Chuyện Việt Nam Thứ sáu 29 tháng 3 năm 2024
Quê Hương tổng hợp
Bộ trưởng công an, nội vụ Việt Nam, Lào, Campuchia họp bàn tăng cường hợp tác an ninh
29/3/2024
Bộ trưởng Công an Việt Nam Tô Lâm trên báo trong nước hồi năm 2022.
Ba bộ trưởng công an, nội vụ của nhóm nước láng giềng Việt Nam, Lào và Campuchia tổ chức hội nghị thường niên lần thứ nhất từ ngày 28-30/3 ở Đà Nẵng để bàn việc tăng cường hợp tác an ninh, theo tin hôm 28/3 trên các báo Công An Nhân Dân của Việt Nam, The Phnom Penh Post và Khmer Times của Campuchia.
Tin cho hay Bộ trưởng Công an Việt Nam Tô Lâm, cũng là một ủy viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản cầm quyền, đã mời các vị đồng cấp ở hai nước láng giềng tham gia hội nghị.
Một thông cáo báo chí của Bộ Nội vụ Campuchia được The Phnom Penh Post và Khmer Times dẫn lại nói rằng bộ trưởng bộ này, ông Sar Sokha, sẽ dự hội nghị ba bên do Việt Nam làm chủ nhà.
Hội nghị nhằm mục đích tăng cường và mở rộng quan hệ và hợp tác an ninh giữa các lực lượng thực thi pháp luật của Việt Nam, Lào và Campuchia, vẫn theo thông cáo, được The Phnom Penh Post và Khmer Times trích đăng.
Ba vị bộ trưởng sẽ tập trung vào các vấn đề gồm tội phạm xuyên biên giới, tội phạm trên mạng, buôn lậu ma túy, buôn người, tội phạm nói chung và an ninh biên giới, là những vấn đề vẫn gây tác động tiêu cực đến an ninh khu vực, hai báo của Campuchia cho biết.
Bộ Nội vụ Campuchia nói trong thông cáo của họ rằng Bộ trưởng Sokha và những người đồng cấp của hai nước láng giềng họp với nhau ở Đà Nẵng là để tiếp tục thực thi cơ chế hợp tác ba bên giữa ba bộ. Cơ chế này đã được thực thi ba lần.
Ông Yang Peou, Tổng Thư ký Học viện Hoàng gia Campuchia, nói với The Phnom Penh Post rằng hợp tác an ninh giữa Campuchia và Việt Nam cần phải là một ưu tiên vì Campuchia có chung đường biên giới trên bộ dài nhất với nước láng giềng ở phía đông.
“Trong quá khứ, bọn tội phạm đã đi qua lại biên giới, vì vậy, hợp tác chặt chẽ giữa hai nước là điều rất quan trọng. Sự hợp tác này mang lại lợi ích chung, dẫn tới việc bắt giữ tội phạm và giảm các vụ phạm pháp”, ông nói.
Học giả này tỏ ý mong hai bên thúc đẩy quan hệ đối tác, cho rằng họ cần xây dựng lòng tin và tình cảm thân thiết để giải quyết các vấn đề nổi trội.
Vụ nhà sư Thạch Chanh Đa Ra: Vĩnh Long bắt thêm 5 người bị quy ‘chống tổ công tác’
29/3/2024 – VOA Tiếng Việt
Ảnh của 5 người bị công an bắt ở Vĩnh Long hôm 28/3/2024, đăng trên VietnamNet.
Hôm 28/3, công an ở tỉnh Vĩnh Long khởi tố và bắt tạm giam thêm 5 người bị cáo buộc có liên quan đến vụ án “lợi dụng quyền tự do, dân chủ” mà trong đó nhà sư Thạch Chanh Đa Ra đã bị bắt 2 ngày trước.
Các trang tin tức Tuổi Trẻ, VietnamNet và VTC News cho hay những người mới bị bắt là Dương Khải, 30 tuổi; Thạch Quí Lầy, 38 tuổi; Kim Sa Rương, 37 tuổi; Thạch Chóp, 21 tuổi; và Thạch Nha, 27 tuổi, đều cư ngụ ở huyện Tam Bình trong tỉnh.
Họ bị nhà chức trách quy kết là đã “bắt, giữ hoặc tạm giam người trái pháp luật”, theo tin của Tuổi Trẻ, VietnamNet và VTC News.
Các bản tin của báo chí nằm dưới sự kiểm soát, điều hành của nhà nước Việt Nam viết rằng 5 người này “có hành vi khống chế tổ công tác của Ủy ban Nhân dân huyện Tam Bình” trong chùa Đại Thọ, ngoài ra còn “hành hung, gây thương tích các thành viên trong tổ công tác” khi tổ này đến xác minh một vụ việc được người dân “phản ánh, trình báo”, xảy ra hôm 22/11/2023.
Việc khởi tố và bắt giữ 5 người được Tuổi Trẻ, VietnamNet và VTC News mô tả là quá trình điều tra mở rộng liên quan đến vụ án có 3 người đã bị bắt trước đó với cáo buộc “lợi dụng quyền tự do, dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước” và “bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật”, xảy ra tại chùa Đại Thọ.
3 người đã bị bắt hôm 26/3 trong vụ án nêu trên là nhà sư Thạch Chanh Đa Ra, 34 tuổi; ông Kim Khiêm, 46 tuổi; và ông Thạch Vệ Sanal, 37 tuổi; đều sống ở xã Loan Mỹ, huyện Tam Bình.
Như VOA đã đưa tin, Tổ chức Đoàn kết Công giáo Toàn cầu (CSW) và Liên đoàn Khmer Krom (KKF) hôm 27/3 bày tỏ quan ngại sâu sắc về việc nhà chức trách Việt Nam bắt giam nhà sư Thạch Chanh Đa Ra, trụ trì chùa Đại Thọ ở tỉnh Vĩnh Long. Trước khi bị bắt, ông đã bị khai trừ khỏi giáo hội Phật giáo của tỉnh.
Trong một tuyên bố, KKF cho rằng giới hữu trách Việt Nam đã bắt giữ và buộc tội ông “với một tội danh mà ông không hề phạm tội”. Vẫn theo KKF, ông Thạch Chanh Đa Ra “chỉ đơn thuần thực hiện quyền tự do vận động cho quyền thực hành Phật giáo Nguyên thủy cho cộng đồng người Khmer Krom bản địa của mình”.
Liên đoàn này “yêu cầu trả tự do ngay cho nhà sư Thạch Chanh Đa Ra, ông Kim Khiêm, ông Thạch Vệ Sanal và bác bỏ mọi cáo buộc đối với họ”.
Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Vĩnh Long, chính quyền tỉnh và Bộ Ngoại giao Việt Nam chưa đưa ra phản ứng về các tuyên bố, quan điểm của KKF và CSW.
Canada cử phái đoàn lớn nhất tới nay thăm Việt Nam, thúc đẩy thương mại
29/3/2024
Bộ trưởng thương mại-kinh tế của Canada, bà Mary Ng, trong một chuyến thăm Singapore (ảnh tư liệu, 2023; Pandora Wong/AP Images for Asia Pacific Foundation of Canada).
Canada cử phái đoàn lớn nhất từ trước tới nay, gồm bộ trưởng thương mại-kinh tế và hàng trăm doanh nhân, đến thăm Việt Nam trong tuần nhằm tăng cường quan hệ thương mại với một trong những nền kinh tế đang tăng trưởng nhanh nhất ở Đông Nam Á.
Các trang web chính thức của hai chính phủ Canada và Việt Nam cho biết nữ Bộ trưởng Xúc tiến Xuất khẩu, Thương mại Quốc tế và Phát triển Kinh tế Mary Ng dẫn đầu đoàn công tác đặc biệt về thương mại tới thăm Malaysia và Việt Nam trong các ngày từ 24-29/3.
Riêng ở Việt Nam, đoàn gồm gần 250 thành viên của gần 200 doanh nghiệp làm việc từ ngày 26-29/3, nhằm gia tăng kết nối các cơ hội thương mại, đầu tư, tăng cường chuỗi cung ứng với Việt Nam để cụ thể hóa các mục tiêu trong Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (IPS) của Canada.
Nữ bộ trưởng của Canada đã họp với Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính và Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên lần lượt vào hôm 27 và 28/3.
Bộ trưởng Ng nêu bật với Thủ tướng Chính rằng Việt Nam tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất của Canada trong số các thành viên của Hiệp hội các Quốc gia Đông nam Á (ASEAN). Khi gặp Bộ trưởng Diên, bà Ng thảo luận về việc thương mại đóng vai trò là một trụ cột chủ chốt trong quan hệ Canada-Việt Nam.
Bà Ng nói với hai quan chức nước chủ nhà trong các cuộc gặp riêng rẽ rằng các cuộc đàm phán đang diễn ra tốt đẹp để đi đến hiệp định thương mại tự do ASEAN-Canada và cảm ơn Việt Nam ủng hộ việc thành lập Đối tác Chiến lược ASEAN-Canada.
Mối quan hệ đối tác chiến lược này thể hiện cam kết sâu sắc của Canada với ASEAN, bao gồm cả việc củng cố hợp tác về thương mại, kinh tế, hòa bình, quốc phòng và an ninh, và phát triển.
Trong số các hoạt động quan trọng của nữ bộ trưởng Canada ở Hà Nội là vào ngày 27/3, bà cùng bộ trưởng công thương Việt Nam dự khai mạc kỳ họp lần thứ 2 của Ủy ban hỗn hợp về kinh tế Việt Nam-Canada. Kỳ họp lần thứ nhất đã diễn ra tại thành phố Vancouver vào tháng 7/2022.
Ủy ban này giúp thúc đẩy thương mại và đầu tư song phương, tiếp cận thị trường, tăng trưởng xanh và kinh tế sạch.
Trang tin về kinh doanh, tài chính và công nghệ The Peak ở Canada nhận xét trong một bài viết hôm 28/3 rằng Canada nhập hàng hóa từ Việt Nam có giá trị xấp xỉ 10 tỷ đô la Mỹ trong năm 2023, trong đó Việt Nam hưởng thặng dư thương mại 8,5 tỷ đô la, vì vậy, bằng cách thắt chặt quan hệ, chính quyền liên bang và các doanh nghiệp Canada hy vọng cán cân sẽ trở nên thăng bằng hơn.
The Peak cũng lưu ý đến thực tế là vào lúc Canada và các chính phủ phương Tây tìm cách giảm lệ thuộc vào Trung Quốc, Việt Nam đã trở thành địa điểm thay thế để các nhà sản xuất các mặt hàng như điện tử và máy móc chuyển đến.
Trang này dẫn ý kiến của giới chuyên gia cho rằng khi lĩnh vực sản xuất, chế tạo của Việt Nam thu hút thêm nhiều công ty phương Tây, nhu cầu năng lượng sẽ tăng và đó là loại hàng mà các nhà sản xuất Canada có thể cung cấp.
Trên bình diện rộng hơn, The Peak chỉ ra rằng xây dựng quan hệ thân mật với Việt Nam là một phần trong chiến lược thương mại của Canada với vùng Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, một khu vực có tầm quan trọng quyết định đối với tăng trưởng kinh tế của Canada nhưng nơi này đã trở nên ngày càng khó xử lý khi căng thẳng địa chính trị giữa Canada với cả Trung Quốc lẫn Ấn Độ đều đã leo thang.
Tăng trưởng của Việt Nam chậm hơn dự báo với các bất ổn về thương mại
Cù Tuấn, biên dịch – 29/3/2024
Tóm tắt:
* Tổng cục thống kê cho biết nền kinh tế tăng trưởng 5,66% so với năm trước
* Các nhà kinh tế đã dự báo tăng trưởng GDP quý 1/2024 là 6,4%.
Nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng chậm lại trong quý đầu tiên, bị đè nặng bởi sự tăng trưởng không đồng đều trong xuất khẩu và sản lượng sản xuất cũng như hoạt động tiêu dùng trầm lắng.
Tổng sản phẩm quốc nội Việt Nam tăng 5,66% hàng năm trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 3 sau khi tăng 6,72% trong quý trước, theo ước tính do Tổng cục Thống kê công bố ngày 29/3. Điều đó so sánh với mức tăng trưởng trung bình 6,4% được thấy trong một cuộc khảo sát của Bloomberg đối với các nhà kinh tế.
Nền kinh tế phụ thuộc vào thương mại của Việt Nam đang phải vật lộn với sự phục hồi không đồng đều trong xuất khẩu và hoạt động sản xuất trong bối cảnh nhu cầu nước ngoài vẫn yếu. Trong khi lạm phát dai dẳng ở các thị trường phát triển đã khiến việc giảm lãi suất được mong đợi ở mức thấp, những rủi ro mới đối với thương mại toàn cầu đã xuất hiện dưới hình thức gián đoạn giao thông ở Biển Đỏ – tuyến đường cho phép các hãng vận tải sử dụng lối tắt Kênh đào Suez giữa Châu Á và Châu Âu.
Xuất khẩu đã giảm trong một tháng, trong ba tháng được xem xét, trong khi mức tăng trưởng 42% trong xuất khẩu ra nước ngoài được ghi nhận trong tháng 1 phần lớn là do hiệu ứng thống kê do cơ sở so sánh thấp hơn một năm trước.
Tổng vốn cho vay trong hệ thống ngân hàng Việt Nam đã tăng 0,26% trong năm nay tính đến ngày 25 tháng 3, theo dữ liệu công bố ngày 29/3 của cơ quan thống kê. Ngân hàng Nhà nước đã đặt mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng tín dụng lên 15% trong năm nay.
Ở trong nước, các công ty đang phải vật lộn với khả năng tiếp cận vốn vay ngân hàng hạn chế và chi phí vay tương đối cao. Doanh số bán xe ô tô trong nước giảm 51,2% trong tháng 2, mức cao nhất trong 9 tháng, theo dữ liệu do Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam công bố trước đó.
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú cho biết tại hội nghị ngày 14/3 tại Hà Nội: “Nhiều doanh nghiệp đã thu hẹp quy mô hoặc ngừng hoạt động do thiếu đơn đặt hàng và giá nguyên liệu tăng cao”. Do đó, các ngân hàng đang thắt chặt yêu cầu về tài sản thế chấp do lo ngại nợ xấu gia tăng, theo ông Tú.
Ông Tú cho biết thêm, mặc dù lãi suất cho vay thương mại đối với các khoản vay mới đã giảm nhưng vẫn chưa tương xứng với việc giảm lãi suất tiền gửi, và chi phí đi vay của các khoản vay hiện tại vẫn ở mức cao.
Nguyễn Thông – Hậu Pháo
28/3/2024
Ảnh: Biệt phủ xây rồi bỏ không của quan tham Lê Viết Chữ bí thư Quảng Ngãi, ở quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng (Nguyễn Thông chụp, 10.2020).
Sáng nay 28.03, báo chí đồng loạt đưa tin bắt tiếp cả một chùm nữa quan đầu tỉnh Vĩnh Phúc và Quảng Ngãi dính chàm vụ Hậu Pháo. Thực ra thiên hạ đã biết từ chiều hôm qua khi thấy công an cảnh sát kéo tới chặn đường bịt cửa, canh gác nhà các đương sự, con ruồi không thể bay lọt.
Bắt luôn cả phó bí thư thường trực của Vĩnh Phúc (ông hàng xóm nhà tôi cười, đ*o mẹ, Vĩnh Phúc mà tinh dững vô phúc, đoản phúc, từ giờ đứa nào được bổ về đây đều bị cái dớp, như ngồi trên đống lửa). Bắt cả thằng cựu bí thư Quảng Ngãi đã hạ cánh an toàn.
Xứ An Nam ta, bây giờ ngày nào không bắt cán bộ tự dưng dân cảm thấy hẫng hụt, buồn buồn, kém vui.
Hôm bắt con mẹ đầu đảng Vĩnh Phúc Hoàng Thị Thúy Lan (trong đó có cả tội suy thoái đạo đức, đảng cứ gọi chung chung thế thôi, chứ thiên hạ đồn nó đã “suy thoái” làm chết cả một anh lực lưỡng) và mấy tay quan đầu tỉnh Quảng Ngãi, nhà cháu đã ngứa tay định biên mấy dòng, nhân tiện kể về tên cựu đầu đảng Quảng Ngãi Lê Viết Chữ (bị túm sáng nay, giờ mới túm kể ra thì khí muộn). Nhưng hôm ấy còn bị cụp lưng, không ngồi được, đành ém lại. Hôm rồi nhà cháu nói nhịu hỏi một thằng em làm báo, sao đến giờ vẫn chưa bắt Lê Thế Chữ nhỉ, nó xua tay, bậy bậy, “Viết” chứ không phải “Thế”, hì hì.
Nhớ hồi tháng 10.2020, đám cựu học chúng tôi vài chục đứa gặp nhau ở Đà Nẵng để đàn đúm, họp lớp, một cách chứng tỏ với thiên hạ rằng mình từng đi học. May mắn, chia tay nhau xong thì dịch Covid kéo tới, hú vía. Tôi chưa về ngay, còn ghé thăm ông anh ruột đã hưu nhưng đang dùng dằng với thành phố đáng sống, chưa chịu về hẳn quê Phòng. Anh lấy xe máy chở tôi qua bờ kia sông Hàn để thằng em chào bác đồng môn Hoàng Sĩ Chiến. Hai ông thương binh ngồi say chuyện quên mất thằng em dại đang há mồm nghe.
Lúc ấy xôn xao vụ tay bí thư Quảng Ngãi Lê Viết Chữ. Một trong hai ông buột mồm đ*o mẹ thằng Chữ quan tham, sao nó chưa bị vào tù. Trên đường về, anh tôi bảo để tao chở chú chạy ngang qua nhà thằng Chữ cho chú coi. Ngôi biệt thự hoành tráng trên con đường mới ở quận Cẩm Lệ. Ối giời, còn hơn phủ lãnh chúa Trung phần. Anh tôi kể, nó bí thư Quảng Ngãi xây cái cơ ngơi biệt điện này ở Đà Nẵng xong chỉ bỏ không, giao cho bà chị bà em gì đó trông coi, cổng khóa im ỉm 24/24.
Nó lương cán bộ, lấy đâu ra tiền xây nhà trăm tỉ, nếu không tham nhũng. Ai cũng thấy. Dân chúng ca cẩm ì xèo oán thán lắm. Chỉ đảng có mắt như mù không thấy. Công an cũng không thấy. Nếu thấy thì sao không rà soát, lại “tôi cứ để thế xem sao”. Kê khai tài sản chỉ là trò vớ vẩn. Giờ, nó mới bị bắt, liệu biệt phủ của quan tham Quảng Ngãi trên đất vàng Đà Nẵng có trong hồ sơ đen. Đảm bảo liên quan tới Hậu Pháo.
Hậu Pháo, xét góc độ nào đó, còn kinh hơn cả Phan Quốc Việt vụ Việt Á.
(Còn tiếp)
Tiếp tục bắt quan chức liên quan Tập đoàn Phúc Sơn
Phú Nhuận/VNTB – 29/3/2024
(VNTB) – Khởi tố cựu bí thư tỉnh Quảng Ngãi Lê Viết Chữ và phó bí thư tỉnh Vĩnh Phúc Phạm Hoàng Anh
Ông Lê Viết Chữ, cựu bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi và ông Phạm Hoàng Anh, phó bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc đã bị cơ quan điều tra khởi tố về tội nhận hối lộ trong vụ án liên quan đến chủ tịch tập đoàn Phúc Sơn Nguyễn Văn Hậu.
Ông Lê Viết Chữ chính là tiền nhiệm của Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Võ Văn Thưởng, người vừa rời chức Chủ tịch nước nhưng không được công khai lý do.
Thông cáo báo chí được phát hành từ Bộ Công an cho biết như sau:
“Ngày 27/3/2024, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) đã ra Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam, Lệnh khám xét đối với:
(1) Ông Lê Viết Chữ, nguyên Phó Chủ tịch, nguyên Chủ tịch UBND Tỉnh, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quãng Ngãi và (2) Ông Phạm Hoàng Anh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, nguyên Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Vĩnh Phúc cùng về tội “Nhận hối lộ”, quy định tại khoản 4 Điều 354 Bộ luật Hình sự.
Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an xác định: Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, bị can Lê Viết Chữ đã nhận tiền của Nguyễn Văn Hậu để tạo điều kiện giúp Công ty cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn trúng thầu gói thầu “Thi công tuyến chính dự án đường bờ Nam sông Trà Khúc, tỉnh Quảng Ngãi”; bị can Phạm Hoàng Anh đã nhận tiền của Nguyễn Văn Hậu đề tạo điều kiện cho doanh nghiệp của Hậu thực hiện dự án Chợ Đầu mối Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc.
Đây là kết quả mở rộng điều tra vụ án “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng; Nhận hối lộ; Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng và Lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi”, xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn, Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại và Bất động sản Thăng Long, tỉnh Quảng Ngãi, tỉnh Vĩnh Phúc và các đơn vị, địa phương liên quan.
Cùng ngày, sau khi Viện kiểm sát nhân dân tối cao phê chuẩn, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã thi hành các Quyết định và Lệnh nêu trên theo đúng quy định pháp luật.
Hiện, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đang củng cố tài liệu, chứng cứ, tiếp tục mở rộng điều tra vụ án, làm rõ các sai phạm khác của Tập đoàn Phúc Sơn tại các địa phương và các đơn vị có liên quan, áp dụng các biện pháp theo luật định để thu hồi triệt để tài sản cho Nhà nước”.
Như vậy là sau một tháng khởi tố vụ án liên quan chủ tịch Tập đoàn Phúc Sơn Nguyễn Văn Hậu (hay còn gọi là Hậu “Pháo”), cơ quan điều tra đã bắt tạm giam gần 20 người. Trong những người đã bị bắt tạm giam có 4 lãnh đạo, cựu lãnh đạo 2 địa phương gồm: bà Hoàng Thị Thúy Lan – bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc và ông Lê Duy Thành – chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc; ông Đặng Văn Minh – chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi và ông Cao Khoa – cựu chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi. Cả 4 người này cùng bị cơ quan điều tra bắt tạm giam với cáo buộc nhận hối lộ.
Riêng hai cựu lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc bị xác định tại cơ quan công an đã khai nhận hối lộ số tiền lớn, hàng tỷ đồng và nộp lại cho cơ quan điều tra.
Chủ tịch Tập đoàn Phúc Sơn bị bắt hôm 26-2 với cáo buộc ban đầu vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng. Kết quả điều tra ban đầu xác định 2 trong 21 dự án (tổng mức đầu tư hơn 40.000 tỷ đồng) tại Vĩnh Phúc, doanh nghiệp này không “kê khai tài chính, trốn thuế”…, gây thiệt hại hơn 640 tỷ đồng.
Vào 4 năm về trước, chiều ngày 3/5/2020, Ủy ban Kiểm tra Trung ương trong thông cáo báo chí về kỳ họp thứ 44 dưới sự chủ trì của Chủ nhiệm Ủy ban Trần Cẩm Tú, tại kỳ họp này, Ủy ban đã xem xét giải quyết đơn tố cáo và nhận thấy hai ông Lê Viết Chữ và Trần Ngọc Căng “đã có nhiều vi phạm, khuyết điểm nghiêm trọng trong lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện công tác quản lý, sử dụng đất đai, tài chính ngân sách, dự án đầu tư và công tác cán bộ”, ảnh hưởng xấu đến uy tín của cấp ủy, chính quyền địa phương, đến mức phải xem xét kỷ luật.
Ngày 16 tháng 6 năm 2020, ông bị Bộ Chính trị khoá 12 thi hành kỉ luật với hình thức cảnh cáo. Sau đó, vào ngày 23 tháng 6 năm 2020, ông đã nộp đơn xin từ chức Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Ngãi lên Bộ Chính trị, Ban Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa 12.
Cơ hội cuối của gỡ thẻ vàng IUU
Hàn Lam/VNTB – 28/3/2024
(VNTB) – Phái đoàn Ủy ban Châu Âu (EC) dự kiến sẽ đến Việt Nam vào tháng 6-2024 để tiến hành đợt kiểm tra thứ năm và xem xét việc gỡ “thẻ vàng” IUU.
Tại cuộc họp trực tuyến của Ban chỉ đạo quốc gia về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) với 28 địa phương có biển trên cả nước được tổ chức mới đây, Phó thủ tướng Trần Lưu Quang cho biết, qua đợt thanh tra lần thứ tư vào tháng 10-2023, Ủy ban châu Âu (EC) đã ghi nhận nhiều chuyển biến tích cực của Việt Nam trong chống khai thác IUU nhằm gỡ “thẻ vàng”. Tuy nhiên, vẫn còn những tồn tại, hạn chế chậm được khắc phục, nếu để tình trạng này kéo dài thì nguy cơ bị “thẻ đỏ” là rất cao. EC sẽ tiếp tục thanh tra một lần nữa vào tháng 6-2024 nhằm đưa ra kết luận cuối cùng.
Sau khi EC dùng “thẻ vàng” cảnh báo đối với nghề cá và xuất khẩu hải sản Việt Nam vào thị trường Liên minh châu Âu (EU) vào tháng 10-2017, toàn bộ nghề cá Việt Nam đã chịu những tổn thất không nhỏ cả về xuất khẩu lẫn uy tín kinh doanh trên thị trường quốc tế.
Là một quốc gia ven biển có số lượng tàu đánh bắt xa bờ lớn, Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong sản xuất và xuất khẩu cá trên toàn thế giới, chiếm khoảng 5% sản lượng thủy sản toàn cầu. Theo ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Việt Nam, kể từ khi EC cảnh báo “thẻ vàng” đối với sản phẩm thủy sản khai thác của Việt Nam vào tháng 10-2017, giá trị xuất khẩu thủy sản của Việt Nam vào thị trường EU sụt giảm bình quân từ 6-10%/năm (tùy từng năm). Thị trường nhập khẩu thủy sản lớn thứ 2 của Việt Nam là EU (chiếm từ 17-20% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản) đã tụt xuống vị trí thứ 5 (sau Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc và ASEAN). Cùng với đó, việc này đã ảnh hưởng lớn đến uy tín, vị thế và quan hệ ngoại giao của Việt Nam trên trường quốc tế. Nó cũng gây tổn thất về mặt kinh tế – xã hội đối với cộng đồng ngư dân ven biển và các doanh nghiệp.
Liên quan đến vấn đề quản lý và giám sát đội tàu, đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết vẫn đang tích cực sửa Thông tư số 23/2018/TT-BNNPTNT để giải quyết số lượng tàu “3 không” (không đăng ký, không đăng kiểm, không cấp phép) vào khoảng 16.000 chiếc, bảo đảm được cấp phép, đăng kiểm theo đúng quy định.
Ghi nhận tại Kiên Giang là một trong những tỉnh có ngư trường trọng điểm của cả nước, với nghề cá phát triển mạnh, lâu đời, đứng đầu cả nước trong một thời gian dài, đã giải quyết việc làm cho gần 70.000 người lao động và góp phần phát triển kinh tế cho ngư dân, đóng góp quan trọng cho phát triển kinh tế của tỉnh. Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thời gian qua vẫn có 7 tàu cá ở tỉnh Kiên Giang, 5 tàu cá ở Quảng Ngãi, 5 tàu ở Tiền Giang vi phạm, vượt ranh giới trên biển. Có 4.375 tàu cá trên 15 m không bật thiết bị giám sát hành trình trên 6 tháng, trong đó có 220 tàu cá trên 24 m.
Theo đại diện Hội Nghề cá thành phố Rạch Giá (Kiên Giang), nhiều chủ tàu trên địa bàn Rạch Giá rất chật vật để lo trang trải chi phí ra khơi. Chi phí cho một chuyến biển hiện lên đến gần 1,3 đế 1,4 tỷ đồng cho một cặp tàu ra khơi khoảng 30 ngày. Đối với các tàu làm nghề lưới khác, chi phí cũng khoảng từ 500 tới 600 triệu đồng/tàu, trong đó chi phí xăng, dầu chiếm hơn 70% tổng chi phí chuyến biển. Giá xăng, dầu từ tết đến nay vẫn neo ở mức cao, cộng thêm việc giá cả các mặt hàng khác như nước đá, lương thực, thực phẩm cũng tăng theo giá dầu. Bối cảnh khó khăn đó càng làm cho những nỗ lực khuyến cáo các chủ tàu phải tuân thủ quy định pháp luật để gỡ “thẻ vàng” IUU thêm vất vả hơn.
“Chúng tôi đang lo rằng rất khó để cải thiện 100% tình trạng này. Nếu không gỡ được “thẻ vàng” IUU, xuất khẩu thủy hải sản sang EU sẽ bị đình trệ vì thủ tục xác nhận, chứng nhận thủy sản khai thác còn bất cập. Trong đó, nhiều ngành hàng như cá ngừ, mực, bạch tuộc và cá biển sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất”, đại diện truyền thông của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, nhận định.
BYD của Trung Quốc trì hoãn kế hoạch xây nhà máy xe điện tại Việt Nam
28/3/2024 – Reuters
Khách hàng xem xe điện BYD của Trung Quốc tại triển lãm ô tô IAA ở Munich, Đức, hôm 8/9/2023. Hãng xe Trung Quốc đã dự kiến xây một nhà ma1ysa3n xuất ở Việt Nam nhưng chưa cho biết ngày khởi công.
Nhà sản xuất xe điện Trung Quốc BYD đã trì hoãn kế hoạch xây dựng nhà máy xe điện tại Việt Nam, một người quản lý khu công nghiệp nơi nhà máy sẽ được xây dựng cho biết trong cuộc họp cổ đông hôm 28/3.
Chính phủ Việt Nam tháng 5 năm ngoái nói rằng BYD đã quyết định xây dựng một nhà máy sản xuất và lắp ráp ô tô điện ở tỉnh Phú Thọ, nơi công ty đã có nhà máy sản xuất máy tính bảng cho hãng Apple của Mỹ.
Ông Lương Thanh Tùng, Phó Chủ tịch Tập đoàn Gelex, công ty điều hành khu công nghiệp nơi BYD sẽ xây dựng, cho biết “do chiến lược của công ty và sự chậm lại của thị trường xe điện, BYD đã trì hoãn (kế hoạch) khởi công xây dựng (nhà máy mới).”
Phát biểu tại đại hội cổ đông ở Hà Nội, ông Tùng cho biết sau thời gian dài đàm phán, BYD đã đồng ý dành 100 ha đất thương mại tại khu công nghiệp Phú Hà để xây dựng nhà máy sản xuất xe điện.
Tuy nhiên, theo ông Tùng cho biết trong cuộc họp, sau thời gian chậm trễ, hai bên hiện đang tìm kiếm thời điểm thích hợp để bắt đầu dự án.
Trụ sở BYD tại Trung Quốc đã không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận về tuyên bố hôm 28/3 từ Gelex.
Tăng trưởng trên thị trường xe điện toàn cầu dự kiến sẽ chậm lại trong năm nay do nhà nước giảm trợ cấp cho việc sản xuất xe điện.
Một thông báo của Chính phủ Việt Nam về kế hoạch đầu tư của BYD được đưa ra sau chuyến thăm Việt Nam của người đứng đầu BYD Wang Chuanfu vào tháng 5 năm ngoái. Tuyên bố không cho biết ngày bắt đầu hoặc quy mô đầu tư cho dự án.
Tại cuộc gặp với Phó Thủ tướng Việt Nam Trần Hồng Hà vào tháng 5/2023, ông Chuanfu cho biết ông hy vọng sẽ có “điều kiện thuận lợi để hoàn tất thủ tục đầu tư”, theo Chính phủ Việt Nam.
BYD đang xây dựng một nhà máy xe điện ở Thái Lan và có kế hoạch xây dựng các cơ sở xe điện ở Indonesia.
Năm ngoái, hãng đã bán được hơn 3 triệu xe điện trên toàn cầu, bao gồm cả xe điện và xe hybrid xăng-điện.
Rừng ở Trung tâm Bảo tồn Voi tại Đắk Lắk bị suy giảm gần 400 ha
28/3/2024
Cánh rừng bị tàn phá ở tỉnh Đắk Lắk. Hình chụp hôm 12/3/2013
AFP
Tổng diện tích rừng tự nhiên tại Trung tâm Bảo tồn Voi, Cứu hộ Động vật & Quản lý Bảo vệ rừng trong năm 2023 giảm gần 400 ha.
Thông tấn xã Việt Nam ngày 26/3 dẫn báo cáo của Chi Cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk về số liệu vừa nêu.
Trong số gần 400 ha rừng bị giảm, có khoảng gần năm héc-ta mất đi do bị phá; số hơn 390 ha còn lại chưa rõ nguyên nhân.
Chi Cục trưởng Chi Cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk, ông Nguyễn Quốc Hưng, cho biết cơ quan này đã báo cáo với Sở Nông nghiệp- Phát triển Nông thôn tỉnh để có chỉ đạo Trung tâm Bảo tồn Voi, Cứu hộ Động vật & Quản lý Bảo vệ rừng cùng phối hợp với các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương kiểm tra, xác minh, lập hồ sơ, xử lý theo quy định đối với diện tích rừng bị giảm.
Thanh tra Chính phủ Việt Nam vào trung tuần tháng ba vừa qua thông báo kết luận từ năm 2017 đến năm 2020, tỉnh Đắk Lắk có hơn 27.000 ha rừng tự nhiên bị suy giảm.
Sở Nông nghiệp- Phát triển Nông thôn (NN-PTNT) tỉnh này đã kiểm điểm bảy đơn vị chủ rừng là Vườn Quốc gia, Ban Quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ và Trung tâm Bảo tồn Voi, Cứu hộ Động vật & Quản lý Bảo vệ rừng; 10 tập thể và 90 cá nhân thuộc Chi cục Kiểm lâm tỉnh.
Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Lắk nêu ra những nguyên nhân khiến rừng tự nhiên bị suy giảm; đó là chuyển mục đích sử dụng rừng theo quy định; cháy rừng; phá rừng; diện tích chỉnh sửa dữ liệu; diện tích rừng nghèo kiệt giảm trữ lượng rừng không còn đủ tiêu chí là rừng.
Song song đó, theo Thanh tra Chính phủ, nguyên nhân suy giảm rừng còn do vướng mắc về cơ chế; chưa đủ nguồn lực đầu tư cho công tác bảo vệ, phát triển rừng và giải quyết các vấn đề dân sinh kinh tế, xã hội liên quan đến rừng, đất rừng; UBND cấp cơ sở thiếu quyết liệt trong lãnh đạo; chủ rừng tại một số nơi buông lỏng quản lý, tiếp tay cho đối tượng vi phạm…