Chuyện Việt Nam Thứ sáu 16/06/2023: *Campuchia thắt chặt an ninh biên giới. *Thái Lan ngừng Nhiệt điện tại Việt Nam. *Cách chức giám đốc hệ thống điện quốc gia. *Viện kiểm sát, công an ‘không cùng phe’
Quê Hương tổng hợp
Campuchia thắt chặt an ninh biên giới sau vụ nổ súng ở Đăk Lăk
Ngọc Lan tổng hợp /VNTB
Việt Nam điều xe tăng, máy bay trực thăng tới Tây Nguyên
Người Thượng Thiên chúa giáo ‘bị phong toả’
Căng thẳng gia tăng ở Tây Nguyên sau khi lực lượng an ninh được cho là đã triển khai xe tăng và máy bay trực thăng để trấn áp một cuộc nổi dậy và biểu tình của các nhóm dân tộc thiểu số.
Ít nhất chín người đã thiệt mạng và 39 người bị giam giữ do tình trạng bất ổn ở tỉnh Đắk Lắk. Truyền thông Việt Nam đưa tin khoảng 40 người mặc áo rằn ri đã tấn công hai đồn công an xã Ea Tiêu và Ea Ktur vào ngày 11/6.
Trong số những người thiệt mạng có 4 công an, 2 cán bộ xã và 3 người dân ngoài ra còn có hai công an khác bị thương nặng. Cơ quan chức năng đang tiếp tục truy tìm thêm những người nghi có liên quan.
“Các hoạt động quân sự lớn hiện đang diễn ra ở Tây Nguyên khi xe tăng và máy bay trực thăng được điều đến để đàn áp,” một nguồn tin chính thức cho biết.
“Tôi đã được báo cáo về các vụ nổ súng cũng như các vụ tấn công đồn công an và quân đội báo cáo cho tôi và toàn bộ Tây Nguyên đang bị phong tỏa,” ông nói thêm.
Tây Nguyên chủ yếu là nơi sinh sống của người Thượng, với hàng chục nhóm bản địa phần lớn theo đạo Thiên chúa, nhiều người trong số họ là người Công giáo từng chiến đấu bên cạnh người Mỹ trong Chiến tranh Việt Nam.
Trong nhiều năm, người Thượng đã tố cáo những chính sách đàn áp của Đảng Cộng sản Việt Nam, chính quyền đã hạn chế quyền tự do tôn giáo và tịch thu đất đai của họ.
Lực lượng an ninh “đã bắt giữ, đánh đập, tra tấn chúng tôi. Họ đã phá hủy nhà cửa của chúng tôi. Họ đã phá hủy các nhà thờ của chúng tôi,” người Thượng trong nước cho biết trong một tuyên bố vào Chủ nhật.
Không ủng hộ bạo lực
“Những nỗ lực có chủ ý của Việt Nam nhằm cô lập và tách biệt những vùng cao nguyên này và người dân của họ khỏi mọi liên hệ với cộng đồng quốc tế là một phần nguyên nhân dẫn đến những vụ việc như thế này,” Phil Robertson, phó giám đốc Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Châu Á, phát biểu hôm thứ Hai.
Ông giải thích: “Đằng sau bức màn bí mật của Việt Nam đối với vùng cao nguyên, chính quyền vi phạm nghiêm trọng các quyền, phủ nhận quyền tự do tôn giáo và tín ngưỡng, chiếm đoạt đất đai của người dân bản địa và cố gắng cưỡng bức đồng hóa họ vào nền văn hóa, ngôn ngữ và xã hội Kinh đang áp đảo.
“Mặc dù Tổ chức Theo dõi Nhân quyền không bao giờ ủng hộ bạo lực, nhưng cũng dễ hiểu tại sao người dân địa phương tức giận với chính phủ Việt Nam và các chính sách đàn áp của họ,” Robertson nói thêm.
Ngay từ đầu, các tổ chức tôn giáo và dân sự đại diện cho các dân tộc thiểu số trong khu vực đã phản ứng với vụ việc và tuyên bố rằng họ không tham gia vào các cuộc tấn công vũ trang.
Nhóm Người Thượng Vì Công Lý, với những người sáng lập là những người tị nạn chính trị ở Thái Lan và Hoa Kỳ, nhấn mạnh rằng họ không liên quan đến bạo lực và bày tỏ lo ngại về cuộc bạo loạn có vũ trang, có nguy cơ làm thất bại những nỗ lực ủng hộ tự do tôn giáo cho đến nay ở Việt Nam.
Theo một số người, những người tham gia tấn công thuộc nhóm lính đánh thuê.
Nhiều người Thượng Degar lẫn lộn về các sự kiện gần đây, theo Linh mục Nguyễn Công Chính, người đồng sáng lập Hội thánh Tin lành Đấng Christ có trụ sở tại Hoa Kỳ. Nói với Đài Á Châu Tự Do, ông Chính không tin việc người dân địa phương có thể thành lập một nhóm vũ trang gồm 30-40 người.
Truyền hình nhà nước Việt Nam đã phát sóng một cuộc phỏng vấn với một chiến binh bị cáo buộc tham gia, người này nói rằng anh ta được lệnh “thấy ai thì bắn đó” và được hứa hẹn là sẽ ” giàu lên”.
Trong một tuyên bố, các cơ quan chính phủ kêu gọi mọi người “không đăng hoặc chia sẻ thông tin liên quan chưa được xác minh”. Trên thực tế, năm người đã bị phạt vì phát tán “thông tin sai lệch” trên mạng xã hội.
Campuchia tăng cường an ninh biên giới sau các cuộc tấn công vào đồn công an ở Việt Nam
Trong khi đó, chính quyền Campuchia đã cho tăng thêm cảnh sát ở biên giới.
Thủ tướng Hun Sen cảnh báo rằng không được lơ là an ninh quốc gia, điều một phó tổng Cảnh sát Quốc gia đã đến thăm vùng đông bắc Campuchia để theo dõi tình hình biên giới Campuchia-Việt Nam.
Ông Hun Sen đã đưa ra lời nhắc nhở đặc biệt là sau các vụ tấn công gây chết người gần đây trong cuộc họp ngày 13 tháng 6 với gần 20.000 công nhân từ 11 nhà máy ở quận Por Sen Chey của thủ đô Phnom Penh.
“Việt Nam đang có vấn đề an ninh, và chúng ta phải cẩn thận để nó không lan sang nước mình. Chúng ta không thể lơ là an ninh quốc gia.”
Chúng ta cần giữ liên lạc với phía Việt Nam để bảo vệ an ninh và phải làm mọi cách để không gây xung đột với Việt Nam.“
Ông cho biết thêm, Phó Tổng Cảnh sát Quốc gia Chhay Sinarith đã được cử đến tỉnh Mondulkiri để xử lý tình hình và tổ chức hợp tác an ninh biên giới Campuchia-Việt Nam.
Tổng thư ký Học viện Hoàng gia Campuchia Yang Peou nói rằng việc duy trì an ninh và trật tự công cộng là rất quan trọng đối với sự phát triển của quốc gia, vì trật tự công cộng suy giảm có thể dẫn đến bất ổn xã hội.
“Hợp tác an ninh với các nước láng giềng là cần thiết, bởi vì là láng giềng, chúng ta không thể tránh né nhau. Tất cả các vấn đề nên được giải quyết cùng nhau, trên tinh thần hữu nghị,” ông nói.
Ông Peou nói thêm rằng không thể dung thứ tình trạng mất an ninh dọc biên giới, vì nó có thể đe dọa sự ổn định xã hội và sự hài hòa của người dân cả hai quốc gia.
Nhà đầu tư Thái Lan chính thức ngừng triển khai dự án Nhiệt điện 2,3 tỷ USD tại Việt Nam
Một nhà máy nhiệt điện tại Khu kinh tế Vũng Áng. (Ảnh: vietnamfinance.vn)
Công ty Điện lực quốc tế Thái Lan (EGATi) đã có văn bản gửi Bộ Công thương Việt Nam về việc ngừng tiếp tục triển khai dự án Nhà máy Nhiệt điện trị giá 2,3 tỷ USD (theo hình thức BOT) ở tỉnh Quảng Trị.
Thông tin từ Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh Quảng Trị, Công ty Điện lực quốc tế Thái Lan (EGATi) đã có văn bản gửi Bộ Công thương Việt Nam, cho biết EGATi chính thức rút khỏi dự án và không tiếp tục đầu tư triển khai Nhà máy Nhiệt điện có công suất 1.200 MW ở tỉnh Quảng Trị.
Theo thiết kế, nhà máy gồm 2 tổ máy, công suất mỗi tổ máy 660 MW với tổng vốn đầu tư hơn 55.090 tỷ đồng, tương đương khoảng 2,3 tỷ USD.
Được biết, dự án trên có công suất 1.200 MW (công suất thô 1.320MW), được Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho Công ty điện lực quốc tế Thái Lan làm chủ đầu tư, và triển khai theo hình thức BOT vào năm 2013.
Sau khi dự án được phê duyệt, địa phương đã thỏa thuận hướng tuyến, Tổng Công ty điện lực hoàn thành lập dự án đầu tư xây dựng tuyến đường dây điện 500kv phục vụ cho nhà máy nhiệt điện.
Từ năm 2013 đến nay, khoảng 400 hộ dân với hàng nghìn nhân khẩu trong vùng dự án chờ đợi được đền bù để vào khu tái định cư. Khi nghe thông tin dự án ngừng triển khai, người dân có phần thất vọng và hoang mang vì ở lại không được, đi cũng không xong, theo báo Lao Động.
Quảng Trị đã thực hiện đầu tư xây dựng hoàn thành dự án Khu tái định cư Hải Khê và đường vào khu tái định cư (giai đoạn 1) cho khoảng 500 hộ dân, với kinh phí đã thực hiện gần 250 tỷ đồng từ nguồn ngân sách nhà nước.
Tuấn Minh
EVN ‘thí xe cứu tướng’
EVN cách chức giám đốc Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia
Lê Thiệt /SGN
Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia trực thuộc EVN – Ảnh: EVN
Trước phản ứng “giận dữ” của dư luận và ý kiến của nhiều đại biểu quốc hội về trách nhiệm của EVN về nhiều vấn đề, ông Phạm Minh Chính, Thủ tướng Chính phủ, đã chỉ đạo Bộ Công thương thành lập đoàn thanh tra những khuất tất tại Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).
Dư luận có vẻ không đồng tình với quyết định này. Họ cho rằng để Bộ Công thương thanh tra EVN chẳng khác gì để “thằng cha” xem “thằng con” có làm gì sai không, rồi báo lại với “thằng ông nội”.
Cuối cùng cả gia đình “đóng cửa dạy nhau”.
Ông Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng Bộ Công thương, trong vai “thằng cha” một mặt nói sẽ “thanh tra quyết liệt ‘thằng con’ EVN”, một mặt nói đoàn thanh tra phải làm “theo chỉ đạo của cấp có thẩm quyền” khiến dư luận nghi ngờ về tính minh bạch của cuộc thanh tra này.
Ông Nguyễn Đức Ninh, Giám đốc Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia, vừa bị cách chức – Ảnh: Dân Trí
Do không tin về tình minh bạch của cuộc thanh tra, nên với quyết định của ông Trần Đình Nhân, Tổng giám đốc EVN, về việc “tạm đình chỉ chức vụ” ông Nguyễn Đức Ninh, Giám đốc Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia, được dư luận đánh giá là “thí xe cứu tướng”.
“Tạm đình chỉ chức vụ” dùng ở đây không hẳn là tạm thời, mà chỉ là cách dùng từ cho nhẹ đi thay vì chính thức “cách chức”.
Dư luận đặt câu hỏi, “ông Ninh đã làm gì sai mà bị cách chức? Đáng lý người bị cách chức là ông Nhân mới đúng”.
Ông Ninh được bổ nhiệm chức vụ Giám đốc Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia từ ngày 24 Tháng Hai 2020, ông Ninh có 23 năm công tác tại trung tâm này. Với kinh nghiệm làm việc như thế, ông Ninh không thể không biết quyết định cắt điện đột ngột trên diện rộng là “vi phạm an ninh quốc gia”. Do đó, điều này còn nhiều điều bí ẩn bên trong, nên việc ông Ninh bất ngờ bị cách chức làm dấy lên nhiều đồn đoán.
Biếm họa: DAD
Trên mạng xã hội, tài khoản Vũ Đức Cảnh viết: “Phải đình chỉ Tổng Giám đốc Tập đoàn. Chứ giám đốc trung tâm điều độ thì ích gì. Không có đủ điện thì trung tâm điều độ họ vẽ ra thêm điện để điều độ cho đủ được sao?”
Tài khoản Dao Dang cũng viết: “Thật là trò hề! Không có đủ nguồn điện thì làm sao có để phân phối? Lỗi thiếu điện phải là lỗi ít nhất là từ EVN và bộ Công thương”.
Chuyện có thực sự thiếu điện hay không là điều cần phải điều tra, bởi không ai tin lời giải thích của lãnh đạo EVN nữa. Trước khi cúp điện bừa bãi tại Hà Nội và nhiều tỉnh thành, lãnh đạo EVN giải tích vòng vo nào là quá tải do người dân sử dụng nhiều quá, thủy điện cạn nước, hư máy biến áp, v.v… Thế nhưng, đến khi có tin bị thanh tra, họ trở mặt nói rằng không lo thiếu điện vì điện sẽ được bổ sung từ nhiệt điện Nghi Sơn và Thái Bình, dù trước đó họ nói điều này là không thể vì hai nơi này hiện đang được sửa chữa do hư hỏng. Nhờ thanh tra nên “đùng một cái” hai nhà máy phát điện này được chữa xong ngay!
Việc giải thích theo kiểu “lươn lẹo” của EVN khiến nhiều người nghĩ EVN đang sử dụng người dân như một thứ “con tin” để “làm giá với chính phủ”, thậm chí có người còn nói đến kịch bản, EVN và “nhóm lợi ích” của họ còn muốn thay cả ông Chính để đưa người của họ vào thế chỗ. Nhân vật được mạng xã hội nhắc đến là ông Trần Hồng Hà, hiện là Phó thủ tướng (?!)
Cuối cùng, chuyện thanh tra EVN cũng chỉ là một vở hài kịch dở hơi, và “nhạt như nước ốc”. Chẳng ai cười được, mà chỉ muốn… khóc!
Hoàng Linh – Chiếc hộp Pandora
Thủ tướng đã đúng khi chọn thanh tra trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia.
Ngay trong những ngày đầu tiên tiến hành thanh tra, giám đốc trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia đã bị tạm đình chỉ công tác.
Nhiều anh chị nói vui rằng đây là động tác xoa dịu dư luận kiểu « Tào Tháo mượn đầu Vương Hậu » hay « Nhưng không chết chàng trai bán phở, Mà chết người gái nhỏ bưng tô ».
Tuy nhiên…
Đây sẽ là chiếc hộp Pandora mở ra toàn bộ vấn đề lợi ích nhóm, tạo nên cuộc chiến vương quyền không chỉ trong điện lực, nếu mở ra sẽ kinh khủng còn hơn Việt Á và chuyến bay giải cứu.
Về mặt chính trị, vấn đề sẽ được mềm hóa để dư luận ít quan tâm.
Theo đó việc tạm đình chỉ giám đốc Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia không phải vì bị kỷ luật, mà để phục vụ công tác thanh tra cung ứng điện.
Trung tâm « ông nội » này của ngành điện quyết định việc lên lưới hay không của điện gió, điện mặt trời và nhiều vấn đề trị giá ngàn tỉ khác.
Trong diễn biến rất liên quan, Bộ Công Thương đã trình Thủ tướng phương án chuyển Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) về Bộ Công Thương, có nghĩa là tách khỏi EVN.
HOÀNG LINH 15.06.2023 (Tựa bài do Thụy My đặt)
Khi Viện kiểm sát và công an ‘không cùng phe’ – Lê Thiệt /SGN
Viện KSND 2 cấp của tỉnh Cà Mau phát hiện nhiều sai phạm của cơ quan điều tra – Ảnh: Thanh Niên
Ngày 15 Tháng Sáu, theo nguồn tin riêng của báo Thanh Niên, trong 6 tháng đầu năm 2023, Viện KSND 2 cấp của tỉnh Cà Mau có nhiều kháng nghị, kiến nghị gửi đến Cơ quan CSĐT, nhà tạm giữ và trại giam… vì phát hiện những vi phạm ở các đơn vị này.
Đây là lần đầu tiên, người ta được biết Viện kiểm sát lại đi “tố” công an, cơ quan trực tiếp điều tra vụ án trước khi chuyển qua Viện kiểm sát để khởi tố.
Từ trước đến nay, hai cơ quan này “hợp đồng tác chiến” rất chặt chẽ. Vụ án nào bên công an đưa qua, cả hai đều bàn bạc kỹ lưỡng để cùng với thẩm phán “thống nhất bản án” trước khi xét xử.
Theo kiến nghị của Viện kiểm sát Cà Mau, cơ quan cảnh sát Điều tra (CSĐT), nhà tạm giữ, và trại giam do tỉnh quản lý đã có rất nhiều vi phạm. Cụ thể, điều tra viên hỏi cung hai bị can trùng thời gian, chứng tỏ có ít nhất một cuộc hỏi cung không được thực hiện nhưng được làm biên bản giả. Thậm chí cũng có thể không có cuộc hỏi cung nào được thực hiện cả.
Ngoài ra, còn nhiều vi phạm quan trọng khác, làm sai lệnh kết quả điều tra như biên bản khám nghiệm hiện trường, ghi lời khai bị tẩy xoá, sửa chữa nhiều chỗ…
Trong những đợt kiểm tra nhà tạm giữ, và trại tạm giam, Viện kiểm sát Cà Mau cũng phát hiện cán bộ ở những nơi này “buông lỏng quản lý khi để người bị tạm giam bỏ trốn, để phạm nhân đem điện thoại di động vào buồng giam sử dụng nhiều lần, chứng tỏ đã nhận “đút lót” của phạm nhân để làm ngơ.
Ngành kiểm sát Cà Mau cũng có 10 kiến nghị, 31 bản kết luận, khiến cho dư luận phẫn nộ trước sự lộng quyền của công an tại các nhà tạm giữ và trại tạm giam. Ở đó, những phạm nhân có tiền sẽ được “ưu ái” trong sinh hoạt như nhận quà thoải mái, được đem vật cấm vào buồng giam để sử dụng, v.v…
Từ kiến nghị của Viện kiểm sát Cà Mau, người ta có thể hình dung mỗi nhà tạm giữ, mỗi trại giam ở 63 tỉnh thành đều là những nơi “bất khả xâm phạm”, nơi công an có toàn quyền sinh sát như “thượng đế”. Ở những nơi này, nếu có nhiều tiền, phạm nhân có thể biến buồng giam trở thành nơi “hưởng lạc”, và cán bộ trại giam cũng trở thành “kẻ sai vặt” cho họ mà thôi.
Tags: độc tài, Tham nhũng, toàn trị, việt nam