Báo cáo năm 2023 về Tự do Tôn giáo Quốc tế: Việt Nam
TÓM TẮT
Hiến pháp [CSVN] quy định mọi cá nhân đều có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Luật pháp [CSVN] quy định sự kiểm soát chặt chẽ của nhà cầm quyền đối với các hoạt động tôn giáo và bao gồm các điều khoản mơ hồ cho phép hạn chế tự do tôn giáo vì lợi ích được tuyên bố là an ninh quốc gia và đoàn kết xã hội, đồng thời cho phép các quan chức địa phương đưa ra quyết định tùy tiện về việc ghi danh và công nhận các nhóm tôn giáo hoặc nơi thờ cúng mới. Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo duy trì quy trình ghi danh và công nhận qua nhiều giai đoạn đối với các tổ chức tôn giáo yêu cầu phải có những quyết định như vậy ở từng giai đoạn.
Các tổ chức phi chính phủ (NGO) và các tín đồ đã báo cáo các trường hợp quan chức cầm quyền hành hạ thể xác các cá nhân thuộc các nhóm tôn giáo thiểu số, đặc biệt là các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên, mặc dù không rõ các trường hợp được báo cáo có liên quan đến tôn giáo hay không. Có báo cáo cho biết các nhân viên an ninh tỉnh Đăk Lăk đã hành hạ thể xác hai người dân tộc thiểu số theo đạo Tin Lành trong khi thẩm vấn họ về tôn giáo và mối liên hệ với các tổ chức phi chính phủ mà nhà cầm quyền cho biết có liên quan đến các vụ tấn công. Ở Tây Bắc và Tây Nguyên, lãnh đạo đại diện cho cả các nhóm tôn giáo đã ghi danh và chưa ghi danh cho biết nhà cầm quyền thường xuyên sử dụng các phương pháp bất bạo động hoặc ít hung hãn hơn trong cách đối xử với các nhóm tôn giáo so với những năm trước, chẳng hạn như triệu tập đại diện họp định kỳ hoặc đe dọa hoặc xử phạt hành chính để gây áp lực buộc họ phải tuân thủ các yêu cầu của nhà cầm quyền, bao gồm cả việc ghi danh và chấm dứt các cuộc tụ tập bất hợp pháp. Thành viên của các nhóm tôn giáo chưa ghi danh cho biết nhà cầm quyền đã gây áp lực cho các nhóm tôn giáo được công nhận can thiệp vào nội bộ của các nhóm chưa ghi danh.
Vào tháng Tư, nhà cầm quyền tỉnh Đăk Lăk đã bắt giữ Y Krec Bya, một thành viên của Giáo hội Tin Lành Chúa Kitô (ECC) chưa ghi danh và buộc tội ông “phá hoại chính sách đoàn kết” theo bộ luật hình sự. Nhà cầm quyền địa phương cáo buộc ông thu thập và phổ biến thông tin xuyên tạc gây chia rẽ giữa người dân với nhà cầm quyền và giữa các nhóm tôn giáo. Ngày 18 tháng 5, nhà cầm quyền Phú Yên bắt Nay Y Blang, cũng là thành viên của ECC, và buộc ông tội “lợi dụng các quyền tự do dân chủ” theo bộ luật hình sự. Cơ quan an ninh địa phương cáo buộc ông truyền đạo và tiến hành các hoạt động tôn giáo bất hợp pháp, cùng nhiều cáo buộc khác. Vào tháng 7, nhà cầm quyền các tỉnh Trà Vinh và Sóc Trăng đã bắt giữ ba người ủng hộ Phật giáo Khmer Krom vì tội “lợi dụng các quyền tự do dân chủ”. Vào tháng 12, nhà cầm quyền An Giang đã xét xử và kết án Phật tử Hòa Hảo độc lập Nguyễn Hoàng Nam tám năm tù vì “tuyên truyền tài liệu chống nhà nước” bằng cách đăng tải các tài liệu “phá hoại chính sách tôn giáo hoặc đoàn kết dân tộc”. Cuối năm, 8 tín đồ H’Mông Dương Văn Minh vẫn còn trong tù với tội danh “chống người thi hành công vụ” và “vi phạm quy định về an toàn công cộng”. Trong năm, nhà cầm quyền đã thả bảy người khác bị bắt vào năm 2021-2022 với tội danh tương tự. Theo Bộ Công an, tính đến tháng 3, gần 8.000 tín đồ Dương Văn Minh đã bỏ đạo sau các chiến dịch mạnh mẽ nhằm thực hiện việc này vào năm 2022 và đầu năm 2023. Đến giữa năm nay, nhà cầm quyền địa phương ở một số khu vực, trong đó có các tỉnh Tuyên Quang, Bắc Cạn, và Thái Nguyên cho biết địa phương của họ “hoàn toàn thoát khỏi ảnh hưởng của tà giáo Dương Văn Mình”. Sau các cuộc tấn công vũ trang vào các tòa nhà cầm quyền ở tỉnh Đăk Lăk vào ngày 11 tháng 6 khiến 9 người thiệt mạng và nhà cầm quyền mô tả là cuộc khủng bố, nhà cầm quyền đã cáo buộc một số người ủng hộ tự do tôn giáo/quyền của người dân tộc thiểu số và các tổ chức phi chính phủ ở Hoa Kỳ và Thái Lan là có liên quan đến cuộc tấn công này.
Nhà cầm quyền đã công nhận hai tổ chức tôn giáo mới sau hơn 4 năm không có sự công nhận mới nào. Nhiều nhóm tôn giáo tiếp tục cho biết việc ghi danh với nhà cầm quyền địa phương vẫn còn khó khăn, đặc biệt đối với các phong trào tôn giáo mới và các nhóm có đông người dân tộc thiểu số. Vào ngày 29 tháng 12, nhà cầm quyền đã ban hành Nghị định 95, có hiệu lực từ ngày 30 tháng 3 năm 2024, trong đó sẽ đưa ra những hạn chế mới về quyền hành của nhà cầm quyền địa phương trong việc thực hiện Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo và đưa ra cơ chế để nhà cầm quyền trung ương đình chỉ các nhóm tôn giáo vì “hành vi vi phạm” pháp luật nghiêm trọng. Nó cũng bao gồm các điều kiện mới cho việc nhận tài trợ từ nước ngoài.
Vẫn tiếp tục có thông tin về sự xung đột giữa các thành viên của các nhóm tôn giáo chưa ghi danh và đã ghi danh hoặc được công nhận hoặc giữa những người có đức tin và những người không có đức tin. Vào ngày 26 tháng 8, các thành viên của nhóm Cao Đài đã ghi danh ở xã Long Thuận, huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh được cho là đã gây áp lực buộc Lâm Thị Đam, một tín đồ Cao Đài độc lập, phải yêu cầu nhóm Cao Đài đã ghi danh tổ chức tang lễ cho cha cô thay vì bởi nhóm Cao Đài độc lập của cô.
Vào tháng 4, Ngoại trưởng Hoa Kỳ đã đến thăm Tu viện Thánh Phaolô de Chartres ở Hà Nội và gặp gỡ các nữ tu Công giáo, nêu lên công tác của họ trong việc giáo dục trẻ em và cung cấp thức ăn cho người nghèo như những ví dụ về sự đóng góp tích cực của các nhóm tôn giáo khi có thể được hoạt động tự do trong xã hội. Đại sứ Hoa Kỳ, Tổng lãnh sự tại Sài Gòn và các quan chức khác của Đại sứ quán, Tổng lãnh sự quán Hoa Kỳ thường xuyên kêu gọi nhà cầm quyền cho phép tất cả các nhóm tôn giáo được hoạt động tự do. Họ tìm cách giảm mức độ can thiệp của nhà cầm quyền vào công việc của các nhóm tôn giáo được công nhận và ghi danh, đồng thời kêu gọi chấm dứt các hạn chế và quấy rối đối với các nhóm chưa được công nhận hoặc ghi danh. Họ nhấn mạnh với các quan chức cầm quyền rằng tiến bộ về tự do tôn giáo và nhân quyền là rất quan trọng đối với mối quan hệ song phương. Họ ủng hộ tự do tôn giáo trong các chuyến thăm khắp nước, bao gồm Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long và miền Trung Việt Nam. Với Ban Tôn giáo Chính phủ (BTGCP), Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, nhà cầm quyền các tỉnh, thành phố, các quan chức chính phủ Hoa Kỳ nêu ra các trường hợp cụ thể về lạm dụng, cũng như sách nhiễu của nhà cầm quyền đối với người Công giáo, các nhóm Tin Lành bao gồm các nhóm Ngũ Tuần độc lập, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất (GHPGVNTN), các nhóm Hòa Hảo độc lập, các nhóm Cao Đài độc lập và các hội thánh tại gia của các dân tộc thiểu số. Các quan chức chính phủ Hoa Kỳ kêu gọi tăng cường ghi danh các giáo đoàn trên khắp đất nước và cải thiện chính sách ghi danh bằng cách làm thống nhất và minh bạch hơn. Họ tiếp tục kêu gọi nhà cầm quyền giải quyết các tranh chấp về quyền đất đai còn tồn đọng một cách công bằng và ôn hòa với các nhóm tôn giáo. Đại sứ và các quan chức khác của Đại sứ quán và Lãnh sự quán đã gặp gỡ lãnh đạo của cả các nhóm tôn giáo đã ghi danh và chưa ghi danh, đồng thời tham dự các nghi lễ tôn giáo để thể hiện sự ủng hộ đối với tự do tôn giáo.
Vào ngày 29 tháng 12 năm 2023, theo Đạo Luật Tự Do Tôn Giáo Quốc tế năm 1998 đã được sửa đổi, Ngoại Trưởng Hoa Kỳ đã liệt kê Việt Nam trong Danh Sách Theo Dõi Đặc Biệt vì đã tham gia hoặc dung túng cho những hành vi vi phạm nghiêm trọng quyền tự do tôn giáo.
Trích từ
Fra: <hvantran069@gmail.com>
Date: ons. 26. juni 2024 kl. 20:32
Subject: Báo Cáo của BNG Hoa Kỳ
To: <lmvdccvn@googlegroups.com>
Kính thưa quý vị,
Chúng tôi xin kính trình bản báo cáo vừa mới được ban hành của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ về tình hình tôn giáo ở Việt Nam: Vietnam – United States Department of State.
Dưới đây là phần tóm lược của bản báo cáo thường niên này .
Trân trọng,
Alliance for Vietnam’s Democracy