Tổ chức Theo dõi Nhân quyền HRW: Bao biện việc giam giữ 39 nhà hoạt động, Việt Nam nên bị loại khỏi HĐNQ của LHQ


RFA – 06/7/2023

HRW: Bao biện việc giam giữ 39 nhà hoạt động, Việt Nam nên bị loại khỏi HĐNQ của LHQ

Những tù nhân lương tâm được LHQ nhắc đến trong văn thư gửi Việt Nam 

https://www.rfa.org/++plone++rfa-resources/img/icon-zoom.pngInternet 

Chính phủ Việt Nam mới gửi thư cho cơ chế Các thủ tục đặc biệt của Liên Hiệp quốc (LHQ) để bao biện về việc bắt giam và kết án 39 người hoạt động nhân quyền, nhà báo độc lập và chức sắc tôn giáo. Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) coi việc bao biện này là “ngạo mạn” và kêu gọi loại Hà Nội ra khỏi Hội đồng Nhân quyền (HĐNQ) của LHQ.

Ngày 05/7, Văn phòng Cao ủy Nhân quyền LHQ công bố Văn thư đề ngày 26/6 của Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại LHQ, Tổ chức Thương mại Thế giới và các tổ chức quốc tế khác ở Geneva gửi Các thủ tục đặc biệt của LHQ- cơ chế nhân quyền của HĐNQ. Nội dung văn thư  bao biện việc giam cầm 39 nhà hoạt động, trong đó có Phạm Đoan Trang, Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thuỵ, Nguyễn Thuý Hạnh…

Văn thư này phản hồi các ý kiến của cơ chế Các thủ tục đặc biệt qua thư gửi Chính phủ Việt Nam vào cuối tháng 11 năm 2021. Trong thư gửi Chính phủ Việt Nam, các cơ chế nhân quyền của HĐNQ nói rằng việc bắt giữ 39 nhà hoạt động là tuỳ tiện và việc kết án họ vi phạm các công ước quốc tế về nhân quyền mà Việt Nam đã ký kết.

Bình luận về văn thư phản hồi của Việt Nam, ông Phil Robertson, Phó Giám đốc Phân ban Châu Á của HRW nói với Đài Á Châu Tự Do (RFA) qua email ngày 06/7:

Phản ứng ngạo mạn của Việt Nam đối với cơ chế Các Thủ tục đặc biệt của Liên Hiệp Quốc về nhân quyền cho thấy Chính phủ Việt Nam không có ý muốn bảo vệ nhân quyền ở trong nước. Câu trả lời của Hà Nội không đúng trọng tâm và phủ nhận những hành vi ngược đãi nghiêm trọng này đối với những người bảo vệ nhân quyền ôn hòa.

Một thái độ như vậy là quá đáng và không thể chấp nhận được đến từ một quốc gia nằm trong Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, và cho thấy một tư duy độc đoán hoàn toàn trái ngược với một nhà nước tôn trọng nhân quyền.

Việt Nam nên bị loại khỏi Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc vì không có ý định nghiêm túc để bảo vệ hoặc thúc đẩy nhân quyền dưới bất kỳ hình thức nào.

Sự hiện diện liên tục của Việt Nam trong Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc là một sự xúc phạm đối với các nhiệm vụ nhân quyền và công việc của Liên Hiệp Quốc.”

Trong văn thư gửi LHQ, Hà Nội khẳng định ở Việt Nam không “áp dụng mô hình hạn chế, giam giữ và kết án những người bảo vệ nhân quyền và những tiếng nói bất đồng chính kiến” và không hình sự hóa việc thực thi và bảo vệ quyền tự do chính kiến và thể hiện một cách hợp pháp.

Hà Nội cũng nói những người bị bắt vì lợi dụng quyền tự do ngôn luận để bịa đặt, đăng tải thông tin sai sự thật, xuyên tạc, cắt xén thông tin, xuyên tạc đường lối, chính sách, pháp luật của Nhà nước nhằm bôi nhọ, hạ thấp uy tín, danh dự của cơ quan công quyền, kích động hận thù, xuyên tạc lịch sử cách mạng Việt Nam vì mục tiêu lật đổ chính quyền nhân dân.

Luật sư nhân quyền Nguyễn Văn Đài, một trong số 39 nhà hoạt động được nhắc đến trong cả hai văn bản của phía LHQ và Việt Nam, nói với RFA:

Trong bốn năm vừa qua, họ bắt giữ hàng loạt những người ở trong nước sử dụng mạng truyền thông xã hội như Facebook và Youtube để họ bày tỏ quan điểm chính kiến khác biệt hay là tố cáo vấn đề tham nhũng.

Tất cả những người bị bắt chỉ vì họ thực hiện quyền tự do ngôn luận trên mạng xã hội.

Thứ hai, Việt Nam cho rằng những người bị bắt và bị xét xử là những người vu khống, xuyên tạc đối với Nhà nước, đưa ra những thông tin sai lệch với mục đích bôi nhọ hạ thấp uy tín Đảng Cộng sản rồi tiến tới lật đổ chính quyền. Điều này không hoàn toàn chính xác bởi vì tất cả những người đấu tranh chỉ phản ánh trung thực những gì đang diễn ra ở xã hội Việt Nam mà thôi.”

Trong văn thư của mình, phía Việt Nam cho rằng quyền tự do ngôn luận không phải là một quyền tuyệt đối và việc thực hiện quyền này phải tuân theo những hạn chế nhất định do pháp luật quy định. 

Luật sư Nguyễn Văn Đài, người hai lần bị Việt Nam cầm tù vì các hoạt động cổ suý nhân quyền và dân chủ, phản bác luận điểm này của Hà Nội:

Phía Việt Nam cho rằng tự do ngôn luận không phải là quyền tuyệt đối và nó có thể bị hạn chế trong trường hợp ảnh hưởng đến an ninh quốc gia hay là vấn đề xã hội. Hiến pháp Việt Nam có quy định này nhưng muốn hạn chế quyền tự do ngôn luận hay bất cứ quyền con người nào trong Hiến pháp thì phải được ban hành bằng luật và được Quốc hội thông qua.

Tuy nhiên, trải qua bốn bản hiến pháp (1946, 1959, 1982, 1992 và 2013) thì chưa có một văn bản pháp luật nào của Quốc hội Việt Nam mà hạn chế quyền con người trong Hiến pháp. Khi không có hạn chế thì quyền tự do ngôn luận là quyền tuyệt đối của công dân Việt Nam.”

Việt Nam cũng khẳng định không hình sự hoá việc thực thi các quyền dân sự và chính trị, nhấn mạnh rằng các điều khoản trong chương Các tội xâm phạm an ninh quốc gia của Bộ luật Hình sự Việt Nam năm 2015 không hình sự hóa việc thực thi các quyền tự do dân chủ.

Luật sư Nguyễn Văn Đài, người hai lần bị kết án tổng cộng 19 năm tù vì thực thi các quyền cơ bản của con người, nhận định:

Tôi cho rằng bất cứ chuyên gia pháp lý nào của Việt Nam hay quốc tế khi nghiên cứu về quyền con người trong Hiến pháp Việt Nam cũng như chương An ninh Quốc gia của Bộ luật Hình sự thì đều cho rằng tương ứng với mỗi quyền con người quyền tự do dân chủ trong Hiến pháp thì đều bị điều chỉnh bởi một điều trong Bộ luật Hình sự nhằm bóp chết, hạn chế hay trừng phạt người dân khi mà họ thực thi quyền con người trong Hiến pháp.

Tôi ví dụ khi mà công dân thực hiện quyền tự do ngôn luận và báo chí quy định trong Điều 25 của Hiến pháp thì họ bị hai điều luật điều chỉnh: một là những người mà họ cho là có ý thức chống lại Nhà nước Cộng sản Việt Nam thì họ sẽ xử lý theo Điều 117, còn đối với những công dân Việt Nam do bất mãn và bất bình với các chính sách của Nhà nước mà họ lên tiếng thì sẽ bị xử theo Điều 331- lợi dụng quyền tự do dân chủ.

Hay khi mà công dân thực thi quyền lập hội thì họ bị xử theo Điều 109- hoạt động nhằm lật đổ chính quyền, hay khi họ thực hiện quyền biểu tình thì bị xử theo Điều 118- Phá rối an ninh.”

Trong văn thư trả lời LHQ về việc kết án 39 nhà hoạt động, phía Việt Nam nói rằng những người đó vi phạm pháp luật Việt Nam và được xét xử một cách công khai, minh bạch và tuân thủ quy định của pháp luật tố tụng hình sự, bảo đảm các bị cáo được gặp luật sư và có quyền bào chữa…

Luận điểm này của Việt Nam cũng bị luật sư Nguyễn Văn Đài phản bác:

Theo quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự thì những người bị bắt theo cáo buộc ở các điều 109, 116, 117, 118 và 331 chỉ được gặp luật sư sau khi kết thúc điều tra. Trong thực tế, phần lớn chỉ được gặp luật sư khi hồ sơ đã được chuyển sang tòa án để xét xử. Như vậy, trong giai đoạn quan trọng nhất là điều tra, người hoạt động không có luật sư, do vậy, tình trạng oan sai xảy ra rất nhiều.

Bản thân tôi, tôi bị bắt giam 11 tháng mới được gặp gia đình, và sau 2 năm mới được gặp luật sư.”

Việt Nam cũng nói các phiên tòa xử người bất đồng chính kiến và người hoạt động nhân quyền diễn ra công khai. Tuy nhiên, trên thực tế trong hầu hết các phiên toà mang yếu tố chính trị, người thân, bạn bè, giới hoạt động, và đại diện ngoại giao nước ngoài không được vào phòng xử án, nhiều trường hợp người thân còn bị đánh đập và câu lưu như trong phiên sơ thẩm ông Bùi Tuấn Lâm ngày 25/5 vừa qua.

Cơ chế Các thủ tục đặc biệt của LHQ nêu ý kiến về việc tù nhân lương tâm bị từ chối chăm sóc y tế. Phía Việt Nam nói rằng cáo buộc này không chính xác, thiếu thông tin cụ thể. Việt Nam khẳng định tù nhân được cơ sở giam giữ khám định kỳ, cấp thuốc điều trị theo quy định, có sổ theo dõi sức khỏe.

Về việc này, nhà hoạt động Huỳnh Thị Tố Nga, người mới mãn hạn tù năm năm vào cuối tháng ba vừa qua, chia sẻ:

Ở hai trại giam tôi đã qua, chế độ chăm sóc y tế không đầy đủ và không đảm bảo cung cấp đủ thuốc cho tù nhân bị bệnh. Hầu như chỉ có vài loại thuốc kháng sinh và giảm đau bình thường (Paracetamol) họ dùng cho rất nhiều loại bệnh vì tù nhân chỉ báo bệnh thì họ cho thuốc chứ thông thường không được khám chuyên môn. 

Một ngày cho 1 cữ thuốc, Không đủ liều lượng để trị bệnh, chủ yếu là uống chống đỡ cho qua triệu chứng. Còn về những bệnh nặng hơn thì họ chỉ đưa tù nhân đi bệnh viện khi phải cấp cứu.

Đối với bệnh mãn tính thông thường thì hầu như người nhà tự gửi thuốc vào cho người tù uống, mà việc gửi cũng khó khăn chứ không dễ dàng. Còn việc xin đi khám ở bệnh viện rất khó được giải quyết.”

Luật sư Nguyễn Văn Đài thì nhận định:

Nhiều tù nhân đã thiệt mạng trong nhà tù mà đáng lẽ ra nếu họ được chăm sóc y tế đầy đủ, họ sẽ không qua đời trong thời gian thi hành án.”

Theo HRW, Việt Nam đang giam giữ khoảng 150 tù nhân chính trị, còn tổ chức Ân xá Quốc tế nói Hà Nội đang giam cầm hơn 200 tù nhân lương tâm.

 Hà Nội nói Việt Nam không giam giữ tù nhân lương tâm mà chỉ bỏ tù người vi phạm pháp luật.

https://www.rfa.org/vietnamese

Tags: , , ,

Comments are closed.