Chuyện Việt Nam ngày Thứ sáu 23 tháng 8 năm 2024


Các chuyên gia Liên Hiệp Quốc chất vấn Việt Nam về phiên toà xử 100 người Thượng

22/8/2024

Các chuyên gia Liên Hiệp Quốc chất vấn Việt Nam về phiên toà xử 100 người Thượng

Phiên toà xét xử khoảng 100 người Thượng ở Đắk Lắk hôm 16/1/2024 

https://www.rfa.org/++plone++rfa-resources/img/icon-zoom.pngSTR / Vietnam News Agency / AFP 

Các chuyên gia và báo cáo viên của Liên Hiệp Quốc hôm 14/6 gửi thư đến Chính phủ Việt Nam yêu cầu trả lời các quan ngại về việc xét xử 100 người Thượng ở Đắk Lắk hồi đầu năm nay liên quan đến vụ tấn công vào các trụ sở chính quyền địa phương ở tỉnh này hồi tháng 6 năm 2023. Liên Hiệp Quốc công bố văn thư này cùng các thư trao đổi từ Chính phủ Việt Nam liên quan đến công văn sau 60 ngày theo thông lệ.

Vào ngày 15/8, Phái đoàn thường trực của Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc và Tổ chức Thương mại Thế giới đã gửi thư tới Liên Hiệp Quốc, đề nghị được gia hạn thêm hai tháng để trả lời các chất vấn trong thư của các chuyên gia LHQ.

Các quan ngại được các chuyên gia và đặc phái viên Liên Hiệp Quốc nêu ra trong thư bao gồm: việc thiếu vắng một phiên toà công bằng và độc lập trong xét xử những người Thượng bị cáo buộc có liên quan vụ tấn công vào các trụ sở chính quyền địa phương hôm 11/6/2023, cáo buộc về việc bắt giữ và giam giữ người trái phép liên quan đến vụ án này, tra tấn và đối xử tàn tệ đối với những người Thượng bị tình nghi, những vụ chết người khi đang bị giam giữ không được giải thích, các cáo buộc về khủng bố, hạn chế quyền tự do bày tỏ ý kiến và sự tham gia của truyền thông, phân biệt đối xử đối với người dân bản xứ (trong trường hợp này là những người Thượng ở Tây Nguyên), đàn áp tôn giáo và tín ngưỡng của người Thượng.

Hôm 20/1/2024, Việt Nam mở phiên toà lưu động công khai xử 100 người Thượng ở Đắk Lắk. Phiên toà có sự tham dự của 94 bị cáo, 19 luật sư, sáu bị cáo khác bị xét xử vắng mặt. Các chuyên gia LHQ lưu ý là sáu người bị xét xử vắng mặt không có đại diện pháp lý tại toà.

Kết thúc phiên toà, 10 người đã bị kết án chung thân với cáo buộc khủng bố chống chính quyền nhân dân.

43 người khác nhận các án tù từ sáu đến 20 năm với cáo buộc tội khủng bố; 45 người khác bao gồm sáu người vắng mặt nhận án tù từ 3,5 năm đến 11 năm với cáo buộc tội khủng bố, hai người khác bị kết án tù từ chín tháng đến hai năm với cáo buộc che giấu tội phạm và tổ chức cho người khác xuất nhập cảnh trái phép vào Việt Nam.

Giới chức chính quyền cáo buộc những người này có liên hệ với các tổ chức người Thượng phản động có trụ sở ở Mỹ để tiến hành vụ tấn công vào vào hai trụ sở UBND xã Ea Ktur và Ea Tiêu thuộc huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk hồi tháng 6/2023 khiến chín người thiệt mạng.

Phần lớn các bài báo của truyền thông Nhà nước về vụ án này bị giới hạn vào việc đưa tin do Bộ Công an cung cấp theo chỉ đạo của Ban Tuyên giáo Trung ương dẫn đến việc kiểm duyệt và tự kiểm duyệt, theo thư của LHQ.

Cũng theo thư này, hơn 100 người đã bị phạt hành chính vì đưa tin về vụ việc lên mạng xã hội Facebook và TikTok với cáo buộc đưa tin sai lệch.

Cũng liên quan đến vụ án này, vào ngày 6/3/2024, Bộ Công an Việt Nam đã xếp Tổ chức Người Thượng vì Công lý vào danh sách các tổ chức khủng bố. Chính quyền Việt Nam nhận định rằng, tổ chức được thành lập vào năm 2019 ở Thái Lan và có đại diện ở Mỹ này hoạt động bằng cách tuyên truyền, thu hút, tuyển mộ thành viên, phân công nhiệm vụ và đào tạo cách thức hoạt động, tài trợ tiền, chỉ đạo mua vũ khí, phương tiện thực hiện các vụ tấn công, giết hại người dân và nhân viên chính quyền, phá hoại tài sản công, nhằm mục đích thành lập một nhà nước tự trị ở Tây Nguyên.

Tổ chức này bị chính quyền Việt Nam cáo buộc đã tổ chức cho nhóm Những người lính Degar thực hiện vụ tấn công hồi năm 2023 để thành lập nhà nước Degar.

Tổ chức Người Thượng vì Công lý đã bác bỏ các cáo buộc này và cho rằng những cáo buộc của Chính phủ Việt Nam đối với họ là nhằm ngăn chặn họ công khai các tài liệu về tình trạng đàn áp nhân quyền đối với người Thượng ở Việt Nam.

Một trong những thành viên của tổ chức này là ông Y Quynh Bdap đang tị nạn chính trị tại Thái Lan, và cũng như nhiều người Thượng khác bao gồm các thành viên của tổ chức hiện ở Thái Lan, ông được Liên Hiệp Quốc cấp quy chế tị nạn. Tất cả họ đều lo sợ bị đàn áp khi trở về Việt Nam.

Bộ Công an Việt Nam thậm chí đã cử người sang Thái Lan và gây sức ép yêu cầu họ về Việt Nam.

Những người Thượng này lo lắng họ sẽ bị bắt cóc đưa về Việt Nam như các trường hợp một số nhà hoạt động Việt Nam khác đã bị an ninh Việt Nam bắt cóc ngay trên đất Thái Lan trước đây như blogger Trương Duy Nhất và nhà báo tự do Thái Văn Đường.

Các chuyên gia của LHQ lo ngại về việc 100 người bị kết án trong phiên toà lưu động ở Đắk Lắk hồi đầu năm nay đã không có một phiên toà công bằng, đúng theo tiêu chuẩn theo luật quốc tế về nhân quyền. Cụ thể, những điểm thiếu công bằng được nêu ra bao gồm: phiên toà lưu động không theo đúng thủ tục quy định của luật quốc tế đòi hỏi các trường hợp tương tự phải được có thủ tục tương tự; phiên toà lưu động với mục đích để giáo dục công chúng về luật bằng cách kết án các bị cáo trước đông đảo người dân gần nơi họ sống thực chất là để đấu tố những người bị kết án và gia đình họ; phiên toà không độc lập mà chịu sự chỉ đạo của Đảng Cộng sản với việc kết án nhanh chóng một số lượng lớn bị cáo 100 người; báo chí Nhà nước đã đưa ra các bình luận và cáo buộc đối với những người bị xét xử ngay trước khi phiên toà diễn ra.

Ngoài ra, các chuyên gia của LHQ cũng lo ngại những người bị xét xử đã không có được sự tiếp cận đầy đủ đối với các luật sư trong một thời gian giam giữ dài và khi phiên toà diễn ra thì chỉ có 19 luật sư được chỉ định cho 100 bị cáo khi họ không có được quyền tự chọn luật sư cho mình.

Các chuyên gia cua Liên Hiệp Quốc cũng bày tỏ quan ngại và yêu cầu Chính phủ Việt Nam phải trả lời về việc bắt giữ và giam giữ tuỳ tiện, thiếu bằng chứng, đối với những người Thượng ngay sau vụ tấn công hồi tháng 6/2023.

Các chuyên gia LHQ quan ngại về cáo buộc tội khủng bố với những người này vì cho rằng các điều luật liên quan đến các cáo buộc này mù mờ và chung chung.

Việc Chính phủ Việt Nam thực hiện đàn áp xuyên biên giới, tìm cách dẫn độ một thành viên của Tổ chức Người Thượng vì Công lý từ Thái Lan về nước cũng được các chuyên gia Liên Hiệp Quốc đề cập trong bức thư.

Các chuyên gia của LHQ cũng lo ngại những phân biệt đối xử đối với người Thượng ở Tây nguyên tiếp nối sau vụ tấn công hồi năm 2023 và việc chính quyền gia tăng đàn áp những nhóm tôn giáo của người Thượng thời gian gần đây.

Đắk Lắk hiện có khoảng 30 nhóm dân tộc thiểu số gọi chung là người Thượng sinh sổng ở đây từ nhiều đời. Tuy nhiên từ năm 1975, sau cuộc chiến Việt Nam, chính quyền Việt Nam đã thực hiện chính sách di dân, đưa khoảng hơn ba triệu người từ các nơi khác đến vùng này. Theo số liệu thống kê của Chính phủ vào năm 2019, số người Thượng bản địa hiện chỉ chiếm khoảng 39% trong tổng số gần sáu triệu dân ở đây.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/un-expert-expressed-concerns-over-fair-trial-of-100-montagnards-accused-of-involvement-in-attack-in-dak-lak-in-2023-08222024101012.html

Bộ Ngoại giao Việt Nam nói báo Anh đưa tin sai sự thật về việc công dân Anh bị tạm giữ hộ chiếu

22/8/2024

Bộ Ngoại giao Việt Nam nói báo Anh đưa tin sai sự thật về việc công dân Anh bị tạm giữ hộ chiếu

Hình chụp hôm 20/10/2018 cho thấy một nhóm khách du lịch đang chụp hình ở Hà Nội (minh hoạ) 

https://www.rfa.org/++plone++rfa-resources/img/icon-zoom.pngNhac NGUYEN / AFP 

Bộ Ngoại giao Việt Nam hôm 22/8 lên tiếng phản bác các thông tin được báo chí Anh đưa ra gần đây, cảnh báo khách du lịch Anh có thể bị tạm thu hộ chiếu ở Việt Nam, cho rằng đây là các thông tin sai sự thật.

Trước đó, vào ngày 16/8, báo Mirror và một số báo khác của Anh đưa tin dẫn nguồn từ Bộ Ngoại giao nước này cảnh báo công dân Anh có thể bị mất hộ chiếu khi đến quốc gia Đông Nam Á này.

Bộ Ngoại giao của Anh được báo Anh trích dẫn cho biết khách du lịch Anh sẽ không thể rời Việt Nam mà không có visa hợp lệ. Các khách du lịch phải vào và ra khỏi Việt Nam sử dụng cùng một hộ chiếu theo một quy định mới. Quy định này được đưa ra sau vụ việc một số khách du lịch đã không thể rời khỏi Việt Nam vì giấy tờ của họ bị chính quyền địa phương tịch thu.

Bộ Ngoại giao Anh cũng cảnh báo công dân Anh về việc họ đã bị từ chối nhập cảnh vào Việt Nam vì hộ chiếu bị hư.

Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng hôm 22/8 nói tại cuộc họp báo thường kỳ: “Chúng tôi bác bỏ những thông tin sai sự thật như vậy. Chủ trương nhất quán của Việt Nam là luôn tạo thuận lợi cho người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú tại Việt Nam và qua đó góp phần phát triển kinh tế xã hội”.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vietnam-mofa-refuted-uk-media-reporting-that-english-tourists-may-have-lose-their-passport-in-vn-08222024121250.html

Cuộc di cư vĩ đại năm 1954: chạy trốn cải cách ruộng đất và đi tìm tự do

RFA
22/8/2024

Cuộc di cư vĩ đại năm 1954: chạy trốn cải cách ruộng đất và đi tìm tự do

Hình ảnh người dân bỏ làng quê lên tàu di cư vào Nam năm 1954 được Vietnamese Heritage Museum trưng bày tại Triển lãm Cải cách ruộng đất và Di cư 1954 ở Bảo tàng Bowers, 17-18/8/2024 (Ảnh minh họa) 

https://www.rfa.org/++plone++rfa-resources/img/icon-zoom.pngVietnamese Heritage Museum 

Năm 2024 đánh dấu 70 năm cải cách ruộng đất (1953 – 1956) và cuộc di cư vĩ đại từ Bắc vào Nam năm 1954 – 1955. Theo  Giáo sư Alex Thái Võ ở Trung tâm Việt Nam, Đại học Công nghệ Texas, trước đây, trong giới nghiên cứu lịch sử Việt Nam, được một số tài liệu ghi lại, hai sự kiện này dường như chỉ được nhắc đến một cách sơ sài và được nhận định như là “tai nạn” chính trị của người thực hiện. Nó cũng không được coi là các sự kiện quan trọng, trong tiến trình lịch sử Việt Nam hiện đại.

Cuộc triển lãm tư liệu lịch sử về cải cách ruộng đất và di cư 1954 do Viện Bảo tàng Di sản người Mỹ gốc Việt, Đại học Công nghệ Texas và Đại học Oregon vừa diễn ra hôm cuối tuần qua, được nói đã tạo ra những thay đổi lớn lao trong đời sống chính trị, xã hội, văn hóa Việt Nam hiện đại; đồng thời cũng là sự kiện được nhiều chuyên gia, sử học đánh giá cao.

Cải cách ruộng đất và di cư   

Trao đổi với RFA, Giáo sư Alex Thái Võ cho biết “cải cách ruộng đất” mở đầu năm 1953 kết thúc năm 1956 và “cuộc di cư của gần một triệu người miền Bắc vào Nam” trong 300 ngày từ 1954 sang đầu năm 1955 có quan hệ nhân quả trực tiếp. 

Điều này trái ngược với cách hiểu đơn giản lâu nay của giới sử học về hai sự kiện này. Nhiều nghiên cứu sử học cho rằng cuộc di cư năm 1954 của  gần một triệu người miền Bắc vào Nam là do hoạt động tâm lý chiến của CIA thông qua thả truyền đơn xuống miền Bắc, những người Công giáo hợp tác với Pháp nên sợ bị Việt Minh trả thù, ông Ngô Đình Diệm, một người Công giáo, trở thành thủ tướng và sau đó là tổng thống VNCH, cũng thúc đẩy cộng đồng Công giáo vào Nam, cộng đồng Công giáo sợ bị đàn áp tôn giáo, các vị tu sỹ Công giáo dụ dỗ giáo dân vào Nam. 

Tuy nhiên, theo Giáo sư Alex Thái Võ, có khoảng gần một triệu người miền Bắc di cư vào Nam. Trong số đó, có khoảng sáu trăm ngàn người Công giáo. Như vậy, người Công giáo chiếm khoảng hai phần ba. Các lý do liên quan đến Công giáo không giải thích được cho nguyên nhân di cư của khoảng ba trăm ngàn người không theo đạo Công giáo. 

Theo Giáo sư Alex Thái Võ, những cách giải thích nêu trên phần nhiều thiếu cơ sở hợp lý. Ông trao đổi với RFA bên lề cuộc Triển lãm hôm 17 và 18 tháng 8, 2024 như sau: 

“Năm 1954 – 1955 có gần một triệu người nông thôn ở Miền Bắc bỏ nơi chôn rau cắt rốn của mình ở thôn quê để vào Nam. Đối với người nông thôn thời đó thì đó là một quyết định rất khó khăn chứ không phải dễ dàng. 

Có một số học giả lập luận rằng đa phần khoảng 80 phần trăm người di cư là người Công giáo. Người Công giáo miền Bắc di cư vào Nam là do các vị linh mục, các vị Cha đã dụ dỗ họ vào Nam. Chính quyền Mỹ, Chính quyền Việt Nam Cộng Hòa cũng dụ dỗ họ vào Nam qua các chiến dịch thả truyền đơn của CIA, của ông Edward Lansdale. 

Theo tôi nghĩ cách giải thích đó quá đơn giản. Một con người đang sống nhiều đời ở nơi cha mẹ sinh ra mình như vậy không dễ gì chỉ vì cầm một cái truyền đơn mà bỏ cả quê hương để di cư đến nơi xa lạ. 

Có gần một triệu người phải bỏ nước ra đi. Tác động trực tiếp nhất, có ảnh hưởng mạnh nhất tới cuộc di cư đó là cải cách ruộng đất. 

Cuộc cải cách ruộng đất được bắt đầu từ 1953, sang 1954 và kéo dài đến 1956. Có nghĩa là khoảng thời gian người dân được di cư vào Nam 300 ngày sau khi Hiệp định Geneva được kí kết thì cải cách ruộng đất vẫn đang tiếp diễn. Khi đó, người dân chứng kiến hoặc nghe những câu chuyện đau thương, đấu tố, mất tài sản, từ đó họ sợ hãi mà bỏ Miền Bắc ra đi. Đó là lí do chính đưa đẩy gần một triệu người đi. Vì sao? Vì đa phần người di cư không phải là những người giàu có ở đô thị. Những hình ảnh người di cư cho chúng ta thấy đa phần họ là nông dân, là người nghèo.” 

Đồng tình với Giáo sư Alex Thái, Giáo sư Tường Vũ, Trưởng khoa Chính trị học, Đại học Oregon, bổ sung thêm rằng mục tiêu của cải cách ruộng đất giúp chính quyền Việt Minh lúc bấy giờ động viên thêm sức người, sức của từ nông thôn qua hình thức binh sĩ và lúa gạo cho cuộc kháng chiến vào giai đoạn cuối cùng. Mục tiêu nữa là lật đổ giai cấp địa chỉ ở nông thôn. Tuy nhiên, mức độ bạo lực tàn khốc của cải cách ruộng đất đã thúc đẩy dòng người di cư vào Nam và đó là điều những người cộng sản không mong muốn. Ông nói:  

“Chính quyền Việt Minh cộng sản không muốn đẩy quá nhiều người dân miền Bắc chạy vào Nam vì như vậy sẽ mất mặt. Vì vậy họ đã cố gắng cản trở người Bắc di cư vào Nam. 

Vì báo chí lúc bấy giờ nói người dân vì ghét và sợ cộng sản nên mới bỏ miền Bắc mà đi. Vì vậy họ tìm cách giảm bớt cường độ của cuộc cải cách ruộng đất và đấu tố. Nhưng sau khi hết thời hạn di cư chính thức thì họ tăng cường cải cách ruộng đất mạnh hơn. Bởi vì họ muốn tăng cường kiểm soát nông thôn mạnh hơn. Nếu thực sự có cuộc bầu cử năm 1956 thì họ cần kiểm soát nông thôn chặt chẽ để giành thắng lợi trong cuộc bầu cử.” 

Vấn đề “độc lập” và “tự do” 

Trao đổi với RFA, Giáo sư Tuấn Hoàng ở Đại học Peperdine đồng tình với phân tích của GS Alex Thái. Ông Tuấn Hoàng còn bổ sung thêm một góc nhìn khác là vấn đề nhận thức về “độc lập” và “tự do” ở Việt Nam giai đoạn đầu thế kỷ 20. 

“Để đơn giản hóa một chút lối nhìn của tôi, bây giờ mời quý vị nghĩ tới hai chữ tự do. Bây giờ nghĩ tới hai chữ tự do, nhiều người Việt Nam và người Mỹ thường nghĩ tới câu “không có gì quý hơn độc lập, tự do” của ông Hồ Chí Minh. Nhưng vấn đề này rất là phức tạp chứ không đơn giản. Vì ông Hồ Chí Minh và ĐCSVN dùng từ “độc lập” để lôi kéo người dân chống lại thực dân Pháp. Họ đã thành công trong phần đó. 

Nhưng nghĩ rõ ràng hơn thì chúng ta thấy hai chữ tự do, đối với ông Hồ Chí Minh và những người cộng sản, thì họ chỉ nói vậy thôi. Họ không dùng tinh thần tự do như là một nguồn gốc, động lực kéo nước Việt Nam đi tới hiện đại hóa. 

Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) có rất nhiều vấn đề. Không ai nói là VNCH không có vấn đề. Nó có rất nhiều vấn đề. Càng ngày các sử gia nghiên cứu về VNCH thì càng thấy hai chữ Tự do rất quan trọng với VNCH. 

Tuy nhiên, đối với VNCH thì tự do lại là vấn đề quan trọng. Một ví dụ là họ đổi tên đường Cabinat thời Pháp thành đường Tự do. Sau 1975 thì chính quyền cộng sản đổi thành đường Đồng Khởi. Việc đặt tên cho thấy mối quan tâm khác nhau của mỗi chế độ.” 

Về cải cách ruộng đất, Giáo sư Tuấn Hoàng nhấn mạnh cả hai chế độ đều thực hiện cải cách ruộng đất vì đó là nhu cầu thực sự của Việt Nam đương thời. Tuy nhiên, cách thực hiện của miền Bắc (Việt Nam Dân chủ Cộng hòa) và miền Nam (Việt Nam Cộng Hòa) thì hoàn toàn khác nhau. Về cải cách ruộng đất thì cách làm của người cộng sản là không có tự do. Còn cải cách ruộng đất của Miền Nam thì dựa trên tinh thần tự do. Ngoài ra, tự do tư tưởng, tự do ngôn luận ở VNCH cũng phát triển cao hơn ngoài Bắc, mặc dù vẫn có kiểm duyệt. Việc kiểm duyệt ở thời kỳ đó không có gì lạ, vì Việt Nam khi đó là một đất nước đang phát triển và đang có chiến tranh, nhưng đặt trong sự so sánh với miền Bắc thì sự tự do của miền Nam cao hơn hẳn. Đó là điều rất rõ – vị giáo sư ở Đại học Peperdine nhận xét.     

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/the-great-migration-of-1954-fleeing-land-reform-and-pursuing-freedom-08222024111011.html

Freedom House: Chính quyền Việt Nam kiểm soát chuyên chế đối với quyền tự do đi lại

RFA
23/8/2024

Freedom House: Chính quyền Việt Nam kiểm soát chuyên chế đối với quyền tự do đi lại

Bản đồ các quốc gia hạn chế quyền tự do đi lại 

https://www.rfa.org/++plone++rfa-resources/img/icon-zoom.pngFreedom House 

Theo báo cáo mới nhất của Freedom House, Việt Nam nằm trong số 55 quốc gia mà nhà chức trách tuỳ tiện hạn chế quyền đi lại của công dân, đặc biệt là người thuộc giới bảo vệ nhân quyền và bất đồng chính kiến.

Trong báo cáo tựa đề “No Way In or Out: Authoritarian Controls on the Freedom of Movement” (tạm dịch: Không được vào hoặc ra: Kiểm soát chuyên chế đối với quyền tự do đi lại), tổ chức nhân quyền này xếp Việt Nam vào khu vực màu đỏ cùng với 54 quốc gia khác – đồng nghĩa với việc chính quyền áp dụng nhiều biện pháp để hạn chế quyền tự do đi lại nhằm trừng phạt, cưỡng ép hoặc kiểm soát những người mà họ coi là mối đe dọa hoặc đối thủ chính trị.

Theo tổ chức xã hội dân sự có trụ sở tại Mỹ, các chính thể toàn trị thường áp dụng bốn biện pháp chính để hạn chế việc đi lại của một nhóm người cụ thể, đó là tước bỏ tư cách công dân, không cấp giấy tờ cho việc đi lại (hộ chiếu), không cấp dịch vụ lãnh sự, và cấm xuất/nhập cảnh.

Từ chối cấp hộ chiếu

Freedom House nói chính phủ ở mỗi quốc gia chịu trách nhiệm cấp hộ chiếu và các giấy tờ đi lại khác cho công dân. Ở những nước độc tài, nhà chức trách từ chối cấp hộ chiếu cho những người bất đồng chính kiến như là một phương pháp trực tiếp để kiểm soát những người bị coi là đối thủ chính trị.

Nếu không có hộ chiếu hoặc giấy tờ đi lại hợp lệ, cá nhân không thể rời khỏi quốc gia của họ hoặc đi đến nước khác và có thể phải đối mặt với các trở ngại khác về nhập cư và tài chính.

Theo tổ chức nhân quyền có trụ sở ở thủ đô Washington, biện pháp từ chối cấp hộ chiếu hoặc tịch thu hộ chiếu được áp dụng bởi 38 quốc gia trên thế giới.

Việt Nam cũng là một quốc gia áp dụng chiến thuật này để đàn áp người bất đồng chính kiến và người hoạt động nhân quyền.

Như RFA đã đưa tin, sau khi hoàn thành án tù về tội danh “xúc phạm quốc kỳ,” bà Huỳnh Thục Vy ngày 6/6 vừa qua đến Phòng Quản lý xuất nhập cảnh, Công an tỉnh Đắk Lắk để làm thủ tục xin cấp hộ chiếu mới do hộ chiếu của bà bị an ninh cửa khẩu sân bay Tân Sơn Nhất tịch thu hồi năm 2015 khi chuẩn bị sang Bangkok.

Tuy nhiên, công an tỉnh Đắk Lắk từ chối cấp hộ chiếu mới cho bà với lý do bà vẫn còn đang ở diện bị hoãn xuất cảnh vô thời hạn vì lý do “an ninh quốc gia” nhưng không đưa ra bất kỳ văn bản nào.

Cũng trong tháng 6 vừa qua, nhà hoạt động Triệu Siêu đã bị Cục Quản lý xuất nhập cảnh và Công an tỉnh Sóc Trăng từ chối cấp hộ chiếu. Nhà hoạt động về quyền của người Khmer Krom bị cấm xuất cảnh từ tháng 8/2023 đến tháng 8/2026 và không được cấp hộ chiếu cho đến khi được đưa ra khỏi danh sách cấm xuất cảnh của Bộ Công an.

Ông bị cấm xuất cảnh là “do các hoạt động đấu tranh cho quyền lợi của người Khmer địa phương” như tham gia phổ biến Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền và Tuyên bố của Liên Hiệp quốc về Quyền của Người bản địa cùng với nhiều nhà hoạt động nhân quyền khác.

Cấm xuất cảnh/nhập cảnh

Freedom House nói việc ngăn cản công dân rời khỏi hoặc trở về quốc gia của họ là hình thức kiểm soát di chuyển phổ biến nhất được ghi nhận trong điều tra của tổ chức này. Có ít nhất 40 quốc gia sử dụng chiến thuật này, không chỉ áp dụng cho những người chỉ trích chính phủ mà còn cho cả người thân của họ.

Ở Việt Nam, có hai trường hợp điển hình bị cấm nhập cảnh. Đó là cô Lê Thu Hà, thành viên của Hội Anh em Dân chủ, và bà Vũ Minh Khánh, vợ của ông Nguyễn Văn Đài, người đồng sáng lập và hiện là chủ tịch của tổ chức này.

Cô Hà bị kết án 9 năm tù giam về tội danh “hoạt động lật đổ chính quyền” trong cùng vụ án với ông Nguyễn Văn Đài, người bị án 15 năm tù. Sau đó, cả cô Hà và ông Đài được phóng thích vào giữa năm 2018 nhưng bị buộc phải lưu vong ở Đức.

Tháng 11 cùng năm, cô Hà quay trở lại Việt Nam nhưng bị giữ lại ở sân bay Nội Bài rồi bị buộc quay trở lại Đức. Tình trạng tương tự cũng xảy ra đối với bà Khánh khi bà định về Việt Nam thăm người thân.

Chính quyền độc đảng ở Việt Nam đã thực hiện việc cấm xuất cảnh đối với hàng chục người hoạt động và cả thân nhân của họ, và phần lớn những người này chỉ được biết tình trạng bị cấm xuất cảnh khi làm thủ tục để rời Việt Nam.

Cựu tù nhân lương tâm Lê Anh Hùng chia sẻ với RFA trong ngày 23/8:

“Tôi và nhiều người lên tiếng đấu tranh ở Việt Nam vẫn hay bị theo dõi thậm chí là bị cản trở trong việc đi lại. Có khi thì tôi bị ngăn cản ở nhà chẳng hạn như là cái hôm quốc tang của Nguyễn Phú Trọng (Tổng Bí thư của ĐCSVN- PV) vừa rồi. Những cái lần khác thì tôi biết là tôi vẫn luôn nằm trong cái tầm theo dõi của họ.”

Ông cho biết vào ngày 07/5/2015, ông bị chặn lại ở sân bay Nội Bài trên đường đi sang Thái Lan. Công an không cho ông xuất cảnh, đồng thời tịch thu hộ chiếu của ông.

“Sau đấy thì công an thành phố Hà Nội đã mời tôi đến, họ thông báo với tôi là hộ chiếu của tôi đã bị hủy. Họ nói rất là mơ hồ, lúc nào cũng đưa ra lý do vì an ninh quốc gia,” ông bổ sung.

Cựu tù nhân lương tâm Nguyễn Viết Dũng cho RFA biết năm 2016, ông đi Lào để tham quan nhưng bị chặn. An ninh cửa khẩu thông báo ông thuộc diện bị cấm xuất cảnh, nhưng không tịch thu hộ chiếu của ông.

An ninh Việt Nam không chỉ cấm người hoạt động xuất cảnh, mà áp dụng hình thức tương tự đối với thân nhân của họ.

Tháng 4 vừa qua, bà Phạm Thị Lân, vợ của TNLT Nguyễn Tường Thuỵ bị cấm xuất cảnh vì “an ninh quốc gia” khi đi du lịch sang Campuchia. Sau đó bà có làm đơn khiếu nại và được phía công an trả lời lý do là hay giao lưu với một số người thuộc giới hoạt động.

Truờng hợp bà Lân không phải là đơn lẻ. Bà Nguyễn Thị Huệ, mẹ của Huỳnh Đức Thanh Bình đang chịu án tù 10 năm về tội danh “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền,” cũng bị Công an thành phố Hồ Chí Minh từ chối đổi hộ chiếu mới cho bà với lý do “bị nằm trong danh sách bị cấm xuất cảnh.” Phía công an cho cho bà xem một văn bản của Bộ Công an cấm bà xuất cảnh vô thời hạn.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vietnam-controls-movement-of-activists-and-dissidents-in-report-of-freedom-house-08232024055354.html

Hơn 1.000 công nhân đình công ở Thanh Hoá, đòi tiền làm tăng ca

22/8/2024

Hơn 1.000 công nhân đình công ở Thanh Hoá, đòi tiền làm tăng ca

Đại diện doanh nghiệp tiến hành đối thoại với người lao động trước sự chứng kiến của đại diện lãnh đạo LĐLĐ tỉnh Thanh Hóa và các ngành chức năng 

https://www.rfa.org/++plone++rfa-resources/img/icon-zoom.pngLao Động/Minh Hoàng 

Khoảng hơn 1.000 công nhân thuộc Công ty TNHH giày Alena Việt Nam (tỉnh Thanh Hoá) vào sáng ngày 22/8 đã đình công, đòi công ty trả tiền làm tăng ca.

Truyền thông Nhà nước cho biết các công nhân đã đồng loạt ngừng làm việc tập thể và tập trung trong khuôn viên của công ty để yêu cầu chủ doanh nghiệp chi trả thêm chế độ tăng ca.

Cụ thể, một số công nhân cho báo chí biết, mặc dù tăng ca thêm giờ từ 2-4h, thế nhưng công ty không hỗ trợ tiền cơm, mà theo quy định nếu tăng ca đêm sẽ phải được hưởng đãi ngộ này. Ngoài ra, một số công nhân cho rằng, quà tặng ngày lễ, sinh nhật, công ty tặng không tương xứng với số tiền công đoàn họ đóng lâu nay.

Báo Lao Động cho biết, sau khi nhận được tin công nhân đình công, đại diện lãnh đạo LĐLĐ tỉnh Thanh Hóa, LĐLĐ huyện Yên Định và các ngành chức năng đã trực tiếp đến công ty này, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của công nhân lao động.

Đại diện của doanh nghiệp cũng có buổi làm việc với công nhân và đồng ý với đề xuất của công nhân về việc hỗ trợ tiền ăn tăng ca (từ 2h trở lên sẽ được hỗ trợ suất ăn tương đương 20.000 đồng). Các công nhân sau đó đã quay trở lại làm việc bình thường.

Các vụ đình công của công nhân Việt Nam lâu nay diễn ra thường liên quan đến chế độ lương và thưởng đối với họ. Cũng có những ý kiến cho rằng công đoàn dù trên danh nghĩa là đại diện cho quyền lợi của công nhân nhưng thực sự không giúp được họ trong các yêu cầu về quyền lợi này.

Chính quyền Việt Nam hiện chưa chấp nhận cho các hoạt động của công đoàn độc lập. Công nhân ở Việt Nam hiện chỉ được tham gia vào công đoàn do Nhà nước quản lý.

Việt Nam dự kiến sẽ thông qua Công ước 87 của Liên Hiệp Quốc cho phép sự thành lập và hoạt động của các công đoàn độc lập trong năm nay. Tuy nhiên vẫn có những lo ngại về khả năng thực tế các tổ chức này sẽ được thành lập và hoạt động ra sao.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/over-1000-workers-strike-demanding-overtime-pay-08222024092734.html

Bộ trưởng Văn hóa: ‘Làm du lịch đêm nhưng khách không đến, không phải trách nhiệm của Bộ’

https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2024/08/bo-truong-van-hoa-lam-du-lich-dem-nhung-khach-khong-den-khong-phai-trach-nhiem-cua-bo.jpg

Bộ trưởng VH-TT&DL Nguyễn Văn Hùng. (Ảnh: quochoi.vn) 

Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL cho rằng phát triển du lịch đêm ở nhiều địa phương “không làm thì thiếu, làm thì thừa, làm thì du khách không đến”, nhưng trách nhiệm không phải của Bộ.

Tại phiên họp thứ 36 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ngày 21/8, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) nêu thực tế mô hình du lịch đêm ở nhiều địa phương còn nghèo nàn, đơn điệu, chỉ là phố đi bộ, ẩm thực, hoạt động nghệ thuật, giải trí, lại đêm có đêm không, chủ yếu vào thứ 7, chủ nhật.

Ông Hòa hỏi Bộ trưởng VH-TT&DL Nguyễn Văn Hùng về chính sách để du lịch đêm phát triển mạnh, sản phẩm đa dạng, phong phú và giải trí lành mạnh, giữ chân du khách qua đêm để kích cầu.

Trả lời, ông Hùng khẳng định Bộ đã có đề án về sản phẩm du lịch đêm trên cơ sở khuyến khích các địa phương nghiên cứu yếu tố quy hoạch để tính toán các dòng sản phẩm và đánh giá thị trường của khách, từ đó tạo ra các sản phẩm du lịch đêm phù hợp.

Song, theo ông Hùng, nhiều địa phương làm sản phẩm du lịch đêm nhưng “không làm thì thiếu, làm lại thừa vì du khách không đến”.

Ông Hùng cho rằng trách nhiệm chính là chủ tịch UBND các tỉnh, HĐND các tỉnh chứ không phải của Bộ Văn hóa.

“Bộ không thể làm sản phẩm du lịch cho thành phố nào được. Ví dụ, Bộ Văn hóa gợi ý TP.HCM dựa trên tài nguyên sông nước và dòng sản phẩm chủ lưu là kết hợp sông Sài Gòn kết nối thương cảng để tạo ra dòng sản phẩm, và trên cơ sở như vậy, TP.HCM nghiên cứu và tạo ra tuyến phố đi bộ Nguyễn Huệ, kết nối các sản phẩm trên dòng sông để có nơi cho du khách đến”, ông Hùng cho hay.

“Về làm du lịch đêm, chúng tôi có đề án, có khung rồi, gợi ý cách làm rồi, còn chúng tôi không làm thay cho địa phương được”, ông Hùng nói.

Comments are closed.