Chuyện Việt Nam Thứ Ba 05 tháng 3 năm 2024
Quê Hương tổng hợp
“Sài Gòn – Hòn Ngọc Viễn Đông”: làm sao để có lại?
RFA
04/3/2024
Một người bán bánh mì đi ngang qua UBND TP.HCM (Tòa thị chính Sài Gòn theo phong cách Pháp thế kỷ 19) vào ngày 29 tháng 6 năm 2020
AFP
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định TP.HCM sẽ phát triển bứt phá, xứng đáng quay lại vị trí Hòn Ngọc Viễn Đông. Ông Dũng phát biểu như thế tại buổi hội thảo tham vấn quy hoạch TP.HCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050, diễn ra tại Hà Nội hôm 28 tháng 2 vừa qua.
Tám năm trước, tại Hội nghị Thành ủy TP.HCM lần thứ 4, Bí thư Thành ủy lúc đó là ông Đinh La Thăng đã nhìn nhận: “TP.HCM đã từng là Hòn Ngọc Viễn Đông, từng là số một của khu vực. Trước đây, Singapore, Thái Lan nhìn về Sài Gòn với một sự ngưỡng mộ, khao khát bao giờ mới được như Sài Gòn. Thế nhưng giờ đây, ngay cả so sánh các TP trong cả nước thì chúng ta đã tụt hậu so với họ”. Ông Thăng mong muốn TP.HCM phải giành lại vị trí số một Đông Nam Á.
Bây giờ muốn làm sống lại Hòn Ngọc Viễn Đông thì phải trả lại tên Sài Gòn. Đó là điều kiện căn bản nhất và quan trọng nhất. Thứ hai, muốn làm cho Sài Gòn – Hòn Ngọc Viễn Đông sống lại, tức là phải làm cho văn hóa Sài Gòn xưa sống lại. – Nhà báo Nguyễn Ngọc Già
Một số người cho rằng, do cụm từ Hòn Ngọc Viễn Đông được gắn với cái tên Sài Gòn từ thế kỷ 19 do những nét văn hóa, kinh tế của Sài Gòn thưở ấy, nên muốn TP.HCM trở lại vị trí này thì cần một số thay đổi. Nhà báo Nguyễn Ngọc Già nói với RFA:
“Hòn ngọc Viễn Đông là một nét văn hóa đặc trưng của Việt Nam. Nó chấm dứt vào năm 1976, là năm mà Sài Gòn chính thức bị xóa tên và thay bằng thành phố Hồ Chí Minh. Như vậy, khi mà Sài Gòn mất tức là Hòn Ngọc Viễn Đông cũng mất, và văn hóa của Sài Gòn xưa đã bị triệt diệt dần. Trong tên gọi Hòn Ngọc Viễn Đông nó mang đầy đủ các yếu tố chính trị và thời cuộc.
Bây giờ muốn làm sống lại Hòn Ngọc Viễn Đông thì phải trả lại tên Sài Gòn. Đó là điều kiện căn bản nhất và quan trọng nhất. Thứ hai, muốn làm cho Sài Gòn – Hòn Ngọc Viễn Đông sống lại, tức là phải làm cho văn hóa Sài Gòn xưa sống lại. Trong khi đó, văn hóa hiện nay ở thành phố Hồ Chí Minh, cũng như cả nước được gọi tên là văn hóa xã hội chủ nghĩa. Trên thực tế, đối với quan sát của cá nhân tôi, thì văn hóa thành phố Hồ Chí Minh cũng như văn hóa cả nước hiện nay có thể gói gọn trong một chữ “vô văn hóa” trải dài trên mọi lĩnh vực. Từ kinh doanh, giáo dục, y tế cho đến du lịch, du học, xuất khẩu lao động…”
TP.HCM được cho là đang tận dụng tối đa những lợi thế từ Nghị quyết 98/2023 của Quốc Hội, được ban hành ngày 24/6/2023 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hồ Chí Minh.
Cũng trong buổi hội thảo hôm 28 tháng 2 vừa qua, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết, thành phố sẽ tiếp tục phát huy vị trí đầu tàu của cả nước, trở thành thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình, năng động sáng tạo, có nguồn nhân lực chất lượng cao; là thành phố dịch vụ – công nghiệp hiện đại, đầu tàu về kinh tế số, xã hội số; trung tâm kinh tế, tài chính; thương mại, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ của cả nước, hội nhập quốc tế sâu rộng, có vị thế nổi trội trong khu vực Đông Nam Á.
Một số người dân cho rằng, muốn làm gì thì điều kiện tiên quyết là phải có tiền, sau đó phải có cơ chế phù hợp cho sự phát triển. Thống kê ngân sách năm 2023 cho thấy, Hà Nội được giữ lại 32%, trong khi TP.HCM chỉ được giữ lại 21% các khoản thu phân chia giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương.
Nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc nói với RFA:
“Trải qua sự thăng trầm của đất nước, dù bất cứ thể chế nào, bất cứ chế độ chính trị nào, Sài Gòn vẫn là trung tâm văn hóa, khoa học, kỹ thuật của đất nước. Nhưng 49 năm qua, Sài Gòn đã mất đi vai trò và vị trí của nó.
Năm 1975, nhìn sang các nước Đông Nam Á như Singapore, Kuala Lumpur của Malaysia, Manila của Philippines… thì thấy họ không là gì so với Sài Gòn lúc đó. Nhưng ngày hôm nay, Manila, Singapore, Kuala Lumpur đã vươn lên một cách thần kỳ. Bao giờ Sài Gòn đuổi kịp!
Muốn đưa Sài Gòn trở lại Hòn Ngọc Viễn Đông thì phải trao cho Sài Gòn cái vai trò tự thân của nó để nó phát triển. Còn nếu làm ra 100 đồng mà chỉ được hưởng 23 đồng, còn tất cả phải nộp về trung ương thì xin lỗi, một trăm năm nữa Sài Gòn cũng không là Hòn ngọc Viễn Đông mà nó là “một cái gì đó” ở Việt Nam và ở khu vực Đông Nam Á.”
Ông Đinh Kim Phúc nói thêm, ngày xưa Việt Nam bị thực dân Pháp đô hộ nhưng vẫn phát triển thành Hòn Ngọc Viễn Đông là do có tự do – dân chủ. Khái niệm này từng được cố Luật sư Nguyễn Hữu Thọ, một trí thức miền Nam đi theo Cách mạng. Ông từng làm Phó Chủ tịch Việt Nam sau năm 1975, từng là Chủ tịch Quốc hội, từng là Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc.
Tại Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM năm 1988, ông Nguyễn Hữu Thọ có bài phát biểu với nội dung: “Dân chủ là thế mạnh của chúng ta, nhưng khi giành chính quyền trọn vẹn chúng ta lại làm xói mòn thế mạnh này… Tất cả vấn đề là phải đấu tranh để thực hiện. Cuộc đấu tranh này không giống cuộc đấu tranh đối kháng với địch trước đây, nhưng cũng phải diễn ra quyết liệt, bởi lẽ dân chủ không thể có bằng sự ban ơn mà bằng sự đấu tranh.”
Muốn đưa Sài Gòn trở lại Hòn Ngọc Viễn Đông thì phải trao cho Sài Gòn cái vai trò tự thân của nó để nó phát triển. Còn nếu làm ra 100 đồng mà chỉ được hưởng 23 đồng, còn tất cả phải nộp về trung ương thì xin lỗi, một trăm năm nữa Sài Gòn cũng không là Hòn ngọc Viễn Đông mà nó là “một cái gì đó” ở Việt Nam và ở khu vực Đông Nam Á. – Nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc
Tuy dân chủ – tự do được coi là điều kiện để phát triển đất nước, nhưng một số bài viết trên Tạp chí Cộng sản lại cho rằng, dân chủ, nhân quyền là phạm trù chính trị, pháp lý gắn liền với mỗi chế độ chính trị và mỗi quốc gia khác nhau, do đó, cần phải hiểu đúng về dân chủ, nhân quyền để kiên quyết đấu tranh với việc áp đặt quan điểm, tư tưởng về dân chủ, nhân quyền của quốc gia này đối với quốc gia khác, cũng như việc lợi dụng dân chủ, nhân quyền để chống phá Việt Nam.
Thực tế cho thấy nhiều người trong nước chỉ vì bày tỏ ý kiến thẳng thắn trước những vấn đề xã hội đã bị cáo buộc theo Điều 331 Bộ luật Hình sự về tội “ lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”. Còn ở mức độ nặng hơn là Điều 117 Bộ luật hình sự về tội “làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam’.
Hai điều luật này bị các tổ chức nhân quyền quốc tế cho là mơ hồ và cơ quan chức năng lạm dụng để dập tắt các tiếng nói chỉ trích chính quyền một cách ôn hòa.
13 người Việt bị bắt ở Philippines vì làm việc trái phép
05/03/2024 – VOA Tiếng Việt
Nhóm người Việt bị bắt khi đang làm việc trái phép tại các spa và phòng khám sức khỏe ở nhiều thành phố của Philippines vào ngày 29/2/2024.
Cục Di trú Philippines vừa bắt giữ 13 công dân Việt Nam làm việc trái phép tại các spa và phòng khám sức khỏe trong một chiến dịch trấn áp lớn nhắm vào những người làm việc bất hợp pháp, truyền thông Philippines cho biết hôm 4/3.
13 công dân Việt Nam bị bắt khi đang làm việc trái phép tại nhiều spa và phòng khám sức khỏe ở các thành phố Makati, Paranaque và Pasay.
Vụ bắt giữ diễn ra sau khi Cục Di trú Philippines theo dõi một người Việt bị tình nghi sở hữu một trong những spa và phòng khám chăm sóc sức khỏe liên quan.
Ủy viên về nhập cư, Norman Tansingco, cho biết 13 người đã bị bắt vào ngày 29/2.
“Chúng tôi đã nhận được thông tin tình báo về sự hiện diện và hoạt động của họ, vì vậy tôi ngay lập tức ra lệnh bắt giữ họ”, ông Tansingco nói và cho biết thêm rằng những người này đã không có giấy tờ hợp pháp để xuất trình trong khi bị bắt giữ.
Ông Tansingco cho biết 13 người Việt Nam bị bắt sẽ bị đưa ra tòa vì làm việc không có giấy phép hoặc không có thị thực phù hợp, vi phạm Đạo luật Nhập cư năm 1940 của Philippines.
Các cuộc điều tra sâu hơn của giới hữu trách Philippines cũng cho thấy một phòng khám thuộc sở hữu của người Philippines cũng tuyển dụng một số công nhân nước ngoài, làm dấy lên mối lo ngại về sự đồng lõa của địa phương trong việc chứa chấp người nước ngoài bất hợp pháp, theo lời người phát ngôn của Cục Di trú Philippines Dana Sandoval.
Ông Tansingco kêu gọi giới hữu trách địa phương và các cộng đồng tại Philippines trình báo về những người nhập cư bất hợp pháp trong khu vực “để chúng tôi có thể bắt giữ và trục xuất họ ngay lập tức”.
Hiện 13 công dân Việt Nam bị bắt đang bị tạm giữ tại cơ sở ở Taguig của Cục quản lý xuất nhập cảnh Philippines để chờ hoàn tất thủ tục trục xuất về nước.
Chủ tịch tỉnh Bạc Liêu: vụ rơi cánh quạt điện gió gây thiệt hại khoảng 200 tỷ đồng
RFA
04/3/2024
Các dự án nhà máy điện gió đóng góp lớn cho kinh tế xã hội tỉnh Bạc Liêu
baobaclieu.vn
Vụ rơi Nacelle và cánh quạt của trụ tua-bin gió WT08 (thuộc huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu) của Công ty CP Năng lượng Hacom Bạc Liêu gây thiệt hại tài sản ước tính khoảng 200 tỷ đồng.
Thông tin trên được ông Phạm Văn Thiều, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu cho biết tại buổi gặp gỡ doanh nghiệp vào sáng 4/3 và được truyền thông loan trong cùng ngày.
Sự cố cánh quạt điện gió ở Bạc Liêu đang hoạt động bỗng gãy rời rơi xuống đất vào ngày 1/3, đã khiến nhà máy điện gió đã phải dừng hoạt động để rà soát an toàn.
ông Trần Phú Chiến – Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Hacom Holdings từ chối trả lời với báo chí về giải pháp khắc phục sự cố trên. Tuy nhiên, trong ngày 3/3, theo thông tin từ một lãnh đạo huyện Hòa Bình, nhà máy đã chạy thử nghiệm lại ba trụ. Dự kiến hôm nay (4/3), nhà máy hoạt động lại bình thường. Riêng trừ trụ bị sự cố đang phối hợp chuyên gia đánh giá nguyên nhân.
Dự án Nhà máy Điện gió Hòa Bình 5 (giai đoạn 1) do Công ty CP Năng lượng Hacom Bạc Liêu làm chủ đầu tư, được xây dựng trên diện tích gần 30ha với 26 trụ turbine gió, mỗi trụ cao trên 140m, sản lượng điện bình quân 280 triệu kWh/năm. Đây là nhà máy điện gió có quy mô lớn nhất trên đất liền ven biển khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Việt Nam – Úc dự định nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện
RFA
05/3/2024
Thủ tướng Việt Nam và Úc gặp nhau ngày 5/3/2024 tại Hội nghị Asean-Úc
Reuters
Việc nâng cấp mối quan hệ lên mức cao nhất giữa Việt Nam và Úc sẽ giúp cân bằng lợi ích và tăng cường ổn định trong khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương đang chứng kiến những căng thẳng giữa các cường quốc, theo một chuyên gia cho biết.
Hôm 5/3, Thủ tướng Phạm Minh Chính trong khi dự Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam – Australia tại thành phố Melbourne tiết lộ, ông mong đợi sắp tới đây hai quốc gia sẽ tuyên bố nâng cấp quan hệ song phương lên cấp độ Đối tác chiến lược toàn diện, từ quan hệ Đối tác chiến lược đã đạt được vào năm 2018.
Theo Reuters, trong một tuyên bố của chính phủ, ông Chính cho biết động thái này sẽ “đưa mối quan hệ giữa hai nước trở nên sâu sắc, thực chất và hiệu quả hơn”.
Quốc gia theo chủ nghĩa cộng sản này hiện đang có quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện với năm nước, đó là Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nga, Nhật Bản, và Ấn Độ.
Trong tin nhắn gửi đến Đài Á Châu Tự Do trong ngày 05/3, Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, nhà nghiên cứu cao cấp khách mời thuộc Viện ISEAS (Nghiên cứu Đông Nam Á – Singapore) và thành viên nghiên cứu Viện IISS (Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế), khẳng định:
“Việc nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện thể hiện sự tin cậy và chia sẻ tầm nhìn chiến lược giữa hai nước trong việc duy trì một khu vực Indo-Pacific hòa bình, ổn định, thịnh vượng và tuân thủ luật pháp quốc tế.”
Ông cũng cho rằng quan hệ mới sẽ mở ra cơ hội để hai nước tăng cường hợp tác an ninh trong các lĩnh vực như an ninh hàng hải, an ninh mạng, chống khủng bố, gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc, và đối phó với các thách thức an ninh phi truyền thống như biến đổi khí hậu và an ninh nguồn nước.
Báo Chính Phủ dẫn lời của Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ mong muốn, khi quan hệ song phương được nâng cấp sẽ có “5 cái hơn” là: Tin cậy chính trị tốt hơn, hợp tác kinh tế – thương mại và đầu tư cao hơn, hợp tác khoa học- công nghệ, đổi mới sáng tạo mạnh mẽ hơn, hợp tác giáo dục và đào tạo, giao lưu văn hóa, giao lưu nhân dân sâu sắc hơn, hợp tác du lịch và lao động được đẩy mạnh hơn.
Theo Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, sự ràng buộc chiến lược giữa Việt Nam và Úc có thể đóng vai trò cân bằng lợi ích và tăng cường ổn định trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đang chứng kiến những căng thẳng giữa các cường quốc.
Việc nâng cấp quan hệ trong khi cả hai nước vừa kỷ niệm 50 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao hồi năm ngoái, cũng sẽ thúc đẩy cấu trúc khu vực mở và tự do khi quan hệ mới nhấn mạnh cam kết của hai nước trong việc duy trì một trật tự khu vực dựa trên luật lệ, tôn trọng luật pháp quốc tế và đảm bảo tự do hàng hải, hàng không trong khu vực.
Điều này cũng mở ra triển vọng cho hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư song phương trong nhiều lĩnh vực như nông nghiệp, giáo dục, năng lượng tái tạo, chuyển đổi số và kinh tế số.
Theo ông, việc Việt Nam và Úc thắt chặt quan hệ sẽ góp phần vào việc thúc đẩy liên kết giữa khối ASEAN và Úc, qua đó tăng cường vai trò và ảnh hưởng của khối này trong cấu trúc khu vực mới nổi tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Trong chuyến thăm chính thức đến Úc trên cương vị người đứng đầu Chính phủ tuần này, Thủ tướng Chính được tháp tùng bởi tám bộ trưởng và ba thứ trưởng. Thứ trưởng Hoàng Xuân Chiến đại diện Bộ Quốc phòng còn Thứ trưởng Lương Tam Quang đại diện Bộ Công an tham gia trong đoàn.
Bên cạnh việc dự kiến ký kết nâng cấp quan hệ ngoại giao, T.S Hà Hoàng Hợp tiết lộ, hai nước cũng sẽ ký Thỏa thuận hợp tác an ninh trong khuôn khổ đối tác chiến lược toàn diện.
Theo ông, thoả thuận này cũng mang lại nhiều lợi ích quan trọng cho Việt Nam, trong việc nâng cao năng lực quốc phòng và an ninh.
Hà Nội có cơ hội tiếp cận công nghệ, đào tạo và tư vấn quân sự, an ninh từ một đối tác tin cậy là Úc, giúp nâng cao năng lực quốc phòng và an ninh của mình.
Ngoài ra nó cũng sẽ giúp Việt Nam thực thi hiệu quả chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, không liên kết với bất kỳ nước lớn nào, góp phần duy trì cân bằng lực lượng, đảm bảo ổn định khu vực trước bối cảnh cạnh tranh chiến lược ngày càng gay gắt giữa các cường quốc tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, ông nói.
HRW kêu gọi Australia nêu vấn đề nhân quyền ở Việt Nam; người gốc Việt tuần hành ở Melbourne
05/03/2024
Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính đến Melbourne, Australia, ngày 4/3/2024.
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) vừa bày tỏ lo ngại rằng các vấn đề nhân quyền sẽ không được xem xét đầy đủ tại hội nghị thượng đỉnh sắp tới với các nhà lãnh đạo Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), trong đó có sự tham gia của thủ tướng Việt Nam, dự kiến diễn ra từ ngày 4-6 tháng 3/2024 tại Melbourne.
“Chúng tôi nhận thấy rằng chương trình nghị sự của hội nghị thượng đỉnh bao gồm bốn lĩnh vực hợp tác chính: kinh doanh, các nhà lãnh đạo mới nổi, khí hậu và năng lượng sạch, và hợp tác hàng hải”, bà Daniela Gavshon, Giám đốc Australia của HRW, viết trong bức thư gửi Thủ tướng Australia Anthony Albanese, ngày 27/2.
“Tuy nhiên, tình hình nhân quyền ở các nước ASEAN đã trở nên tồi tệ hơn trong những năm gần đây và ASEAN với tư cách là một tổ chức đã nhiều lần thất bại trong việc giải quyết các cuộc khủng hoảng quan trọng”, bà cho biết thêm.
Liên quan tình trạng vi phạm nhân quyền ở Việt Nam, bà Gavshon đánh giá: “Chính phủ đàn áp một cách có hệ thống các quyền cơ bản của công dân về tự do ngôn luận, lập hội, hội họp, hoạt động ôn hòa và tự do tôn giáo”.
“Đảng Cộng sản Việt Nam đã cai trị toàn bộ đất nước trong gần năm thập kỷ qua và trừng phạt nghiêm khắc bất cứ ai mà họ cho là thách thức sự độc quyền quyền lực của Đảng”, bà Gavshon nhấn mạnh.
VOA đã liên lạc Bộ Ngoại giao Việt Nam, Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia và đề nghị họ cho ý kiến về bức thư của HRW, nhưng chưa được phản hồi.
Ngoài ra, HRW đồng thời kêu gọi chính phủ Australia nêu lên tình hình vi phạm nhân quyền ở các nước ASEAN khác như Thái Lan, Campuchia, Indonesia, Philippines, Malaysia và Myanmar.
Tổ chức này cho rằng chính quyền quân quản Myanmar đang thực hiện các hành vi lạm dụng rộng rãi và có hệ thống đối với người dân – bao gồm bắt giữ tùy tiện, tra tấn, giết người phi pháp, không kích bừa bãi và các cuộc tấn công khác nhằm vào dân thường.
HRW thúc giục chính quyền Australia nên thúc đẩy các cam kết quốc gia tại hội nghị thượng đỉnh này và nêu các vấn đề cụ thể với từng chính phủ.
“Với tư cách là chủ nhà của hội nghị thượng đỉnh, chính phủ Australia nên chỉ đạo các cuộc đối thoại tập trung vào vấn đề nhân quyền. Điều này có thể xảy ra tại các sự kiện chính thức và trong các cuộc gặp song phương không chính thức”, HRW kiến nghị.
Ngoài ra, HRW còn kêu gọi chính phủ Australia nên liên kết các lợi ích thương mại, an ninh và ngoại giao một cách rõ ràng hơn với những cải thiện cụ thể về nhân quyền.
Hôm 2/3, các cộng đồng người gốc Việt, Campuchia, Myanmar tại Australia biểu tình chống chế độ độc tài tại quê nhà trước thềm hội nghị ASEAN-Australia, theo đài SBS Tiếng Việt.
Các nhóm này lên tiếng phản đối các chính phủ độc tài, đàn áp người dân tại các quốc gia quê nhà.
Theo một đoạn video đăng trên YouTube, phái đoàn người Việt tại Australia tuần hành từ quảng trường Federal square đến Quốc Hội tiểu bang Victoria để biểu tình phản đối phái đoàn chính phủ Việt Nam đến Melbourne, và đòi tự do, dân chủ, nhân quyền cho Việt Nam.
“Chúng ta không thể quên rằng đồng bào của chúng ta ở trong nước vẫn bị sự kìm kẹp của Đảng Cộng sản Việt Nam”, ông Nguyễn Quang Duy, lãnh đạo Cộng đồng người Việt Tự do Victoria, phát biểu tại cuộc tuần hành. “Khi chúng ta tới đây, chúng ta không phải thù oán gì đối với Cộng sản, mà chúng ta tới đây để đòi họ phải trả lại tất cả quyền tự do cho người dân Việt Nam”.
Đại sứ quán Việt Nam tại Australia chưa phản hồi ngay yêu cầu bình luận của VOA.
Như VOA đưa tin, Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính vừa đến Melbourne vào tối ngày 4/3 (giờ địa phương) để tham dự Hội nghị cấp cao kỷ niệm 50 năm quan hệ ASEAN – Australia và bắt đầu chuyến thăm chính thức Australia từ ngày 5/3-9/3 theo lời mời của Thủ tướng Albanese, theo trang tin chính thức của chính phủ Việt Nam.
Đây là chuyến thăm chính thức đầu tiên trong cương vị thủ tướng của ông Phạm Minh Chính tới Australia và kể từ khi hai nước nâng tầm quan hệ lên Đối tác Chiến lược vào năm 2018. Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh Việt Nam và Australia vừa kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao vào năm ngoái.
Thủ tướng Việt Nam thăm Australia, đưa quan hệ song phương lên ‘tầm cao mới’
04/03/2024 – VOA Tiếng Việt
Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính và phu nhân đến sân bay Melbourne, Australia, vào tối 4/3/2024.
Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính vừa đến Melbourne vào tối thứ Hai (giờ địa phương) để tham dự Hội nghị cấp cao kỷ niệm 50 năm quan hệ ASEAN – Australia và bắt đầu chuyến thăm chính thức Australia từ ngày 5/3-9/3 theo lời mời của Thủ tướng Anthony Albanese, theo trang tin chính thức của chính phủ Việt Nam.
Đây là chuyến thăm chính thức đầu tiên trong cương vị thủ tướng của ông Phạm Minh Chính tới Australia và kể từ khi hai nước nâng tầm quan hệ lên Đối tác Chiến lược vào năm 2018. Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh Việt Nam và Australia vừa kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao vào năm ngoái.
Mối quan hệ giữa Việt Nam và Australia đã có những bước phát triển nhanh chóng và tích cực trên nhiều lĩnh vực trong thời gian gần đây, đặc biệt trong hợp tác thương mại khi cả hai nước trở thành đối tác thương mại lớn thứ 10 của nhau, với thương mại song phương đạt 14 tỷ USD vào năm 2023.
Chuyến thăm của ông Phạm Minh Chính được kỳ vọng cũng sẽ thúc đẩy đáng kể hợp tác trong các lĩnh vực truyền thống và tạo đà hợp tác trong các lĩnh vực mới nổi như đổi mới sáng tạo, kinh tế xanh, kinh tế số, chuyển đổi số, chuyển đổi năng lượng sạch, hợp tác môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu, theo TTXVN.
Theo lời Đại sứ Việt Nam tại Úc Phạm Hùng Tâm, dự kiến hai bên sẽ ký kết và trao đổi nhiều văn kiện hợp tác quan trọng trong các lĩnh vực quốc phòng, năng lượng, thương mại, ngân hàng, tài chính, ngoại giao, giáo dục, tư pháp, khoa học công nghệ…, báo Người Lao Động đưa tin.
Những văn kiện và thỏa thuận quan trọng được ký kết trong chuyến thăm này được kỳ vọng sẽ “nâng tầm quan hệ Việt Nam-Australia lên tầm cao mới”, góp phần nâng cấp quan hệ song phương lên Đối tác chiến lược toàn diện như lãnh đạo hai nước đã tuyên bố trước đó, TTXVN cho biết thêm.
Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Australia, thủ tướng Việt Nam dự kiến sẽ gặp gỡ, hội đàm với các lãnh đạo nước này và tham dự Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam-Australia. Ông Phạm Minh Chính cũng sẽ đến thăm một số hiệp hội doanh nghiệp, tập đoàn và viện nghiên cứu Australia cũng như cộng đồng người Việt tại Australia.
Với chủ đề “Đối tác cho tương lai”, hội nghị thượng đỉnh ASEAN-Australia lần này được coi là dịp để khối các quốc gia Đông Nam Á và Australia xem xét, thúc đẩy mối quan hệ giữa hai bên sao cho thực chất và hiệu quả hơn, phù hợp với Quan hệ đối tác chiến lược toàn diện được thiết lập vào năm 2021.
Australia đang xoay trục sang Đông Nam Á để tăng cường an ninh và tăng trưởng kinh tế, đa dạng hóa quan hệ đối tác thương mạc trong bối cảnh địa chính trị đầy thách thức và căng thẳng thương mại với Trung Quốc.
Hội nghị thượng đỉnh tại Melbourne được cho là nhằm nhấn mạnh cam kết tăng cường hợp tác kinh tế của Astralia trong khu vực Đông Nam Á. Động thái này là một phần trong chiến lược lớn hơn nhằm giảm thiểu rủi ro liên quan đến tranh chấp thương mại với Trung Quốc, thúc đẩy Australia tìm kiếm các hiệp định thương mại đa dạng và linh hoạt hơn, theo BNN.
Việc tăng cường quan hệ kinh tế Australia-ASEAN không chỉ là về thương mại và đầu tư, nó có ý nghĩa lớn hơn đối với an ninh khu vực, sự bền vững về môi trường và phát triển xã hội. Bằng cách tăng gấp đôi sự tham gia của mình với Đông Nam Á, Australia đang định vị mình là nhân tố chủ chốt trong câu chuyện tăng trưởng trong tương lai của khu vực, vẫn theo BNN.
Ngoài Autralia, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng sẽ thăm chính thức New Zealand trong chuyến đi này.