Ba dấu ấn khác biệt trong chính sách tôn giáo trước năm 1975 (tại miền Nam Việt Nam)


Các tôn giáo hoạt động sôi nổi bất kể là thời Pháp thuộc hay chế độ Việt Nam Cộng hòa.

Thiện Trường – Tạp chí Luật Khoa

Đồ họa: Shiv/ Luật Khoa. 

Vào tháng 6 năm 1963, một nhà sư bước xuống đường phố Sài Gòn từ chiếc xe Austin A95 Westminster mang biển số DBA 599. Ông được các đệ tử chậm rãi dẫn đến một ngã tư. Không lâu sau, mọi người được mục sở thị một vụ tự thiêu do chính các nhà sư tổ chức.

Đó là Hòa thượng Thích Quảng Đức, người đã biểu tình, tự thiêu để phản đối chế độ của Tổng thống Ngô Đình Diệm.

Trước đó, tại Huế, công chúng cũng chứng kiến hình ảnh Thượng tọa Thích Trí Quang cùng các Phật tử rước tượng Phật biểu tình khắp thành phố để phản đối chính quyền cấm treo cờ đạo nhân ngày lễ Phật Đản.

Không chỉ Phật giáo, Công giáo cũng thường xuyên tổ chức các cuộc biểu tình sau năm 1963. 

Lúc này, biểu tình không phải chỉ là sự mâu thuẫn giữa tôn giáo với chính quyền, mà còn xảy ra giữa tôn giáo với tôn giáo. 

Có thể nói, yếu tố tôn giáo ảnh hưởng rất lớn đến tình thế ở miền Nam Việt Nam lúc bấy giờ. 

Sau năm 1975, những hình ảnh biểu tình do tôn giáo tổ chức đã không còn. Thay vào đó là những buổi họp do chính quyền tổ chức một cách có trật tự dưới ánh đèn xã hội chủ nghĩa.

Nhiều người cho rằng những căng thẳng và xung đột liên quan đến tôn giáo ở miền Nam trước năm 1975 là do sự yếu kém của hệ thống chính trị tại miền Nam. Nhưng ở khía cạnh nào đó, những hành động này nói lên một đặc điểm nổi bật về chính sách tôn giáo thời bấy giờ, điều mà đến nay chính quyền hiện tại vẫn chưa làm được hay thẳng thắn mà nói là không dám làm.

Tự do thành lập tôn giáo

Nhiều người vẫn nghĩ việc thành lập tôn giáo mới không hề dễ dàng trước năm 1975, nhất là vào thời kỳ Pháp thuộc. Sự thật không phải vậy.

Trái ngược với các đảng phái chính trị vốn bị thực dân đàn áp nặng nề, các nhóm tôn giáo ở Đông Dương thuộc Pháp hoạt động khá tự do vì chính quyền thực dân coi tôn giáo là một tác nhân đạo đức hóa trong xã hội Việt Nam. [1]

Ở Nam kỳ dưới chế độ thuộc địa (trực trị), Phật giáo trong giai đoạn chấn hưng đã hình thành nên Nam kỳ Phật học hội (1931) và Lưỡng Xuyên Phật học hội do Hòa thượng Khánh Hòa sáng lập. [2]

Vào ngày 7/10/1926, những người sáng lập đạo Cao Đài có một văn bản chính thức viết bằng tiếng Pháp gửi cho thống đốc Le Fol, yêu cầu công nhận tôn giáo mới của họ. Bản đề nghị có danh sách và chữ ký của 28 người đại diện cùng ghi rõ nhu cầu, lý do, nội dung thành lập đạo. [3]

Tuy vậy, trong khi chờ chính quyền Pháp trả lời, những người sáng lập đạo Cao Đài đã tổ chức lễ khai đạo, đánh dấu sự ra đời của một tôn giáo mới vào ngày 19/11/1926 tại Tây Ninh. 

Sau sự kiện này, chính quyền Pháp không những không cấm đoán mà còn coi đạo Cao Đài như một tôn giáo hợp pháp. [4]

Đi xuống miền Tây, tại làng Hòa Hảo (An Giang) vào năm 1939, một tôn giáo nội sinh đã ra đời, đó là Phật giáo Hòa Hảo.

Dưới góc nhìn của chính quyền, Phật giáo Hoà Hảo đơn thuần chỉ là Phật giáo – một tôn giáo truyền thống của người dân Việt Nam. Ban đầu, họ chủ trương tam không: không xuất gia, không tăng sĩ và không chú trọng hàng ngũ chức sắc. Có lẽ vì vậy mà chính quyền đương thời đã bỏ qua vấn đề phép tắc và thừa nhận Phật giáo Hòa Hảo là tôn giáo mới. [5]

Vào năm 1941, chính quyền Pháp công nhận thêm đạo Tin Lành là một tổ chức và họ được quyền tự do hoạt động theo pháp luật bấy giờ. Nhưng do Tin Lành là “tôn giáo duy lý” và du nhập vào Việt Nam khá muộn nên hoạt động gặp phải rất nhiều khó khăn. [6]

Đến năm 1950, Bảo Đại khi đó đang làm Quốc trưởng đã ban hành Dụ số 10, ngày 6/8/1950 về quy chế hiệp hội. Theo đó điều kiện thành lập phải có đơn đề nghị lập Hội gồm các nội dung như: người sáng lập (từ 21 tuổi), tên gọi, mục đích, v.v. (Điều 4). [7]

Chưa đầy một năm sau, 51 đại biểu của sáu tổ chức Phật giáo ở Nam bộ, Trung bộ và Bắc bộ đã họp tại chùa Từ Đàm (Huế) và cùng thống nhất thành lập Tổng hội Phật giáo Việt Nam. Văn phòng Tổng hội đặt tại chùa Từ Đàm (Huế). [8]

Tuy nhiên, danh xưng Giáo hội Phật giáo Việt Nam lúc này chưa được thiết lập do Phật giáo nằm trong phạm vi điều chỉnh của Dụ số 10. Trừ Thiên Chúa giáo, còn lại các hội truyền giáo của các tôn giáo như Phật giáo, Cao Đài, Phật giáo Hòa Hảo đều nằm ngang hàng với các hội. 

Sau khi Pháp rút đi, tại miền Nam, Ngô Đình Diệm từ vị trí thủ tướng vào tháng 6 năm 1954 đã lên làm tổng thống của một nước cộng hòa mới 15 tháng sau đó.

https://lh5.googleusercontent.com/8rL0d7bxcc9qYoT3dx20wvZxLVICckpjGL8ZJUNWGYJmSJMlh8beAp1Dbw6tipQevDgffeEyNG0TEGH6l9umLEpE55Ovnz4UcgHs5dRJYPR1St-bnGEWcgP0y1NZ7ngkuFNOyGCrfG-WK2I6ku_6ZOk

Dụ số 10 do Bảo Đại ban hành. Ảnh: thuvienhoasen.org 

Từ đây, cuộc Cách mạng Nhân vị của Việt Nam Cộng hòa trở thành một nỗ lực nhằm tranh thủ tôn giáo, tạo ra một mặt trận tôn giáo chống lại chủ nghĩa vô thần cộng sản. [9] Chính quyền Ngô Đình Diệm kế thừa từ chính quyền Pháp, công nhận các tổ chức tôn giáo trước đó nhưng lại ưu ái một cách đặc biệt với Công giáo.

Ngay cả khi Điều 17 Hiến pháp 1956 của nền Đệ nhất Cộng hòa bỏ lửng nội dung về quốc giáo, chính quyền Ngô Đình Diệm cũng chưa bao giờ coi Công giáo là một quốc giáo chính thức.

Đến ngày 1/11/1967, khi nền Đệ nhị Cộng hòa được thành lập, chính sách tôn giáo càng trở nên rõ ràng hơn. Điều 9 Hiến pháp 1967 khẳng định thêm rằng: “Quốc gia vô tư đối với sự phát triển các tôn giáo.”

Cần nói thêm, sau khi góp phần vào sự sụp đổ của chính quyền Ngô Đình Diệm, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất lại chia rẽ thành hai phái là phái Ấn Quang và phái Việt Nam Quốc Tự.

Do phái Ấn Quang có khuynh hướng thân cộng nên đến năm 1967, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu ra sắc luật 23/67 ngày 18 tháng 7 năm 1967 công nhận khối Việt Nam Quốc Tự. Từ đó, phái Ấn Quang càng thể hiện sự ủng hộ của họ đối với Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam hơn.

Tuy vậy, chính quyền Nguyễn Văn Thiệu vẫn không hề có văn bản chính thức dẹp bỏ phái Ấn Quang, mà để hai phái tự do tồn tại cho đến năm 1975.

Ngoài ra, dưới thời Việt Nam Cộng hòa, nhiều tôn giáo mới được thành lập như: đạo Dừa (1963), Tổ tiên Chính đạo (1966), Pháp tạng Phật giáo Việt Nam (1971), Hội Truyền giảng Phúc âm (1973), v.v. Tất cả đều được chính quyền công nhận.

Hoạt động tuyên úy trong quân đội

Điều đặc biệt nhất trong quân đội Việt Nam Cộng hòa có lẽ là sự xuất hiện của các tuyên úy, những chức sắc chăm lo đời sống tôn giáo của binh sĩ. Họ gắn bó với các quân nhân hiện dịch trên phương diện tinh thần và không phải ra chiến trường chiến đấu trực tiếp.

Các tuyên úy đầu tiên thuộc về Công giáo. Họ xuất hiện vào khoảng cuối năm 1955, tức họ có mặt ngay khi Ngô Đình Diệm trở thành Tổng thống của nền Đệ nhất Cộng Hòa. 

Trong suốt hơn tám năm làm tổng thống, quân đội dưới thời ông chỉ có các tuyên úy Công giáo. Trong khi đó, Phật giáo dù có số đông tín đồ, ông vẫn không chấp nhận tổ chức biên chế tuyên úy tương tự. [10]

Cũng từ khi chế độ tuyên úy xuất hiện, khắp các doanh trại quân đội bắt đầu mọc lên nhà thờ Công giáo.

Vì là một tín đồ Công giáo nhiệt thành, Ngô Đình Diệm đã quá ưu ái đối với Công giáo. Điều này đã trở thành một trong những nguồn cơn dẫn đến sự bất mãn của các tín đồ Phật giáo trong và ngoài quân đội.

Chỉ đến khi chính quyền của ông sụp đổ vào tháng 11/1963, ngành tuyên úy Phật giáo mới được thành lập và Hòa thượng Thích Tâm Giác trở thành giám đốc đầu tiên của Nha Tuyên úy Phật giáo. [11]

https://lh5.googleusercontent.com/pSNYnaYPLypDiylboTBCZ03yz9HrfnBLUOhFFRjVGzsO8rc5dvaPv-MGmu7SNCv2TbFp52QSvjzREwsermBNFlWAXbxNc7ZFiBZ-3Vz7FKRpbNsTqWOItIBRkXm6WogN6QLESaPM8WuKeCoXcM4KW60

Một nhà thờ trong khuôn viên sân bay Tân Sơn Nhất do Nha tuyên úy Công giáo quản lý. Ảnh: conggiao.vn 

Sau năm 1964, Nha Tuyên úy Phật giáo, Nha Tuyên úy Công giáo và Nha Tuyên úy Tin Lành đều cùng trực thuộc Cục Xã hội thuộc Tổng cục Chiến tranh Chính trị và tồn tại cho đến ngày 30/4/1975.

Chưa có nguồn thông tin nào phản ánh đầy đủ số lượng các tuyên úy hiện diện trong quân đội Việt Nam Cộng hòa, cũng như sự phân bổ các tuyên úy cho các đơn vị quân đội, điều này tùy thuộc vào nhu cầu ở từng địa phương.

Sau năm 1975, chính quyền cộng sản chấm dứt ngành tuyên úy trong quân đội và bắt các tuyên úy phải đi học tập cải tạo, một hình thức đi tù nhưng không kết án.

Tôn giáo được tự do biểu tình

Mặc dù trải qua hai nền cộng hòa, chính quyền miền Nam Việt Nam vẫn chưa có luật biểu tình rõ ràng. 

Tuy nhiên, quyền biểu tình lại được ghi nhận tại Điều 13 của Hiến pháp năm 1967 rằng: “Quốc gia tôn trọng các quyền chính trị của công dân kể cả quyền tự do thỉnh nguyện, quyền đối lập công khai bất bạo động và hợp pháp.” (Điều 13.3). 

Mặc dù không có luật biểu tình rõ ràng nhưng quyền biểu tình vẫn mặc nhiên là quyền căn bản của người dân. Bởi vậy, chính trường miền Nam luôn có sự sôi động và nhộn nhịp.

Có điều, sự nhộn nhịp này được đánh dấu bằng các cuộc biểu tình do các tổ chức tôn giáo phát động. Họ luôn gây áp lực lên chính quyền ở từng thời điểm, với nhiều lý do, thậm chí có cả động cơ phi tôn giáo.

Trong đó, Phật giáo luôn tiến hành các hoạt động biểu tình rầm rộ và sôi nổi nhất. 

Đầu tiên, không thể không kể đến biến cố Phật giáo năm 1963, khởi đầu vào ngày 6/5/1963, khi Ngô Đình Diệm ra Công điện số 9195 cấm treo cờ Phật giáo vào dịp lễ Phật đản cùng năm. [12] 

Ngay lập tức, giới lãnh đạo Phật giáo phản đối quyết liệt nhưng chính quyền vẫn phớt lờ và thi hành lệnh trên tại Huế. 

Ngày hôm sau, các tín đồ Phật giáo đồng loạt đem bàn thờ Phật xuống đường biểu tình phản đối chính quyền Ngô Đình Diệm. Một số khác kéo tới tỉnh tòa Thừa Thiên buộc viên tỉnh trưởng phải nhượng bộ để cho cờ Phật giáo được treo lại trong ngày lễ Phật đản. [13]

Tối ngày 7/5/1963, một cuộc họp bí mật do giới lãnh đạo Phật giáo tổ chức tại chùa Từ Đàm (Huế) quyết định tổ chức cuộc biểu tình chống chính quyền.

Vào 6 giờ sáng ngày 8/5/1963, cuộc rước Phật từ chùa Diệu Đế về chùa Từ Đàm biến thành cuộc biểu tình đòi chính quyền thi hành chính sách bình đẳng tôn giáo. Tại cuộc biểu tình, các chư tăng cùng tín đồ hô vang và trương lên các biểu ngữ có nội dung chống chính quyền.

https://www.luatkhoa.com/content/images/2023/07/1.jpg

Cuộc rước Phật từ chùa Diệu Đế về chùa Từ Đàm năm 1963. 

Tối cùng ngày, cơ quan chức năng không phát chương trình lễ Phật Đản được thu vào buổi sáng. Điều này làm người biểu tình bao vây Đài phát thanh Huế, dẫn đến việc quân đội xả súng vào họ. Vụ xả súng khiến tám người thiệt mạng và nhiều người khác bị thương. [14]

Đến ngày 10/5/1963, Thượng tọa Thích Trí Quang tổ chức cuộc mít tinh tại chùa Từ Đàm và công bố một bản tuyên ngôn gồm năm nguyện vọng của Ủy ban Liên phái Bảo vệ Phật giáo yêu cầu chính quyền giải quyết.

Vào hôm sau, tại thủ đô Sài Gòn, Hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu. Việc này tạo nên một sự kiện chấn động khắp cả đất nước, kéo theo hàng loạt các cuộc biểu tình và tự thiêu liên tiếp như: vụ nhà sư Thích Quảng Hương tự thiêu tại chợ Bến Thành vào ngày 5/10/1963 hay Đại đức Thích Thiện Mỹ tại nhà thờ Đức Bà vào ngày 27/10/1963.

Ngay cả khi chính quyền Ngô Đình Diệm sụp đổ, Phật giáo vẫn không ngừng tổ chức các cuộc biểu tình khác như: chống chính quyền Trần Văn Hương (1964); các cuộc biểu tình, đình công và bạo loạn trên khắp miền Trung (1966), v.v.

Sau giai đoạn trên, Thượng tọa Thích Trí Quang lại dẫn đầu các Phật tử xuống đường biểu tình phản đối chính quyền, yêu cầu hủy bỏ Sắc luật 23/67 công nhận khối Việt Nam Quốc Tự do Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu ký.

https://lh5.googleusercontent.com/yhKhySWVu2vXdSGOxG9ZD-WMMXLBKd35wOddzbdTykxVNgwO9LV12vZl14NJzO_vyer1DdtFb3URsT4H-dBT3TKUD411jcuJ0p6dGln8l6q_i5HG21cy8U9m8_SzBub2c6r4NbjkAEzZ0ZYOrvMbeNo

Cuộc biểu tình năm 1967 diễn ra tại trung tâm Sài Gòn và đỉnh điểm trước Dinh Độc Lập. Không lâu sau ông Thiệu cùng ông Kỳ xuất hiện đối thoại với các nhà sư. 

Cuộc biểu tình có quy mô lớn cuối cùng của Phật giáo được ghi nhận là vào ngày 31/3/1975, ngay những thời khắc lịch sử cuối cùng của Việt Nam Cộng hòa. Cuộc biểu tình cũng do Thượng tọa Thích Trí Quang phát động, ông cùng các Phật tử đòi Tổng thống Thiệu phải từ chức.

Ngoài Phật giáo, Công giáo cũng thường xuyên tổ chức các cuộc biểu tình tương tự.

Sau năm 1963, Tổng thống Pháp Charles de Gaulle đề nghị một chủ trương trung lập cho chính phủ của tướng Dương Văn Minh, trong đó có việc yêu cầu Hoa Kỳ không can thiệp vào nội bộ Việt Nam. Đối với Liên đoàn Sinh viên Công Giáo, chủ nghĩa trung lập đồng nghĩa rằng phải chấp nhận sự cai trị của cộng sản. Vì vậy, họ đã tổ chức hai cuộc biểu tình chống lại chủ trương trung lập này. [15]

Đến tháng 2/1965, ông Phan Huy Quát trở thành thủ tướng và theo chủ trương đối thoại với Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam. Điều này khiến giới Công giáo cho rằng ông Quát có xu hướng chống Công giáo trong một vài chính sách của mình. [16] Họ đã tổ chức các cuộc biểu tình dẫn đầu bởi một số người Công giáo cực đoan như linh mục Hoàng Quỳnh và Hồ Văn Vui. [17]

Cũng trong năm 1965, Công giáo tổ chức biểu tình chống tân đại sứ Lodge và sang đầu năm sau, người Công giáo một lần nữa tổ chức các cuộc biểu tình lớn chống lại điều họ tin là “sự đầu hàng [của chính phủ] trước tối hậu thư của Phật giáo”. [18]

Ngay cả khi ông Thiệu đang trên đỉnh cao của quyền lực, các giới chức Công giáo cũng tiến hành các cuộc biểu tình lớn. Điển hình trong số đó là sự chống đối của linh mục Trần Hữu Thanh, một linh mục thuộc dòng Chúa Cứu thế, người đứng đầu một chiến dịch chống tham nhũng chống ông Thiệu. [19] Cha Thanh buộc tội ông Thiệu “lợi dụng việc chống cộng cho những mục đích cá nhân và tham nhũng”. [20]

***

Tình hình tôn giáo trước năm 1975 không diễn biến “lặng lẽ” như hiện nay. Chính vì thế, giai đoạn đó lại được xem là thời kỳ huy hoàng của tự do tôn giáo. Nó sản sinh ra những giá trị ưu việt về tư tưởng tôn giáo và đóng góp đáng kể cho nền pháp quyền đến khi chính quyền miền Nam sụp đổ .

Mặc dù các chính sách tôn giáo kể trên không thể bao quát hết bức tranh tôn giáo Việt Nam lúc bấy giờ nhưng sẽ giúp chúng ta có góc nhìn so sánh tổng quát về tình hình tôn giáo dưới hai chế độ.

Đáng tiếc là lịch sử Việt Nam hiện đại chưa bao giờ ghi nhận sự tự do về mặt tôn giáo diễn ra theo đúng nghĩa. 

https://www.luatkhoa.com/2023/07

Comments are closed.