Chuyện Việt Nam Thứ Tư 14 Tháng 6 năm 2023
Quê Hương tổng hợp
Sau khi ‘quyết liệt giành lại vỉa hè cho dân’, chính quyền đem… cho thuê
Lê Thiệt /SGN
Một quán nhậu trên đường Hoàng Sa, quận 1, chiếm hết vỉa hè để sắp xếp bàn ghế cho khách, Tháng Hai năm 2023 – Ảnh: Gia Minh/VNExpress
Khoảng Tháng Hai, chính quyền nhiều thành phố lớn đồng loạt có kế hoạch “giành lại vỉa hè cho người đi bộ”. Đây là “cuộc chiến” dai dẳng giữa chính quyền và những người “chiếm đóng”. Không ai tin chiến dịch lần này sẽ thành công trọn vẹn, “chính quyền sẽ ‘giành’ được, nhưng chỉ vài tháng ổn định thôi, đâu cũng lại vào đấy”. Nhiều người cho ý kiến như thế, vì nhiều lý do, trong đó có một lý do rất thực dụng: Người “chiếm giữ” vỉa hè là “đội quân” nuôi lãnh đạo địa phương.
Tại Sài Gòn, vào giữa Tháng Hai, Thành ủy TP.HCM đã ra chỉ thị mạnh tay dẹp bỏ sự chiếm dụng lòng lề đường nhằm “bảo đảm cho người đi bộ được ưu tiên sử dụng vỉa hè và tiếp cận giao thông công cộng”. Động thái này làm cho nhiều người dân kinh ngạc, và không tin đó là sự thật, dù họ đánh giá rất cao nỗ lực của chính quyền.
Đến nay, sau khi vỉa hè đã thông thoáng, người đi chưa “hưởng” được quyền đi bộ trên vỉa hè được bao nhiêu ngày, thì “đùng một cái” Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP.HCM gởi đề xuất cho thuê vỉa hè để kinh doanh. Thì ra, người dân không tin “lòng tốt” của chính quyền trước đây, cũng có lý do của nó.
Vỉa hè đường Nguyễn Chí Thanh (Quận 5) bên hông bệnh viện Chợ Rẫy đang được cấp phép giữ xe máy. Ảnh: Minh Quân/Lao Động
Đề xuất cho thuê vỉa hè được Sở GTVT làm rất chi tiết như cách thức “xẻ thịt một con heo ra bán thịt tươi”: Phần nào nạc, ngon thì ra giá cao, phần nào mỡ, xương thì ra giá thấp. Họ chia ra nhiều khu vực, và tùy thuộc vào loại hình kinh doanh, với mức cho thuê thấp nhất là 20,000 đồng/m2/tháng, và cao nhất là 350,000 đồng/m2/tháng. Tuy vậy, dù họ xẻ nát vỉa hè để cho thuê, nhưng vẫn “ưu tiên giành cho người đi bộ 1.5 mét”. Đó là “tính nhân văn” của đề xuất cho thuê vỉa hè của Sở GTVT.
Họ nói việc cho thuê chỉ là “tạm thời”, nhưng không nói rõ thời hạn là bao nhiêu, nên có thể hiểu chắc cao lắm cũng chỉ chừng… 99 năm là cùng. Để đề xuất có tính thuyết phục cao, Sở GTVT tính toán rằng chỉ cho thuê vỉa hè thôi, mỗi năm thành phố sẽ thu được hơn 1,500 tỉ đồng. Một con rất “ấn tượng”, sẽ khiến lãnh đạo thành phố phải cân nhắc, sau khi giành lại vỉa hè cho người đi bộ, có nên giành lại vỉa hè của người đi bộ để cho mướn không?
Dư luận cho rằng, sẽ có nhiều lãnh đạo bỏ phiếu “THUẬN”, vì nếu tính phần trăm chi phí “bôi trơn” là 30%, thì số tiền các lãnh đạo “bỏ túi” đã lên tới 300 tỉ đồng/năm. Một con số khủng khiếp!
Bãi xe lấn chiếm vỉa hè đường Lý Thường Kiệt, trước Bệnh viện Đại học Y dược TP. HCM, năm 2022 – Ảnh: Gia Minh/VNExpress
Tuy nhiên, không phải ai cũng đồng ý việc vừa giành lại vỉa hè cho người đi bộ xong, lại “xẻ thịt” nó cho thuê lấy tiền “nuôi” lãnh đạo.
Bà Hoàng Thị Lợi, Phó chủ tịch Mặt trận phường Bến Nghé, quận 1, dù (phải) đồng tình với chủ trương cho thuê vỉa hè, nhưng cho rằng mức giá Sở GTVT đưa ra còn khá thấp, chưa sát với thị trường. Bà nói:
“Với giá này tôi cũng muốn thuê vỉa hè, lòng đường để giữ xe vì rất lời. Khoản chênh lệch này rơi vào túi ai. Ký hợp đồng rồi cho thuê lại cũng đã lời”.
Có thể bà Lợi không hiểu, hoặc cố tình không hiểu, chính quyền phải cho thuê giá thấp như thế, để người được thuê “trả thêm tiền ngoài sổ sách” cho lãnh đạo địa phương để tạo “quỹ đen”. Từ trước đến nay, mọi người đều biết rằng, những người thuê được vỉa hè làm bãi giữ xe đều là “công ty sân sau” hoặc người nhà của lãnh đạo địa phương, chứ người ngoài không thể trúng thầu cho dù trả giá cao hơn.
Khách nước ngoài phải đi xuống lòng đường vì vỉa hè trên đường Lê Thánh Tôn (phường Bến Thành, quận 1, Sài Gòn) đã bị chiếm dụng – Ảnh: Thanh Niên
Bà Nguyễn Thị Minh Sáu, cán bộ mặt trận phường 17, quận Bình Thạnh, cho biết theo tham khảo ý kiến của doanh nghiệp, người dân có mặt tiền đường và buôn bán hàng rong, 80% người được hỏi trả lời chưa nên triển khai cho thuê vỉa hè, lòng đường.
Bà Sáu dẫn chứng Luật Giao thông đường bộ quy định vỉa hè, lòng đường chỉ sử dụng cho mục đích giao thông. Nếu đặt vấn đề thu phí sử dụng tạm thời lòng, lề đường và hè phố vô hình trung sẽ khuyến khích, tạo điều kiện cho người dân kinh doanh ở đây, tức hợp thức hóa việc lấn chiếm vỉa hè, lòng đường.
Theo bà Bùi Diệu Tâm, cán bộ mặt trận phường Bến Nghé, quận 1, kinh nghiệm từ một số địa phương cho thấy, khi chính quyền cho thuê vỉa hè, lòng đường, tình trạng giao thông vẫn lộn xộn, người dân không có lối đi bộ.
Chị Ngọc Nhung (quận 1, Sài Gòn) phải đi bộ dưới lòng đường trong tâm thế bất an vì đường “không có” vỉa hè – Ảnh: Thanh Niên
Trong khi đó, ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT cho biết khi làm đề xuất này, ông đã tham khảo ý kiến của nhiều chuyên gia, cũng như học hỏi mô hình quản lý vỉa hè, lòng đường của nhiều thành phố lớn trong và ngoài nước như Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc. “Quản lý vỉa hè, lòng đường không đơn thuần là giao thông mà còn phải phù hợp với văn hóa đô thị”, ông Lâm nói và cho biết việc cho thuê vỉa hè sẽ được tính toán kỹ lưỡng nhằm giảm tác động đến người dân cũng như giao thông.
Ai cũng biết đó chỉ là lời hứa suông. Đến khi vỉa hè đã được thuê, chính quyền nhận tiền cho thuê và nhận cả “phong bì cảm ơn” thì người đi bộ lại bước xuống lòng đường mà đi, như đã từng đi như thế bao nhiêu năm nay.
Ngân Hàng Thế Giới khuyến cáo Việt Nam phải chú trọng hoạt động vì khí hậu
VNTB
14/6/2023
Để thực hiện tham vọng kinh tế của Việt Nam, cần phải có các hoạt động về khí hậu
Việt Nam đặt mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045, nhưng thiệt hại do biến đổi khí hậu gây ra là một trở ngại nghiêm trọng cho mục tiêu này. Hành động vì khí hậu — vừa thích ứng với các tác động của khí hậu vừa giảm thiểu phát thải làm tăng tốc độ biến đổi khí hậu — cần được đặt lên hàng đầu và là trung tâm trong chiến lược phát triển của Việt Nam.
Khi coi hoạt động vì môi trường là một phần không thể thiếu trong một chiến lược phát triển khả thi, giống như các quốc gia khác, Việt Nam có thể đặt câu hỏi là liệu việc theo đuổi tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường có tương thích với nhau hay không. Xét cho cùng, tăng trưởng kinh tế đã được ưu tiên hơn bảo vệ môi trường trong nhiều trường hợp phát triển trước đây. Tuy nhiên, bằng chứng đáng kể cho thấy rằng khi vốn tự nhiên bị tổn hại đáng kể, hoạt động khí hậu trở thành điều kiện tiên quyết cho bất kỳ chiến lược tăng trưởng nào. Việt Nam, giống như các quốc gia khác, nên coi tăng trưởng kinh tế và quản lý môi trường phải cùng tồn tại.
Việt Nam có địa lý tương tự như Bangladesh – một quốc gia nằm ở vùng trũng thấp, tiếp giáp với một vùng nước lớn – nên Việt Nam là một trong những quốc gia dễ bị lũ lụt nhất thế giới. Những bộ phận quan trọng trong hoạt động kinh tế của Việt Nam đã và đang gặp rủi ro do tác động của biến đổi khí hậu. Trong báo cáo về khí hậu và phát triển quốc gia, Ngân hàng Thế giới ước tính biến đổi khí hậu gây thiệt hại cho Việt Nam khoảng 3,2% GDP vào năm 2020 và có thể lên đến từ 12% đến 14,5% GDP vào năm 2050 nếu không có hành động phối hợp về khí hậu. Điều này cho thấy rõ ràng Việt Nam phải ưu tiên thích ứng khí hậu như làm kè ven biển, phân vùng dân cư và kinh doanh, trang bị thêm và củng cố cơ sở hạ tầng, đồng thời xây dựng hệ thống thoát nước tốt hơn.
Kiểm soát khí thải cũng rất quan trọng, mặc dù Việt Nam hiện không phải là nước sản xuất nhiều khí nhà kính (GHG) nhất thế giới. Việt Nam hiện chỉ chiếm 0,8% tổng lượng phát thải của thế giới, nhưng Việt Nam lại là một trong những quốc gia phát thải khí nhà kính tính theo đầu người tăng nhanh nhất trên toàn thế giới. Trong giai đoạn 2000-2015, lượng phát thải khí nhà kính tăng gần gấp bốn lần. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến những nỗ lực hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu, mà còn đặc biệt quan trọng đối với Việt Nam vì lượng khí thải đang dẫn đến tình trạng ô nhiễm không khí ở mức độ độc hại, đặc biệt là ở Hà Nội, gây tổn hại đến sức khỏe và năng suất.
Hơn nữa, sự phụ thuộc quá nhiều vào nhiên liệu hóa thạch để sản xuất năng lượng có thể hạn chế khả năng cạnh tranh xuất khẩu của Việt Nam vào thời điểm các cường quốc đang xem xét việc đánh thuế cường độ carbon trên hàng nhập khẩu. Với giá 1,6 kg CO2/USD, cường độ carbon trong hàng xuất khẩu của Việt Nam thuộc hàng cao nhất trong khu vực ( trong khi Trung Quốc chưa bằng một nửa).
Việt Nam có thể thực hiện nhiều bước giảm phát thải và thích ứng với tác động biến đổi khí hậu và là phần nào tiếp cận phát triển hợp lý. Một nghiên cứu gần đây của Ngân hàng Thế giới, “Thúc đẩy tăng trưởng sạch, xanh và thích ứng với biến đổi khí hậu ở Việt Nam,” ước tính chi phí suy thoái môi trường dựa trên phúc lợi hiện ở mức 10% GDP ở Việt Nam. Hầu hết các chỉ số môi trường cho thấy xu hướng tiêu cực và cơ chế chính sách môi trường hiện tại có thể gây thiệt hại nhiều hơn thế. Chất lượng nước suy giảm, mức độ ô nhiễm không khí ngày càng cao và nghiêm trọng ở các thành phố lớn, suy thoái chất lượng đất và rừng, và mất đa dạng sinh học đều là những vấn đề đáng quan tâm. Những áp lực này khó có thể giảm bớt trong những thập niên tới nếu không có sự thay đổi về chính sách.
Khi các quốc gia trên thế giới tập trung vào áp lực liên quan đến biến đổi khí hậu, cần phải có một cái nhìn mới về cách đo lường tiến độ. Phân tích kinh tế chính thống có xu hướng tập trung vào tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) như một chỉ báo về mức tăng mức sống nhưng đã đánh giá thấp tác động của rủi ro khí hậu gia đang tăng nhanh chóng. Cách tiếp cận này có thể phản tác dụng vì đã bỏ qua cái giá của tác động lan tỏa tiêu cực từ các hoạt động kinh tế—như khí thải carbon và phá rừng—mà cuối cùng làm giảm sản phẩm quốc nội ròng. Quan niệm sai lầm của một số người ra quyết định rằng hoạt động khí hậu làm giảm tăng trưởng kinh tế bền vững cần nhường chỗ cho sự thừa nhận toàn bộ lợi ích của đầu tư khí hậu.
Khi Việt Nam giải quyết các thách thức thúc đẩy tăng trưởng nhanh, toàn diện và bền vững, việc tối ưu hóa những thành quả đó có nghĩa là xây dựng khả năng chống chịu trước các cú sốc khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính cũng là ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự phát triển. Việt Nam đã thực hiện một số bước bao gồm cam kết mạnh mẽ đạt mức phát thải GHG thuần bằng 0 vào năm 2050 với Kế hoạch Phát triển Điện và Đóng góp Toàn quốc đầy tham vọng. Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và Kế hoạch hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững với các mục tiêu chính liên quan nhằm đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu nền kinh tế để sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên. Thách thức bây giờ sẽ là biến những điều này thành hành động thực. Ứng phó với những thách thức của biến đổi khí hậu nên là một phần không thể thiếu trong các kế hoạch đầu tư của quốc gia.
____________
Nguồn: World Bank – To fulfil Vietnam’s economic ambitions, climate action is essential.
Cô giáo Lê Thị Dung không được trả tự do ngay như đề nghị của các luật sư
An Vui /SGN
Cô giáo Lê Thị Dung trả lời trong phiên tòa phúc thẩm ngày 13 Tháng Sáu 2023 – Ảnh cắt từ video của Tuổi Trẻ
Kết thúc phiên phúc thẩm của tòa án Nghệ An chiều 13 Tháng Sáu 2023, cô giáo Lê Thị Dung (51 tuổi, cựu giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Hưng Nguyên) bị tuyên phạt 15 tháng tù, thay vì được trả tự do như đề nghị của sáu luật sư tình nguyện bào chữa miễn phí cho bà.
Vì bà Lê Thị Dung đã bị tạm giam từ ngày 28 Tháng Ba 2022 nên theo VTC News, bà còn phải ở tù 15 ngày nữa mới đủ 15 tháng tù, tính ra đến cuối Tháng Sáu 2023 bà mới được trả tự do.
So với bản án sơ thẩm ngày 24 Tháng Tư 2023 kết án bà Dung năm năm tù, bản án phúc thẩm giảm đến gần bốn năm, xem chừng có tiến bộ vì bị sức ép của dư luận, thế nhưng vẫn chưa đúng với mong muốn của các luật sư bào chữa miễn phí cho bà là phải hủy bản án sơ thẩm, đình chỉ vụ án, trả tự do ngay cho bà Dung.
Chắc vì cũng “muối mặt”, bà chủ tịch Hội đồng xét xử là thẩm phán Hoàng Ngọc Anh biện minh rằng bản án phúc thẩm chỉ có 15 tháng tù vì xét thấy “số tiền bị cáo hưởng lợi là không lớn, hình phạt năm năm tù mà tòa sơ thẩm tuyên là quá nghiêm khắc”.
Mặt khác, bà Anh cho rằng “bị cáo đã thành khẩn khai báo, quá trình công tác được tặng nhiều bằng khen, gia đình có công trong tài trợ phòng chống COVID-19 tại địa phương, do đó có căn cứ áp dụng tình tiết giảm nhẹ” (!?)
Với phán quyết trên, toà phúc thẩm cũng bác kháng nghị hủy án để điều tra lại của Viện kiểm sát tỉnh Nghệ An. Theo Viện kiểm sát, ngoài nội dung liên quan số tiền thiệt hại, Viện Kiểm sát muốn điều tra lại để làm rõ quy chế chi tiêu nội bộ do bà Dung ký năm 2012-2017 có nội dung nào trái pháp luật dẫn đến không có hiệu lực?
Các luật sư đang bào chữa cho bà Dung – vì không được phép trực tiếp có mặt trong phiên xử phúc thẩm bà Dung nên video của Tuổi Trẻ rất mờ nhạt – Ảnh cắt từ video của Tuổi Trẻ
VnExpress dẫn lời luật sư Hoàng Thị Phương (một trong sáu luật sư bào chữa miễn phí cho bà Dung) cho rằng Trung tâm Giáo dục thường xuyên khác với trường trung học phổ thông; giám đốc Trung tâm cũng không phải hiệu trưởng của trường trung học phổ thông – nơi được cấp 100% kinh phí từ ngân sách nhà nước mà Trung tâm hoạt động theo chế độ tài chính tự chủ, tự chi.
Với phân tích này, luật sư Phương nói Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Hưng Nguyên không thuộc đối tượng áp dụng Thông tư 28/2009 của Bộ Giáo dục về chế độ làm việc cho giáo viên phổ thông. Và bà Phương nhấn mạnh: “Tòa cấp sơ thẩm vẫn cố tình “gọt chân cho vừa giày”, coi chế độ tài chính của Trung tâm giống trường phổ thông là sai thực tế”.
Tuổi Trẻ dẫn lời luật sư Vũ Quang Ninh (Đoàn luật sư tỉnh Quảng Ninh) cho biết Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Hưng Nguyên là trường thuộc hạng 5, theo quy định của Bộ Giáo dục là đơn vị sự nghiệp có thu, tự bảo đảm một phần chi phí hoạt động thường xuyên, thực hiện chế độ tự chủ một phần kinh phí hoạt động, nên việc cơ quan điều tra, tố tụng cấp sơ thẩm áp dụng thông tư 28 năm 2009 của Bộ Giáo dục yêu cầu Trung tâm phải báo cáo quy chế chi tiêu nội bộ lên cấp trên là Sở Giáo dục Nghệ An là trái luật, gây bất lợi cho bà Dung.
Luật sư Ninh còn khẳng định các khoản thanh toán cho bà Dung đã quy định rõ ràng, cụ thể trong quy chế chi tiêu nội bộ được trung tâm xây dựng công khai, 100% cán bộ và giáo viên đồng ý, không có ý kiến phản đối và được gửi cho cấp trên giám sát, có hiệu lực thi hành và không vi phạm pháp luật.
Cả sáu luật sư còn đề nghị nhà chức trách Nghệ An xem xét trách nhiệm của kiểm sát viên trong việc giám sát tài liệu điều tra; làm rõ trách nhiệm của Phòng Tài chính kế hoạch, Kho bạc nhà nước, Ủy ban huyện Hưng Nguyên trong kiểm tra, kiểm soát hoạt động tài chính kế toán của Trung tâm để bảo đảm sự khách quan, công bằng.
Người thân và bạn bè quan tâm đến bà Dung phải đứng bên ngoài cổng tòa để nghe phiên xử qua loa chứ không được phép vào – Ảnh cắt từ video Tuổi Trẻ
Theo cáo buộc của cấp sơ thẩm, năm 2012-2017, bà Dung là giám đốc, chủ tài khoản của Trung tâm nhưng đã “lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao, nhiều lần thanh toán trái quy định để chiếm đoạt 45 triệu đồng”.
Cụ thể, năm học 2014-2015, bà Dung có 171 tiết dạy được quy đổi để thanh toán tiền thừa giờ, bị cáo buộc chiếm đoạt hơn 30 triệu đồng. Số tiền tương ứng này trong năm học 2015-2016 là hơn 13 triệu đồng.
Trình bày trong phiên tòa phúc thẩm, bà Lê Thị Dung giải thích quy chế chi tiêu nội bộ của Trung tâm được xây dựng bằng tiết học chứ không phải bằng tiền là để bù đủ những nhiệm vụ giáo viên làm.
Bà nói: “34 tuần thực dạy nhưng chúng tôi phải làm việc 37 tuần, vậy 51 tiết kia chúng tôi lấy ở đâu ra? Để công bằng, bình đẳng với các giáo viên ở Trung tâm, đúng quy định pháp luật, chúng tôi tính bằng tiết làm việc hành chính 40 giờ/tuần/5 ngày”.
Bà Dung còn chia sẻ: “Đối với một số giáo viên khác, tôi tin chắc rằng họ không có ý kiến dù họ biết đúng, biết sai. Họ rất thương, chia sẻ với tôi nhưng không dám lên tiếng vì họ đang công tác”. Nói lời sau cùng trong phiên tòa, bà Dung buồn bã: “Tôi xin quý tòa hãy giải oan cho tôi, tôi thật sự đau lòng và cảm thấy rất bức xúc”.
Những phiên tòa được công luận quan tâm thì đa số bạn bè và ngay cả thân nhân của bị cáo cũng phải “ngóng” từ bên ngoài cổng tòa – Ảnh cắt từ video của Tuổi Trẻ
Tuổi Trẻ còn chia sẻ một tấm ảnh và video cho thấy rất nhiều người thân, bạn bè của bà Dung phải theo dõi phiên tòa từ bên ngoài cổng tòa vì không được phép vào, với chú thích: “Nhiều người dân “đội nắng” theo dõi phiên tòa phúc thẩm qua hệ thống loa phát thanh bên ngoài trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An chiều 13-6”.
Ngoài ra, còn có chi tiết này nữa: Khoảng 15:10 chiều 13 Tháng Sáu, phiên tòa phúc thẩm vụ án đang diễn ra thì khu vực tòa án tỉnh Nghệ An bị mất điện đột ngột.
Việc cúp điện khiến khu vực tác nghiệp riêng cho phóng viên các cơ quan báo chí với khoảng 20 phóng viên báo đài đang dự trực tuyến qua màn hình (tại sao truyền thông trong nước không được trực tiếp có mặt trong phiên tòa mà phải xem xử án qua màn hình?) gặp nhiều khó khăn, không thể theo dõi, cập nhật diễn biến phiên tòa. Đến khoảng 16:25 (hơn một tiếng sau), tòa án tỉnh Nghệ An mới có điện trở lại!
Bình luận dưới thông tin về phiên tòa phúc thẩm cô giáo Lê Thị Dung, bạn đọc đặt câu hỏi “Căn cứ luật nào để kết án cô Dung 15 tháng tù, hay giảm án cho vừa đủ thời gian tạm giam?”.
Một bạn đọc đề nghị: “Nếu cô Dung không có tội thì phải trả lại sự trong sạch cho cô, kết quả phúc thẩm không được bị ảnh hưởng bởi kết quả sơ thẩm”.
Cô giáo Lê Thị Dung là đảng viên đấy, nhưng vì không được lòng cấp trên thì vẫn bị trù dập, huống hồ là dân đen!
Tấn công vào Bộ Quốc phòng, nơi có thể hạ được Phan Văn Giang và Thủ tướng?
13/6/2023
Lương Cường – thế lực thân Nguyễn Phú Trọng trong Bộ Quốc phòng
Làm chủ bàn cờ chính trị không phải là nắm quân đông mà là nắm tinh binh. Thông thường, ở Việt Nam, nói đến lãnh đạo cao nhất, người ta đề cập đến “tứ trụ”, nhưng thực chất, chỉ có song trụ là thực quyền, đó là vị trí Tổng Bí thư và Thủ tướng Chính phủ. Hai trụ còn lại là Chủ tịch nước và Chủ tịch Quốc hội chỉ là hữu danh vô thực. Cho nên, thời nào cũng vậy, tứ trụ có đại chiến thì cũng chỉ đại chiến ở 2 chiếc ghế này mà thôi.
Tổng Bí thư nắm Ban Bí thư, trong khi đó, Thủ tướng nắm Chính phủ. Về số bộ trong Chính phủ luôn nhiều hơn số ban trong Ban Bí thư. Tuy nhiên, số ban trong Ban Bí thư có người đứng đầu là ủy viên Bộ Chính trị nhiều hơn số bộ trưởng. Trong Chính phủ có Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và Bộ trưởng Bộ Công an là 2 bộ có người đứng đầu là ủy viên Bộ Chính trị.
Giữa Thủ tướng và Tổng Bí thư, ai nắm được Bộ Công an và Bộ Quốc phòng thì người đó sẽ nắm quyền lực tuyệt đối. Tuy nhiên, trong hai người này, khó có ai nắm trọn 2 bộ trên. Hiện nay, ông Nguyễn Phú Trọng nắm rất chắc Bộ Công an. Ông Tô Lâm trên cương vị là Bộ trưởng, danh nghĩa là thuộc quyền quản lý của Thủ tướng trong Chính phủ, nhưng ông Nguyễn Phú Trọng lại nắm về mặt Đảng. Sau khi loại ông Nguyễn Tấn Dũng ra khỏi vũ đài chính trị, ông Trọng tham gia Đảng ủy Công an. Và cũng chỉ có Bộ Công an và Bộ Quốc Phòng là 2 cơ quan ông Nguyễn Phú Trọng tham gia vào Đảng ủy, còn các bộ khác, ông Trọng không tham gia.
Ông Phạm Minh Chính không nắm Bộ Công an nhưng nắm được một nửa trong Bộ Quốc phòng. Theo như chúng tôi được biết, mặc dù ông Trọng là Bí thư Quân ủy Trung ương, nghĩa là người đứng đầu quân đội về mặt Đảng, nhưng sức ảnh hưởng của ông Trọng không thể bao trùm hết bộ này. Ông Nguyễn Phú Trọng nắm vững bên Tổng Cục Chính trị, còn ông Phạm Minh Chính ảnh hưởng mạnh lên Bộ Tổng Tham mưu và Tổng cục 2. Còn ông Phan Văn Giang đang là người nước đôi, chưa rõ nghiêng về phe nào.
Không phải ngẫu nhiên mà ông Nguyễn Phú Trọng để cho một Ủy viên Bộ Chính trị nắm chức Chủ nhiệm Tổng cục chính trị. Đây là ý đồ của ông Trọng. Ông Lương Cường là Đại tướng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Tổng Cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam. Về mặt thứ hạng trong quân đội, ông Lương Cường là cấp dưới của Phan Văn Giang, tuy nhiên, về mặt Đảng, ông Lương Cường ngang bằng với ông Phan Văn Giang, vì cả hai ông này đều là ủy viên Bộ Chính trị. Trong Bộ Chính trị, Lương Cường được xem là người lính trung thành của ông Nguyễn Phú Trọng ở mảng quốc phòng.
Ở Bộ Tổng tham mưu và Tổng Cục 2, nơi đây có nhiều hợp đồng quân sự cho Bộ Quốc phòng hơn là Tổng cục chính trị. Mà ai nắm nhiều tiền hơn thì người đó gây ảnh hưởng mạnh hơn. Nhánh thân với ông Thủ tướng Phạm Minh Chính gây ảnh hưởng trong quân đội mạnh hơn nhánh thân ông Nguyễn Phú Trọng. Tuy nhiên, nhánh thân ông Phạm Minh Chính cũng có điểm yếu, đó là rất dễ bị moi ra sai phạm.
Vụ đánh vào ông Phạm Bá Hiền được cho là do nhóm không có ăn trong Bộ Quốc phòng giật dây, để đánh vào thế lực nhiều tiền trong Bộ này. Giống như trước đây, ông Trọng đánh ông Trịnh Xuân Thanh để tấn công vào Đinh La Thăng. Mà muốn đánh Trịnh Xuân Thanh thì phải đánh vào chiếc xe biển xanh mà ông Thanh sử dụng.
Hiện nay, việc đánh vào biệt phủ của ông Phạm Bá Hiền cũng có vẻ tương tự như cách đánh ông Trịnh Xuân Thanh trước đây. Điều đáng nói là, ông Phạm Bá Hiền vừa mới được ông Phan Văn Giang phong tướng chưa bao lâu.
Đánh vào lợi ích nhóm trong Bộ Quốc phòng không dễ. Bộ Công an không thể đánh được, bởi Bộ Quốc phòng có hệ thống tòa án quân sự riêng. Hệ thống này từng bảo vệ Phạm Bá Hiền một lần cách đây 20 năm. Nếu ông Nguyễn Phú Trọng không mạnh tay, không xua Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Nội chính Trung ương vào cuộc, thì dù cho Bộ Công an đầy quyền lực thì cũng bất lực thôi. Để xem vụ việc tới đâu, chờ xem thì sẽ rõ.
Thu Phương – Thoibao.de (Tổng hợp)
Cựu Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung bị xác định trục lợi tài sản nhà nước
13/6/2023
Cựu chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung
Cựu Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung không thoát khỏi nguy cơ bị truy tố sau khi cuộc điều tra bổ sung xác định hành vi trục lợi hàng tỷ đồng của ông Chung từ dự án trồng cây xanh ở thủ đô Hà Nội, báo chí trong nước đưa tin.
Kết quả điều tra bổ sung này đã được Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an công bố hôm 13/6 kèm với đề nghị truy tố ông Chung về tội ‘Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ’, theo tờ Tuổi Trẻ.
Ông Chung từng bị đề nghị truy tố hồi cuối tháng 3, nhưng khi đó Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã trả hồ sơ và yêu cầu điều tra bổ sung để làm rõ động cơ vụ lợi của ông Chung trong dự án trồng cây xanh.
Theo kết quả điều tra bổ sung được công bố, ông Chung đã đích thân can thiệp, chỉ đạo dự án trồng cây xanh ở Hà Nội trong giai đoạn từ năm 2016 đến năm 2019 để tạo điều kiện cho các công ty ‘sân sau’ của ông, từ đó ông được lại quả hàng tỷ đồng.
Công ty Sinh Thái Xanh – được chính quyền Hà Nội dưới quyền ông Chung chọn để thực hiện dự án trồng cây xanh ở thành phố dù chỉ mới thành lập từ năm 2016 – được cho là ‘không đủ năng lực đấu thầu’, Tuổi Trẻ dẫn kết quả điều tra cho biết. Tuy nhiên, giám đốc công ty này, ông Bùi Văn Mận, được cơ quan điều tra xác định là ‘có quan hệ thân thiết với ông Chung’.
Ngoài công ty này, ông Chung cũng được xác định có quan hệ gần gũi với ông Vũ Kiên Trung, chủ tịch Công ty Công viên Cây xanh Hà Nội. Đây là hai công ty mà ông Chung đã chỉ đạo miệng cho giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội phải đặt hàng trồng cây xanh.
Trước đó, lấy quyền chủ tịch, ông Chung đã ra lệnh ngưng đấu thầu trồng cây xanh ở các quận, huyện Hà Nội để gom về một mối là Sở Xây dựng để ông dễ chỉ đạo, cũng theo kết luận của cơ quan điều tra.
Làm theo lệnh ông Chung, Sở Xây dựng Hà Nội đã bỏ qua đấu thầu và ký hợp đồng đặt hàng cây xanh trực tiếp với Công ty Cây xanh và Công ty Sinh Thái Xanh. Công ty Cây xanh được ký 10 hợp đồng trị giá hơn 241 tỉ đồng còn Công ty Sinh Thái Xanh được giao 6 hợp đồng trị giá hơn 43 tỉ đồng, Tuổi Trẻ cho biết.
Do không thông qua đấu thầu nên các công ty này đã kê khống giá trồng cây nhằm bòn rút tiền từ ngân sách Nhà nước, gây thiệt hại hơn 34 tỉ đồng, cơ quan điều tra xác định.
Hai vị giám đốc ăn tiền từ ngân sách nhà nước này đã chung chi lại cho cựu chủ tịch Hà Nội. Cụ thể, ông Vũ Kiên Trung khai đã biếu ông Chung tổng cộng 2,6 tỉ đồng các dịp lễ, Tết, còn ông Bùi Văn Mận nói ông đã chi hơn 2 tỉ cho ông Chung dưới hình thức mua và trồng cây cho những người thân thiết của ông Chung, trong đó có nhà thờ họ và nhà bố mẹ của ông Chung.
Tuy nhiên, ông Chung vẫn một mực khẳng định rằng ông ‘không nhận bất cứ khoản tiền nào’ từ giám đốc hai công ty cây xanh này.
“Nhằm che giấu hành vi phạm tội, bị can Chung đã ra văn bản một đằng, chỉ đạo miệng một nẻo”, tờ Tuổi Trẻ dẫn kết luận điều tra cho biết. Cơ quan điều tra cho rằng ông Chung có ‘thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt’ trong vụ án.
Tags: Tham nhũng, toàn trị, việt nam