Chuyện Việt Nam ngày Thứ hai 11 tháng 9 năm 2023


Quê Hương tổng hợp

Việt – Mỹ chính thức xác lập quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện

https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2023/09/trongvabiden.jpg

Tổng Bí thư ĐCS Việt Nam Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden. (Ảnh: Nhật Bắc/baochinhphu.vn) 

Tổng Bí thư ĐCS Việt Nam Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Mỹ Joe Biden thông báo Việt Nam – Mỹ chính thức nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện.

Chiều ngày 10/9, tại trụ sở Văn phòng Trung ương Đảng, ngay sau khi kết thúc hội đàm, Tổng Bí thư ĐCS Việt Nam Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Mỹ Joe Biden thông báo Việt Nam – Mỹ thống nhất nâng cấp quan hệ từ đối tác toàn diện lên Đối tác Chiến lược Toàn diện – cấp cao nhất trong quan hệ ngoại giao Nhà nước.

“Tôi và ngài Tổng thống đã thay mặt lãnh đạo hai nước quyết định ra tuyên bố chung là nâng cấp quan hệ Việt Nam – Mỹ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện”, ông Nguyễn Phú Trọng nói.

Tối cùng ngày, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã cùng lúc gửi lời cảm ơn đến Việt Nam trên cả mạng xã hội Facebook và X.

Ông Biden viết: “Cảm ơn Việt Nam vì sự đón tiếp nồng hậu. Tôi biết rằng đây sẽ là chuyến công du lịch sử”.

Ngay sau đó, ông Biden đăng một bài khác với nội dung: “Thật tuyệt khi được trao đổi với ông, ngài Tổng bí thư. Như tôi đã nói, Việt Nam và Mỹ có cơ hội to lớn trở thành đối tác quan trọng. Tôi biết chúng ta có thể đạt được khát vọng về một tương lai hòa bình, an ninh, thịnh vượng mà hai nước cùng chia sẻ”.

Đối tác Chiến lược Toàn diện là cấp cao nhất trong quan hệ giữa các nước. Đến nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược, đối tác toàn diện với khoảng 33 nước. Bốn nước Đối tác Chiến lược Toàn diện của Việt Nam hiện nay gồm: Trung Quốc, Nga, Ấn Độ và Hàn Quốc.

Mỹ trở thành nước thứ 5 Việt Nam thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện.

Năm 2023, Việt Nam – Mỹ kỷ niệm 10 năm xác lập khuôn khổ quan hệ đối tác toàn diện kể từ tháng 7/2013. Trong 10 năm qua, quan hệ Việt – Mỹ có nhiều tiến triển nổi bật và đã đạt được một số kết quả cụ thể trên cả 3 bình diện song phương, khu vực và quốc tế.

Các quan chức hàng đầu Trung Quốc dự kiến thăm Việt Nam sau sự kiện này

Theo Reuters, các quan chức và nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc, có thể bao gồm cả Chủ tịch Tập Cận Bình, dự kiến ​​sẽ đến thăm Việt Nam trong những ngày hoặc tuần tới, khi Hà Nội tìm cách duy trì mối quan hệ tốt đẹp với tất cả các siêu cường.

Điều đó xảy ra khi mối quan hệ lâu dài của Việt Nam với Nga đang phải đối mặt với những thử thách về cuộc chiến ở Ukraine, bao gồm cả các cuộc đàm phán với Nga về một thỏa thuận cung cấp vũ khí mới.

Tác giả bài viết trên Reuters cũng cho biết đã xem các tài liệu mô tả các cuộc đàm phán về một khoản tín dụng mà Nga sẽ cấp cho Việt Nam để mua vũ khí hạng nặng, bao gồm tên lửa chống hạm, máy bay và trực thăng chống ngầm, hệ thống tên lửa phòng không và máy bay chiến đấu.

Một trong số đó, lá thư của Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính gửi chính phủ Nga vào tháng 5, thể hiện sự quan tâm đến thỏa thuận mới có thể có.

Reuters cũng cho biết một sĩ quan quân đội Việt Nam đã xác nhận tính xác thực của bức thư và cuộc đàm phán về một khoản tín dụng mới trị giá 8 tỷ USD để mua vũ khí hạng nặng.

Hà Nội cũng đang đàm phán tương tự với nhiều nhà cung cấp vũ khí, trong đó có Hoa Kỳ. Trong những tuần gần đây, Việt Nam đã tham gia một số cuộc họp quốc phòng cấp cao với các quan chức hàng đầu của Nga.

Ông Jon Finer, phó cố vấn an ninh quốc gia chính của Mỹ, nói với các phóng viên hôm Chủ Nhật rằng việc nâng cấp sẽ bao gồm khía cạnh an ninh, khi đang trên máy bay cùng Biden tới Việt Nam từ hội nghị thượng đỉnh Nhóm 20 ở Ấn Độ.

Ông cho biết ông không có thỏa thuận vũ khí nào để công bố trong giai đoạn này nhưng nhấn mạnh rằng Mỹ và các đối tác có thể đề nghị Việt Nam giúp đỡ để đa dạng hóa nguồn cung cấp quân sự mà không cần đến nguồn cung cấp quân sự của Nga, một đề nghị mà ông cho biết Việt Nam sẵn sàng chấp nhận.

Điều đó sẽ giúp Việt Nam giảm sự phụ thuộc quân sự vào Moscow, “một mối quan hệ mà chúng tôi cho rằng họ ngày càng không thoả mái với nhau”, Reuters trích lời ông Finer.

Chuyến thăm của Biden diễn ra trong bối cảnh quan hệ thương mại và đầu tư song phương đang phát triển và tranh chấp lãnh thổ kéo dài giữa Việt Nam và Trung Quốc đang nóng lên ở Biển Đông.

Một quan chức Mỹ cho biết chất bán dẫn vẫn là trọng tâm của kế hoạch hành động được thông qua trong chuyến thăm của Biden.

Một vấn đề quan trọng khác là tăng cường chuỗi cung ứng các khoáng sản quan trọng, đặc biệt là đất hiếm, trong đó Việt Nam có trữ lượng lớn nhất thế giới sau Trung Quốc, theo ước tính của Mỹ, các quan chức Mỹ cho Reuters biết.

Khánh Vy (t/h)

Mỹ – Việt ký thỏa thuận về chất bán dẫn và khoáng chất hiếm

Thùy Dương /RFI

11/9/2023

Nhân chuyến công du Việt Nam ở cấp Nhà nước của tổng thống Mỹ Joe Biden, hôm qua 10/09/2023, hai nước đã ký kết một thỏa thuận về chất bán dẫn và khoáng chất hiếm. Theo nhận định của Reuters, đây là một phần mong muốn của Hoa Kỳ có các chuỗi cung ứng độc lập với Trung Quốc. 

Ảnh minh họa chụp ngày 17/02/2023: Một bảng bán dẫn điện tử.

Ảnh minh họa chụp ngày 17/02/2023: Một bảng bán dẫn điện tử. REUTERS – FLORENCE LO Hà Nội và Washington đã nâng cấp quan hệ song phương lên thành « đối tác chiến lược toàn diện », mức cao nhất trong hệ thống quan hệ đối ngoại của Việt Nam. Điều này cho phép Mỹ hưởng lợi từ năng lực sản xuất của Việt Nam và đạt bước tiến trong chiến lược trang bị chuỗi cung ứng toàn cầu, tránh những nguy cơ rủi ro từ phía Trung Quốc.

Trên đài RFI Pháp ngữ ngày 11/09, chuyên gia Benoît de Tréglodé, giám đốc nghiên cứu tại Viện nghiên cứu Chiến lược, thuộc Trường Quân sự Pháp, nhận định :

« Năm ngoái, một cách biểu tượng, Việt Nam đã trở thành thị trường xuất khẩu thứ 7 của Mỹ, vượt qua cả Anh quốc, nên Việt Nam nay đã là nước quan trọng trong quan hệ thương mại với Mỹ. Theo chiều ngược lại, đối với Việt Nam, thị trường Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất. Vì thế, bộ máy kinh tế của hai nước thực sự lệ thuộc vào nhau, bổ trợ cho nhau.

Mặt khác, những khó khăn thương mại mà Washington đang gặp phải với Bắc Kinh, trong cuộc chiến kinh tế hiện đang tiếp diễn, thúc đẩy Mỹ cố gắng tăng cường quan hệ đối tác với Hà Nội, thúc đẩy việc dịch chuyển cơ sở sản xuất. Mỹ cũng phải có những suy tính mang chiến chiến lược về quan hệ đối tác kinh tế, nâng cao hợp tác với Hà Nội, vấn đề chất bán dẫn được đề cập trong chuyến thăm của Bide cũng như vấn đề về đất hiếm, vốn dĩ mang tính chiến lược rất cao. Việt Nam là nước có nhiều trữ lượng đất hiếm thứ 2 trên thế giới.

Vì vậy, có điều gì đó đang thay đổi và Washington cho rằng Việt Nam có thể là một thị trường châu Á, theo cách nào đó có thể là thị trường thay thế hoặc thị trường bổ sung phục vụ lợi ích của Mỹ trong khu vực để bù đắp cho những khó khăn mà Mỹ gặp phải với Trung Quốc ».

Hôm nay 11/09/2023, trong thông cáo, Nhà Trắng hoan nghênh « một hợp đồng lịch sử » trị giá 7,8 tỉ đô la giữa Boeing và hãng hàng không quốc gia Việt Nam Vietnam Airlines. Chính quyền Mỹ khẳng định đơn đặt hàng, được thông báo nhân chuyến công du của tổng thống Biden đến Việt Nam, sẽ mang lại hơn 30.000 việc làm ở Mỹ.

https://www.rfi.fr/vi


Nguyễn Thông – Rụt rè

Thực ra, rụt rè nâng cấp quan hệ, nâng tầm nọ kia dù có mục đích tốt đẹp đến mấy cũng chỉ là kiểu anh mù khua khoắng gậy đi lòng vòng, mất thời gian.
Nếu đã đặt “dân giàu nước mạnh” lên tối thượng thì cứ bỏ ngay thứ mặc cảm của kẻ chọn sai đường, nói thẳng với “bạn” rằng chúng tôi đã mất quá nhiều thời gian trên con đường nghèo đói, hãy chỉ cho chúng tôi cách đạt được dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng dân chủ văn minh (thực chất) như các ngài.
Độc lập, tự chủ, kiên định đường lối cũ mà làm gì khi dân mãi chịu cảnh đói nghèo.
Đời con người ta chỉ sống có một lần, không ai có thể sống hết kiếp này sang kiếp khác để hưởng thành quả của hướng đi vô định, không biết nó ra sao.
Sĩ diện quốc gia bộc lộ ở tình trạng đói nghèo bất công chứ không phải việc chân thành học hỏi từ người hơn mình. Nếu người ta tới mình, hoặc mình tốn tiền đi tới người ta, những Mỹ, Nhật, Hàn, Israel, Sing…, cứ cầm cuốn sổ cây bút nhờ người ta chỉ dạy. Ông ơi, bác ơi, làm thế nào giàu có, hạnh phúc, hãy chỉ cho tôi với. Sĩ diện quái gì khi dân khổ nước nghèo.
Ăn miếng bánh vẽ lý luận mãi rồi, đã đến lúc người dân cần miếng bánh thực. Có thực mới vực được đạo, ngay cả thứ đạo xã hội chủ nghĩa. Nó chỉ hợp với một số người chứ không phải toàn dân.
Hì hục thí nghiệm mãi một đường lối, dù biết mười mươi một trăm năm nữa chưa biết có thành công hay không, thì đó không chỉ là làm chính trị, mà còn là tội ác với dân chúng.


Việt Nam và Mỹ cảnh báo về việc “sử dụng vũ lực” ở Biển Đông

Thu Hằng /RFI

11/9/2023

Ngày 11/09/2023, trong ngày công du thứ hai, tổng thống Joe Biden ca ngợi quan hệ của Hoa Kỳ với Việt Nam đã « bước vào một thời kỳ mới ». Hai nước cảnh báo « mọi mối đe dọa hoặc sử dụng vũ lực » ở Biển Đông, dù không nêu đích danh Trung Quốc, nhưng là một thông điệp rõ ràng gửi tới Bắc Kinh. 

Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính (P) tiếp tổng thống Mỹ Joe Biden, tại Hà Nội, Việt Nam, ngày 11/09/2023.

Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính (P) tiếp tổng thống Mỹ Joe Biden, tại Hà Nội, Việt Nam, ngày 11/09/2023. REUTERS – EVELYN HOCKSTEIN 

Ngoài ra, Hoa Kỳ « cam kết tiếp tục ủng hộ sự phát triển của Việt Nam về năng lực phòng vệ » trong bối cảnh Trung Quốc đòi chiếm gần hết Biển Đông, thường xuyên quấy nhiều tầu thuyền và hoạt động của các nước láng giềng có tranh chấp chủ quyền. Đây là một trong những điểm chính trong Tuyên bố chung về nâng cấp quan hệ Việt – Mỹ lên tầm « Đối tác Chiến lược Toàn diện » được tổng bí thư đảng Cộng Sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng và tổng thống Mỹ Joe Biden thông báo ngày 10/09/2023.

Thông tín viên RFI Frédéric Noir tại thành phố Hồ Chí Minh tường trình :

« Cuối cùng Việt Nam đã quyết định dấn thân và trao cho Hoa Kỳ quy chế « đối tác chiến lược toàn diện ». Đây là mức cao nhất trong lĩnh vực ngoại giao mà cho tới giờ Việt Nam mới chỉ dành cho bốn nước : Nga, Ấn Độ, Hàn Quốc và Trung Quốc. Một thông báo mang tính biểu tượng cao đi cùng với hàng loạt thỏa thuận thương mại, trong đó có lĩnh vực linh kiện bán dẫn. 

Về chủ đề nhân quyền nhạy cảm, được nêu trong thông cáo chung, không ai lại trông đợi đến những tiến bộ lớn như vậy. Cuối cùng Việt Nam đã chấp nhận trả tự do cho một nhà đối lập chính trị. 

Nhưng ngoài những thông báo về thiện chí và các mối quan hệ hợp tác khác nhau, chẳng ai ngây thơ cả : mục đích của Mỹ là chống lại những tham vọng chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông. Đây là một chủ đề quan trọng đối với Việt Nam, nước thường xuyên lên án tầu thuyền Trung Quốc thâm nhập vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. 

Tuy vậy, Việt Nam cũng thận trọng không quay lưng lại với nước láng giềng khổng lồ, đồng thời vẫn trung thành với chính sách ngoại giao được gọi là « ngoại giao cây tre » được đích thân tổng bí thư đảng Cộng Sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng định nghĩa : « gốc phải khỏe, thân phải chắc nhưng cành phải mềm dẻo ». Hà Nội sẽ phải giữ cân bằng vì muốn trở thành đối tác đáng tin cậy của Hoa Kỳ, nhưng vẫn khôn khéo với Trung Quốc, đối tác thương mại chính của Việt Nam ».

Tuyên bố chung về quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện Việt – Mỹ bao trùm nhiều chủ đề, như chính trị – ngoại giao, kinh tế – thương mại – đầu tư, hợp tác số, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, giáo dục – đào tạo, hợp tác khí hậu, năng lượng, môi trường và y tế, hợp tác khắc phục hậu quả chiến tranh, hợp tác văn hóa – giao lưu nhân dân – thể thao – du lịch, hợp tác quốc phòng – an ninh, thúc đẩy và bảo vệ quyền con người.

Tuy nhiên, trong ngày công du thứ nhất, tổng thống Joe Biden khẳng định chuyến thăm Việt Nam của ông không nhằm mục đích khơi mào một « cuộc chiến tranh lạnh » với Trung Quốc mà thể hiện mối quan hệ bền chặt hơn với Hà Nội tạo lập « nền tảng cho sự ổn định » toàn cầu qua việc xây dựng các mối quan hệ của Mỹ ở khắp châu Á. 

https://www.rfi.fr/vi


Tào Bạch ốc: Vietnam Airlines mua 50 máy bay 737 Max của Boeing 

11/9/2023 

VOA Tiếng Việt 

Reuters 

Tổng thống Mỹ Joe Biden hội đàm với Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính, ngày 11/9/2023.

Tổng thống Mỹ Joe Biden hội đàm với Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính, ngày 11/9/2023. 

Hôm 11/9, Nhà Trắng cho biết hãng hàng không Vietnam Airlines mua 50 máy bay 737 Max của nhà sản xuất máy bay Boeing của Mỹ trị giá 7,8 tỷ đôla, trong lúc doanh nghiệp hai nước tìm cơ hội giao thương, ký kết thỏa thuận.

Một tuyên bố của Nhà Trắng cho biết sau cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính với lãnh đạo doanh nghiệp: “Tổng thống và Thủ tướng hoan nghênh thỏa thuận mang tính bước ngoặt giữa Boeing và Vietnam Airlines trị giá 7,8 tỷ đôla sẽ hỗ trợ hơn 30.000 việc làm tại Hoa Kỳ”.

Cả Boeing và Vietnam Airlines chưa trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận của Reuters về thương vụ này. Thỏa thuận giữa hai công ty được Nhà Trắng công bố hôm 10/9.

Theo Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA), Việt Nam là thị trường hàng không phát triển nhanh thứ năm thế giới vào năm 2022 khi dỡ bỏ các hạn chế đi lại liên quan đến COVID-19, dự đoán nước này sẽ phục vụ 150 triệu hành khách vận tải hàng không vào năm 2035.

Boeing cũng có thỏa thuận với đối thủ của Vietnam Airlines là VietJet để bán 200 máy bay 737 MAX của hãng này.

Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden có chuyến thăm Hà Nội từ ngày 10 tới 11/9, cùng với các giám đốc điều hành hàng đầu của các công ty tận dụng cơ hội đó để củng cố quan hệ đối tác kinh doanh.

Các thỏa thuận khác được Nhà Trắng tiết lộ trong chuyến thăm của ông Biden bao gồm các kế hoạch của Microsoft nhằm tạo ra một “giải pháp dựa trên công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) tổng quát phù hợp với Việt Nam và các thị trường mới nổi” và Nvidia hợp tác với FPT của Việt Nam, Viettel và Tập đoàn VIC, công ty mẹ của VinFast, về AI.

Các giám đốc điều hành cấp cao của Google, Intel, Amkor, Marvell, GlobalFoundries và Boeing vừa tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Đổi mới & Đầu tư, tháp tùng trong chuyến thăm Hà Nội của Tổng thống Biden.

Phía các doanh nghiệp Việt Nam, ngoài Vietnam Airlines, còn có nhà sản xuất ôtô điện VinFast, tập đoàn viễn thông FPT, công ty nền tảng ví điện tử MoMo, tập đoàn công nghệ và Internet VNG.

Ông Biden nhắc lại tại hội nghị với lãnh đạo doanh nghiệp rằng hai nước đang tăng cường hợp tác trong lĩnh vực điện toán đám mây, chất bán dẫn và trí tuệ nhân tạo, đồng thời nhấn mạnh Việt Nam rất quan trọng đối với nguồn cung cấp khoáng sản thiết yếu.

Cuộc gặp diễn ra sau sự nâng cấp lịch sử về quan hệ ngoại giao đã được nhất trí hôm 10/9, nhấn mạnh mong muốn của Hoa Kỳ nhằm tăng cường vai trò toàn cầu của Việt Nam. Điều này đặc biệt quan trọng trong lĩnh vực sản xuất chip khi Washington đang tìm cách giảm mức độ rủi ro liên quan đến Trung Quốc của ngành này, bao gồm cả xung đột thương mại và căng thẳng về Đài Loan.

Nhà Trắng cũng công bố kế hoạch của Microsoft nhằm tạo ra một “giải pháp dựa trên AI mang tính sáng tạo phù hợp với Việt Nam và các thị trường mới nổi”.

Tập đoàn Nvidia cũng sẽ hợp tác với FPT, Viettel và VinGroup, công ty mẹ của VinFast, về AI tại Việt Nam.

Nhà Trắng cũng nhấn mạnh số lượng đầu tư liên quan đến chip của các công ty Mỹ tại Việt Nam, bao gồm cả kế hoạch của Marvell và Synopsys nhằm xây dựng các trung tâm thiết kế chip tại nước này.

Một nhà máy mới của Amkor trị giá 1,6 tỷ đôla gần Hà Nội sẽ lắp ráp, đóng gói và thử nghiệm chip sẽ bắt đầu hoạt động vào tháng 10.

Giá trị đầu tư này tương đương với nhà máy lắp ráp chip trị giá 1,5 tỷ đôla của Intel ở miền Nam đất nước – nhà máy lớn nhất thế giới của công ty. Các nguồn tin cho biết đầu năm nay rằng Amkor có thể được mở rộng.

Nhà Trắng cũng cho biết, tập đoàn Honeywell của Hoa Kỳ sẽ hợp tác với một đối tác Việt Nam để triển khai dự án thí điểm phát triển hệ thống lưu trữ năng lượng pin đầu tiên của Việt Nam.

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken và Bộ trưởng đầu tư Việt Nam Nguyễn Chí Dũng chủ trì cuộc họp, sau đó là các cuộc thảo luận với Tổng thống Biden và Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính.

Theo một tuyên bố của Chính phủ, ông Dũng cũng phát biểu tại cuộc họp rằng ông hy vọng các công ty Việt Nam có thể mở rộng ở Hoa Kỳ và tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

https://www.voatiengviet.com/a/nha-trang-vietnam-airlines-mua-50-may-bay-737-max-cua-boeing/7262820.html


Thư ngỏ: Thủy lợi tỉnh Bình Thuận rất mong được giúp đỡ để triển khai công trình hồ La Ngà 3

VNTB

11/9/2023

VNTB – Thư ngỏ: Thủy lợi tỉnh Bình Thuận rất mong được giúp đỡ để triển khai công trình hồ La Ngà 3

Công trình hồ La Ngà 3 còn giúp giải quyết cấp nước cho hai tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa Vũng Tàu

Một “thư ngỏ” có tiêu đề “Thủy lợi tỉnh Bình Thuận rất mong được giúp đỡ để triển khai công trình hồ La Ngà 3”, ngày viết là 31-12-2011, tác giả ghi trên lá thư là “Mai Chí, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Bình Thuận”.

Nội dung lá thư cho thấy liên quan toàn bộ vụ việc thời sự về chuyện các dự án xây dựng hồ thủy lợi ở tỉnh Bình Thuận hiện tại. Trang Việt Nam Thời Báo xin được đăng toàn văn “thư ngỏ” này – bao gồm cả cách viết tắt, viết hoa. Văn bản này hiện được lưu trữ ở văn phòng Hội đập lớn và phát triển nguồn nước Việt Nam:

“Hiện nay tỉnh Bình Thuận có sự vướng mắc lớn về việc đầu tư xây dựng Hồ chứa nước La Ngà 3 và Thủy điện La Ngâu. Trong đó, Hồ La Nga 3 (chưa xây dựng và đang trong giai đoạn được Bộ Nông nghiệp &PTNT cho phép lập Báo cáo Đầu tư, công trình do Bộ NN&PTNT quản lý. Còn Thủy điện (TĐ) La Ngâu đã thi công xong phần mặt bằng thi công như: Đường thi công, nhà lán trại, hố móng nhà máy… ước kinh phí khoảng 100 tỷ VNĐ công trình do Bộ Công Thương quản lý. Nhưng do TĐ La Ngâu nằm trong lòng hồ La Ngà 3, nếu xây dựng Hồ La Ngà 3 sẽ làm ngập TĐ La Ngâu.

Theo Quy hoạch thủy lợi lưu vực sông La Ngà đã được Bộ Nông nghiệp và PTNT phê duyệt tại Quyết định số 3519/QĐ-BNN-KH ngày 17 tháng 11 năm 2006. Hồ La Ngà 3 có dung tích toàn bộ Wtb = 470 tr.m3, dung tích phòng lũ Wpl = 40 tr.m3.

Công trình có nhiệm vụ tưới cho 39.000ha gồm: chuyển nước vùng cao thượng nguồn sông Cà Ty 20.000ha, thượng Sông Dinh 14.000ha và vùng cao thượng suối Gia Huynh 5.000ha và có nhiệm vụ kết hợp phát điện với công suất lắp máy Nlm = 24 Mw và sản lượng điện hàng năm 110 triệu Kwh.

Và theo Đề án Phát triển thủy lợi tỉnh Bình Thuận, giai đoạn 2011-2015 và định hướng đến năm 2020 được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 2812/QĐ-UBND ngày 06/12/2010. Trong đó, đặt nhiệm vụ đầu tư công trình hồ La Ngà 3 để giải quyết được lượng nước thiếu tại Cảng nước sâu Kê Gà quy mô (315ha), Khu đô thị Tân Thành (1.000ha), Khu công nghiệp Hàm Cường (1600ha), cấp nước cho các KCN Hàm Kiệm (579ha), KCN Tân Đức + KCN Tân Phúc và tiếp bổ sung cho KCN Sơn Mỹ tổng cộng 2.336ha và các vùng canh tác đất nông nghiệp khác của huyện Hàm Thuận Nam, Hàm Tân và Tánh Linh. Đây vừa là nhiệm vụ, vừa là giải pháp quan trọng để phát triển kinh tế xã hội tỉnh Bình Thuận trong giai đoạn 2011-2020 và những năm tiếp theo.

Ngoài ra việc đầu tư công trình hồ La Ngà 3 sẽ giải quyết cấp nước cho hai tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa Vũng Tàu. Ngoài ra, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đồng ý chủ trương mở rộng kênh chính Nam thuộc hệ thống thủy lợi Tà Pao (đang thi công) để lấy nước từ hồ  La Ngà 3 chuyển vào hồ Biển Lạc (đi qua kênh Biển Lạc – Hàm Tân đang thi công) bổ sung tưới cho 1.500 ha, cấp nước cho khu công nghiệp Tân Đức, Tân Phúc và bổ sung nguồn nước cho hồ Sông Dinh 3 huyện Hàm Tân.

Trong khi đó, Nhà máy thủy điện La Ngâu là công trình sử dụng nguồn nước xả của Nhà máy thủy điện ĐaMi, công trình chỉ có nhiệm vụ phát điện với công suất lắp máy 46MW, tương ứng sản lượng điện 204 triệu KWh/năm. Đây là công trình thuộc dạng thủy điện nhỏ.

Xuất phát từ lợi ích kinh tế nêu trên, UBND tỉnh kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét chấp thuận đầu tư xây dựng Hồ La Ngà 3 đề tạo điều kiện phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, đặc biệt là đối với các huyện phía Nam tỉnh.

Tồn tại: TĐ La Ngâu mặc dù có ý kiến của UBND tỉnh đề nghị Văn phòng (VPCP) Chính phủ xem xét dừng lại, nhưng VPCP có công văn cho phép doanh nghiệp tiếp tục đầu tư xây dựng (công văn số 799/VPCP-KTN ngày 26 tháng 7 năm 2011 của VP CP).

Nếu không xây dựng được hồ La Ngà 3, tỉnh Bình Thuận sẽ không đủ nguồn nước để phát triển kinh tế xã hội cho khu vực Nam Bình Thuận (các huyện Hàm Thuận Nam, Hàm Tân, Tx La Gi, Tánh Linh, Đức Linh).  Do vậy, đề nghị Hội Đập lớn & PT Nguồn nước giúp nghiên cứu và có tiếng nói của Hội về vấn đề này, để Bộ NN&PTNT kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ xem xét và có ý kiến chỉ đạo cho phép tỉnh tiếp tục thực hiện đầu tư xây sựng hồ La Ngà 3”.
Nữ giám đốc trung tâm đăng kiểm ở Trà Vinh bị bắt

https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2023/09/nugiamdoctravinh.jpg

Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Trà Vinh tống đạt quyết định đối với các bị can Phạm Thị Thanh Thùy. (Ảnh Công an tỉnh Trà Vinh) 

Công an tỉnh Trà Vinh khám xét khẩn cấp tại Trung tâm đăng kiểm 84-02D, thu giữ 12.961 bộ hồ sơ kiểm định cùng nhiều tài liệu và thiết bị điện tử liên quan.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Trà Vinh vừa tống đạt quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và thi hành lệnh bắt tạm giam đối với 3 người về hành vi Giả mạo trong công tác, xảy ra tại Chi nhánh Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới 84-02D (địa chỉ tại ấp Sâm Bua, xã Lương Hòa, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh).

Ba người gồm: Phạm Thị Thanh Thùy (sinh năm 1993, ngụ ấp Tân Thạnh, xã An Hiệp, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp) là Giám đốc Trung tâm 84-02D; Nguyễn Quốc Thống (sinh năm 1979, ngụ khóm 1, phường 9, thành phố Trà Vinh), nguyên Phó Giám đốc, kiêm Trưởng dây chuyền kiểm định Trung tâm 84-02D và Cao Châu (sinh năm 1986, ngụ phường 4, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng), nguyên nhân viên Văn phòng Trung tâm 84-02D.

Theo điều tra, vào ngày 24/9/2021, Trần Lập Nghĩa (sinh năm 1975, nơi thường trú số 28, đường số 32, phường Bình Trị Đông B, Quận Bình Tân, TP.HCM), là Chủ đầu tư Trung tâm 84-02D giả chữ ký của ông N.H.M.Q (sinh năm 1964, ngụ TP.HCM) ký quyết định thành lập Chi nhánh Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới 84-02D và thuê Phạm Thị Thanh Thùy đứng tên người đại diện pháp luật.

Khi đi vào hoạt động, Trung tâm 84-02D chỉ có 4 người làm việc, trong đó có 2 người là đăng kiểm viên đủ điều kiện thực hiện việc đăng kiểm là ông Nguyễn Quốc Thống và một người khác.

Do thiếu đăng kiểm viên, ông Trần Lập Nghĩa chỉ đạo Cao Châu (không đầy đủ bằng cấp chuyên môn) thực hiện, đồng thời ký vào hồ sơ kiểm định, mục đích để hợp thức hóa hồ sơ nhằm đối phó Cục đăng kiểm Việt Nam khi có kiểm tra đột xuất.

Qua thu thập tài liệu, chứng cứ về quá trình hoạt động của Trung tâm 84- 02D xét thấy có dấu hiệu tội phạm, ngày 12/4/2023, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Trà Vinh khám xét khẩn cấp tại Trung tâm 84-02D thu giữ 12.961 bộ hồ sơ kiểm định cùng nhiều tài liệu và thiết bị điện tử có liên quan để phục vụ công tác kiểm tra, xác minh.

Trong số hồ sơ này, có 11.582 bộ hồ sơ kiểm định có dấu hiệu sai phạm; cụ thể là hợp thức hóa hồ sơ, xâm phạm tính đúng đắn xác thực của nội dung các loại giấy tờ, hồ sơ kiểm định phương tiện xe cơ giới đường bộ và thu lợi bất hợp pháp số tiền trên 3,5 tỷ đồng, số tiền này được chuyển vào tài khoản cá nhân của Trần Lập Nghĩa.

Hiện tại, Trần Lập Nghĩa đang bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.HCM khởi tố, bắt tạm giam về hành vi nhận hối lộ và giả mạo trong công tác.

Phạm Toàn


Chuyên gia: Không nên tiếp tục để Tập đoàn EVN độc quyền

https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2023/09/dienlucvn2.jpg

EVN tiếp tục lỗ và muốn tăng giá điện để bù đắp, “vòng xoáy” lặp lại và người dân thiệt hại nhất. (Ảnh minh họa: Duc Huy Nguyen/Shutterstock) 

Với số lỗ treo lơ lửng hàng chục nghìn tỷ đồng cùng với đề xuất quay về “cơ chế cũ” tăng giá điện để bù lỗ, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đưa ra thông điệp “mất cân đối tài chính” để đẩy nhanh quá trình tăng giá từ 6 tháng/lần xuống còn 3 tháng/lần. Chuyên gia kinh tế cho rằng không nên tiếp tục để EVN độc quyền thị trường điện như hiện nay, mà nên để doanh nghiệp tham gia cạnh tranh, tạo động lực thay đổi.

Tại Diễn đàn nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, Tiến sỹ Trần Đình Thiên – Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhận định: “Không nên giao cho Tập đoàn EVN làm nhiệm vụ của Nhà nước nữa, để cho doanh nghiệp tự làm, tự cạnh tranh. Đến bây giờ, không có lý gì mà chúng ta không đánh giá được thị trường điện, vấn đề chỉ là e ngại, sợ nhiều quá thôi”, Tạp chí Kinh tế Việt Nam dẫn lời.

Ông Thiên cho biết tình hình méo mó của thị trường điện còn kéo dài nếu giữ cách quản lý như hiện nay.

Bởi vì, khi Nhà nước giữ cơ chế định giá để duy trì giá điện cố định sẽ ảnh hưởng đến cả cung và cầu. Nếu duy trì điện giá thấp nghĩa là đang khuyến khích tiêu dùng điện chứ không khuyến khích sản xuất điện.

Gần đây, khi giá điện và giá điện tái tạo được điều chỉnh, lập tức nguồn cung được bổ sung ngay, sản lượng điện tăng lên. Đây là yếu tố góp phần quan trọng thay đổi cán cân nguồn cung điện.

Còn ông Nguyễn Đình Cung, Nguyên viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương nhấn mạnh “không thể can thiệp bằng mệnh lệnh” mà cần để thị trường vận hành.

Nếu EVN lỗ và bù đắp bằng cách tăng giá điện, như vậy tiếp tục lỗ thì tiếp tục tăng giá? Vấn đề sẽ mãi không giải quyết nếu vòng lặp này duy trì, ông Cung nhận định.

Tính riêng năm vừa qua, Tập đoàn EVN đã lỗ tới hơn 1 tỷ USD (chưa tính lỗ tỷ giá) và liên tục đưa ra “cảnh báo” mất cân đối tài chính với Chính phủ Việt Nam.

EVN muốn nhanh chóng tăng giá điện và đưa các khoản lỗ vào giá thành, tức để người tiêu dùng gánh các khoản lỗ của tập đoàn này.

Với vị thế độc quyền thị trường điện rất quan trọng, EVN gần như được đáp ứng các đề xuất với Bộ Công thương, cũng như các cơ quan Chính phủ.

Đơn cử như từ ngày 4/5/2023, EVN tăng giá thêm 3%, lên mức 1.920 đồng/kWh (chưa gồm VAT) nhưng tuyên bố chưa đủ bù lỗ. Hay đề xuất của tập đoàn này về việc rút ngắn thời gian điều chỉnh giá điện từ 6 tháng/lần còn 3 tháng/lần đều có thể được Chính phủ thông qua.

Dù các đề xuất nêu trên của EVN có góp phần vào giải quyết các vấn đề trước mắt nhưng nhiều chuyên gia khẳng định biện pháp lành mạnh cung cầu chính là cần phải xóa bỏ vị trí độc quyền ở thị trường điện của EVN.

Hạo Thiên


Cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu đội vốn thêm gần 3.700 tỷ đồng

https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2023/09/cao-toc-bien-hoa-vung-tau.jpg

Dù mới khởi công hơn 2 tháng nhưng dự án cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu đã đội vốn gần 3.700 tỷ đồng. (Ảnh minh họa: mt.gov.vn) 

Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cho biết sau hơn 2 tháng khởi công cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu (dài 54 km), tính đến cuối tháng 8/2023, chi phí giải phóng mặt bằng bị đội lên gần 3.700 tỷ đồng so với kế hoạch được phê duyệt.

Bộ GTVT cũng cho biết tính đến cuối tháng vừa qua, các địa phương đã bàn giao mặt bằng được 120/452 ha đất, đạt gần 27%.

Trong đó, dự án thành phần 1 chưa bàn giao; dự án thành phần 2 đã bàn giao gần 6%, dự án thành phần 3 bàn giao gần 78%.

Theo báo cáo của địa phương, chi phí giải phóng mặt bằng được tính toán tại thời điểm hiện tại của các dự án thành phần dự kiến tăng khoảng 3.674 tỷ đồng so với tổng mức đầu tư đã được phê duyệt.

Điều này dẫn đến tổng mức đầu tư dự án tăng hơn 3.665 tỷ đồng so với sơ bộ tổng mức đầu tư được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết 59/2022/QH15 ngày 16/6/2022.

Dự án đường bộ cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu có chiều dài gần 54 km, đi qua địa phận tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa – Vũng Tàu.

Giai đoạn đầu, tuyến cao tốc được đầu tư với quy mô 4 – 6 làn xe, tổng mức đầu tư 17.837 tỷ đồng, đầu tư theo hình thức đầu tư công.

Tiến độ dự kiến hoàn thành toàn tuyến năm 2025 và đưa vào khai thác đồng bộ toàn dự án vào năm 2026.

Trước đó, cao tốc Mỹ An – Cao Lãnh sử dụng nguồn vốn ODA của Quỹ Hợp tác phát triển kinh tế Hàn Quốc có chi phí giải phóng mặt bằng tăng 353 tỷ đồng và chi phí xây dựng tăng 788 tỷ đồng

Các chi phí khác cũng tăng tương ứng như chi phí quản lý dự án, tư vấn, chi phí khác tăng 80 tỷ đồng và chi phí dự phòng tăng 218 tỷ đồng. Tổng cộng chi phí tăng thêm là hơn 1.400 tỷ đồng.

Đức Minh


Bình Dương: Hoãn phiên xử cựu Giám đốc Sở LĐ-TB-XH do vắng 13 bị cáo

RFA
11/9/2023

Bình Dương: Hoãn phiên xử cựu Giám đốc Sở LĐ-TB-XH do vắng 13 bị cáo

Phiên tòa xét xử sơ thẩm 

https://www.rfa.org/++plone++rfa-resources/img/icon-zoom.pngNLĐ 

Hội đồng xét xử Tòa án nhân dân tỉnh Bình Dương đã quyết định hoãn phiên tòa sơ thẩm vụ án đưa, nhận hối lộ; làm giả tài liệu do vắng 13 bị cáo.

Truyền thông nhà nước cho hay trong ngày 11/9, Tòa án tỉnh Bình Dương đã quyết định hoãn phiên tòa sơ thẩm vụ án làm giả tài liệu của cơ quan tổ chức; tổ chức cho người nước ngoài ở lại Việt Nam trái phép; đưa hối lộ; nhận hối lộ và lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ xảy ra tại Bình Dương liên quan đến cựu giám đốc Sở LĐ-TB-XH Lê Minh Quốc Cường và cựu lãnh đạo Ban Quản lý các KCN Bình Dương, Ban Quản lý các khu kinh tế Bình Phước.

Phiên tòa phải tạm hoãn vì vắng 13/17 bị cáo do chưa hoàn tất các thủ tục chuyển trại tạm giam từ B34 Bộ Công an về Bình Dương. Trong số vắng mặt có ông Lê Minh Quốc Cường.

Theo cáo trạng, từ năm 2017 đến 2022, Vũ Hoài Thanh; Trần Mai Hồng và Sẳm Nhịt Sau đã làm giả thông tin, giấy tờ tùy thân, chữ ký… của người nước ngoài để xin giấy phép lao động.

Quá trình thực hiện cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài, Nguyễn Kiên Cường (cựu chuyên viên Sở LĐ-TB-XH Bình Dương) đã nhận trên 8,3 tỉ đồng của ba người trên để giải quyết hơn 2.300 hồ sơ xin cấp giấy phép lao động.

Cáo trạng của Viện KSND Tối cao xác định Hoàng Thanh (cựu Trưởng phòng Quản lý lao động thuộc Ban quản lý các KCN Bình Dương) đã nhận hối lộ trên 1,5 tỉ đồng; Đinh Thái Tuấn (cựu Phó phòng Quản lý Đầu tư – Doanh nghiệp – Lao động thuộc Ban quản lý khu kinh tế Bình Phước) nhận hối lộ trên 750 triệu đồng.

Quá trình cấp giấy phép lao động, ông Lê Minh Quốc Cường đã ký cấp 518 giấy phép lao động trong đó các thông tin cá nhân đều là giả.

Các ông Nguyễn Thành Trung; Nguyễn Thành Nhân; Đặng Quang Việt (cùng là cựu Phó ban quản lý các KCN Bình Dương) đã ký 467 giấy phép lao động cho người nước ngoài, trong đó các thông tin cá nhân, giấy tờ tùy thân được cấp phép lao động đều được làm giả…

Theo dự kiến, phiên tòa sẽ được mở lại vào ngày 9/10. 

Comments are closed.