Chuyện Việt Nam ngày Thứ sáu 22 tháng 11 năm 2024


Mỹ bàn giao máy bay huấn luyện, mở rộng hợp tác quốc phòng với VN 

VOA Tiếng Việt 

21/11/2024

Đại diện Việt Nam và Hoa Kỳ tại lễ bàn giao máy bay huấn luyện.

Đại diện Việt Nam và Hoa Kỳ tại lễ bàn giao máy bay huấn luyện. 

Đại sứ Hoa Kỳ Marc Knapper và Tư lệnh Lực lượng Không quân Thái Bình Dương Hoa Kỳ, Đại tướng Kevin B. Schneider, đã cùng Tư lệnh quân chủng Phòng không Không quân Việt Nam, Trung tướng Nguyễn Văn Hiền, tham gia lễ bàn giao máy bay huấn luyện T-6C hôm 20/11 ở Phan Thiết.

Phái đoàn ngoại giao Hoa Kỳ ở Việt Nam nói rằng đợt chuyển giao máy bay huấn luyện T-6C đầu tiên, gồm 5 trong số 12 chiếc, là “một dấu mốc quan trọng trong mối quan hệ quốc phòng song phương”.

Phái đoàn này nói tiếp rằng thông qua việc bàn giao 5 máy bay huấn luyện T-6C thế hệ mới do Hoa Kỳ sản xuất, “Hoa Kỳ thể hiện cam kết hợp tác với Việt Nam khi Việt Nam phát triển năng lực quốc phòng tự chủ, phù hợp với Quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện Hoa Kỳ – Việt Nam”.

“Việc chuyển giao này là một bước tiến quan trọng trong mối quan hệ hợp tác ngày càng phát triển giữa Hoa Kỳ và Việt Nam. Máy bay huấn luyện T-6C sẽ hỗ trợ đắc lực cho chương trình đào tạo phi công của Việt Nam, qua đó phản ánh tầm nhìn chung của chúng ta về một nước Việt Nam vững mạnh, thịnh vượng, độc lập và kiên cường, góp phần cho ổn định và an ninh khu vực,” Đại sứ Hoa Kỳ Marc Knapper nói trong một thông cáo.

Đồng quan điểm với Đại sứ Knapper, Tư lệnh quân chủng Phòng không Không quân Việt Nam, Trung tướng Nguyễn Văn Hiền, nói rằng “đây sẽ là trang bị quốc phòng hữu dụng để phi công quân sự Việt Nam bổ sung, nâng cao khả năng huấn luyện, phối hợp hiệp đồng, đáp ứng nhiệm vụ đào tạo phi công, sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ tổ quốc”.

“Phía Việt Nam cam kết cùng phía Hoa Kỳ khai thác sử dụng máy bay T-6C một cách hiệu quả nhất trong thời gian tới, làm cơ sở cho công tác huấn luyện và thực hiện nhiệm vụ của Quân chủng Phòng không Không quân Việt Nam”, ông Hiền nói, theo phái đoàn ngoại giao Hoa Kỳ.

Theo cơ quan ngoại giao này, vào năm 2021, Bộ Quốc phòng Việt Nam và Lực lượng Không quân Hoa Kỳ “cam kết” về việc đưa máy bay huấn luyện T-6C vào hoạt động và qua đó, “nâng cao chương trình đào tạo phi công của quân chủng Phòng không Không quân Việt Nam”.

Như VOA tiếng Việt từng đưa tin, T-6C là loại máy bay được Không quân Hoa Kỳ sử dụng để tiến hành huấn luyện phi công cơ bản và sĩ quan phục vụ hoạt động tác chiến.

Vào năm 2018, Việt Nam cử hai phi công tham gia khóa đào tạo dài 52 tuần với loại máy bay này trong Chương trình Lãnh đạo Hàng không của không quân Mỹ.

https://www.voatiengviet.com/a/7872001.html

Chủ tịch nước Lương Cường tìm kiếm sự hậu thuẫn từ Trung Quốc để củng cố quyền lực

21/11/2024 

https://i.ytimg.com/vi/P-rXD5RpW38/hqdefault.jpg

Ngày 19/11, RFA Tiếng Việt đăng bài bình luận: “Tại sao Lương Cường lại bất ngờ chỉ trích Tổng thống Mỹ Donald Trump?” của blogger Nam Việt.

Theo đó, tác giả đề cập, Chủ tịch nước Việt Nam Lương Cường mới đây bất ngờ lên tiếng, gián tiếp chỉ trích nhiệm kỳ cầm quyền sắp tới của ông Donald Trump rằng, bảo hộ, chiến tranh thương mại chỉ dẫn đến suy thoái, nghèo đói.

Điều đáng nói, là hệ thống truyền thông nhà nước Việt Nam đồng loạt đưa tin, thậm chí dẫn giải nội dung này của ông tân Thủ tướng, khi phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh Doanh nghiệp APEC ở Peru hôm 14/11.

Trong khi đó, gần 1000 cơ quan báo chí, truyền hình của nhà nước Việt Nam lại hoàn toàn im lặng về câu chuyện liên quan đến ông Lương Cường.  Đó là vụ bê bối của ông Lại Đắc Tuấn trong chuyến công du Chile vừa rồi.

Tác giả đặt ra câu hỏi, vì sao ông Cường lại lên tiếng “gây hấn” với ông Donald Trump vào lúc này, mà câu chuyện “chiến tranh thương mại”, được nhìn thấy rõ là vấn đề giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. Thậm chí, cuộc chiến đó là gay gắt, người hưởng lợi lại là Việt Nam?

Dĩ nhiên, người dân trong nước khi nhìn vào những phát biểu của ông Cường tại APEC, có thể thấy ông ta đang nói thay cho Bắc Kinh. Thậm chí không khác nào đang thách thức Tổng thống Trump, sắp tới khi ngồi vào Tòa Bạch Ốc, sẽ xét lại những thuận lợi của Việt Nam trong giao thương với Mỹ, ví dụ như chuyện đã Việt Nam hưởng lợi thặng dư lên đến 103 tỷ đô la trong trao đổi thương mại với Mỹ.

Tác giả nhắc lại, Chủ tịch Lương Cường nhân lúc ông Tô Lâm đang công du Mỹ và Châu Âu, hồi tháng 9/2024, đã bất thần chạy sang triều kiến Tập Cận Bình, nhằm kiếm sự ủng hộ cho việc giành phần quyền lực cho phía quân đội.

Cùng từ lúc Lương Cường lên nắm chức, lần đầu tiên trong Quốc hội đã có lời phàn nàn, so sánh việc tại sao số tướng công an ở trong nước lại áp đảo số tướng quân đội.

Đây là lần đầu tiên những lời bàn và mâu thuẫn lâu nay giữa ngành công an và quân đội được nói công khai trước Quốc hội.

Trong câu chuyện ông Lại Đắc Tuấn ở Chile, theo tác giả Nam Việt, có nhiều nguồn tin cho biết rằng ông Tuấn chỉ là kẻ thế thân cho chủ, cho một câu chuyện lớn hơn nữa mà có thể ông Lương Cường sẽ bị hạ bệ, nếu không khéo thu xếp sớm.

Theo một nguồn tin không thể kiểm chứng được, vụ ăn chơi ở khách sạn thuộc về một nhóm quan chức, Tuấn là người biết chuyện sau và đinh ninh là ở khách sạn này, đường dây gái mại dâm là nói mật khẩu “mang nước lên”, và từ đó ông ta bị phản ứng bất ngờ do người đem nước chỉ là nhân viên phục vụ. Tuấn phải ra mặt chịu tội, và cam kết với chủ là không được hé môi nửa lời cho cuộc ăn chơi đó.

Nhưng với Tô Lâm, bao nhiêu đó, đã là cơ hội vàng cho một kế hoạch lật đổ trong tương lai gần. Vì bởi mỗi chuyện ăn bò dát vàng bị lộ video, đã làm mất danh thế của ông ta suốt một chặng dài.

Vẫn theo tác giả, để lý giải về câu chuyện ông Lại Đắc Tuấn rùm beng cả thế giới, nhưng báo chí Việt Nam hoàn toàn im lặng, bởi có lệnh từ cấp cao của chính phủ ra lệnh các báo không được đưa lại tin, cũng không được để lọt bất kỳ một bình luận nào trên báo. Chính Lương Cường cũng nhận ra những chân ghế của mình đang ngồi lung lay bởi câu chuyện này.

Tác giả cho biết, để xác định tấm lòng trung thành đối với Bắc Kinh, chỗ dựa cuối cùng và quan trọng của Lương Cường trong những ngày tháng tới, vị tân Chủ tịch được Trung Quốc yểm trợ, đã phải gồng mình lên tiếng chỉ trích ông Donald Trump, để chứng minh rằng mình vẫn là thành phần mà Bắc Kinh luôn có thể tin cậy được.

Tác giả lưu ý, trong cuộc tấn công và đánh đập ngư dân ở Hoàng Sa, mà Trung Quốc ngạo mạn nói rằng, Việt Nam phải biết giáo dục lại công dân của mình, phía Chủ tịch nước Lương Cường cũng hoàn toàn im lặng và không có một thái độ gì phản đối Trung Quốc.

Ý Nhi – thoibao.de

https://thoibao.de/blog/2024/11/21/chu-tich-nuoc-luong-cuong-tim-kiem-su-hau-thuan-tu-trung-quoc-de-cung-co-quyen-luc

Liên đoàn Khmer Kampuchea-Krom kêu gọi Việt Nam trả tự do cho các nhà sư Khmer Krom

22/11/2024

Liên đoàn Khmer Kampuchea-Krom kêu gọi Việt Nam trả tự do cho các nhà sư Khmer Krom

Từ trái qua hàng trên cùng: Sư trụ trì Thạch Chanh Đa Ra, các sư Dương Khải, Thạch Quí Lầy, Kim Sa Rương; hàng dưới: sư Thạch Chóp, ba Phật tử là Thạch Nha, Kim Khiêm và Thạch Ve Sanal 

báo Vĩnh Long/RFA edited 

Liên đoàn Khmer Kampuchea-Krom (KKF) ngày 19/11 ra thông cáo báo chí kêu gọi Việt Nam trả tự do cho năm nhà sư và bốn phật tử người Khmer Krom trước phiên toà xét xử dự kiến vào hai ngày 26-27/11 tới.

Theo thông báo của Toà án Nhân dân tỉnh Vĩnh Long, sư Thạch Chanh Đa Ra và phật tử Kim Khiêm sẽ bị đưa ra toà xét xử về cáo buộc “lợi dụng quyền tự do dân chủ” theo Điều 331 Bộ luật Hình sự, trong khi bốn sư Dương Khải, Thạch Quí Lầy, Kim Sa Rương và Thạch Chóp cùng với ba phật tử là Thạch Nha, Kim Khu và Thạch Ve Sanal bị cáo buộc “bắt, giữ người trái pháp luật” theo Điều 157 của Bộ luật Hình sự.

Sư Thạch Chanh Đa Ra- từng chủ trì chùa Đại Thọ ở  ở xã Loan Mỹ, huyện Tam Bình, cùng hai ông Kim Khiêm và Thạch Ve Sanal  bị bắt vào ngày 26/3, ông Kim Khu bị bắt ngày 30/3, những người còn lại bị bắt giữ vào ngày 28/3/2024.

Khoảng 1,3 triệu người Khmer Krom hiện đang sống ở các tỉnh miền Nam Việt Nam. Cộng đồng người Khmer Krom thường lên tiếng tố cáo chính quyền Việt Nam đàn áp họ về quyền tự do tôn giáo, tự do biểu đạt và các quyền của người bản ngữ. Chính phủ Việt Nam bác bỏ các cáo buộc này. 

Trong thông cáo mới đây bằng tiếng Anh, KKF nói những người bị bắt là nhà sư và nhà hoạt động Khmer Krom đấu tranh cho quyền tự do và thực hành tôn giáo ôn hòa.

Nhắc lại việc chín người không được tiếp cận hỗ trợ pháp lý hoặc quyền được bảo vệ đầy đủ trong suốt quá trình tạm giam, KKF kêu gọi cộng đồng quốc tế gây sức ép buộc Chính phủ Việt Nam phải bảo đảm một phiên toà công bằng và minh bạch cho chín người Khmer Krom.

“Chúng tôi kêu gọi cộng đồng quốc tế, các tổ chức nhân quyền và tất cả các bên liên quan hãy đứng lên cùng cộng đồng người Khmer và kêu gọi Chính phủ Việt Nam thả các nhà sư và nhà hoạt động bị giam giữ một cách bất công. Một phiên tòa công bằng phải bao gồm quyền được tiếp cận với đại diện pháp lý, quyền được bào chữa và sự hiện diện của người thân.”

Trong thông cáo, KKF cho biết họ nhận được thông tin chính quyền Việt Nam đã ép buộc người dân Khmer ở địa phương ký các biên bản làm chứng chống lại các nhà sư và người hoạt động và sử dụng các biên bản này hỗ trợ việc kết tội trong phiên toà sắp tới, và chỉ những người ký vào biên bản mới được phép tham dự phiên tòa sắp tới.

Tổ chức này kêu gọi các đại sứ quán nước ngoài tại Việt Nam và các tổ chức nhân quyền quốc tế cử đại diện đến quan sát phiên toà, và thúc giục Việt Nam tôn trọng công lý với tư cách là thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp quốc.

Tổ chức này cũng kêu gọi Việt Nam chấm dứt mọi hình thức quấy rối và đe dọa đối với cộng đồng người Khmer Krom, cộng đồng quốc tế có hành động nhanh chóng và quyết đoán để mang lại công lý cho họ.

Từ Italy, ông Trần Xa Rộng- Phó Chủ tịch thứ hai của KKF, nói với RFA trong ngày 21/11:

“Họ (những người sắp bị xét xử- PV) là những người dân bình thường chất phác, chỉ muốn thực hành những gì họ có thể có quy định bởi luật pháp của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam cũng như luật quốc tế.

Những ước mong của người dân chúng tôi là muốn thực hành quyền của người bản địa nhưng họ (phía Việt Nam- PV) lấy tôn giáo lấy chùa chiền để gắn đủ thứ tội.”

Phóng viên gửi email cho Bộ Ngoại giao Việt Nam với đề nghị bình luận về Thông cáo của KKF nhưng chưa nhận được ngay phản hồi.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/khmer-kampuchea-krom-federation-urge-vietnam-release-monks-11222024075402.html

Vụ bê bối lớn: Cả một ban lãnh đạo Đại học đều xài bằng giả!

Trần Anh Quân 

21/11/2024

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2024/11/1banggia_a2345.jpeg

(Facebook) 

Chủ tịch thì chưa học hết lớp 7 nhưng có bằng thạc sỹ, hiệu phó thì xài bằng đại học giả. Lập trường ra để “rửa bằng” cho quan chức CSVN.

Giáo dục Việt Nam vừa có thêm một sự kiện chấn động khi cả một dàn lãnh đạo trường đại học đều xài bằng giả. Câu chuyện vừa lộ ra tại trường đại học Kinh Bắc, có hai cơ sở tại thành phố Bắc Ninh và quận Ba Đình (Hà Nội). Theo thông tin mới nhất thì bà Đào Thị Bích Thuỷ, phó hiệu trưởng trường này vừa bị thu hồi bằng cử nhân  do vi phạm điều kiện dự tuyển sinh đại học. Không rõ vi phạm cụ thể là gì, nhưng một số nguồn tin cho biết là bà này vẫn chưa tốt nghiệp trung học phổ thông mà xài bằng tú tài giả nên mới bị đưa vào diện “vi phạm quy chế tuyển sinh”.

Từ dàn lãnh đạo xài bằng giả ở đại học Kinh Bắc

Trước đó, hồi tháng Giêng năm nay thì bà Nguyễn Thị Tuyết Hồng, Phó Chủ tịch Hội đồng trường đại học này cũng bị phát hiện xài bằng cử nhân giả. Hồ sơ bà này khai là tốt nghiệp Cử nhân Kinh tế, chuyên ngành Quản trị kinh doanh tại Học viện Tài chính năm 2000. Nhưng Phòng An ninh chính trị nội bộ Công an Hà Nội xác minh thì phát hiện bà này chưa từng học ở đây và bằng cử nhân của bà Hồng là bằng giả.

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2024/11/Picture1-2.jpg

Bản photo bằng đại học giả của hiệu phó Đại học Kinh Bắc (Facebook) 

Người đứng đầu trường đại học Kinh Bắc thì bị phát hiện là chưa học hết lớp 7. Theo đó, hồi cuối tháng 2 này thì ông Đoàn Xuân Tiếp, Bí thư đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Kinh Bắc đã bị kỷ luật vì “kê khai lý lịch không trung thực về trình độ giáo dục phổ thông”. Ủy ban kiểm tra Thành ủy Bắc Ninh cho biết ông Đoàn Xuân Tiếp mới chỉ học hết lớp 6, tới đầu năm học lớp 7 thì nghỉ học, bởi vậy ông Tiếp không có bằng THCS. Sau đó, ông Tiếp đi bộ đội.

Nhưng theo tài liệu ông Tiếp nộp lên thì ông này có bằng tốt nghiệp trường Đại học Mỏ – Địa chất khóa 2005 – 2010, chuyên ngành Quản trị kinh doanh mỏ, hệ đào tạo Vừa học vừa làm. Điểm bình quân khóa học là 7,12, xếp loại Khá. Rồi ông Tiếp lại dùng cái bằng giả đó để đi học thạc sỹ tại Philippines và hiện đang học lên tiến sỹ. Bị phát hiện xài bằng giả như vậy, nhưng chẳng biết lo lót thế nào, mà tới giờ ông Đoàn Xuân Tiếp vẫn còn giữ chức Chủ tịch hội đồng Trường Đại học Kinh Bắc.

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2024/11/Picture2.jpg

Bằng đại học giả của chủ tịch hội đồng trường Đại học Kinh Bắc (báo Pháp Luật) 

Với một dàn lãnh đạo xài bằng giả như vậy thì không cần phải bàn về chất lượng giáo dục của trường đại học này. Trong diễn biến mới nhất thì website của trường đại học Kinh Bắc đã xác nhận rằng 160 bằng tốt nghiệp của sinh viên được cấp vào đầu tháng 11 này là bất hợp pháp. “Lễ trao bằng tốt nghiệp cho 160 sinh viên của Trường Đại học Kinh Bắc vào ngày 2 Tháng Mười Một 2024 tại Khách sạn Mường Thanh, Thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh là trái quy định của pháp luật, chống lại yêu cầu của cơ quan chủ quản, cố ý làm trái văn bản 6976/BGDĐT-TCCB ngày 29 Tháng Mười 2024 của Bộ Giáo dục và Đào tạo”. Thông báo ghi.

Tới nguy cơ sụp đổ của cả quốc gia

Năm năm trước, một phó hiệu trưởng khác của trường Đại học Kinh Bắc bị bắt giam vì “bán bằng thật cho người học giả”. Vụ đó là cuối Tháng Mười Hai 2019, bà Nguyễn Thị Minh Châu, Phó Hiệu trưởng kiêm Trưởng Phòng Tổ chức hành chính, Phó Phòng Quản lý đào tạo trường này, bị công an bắt về tội Giả mạo trong công tác, theo Điều 359 Bộ luật Hình sự. Bà Châu đã lợi dụng chức vụ để cấp bằng tốt nghiệp đại học ngành ngôn ngữ Anh hệ văn bằng 2 cho các quan chức CSVN.

Văn bằng 2 Anh ngữ là một trong những văn bằng mà CSVN dùng để thi nâng ngạch viên chức, công chức. Ngoài ra thì văn bằng này cũng được dùng để thay thế cho các loại chứng chỉ Anh ngữ quốc tế như IELTS, TOEIC để học lên thạc sỹ hoặc tiến sỹ. Những chứng chỉ quốc tế thì rất khó thi và hầu như không quan chức nào có thể đậu. Chính vì vậy các trường đại học ở Việt Nam mới mở ra những lớp văn bằng 2 Anh ngữ để quan chức CSVN “rửa bằng”, học giả hoặc không học nhưng chỉ cần nộp tiền là được nhận bằng thật.

Trước đây cũng từng có vụ án đại học Đông Đô bị phát hiện bán 429 bằng thật cho những người học giả để những người mua bằng có thể học lên thạc sỹ, nghiên cứu sinh hoặc thi thăng hạng công chức. Kinh Bắc và Đông Đô chỉ là hai trường đại học bị phanh phui, còn rất nhiều trường khác vẫn chưa lộ. Cũng nhờ những cái bằng thật học giả này mới hiểu tại sao Việt Nam có hơn 30.000 tiến sỹ và hàng trăm ngàn thạc sỹ nhưng số lượng nghiên cứu khoa học thì chẳng bao nhiêu.

Cố tổng thống Nam Phi, ông Nelson Mandela từng nhắn nhủ rằng: “Để phá hủy bất kỳ quốc gia nào, không cần phải sử dụng đến bom nguyên tử hoặc tên lửa tầm xa. Chỉ cần hạ thấp chất lượng giáo dục và cho phép gian lận trong các kỳ thi của sinh viên.  Bệnh nhân chết dưới bàn tay các bác sĩ của nền giáo dục ấy. Các tòa nhà sụp đổ dưới bàn tay các kỹ sư của nền giáo dục ấy. Tiền bị mất trong tay các nhà kinh tế và kế toán của nền giáo dục ấy. Nhân loại chết dưới bàn tay các học giả tôn giáo của nền giáo dục ấy. Công lý bị mất trong tay các thẩm phán của nền giáo dục ấy. Sự sụp đổ của giáo dục là sự sụp đổ của một quốc gia”.

Bây giờ, ngoài miệng CSVN hô hào “xây dựng con người xã hội chủ nghĩa”, thực hiện “giáo dục định hướng xã hội chủ nghĩa”. Nhưng thực tế lại làm theo đúng những gì ông Nelson Mandela khuyên Nam Phi phải tránh. Với nền giáo dục như vậy thì dù lạc quan cách mấy cũng không thể tin rằng Việt Nam có thể “sánh vai cùng các cường quốc năm châu” như những gì cộng sản tuyên truyền. Còn bi quan thì rõ ràng là Việt Nam đang trên bờ vực sụp đổ theo cách mà Nelson Mandela đã nói.

Một nhà hoạt động bị lừa, rơi vào đường dây buôn người

Tiểu Phi

22/11/2024

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2024/11/Picture1-1.png

Địa điểm gần chân núi Bokor, nơi cảnh sát Cambodia vừa giải cứu được 5 nạn nhân của vụ buôn người (Hình: VD) 

Cảnh sát Hoàng Gia Campuchia vừa đột nhập vào một địa điểm dưới chân núi Bokor (người Việt gọi là núi Tà Lơn) tại vùng Phumi Pôpôk Vil, Campuchia, và giải cứu được 5 trong số 8 người Việt bị một tổ chức buôn người đưa sang Campuchia. Ba người bị bọn buôn người đưa đi trước đó. Đáng chú ý, một trong số ba người bị đưa đi trước khi cảnh sát đến giải cứu, được biết là ông Từ Anh Tú, một nhà hoạt động dân chủ tại Bắc Giang.

Ông Từ Anh Tú (sinh năm 1986), quê quán tại thôn Đại Phú, xã Phi Mô, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang, là một người hoạt động dân chủ độc lập. Ông từng tham gia biểu tình chống Trung Quốc vào năm 2010 và chống thảm họa đầu độc môi trường biển Việt Nam do nhà máy gang thép Hưng Nghiệp Hà Tĩnh (Formosa Hà Tĩnh) gây ra. Ông được cho là đã rời khỏi địa phương hơn một tháng nay để đi giúp một người bạn ở bên Campuchia.

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2024/11/Picture2-1-640x853.jpg

Ảnh của ông Từ Anh Tú trước khi bị mất tích (Facebook) 

Người thân của ông Tú tại Hà Nội cho hay Tú bị một người bạn nhờ sang Campuchia giúp việc khoảng vài ba ngày, nhưng không ngờ đó là cái bẫy của một tổ chức buôn người giăng ra nhằm bán lấy người phục vụ cho các Casino. Cũng có tin nói vì ông Tú cũng đang muốn đào thoát khỏi sự truy bức của công an nên ông được mai mối đưa Campuchia, nhưng lại không may lọt vào một đường dây buôn người.

Cầm đầu chi nhánh buôn người này là một người tên Hùng quê Hải Dương, có tài khoản mạng xã hội là https://www.tiktok.com/@sos_star_04, và một cô “nhân tình” của người này, tên “Út”. Ngoài ông Tú, trong số người bị buôn cùng đợt còn có 7 người Việt khác. Những người này được Hùng và Út bán cho những người khác để lấy số tiền khoảng 17 ngàn USD. Khi những nạn nhân đang bị giam lỏng tại một homestay gần chân núi Bokor thì được Cảnh sát Hoàng Gia Campuchia đến giải cứu thành công được 5 người.

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2024/11/Picture3-640x411.jpg

Chân dung của Hùng và Út, 2 kẻ cầm đầu chi nhánh buôn người vừa bị phát hiện (Hình: VD) 

Danh tính của 5 người Việt vừa được giải cứu là Nguyễn Viết Toàn, sinh ngày 23 Tháng Mười 2003, quê quán Quảng Yên, Quảng Ninh; Nguyễn Văn Dũng, sinh ngày 28 Tháng Mười 2002, quê quán Quảng Ninh; Phạm Thị Nga, sinh ngày 03 Tháng Một 2006, quê quán Vĩnh Bảo, Hải Phòng, Vũ Huy Đôn, quê quán Quảng Yên, Quảng Ninh; và Dương Văn Tần, sinh năm 1995, quê quán Quảng Yên, Quảng Ninh.

Khi nhận ra là mình đang ở trong tay bọn buôn người, ông Tú đã cố gắng liên lạc với người bạn của ông tên N. Ông N. ngay lập tức đã liên lạc với cảnh sát Campuchia cầu cứu. Cảnh sát lập tức đến địa điểm mà ông Tú gửi qua điện thoại cho người bạn, và giải cứu được 5 người nêu trên. Tuy nhiên, ông Từ Anh Tú và 2 người Việt khác được cho là đã bị một nhóm người “nói tiếng Trung Quốc” đưa đi trước đó, và điện thoại của ông Tú hiện nay đã không còn liên lạc được.

Một trong hai người Việt bị đưa đi cùng ông Tú được xác định là Cao Xuân Phố, quê quán Thị xã Quảng Yên tỉnh Quảng Ninh, người còn lại chưa rõ danh tính.

Hiện tại, về phía Campuchia, cảnh sát đang truy tìm manh mối để giải cứu nốt ba người còn lại (trong đó có ông Từ Anh Tú). Còn về phía Việt Nam, những nhà hoạt động tại Hà Nội hiện nay đang rất lo lắng cho tình hình của ông Tú.

Một người hoạt động tại Hà Nội cho hay, nếu người tên Hùng không đưa được ông Tú quay về, thì sẽ làm đơn tố cáo Hùng ra tòa.

Hùng và Út (2 kẻ cầm đầu chi nhánh trong vụ buôn người lần này) được cho là chủ của một quán Café tên Osaka tại Thị xã Bavet (Campuchia), giáp với vùng Đông Nam phần của Việt Nam.

Khách hàng BIDV “kêu trời” khi trả tiền triệu cho phí nhận tin nhắn biến động số dư

21/11/2024

Khách hàng BIDV "kêu trời" khi trả tiền triệu cho phí nhận tin nhắn biến động số dư

Một khách hàng rút tiền từ ATM ở trụ sở chính của BIDV ở Hà Nội ngày 20/01/2014 

https://www.rfa.org/++plone++rfa-resources/img/icon-zoom.pngReuters 

Các khách hàng của Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) bày tỏ sự bất bình khi bất ngờ bị trừ tiền cho dịch vụ thông báo biến động số dư tài khoản lên đến hàng triệu đồng.

Hóa đơn điện thoại hàng tháng của người dùng bình thường ở Việt Nam thường ở mức thấp do hầu hết đều sử dụng các ứng dụng nhắn tin và gọi điện qua Internet, tuy nhiên, một số người dùng là khách hàng của BIDV vừa qua lại nhận được thông báo trừ tiền tăng đột biến từ vài chục nghìn đồng đến một triệu đồng, cá biệt có người bị trừ hơn 2,3 triệu đồng.

Một người bán hàng trực tuyến ở Hà Nội sử dụng dịch vụ của ngân hàng này, cho biết tháng 11 ông bị trừ hơn 100 ngàn đồng vì nhận các thông báo biến động số dư tài khoản tháng vừa qua.

Ông nói với RFA trong điều kiện ẩn danh vì lý do an ninh:

“Việc bất ngờ tăng giá dịch vụ thông báo biến động số dư tài khoản của BIDV ảnh hưởng rất lớn tới người kinh doanh (nhỏ lẻ-PV) như gia đình chúng tôi, nhất là những người kinh doanh online vì khi có khách hàng chuyển tiền và báo biến động số dư thì cũng đồng nghĩa với việc chịu mất phí tin nhắn.”

Theo giải thích của ông, một số người bán hàng trực tuyến có thể chịu khoản phí cực lớn cho việc nhận tin nhắn của ngân hàng khi có người chuyển tiền do mỗi đơn hàng trung bình chỉ vài chục nghìn đồng.

BIDV hôm 21/10 thông báo trên website về điều chỉnh phí dịch vụ nhận tin nhắn áp dụng từ ngày 01/10 với mức giá 700 đồng/tin nhắn cho khách hàng cá nhân thông thường có mức từ 15 tin nhắn/thuê bao/tháng trở lên. 

Song song với đó, ngân hàng khuyến khích khách hàng tăng cường sử dụng ứng dụng của BIDV trên điện thoại, trong đó việc nhận thông báo biến động số dư trên ứng dụng này là miễn phí.

Theo người bán hàng trực tuyến không nêu danh tính, việc bất ngờ tăng phí dịch vụ tin nhắn của ngân hàng để khiến người dùng chuyển qua dùng ứng dụng trên điện thoại là một “pha tự hủy” khi nhiều người đã tuyên bố ngưng sử dụng dịch vụ của BIDV và chuyển qua các ngân hàng khác.

Phóng viên gửi email đến BIDV với đề nghị bình luận về phản ứng của các khách hàng trước diễn biến vừa qua nhưng chưa nhận được phản hồi.

Trước đó, các ngân hàng thương mại như Eximbank, Vietcombank, Sacombank, VPBank,… đã thông báo thay đổi chính sách phí nhận tin nhắn qua điện thoại.

Một phụ nữ ở Thanh Hoá bán nông sản trên mạng cho RFA biết đã huỷ dịch vụ nhận tin nhắn biến động số dư tài khoản từ lâu vì nhiều ngân hàng đã tăng phí.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/bidv-customers-shoked-for-high-sms-service-bill-11212024043233.htm

Cựu giảng viên môn Chủ nghĩa xã hội khoa học bị bắt với cáo buộc “lợi dụng các quyền tự do”

RFA
20/11/2024

Cựu giảng viên môn Chủ nghĩa xã hội khoa học bị bắt với cáo buộc “lợi dụng các quyền tự do”

Cổng thông tin điện tử Công an Bình Dương thông tin về vụ bắt giữ ông Bùi Tiến Lợi 

https://www.rfa.org/++plone++rfa-resources/img/icon-zoom.pngChụp màn hình/ RFA edited 

Cơ quan Cảnh sát Điều tra của Công an tỉnh Bình Dương ngày 20/11 đã bắt giữ nguyên thượng tá Bùi Tiến Lợi, cựu Chủ nhiệm bộ môn Chủ nghĩa xã hội khoa học của Trường Đại học Sĩ quan Công binh (Bộ Quốc phòng), với cáo buộc “lợi dụng quyền tự do dân chủ” theo Điều 331 của Bộ luật Hình sự.

Mạng báo Pháp luật online cho biết, lực lượng công an đã di lý ông Lợi từ quê nhà ở Thái Bình vào nơi sinh sống Thủ Dầu Một để khởi tố. Ông bị cho là đã sử dụng Facebook để “đăng tải thông tin trái chiều, xấu, độc có nội dung xuyên tạc đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước gây bức xúc trong dư luận xã hội.”

Báo điện tử Đảng Cộng sản cuối tháng 7/2020 đưa tin ông Lợi bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng quyết định giữ nguyên hình thức kỷ luật khai trừ khỏi Đảng vì đã có những bài viết, phát ngôn trên mạng xã hội  trái với quan điểm, đường lối của Đảng và Nhà nước,… xúc phạm tới danh dự, uy tín cá nhân của một số lãnh đạo.

Bài báo này cho rằng, sai phạm nghiêm trọng nhất là trong một video đăng trải trên trang cá nhân có mặc quân phục ông nói: “Ai đó nói rằng, Biển Đông là của Việt Nam, Trường Sa là của Việt Nam thì đó là những tuyên truyền trái với luật pháp quốc tế, không đúng với Công ước về Luật Biển năm 1982”.

Trong khi đó, mạng báo Công Thương cho biết ông Bùi Tiến Lợi, người vừa bị Công an tỉnh Bình Dương bắt giữ, từng bị tờ báo này phản ánh vì cho rằng đã  đã đăng tải tám bài viết có tên hoặc hình ảnh của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong thời gian từ ngày 17/7 đến 23/7 (trước và sau khi ông Trọng qua đời-PV) với những lời lẽ bị cho là “hỗn xược và các nội dung mang tính quy chụp, xúc phạm, thô tục và coi thường kỷ cương phép nước.”

Phóng viên tìm thấy trang Facebook Tien Loi với 6.700 người theo dõi, phù hợp với thông tin mà báo Công Thương đăng tải.

Các bài viết gần đây, trang Facebook này chia sẻ nhiều video, hình ảnh và thông tin về sư Minh Tuệ, một người tu theo 13 hạnh Đầu đà và những phát ngôn của bà Nguyễn Phương Hằng liên quan đến vị sư độc lập này.

Trong một bài viết hồi tháng 9, ông này cho rằng bản thân là người “phản biện gay gắt, trực tiếp, toàn diện” đối với ông Nguyễn Phú Trọng lúc sinh thời, nhưng chính ông cũng là “người để tang ông (Trọng) nghiêm túc, bài bản.”

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/former-lecturer-of-socialism-science-arrested-of-abusing-democratic-freedom-11202024052807.htmll

Comments are closed.