Chuyện Việt Nam ngày 30-3-2023: * Vận chuyển ma túy nói không biết sẽ vô tội? * Nền giáo dục dâm loạn và bạo lực * Ai chết mặc ai, còn đảng còn ăn chận dân * Suy Nghĩ về 4 cô tiếp viên ngồi xổm trên sàn nhà.
VNTB – Vận chuyển rồi nói không biết đó là… ma túy thì sẽ vô tội?
Trường Sơn
(VNTB) – “Vậy rủi ai vận chuyển ma túy cũng nói không biết để chối tội thì sao?”
Chiều 30-3, Trung tâm Báo chí TP.HCM đã tổ chức buổi họp báo định kỳ thông tin về phòng chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế.
“Có ý kiến cho rằng qua vụ việc 4 tiếp viên hàng không, vậy thì ai vận chuyển ma túy cũng nói không biết để chối tội thì sao?” – một phóng viên đặt đâu hỏi.
Trả lời câu hỏi này, thượng tá Lê Mạnh Hà khẳng định: Tội phạm ma túy không từ một thủ đoạn nào để che giấu hành vi, qua mặt cơ quan chức năng. Dù thủ đoạn nào thì trách nhiệm của lực lượng công an phải làm rõ hành vi, lời khai, củng cố hồ sơ, chứng cứ, diễn biến để không bỏ lọt tội phạm, không làm oan người vô tội.
Ông Hà cho biết, tội phạm ma túy gây hậu quả, tác hại rất lớn đối với con người và xã hội. Do đó, bộ luật hình sự đã quy định những hình phạt nghiêm khắc với các tội danh về ma túy, trong đó, khung hình phạt cao nhất là tử hình. Nhóm tội phạm liên quan đến ma túy thường thu lợi nhuận rất lớn nên bằng mọi cách thức tinh vi, không từ thủ đoạn nào với nhiều để có thể che giấu hành vi phạm tội.
“Dù là thủ đoạn nào thì bản chất khách quan vụ việc, vụ án không thể thay đổi. Do vậy, trách nhiệm của lực lượng công an là điều tra, làm rõ diễn biến, hành vi phạm tội để không bỏ lọt tội phạm, không làm oan người vô tội” – thượng tá Lê Mạnh Hà nhấn mạnh.
Thượng tá Hà không trực tiếp trả lời câu hỏi trên của phóng viên mà lại đưa ra diễn giải đại khái rằng liên quan vụ 4 tiếp viên hàng không, Công an TP.HCM đã khởi tố vụ án Vận chuyển trái phép chất ma túy để điều tra.
Vụ việc 4 tiếp viên đang tạo một tiền lệ xấu trong chuyện “nói không biết”. Theo đó, vào 8 giờ 45 phút ngày 16-3-2023, thông qua máy soi chiếu Chi cục Hải quan cửa khẩu Quốc tế sân bay Tân Sơn Nhất đã phát hiện lô hàng hóa khoảng 60 kg gồm 4 vali của 4 tiếp viên Vietnam Airlines là Trần Thị Thu Ngân, Võ Tú Quỳnh, Nguyễn Thanh Thuỷ và Đặng Phương Vân có nghi vấn nên tiến hành kiểm tra.
Sau đó, đơn vị này phối hợp Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (Bộ Công an) và Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (Công an TP.HCM) tiến hành kiểm tra, phát hiện trong 4 vali, ngoài các vật dụng cá nhân, có tổng cộng 327 tuýp kem đánh răng (chưa mở nắp, nhiều nhãn hiệu khác nhau, mỗi tuýp được đựng trong một hộp giấy riêng lẻ) và 17 chai nước súc miệng. Tiến hành kiểm tra bên trong các tuýp kem đánh răng nêu trên, phát hiện có 157 tuýp chứa tổng cộng 11.284,57 gram ma túy các loại Ketamine và MDMA.
Tuy nhiên đến ngày 22-3-2023 cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an TP.HCM đã ra quyết định trả tự do cho 4 tiếp viên hàng không.
Về nội dung tin đồn 2 đối tượng nghi can trong vụ việc trên bị bắt, đại diện công an TP.HCM chưa cung cấp thông tin tại buổi họp báo chiều ngày 30-3-2023.
Nội dung trả lời trên của đại diện Công an TP.HCM không bất ngờ, vì một tuần lễ trước đó cũng tại một họp báo, trả lời câu hỏi của phóng viên, vì sao 4 tiếp viên mang ma túy từ Pháp về Việt Nam không bị khởi tố, trong khi nhiều trường hợp tương tự lại bị khởi tố và tuyên án tử hình, Thượng tá Lê Mạnh Hà cho biết, muốn khởi tố bị can thì hành vi vi phạm phải đảm bảo các yếu tố cấu thành.
Theo Thượng tá Hà, vụ việc 4 tiếp viên mang ma túy từ Pháp về Việt Nam trong quá trình thu thập tài liệu chứng cứ cơ quan công an chưa chứng minh được yếu tố phạm tội, còn các trường hợp đã từng bị khởi tố thì các yếu tố phạm tội đều được làm rõ.
“Tất nhiên trong quá trình điều tra, cơ quan chức năng sẽ làm rõ các bước và điều tra thu thập, đánh giá toàn diện các chứng cứ từ các nguồn khác nhau, kể cả khám xét để chứng minh cho yếu tố phạm tội” – Thượng tá Lê Mạnh Hà nói.
“Tất nhiên, vụ việc liên quan đến 4 nữ tiếp viên vận chuyển ma túy từ Pháp về Việt Nam này vẫn đang trong quá trình điều tra. Nếu trong quá trình điều tra mà phát hiện những dấu hiệu cấu thành tội phạm thì cơ quan điều tra sẽ thực hiện các biện pháp xử lý, chứ không phải vụ việc đã kết thúc” – ông Hà nói.
Trong một diễn biến được cho là liên quan, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã có văn bản bày tỏ lời khen gửi Cục Hải quan TP.HCM, Đội Kiểm soát chống buôn lậu khu vực miền Nam, Cục Điều tra chống buôn lậu, Phòng 7, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (C04), Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Công an TP.HCM (PC04), sau vụ việc triệt phá đường dây vận chuyển ma túy về Việt Nam.
“Thay mặt lãnh đạo Bộ Tài chính, tôi nhiệt liệt chúc mừng và biểu dương thành tích đặc biệt xuất sắc nêu trên. Chiến công của các đồng chí là kết quả của sự đoàn kết, phối hợp chặt chẽ giữa lực lượng hải quan với các lực lượng chức năng trong công tác phòng, chống buôn lậu nói chung và công tác phòng, chống tội phạm ma túy nói riêng. Chiến công này đã góp phần quan trọng vào việc giữ vững an ninh, an toàn xã hội của đất nước”, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nêu trong thư khen.
Nội dung thư khen này được cho là một mỉa mai vì cho đến nay, không thể gọi là “thành tích đặc biệt xuất sắc” như cách dùng từ của ông Bộ trưởng, vì tuy bắt phạm pháp quả tang, nhưng lại không biết ai là “thủ phạm”.
Bên lề buổi họp báo, nhóm nhà báo chuyên về pháp đình đã nhắc lại vụ ngày 26-8-2022, Tòa án nhân dân TP.HCM xử sơ thẩm và tuyên phạt tử hình Võ Văn Hưng (sinh năm 1982, ngụ Đồng Tháp) về tội vận chuyển trái phép chất ma tuý.
Theo hồ sơ, một người đàn ông (không rõ lai lịch) thuê Hưng chuyển một giỏ xoài từ Đồng Tháp đến khu vực bệnh viện Chợ Rẫy, TP.HCM, tiền công 20 triệu đồng.
Đến khoảng 2 giờ ngày 8-6-2021, Hưng đến khu vực cầu vượt Hồng Ngự, Đồng Tháp nhận giỏ xoài rồi đem về nhà của Hưng cất giữ.
Hưng thuê xe ôtô chở Hưng đi từ tỉnh Đồng Tháp đến TP.HCM với giá 1,6 triệu đồng. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện trong cốp xe phía sau có chứa một túi xách, bên trên đựng xoài, bên dưới chứa 20 túi có vỏ giống túi đựng trà, bên trong là ma túy…
Cơ quan tố tụng xác định tài xế không liên quan gì đến việc vận chuyển ma tuý của Hưng. Tại tòa, Hưng nói không biết bên trong giỏ xoài có chứa ma túy…
Việt Nam Thời Báo
VNTB – Nền giáo dục dâm loạn và bạo lực
Trần Quí Thường
(VNTB) – Càng ngày đất nước càng xuất hiện nhiều giáo viên hung hăng, biến thái hơn.
Thầy giáo nhắn tin gạ tình quan hệ tình dục với nữ sinh lớp 8 trong toilet, nhưng ban giám hiệu lại cấu kết vu khống, đổ lỗi cho nữ sinh; cô giáo cắt tóc học sinh ngay trên bục giảng. Chỉ trong một tuần, ngành giáo dục Việt Nam xảy ra hai vụ án gây rúng động dư luận, đặt ra nhiều câu hỏi về đạo đức của người thầy trong xã hội hiện nay.
Thầy gạ tình, quan hệ tình dục với học sinh (vị thành niên) nhưng được giám hiệu bảo kê, ép nạn nhân lên facebook viết lời xin lỗi thầy
Ngày 14/3, mạng xã hội xuất hiện nhiều ảnh chụp màn hình tin nhắn cho thấy thầy giáo gạ tình học sinh lớp 8. Nguyễn Sơn Hà, sinh 1996, là giáo viên bộ môn âm nhạc của Trường THCS Xuân Diệu, tỉnh Tiền Giang. Nội dung các tin nhắn cho thấy gã giáo viên đã nhiều lần quan hệ tình dục với học trò của mình tại nhà vệ sinh và những nơi vắng vẻ ngay trong khuôn viên nhà trường.
Ngay sau đó, ban giám hiệu nhà trường đã mời nữ sinh lên gặp ban giám hiệu nhà trường làm rõ vụ việc, Nguyễn Sơn Hà cũng tham dự buổi làm việc này. Tại buổi làm việc, không rõ ban giám hiệu gây áp lực như thế nào, khiến cho nữ sinh phải nhận rằng có thành kiến với giáo viên của mình. Nên đã lấy hình ảnh thầy để tạo một tài khoản facebook giả mang tên Nguyễn Sơn Hà để vu khống thầy giáo âm nhạc.
Ngày 15/3, bà Nguyễn Thị Mỹ Linh, Hiệu trưởng THCS Xuân Diệu, trả lời báo chí rằng sự việc là do sinh tạo tài khoản giả nhắn tin qua lại với tài khoản facebook Nguyễn Sơn Hà, mục đích là hạ uy tín của thầy Hà. Bà Linh nói do nữ sinh này tự tạo nội dung tin nhắn, rồi chụp màn hình gửi các bạn trong lớp và phát tán trong trường. Sau khi làm việc với nhà trường, nữ sinh bị buộc phải xin lỗi thầy và đăng một bìa viết (có thể được nhà trường soạn sẵn) lên facebook để nhận tội và đính chính vụ việc. Đại diện nhà trường cũng cho biết sẽ kỷ luật học sinh này.
Ảnh: nội dung bài viết mà nữ sinh phải đăng lên trang cá nhân sau khi bị ban giám hiệu vu khống
Tuy nhiên, sau khi nhận được báo cáo từ nhà trường, lập tức, phụ huynh em này đến trường yêu cầu công an vào cuộc làm rõ. Kết quả xác minh cho thấy, các tin nhắn về việc quan hệ tình dục của Nguyễn Sơn Hà trên mạng xã hội là của chính gã giáo viên này, chứ không có việc học sinh làm giả facebook hắn ta để vu khống. Tại cơ quan công an, Nguyễn Sơn Hà thừa nhận hành vi của mình và đang bị nhà chức trách tạm giữ hình sự để điều tra làm rõ vụ án.
Cô giáo cắt tóc học sinh trên bục giảng, quay video cảnh báo phụ huynh
Chiều ngày 22/3, xuất hiện video cho thấy cô giáo Lê Thị Hương Lan – chủ nhiệm lớp 10A10, trường THPT Đội Cấn (Vĩnh Phúc) có hành động cắt tóc một nữ sinh ngay trên lớp học. Ngoài ra cô giáo này cũng có những lời nói đay nghiến khiến nhiều học sinh chứng kiến phải giật mình.
Trong video, cô Lan tuyên bố: “Tôi sẽ không cắt đẹp mà cắt lem nhem cho các bạn biết bởi vì tôi đã nhắc từ trước, em bảo chiều nhuộm lại mà nay vẫn còn”. Khi học sinh cho rằng cô giáo đang cắt tóc đen thì cô trả lời: “Hôm nay tôi cắt thật xấu chứ không phải cắt tóc vàng. Đấy là quy định rồi. Từ sau Tết Nguyên đán, nhà trường nhắc rồi mà vẫn để cụm light đấy…”. Nữ giáo viên này thừa nhận đã yêu cầu học sinh quay lại video gửi cho phụ huynh trong nhóm lớp biết việc cô phạt học sinh trên lớp.
Sau khi video cô giáo cắt tóc lan tỏa trên mạng xã hội, dư luận đã có nhiều ý kiến trái chiều. Khiến cho nữ sinh uất ức, khóc, buồn và chia sẻ với gia đình rằng không muốn đến lớp nữa. Theo quy định của Bộ GD&ĐT, hành vi của cô giáo này được quy vào bạo lực học đường. Gây tổn thương sâu sắc về tâm lý cho nữ sinh nói riêng và tất cả học sinh trong lớp chứng kiến sự việc nói chung. Rất có thể nữ sinh này sẽ bị sang chấn tâm lý, nếu không kịp thời động viên, dẫn tới tâm trạng bực tức, thù ghét, đi xa hơn nữa là xấu hổ không dám đi học, nghĩ quẩn.
Đây không phải lần đầu tiên sự việc như vậy xảy ra. Tháng 4/2021, một cô giáo ở Nam Định cũng cắt tóc nam học sinh. Cô giáo này đã bị kiểm điểm cảnh cáo. Và đây cũng không phải là lần đầu tiên xảy ra vụ việc thầy giáo gạ tình nữ sinh. Tháng 9/2021, một thầy giáo công tác tại trường THPT Cẩm Phả bị tố có hành vi nhắn tin nhạy cảm, gạ tình nữ sinh của trường. Còn rất nhiều vụ việc liên quan tới giáo viên sử dụng bạo lực tại trường học; gạ gẫm, cưỡng ép học sinh quan hệ tình dục mà chưa thể thống kê hết hoặc chưa bị phát hiện.
Điều đáng nói là những vụ việc này hầu như bị ban giám hiệu nhà trường ém nhẹm, xử lý có lệ, thậm chí đổ lỗi ngược lại cho học sinh
Dư luận vô cùng nhức nhói khi biết tin ban giám hiệu nhà trường có dấu hiệu bao che cho thầy giáo quan hệ tình dục với nữ sinh vị thành niên trong nhà vệ sinh. Một nhà hoạt động nhân quyền trong nước đánh giá rằng đây là hành vi phản giáo dục, đổi trắng thay đen, vi phạm đạo đức nhà giáo nghiêm trọng, ảnh hưởng nặng nề tới tâm lý non trẻ của học sinh.
“Không thể chấp nhận việc nhà trường đổ lỗi cho học sinh khi để bảo vệ cho một tên giáo viên biến chất như vậy được. Nếu phụ huynh không biết vụ việc và báo công an thì gã thầy giáo này liệu có buông tha cho nữ học sinh trẻ người non dạ không?” Nhà hoạt động này cho rằng ban giám hiệu nhà trường phải từ chức, thậm chí công an phải làm rõ có hay không việc ban giám hiệu tiếp tay che giấu cho hành vi của Nguyễn Sơn Hà, vu khống cho nữ sinh lớp 8.
Bạo lực học đường, quan hệ tình dục với học sinh vị thành niên… càng ngày đất nước càng xuất hiện nhiều giáo viên hung hăng, biến thái hơn. Còn nhà trường thì càng ngày càng trở thành hang ổ, bao che, dung túng cho những kẻ bệnh hoạn và suy đồi này. Rất nhiều trường hợp các em học sinh mồ côi, sống xa gia đình, không có sự bảo vệ của người thân; thật không thể tưởng tượng các em sẽ ra sao đi phải đi học ở một môi trường giáo dục xuống cấp, tha hoá như hiện nay.
Việt Nam Thời Báo
VNTB – Tiếp viên vận chuyển ma tuý: tin đồn ảnh hưởng đến uy tín chính trị của “nhị trụ”
Nguyễn Nam
(VNTB) – Quyết định trả tự do cho các tiếp viên đầy mạo hiểm càng củng cố thêm về hoài nghi có chống lưng phía sau cho họ.
Tấm gương Nguyễn Xuân Phúc
Trong bài phát biểu từ nhiệm, ông Nguyễn Xuân Phúc có ý nói rằng vợ con của ông không hề lợi dụng lúc ông còn tại chức để trục lợi…
Ông Nguyễn Xuân Phúc được Quốc hội làm thủ tục miễn nhiệm chức Chủ tịch nước hôm 18/1 để ‘chịu trách nhiệm chính trị’ trước ‘Đảng và nhân dân’. Tại buổi lễ bàn giao, ông Phúc nói ông đã “nỗ lực lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, quyền hạn”.
“Tuy nhiên trên cương vị Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2016 – 2021, tôi chịu trách nhiệm chính trị của người đứng đầu khi có một số cán bộ vi phạm, khuyết điểm, gây hậu quả nghiêm trọng”, ông Phúc nói thêm.
Đáng chú ý, vị nguyên Chủ tịch nước nói thêm một ý về vụ Việt Á: “Gia đình tôi, vợ, các con tôi không tư lợi, tham nhũng liên quan đến Việt Á, chưa bao giờ gặp giám đốc Việt Á, điều này đã được Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận rõ ràng”.
Thời gian qua, mạng xã hội Việt Nam dấy lên nhiều ngờ vực về liên đới của bà Trần Thị Nguyệt Thu, vợ ông Nguyễn Xuân Phúc, trong đại án Việt Á. Câu nói trên của ông dường như muốn trả lời những đồn đoán đó.
Đây là lần đầu tiên một trong tứ trụ ở Việt Nam lên tiếng về việc bãi nhiệm chức vụ của mình, điều không được công bố rõ ràng khi cho thôi việc đối với các quan chức cấp cao ở đất nước độc đảng.
Đáng tiếc ở đây là ông Nguyễn Xuân Phúc lên tiếng trong tình huống tạm gọi là ‘ngã ngựa’, nên sức thuyết phục có kém đi so với việc nếu ông đăng đàn khẳng định điều này ngay lúc xảy ra vụ án Việt Á với hàng loạt bê bối nhân sự cấp cao sau đó mà ai cũng nghĩ rằng ‘trùm cuối’ là ‘đệ nhất phu nhân’ Trần Thị Nguyệt Thu.
Bạch hóa là cách xử trí tốt nhất trước đồn đoán
Bài học nói trên, thiết nghĩ nên rút ngay ở câu chuyện thời sự về lùm xùm trong vụ 4 nữ tiếp viên hàng không Vietnam Airlines ‘xách dùm’ hàng hóa có chứa chất cấm. Theo đó, ngay lúc cả bốn tiếp viên này còn được câu lưu, dư luận đã đồn rùm có một cô họ Võ là cháu ruột của tân Chủ tịch nước.
Rồi đến khi cả bốn cô được trả tự do, tiếp tục có một thuyết âm mưu được tung ra đầy hư ảo, đó là tiếp viên trưởng trong vụ việc này có mối quan hệ quyền lực liên quan đến quý bà Lê Thị Bích Trân, phu nhân của Thủ tướng Phạm Minh Chính.
Như vậy khi hai trong số bốn tiếp viên đều được cho là gia đình ‘trâm anh thế phiệt về chính trị’, thì việc tạm giam và khởi tố bốn cô tiếp viên này trong vụ việc bắt quả tang vận chuyển hàng cấm, sẽ khả năng đưa đến nhiều tình tiết về lời khai có thể bất lợi cho con đường chính trị của các quan chức liên quan.
Thật vậy, trong giải thích lúc trả tự do, theo thông cáo báo chí của Phòng Tham mưu Công an TP.HCM, thì: “Căn cứ kết quả điều tra, ngày 21/3/2023, các cơ quan chức năng đã họp, đánh giá toàn diện tài liệu, chứng cứ thu thập được và đối chiếu các quy định của pháp luật, bước đầu xác định:khi 04 tiếp viên hàng không nêu trên đang lưu trú tại Pháp thì có 01 đối tượng người Việt Nam nhờ chuyển hàng tiêu dùng là 327 tuýp kem đánh răng và 17 chai nước súc miệng về Việt Nam qua sân bay Tân Sơn Nhất, để gửi cho người nhà.
Các tiếp viên này không biết bên trong 327 tuýp kem đánh răng nhận vận chuyển, có 157 tuýp bị đối tượng trà trộn, cất giấu ma tuý; do vậy, chưa đủ căn cứ để xử lý hình sự.
Trong ngày 22/3/2023, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Thành phố Hồ Chí Minh đã ra quyết định trả tự do cho 04 tiếp viên hàng không nêu trên”.
Các thắc mắc mà báo chí nhà nước và cả cộng đồng mạng cũng chưa thấy đề cập, đó là chi tiết cả bốn cô tiếp viên của Vietnam Airlines đều chung lời khai được báo chí tường thuật như sau: Họ khóc và khai rằng, tại Pháp, có một người (chưa xác định danh tính) nhờ “xách tay một số hàng hóa về nước”, và trả công hơn 10 triệu đồng. Do quá mệt mỏi vì vừa trải qua chuyến bay dài, các tiếp viên chỉ xem qua loa vài tuýp kem và không thấy có gì bất thường.
Tại sân bay ở Pháp, hành lý của những tiếp viên này không bị phát hiện bất thường, đến khi về tới sân bay Tân Sơn Nhất mới bị lực lượng chức năng sân bay phát hiện.
Câu hỏi thứ nhất cần làm rõ: trên thực tế có xảy ra việc các tiếp viên không biết người nhờ vận chuyển là ai, mà vẫn nhận?
Câu hỏi thứ hai: tiếp viên nào đứng ra nhận vận chuyển số hàng này từ một người được cho là chưa xác định danh tính tại Pháp?
Câu hỏi thứ ba: số tiền công được khai là hơn 10 triệu đồng này, là số tiền có thật hay không, và số bạc đó được trả như thế nào, và ai là người nhận số tiền này để rồi chia lại phần cho các đồng sự?
Câu hỏi thứ tư: phía hải quan của Pháp trả lời như thế nào về việc đã không phát hiện ra bất thường của lô hàng có chứa chất cấm lên đến trên 11 ký lô này?
Liên quan những thắc mắc trên, phía nhà chức trách hiện trả lời khá cẩn trọng, rằng, “Cơ quan điều tra cũng đã triệu tập, làm việc với người môi giới đưa số hàng từ Pháp về TP.HCM. Người này ở Việt Nam và nhận mối từ bên Pháp trước khi liên hệ với một nữ tiếp viên để vận chuyển”….
Thay lời kết
Một khi chưa rõ tối thiểu bốn điều ở trên, thì việc ‘thả gà ra đuổi’ trong trường hợp chất cấm là ma túy, quả là một quyết định đầy mạo hiểm. Chính điều này càng củng cố thêm về hoài nghi có chống lưng phía sau cho các tiếp viên.
Do vậy minh bạch nhất ở đây, và cũng là vấn đề giải trình trước bàn dân thiên hạ, thiết nghĩ Văn phòng Chủ tịch nước cùng Văn phòng của Thủ tướng chính phủ nhanh chóng phát hành thông cáo báo chí về thực hư của đồn đoán, tránh lặp lại sự trễ nải như cựu Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc.
Sẽ là hạ sách nếu như nhà chức trách đưa điều luật hình sự 331 vào để giải quyết các đồn đoán trong dư luận, bởi khi ấy người ta vì sợ tù tội nên không dám công khai thắc mắc. Và chuyện ‘cháy ngầm âm ỉ’ sẽ càng khiến người ta thêm mất lòng tin vào các tuyên bố trong phòng chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam.
Việt Nam Thời Báo
Việt Nam: Ai chết mặc ai vì còn đảng là mình còn ăn chận dân
quehuong10.3.230 Facebook Twitter Google+
Ts. Phạm Đình Bá
09/3/2023
Doanh nghiệp Việt Nam, bất kể quy mô, gần đây đang chạy cầm chừng hoặc xin giải thể càng ngày càng nhiều, thất nghiệp càng ngày càng cao, số người bi quan vì bế tắc về tương lai tăng lên. [1]
Đảng CS sau khi TBT Nguyễn Phú Trọng thăm Trung Quốc (TQ) về, đã loại bỏ lãnh đạo liên tục, bao gồm Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và hai ông Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh và Vũ Đức Đam. Rồi tân Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng hầu như được thăng chức cũng bởi thân thiện với ông Trọng. [2]
Những thay ngựa đột ngột có thể là dấu hiệu VN sẽ thiên về Nga và TQ nhiều hơn trong giai đoạn cạnh tranh toàn cầu tới. [1]
Một câu hỏi cốt lõi cho đất nước là liệu hàng lãnh đạo với nhân sự èo uột trong độc tài độc đảng toàn trị như thế có đủ sức để lèo lái đất nước trong trận địa chấn khủng đang diễn ra hay không?
Nền kinh tế toàn cầu đã trải qua những trận động đất trong những năm gần đây. Đại dịch Covid-19 khiến chúng ta nhận thức rõ tính dễ bị tổn thương của một nền kinh tế hội nhập toàn cầu. Khi các linh kiện quan trọng bị cách ly ở TQ, dây chuyền sản xuất ở các nước bị đình trệ. [3]
Việc tổ chức các chuỗi cung ứng toàn cầu vốn đã bị cắt giảm trong nhiều thập kỷ để đạt được hiệu quả theo kiểu làm “vừa đúng lúc”. Nhưng trong tương lai, khả năng phục hồi nếu có gián đoạn trong chuổi cung ứng toàn cầu, hay kiểu làm “chỉ trong trường hợp” sẽ đóng một vai trò quan trọng hơn. [3]
Trong cuộc xung đột bá quyền giữa TQ và Hoa Kỳ (HK), chính phủ ở HK đã nhẹ nhàng trong lời nói, nhưng cứng rắn trong các biện pháp kiểm soát xuất khẩu của HK sang TQ, một cách làm có tác dụng kềm hãm hơn vào nền kinh tế TQ.
Điều này chính trị hóa các điều kiện cho các quyết định lớn nhỏ. Các việc như tiếp cận thị trường, các dự án cơ sở hạ tầng, các hiệp định thương mại, việc cung cấp năng lượng và chuyển giao công nghệ ngày càng được đánh giá từ quan điểm địa chính trị.
Các công ty ngày càng phải đối mặt với quyết định lựa chọn một cơ sở hạ tầng công nghệ truyền thông, một thị trường và một hệ thống tiền tệ có phần nghiên theo HK hay TQ. Các nền kinh tế lớn có thể sẽ không tách rời nhau trên toàn diện, nhưng sự đa dạng hóa (“không bỏ tất cả các quả trứng vào trong một giỏ”) đang đạt được đà phát triển mạnh, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ cao. Khi điều này phát triển, có khả năng là các khối kinh tế sẽ hình thành trên toàn cầu. [3]
Trải nghiệm với ‘yếu tố không chắc chắn về người làm’ trong đại dịch cũng dẫn đến việc tăng tốc tự động hóa kỹ thuật số. Rô-bốt và thuật toán giúp việc bảo kê cho các rủi ro địa chính trị trở nên dễ dàng hơn.
Trong khuynh hướng này, các nước công nghiệp tân tiến đang tổ chức lại chuỗi cung ứng của họ. Vẫn còn phải xem liệu việc tổ chức nầy hoàn toàn là vì lý do kinh tế hay hậu cần, hay liệu các động cơ địa chính trị cũng đóng một vai trò nào đó.
Điều chắc chắn là xu hướng của các công ty sản xuất ở các nước tân tiến đang đưa hoạt động sản xuất trở về quê hương hay gần lại với lãnh thổ của họ từ các địa điểm ở nước ngoài. Đó là một sự đảo ngược của hiện tượng gia công ở nước ngoài lâu nay, trong đó sản xuất đã được chuyển ra khỏi các nước giàu đến các khu vực chi phí thấp hơn, chẳng hạn như TQ và khu vực ASEAN.
TQ phải ứng phó với những thách thức này. Số phận của TQ sẽ phụ thuộc vào việc nước này có thành công trong việc cạnh tranh thành công trong các nhóm công nghệ toàn cầu, ngay cả khi TQ không có công nghệ và bí quyết nước ngoài.
Nhưng những tác động khủng hoảng nầy không chỉ xảy ra ở TQ. Đối với toàn bộ châu Á với tư cách là trung tâm mới của nền kinh tế thế giới, những gián đoạn địa kinh tế này tương đương với một cơn sóng thần. Và sự gián đoạn có thể ảnh hưởng nặng nề đến các nước đang phát triển.
Cho dù những nước đang phát triển bị cắt khỏi chuỗi cung ứng toàn cầu vì mục đích phục hồi hay do các yếu tố địa chính trị, điều này đều mang lại những kết quả rất xấu như nhau. Tất nhiên, một số nền kinh tế đang hy vọng được hưởng lợi từ các chiến lược đa dạng hóa của các nước phát triển, như chiến lược ‘TQ cộng một’.
TQ+1 là một chiến lược kinh doanh khuyến khích các nhà đầu tư đa dạng hóa các khoản đầu tư của họ bằng cách không chỉ đầu tư vào TQ mà còn lựa chọn danh mục đầu tư đa dạng hơn, thông qua đầu tư vào nhiều nước.
Tự động hóa và kỹ thuật số sẽ vô hiệu hóa lợi thế cạnh tranh của các nước đang phát triển khi các nước nầy nghĩ rằng họ sở hữu một lợi thế lớn dựa vào chi phí lao động rẻ.
Lấy ví dụ, tại sao một công ty cỡ trung bình của châu Âu phải đối phó với tham nhũng và cắt điện, các vấn đề về chất lượng và các tuyến đường biển kéo dài hàng tuần, khi công ty nầy có thể triển khai các rô-bốt ở cơ sở sản xuất ở châu Âu để có năng suất tốt hơn và rẻ hơn?
Các thuật toán và trí tuệ nhân tạo cũng có khả năng thay thế hàng triệu nhà cung cấp dịch vụ trong các văn phòng hỗ trợ và trung tâm điện thoại phục vụ. Các nước đang phát triển phải làm thế nào để nuôi sống dân số đang tăng (đôi khi bùng nổ) của họ nếu trong tương lai, các công việc đơn giản sẽ được thực hiện bằng máy móc ở các nước công nghiệp hóa? Và những gián đoạn kinh tế và địa lý này có ý nghĩa gì đối với sự ổn định xã hội và chính trị của các nước đang phát triển? [3]
Cũng như châu Âu, nhiều quốc gia châu Á phụ thuộc vào sự năng động của TQ để phát triển kinh tế – và dựa vào sự đảm bảo của HK đối với nền an ninh của họ. Do đó, ở những mức độ khác nhau, họ chống lại áp lực phải chọn phe giữa TQ và HK.
Tuy nhiên, liệu các nước Á châu có thể thoát khỏi sức hút của quá trình lưỡng cực hóa địa kinh tế trong dài hạn hay không vẫn là một câu hỏi bỏ ngỏ. Nếu việc chia tách cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin tiếp tục diễn ra, có thể quá tốn kém để các nước nầy ráng hoạt động trong cả hai thế giới công nghệ. Các quy định của HK ngăn cản các sản phẩm có một số thành phần của TQ xâm nhập thị trường; nhưng những nước muốn chơi trên thị trường TQ sẽ không thể tránh được thị phần linh kiện TQ ngày càng tăng. [3]
Trong cuộc chạy đua địa chính trị, tự động hóa kỹ thuật số và tổ chức lại chuỗi cung ứng theo các tiêu chí về khả năng phục hồi là những quá trình củng cố lẫn nhau. Không chỉ các công ty phải suy nghĩ lại về mô hình kinh doanh của họ – toàn bộ nền kinh tế quốc gia cần phải điều chỉnh mô hình phát triển của mình để có thể tồn tại trong nền kinh tế toàn cầu đang thay đổi nhanh chóng.
Nhưng trên quê hương, triển vọng bọn bộ lạc bán khai đang cầm quyền cứ tiếp tục làm tiền trên mồ hôi nước mắt những người khác mặc mẹ tương lai đất nước và “ai chết mặc ai” là rất rõ ràng.
Nguồn:
1. BBC – Mai Luân. Chính trị VN: Lo ‘đêm dài lắm mộng’ nên Đảng xử lý gấp gáp nhân sự cao cấp? 19/01/2023; Available from: https://www.bbc.com/vietnamese/forum-64329990.
2. Nguyễn Nam. VNTB – Để làm chủ tịch nước: phải được lòng… Tổng bí thư. 02/03/2023; Available from: https://vietnamthoibao.org/vntb-de-lam-chu-tich-nuoc-phai-duoc-long-tong-bi-thu/.
3. IPS – Marc Saxer. A geoeconomic tsunami. 27/02/2023; Available from: https://www.ips-journal.eu/topics/economy-and-ecology/a-geoeconomic-tsunami-6538/.
https://www.baoquocdan.org/2023/03/viet-nam-ai-chet-mac-ai-vi-con-ang-la.html
Suy Nghĩ về tấm hình của 4 cô tiếp viên ngồi xổm lên sàn nhà.
Hai tấm hình trên chỉ là một, một được che mờ mặt 4 cô tiếp viên trẻ đẹp của hàng không Việt Nam, một để công khai.
Đây phải là nơi mà các cô làm giấy tờ khai báo, có thể là ở phòng an ninh ở phi trường, hoặc phòng an ninh của công an, có nghĩa văn phòng chính thức để mọi người có thể “làm việc” (từ ngữ của nhà cầm quyền CSVN), viết báo cáo, hay cam kết v.v…
4 cô mặc áo dài, quần trắng có lẽ là đồng phục của tiếp viên hàng không, có thể vừa mới xuống máy bay.
Trên bàn thường dùng để tiếp khách ngồi sofa, không thể là nơi để làm giấy tờ hồ sơ. Trên bàn có 4 chai nước lạnh (mát), 4 gói nilong không biết đựng gì, có thể là thức ăn…
Một cô ngồi xổm, 3 cô khác có thể là đang quỳ trên nền nhà, nhìn chẳng khác gì các em học tiểu học làm bài tập ở nhà. 4 cô chăm chú viết tờ khai hay cam kết gì đó.
Qua hai bức ảnh này, người xem có suy nghĩ sơ khời như sau:
1- Đây chỉ là phòng nơi tiếp khách, ngồi ghế salong để nói chuyện, nhưng lại được dùng để các cô làm giấy tờ khai báo.
2- Không có một bàn cao và ghế ngồi để viết, mà phải ngồi xổm hoặc quỳ xuống sàn nhà, trông hết sức là khiếm nhã.
3- Hình được phổ biến (chắc chắn do công an) mà không được che giấu mặt thật như thể làm sỉ nhục các đương sự. Ở các nước văn minh không bao giờ được nói tên thật, hình ảnh trong lúc còn điều tra.
3- Các cô đươc đối xử một cách thiếu lịch sự, bị xem thường như một tội nhân, mà tội nhân cũng phải được đối xử văn minh. Ghế salon và bàn trong rất lịch sự, nhưng không thể để các cô ngồi như vậy.
Có thể được biện minh là khẩn cấp, nhưng không phải vì khẩn cấp mà lại xem thường nhân phẩm của người dân, nhất là những cô tiếp viên là những người được tuyển lựa cẩn thận.
Người ta có cảm tưởng như cảnh này xảy ra ở một nước chưa hề biết văn minh là gì, xem thường nhân phẩm của con người, không biết tiến bộ văn minh của nhân loại, mặc dù cảnh vật bên ngoại không phải là một nước chậm tiến.