Trung Quốc, vừa dùng “lý tưởng Cộng sản” để dụ dỗ, vừa quân sự hóa để uy hiếp Việt Nam
Xuân Hưng – thoibao.de
21/08/2023 |
Hình: Phó Thủ tướng Việt Nam Trần Lưu Quang và Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị
Ngày 18/8, một trang tin quốc tế tiếng Việt có bài bình luận về việc Trung Quốc vừa dụ dỗ Việt Nam “giữ vững lý tưởng Cộng sản”, vừa quân sự hóa ở đảo Tri Tôn, đảo gần Việt Nam nhất trong quần đảo Hoàng Sa mà Trung Quốc cưỡng chiếm của Việt Nam năm 1974.
Bài báo dẫn lời ông Vương Nghị, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc, nói với Phó Thủ tướng Việt Nam Trần Lưu Quang hôm 16/8, rằng, “hai bên nên chuẩn bị cho giai đoạn tiếp theo của mối quan hệ ở tầm cao mới”.
“[Chúng ta nên] cùng bảo vệ an ninh của chế độ và thể chế, đồng thời cùng nhau duy trì tư tưởng và niềm tin của Đảng Cộng sản và các định hướng Xã hội Chủ nghĩa của Đảng.”
Bài báo dẫn nguồn tin từ Trung Quốc rằng, tại cuộc họp, ông Quang tái khẳng định “tầm quan trọng không thể so sánh được và tính chất đặc biệt” của Trung Quốc đối với Việt Nam, và rằng, mối quan hệ giữa hai bên “luôn luôn là ưu tiên hàng đầu” của Hà Nội.
“Việt Nam phản đối và cảnh giác trước các thế lực nước ngoài và sẽ tăng cường mối quan hệ cấp cao với Trung Quốc để làm sâu sắc thêm sự hợp tác thực chất trên mọi lĩnh vực,” ông Quang cho hay.
Trong khi đó, bài báo cho biết, Trung Quốc đang khẩn trương tiến hành các hoạt động quân sự hóa trên đảo Tri Tôn – hòn đảo nằm ở cực tây trong quần đảo Hoàng Sa.
Chỉ trong vài tuần qua, Trung Quốc đã bắt đầu xây một công trình có vẻ là đường băng trên đảo này.
Các hình ảnh vệ tinh cho thấy, các công trình mới trong giai đoạn khởi công, nhưng tốc độ xây dựng rất gấp gáp. Đường băng này mới chỉ được xây cách đây vài tuần. Hình ảnh vệ tinh hồi giữa tháng 7 còn chưa thấy các hoạt động xây dựng này.
Ngoài đường băng, còn có một nhà máy xi măng, cũng chỉ mới xuất hiện vào tháng trước.
Theo bài báo, trước đây, tiền đồn này của Trung Quốc chỉ có một trạm quan sát với hai mái vòm và một số lá cờ của Trung Quốc. Hòn đảo này trước đây được dùng như một bến cảng nhỏ và sân bay cho trực thăng.
Bài báo nhận xét, đường băng hiện mới chỉ dài khoảng 600m, chiều rộng khoảng 10m, tức là vừa ngắn vừa hẹp. Đường băng này có thể dùng cho các cuộc hạ cánh và cất cánh ngắn của máy bay phản lực cánh quạt và máy bay hạng nhẹ.
Nó cũng có thể được dùng để triển khai các drone loại có độ cao trung bình và thời gian bay trung bình hoặc dài. Có khả năng đường băng này sẽ được tiếp tục mở rộng. Nhưng với diện tích khiêm tốn của hòn đảo, thì đường băng này khó có thể dài hơn 900m nếu không bồi đắp thêm để mở rộng hòn đảo.
Bài báo cho biết thêm, là một nhóm khoảng 30 đảo và hơn 100 rặng san hô, bãi ngầm, và các thực thể khác, quần đảo Hoàng Sa là nơi Trung Quốc tập trung tiến hành quân sự hóa trong các năm gần đây. Trung Quốc đã cho mở rộng quy mô và phạm vi của các công trình ở Hoàng Sa, nhằm tăng cường năng lực và sự hiện diện bao trùm của mình trên Biển Đông.
Bài báo nhận định, mặc dù đường băng trên đảo Tri Tôn chỉ mới ở giai đoạn đầu, nhưng quy mô xây dựng cho thấy, có khả năng sẽ còn nhiều công trình nữa, để biến nơi này thành một tiền đồn quan trọng.
Đặc biệt, việc thiết lập các hệ thống tên lửa đất đối không và đất đối đất ở đây, cùng với các thiết bị giám sát, sẽ cho phép Trung Quốc tăng cường thêm một lớp chống xâm nhập rất gần với Việt Nam.
Nguy hiểm hơn, theo bài báo, chỉ cách đất liền Việt Nam 150 dặm, quân đội Trung Quốc sẽ không chỉ có thể liên tục giám sát các hoạt động quân sự của Việt Nam, bao gồm cả các máy bay chiến đấu tầm xa, mà còn củng cố và mở rộng khả năng chống xâm nhập của mình vượt ra khỏi đảo Tri Tôn và vào lãnh thổ Việt Nam.
Thậm chí các hoạt động drone từ đảo này cũng cho phép các hệ thống giám sát tự động các hoạt động giữa đảo Tri Tôn và bờ biển Việt Nam ở phía tây và phía nam.
https://thoibao.de/blog/2023/08/21
VNCS: Dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng tiếp tục bị dừng: ăn chia không đều?
Cảnh Chân/VNTB
22/8/2023
Công trình chống ngập 10.000 tỷ đồng tiếp tục bị tạm dừng khi đã hoàn thành 90% tiến độ.
Vậy là công trình chống ngập 10.000 tỷ đồng tiếp tục bị tạm dừng khi đã hoàn thành 90% tiến độ. Công trình này được khởi công từ năm 2016, trải qua nhiều đời lãnh đạo tại TpHCM. Rất nhiều đồn đoán cho rằng số tiền 10.000 tỷ đồng này đã được ăn chia cho các quan chức nhiệm kỳ trước, và giờ thì không vừa ý các cán bộ đương nhiệm nên phải tạm dừng để các vị này đấu nhau chia lại phần chung chi giữa các bên.
Dự án này từng bị tạm dừng 2 năm (2020-2022) với lý do cần phải rà soát, xử lý các thiếu sót. Sau đó thường trực Chính phủ đã đồng ý cho tiếp tục triển khai dự án theo cơ chế đặc thù. Nhưng tại công văn ngày 8/9/2022 của Văn phòng Chính phủ lại nêu: Bộ Tài chính đề nghị rà soát lại việc tuân thủ pháp luật tại thời điểm ký kết hợp đồng BT; hay Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị rà soát lại quá trình thực hiện dự án…
Điều này cho thấy rất nhiều mâu thuẫn, tranh chấp từ món hời béo bở lên tới 10.000 tỷ đồng này. Thời điểm duyệt dự án, chỉ định thầu, nhà đầu tư (2016), phe cách cựu bí thư Lê Thanh Hải vẫn còn mạnh, sau đó trung ương đảng phế truất ông Hải, thay bằng Đinh La Thăng. Nhưng cánh tay đắc lực của Hải là Lê Hoàng Quân vẫn giữ được chức chủ tịch UBND TpHCM, và Tất Thành Cang cũng còn giữ chức Phó bí thư TpHCM.
Thời điểm dự án 10.000 tỷ bị tạm ngưng lần đầu (2020-2022) lại rơi vào giai đoạn phe phái Lê Thanh Hải thất thế nhất, khi Nguyễn Văn Nên lên làm bí thư thành uỷ, còn Phan Văn Mãi lên nhận chức chủ tịch UBND TpHCM. Suốt hai năm đó là những tranh chấp, đấu đá phe phái dẫn tới hàng loạt cán bộ thân tín phe Lê Thanh Hải, thậm chí em ruột ông Hải là Lê Tấm Hùng cũng phải vào tù. Một số bình luận cho rằng ông Hải và đồng đảng cũng phải chung chi hàng hàng tỷ cho các thế lực phía bắc để được yên ổn.
Cho nên lần này dự án 10.000 tỷ một lần nữa bị tạm dừng cũng đã gây nhiều nghi vấn trong dư luận. Hai lý do được nhà cầm quyền cộng sản TpHCm đưa ra là do cơ sở pháp lý chưa hoàn chỉnh và không có tiền để thanh toán cho đơn vị thi công. “Nói cơ sở pháp lý chưa hoàn thiện sau 8 năm thì rõ ràng chỉ là cái cớ, vấn đề nằm ở tiền chung chi của cán bộ vẫn chưa thống nhất, ông su muốn ăn hơn ông trước nên giờ mới làm khổ dân”. Một người dân bức xúc bày tỏ với phóng viên Việt Nam Thời Báo.
Dự án Chống ngập TpHCM có mục tiêu là kiểm soát ngập do triều cường và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu cho vùng diện tích 570km2 với khoảng 6,5 triệu dân thuộc khu vực bờ hữu sông Sài Gòn và trung tâm TpHCM. Quy mô dự án gồm 6 cống kiểm soát triều lớn, xây dựng đoạn đê bao ven sông Sài Gòn từ Vàm Thuật đến Sông Kinh, nhà quản lý và hệ thống điều khiển SCADA. Các hạng mục này sẽ được xây dựng tại Q.1, Q.4, Q.7, Q.8, huyện Bình Chánh và huyện Nhà Bè.
Về tiến độ thi công, tính đến cuối tháng 4/2023, công ty Trung Nam (nhà thầu chính) đã thi công đạt hơn 90% khối lượng. Cụ thể, cống Bến Nghé đạt 97%, cống Tân Thuận đạt 93%, cống Phú Xuân đạt 90%, cống Mương Chuối đạt 93%, cống Cây Khô đạt 86%, cống Phú Định đạt 88%, tuyến đê bao đạt 85%. Những hạng mục đến giai đoạn hoàn thiện gồm nhà điều hành tại các cống, nhà quản lý điều khiển trung tâm, đường vận hành sau kè, nạo vét thảm đá gia cố lòng sông, cảnh quan cây xanh, lắp hệ thống bơm, điện nước, phòng cháy chữa cháy và hệ thống điều khiển SCADA.
Với khối lượng công việc còn lại như trên, theo Sở KH&ĐT TpHCM, sau khi được giải ngân và thi công trở lại, dự án cần khoảng 9 – 12 tháng để hoàn thành. Tuy nhiên hiệ vẫn chưa biết khi nào dự án mới được khởi công trở lại. Theo Sở KH&ĐT TpHCM, những vướng mắc của dự án Chống ngập khu vực TpHCM liên quan đến phương thức thanh toán, huy động nguồn vốn khác để thi công hoàn thành công trình.
Nhà chức trách muốn thanh toán cho công ty Trung Nam bằng đất thay cho tiền, TpHCM đã chuẩn bị sẵn 3 khu đất đã giải phóng mặt bằng để thanh toán cho Công ty Trung Nam. Nhưng đến nay, việc thanh toán vẫn chưa thực hiện được do TP.HCM phải phối hợp với các bộ ngành rà soát pháp lý, điều chỉnh hợp đồng BT trước khi xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ.
Trong khi đó, việc thanh toán bằng tiền cho chủ đầu tư cũng không thực hiện được do chưa có quy định thanh toán hợp đồng BT bằng hình thức tiền theo tiến độ thi công mà chỉ cho phép thanh toán tiền tại thời điểm quyết toán công trình. Như vậy, việc thanh toán bằng quỹ đất là không được, nhưng trả tiền cũng không xong do TpHCM không thể chủ động được nguồn tiền.
Cùng với vấn đề suy thoái kinh tế hiện nay, nếu các phe phái trong nội bộ đảng cộng sản vẫn muốn được ăn chia với khẩu phần như trước đây, thì có lẽ các công trình, dự án ngàn tỷ sẽ khó mà hoàn thành đúng tiến độ mà lại đảm bảo chất lượng. Riêng vấn đề chống ngập ở TpHCM thì suốt 20 năm qua dư luận đã nói rất nhiều. Thậm chí có người còn mỉa mai nói nhà nước cộng sản đã thành công khi biến nhiều điểm ngập tại TpHCM thành một điểm ngập, đó là ngập toàn thành.
“Hồ Chí Minh biến thành Hồ Chứa Mưa. Các công trình chống ngập đang khiến hình ảnh nhà cầm quyền trở nên càng ngày càng xấu đi trong mắt người dân. Nhưng muốn làm đẹp hình ảnh này lại không thể, vì không cán bộ lãnh đạo nào muốn giảm khẩu phần lợi ích của mình khi lên nắm quyền tại thành phố giàu nhất Việt Nam này cả”, một người dân chia sẻ với Việt Nam Thời Báo”.
Tags: Tham nhũng, tin tức, toàn trị, Trung Cộng, việt nam