Ai đã bổ nhiệm lãnh đạo Bộ Y tế theo kiểu vô quán phở đòi ăn xôi gấc? – VNTB
TS Phạm Đình Bá
(VNTB) – Đọc tiểu sử của các nhà lãnh đạo bộ y tế hiện nay, tôi không tìm thấy phong cách và kinh nghiệm của họ về những điều tôi thường quan tâm về giới lãnh đạo các tổ chức y tế bên này.
Tôi đọc bài của Út Sài gòn trên Việt Nam Thời Báo ngày 13/02/2023, mang tựa là “Bổ nhiệm tân thứ trưởng: thêm một “tướng” không chuyên ngành” và bật cười vì kết luận của Út Sài gòn – “Một bà Bộ trưởng không chuyên môn về y tế, đã đủ thứ rối ren về thuốc men, về sửa “tinh bột bắp” thành “tinh bột ngô” thì giờ đây lại thêm một ông Thứ trưởng Y tế không chuyên môn về y tế, xem ra, người bệnh còn mệt cầm canh.”
Khi xem xét lãnh đạo các tổ chức y tế bên này, tôi thường chú ý đến một số điểm như sau: 1) khả năng dung hòa giữa thực dụng và lý tưởng, 2) khuynh hướng lấy quyết định dựa vào dữ liệu, 3) năng lực cho trách nhiệm giải trình, 4) cách tiếp cận lấy bệnh nhân làm trung tâm để ra quyết định chính sách, và 5) quan tâm đến phúc lợi và công lý của bệnh nhân.
Mặc dù có thể không lầm lẫn lắm khi cho rằng hầu hết mọi người mang một số đặc điểm thực dụng hay lý tưởng về phong cách lãnh đạo của họ, nhưng cũng có thể không sai bao nhiêu khi cho rằng các nhà lãnh đạo thường nghiêng về hướng này hay hướng khác.
Các nhà lãnh đạo thực dụng nghĩ và làm theo thực tế, “làm thế nào để chúng ta hoàn thành việc này” trong bất kỳ nhiệm vụ, sáng kiến hay mục tiêu nào. Họ có thể bị nghĩ lầm là họ tiêu cực trong cách tiếp cận của họ trong khi thực tế họ chỉ cần xem toàn bộ bức tranh (bao gồm cả rào cản) để đi đến kết quả cuối cùng. Đó là một cách suy nghĩ và làm thường là thẳng đến đích, thực tế.
Các nhà lãnh đạo lý tưởng thường chú ý đến những ý tưởng lớn, có tầm nhìn xa. Có thể lập luận rằng họ tập trung nhiều hơn vào kết quả cuối cùng hơn là con đường để đạt được kết quả đó, và họ có thể bị coi là đang nhìn qua cặp kính màu hồng trong khi thực tế, họ chỉ đơn giản là “nhìn thấy” mục tiêu cuối cùng và thực sự tin rằng họ có thể làm mọi cách cách để đạt đến kết quả đó.
Hoạch định chính sách dựa trên bằng chứng là khi các nhà lãnh đạo sử dụng bằng chứng tốt nhất hiện có để giúp đưa ra quyết định chính sách. Mục tiêu của hoạch định chính sách dựa trên bằng chứng là tăng cường vai trò của dữ liệu thực nghiệm và hiểu biết sâu sắc trong các quyết định chính sách.
Một người có năng lực chịu trách nhiệm giải trình nắm quyền sở hữu các hành động của họ. Họ sẵn sàng chịu trách nhiệm về kết quả của việc họ làm và khi họ lãnh đạo, sẵn sàng chịu trách nhiệm cho cả tổ chức mà họ lãnh đạo, bao gồm cả việc từ chức nếu tổ chức mắc những sai lầm lớn. Khi nói bạn chịu trách nhiệm, bạn quan tâm và sẵn sàng gánh chịu hậu quả cũng như phần thưởng cho hành động của tổ chức của mình.
Dịch vụ chăm sóc lấy bệnh nhân làm trung tâm được xác định bởi chất lượng tương tác giữa bệnh nhân và bác sĩ. Bằng chứng cho thấy rằng dịch vụ chăm sóc lấy bệnh nhân làm trung tâm giúp cải thiện kết quả bệnh tật và chất lượng cuộc sống, đồng thời giải quyết sự chênh lệch về chủng tộc, dân tộc và kinh tế xã hội trong chăm sóc sức khỏe.
Các nhà hoạch định chính sách y tế cần nhìn xa hơn các lĩnh vực rõ rệt và cận kề, thí dụ như nghĩ xa về công nghệ thông tin y tế để hình thành một chính sách quốc gia có trọng tâm và phối hợp nhằm hỗ trợ chăm sóc lấy bệnh nhân làm trung tâm. Chính sách này sẽ giúp các chuyên gia y tế có được và duy trì các kỹ năng liên quan đến chăm sóc lấy bệnh nhân làm trung tâm, đồng thời khuyến khích các tổ chức y tế nuôi dưỡng văn hóa lấy bệnh nhân làm trung tâm.
Sự tôn trọng con người thừa nhận giá trị nội tại của con người và sự tôn trọng và quan tâm mà họ xứng đáng được hưởng. Phúc lợi của một người là chất lượng trải nghiệm cuộc sống của người đó trong tất cả các khía cạnh của nó. Phúc lợi bao gồm tác động đến các cá nhân của các yếu tố như sức khỏe thể chất, tinh thần và tâm linh của họ, cũng như hoàn cảnh vật chất, kinh tế và xã hội của họ.
Công lý đề cập đến nghĩa vụ đối xử công bằng và bình đẳng với mọi người. Công bằng đòi hỏi phải đối xử với tất cả mọi người với sự tôn trọng và quan tâm như nhau. Công bằng đòi hỏi phải phân phối lợi ích và gánh nặng của tiến bộ về y tế sao cho không một bộ phận dân cư nào bị gánh nặng quá mức bởi tác hại của cách dùng thuốc hoặc từ chối những lợi ích của chữa trị.
Đọc tiểu sử của các nhà lãnh đạo bộ y tế hiện nay, tôi không tìm thấy phong cách và kinh nghiệm của họ về những điều tôi thường quan tâm về giới lãnh đạo các tổ chức y tế bên nầy. Tôi đồng ý với những quan tâm của Út Sài gòn, tuy rằng cách nhìn của tôi có khác cách nhìn của anh ấy.