Chuyển tiền ra nước ngoài là hành vi rửa tiền? – VNTB


31.10.2021 12:18

VNTB – Chuyển tiền ra nước ngoài là hành vi rửa tiền?

Đông Đô

(VNTB) – Đảng viên không được chuyển tiền, tài sản ra nước ngoài, mở tài khoản và mua bán tài sản ở nước ngoài trái quy định.

Đó là nội dung ghi tại điều 9 ở Quy định số 37-QĐ/TW, “Về những điều đảng viên không được làm”, do Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành ngày 25-10-2021.

Điều 9. Báo cáo, lập hồ sơ, kê khai lý lịch, kê khai tài sản, thu nhập không trung thực. Sử dụng văn bằng, chứng chỉ, chứng nhận giả, không hợp pháp; nhập quốc tịch, chuyển tiền, tài sản ra nước ngoài, mở tài khoản và mua bán tài sản ở nước ngoài trái quy định”.

Tiền ở đâu để mà ‘rửa’?

Hành vi mở tài khoản và mua bán tài sản ở nước ngoài trái quy định liệu có phải là nghi vấn của tội rửa tiền?

Theo khoản 1 Điều 4 Luật Phòng chống rửa tiền 2012, rửa tiền là hành vi của tổ chức, cá nhân nhằm hợp pháp hóa nguồn gốc của tài sản do phạm tội mà có. Các hành vi được quy định là rửa tiền bao gồm: Tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào giao dịch tài chính, ngân hàng hoặc giao dịch khác nhằm che giấu nguồn gốc bất hợp pháp của tiền, tài sản do mình phạm tội mà có hoặc biết hay có cơ sở để biết là do người khác phạm tội mà có;

Sử dụng tiền, tài sản do mình phạm tội mà có, hoặc biết hay có cơ sở để biết là do người khác thực hiện hành vi phạm tội mà có, vào việc tiến hành các hoạt động kinh doanh hoặc hoạt động khác;

Che giấu thông tin về nguồn gốc, bản chất thực sự, vị trí, quá trình di chuyển hoặc quyền sở hữu đối với tiền, tài sản do mình phạm tội mà có; hoặc biết hay có cơ sở để biết là do người khác phạm tội mà có hoặc cản trở việc xác minh các thông tin đó;

Thực hiện một trong các hành vi trên đối với tiền, tài sản biết là có được từ việc chuyển dịch, chuyển nhượng, chuyển đổi tiền, tài sản do người khác thực hiện hành vi phạm tội mà có;

Trợ giúp cho tổ chức, cá nhân có liên quan đến tội phạm nhằm trốn tránh trách nhiệm pháp lý bằng việc hợp pháp hóa nguồn gốc tài sản do phạm tội mà có; Chiếm hữu tài sản nếu tại thời điểm nhận tài sản đã biết rõ tài sản đó do phạm tội mà có, nhằm hợp pháp hóa nguồn gốc tài sản.

Trong đó, “tài sản” được nhắc đến ở đây bao gồm vật, tiền, giấy tờ có giá và các quyền tài sản theo quy định của Bộ luật dân sự, có thể tồn tại dưới hình thức vật chất hoặc phi vật chất; động sản hoặc bất động sản; hữu hình hoặc vô hình; các chứng từ hoặc công cụ pháp lý chứng minh quyền sở hữu hoặc lợi ích đối với tài sản đó.

Rửa tiền là một trong những hành vi xâm phạm trật tự công cộng. Theo đó, nếu thực hiện hành vi rửa tiền, cá nhân, pháp nhân thương mại sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội rửa tiền.

Tội rửa tiền được quy định tại Điều 324 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017. Trong đó, các mức phạt được quy định riêng cho cá nhân và pháp nhân khi phạm tội.

Trái quy định, nhưng đó là quy định của ai?

Câu hỏi không dễ trả lời, đó là thế nào mới bị coi rằng mua bán tài sản ở nước ngoài trái quy định?

Một câu chuyện cũ từng được cảnh báo trên kênh truyền hình Công an nhân dân với phóng sự “Mua nhà ở Mỹ, con đường tham quan Việt tẩu tán gia tài?

Theo phóng sự này, Hiệp hội Quốc gia chuyên viên địa ốc Mỹ (NAR) được thành lập năm 1908, có hơn 1,1 triệu thành viên trên khắp nước Mỹ. Ngày 18-7-2017, NAR đã công bố báo cáo thường niên có tên “Hồ sơ các hoạt động quốc tế trong lĩnh vực bất động sản ở Mỹ năm 2017”. Báo cáo dựa trên các số liệu được tổng hợp từ tháng 4-2016 đến tháng 3-2017 cho thấy, người nước ngoài đã chi 153 tỉ USD để mua 284.455 căn nhà ở Mỹ. Trong số này, người Việt Nam đã chi tổng cộng 3,06 tỉ USD (chiếm 2%).

Theo báo cáo, dẫn đầu trong tốp 10 quốc gia có công dân mua nhà ở Mỹ trong năm 2017 nhiều nhất là Trung Quốc với 31,7 tỉ USD. Kế tiếp là Canada (19 tỉ USD), Anh (9,5 tỉ USD), Mexico (9,3 tỉ USD) và Ấn Độ (7,8 tỉ USD). Việt Nam tăng 2 bậc (năm 2016 xếp vị trí thứ 8) để “soán” vị trí thứ 6 với 3,06 tỉ USD, bằng với những quốc gia phát triển khác như Đức, Nhật Bản và đang phát triển như Venezuela.

Thống kê của NAR còn cho thấy Việt Nam là quốc gia mua nhà liên tục đứng trong tốp 10 ở Mỹ nhiều năm qua. Báo cáo của NAR cho biết, 65% người mua Trung Quốc trả bằng tiền mặt, chỉ có 26% vay tiền mua nhà ở Mỹ.

Những con số công bố ở trên cũng là thời gian mà ông Nguyễn Phú Trọng vẫn đang ngồi ghế Tổng bí thư. Chắc chắn ông được nhóm thư ký của mình phân tích rõ việc mua nhà ở Mỹ bằng nguồn tiền từ Việt Nam chuyển qua là cực kỳ khó khăn. Nếu là doanh nghiệp thì phải thành lập doanh nghiệp ở nước ngoài, được cấp phép bởi Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Sau khi thành lập doanh nghiệp ở nước ngoài, thực hiện hàng loạt các thủ tục, báo cáo… thì mới chuyển tiền qua được và cam kết sử dụng tiền đúng mục đích.

Còn đối với cá nhân khi chuyển tiền ra nước ngoài thì phải có lý do chính đáng, trong lý do chính đáng đó, không có lý do mua nhà mà không được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Phố biến chỉ có chuyển tiền qua đóng học phí cho sinh viên, học sinh đi học bên đó, đóng tiền để mua xe hơi sau khi đi học và có bằng lái, đóng tiền thuê nhà, những khoản sinh hoạt phí hợp lý thì mới được chuyển còn nếu không thì không được. Và như vậy, chắc chắn ông Nguyễn Phú Trọng hiểu với số tiền lớn 3 tỉ USD thì người Việt khó chuyển được bằng con đường chính thức. Họ chỉ có thể hoặc chuyển vào một ngân hàng trung gian ở nước ngoài rồi từ nước thứ 3 đó chuyển vào Mỹ để mua nhà.

Lưu ý, luật pháp Mỹ quy định nếu đồng tiền bất chính như là đồng tiền tham nhũng, do kinh doanh những ngành nghề bóc lột sức lao động, buôn lậu vũ khí, ma túy mà Mỹ chứng minh là tiền bẩn thì không mua được.

Và nếu số tiền chuyển đi hợp pháp thì khó có thể đạt đến con số khủng 3 tỉ USD trong năm 2017 như báo cáo của NAR đã nêu.

Comments are closed.