Chuyện Việt Nam Thứ ba 02/05/2023: *Mỹ là thị trường x.khẩu lớn nhất của VN trong 4 th. đầu 2023. *Lập pháp California ấn định ‘Ngày Nhân Quyền Việt Nam’. *Việt Nam: Thất nghiệp tràn Lan. *Gần 800 người chết, hơn 45.000 nhập viện dịp lễ 30/4. *Thế giới Di động cắt 13.000 nhân viên
Quê Hương tổng hợp
Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong 4 tháng đầu năm 2023
01/5/2023
Hàng hóa được đưa lên tàu để xuất khẩu tại Cảng Sài Gòn (ảnh tư liệu, tháng 5/2020).
Số liệu mới được Tổng cục Thống kê Việt Nam công bố vào cuối tháng 4/2023 cho thấy trong 4 tháng đầu tiên của năm, Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, với kim ngạch ước đạt 28,4 tỷ đô la.
Trong cùng giai đoạn, Việt Nam xuất siêu sang Mỹ ước đạt 24,4 tỷ đô la, giảm 23,6% so với cùng kỳ năm trước, vẫn theo Tổng cục Thống kê. Số liệu cũng thể hiện rằng xuất siêu của Việt Nam sang EU đạt 9,3 tỷ đô la, giảm 12,7%.
Ngược lại với Mỹ, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 33,3 tỷ đô la trong 4 tháng đầu năm. Trừ đi giá trị hàng hóa Việt Nam xuất sang Trung Quốc, Việt Nam đã nhập siêu từ Trung Quốc 16,8 tỷ đô la, giảm 18,1% so với cùng kỳ năm trước. Cũng trong 4 tháng đầu năm nay, Việt Nam nhập siêu từ Hàn Quốc 8,9 tỷ đô la, giảm 36,9%; nhập siêu từ ASEAN 2,3 tỷ đô la, giảm 53%.
Về diễn biến nêu trên, Tổng cục Thống kê đưa ra nhận xét rằng chủ yếu là do kinh tế thế giới còn gặp nhiều khó khăn, nhu cầu tiêu dùng giảm, dẫn tới đơn hàng giảm. “Điều này ảnh hưởng đến cả sản xuất công nghiệp và xuất nhập khẩu của Việt Nam”, theo Tổng cục.
Tính chung 4 tháng đầu năm 2023, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam ước đạt 210,79 tỷ đô la, giảm 13,6% so với cùng kỳ năm trước. Riêng trong tháng 4, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước chỉ đạt 53,57 tỷ đô la.
Từ đầu năm đến nay, Việt Nam ước tính xuất siêu 6,35 tỷ đô la, trong đó, riêng tháng 4 xuất siêu 1,51 tỷ đô la.
Máy vi tính, điện tử và linh kiện là mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, với giá trị lên đến 4,1 tỷ đô la. Đứng thứ 2 là điện thoại và linh kiện, đạt 4 tỷ đô la; tiếp đến là máy móc, thiết bị dụng cụ phụ tùng đạt 3,2 tỷ đô la; hàng dệt may đạt 2,4 tỷ đô la; giày dép đạt 1,8 tỷ đô la; phương tiện vận tải phụ tùng đạt 1,2 tỷ đô la; gỗ và sản phẩm gỗ đạt 1,05 tỷ đô la.
Các nhà lập pháp California ấn định ‘Ngày Nhân Quyền Việt Nam’
01/5/2023
Dân biểu Tạ Đức Trí, người ủng hộ nghị quyết “Ngày Nhân quyền Việt Nam”, đứng trước đài tưởng niệm Chiến sĩ Việt-Mỹ ở bang California, Hoa Kỳ.
Các nhà lập pháp ở bang California vừa thông qua một nghị quyết tuyên bố ngày 11/5 là Ngày Nhân Quyền Việt Nam, để “ủng hộ cho các nỗ lực nhằm đạt được tự do và nhân quyền cho người dân Việt Nam”.
“Người dân Việt Nam đang đau khổ dưới một chế độ áp bức, và trái tim của chúng tôi ở bên họ”, truyền thông địa phương dẫn lời Dân biểu Trí Tạ, Địa hạt 70 tại California, nói. “Việc thông qua nghị quyết này hôm nay gửi đi một thông điệp quan trọng rằng người dân California đoàn kết với người dân Việt Nam và chúng tôi sẵn sàng giúp đấu tranh cho tự do của họ”.
Nghị quyết này khuyến khích người dân California đánh dấu ngày 11/5 bằng các hoạt động như tổ chức các nghi thức, các buổi thảo luận hoặc mít tinh. Nghị quyết cũng “ghi nhận sự cần thiết của một chính phủ dân chủ”.
Động thái của cơ quan lập pháp ở California diễn ra ngay trước ngày 30/4, thường được gọi là “Tháng Tư Đen”, đánh dấu sự sụp đổ của Sài Gòn và miền Nam Việt Nam.
Hàng triệu người Việt Nam đã bỏ quê hương để thoát khỏi chế độ cộng sản. Nhiều người đã đến định cư và xây dựng thành một cộng đồng người Việt rất mạnh tại “Little Saigon” của Quận Cam, bang California.
Westminster, nơi Dân biểu Trí Tạ từng là thị trưởng, là thành phố đầu tiên công nhận Tuần lễ Tưởng niệm Tháng Tư Đen. Ông Trí Tạ cũng là thị trưởng người Mỹ gốc Việt đầu tiên đắc cử tại Hoa Kỳ.
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ trong Báo cáo thường niên về Nhân quyền Việt Nam năm 2022 đã vạch ra những vi phạm nhân quyền “có hệ thống” của chính phủ Việt Nam, bao gồm các hành vi giết người trái pháp luật hoặc giết người tùy tiện, đối xử và trừng phạt hạ nhục các tù nhân chính trị, bắt giữ và giam giữ tùy tiện, can thiệp vào quyền riêng tư của công dân, hạn chế quyền tự do ngôn luận, đi lại và truyền thông, sử dụng luật để hình sự hóa quyền tự do ngôn luận và nhiều vi phạm khác.
Việt Nam luôn khẳng định tôn trọng nhân quyền và bác bỏ những chỉ trích của Mỹ và phương Tây. Hà Nội nói “lấy làm tiếc” với Báo cáo nhân quyền thường niên năm 2022 của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ vì một số nhận định “thiếu khách khách quan, dựa trên những thông tin không chính xác” về tình hình thực tiễn tại Việt Nam.
https://www.voatiengviet.com/a/7073680.html
Việt Nam : Thất nghiệp tràn Lan
02/5/2023
Hàn Lam/VNTB
Các công ty cắt giảm lượng lớn nhân viên trong bối cảnh sức mua của thị trường bán lẻ suy yếu
Những ngày nghỉ lễ cuối tháng tư đầu tháng năm này, với hàng chục ngàn gia đình, đó là một kỳ nghỉ kéo dài chưa biết đến khi nào…
Theo báo cáo tài chính quý I của Công ty cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động (MWG), số lượng nhân viên tính đến cuối tháng 3-2023 của nhà bán lẻ điện máy, điện thoại lớn nhất cả nước này là hơn 68.000 người. Như vậy trong quý này, MWG đã sa thải 5.202 nhân sự so với thời điểm đầu năm.
Đây cũng là quý thứ hai liên tiếp công ty cắt giảm lượng lớn nhân viên trong bối cảnh sức mua của thị trường bán lẻ suy yếu.
Chuỗi bán lẻ thực phẩm Bách hóa Xanh của Công ty cổ phần Đầu tư Thế giới di động ra đời năm 2015. Theo giải thích của ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch Hội đồng quản trị Thế giới di động tại thời điểm đó, “mô hình này được Ban lãnh đạo Tập đoàn học tập theo một mô hình ở Indonesia, trong hành trình tìm kiếm động lực mới thay thế cho mảng công nghệ để tiếp tục đà tăng trưởng hai con số của doanh nghiệp”.
Nhiều năm qua, Thế giới di động liên tục phát đi thông điệp sẽ phát triển chuỗi Bách hóa Xanh cả về chiều rộng và chiều sâu. Dù mạng lưới cửa hàng được mở rộng, tăng độ phủ ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước nhưng kể từ khi thành lập tới nay, chưa năm nào chuỗi Bách hóa Xanh có lãi, thậm chí càng kinh doanh càng lỗ.
Cụ thể, từ năm 2016 đến năm 2022, Công ty cổ phần Thương mại Bách hóa Xanh (đơn vị vận hành Bách hóa Xanh) ghi nhận lỗ luỹ kế 7.394,96 tỷ đồng; trong đó, năm 2016 lỗ 54,94 tỷ đồng, năm 2017 lỗ 144,6 tỷ đồng, năm 2018 lỗ 555,6 tỷ đồng, năm 2019 lỗ 978,4 tỷ đồng, năm 2020 lỗ 1.733,5 tỷ đồng, năm 2021 lỗ 966,5 tỷ đồng và năm 2022 lỗ kỷ lục 2.961,5 tỷ đồng.
Sau một năm công bố tái cấu trúc mạnh mẽ chuỗi bán lẻ này, với việc đóng cửa nhiều cửa hàng kinh doanh kém hiệu quả, năm 2023, Thế giới di động đặt mục tiêu doanh thu của chuỗi Bách hóa Xanh tăng trưởng hai chữ số và nỗ lực đạt điểm hoà vốn vào cuối năm. Điều này cũng đồng nghĩa với việc Bách hóa Xanh tiếp tục thua lỗ trong ít nhất 3 quý đầu năm.
Không riêng chuỗi Bách hóa Xanh, các chuỗi bán lẻ được Thế giới di động mở ra sau cũng đang kinh doanh thua lỗ. Trong đó, Công ty MWG Cambodia Co., Ltd (đơn vị đầu tư tại Campuchia) lỗ luỹ kế tại thời điểm cuối năm 2022 là 604,7 tỷ đồng. Cùng thời điểm, Công ty cổ phần Bán lẻ An Khang (vận hành chuỗi nhà thuốc An Khang), công ty liên kết của Thế giới di động, cũng ghi nhận khoản lỗ luỹ kế 318,6 tỷ đồng…
Mới đây, Thế giới di động đã thừa nhận thất bại tại thị trường Campuchia và tuyên bố đóng cửa toàn bộ chuỗi cửa hàng điện máy Bluetronics tại thị trường này trong quý I-2023 sau gần 6 năm kinh doanh tại đây.
Như vậy, tổng lỗ luỹ kế các chuỗi bán lẻ ngoài Thế giới di động và Điện máy Xanh là 8.365,2 tỷ đồng tại thời điểm cuối năm 2022, chủ yếu là ghi nhận lỗ từ chuỗi Bách hóa Xanh.
Trước đó, trong báo cáo tài chính hợp nhất quý IV-2022, quy mô nhân sự của Thế giới di động thu hẹp còn 73.202 nhân viên, giảm hơn 7.000 nhân viên với quý liền trước, tương đương 4% nhân sự. Cuối năm 2022, khoản thưởng phải trả nhân viên đạt 1.565 tỷ đồng, giảm 45% so với số liệu ghi nhận hồi đầu năm. Thế giới di động cũng có khoản phải trả cho người lao động lên tới 475 tỷ đồng.
Lũy kế cả năm, chi phí dành cho nhân viên đạt 9.492 tỷ đồng, giảm 2,2% so với cùng kỳ. Như vậy, tính chung nửa năm qua, Thế giới di động cắt giảm tổng cộng 12.000 người. Quy mô nhân sự này tương đương mức cuối năm 2021.
Tình cảnh lao động bị mất việc trong ngành bất động sản cũng không thua kém.
Trong báo cáo tài chính hợp nhất quý I vừa công bố, bên cạnh ghi nhận thêm một quý lỗ hơn trăm tỷ, Công ty cổ phần Tập đoàn Đất Xanh (DXG) tiếp tục ghi nhận sự sụt giảm lớn về số lượng nhân sự lao động trực tiếp tại doanh nghiệp.
Cụ thể, tính đến ngày 31-3, số lượng nhân viên của tập đoàn này ở mức 2.389 người, giảm 4.776 người so với cùng kỳ năm 2022 và giảm 1.384 so với thời điểm cuối tháng 12-2022.
Diễn biến tương tự cũng ghi nhận tại nhiều doanh nghiệp bất động sản nhà ở trên thị trường chứng khoán trong 3 tháng đầu năm. Công ty cổ phần Vinhomes – nhà phát triển bất động sản lớn nhất Việt Nam cũng ghi nhận sự sụt giảm lượng lớn số lượng nhân sự lao động trực tiếp tại doanh nghiệp trong quý đầu năm.
Theo đó, số lượng nhân viên của doanh nghiệp này còn 11.664 người tính đến cuối tháng 3, giảm 1.527 người so với đầu năm và tăng 3.146 người so với cùng kỳ năm ngoái.
…Vẫn chưa thấy người đứng đầu Đảng lên tiếng về chuyện giai cấp công nhân của Đảng giờ đang ‘chết’ như rạ, họ đang cần ‘cấp cứu’ cụ thể ra sao trong tình cảnh tiếp tục giật gấu vá vai này?
Việt Nam: Gần 800 người chết, hơn 45.000 người nhập viện dịp lễ 30/4
01/5/2023
Người dân xem bắn pháo hoa vào một dịp lễ 30/4 tại thành phố Hồ Chí Minh.
Có đến 786 ca tử vong, hơn 45.000 người nhập viện trong hai ngày nghỉ lễ dịp 30/4 – 1/5 tại Việt Nam, truyền thông Việt Nam dẫn thông tin từ Bộ Y tế cho biết.
Số liệu thống kê được Cục Quản lý khám chữa bệnh tổng hợp từ các cơ sở y tế ở 63 tỉnh thành cho biết tổng số người bệnh đi khám, cấp cứu tại các cơ sở y tế trong 2 ngày là 110.443 người.
Trong số các ca tử vong, có 34 nạn nhân tai nạn giao thông và 7 ca liên quan đến Covid-19. Số người bệnh tử vong bao gồm cả tử vong tại cơ sở khám chữa bệnh, trên đường đến cơ sở khám chữa bệnh và tiên lượng tử vong xin về.
Việt Nam là quốc gia có tỷ lệ tử vong do tai nạn giao thông hàng đầu thế giới. Trong năm 2022, toàn quốc xảy ra hơn 11.000 vụ tai nạn giao thông, làm chết hơn 6.000 người, bị thương hơn 7.000 người, theo thống kê của Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an Việt Nam.
Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tỉ lệ tai nạn giao thông cao tại Việt Nam là tình trạng uống rượu bia.
Việt Nam xếp thứ hai trong các nước khu vực Đông Nam Á, xếp thứ 3 châu Á về mức tiêu thụ bình quân rượu bia/người.
Báo cáo toàn cầu năm 2018 cho thấy mức tiêu thụ rượu bia bình quân/người trưởng thành quy đổi ra cồn nguyên chất là 8,3 lít/năm (cao hơn mức trung bình của thế giới là 6,4 lít/năm).
Ước tính chi phí trực tiếp cho tiêu thụ rượu bia ở Việt Nam năm 2017 là 4 tỷ USD, gần bằng 7% số thu ngân sách của nhà nước, chưa tính đến chi phí gián tiếp.
Ngoài ra, ngộ độc thực phẩm, hỏa hoạn… cũng là những nguyên nhân khiến tỉ lệ nhập viện, tử vong tại Việt Nam tăng rất cao vào các dịp lễ tết.
Thông tin của Bộ Y tế Việt Nam cũng cho biết riêng về khám chữa bệnh liên quan đến Covid-19, trong hai ngày nghỉ lễ, có hơn 2.000 ca tới khám, hơn 1.100 ca nhập viện điều trị nội trú, số ca tử vong là 7 người. Hiện còn 78 ca Covid-19 ở mức độ nặng, nguy kịch đang được điều trị.
Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng giải thể Công ty Grand Prix
01/5/2023
Một công nhân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 đi qua đường đua F1 ở Hà Nội hôm 10/3/2020
AFP
Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Tập đoàn Vingroup mới đây ban hành nghị quyết giải thể Công ty TNHH Việt Nam Grand Prix – công ty được lập ra vào năm 2018 để thực hiện ước mơ đưa đường đua xe công thức 1 (Formula 1 – F1) về Việt Nam nhưng không thành.
Báo Nhà nước đưa tin cho biết công ty con do Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng sở hữu có 100% vốn điều lệ là 1.000 tỷ đồng. Công ty này ban đầu có 100% vốn góp bởi Công ty TNHH Sản xuất và Kinh doanh VinFast – công ty chuyên sản xuất xe điện non trẻ của Việt Nam. Sau đó, toàn bộ vốn góp này được chuyển nhượng về Vingroup.
Vào năm 2018, Việt Nam đã ký một thỏa thuận 10 năm với những nhà tổ chức F1. Dự án đường đua có chi phí đầu tư khoảng 60 triệu USD trong năm đầu kỳ vọng sẽ thành công và thu hút không thua gì đường đua nổi tiếng của Singapore đã gây tiếng vang vào thập niên trước.
Chặng đua F1 đầu tiên tại Việt Nam được dự định tổ chức vào tháng 4/2020 tại Mỹ Đình (Hà Nội). Chặng đua dự kiến được tổ chức trong một tuần. Một loạt các cơ sở hạ tầng phục vụ cho cuộc đua đã được xây mới. Hà Nội đăng cai tổ chức nhưng chi phí đang cai do Việt Nam Grand Prix chi trả cho F1.
Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 xảy ra vào cuối năm 2019 và đầu năm 2020, kéo dài suốt hai năm đã khiến toàn bộ kế hoạch của chặng đua đã bị hủy. Toàn bộ đường đua với độ dài 5.607 km và các hạng mục cố định đi kèm được thi công trong 11 tháng đã bị bỏ không.
Sau khi chặng đua bị hủy bỏ, đường đua F1 Mỹ Đình cũng không có tên trong lịch trình thi đấu mùa giải năm 2023.
Thế giới Di động cắt giảm 13 ngàn nhân viên
RFA
01/5/2023
Thế giới Di động quyết định ngừng kinh doanh các cửa hàng Bluetronics ở Campuchia sau 6 năm. (Hình minh họa)
TPO
Công ty cổ phần Đầu tư Thế giới Di động (TGDĐ) đã sa thải tổng cộng 13 ngàn nhân viên tính từ quý IV/2022 đến nay.
Tờ Tiền Phong loan tin trên trong ngày 1/5, nêu rõ, đợt 1 TGDĐ đã cắt giảm hơn bảy ngàn nhân viên, tương đương 4% nhân sự và trong cuối quí I/2023, công ty này đã tiếp tục sa thải gần sáu ngàn người. Tuy vậy, trên website của Thế giới Di động, công ty này lại đang thông báo tuyển gần 3.000 lao động mới.
TGDĐ với mã chứng khoán MWG cũng vừa công báo báo cáo tài chính quí I với doanh thu trong kỳ đạt hơn 27 ngàn tỉ đồng, giảm 25,7% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế cũng giảm 98,5% chỉ đạt 21 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Đức Tài – Chủ tịch Hội đồng quản trị Thế giới Di động cho biết tại đại hội cổ đông 2023, những khó khăn trong ngành hàng ICT một phần đến từ khó khăn của các đối tác cho vay trả góp.
Hôm cuối tháng 2/2023, Công ty này cho biết trong vài năm gần đây đã khai tử nhiều mô hình kinh doanh sau một thời gian hoạt động không đạt hiệu quả như kỳ vọng.
Ông Đoàn Văn Hiểu Em – Thành viên HĐQT TGDĐ vào lúc đó tiết lộ trên tờ Tiền Phong rằng: “Sau gần sáu năm hoạt động, TGDĐ đã quyết định đóng toàn bộ cửa hàng Bluetronics tại thị trường Campuchia trong quý I/2023 để tập trung cho các thị trường khác như Indonesia và dồn lực cho các mô hình kinh doanh khác”.
Tại Campuchia, Thế giới Di động có các cửa hàng Bluetronics – một mô hình tương tự như Điện Máy Xanh ở Việt Nam. Theo công bố của MWG, tính tới ngày 31/3/2022, Bluetronics có 44 cửa hàng ở Campuchia.
Theo báo cáo tài chính quý IV/2022, Thế giới Di động tại Campuchia lỗ liên tục từ năm 2017 (khi công ty bắt đầu hoạt động ở Campuchia) đến nay. Trong đó năm 2021 và 2022 lỗ lớn nhất với 187 tỷ đồng và 330 tỷ đồng.