị cáo xin kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm”.
Bị cáo Dung kêu oan và cho rằng quy chế chi tiêu nội bộ được đơn vị xây dựng công khai, dân chủ, được gửi cho cấp trên giám sát và có hiệu lực thi hành, không vi phạm pháp luật.
“Tất cả việc chi của bị cáo cho bản thân và tất cả giáo viên trong đơn vị đều hưởng như bị cáo. Khi chưa chứng minh được bị cáo vi phạm quy chế chi tiêu nội bộ, các văn bản tài chính kế toán liên quan thì không thể kết tội cho bị cáo”, bị cáo Dung nói.
Ngoài ra, bị cáo Dung cũng cho rằng trong quá trình tố tụng có nhiều dấu hiệu oan sai.
Luật sư bào chữa cho bị cáo Lê Thị Dung đề nghị thay đổi biện pháp ngăn chặn trước khi phiên tòa, tuy nhiên, HĐXX cho biết “sẽ xem xét sau”.
Có 7 luật sư tham gia bảo vệ quyền lợi cho bà Dung tại phiên tòa phúc thẩm
Một trong số luật sư được gia đình mời bảo vệ quyền lợi cho bà Dung là Trần Hồng Phúc – Công ty Luật TNHH SMIC (Đoàn luật sư Hà Nội). Trong văn bản gửi đến HĐXX phúc thẩm, luật sư Trần Hồng Phúc kiến nghị triệu tập bổ sung ông Nguyễn Phi Thăng, Kiểm sát viên Viện KSND huyện Hưng Nguyên (người thực hành quyền công tố tại phiên tòa sơ thẩm xét xử bà Lê Thị Dung) có mặt tại phiên tòa phúc thẩm.
Luật sư Trần Hồng Phúc cũng kiến nghị sự giúp đỡ để bảo đảm sự có mặt của một giáo viên thuộc Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Hưng Nguyên là một trong 2 người đã tố giác tội phạm đối với bà Lê Thị Dung và yêu cầu cơ quan chức năng khởi tố bà Dung.
Theo luật sư Phúc, trong phiên tòa, luật sư sẽ yêu cầu làm rõ nhiều vấn đề liên quan đến vụ án như chứng cứ tố giác, vai trò của người tố giác tội phạm, sự hợp pháp của kết quả giám định, căn cứ của việc áp dụng pháp luật và bị cáo có tội hay không…
“Chúng tôi sẽ nỗ lực làm việc để làm sáng tỏ mọi sự thật của vụ án, góp phần bảo vệ pháp luật, bảo vệ quyền con người”, luật sư Trần Hồng Phúc chia sẻ.
Khánh Vy
Hàn Quốc: Đã bắt được 10 người Việt bỏ trốn khỏi đồn cảnh sát
An Vui /SGN
Hai công dân Việt Nam đã ra đầu thú tại Sở cảnh sát Gwangsan ở Gwangju, hôm thứ Hai 12 Tháng Sáu, sau khi trốn thoát vào sáng sớm Chủ Nhật 11 Tháng Sáu – Ảnh: Yonhap
10 người Việt đang chờ thẩm vấn về tội đánh bạc đã bỏ trốn khỏi đồn cảnh sát quận Gwangsan, TP.Gwangju, Hàn Quốc vào rạng sáng ngày Chủ Nhật 11 Tháng Sáu.
Điều làm cảnh sát Hàn Quốc sửng sốt là ô cửa sổ mà 10 người Việt chui ra ngoài nhỏ đến mức “một con mèo cũng khó chui lọt”!
Korea Times dẫn thông báo của Sở cảnh sát quận Gwangsan cho hay 23 người Việt (trong đó có sáu phụ nữ) đã bị bắt vào 3 giờ sáng 11 Tháng Sáu tại tầng hai một ngôi nhà ở phường Wolgok vì tội đánh bạc. Nhóm người Việt này tổ chức đánh bạc dưới hình thức xóc đĩa, có số tiền cược khoảng 15 triệu won ($11,600). Đến khoảng 6:40 sáng cùng ngày, có 10 người đã bỏ trốn.
Theo Korea Herald, cảnh sát địa phương cho biết họ đã xác định được danh tính của những người bỏ trốn, và mở cuộc truy bắt với hơn 90 nhân viên.
Theo phân tích của Donga, nhóm nghi phạm người Việt bị tạm giam trong một phòng họp rộng khoảng hơn 33m2 (355 square feet). Tuy nhiên, vì hầu hết các nghi phạm đều không biết tiếng Hàn nên cảnh sát đã đi tìm phiên dịch viên để có thể giải thích các thủ tục hình sự.
Lợi dụng lúc các cảnh sát đang bận rộn tìm phiên dịch viên, 10 nghi phạm đã bỏ trốn qua một ô cửa sổ nhỏ ngay trong phòng họp, vì là phòng họp nên không có camera giám sát. Ô cửa sổ này rộng 90cm, cao 20cm và chỉ có thể mở một góc khoảng 15 độ.
Ô cửa sổ nhỏ cỡ con mèo khó chui lọt vậy mà 10 người Việt chui qua được để trốn – Ảnh cắt từ video trên Tuổi Trẻ
Tất cả 23 nghi phạm khi bị bắt đều không bị còng tay, vì cảnh sát cho rằng nhóm người này không phản kháng hay có hành vi chống đối. Theo quy định hiện hành của Hàn Quốc, cảnh sát chỉ được còng tay hoặc dùng dây thừng trói nghi phạm nếu nghi ngờ họ muốn bỏ trốn, tự sát hoặc hành hung.
Theo Joongang, các nghi phạm đã tháo thẻ SIM điện thoại ngay khi trốn thoát. Còn 13 người Việt bị giam tại đồn đã tỏ thái độ bất hợp tác, cho rằng họ không liên quan.
Đến tối ngày 12 Tháng Sáu, theo Korea Times, cảnh sát địa phương đã bắt lại được 10 người Việt bỏ trốn khỏi đồn cảnh sát ở phía Tây Nam TP.Gwangju (cách TP.Seoul khoảng 270km về phía Nam) trong khi chờ được thẩm vấn vì tội đánh bạc.
Ô cửa sổ của đồn cảnh sát quận Gwangsan nằm ở phía Tây Nam thành phố Gwangju dẫn ra một cái hẻm cũng rất hẹp – Ảnh cắt từ video trên Tuổi Trẻ
Theo Sở cảnh sát quận Gwangsan của Gwangju, bảy trong số 10 người trốn thoát đã tự đầu thú với cảnh sát và cơ quan nhập cư vào tối 12 Tháng Sáu; ba người còn lại bị cảnh sát tóm vào hôm 11 và 12 Tháng Sáu khi đang trốn tại các khu dân cư và một nhà máy trong thành phố.
Cảnh sát cho biết tất cả 10 người trốn thoát đều là công nhân nhập cư bất hợp pháp, không có giấy tờ và họ sợ sẽ bị trục xuất. Tất cả 10 người này sẽ được chuyển đến văn phòng xuất nhập cảnh để trục xuất về Việt Nam theo quy định của pháp luật.
Còn 13 người Việt bị bắt vì tội đánh bạc sẽ được chuyển giao cho cơ quan công tố địa phương.
Trong số 23 người Việt bị cảnh sát Hàn Quốc bắt vì tội đánh bạc, có sáu phụ nữ – Ảnh cắt từ video trên Tuổi Trẻ
Trước đó, trong cuộc đột kích ngày 5 Tháng Sáu vào một câu lạc bộ dành cho người Việt tại TP.Siheung, tỉnh Gyeonggi, cảnh sát Hàn Quốc đã bắt giam bảy người Việt dương tính với ma túy và bảy người Việt khác nhập cư bất hợp pháp, theo Yonhap.
Trong Tháng Năm, tại câu lạc bộ này cảnh sát Hàn Quốc đã bắt giam tám người Việt và hai người Hàn Quốc vì nghi ngờ họ sử dụng chất cấm.
Liên quan đến người Việt phạm pháp ở Hàn Quốc, hãng tin Yonhap cũng dẫn nguồn tin từ cảnh sát cho hay ngày 2 Tháng Tư 2023 họ đã bắt giam 15 người vì tội ăn cắp và “tuồn” các điện thoại mất cắp về Việt Nam, trong đó có một người Việt nhập cư bất hợp pháp.
Theo lực lượng Cảnh sát Tàu điện ngầm TP.Seoul, nghi phạm Việt Nam bị nghi ngờ đã mua điện thoại bị mất cắp với giá chỉ từ $156 và thu lợi khoảng $13,700 khi nhập lậu số hàng này về Việt Nam từ Tháng Bảy 2021 đến Tháng Ba 2023. Hầu hết các điện thoại này được ăn cắp trên tàu điện ngầm, từ những vị hành khách say rượu.
Vụ nổ súng Đắk Lắk: 39 nghi phạm bị bắt giữ – mạng xã hội có gì?
RFA
13/6/2023
Ảnh chụp màn hình Tiktok đưa các video về vụ việc xảy ra ở Cư Kuin – Đắk Lắk
RFA
Bộ Công an sáng 13/6 cho biết, có tổng cộng 39 nghi phạm liên quan đến vụ tấn công vào hai cơ quan công quyền ở huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk bị bắt giữ, trong khi các đoạn video, hình ảnh trên mạng xã hội cho thấy các vụ bắt giữ người.
Cụ thể, Cổng thông tin điện tử của bộ này (mps.gov.vn) cho hay, trong đêm 12/6 có hai người ra đầu thú và có 10 người khác bị bắt giữ.
Bộ Công an trong bản tin cập nhật mới nhất sử dụng cụm từ “nhóm đối tượng gây mất an ninh, trật tự tại UBND xã Ea Tiêu và xã Ea Ktur”, tuyệt nhiên không đề cập đến việc tấn công vũ trang hay khủng bố.
Cơ quan này cũng cho biết, đang tiếp tục truy bắt những đối tượng còn lại đồng thời “kêu gọi những người phạm tội sớm ra đầu thú để được hưởng khoan hồng.”
Trong khi đó, tối 12/6, Tỉnh ủy – Hội đồng nhân dân – Ủy ban nhân dân – Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam tỉnh Đắk Lắk ra thư, bày tỏ “kịch liệt lên án hành động tấn công trụ sở cơ quan nhà nước, giết người, vi phạm nghiêm trọng pháp luật của nhóm đối tượng đã gây ra”, đồng thời “chia sẻ với những đau thương và mất mát to lớn của gia đình các chiến sỹ công an, cán bộ và người dân.”
Các cơ quan Đảng và công quyền này kêu gọi “không đăng tải, chia sẻ các thông tin liên quan trên mạng xã hội khi chưa được kiểm chứng”, và “nêu cao cảnh giác, tuyệt đối “không nghe, không tin, không theo” các đối tượng phản động, các thế lực thù địch lợi dụng tình hình để xuyên tạc, lôi kéo chống đối chính quyền địa phương, gây mất an ninh chính trị trên địa bàn.”
Mạng xã hội có gì?
Trái với sự im ắng của báo chí nhà nước khi hầu hết chỉ đưa lại các bản tin từ Bộ Công an, người dùng mạng xã hội đăng tải các đoạn video, hình ảnh cho thấy diễn biến của các vụ bắt giữ những nghi phạm của cơ quan công an.
Một đoạn video đăng tải hôm 12/6 cho thấy, hai thanh niên người đồng bào mặc quần rằn ri đi xe máy trên đường đến trước cửa hàng sâm yến An Nhiên, địa chỉ ở thôn Kim Châu, xã Đray Bhăng, huyện Cư Kuin thì bị ba viên công an mặc áo giáp nổ súng chỉ thiên và ra giữa đường ngăn chặn.
Hai thanh niên đi trên xe ô tô đen áp sát phía sau, xuống xe giúp khống chế hai người đồng bào, cùng lúc người tài xế dùng gậy ba khúc đánh nhiều lần vào đầu của một trong hai thanh niên nêu trên, mặc dù chưa biết chính xác họ là ai.
Không lâu sau đó, hai thanh niên này bị trói ngoặc tay ra phía sau và cảnh sát cơ động đưa lên xe cứu thương biển số 47C-2806 (của tỉnh Đắk Lắk).
Tài khoản Tiktok W.H này cũng đăng tải video cho thấy, cảnh sát đang rượt đuổi một người dân ngay trước cổng “Thôn 4 Thôn Văn Hóa”, nhưng người quay phim mau chóng đính chính “người nhà em đó”, nên họ dừng lại không đuổi nữa.
Một số video khác cho thấy, cảnh sát cơ động bắt giữ lần lượt những người đồng bào mà họ cho rằng có liên quan đến vụ việc, tra khảo tìm người cầm đầu, vũ khí…
Các đoạn video này mặc dù không rõ địa điểm quay do địa hình rừng núi, tuy nhiên các tài khoản đăng tải cho biết vụ việc xảy ra ở Đắk Lắk, và các video này đều là lần đầu được phóng viên nhìn thấy trên các nền tảng mạng xã hội, cũng như các cuộc nói chuyện, tra khảo đều gợi ý đến vụ việc xảy ra vào rạng sáng 11/6.