Chuyện Việt Nam Thứ Tư 05/7/2023: *Nhật Bản cho Việt Nam vay 61,000 triệu Yen *Đắk Lắk, Công an truy nã thêm ông Y Huăl Êban *Việt Nam: thiên đường ma túy trá hình?! *Bị bán sang Campuchia, cô gái 18 tuổi được cứu *Công an “làm chuyện ruồi bu”? *Kế toán trưởng Đỗ Văn Sơn ra đầu thú
Quê Hương tổng hợp
Nhật Bản ký thỏa thuận cho Việt Nam vay ưu đãi ODA 61,000 triệu Yen
Tháng 3/2023, Ngài Shimizu Akira nhận Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp tài chính Việt Nam” của Bộ Tài chính. (Ảnh minh họa: mof.gov.vn)
Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) vừa ký thỏa thuận cho Chính phủ Việt Nam vay ưu đãi ODA với tổng trị giá gần 61.000 triệu yen, tương đương khoảng 636 triệu Úc kim.
Theo thông cáo báo chí phát đi trong ngày 4/7 từ JICA, việc ký kết các thỏa thuận vay này nằm trong những hoạt động kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Nhật Bản.
Ba dự án nằm trong khoản vay ưu đãi ODA lần này liên quan đến phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19, cải tạo hạ tầng giao thông và phát triển nông nghiệp.
Dự án nhận được nguồn vốn vay ODA lớn nhất là Chương trình hỗ trợ ngân sách chung để phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội Việt Nam hậu đại dịch COVID-19 với trị giá 50.000 triệu yen, tương đương 8.750 tỷ đồng.
Theo JICA, những tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19 rất đáng kể, bởi đại dịch đã làm suy yếu sức mạnh và khả năng phục hồi của nhiều nguồn lực kinh tế – xã hội, đặc biệt là ảnh hưởng lên nhóm đối tượng dễ bị tổn thương và người lao động.
“Khoản hỗ trợ ngân sách chung này nhằm cung cấp cho Chính phủ Việt Nam nguồn vốn ưu đãi cao để thực hiện chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội thời kỳ hậu COVID-19 đã được Quốc hội thông qua”, một phần trong thông cáo báo chí của JICA lý giải về gói vay.
Thứ hai là dự án cải tạo hạ tầng giao thông công cộng tại tỉnh Bình Dương với khoản vay là 6.244 triệu yen, tương đương gần 1.110 tỷ đồng.
Mục đích của dự án là giúp tỉnh Bình Dương sẽ giảm bớt ùn tắc giao thông và tăng cường kết nối giữa các thành phố thông qua cải thiện cơ sở hạ tầng giao thông nối thành phố mới Bình Dương và nhà ga Suối Tiên của tuyến đường sắt đô thị số 1 TP.HCM, qua đó góp phần phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh Bình Dương.
Dự án cải thiện cơ sở hạ tầng nhằm phát triển nông nghiệp tỉnh Lâm Đồng (Giai đoạn 1) có số vốn vay là 4.739 triệu yen, tương đương gần 830 tỷ đồng.
Dự án này được thành lập nhằm bước đầu chuyển đổi ngành nông nghiệp tỉnh Lâm Đồng thông qua cải thiện cơ sở hạ tầng, bao gồm mạng lưới đường bộ (để tăng cường vận chuyển nông sản), hệ thống thủy lợi và trung tâm thu mua hoa, hướng tới mục tiêu cao hơn là nâng cao thu nhập cho người nông dân và đẩy mạnh công nghiệp hóa ngành nông nghiệp….
Trong năm tài chính 2021 của Nhật Bản (từ tháng 4/2021 đến hết tháng 3/2022), JICA Việt Nam đã có hơn 100 dự án lớn nhỏ, bao gồm khoản vay cam kết trong dự án vốn vay ODA là 10,8 tỷ yên (75 triệu USD); dự án hợp tác kỹ thuật là 4,9 tỷ yên (34 triệu USD); viện trợ không hoàn lại là 700 triệu yên (5 triệu USD).
Đức Minh
Vụ nổ súng ở Đắk Lắk hôm 11/6: Công an truy nã đặc biệt thêm ông Y Huăl Êban
RFA
04/7/2023
Những người bị tình nghi tham gia vụ tấn công ở Đắk Lắk hôm 11/6/2023
Bộ Tư lệnh Cảnh sát Cơ động
Ông Y Huăl Êban- sinh năm 1970, ngụ tại buôn Mắp, thị trấn Ea Pốk, huyện Cư M’gar- là người mới nhất bị Công an tỉnh Đắk Lắk truy nã đặc biệt. Lý do được nói ông này liên quan vụ nổ súng nhắm vào hai trụ sở ủy ban nhân dân tại huyện Cư Kuin hồi rạng sáng ngày 11/6 vừa qua.
Công an tỉnh Đắk Lắk thông báo biện pháp vừa nêu và truyền thông Nhà nước loan tin ngày 4/7. Trước đó, ông Y Huăl Êban đã bị khởi tố theo tội danh “khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân” theo Điều 113, Bộ Luật Hình sự Việt Nam năm 2015.
Vào ngày 1/7 vừa qua, Công an tỉnh Đắk Lắk thông báo truy nã đặc biệt năm người gồm Y Khing Liêng (31 tuổi, trú xã Hòa Sơn, huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk); Y Jũ Niê (55 tuổi, trú Buôn Kang, Ea Knuêc, Krông Pắk, Đắk Lắk); Nay Tam (49 tuổi), Nay Dương (55 tuổi), Nay Yên (53 tuổi), cùng trú xã Cư Pơng (Krông Búk, Đắk Lắk).
Că năm người này cũng bị khởi tố với cùng tội danh như ông Y Huăl Êban.
Như tin đã loan, vào rạng sáng ngày 11/6 vừa qua hai nhóm đối tượng gồm khoảng 40 người có trang bị súng đạn, dao tấn công vào trụ sở hai xã Ea Tiêu và Ea Ktur, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk. Đây là tỉnh giáp ranh với tỉnh Mondulkiri của Campuchia.
Vụ tấn công đã khiến chín người thiệt mạng bao gồm bốn công an, hai cán bộ xã và ba người dân. Ngoài ra còn có ba người dân bị bắt làm con tin, một người trong số này tự giải thoát, hai người còn lại được giải thoát sau đó.
Sau vụ nổ súng, công an đã được huy động để truy bắt những người bị tình nghi có liên quan đến vụ việc. Những hình ảnh lan truyền trên mạng xã hội và được người dân cung cấp cho RFA cho thấy hình ảnh những người Thượng bị trói tay và bắt giữ.
Vào ngày 20/6, người đứng đầu cơ quan Công an tỉnh Đắk Lắk- Thiếu tướng Lê Vinh Quy, cho biết, “tất cả các đối tượng cầm đầu của vụ tấn công này đều đã bị bắt giữ. Hiện chỉ còn hai đối tượng đang bỏ trốn nhưng không có vai trò chủ chốt và lực lượng công an đang quyết tâm truy bắt bằng được để xử lý theo quy định.”
Tính đến ngày 23/6, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Đắk Lắk cho truyền thông hay có tổng cộng 84 người bị khởi tố trong vụ nổ súng vào hai trụ sở UBND xã. Trong đó, 75 người bị khởi tố về tội “Khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân”.
Đại diện Bộ Công an cũng cho biết đã thu giữ 23 khẩu súng các loại (súng quân dụng, súng hơi, súng tự chế); hai lựu đạn, 1.199 viên đạn các loại, 15 kíp nổ, 1,2kg vật liệu nổ, một nòng giảm thanh, hai ống ngắm, một bộ mô hình mìn tập, 30 dao, 10 cờ FULRO và nhiều phương tiện, thiết bị gây án của các đối tượng.
Trong thông báo ngày 23/6, Bộ Công an Việt Nam tiếp tục khẳng định vụ tấn công có liên quan đến cá nhân và tổ chức ở nước ngoài.
Việt Nam: thiên đường của ma túy trá hình?!
05/7/2023
Huyền Linh/VNTB
Ai cũng có thể mua “nước vui” ở gần trường học dễ như mua kẹo.
Một báo cáo từ Công an tỉnh Thanh Hóa cho biết ở nhiều nơi ở địa phương này đang xuất hiện loại ma túy thường được đựng trong các gói trà giảm cân, đông trùng hạ thảo, gói bột nước trái cây có in dòng chữ dễ nhầm lẫn như: “Crispy fruit”, “Crispy fruit grape”, hoặc “nước dâu”, “nước vui”, cà phê “White coffe”…
Những thực phẩm trên được nhắm vào đối tượng khách hàng là học sinh, sinh viên. Đây là sản phẩm nhìn bề ngoài giống một loại nước giải khát, trong đó có dạng gói hương dâu, hương nho, hương xoài. Theo kết quả giám định của cơ quan công an, số ma túy trên là một loại ma túy mới xuất hiện, được pha trộn từ nhiều chất ma túy tổng hợp như: MDMA, ketamine, diazepam.
Trên bao bì sản phẩm không ghi thông tin của nhà sản xuất, cũng như xuất xứ của sản phẩm, bên trong là chất bột có màu tím, màu hồng, màu vàng. Loại ma túy này hòa tan được vào nước như nước giải khát, khi uống sẽ gây ảo giác mạnh, và theo cơ quan y tế, khả năng đưa đến loạn thần (hay còn gọi là “sốc ma túy”) và có thể đe dọa tính mạng nếu sử dụng quá nhiều.
Kết quả giám định các chất trên có chứa chất Nimetazepam được quy định tại Danh mục III Nghị định 57/2022/NĐ-CP ngày 25-8-2022 quy định các danh mục chất ma túy và tiền chất. Đây là chất thường có trong thuốc điều trị tâm thần, điều trị chứng rối loạn lo âu và chỉ được sử dụng khi có chỉ định của bác sỹ trong trường hợp đặc biệt; trên thị trường thuốc tân dược, chất này tồn tại dưới dạng tên thuốc Happy 5, Erimin hay Lavox.
Gần ba năm về trước, tháng 10-2020, Công an quận 5, TP.HCM, phát hiện vụ mua bán trái phép loại ma túy mới tên Bromazepam, ngụy trang trong gói nilon có dòng chữ “Crispy Fruit Mango”, còn gọi là “nước xoài”, bên trong chứa bột màu vàng. Loại bột này pha vào nước để uống sẽ tạo ảo giác, nâng cao khả năng sinh lý, mục đích nhắm vào giới trẻ…
“Crispy Fruit Mango” có chứa Bromazepam, Nimetazepam đều là chất ma túy (thuộc danh mục III Nghị định 57/2022/NĐ-CP của Chính phủ).
Còn “nước vui” chứa chất ma túy GHB (thuộc danh mục IIC của Nghị định 57/2022/NĐ-CP của Chính phủ), là chất được tạo nên bởi tiền chất Gamma Butyrolactone (GBL).
Nhiều dạng ma túy “núp bóng” dưới tên các loại nước khác như “nước nho” Ribena chứa ketamin, “trà chanh”, nước giải khát “Tropicana Twister” chứa chất ma túy (Ketamin, MDMA).
Đáng lưu ý, chai “nước vui” nhỏ, gọn, chỉ có chiều cao 10,5cm, đường kính 5cm nên có thể dễ dàng mang tới các tụ điểm để bán cho dân chơi. Chỉ cần một giọt nhỏ “nước vui” được pha vào các loại nước giải khát đã có thể giúp người nghiện đạt đến độ “phê” chỉ trong thời gian ngắn.
Nhiều loại ma túy tổng hợp “mới xuất hiện” được các đối tượng tẩm vào thảo mộc rồi đóng gói dưới dạng “điếu thuốc lá” (tiếng “lóng” là thuốc lá thơm, hoặc thuốc lá tobacco) có nhãn hiệu như: Amsterdam, Dominix v.v… Thuốc lá điện tử cũng được tẩm ma túy để tạo độ “phê”.
Có một lưu ý là theo Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, thì nhóm thực phẩm chức năng có chứa chất ma túy được sản xuất, đóng gói và cấp phép ở một số quốc gia. Loại này ở một số nước không cấm, và cho phép sản xuất với hàm lượng quy định có ghi trên bao bì sản phẩm và có cảnh báo người dùng.
Theo tìm hiểu của người viết, giá mỗi gói “nước dâu nhập khẩu”, bán lẻ là 3 triệu đồng, nếu mua 50 gói thì giá về 2 triệu, mua 100 gói giá chỉ còn 1,7 triệu/gói. Sản phẩm này được chào hàng với cam kết: chỉ cần pha với nước lọc hoặc với các loại nước hoa quả khác, dân chơi sẽ được “bay” tới bến.
Bị mua đi bán lại nhiều lần, cô gái 18 tuổi được cứu khi đang bị đưa sang Campuchia
3 nghi phạm và nạn nhân N. tại cơ quan biên phòng. (Ảnh: voh.com.vn)
Sau khi bị mua đi bán lại nhiều lần, cô gái 18 tuổi bị nhóm nghi phạm đưa sang Campuchia để bán tiếp. Tại biên giới ở Long An, lực lượng biên phòng đã phát hiện, bắt giữ các nghi phạm, giải cứu nạn nhân.
Ngày 4/7, tin từ Lãnh đạo Đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế Mỹ Quý Tây (huyện Đức Huệ, tỉnh Long An) cho biết đã khởi tố vụ án “Mua bán người”, đồng thời bàn giao hồ sơ và 7 nghi phạm cho Công an huyện Đức Huệ tiếp tục thụ lý điều tra theo thẩm quyền.
Trước đó, vào lúc 13h40 ngày 26/6, khi đang tuần tra tại khu vực cách đường Biên giới 400m thuộc ấp 4, xã Mỹ Quý Tây (huyện Đức Huệ), Đồn Biên phòng cửa khẩu Mỹ Quý Tây phát hiện một ô tô xuất cảnh trái phép nên yêu cầu dừng xe để kiểm tra.
Tại đây, lực lượng chức năng đã bắt giữ Trương Việt Hoàng (SN 1998, ngụ quận Cầu Giấy, Hà Nội), Lâm Quốc Đạt (SN 2004, ngụ huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai) và Trương Công Trứ (SN 1998, ngụ huyện Mộ Đức, Quảng Ngãi) đang chở theo N.N.K.N. (SN 2005, ngụ huyện Nhà Bè, TP.HCM) trên ô tô, chuẩn bị xuất cảnh trái phép qua Campuchia. Hoàng, Đạt, Trứ thừa nhận đang chở N. sang Campuchia bán cho một công ty với giá 25 triệu đồng.
Sau khi được chăm sóc, N. đã ổn định tinh thần, sức khỏe và được người nhà đến đón về. N. cho biết trước khi lên ô tô của Hoàng, Đạt và Trứ để sang Campuchia, N. đã bị bán sang tay nhiều lần.
Đồn Biên phòng xác định đây là đường dây mua bán người có tổ chức nên phối hợp với Công an tỉnh Long An, Công an huyện Đức Huệ xác lập chuyên án để điều tra.
Qua nhiều ngày truy xét, lực lượng chức năng đã lần lượt bắt giữ 4 nghi phạm gồm: Lê Văn Giáp (SN 1986, ngụ thị xã Tân Uyên, Bình Dương), Nguyễn Thị Mai (SN 1998) và Trần Văn Sáu (SN 1995, cùng ngụ huyện Trảng Bom, Đồng Nai), Võ Thúy Liễu (SN 1989, ngụ huyện Mỹ Tú, Sóc Trăng).
Lê Văn Giáp khai nhận ngày 11/6, do cần tìm người làm tại cơ sở kinh doanh dịch vụ của mình ở Bình Dương, Giáp được người quen giới thiệu cho N. Thời điểm này N. đang làm nhân viên tại một quán massage tại Hóc Môn và đang nợ chủ 9 triệu đồng. Giáp đã bỏ ra 9,6 triệu đồng để đưa N. về cơ sở của mình ở Bình Dương làm việc để trả nợ dần.
Do thấy N. làm việc không hiệu quả nên Giáp lên mạng zalo rao bán N. và được chủ một điểm massage ở Bến Tre tên Liễu mua lại N. với giá 11 triệu đồng.
Ngày 24/6, Trứ với Sáu đi từ Đồng Nai xuống quán massage của Liễu tại Bến Tre. Trứ gặp N. tại đây, hứa hẹn sẽ cho N. một chiếc điện thoại và đưa N. qua Campuchia làm vợ, lo ăn mà không phải làm việc.
Sau khi thỏa thuận, Sáu đã trả cho Liễu 19 triệu đồng để mua và đưa N. về Đồng Nai, tìm nơi bán N. để thu hồi vốn.
Ngay hôm sau (ngày 25/6), Trứ gặp Đạt và cho biết việc bán N. nên Đạt đã liên hệ với Hoàng nhờ tìm người mua.
Hoàng đã liên hệ với một người ở Campuchia chịu mua N. với giá 1.300 USD. Hoàng báo với Đạt là đồng ý mua N. với giá 18 triệu đồng. Việc này, Trứ và Đạt nói với Sáu chỉ bán N. được 15 triệu đồng, để chia nhau 3 triệu đồng chênh lệch.
Sau khi trao đổi, Hoàng thỏa thuận nếu Đạt đưa N. qua Campuchia trót lọt thì Hoàng sẽ trả cho Đạt 25 triệu đồng.
Ngày 26/6, Trứ và Đạt đưa N. từ Đồng Nai đến TP.HCM gặp Hoàng. Sau đó, cả 3 người cùng đưa N. đến biên giới Long An để xuất cảnh qua Campuchia.
Hoàng đã trả trước cho Trứ 10 triệu đồng rồi xuống xe dẫn N. đi qua biên giới, còn Trứ và Đạt ngồi trên xe. Tuy nhiên, khi Hoàng và N. vừa xuống xe, đang tìm cách qua biên giới thì bị Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Mỹ Quý Tây bắt giữ.
Ngoài những người trên, Đồn Biên phòng cũng triệu tập 3 người đến làm việc và truy tìm một số người liên quan.
Ngoài nạn nhân N., những nghi phạm này còn khai đã đăng tải thông tin tuyển người đi làm “việc nhẹ lương cao”, tập trung dụ dỗ các cô gái trẻ khác sau đó đem sang Campuchia bán vào các quán karaoke, sòng bài, tiệm massage theo đơn đặt hàng.
Hiện vụ việc đang được tiếp tục điều tra.
Thạch Lam
Vở diễn tồi của ngành công an
Hình: Bài trên trang Đất Việt
Trang Đất Việt ngày 30/6 có bài “Bao giờ công an thôi “làm chuyện ruồi bu”?” của tác giả, luật sư Trần Đình Dũng.
Luật sư Trần Đình Dũng cho rằng, chúng ta không nên cổ vũ cho “những việc ruồi bu” như thế.
Luật sư nhận định, có những việc, những hành động cần cổ vũ, nhưng có những việc, những hành động, thật ra rất đáng lên án mà nhiều người lại cỗ vũ.
Luật sư phân tích, trong vụ việc anh cảnh sát giao thông chạy đi rước một thanh niên ngủ quên đi thi, thật là một hành động đáng lên án, chứ không phải đáng cổ vũ tuyên dương.
Anh cảnh sát hưởng lương công chức từ ngân sách nhà nước để làm nhiệm vụ theo luật định là: Tuần tra, kiểm soát trật tự, an toàn giao thông, xử lý vi phạm hành chính về giao thông đường bộ.
Luật sư đặt câu hỏi, cớ sao anh bỏ vị trí nhiệm vụ để chạy đi chở anh chàng thanh niên kia?
Và Luật sư Dũng nêu quan điểm: Anh cảnh sát kia rất đáng bị kỷ luật.
Chàng thanh niên kia đi thi kỳ thi quốc gia. Anh phải sinh từ năm 2005 trở về trước, là người trưởng thành về sinh học, cũng đã thành niên theo luật định. Anh ta nhận thức thế nào mà “ngủ quên”, không kịp đi dự kỳ thi cực kỳ quan trọng như vậy.
Luật sư phân tích, phải nói rằng, kỳ thi này đối với anh ta là một sự kiện trọng đại trong cuộc đời, làm sao có thể không để đồng hồ báo thức, để ngủ quên. Trong khi, ngày nay có quá nhiều phương tiện có thể giúp báo thức.
Thực tình, theo Luật sư, nếu một thanh niên “u mê” đến mức ngủ quên kỳ thi trọng đại trong đời như vậy, thì cũng nên cho anh ta rớt, để sang năm thi lại. Anh ta không xứng đáng tốt nghiệp.
Nếu anh cảnh sát bỏ vị trí công tác mà chở một người cấp cứu vào bệnh viện thì đó là một hành động rất đáng hoan nghênh.
Nhưng anh cảnh sát đi chở thanh niên ngủ quên kỳ thi, thì đó rõ ràng là một hành động chẳng đáng hoan nghênh chút nào, có thể nói, đó là hành động mà trong dân gian hay nói “làm chuyện ruồi bu”, theo quan điểm của Luật sư Trần Đình Dũng.
Ở Việt Nam, cảnh sát giao thông đã nhiều lần “diễn” việc dẫn cụ già, em bé qua đường, chở người, chở hàng giúp người bán hàng rong, giúp dân gặt lúa, sửa nhà, giúp thí sinh đến trường thi… trong nhiều năm qua.
Tuy nhiên, có lẽ vì hình ảnh người “Công an Nhân dân” đã trở nên quá xấu xí qua các vụ đàn áp dân oan, đàn áp người bất đồng chính kiến, qua các vụ ăn bẩn, hoặc vụ trộm dê mới đây…, mà cũng có thể vì vụ Cư Kuin khiến lãnh đạo ngành hiểu ra, dân đã chán ghét công an như thế nào; hoặc những lý do gì đó mà dân không rõ, nên năm nay, ngành công an muốn lấy lại hình ảnh người “cảnh sát thân thiện”, “vì dân”. Cho nên, mùa thi năm nay các chiến sĩ ngành đã “diễn” hơi quá lố, khi mà có cả một loạt trường hợp “ngủ quên” được công an đem xe đặc chủng đến tận nhà đưa đi thi.
Tuy chuyện xảy ra ở nhiều địa phương khác nhau, cách xa nhau mấy tram cây số, nhưng “kịch bản” khá giống nhau. Đó là, giờ điểm danh, hội đồng thi phát hiện thiếu thí sinh nên nhờ cảnh sát giao thông sử dụng xe đặc chủng chạy đến nhà, gọi thí sinh đang ngủ nướng dậy và chở đến trường thi vừa kịp trước giờ thi chỉ vài phút.
Câu chuyện xảy ra ở trường Trung học Phổ thông Nguyễn Văn Cừ, huyện Đắk Tô, tỉnh Kom Tum, giống y chang câu chuyện ở trưởng Trung học Phổ thông Sơn Hà, huyện Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi, và nó cũng giống câu chuyện ở trường Trung học Phổ thông Núi Thành, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam… Điểm khác nhau của những câu chuyện này chỉ là tên nhân vật, giới tính và địa danh.
Điều khôi hài là những câu chuyện “đẹp đẽ” này lại bị dân cư mạng lật tẩy, khi tung lên những “hình ảnh hậu trường”, cho thấy dàn phóng viên, cán bộ ngành, chờ sẵn…
Có lẽ, ngành công an nên thuê các đạo diễn phim truyện, phim truyền hình, để sáng tạo thêm nhiều kịch bản, nhiều tình tiết, cho thêm phần sinh động, hấp dẫn.
Hình: Truyền thông đưa tin về màn trình diễn của cảnh sát giao thông
Chúc Anh – Thoibao.de (Tổng hợp)
Vụ AIC: nguyên Kế toán trưởng Đỗ Văn Sơn ra đầu thú
RFA
04/7/2023
Cựu Chủ tịch Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC) Nguyễn Thị Thanh Nhàn.
Cổng thông tin điện tử Bắc Giang
Nguyên kế toán trưởng Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC) của Chủ tịch Nguyễn Thị Thanh Nhàn đang trốn truy nã- ông Đỗ Văn Sơn (cũng trốn truy nã) đã ra đầu thú.
Trung tướng Tô Ân Xô- Người Phát ngôn Bộ Công an Việt Nam, vào chiều tối ngày 4/7 cho biết tin vừa nêu. Theo đó mới đây Cơ quan Cảnh sát Điều tra (CSĐT) thuộc Bộ này đã tiếp nhận người về đầu thú là ông Đỗ Văn Sơn, sinh năm 1977. Ông Tô Ân Xô không thông báo rõ ông Sơn từ đâu về đầu thú.
Sau khi tiếp nhận Cơ quan CSĐT thuộc Bộ Công an Việt Nam đã tiến hành các thủ tục tố tụng và khai thác người này để làm rõ thêm một số tình tiết trong vụ đại án AIC.
Bộ Công an Việt Nam cũng kêu gọi những người khác trong vụ án AIC đang trốn truy nã hãy ra đầu thú như ông Đỗ Văn Sơn.
Vào tháng 11/2022, bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn và bảy người khác trong vụ án “vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, nhận hối lộ…” xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Nai, Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC) và các đơn vị liên quan được Bộ Công an Việt Nam thông báo đang bỏ trốn và bị truy nã. Công an Việt Nam kêu gọi họ ra đầu thú.
Bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn bị xác định có vai trò lớn trong vụ án. Bà này trốn truy nã và bị phát hiện đang ẩn mình ở Châu Âu. Bản thân bà Nhàn từng là trung gian cho các thương vụ mua bán vũ khí giữa Việt Nam và những nhóm quốc phòng Phương Tây. Trong đó có thương vụ mua bán một vệ tinh quân sự cho Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Vũ trụ Israel (IAI) hồi năm 2018.
Vào ngày 4/1/2023, bà Nhàn bị Tòa Hà Nội tuyên án tổng cộng 30 năm tù trong vụ án vi phạm quy định đấu thầu, lợi dụng chức vụ quyền hạn, thiếu trách nhiệm, gây hậu quả nghiêm trọng, đưa và nhận hối lộ xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, Công ty AIC và các đơn vị có liên quan.
Ngoài vai trò trong vụ án tại tỉnh Đồng Nai, bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn vào tháng 8/2022 còn bị khởi tố trong vụ án “vi phạm về quy định đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Quảng NInh và AIC hồi năm 2012. Lúc đó ông Phạm Minh Chính, nay là Thủ tướng, làm Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh.
Tags: độc tài, Tham nhũng, tin tức, toàn trị, việt nam