Chuyện Việt Nam Thứ Ba 15/8/2023: *Việt Nam nói “không có người bản địa” * Liệu tt Nga có đến thăm Việt Nam sau Biden? *Việt Nam cấp e-visa cho mọi quốc gia? *Lao công trở thành bác sĩ căng da mặt *Sài Gòn: Mưa lớn, dân Thủ Đức phải ‘đắp đê’ ngăn nước *Khảo sát: chỉ hơn 25% người lao động Việt ăn thịt cá hàng ngày
Quê Hương tổng hợp
CSVN: Trả lời Báo cáo viên Đặc biệt LHQ, Việt Nam nói “không có người bản địa”
Hải Di Nguyễn/VNTB
14/8/2023
Ngày 9/8 là Ngày Quốc tế Dân tộc Bản địa Thế giới (International Day of the World’s Indigenous Peoples).
Trong thư phản hồi của Việt Nam ngày 27/7/2023 cho thư tố giác của Báo cáo viên Đặc biệt LHQ ngày 6/9/2022, họ nói Việt Nam không có người bản địa, và cũng không có cái gọi là người Thượng bản địa (indigenous Montagnards).
Việt Nam cũng phủ nhận có đàn áp người Thượng về vấn đề tôn giáo.
Nhóm Tin lành Buôn Dhiă cầu nguyện cho các nạn nhân bị bách hại vì lý do tôn giáo 22/8/2022.
Thư tố giác nói gì?
Thư tố giác được ký bởi bà Nazila Ghanea (Báo cáo viên Đặc biệt về tự do tôn giáo hoặc tín ngưỡng), ông Mumba Malila (Phó trưởng nhóm công tác về bắt giữ tùy tiện), ông Clement Nyaletsossi Voule (Báo cáo viên Đặc biệt về quyền tự do hội họp ôn hòa và lập hội), và ông Fernand de Varennes (Báo cáo viên Đặc biệt về các vấn đề thiểu số).
Thư nhắc tới cáo buộc rằng ông Čung Niê, ông Y Thinh Niê, và ông Y Don Niê, ba người Thượng theo đạo Tin lành, bị đàn áp, bắt giữ tùy tiện, và tra hỏi không có luật sư, khi họ có các hoạt động cho Ngày Quốc tế tưởng niệm các nạn nhân của hành vi bạo lực liên quan đến tôn giáo hoặc tín ngưỡng (22/8 hàng năm).
Thư tố giác cũng nói những hình phạt với ông Čung Niê, ông Y Thinh Niê, và ông Y Don Niê “không phải là trường hợp cá biệt” và trước đây chính quyền Việt Nam đã “bắt giữ, thẩm vấn, và đe dọa thành viên các nhóm tôn giáo độc lập khác nhau” khi tưởng niệm ngày này.
Họ nhắc tới một số trường hợp khác như ông Y Phô Êban, ông Y Siu Loar, ông Y Khen Buondap của các hệ phái Tin lành; và các tín đồ Cao Đài độc lập.
Việt Nam phản hồi như thế nào?
Trong thư phản hồi ngày 27/7, Việt Nam phủ nhận mọi cáo buộc và nói ở Việt Nam “không ai bị bắt giữ tùy tiện hay trừng phạt vì thực hiện các quyền tự do hợp pháp, bao gồm quyền tự do tín ngưỡng và tôn giáo, tự do ngôn luận và quan điểm, tự do hội họp và lập hội.”
Về ba ông Y Cung Niê, Y Thinh Niê, Y Don Niê, nhà nước Việt Nam cáo buộc họ có “những hoạt động phức tạp liên quan đến tổ chức FULRO [nguyên văn viết là FURLO]”.
Như đã viết nhiều lần trên Mạch Sống (trong bài viết về Y Phic H’dok, Y Quynh Buondap, Y Arôn Êban, Y Dú Ksơr…), các tín đồ Tin lành ở Tây Nguyên, khi bị chính quyền địa phương bắt giữ, đều luôn bị tra hỏi về FULRO và bị cáo buộc là hoạt động cho FULRO, dù họ đều khẳng định không có.
Thư phản hồi của nhà nước Việt Nam nói công an địa phương mời ba ông Y Cung Niê, Y Thinh Niê, và Y Don Niê lên làm việc và đó “là hoạt động bình thường của lực lượng công an Việt Nam” – “việc mời công dân lên nói chuyện không phải là bắt bớ nên theo luật không bắt buộc phải có luật sư”.
Phủ nhận đàn áp các nhóm Cao Đài và Tin lành, thư khẳng định nhà nước Việt Nam “bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng và tôn giáo của nhân dân, quyền theo hoặc không theo tôn giáo, bảo đảm bình đẳng và không phân biệt đối xử vì lý do tôn giáo hay tín ngưỡng, và có luật pháp bảo vệ hoạt động của các tổ chức tôn giáo.”
Việt Nam có người bản địa không?
Thư phản hồi nói “ở Việt Nam không có người bản địa, cũng không tồn tại cái gọi là ‘người Thượng bản địa’ (indigenous Montagnards).” Việt Nam nói Việt Nam có 54 sắc tộc cùng sinh sống, và từ “Montagnard” không được công nhận.
Trong phỏng vấn đăng trên RFA Tiếng Việt ngày 5/7/2023, TS. Nguyễn Văn Huy, nguyên Giáo sư Phụ trách bộ môn Dân tộc học khu vực Đông Nam Á, Phân khoa Nhân chủng, Dân tộc và Khoa học Tín ngưỡng, Đại học Denis Diderot, Paris 7 (1995-1999) cho biết:
“Đất nước mình tuy có lịch sử lâu dài, như người ta hay nói là 4000 năm, nhưng thực ra rất là mới.
“Hơn nữa, lịch sử lâu dài đó của Việt Nam thực sự chỉ tập trung ở phía Bắc, xung quanh sông Hồng. Còn dải đất miền Trung thì mới chỉ được sát nhập vào lãnh thổ Việt Nam sau này. Thanh Hóa, Nghệ An thì sớm hơn, còn từ Huế trở vào thì mới nhập vào lãnh thổ Việt Nam mấy trăm năm nay. Miền Nam thì gia nhập trễ nhất, có những khu vực mới nhập vào từ thế kỉ 19.
“Còn Tây Nguyên thì thực tế chỉ được “hội nhập” vào lãnh thổ Việt Nam từ đầu thế kỉ 20. Trước đó thì quyền lực các vương triều phong kiến đối với Tây Nguyên rất lỏng lẻo, chỉ có tính chất tượng trưng, phủ dụ.
“Thành ra, nếu mình nói cộng đồng người Thượng ở Tây Nguyên không phải là người bản địa, hay người Khmer ở Miền Nam, người Chăm ở miền Trung không phải là người bản địa chỉ là cách nói hồ đồ, khiên cưỡng, không đúng với sự thật.”
Nguyễn Văn Huy cũng nói:
“Ít nhất đã từng có hai cơ chế tôn trọng quyền của người bản địa như vậy. […] Sau khi Chính phủ Quốc gia Việt Nam ra đời, ông Bảo Đại đặt ra quy chế “Hoàng triều Cương thổ”, tôn trọng tính tự trị của người bản địa ở Tây Nguyên và các vùng miền núi phía bắc. […]
“Năm 1956, ở miền Bắc, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa công bố Sắc lệnh số 268/SL ngày 7/1/1956 thành lập Khu Tự trị Việt Bắc. Nội dung của Sắc lệnh này đã chứng tỏ rất rõ là Việt Nam có người bản địa, dù văn bản này không nhắc tới khái niệm đó.”
Việt Nam đối xử với người bản địa như thế nào?
Người Thượng thôn K’rèn phản đối cưỡng chế đất làm dự án hồ Tà Hoét ở Lâm Đồng năm 2023.
Anh Y Quynh Buondap, đồng sáng lập tổ chức Người Thượng vì Công lý, nói ngày 28/4/2023 “Bản thân tôi nhận thấy người Thượng ở Tây Nguyên chịu nhiều thiệt thòi, con người bị phân biệt đối xử, đất đai bị chính quyền tước đoạt, tôn giáo bị đàn áp.”
Anh Y Arôn Êban, người Êđê hiện đang tỵ nạn tại Thái Lan, nói ngày 19/5/2023 “Mình thờ phượng Chúa, đi nhóm của hội thánh độc lập, nếu chính quyền phát hiện được, họ mời lên đồn công an tra hỏi, thẩm vấn dù mình không làm gì cả” và “họ cáo buộc mình tuyên truyền về Tin lành Đêga, xây dựng cơ sở ngầm của FULRO.”
Thế nhưng khi ghi danh học Kinh Thánh ở Hội thánh Tin lành Miền nam Việt Nam (được nhà nước Việt Nam công nhận), anh bị từ chối vì bị coi là “phản động”.
Ngoài chuyện phân biệt đối xử và đàn áp về tôn giáo, người Thượng cũng bị chiếm đoạt đất.
“Chính quyền hứa là hợp đồng 20 năm hoặc 30 năm hoặc 15 năm sẽ trả lại cho người dân, nhưng sau giải phóng thì họ trưng dụng các đất đai đó… Người Kinh từ phía bắc có quyền phát nương làm rẫy, còn những người tại chỗ phát nương làm rẫy thì bị kiểm lâm và bị chính quyền tịch thu, bắt bỏ tù. Đó là những vấn đề kỳ thị rất rõ ràng.”
Nhiều người Thượng khi tham gia biểu tình đòi lại đất đai và đòi tự do tôn giáo bị giam giữ và đánh đập tra tấn.
Ông Y Dú Ksơr, người Êđê từ Phú Yên, nói ngày 26/5/2023 “họ đánh tôi bằng dùi cui, vào xương sườn, xương sống… Họ cũng đá vào hòn dái, đánh vào ngực, tát vào miệng… tôi cũng bị gãy răng.”
Ông cũng nói trong một năm đó, ông bị nhốt trong hầm “tối tăm, mịt mù… Nhốt ở dưới lòng đất, mịt mù, không thấy mặt trời mặt trăng, giống bị điên khùng luôn… Một hầm chỉ có một người, không có hai, không có ba. Chỉ ở trong đó, ăn trong đó, kinh khiếp luôn.”
Sau vụ xả súng ngày 11/6
Ngày 11/6/2023 vừa qua, đã có vụ xả súng tấn công trụ sở công an xã Ea Tiêu và Ea Ktur, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk làm chín người thiệt mạng, bao gồm công an xã, cán bộ xã, và người dân. Chánh văn phòng Bộ Công an Đặng Hồng Đức được dẫn lời là “nguyên nhân do âm mưu của các thế lực thù địch, một số nghi phạm FULRO [bài gốc viết là Fulro] lưu vong kích động một số người dân tộc thiểu số chia rẽ người Kinh với dân tộc thiểu số.”
Trong một bài viết ngày 13/7, tôi đã viết về chuyện người Thượng bị ảnh hưởng như thế nào sau vụ xả súng.
Anh Y Phic H’dok, đồng sáng lập tổ chức Người Thượng vì Công lý, nói “Việt Nam cần cởi mở và làm rõ ràng để các báo chí và quốc tế cùng tham gia điều tra làm rõ vụ việc.”
Anh Y Quynh Buondap cũng nói “tôi hy vọng nhà nước Việt Nam sẽ có một thái độ tôn trọng hơn và ít phân biệt đối xử hơn, lắng nghe ý kiến của người Thượng bản địa và lắng nghe những mong muốn của họ để họ được có quyền nói lên những bức xúc hoặc những vấn đề họ đang cần giải quyết, phải giải quyết đúng vấn đề nguyện vọng của họ…”
Sau Biden, liệu tổng thống Nga có đến thăm Việt Nam ?
Minh Anh /RFI – 14/8/2023
Tổng thống Mỹ Joe Biden đã cho biết sẽ đến thăm Hà Nội trong tháng Chín tới đây. Tổng thống Nga Vladimir Putin rất có thể sẽ là người kế tiếp. Tuy nhiên, trên trang mạng Fullcrum ngày 14/08/2023, chuyên gia Ian Storey (*) tại Singapore đã đánh cược rằng ý định ông Putin đến thăm Việt Nam lại là điều Hà Nội không mong muốn, chí ít là vào lúc này.
Ảnh tư liệu : Tổng thống Mỹ Joe Biden (P) và đồng nhiệm Nga Vladimir Putin gặp nhau tại ‘Villa la Grange’, Genève, Thụy Sỹ, ngày 16/06/2021. AP – Patrick Semansky
Nếu như tin đồn ở Hà Nội là chính xác, thì tổng thống Nga Vladimir Putin cũng bày tỏ mong muốn đến thăm Việt Nam vào cuối năm nay. Một mặt, các chuyến thăm của hai ông Biden và Putin sẽ là dịp để Hà Nội thể hiện chính sách đối ngoại cân bằng trước các cường quốc lớn. Nhưng mặt khác, vào lúc cuộc chiến giữa Nga và Ukraina đang diễn ra ác liệt, Việt Nam sẽ phải xem xét mục tiêu mà chuyến thăm của ông Putin muốn đưa ra cho phần còn lại của thế giới, đặc biệt là phương Tây.
Theo suy luận của Ian Storey, nếu nguyên thủ Nga có đến thăm Việt Nam, thì có nhiều khả năng ông Putin sẽ thực hiện chuyến đi sau khi tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Vành đai và Con đường (BRI) tại Trung Quốc vào tháng Mười tới đây. Điều này sẽ có một ý nghĩa lớn cho Nga vì hai lý do.
Thứ nhất, Nga có thể nói rằng phương Tây đã thất bại trong nỗ lực cô lập Nga trên trường quốc tế. Thứ hai, Matxcơva vẫn có thể khẳng định là chính sách « xoay trục sang phía Đông » của điện Kremlin, công bố hồi năm 2011 vẫn đi đúng hướng. Điều quan trọng là chính sách này không chỉ hướng về Trung Quốc mà cả vùng Đông Nam Á.
Quan trọng hơn là cả Việt Nam và Trung Quốc đều không phải là thành viên của Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC), định chế đã ban hành lệnh bắt giữ nhắm vào nguyên thủ Nga với cáo buộc ông đã phạm tội ác chiến tranh.
Liệu giới lãnh đạo Việt Nam có sẽ hoan nghênh chuyến thăm của ông Putin vào thời điểm gia tăng căng thẳng giữa Nga và phương Tây hay không ? Đối với chuyên gia Storey, đây thật sự là một bài toán hóc búa cho các nhà hoạch định chính sách đối ngoại của Hà Nội.
Nga – đồng minh thân thiết nhưng « vướng víu »
Người ta không thể quên vai trò quyết định của Liên Xô trong cuộc chiến chống Mỹ của Việt Nam, giành thắng lợi năm 1975. Liên Xô cũng là một trong số ít bạn bè quốc tế của Việt Nam trong 10 năm chiếm đóng Cam Bốt trong những năm 1980. Người Việt Nam cũng chưa quên món nợ danh dự mà họ nợ Matxcơva.
Bản thân ông Putin cũng rất nổi tiếng ở Việt Nam : Trong một thăm dò của Viện Gallup năm 2017, 89% số người Việt được hỏi cho biết có thiện cảm với chủ nhân điện Kremlin, cao hơn 10 điểm so với ở Nga. Một phần vì lý do hình ảnh « strongman » của ông Putin. Nhưng trên thực tế, tổng thống Nga là vị lãnh đạo được cho là đã làm hồi sinh quan hệ Việt – Nga từ khi ông lên nắm quyền vào năm 2000.
Giờ đây, trong bối cảnh căng thẳng giữa Nga và phương Tây vì cuộc chiến Ukraina, các nhà lãnh đạo Việt Nam buộc phải có những cân nhắc trong mối quan hệ Nga – Việt. Dù vẫn biết ơn sự hỗ trợ của Nga, từ khi chiến tranh bùng nổ, Việt Nam vẫn giữ thế trung lập như bỏ phiếu trắng trong các cuộc bỏ phiếu có liên quan đến Ukraina tại Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc.
Theo đánh giá của Ian Storey, Việt Nam sẽ không hy sinh lợi ích quốc gia của mình cho Nga. Tỷ trọng trao đổi thương mại giữa Nga và Việt Nam là rất nhỏ, trong khi thị trường xuất khẩu quan trọng nhất của Việt Nam là Hoa Kỳ và châu Âu. Hà Nội có nhiều rủi ro đánh mất thiện cảm với Washington hay Bruxelles nếu trải thảm đỏ đón ông Putin.
Thế khó xử này của Hà Nội còn được thấy rõ qua việc ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã đột ngột hủy chuyến thăm Hà Nội sau chuyến công du Việt Nam của người đồng cấp Nga Serguei Lavrov tháng 07/2022. Và nhất là truyền thông Việt Nam chỉ loan báo chuyến thăm Hà Nội của cựu tổng thống Nga Dmitry Medvedev tháng 05/2023 sau khi ông đã về nước.
Nhà nghiên cứu Storey kết luận : Tổng thống Mỹ có thể sẽ không đồng ý đến thăm Việt Nam nếu chuyến đi của ông Putin diễn ra sau đó.
**********
Ghi chú : (*) Ian Storey là chuyên gia về an ninh Đông Nam Á, chuyên nghiên cứu về các tranh chấp Biển Đông, Viện ISEAS – Yusof Ishak Institute, trụ sở tại Singapore.
Việt Nam cấp e-visa cho công dân của mọi quốc gia, vùng lãnh thổ từ 15/8
14/8/2023
Dòng người chờ nhập cảnh Việt Nam ở sân bay Nội Bài, Hà Nội (ảnh tư liệu, 2020).
Chính phủ Việt Nam loan báo qua các kênh chính thức của họ rằng họ vừa thông qua một nghị quyết hôm 14/8 theo đó sẽ cấp thị thực điện tử cho công dân của tất cả nước và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Theo nghị quyết, do Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang ký và có hiệu lực thi hành từ ngày 15/8/2023, việc cấp thị thực điện tử sẽ được thực hiện tại 13 cửa khẩu đường hàng không bao gồm cả Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng và Cam Ranh, 16 cửa khẩu đường bộ và 13 cửa khẩu đường biển.
Nội dung nghị quyết được công bố cho thấy Bộ Công an là cơ quan thẩm định cuối cùng về biện pháp quản lý nhập cảnh mới với 2 văn bản đề nghị vào ngày 31/7 và 8/8 năm nay. Nghị quyết đã được các thành viên chính phủ thông qua bằng thể thức biểu quyết.
Quyết định mới của chính phủ được đưa ra sau gần hai tháng Quốc hội Việt Nam thông qua các điều sửa đổi, bổ sung cho luật xuất nhập cảnh, được nhiều bên kỳ vọng là cú hích mạnh giúp cho ngành du lịch có thể thu hút được nhiều du khách quốc tế hơn hẳn trước đây.
Các báo Việt Nam đưa tin hồi cuối tháng 6 rằng luật sửa đổi, bổ sung kể trên – có hiệu lực thi hành từ giữa tháng 8 năm nay – nâng thời hạn thị thực điện tử (e-visa) từ 30 lên 90 ngày.
Vẫn theo luật này, chính phủ được quyền quyết định về danh sách nước, vùng lãnh thổ có công dân được cấp, và về danh sách cửa khẩu quốc tế cho phép người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh bằng e-visa.
Sau khi được cấp thị thực điện tử, trong 90 ngày người nước ngoài được nhập, xuất cảnh không giới hạn số lần và không phải làm thủ tục cấp thị thực mới, luật quy định.
Việc Việt Nam quyết định cấp thị thực điện tử với các điều kiện dễ dàng hơn được các doanh nghiệp du lịch đón nhận với thái độ tích cực, các báo Việt Nam mô tả.
Các doang nghiệp đó nói với báo chí trong nước rằng họ đã chờ đợi điều này suốt nhiều năm qua. Giờ đây, họ tiên liệu rằng quy định mới không chỉ giúp tăng lượng khách du lịch mà còn thu hút thêm những người ngoại quốc đến Việt Nam với mục đích xúc tiến đầu tư, tìm kiếm cơ hội kinh doanh vì việc đi lại của họ trở nên thuận lợi hơn rất nhiều.
Một số chủ các công ty du lịch được báo chí Việt Nam trích lời nói rằng việc cải thiện chính sách thị thực cho thấy Việt Nam biết thích ứng linh hoạt trong cuộc đua phục hồi ngành du lịch sau đại dịch Covid-19. Bên cạnh đó, chính sách mới cũng là nền tảng để các doanh nghiệp du lịch phát triển bền vững, không kém gì các nước trong khu vực.
Trong nửa đầu năm nay, Việt Nam đón hơn 5,57 triệu lượt du khách quốc tế, trong đó đông nhất là người Hàn Quốc, tiếp đến là người Trung Quốc, Đài Loan, Mỹ, Malaysia, Nhật Bản, Singapore, Campuchia, Thái Lan và Australia, Tổng cục Thống kê cho biết.
Báo chí trong nước nói rằng đó là con số đáng mừng vì ở thời điểm mới chỉ nửa năm trôi qua, ngành du lịch Việt Nam đã đạt được 70% của mục tiêu đón 8 triệu khách quốc tế năm 2023.
Mặc dù vậy, con số đó vẫn chưa bằng 2/3, tức 65,7%, của cùng kỳ năm 2019, khi chưa xảy ra đại dịch.
Lưu Trọng Văn – Cần gì đến ngọn gió tự do ?
Thung lũng Hoa vàng – San Jose, thủ phủ của đầu não công nghệ thông tin và trí tuệ nhân tạo nước Mỹ vào thu. Lá phong quanh trường đại học Stanford danh giá nhất nhì thế giới chuyển từng tơ vàng qua óng đỏ.
Ngọn gió của Tự do thổi tới! (The wind of freedom blows). Nhà sáng lập Stanford đã lấy một khẩu lệnh của người Đức khát khao mở đường và chinh phục làm slogan của trường.
Khuôn viên 33,1 km2 lớn thứ nhì thế giới về diện tích này, hơn trăm năm nay chỉ đào tạo ra những chàng trai, cô gái biết hoàn thiện và làm đẹp mình, biết dẫn dắt quốc gia.
Những cái tên mang tầm ảnh hưởng thế giới như các công ty: Google, Hewlett-Packard, Nike, Sun Microsystems, Instagram and Yahoo… đều được thành lập bởi các sinh viên đã từng theo học tại trường này. Và cũng từ đây hơn 30 tỉ phú, 17 phi hành gia chinh phục vũ trụ từng miệt mài trên giảng đường mà tiếng sét phá bung tường hào trí tuệ cũ mở ra bao chân trời mới.
Tại sân trường Stanford gã nói với Nguyễn Đức, một chuyên gia làm việc cho một tập đoàn công nghệ thông tin tại Silicon Valley: Quá ít bạn trẻ Việt Nam tới đây để chờ đón, để chào đón “Ngọn gió của Tự do thổi tới.”
Đức bảo: Đa số trai gái trẻ Việt đến Mỹ hoặc để hưởng thụ, hoặc để kiếm sống.
Đúng là nếu chỉ để hưởng thụ hoặc kiếm sống, thậm chí chỉ làm giàu cho riêng mình thì cần gì đến Ngọn gió Tự do?
LƯU TRỌNG VĂN 14.08.2023
Đà Nẵng: Lao công quét dọn trở thành bác sĩ căng da mặt
Lê Thiệt /SGN
14 tháng 8, 2023
Bà Trần Thị Thu (lao công) bị bắt quả tang khi đang căng da mặt cho khách – Ảnh: Thanh Niên
Theo tin từ Đội Cảnh sát Kinh tế và Môi trường Công an quận Thanh Khê, vào lúc 11 giờ trưa 12 Tháng Tám, đội đến cơ sở thẩm mỹ Kangzin (368 Hùng Vương, phường Vĩnh Trung, quận Thanh Khê) để kiểm tra việc chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường, đã phát hiện cơ sở thẩm mỹ này có nhiều lỗi vi phạm.
Tại thời điểm kiểm tra, chủ cơ sở thẩm mỹ viện Kangzin không xuất trình được các loại giấy tờ pháp lý chứng minh họ được hoạt động trong lĩnh vực thẩm mỹ, và một số vi phạm khác như vệ sinh rác thải, chứng chỉ hành nghề của nhân viên làm việc tại đây.
Khi đến một phòng phẫu thuật trên lầu, đội kiểm tra gặp một nhân viên đang thực hiện căng da mặt cho một khách hàng, nhưng nhân viên này không xuất trình được bất cứ chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh nào. Bà cho biết bà tên Trần Thị Thu, là lao công tại cơ sở thẩm mỹ Kagnzin, lên đây “phụ với bác sĩ căng da mặt”. Nhưng khi hỏi bác sĩ tên gì, đi đâu, bà Thu chỉ cho biết “bác sĩ đi ra ngoài một chút”.
Khách hàng là một phụ nữ nằm trên giường, có lẽ đã được tiêm thuốc mê trước khi căng da mặt, nên không có phản ứng gì khi có người vào kiểm tra.
Tiếp tục kiểm tra, cơ sở thẩm mỹ cũng không xuất trình được các giấy tờ pháp lý chứng minh nguồn gốc, xuất xứ của 206 sản phẩm là vật tư y tế, dung dịch chất làm đầy (filler, botox), sụn mũi, dụng cụ cắt bao quy đầu…
Ngay sau khi bị kiểm tra, người chủ đã đóng cửa cơ sở và bỏ trốn.
Cơ sở thẩm mỹ Kangzin (còn được biết với tên gọi “Viện thẩm mỹ 175 Sài Gòn”, địa chỉ 368 Hùng Vương, phường Vĩnh Trung, quận Thanh Khê) – Ảnh: Thanh Niên
Theo báo Thanh Niên, thời gian gần đây tại Đà Nẵng, Đội Cảnh sát kinh tế Công an quận Thanh Khê thường xuyên kiểm tra và phát hiện nhiều cơ sở thẩm mỹ vi phạm các quy định về điều kiện, tiềm ẩn các nguy cơ về an toàn hành nghề.
Dư luận có vẻ không ngạc nhiên về chuyện này, họ cho rằng nếu ông Dư Minh Hùng, kỹ sư xây dựng có thể làm giám đốc Sở y tế tỉnh Cà Mau được, thì một bà lao công vẫn có thể làm bác sĩ giải phẫu thẩm mỹ được.
Facebooker Mai Thanh Mai còn cho rằng “quý bà hãy yên tâm khi nhân viên lao công làm phẫu thuật căng da khâu mặt, bởi trong nhiều tiểu thuyết kiếm hiệp, đặc biệt là trong Thiên Long Bát Bộ, nhân viên quét dọn chùa chính là một đại cao thủ võ lâm”.
Sài Gòn: Mưa lớn nhiều giờ, dân Thủ Đức phải ‘đắp đê’ ngăn nước
Sau cơn mưa, đường Võ Văn Ngân xuất hiện ‘hố tử thần’
Lê Thiệt /SGN
14 tháng 8, 2023
Đường Lã Xuân Oai (Thủ Đức) bị xem là điểm đen về tình trạng “lụt” mỗi lần mưa lớn – Ảnh: VietnamNet
Chiều 14 Tháng Tám, trận mưa như trút nước xuống hầu hết các quận huyện tại Sài Gòn trong nhiều giờ đã khiến Sài Gòn thành biển nước mênh mông.
Thành phố Thủ Đức, nơi bị mang tiếng là cái “rốn ngập” của Sài Gòn bị nặng nhất.
Một số tiểu thương phải dùng tôn làm “đê” ngăn nước tràn vào bên trong cửa hàng – Ảnh: VietnamNet
Tại điểm ngập nặng nhất trên đường Lã Xuân Oai, nhiều tiểu thương phải dùng những tấm tôn để che chắn. Một phụ nữ cho phóng viên báo VietnamNet biết: “Hễ mưa lớn là nước dâng cao, tràn vào bên trong cửa hàng. Việc buôn bán, sinh hoạt của chúng tôi mỗi lần như vây đều gặp nhiều khó khăn”.
Hai nam công nhân giúp người phụ nữ vác xe qua đoạn ngập – Ảnh: VNExpress
Cảnh tượng phố biến thành “sông” cũng diễn ra trên đường Nguyển Xiển. Khu vực ngập nặng nhất là đoạn gần chung cư Vinhomes Grand Park. Xe chết máy hàng loạt. Cảnh người dân loay hoay đẩy xe đi qua làn nước ngập khá phổ biến. Chị Nguyễn Thị Minh nhà ở tuyến đường này than thở: “Con đường này dễ ngập nước khi mưa lớn”.
Tại “rốn ngập” của TP Thủ Đức như Dương Văn Cam, Đặng Thị Rành, chợ Thủ Đức, nước cũng nhanh chóng dâng cao sau cơn mưa lớn kéo dài – Ảnh: 24h
Tình trạng này còn xảy ra tại một số con hẻm, tuyến đường khác của TP Thủ Đức như Tô Ngọc Vân, Dương Văn Cam và các trục huyết mạch gần chợ Tăng Nhơn Phú…
Nhiều người chọn cách chờ đợi cho đến khi đường bớt ngập nước mới tiếp tục di chuyển.
Thông tin từ Đài Khí tượng Thủy văn Nam Bộ, từ hôm nay (ngày 14) đến 20/8, mưa giông sẽ tăng dần ở phía Nam, tổng lượng mưa phổ biến 150-200mm, có nơi trên 200mm. Nguyên nhân, trên Biển Đông có vùng áp thấp có thể mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới trong các ngày 19-23/8. Vùng áp thấp này tạo điều kiện cho gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh gây mưa lớn.
Trong khoảng 3 giờ tới, các khối mây giông sẽ di chuyển về phía Củ Chi gây mưa rào, có nơi kèm theo giông và sét cho các khu vực huyện Củ chi, sau đó vùng mưa có xu hướng mở rộng về phía Hóc Môn, quận 12, Bình Tân…. Lượng mưa phổ biến từ 5-20mm, có nơi trên 20mm. Trong cơn giông đề phòng lốc, sét và gió giật mạnh khoảng cấp 5-7 (8-17m/s).
Sau cơn mưa, đường Võ Văn Ngân xuất hiện “hố tử thần”
Vị trí sụt lún tạo “hố tử thần” trên đường Võ Văn Ngân – Ảnh: Tuổi Trẻ
Hố này xuất hiện sau cơn mưa và được phát hiện bởi một nhân viên thoát nước đang làm nhiệm vụ tại đây.
Theo lời kể lại của anh Vũ Trọng Sáng (34 tuổi, nhân viên thoát nước), khi anh đi vớt rác miệng cống để nước thoát sau cơn mưa lớn thì phát hiện hố sâu nguy hiểm này. Ngay sau đó anh đã lấy cây cắm vào hố, quấn dây để cảnh báo người đi đường. Hố sâu sụt lún có đường kính khoảng 60 – 70cm, độ sâu khoảng 1m.
Hiện chưa rõ nguyên nhân gây ra tình trạng nguy hiểm này. Trong lúc chờ cơ quan chức năng đến giải quyết, nước mưa vẫn tiếp tục chảy xuống lòng hố, nên nhiều người lo ngại, nếu không có hướng xử lý sớm, hố tử thần này có nguy cơ tiếp tục lan rộng, và miệng hố sẽ mở rộng hơn, gây mất an toàn cho người đi đường.
Khảo sát: Thu nhập quá thấp, chỉ hơn 25% người lao động Việt ăn thịt cá hàng ngày
14/8/2023
Công nhân ngành may trong một nhà máy ở tỉnh Thái Nguyên.
Chỉ có 24,5%, tức chưa đến 1/4, trong số những người lao động Việt Nam có thu nhập đủ để đáp ứng chi tiêu cơ bản, trong khi hơn 3/4 (75,5%) số người lao động không đủ thu nhập cho nhu cầu cuộc sống, theo một khảo sát Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (TLĐLĐ) vừa được công bố cách đây ít ngày.
Cuộc khảo sát về tình hình đời sống, việc làm, tiền lương của người lao động năm 2023 thu thập ý kiến của trên 3.000 công nhân tại 157 doanh nghiệp hồi tháng 4 cùng năm, nhiều báo bao gồm cả Thanh Niên, Công Thương, Người Lao Động đưa tin, dẫn lại kết quả được TLĐLĐ công bố hôm 8/8.
Tin cho hay cuộc khảo sát được thực hiện ở 6 tỉnh, thành là Hà Nội, Hải Phòng, Phú Thọ, thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, An Giang, những nơi tập trung nhiều khu công nghiệp, các nhà máy, xí nghiệp.
Thanh Niên, Công Thương, Người Lao Động và các báo trích dẫn khảo sát của TLĐLĐ cho biết mức tiền lương cơ bản trung bình hàng tháng của người lao động là khoảng 6 triệu đồng/tháng, tăng 8,4% so với khảo sát cách đây 1 năm. Tiền lương cơ bản này không bao gồm tiền làm thêm giờ.
Cộng với tiền làm thêm giờ và các khoản trợ cấp, phụ cấp từ doanh nghiệp chủ quản, người lao động có thu nhập trung bình đạt hơn 7,8 triệu đồng/tháng, vẫn theo kết quả khảo sát. Trong đó, tiền lương cơ bản chỉ chiếm 76,7% thu nhập hàng tháng.
Mức thu nhập thấp nêu trên làm cho phần lớn người lao động không thể có bữa ăn cân bằng về dinh dưỡng, vì theo khảo sát, chỉ hơn 1/4 số người được hỏi, tức 26,2%, nói rằng họ có điều kiện để ăn thịt, cá trong các bữa ăn hằng ngày.
“Điều này có nghĩa trong 100 người lao động thì chỉ có hơn 26 người có điều kiện ăn thịt, cá hàng ngày – con số khó tin và không dễ chấp nhận với nhiều người khi Việt Nam thuộc nhóm nước có chỉ số hạnh phúc đứng đầu khu vực Đông Nam Á”, báo Công Thương đưa ra bình luận.
Theo tìm hiểu của VOA, Báo cáo Hạnh phúc Thế giới 2023 của các chuyên gia độc lập cho thấy Việt Nam đứng thứ 65 trong số gần 150 nước trên thế giới; trong khu vực ASEAN, Việt Nam có thứ hạng thấp hơn Singapore và Brunei, ngang bằng Thái Lan và cao hơn các nước còn lại.
Bên cạnh thực tế là hơn 3/4 số người lao động không đủ thu nhập cho các nhu cầu cơ bản trong cuộc sống, khảo sát cũng nhận được câu trả lời từ 11,2% số người được hỏi cho hay họ không thể đủ sống và phải làm thêm việc khác để có nguồn tiền bổ sung. Chỉ có 8,1% người lao động có tích lũy từ tiền lương và thu nhập.
Các báo dẫn kết quả khảo sát nói rằng đáng chú ý, có 17,3% người lao động phải thường xuyên vay nợ, dẫn đến 3,1% người lao động thường xuyên bị đe dọa, khủng bố.
“Những con số khô khan này cho thấy thực trạng khó khăn mà đa số người lao động đang phải đối mặt, gợi mở sự chênh lệch rất lớn về mức sống, thể hiện sự đối lập đáng kinh ngạc giữa nhóm thu nhập cao và những người đang phải vật lộn mưu sinh”, tờ báo là cơ quan ngôn luận của Bộ Công Thương Việt Nam đưa ra nhận xét.
Theo báo Công Thương, “phần lớn người lao động đang sống trong tình trạng không đảm bảo về dinh dưỡng và chất lượng cuộc sống hàng ngày” vì thu nhập thấp và điều này “không chỉ ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe người lao động, mà thậm chí tác động cả đến các quyết định hệ trọng hơn như lập gia đình và sinh con đẻ cái”.
Cuộc khảo sát được công bố hôm 8/8 có phần nói rằng tiền lương là nguyên nhân chính ảnh hưởng đến quyết định lập gia đình của 53,7% người lao động và quyết định sinh con của 72% người lao động.
Cũng do thu nhập eo hẹp nên có tới 46,5% người lao động chỉ đủ tiền để mua một số loại thuốc cơ bản để chữa bệnh, vẫn theo kết quả khảo sát.
Để cải thiện tình trạng nêu trên, giúp đảm bảo mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ, các công đoàn cấp cơ sở kiến nghị cần tăng tiền lương tối thiểu vùng thêm 11,34% trong năm 2024, các báo trong nước tường thuật.
Mức lương tối thiểu vùng của năm 2023 hiện cao nhất là 4 triệu 680 nghìn đồng/tháng và thấp nhất là 3 triệu 250 nghìn đồng/tháng, theo tìm hiểu của VOA.
Ngoài biện pháp trực tiếp kể trên, TLĐLĐ Việt Nam khuyến nghị các bộ ngành, các địa phương tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất kinh doanh, đặc biệt là về nguồn hàng, đơn hàng, vốn, ưu đãi thuế, thủ tục hành chính cho các doanh nghiệp, từ đó tạo việc làm ổn định và thu nhập bền vững cho người lao động.
TLĐLĐ cũng kêu gọi nhà nước “quyết liệt kiềm chế lạm phát, bình ổn giá, nhất là giá điện, xăng dầu và các mặt hàng thực phẩm, tiêu dùng thiết yếu của người lao động”.
XEM THÊM:
- Thời sự Thứ ba 15/8/2023 (Võ Thái Hà):Mỹ viện trợ mới 200 triệu đô cho Ukraine *Thông tin cá nhân của Tập và con gái bị bán *Vương Nghị gặp Hun Sen và con trai *Hoa Kiều đón PTT Đài Loan ở NY *BT QP TQ sẽ thăm Nga và Belarus *Ấn Độ mừng độc lập *Kinh tế TQ ảm đạm August 15, 2023
- ISW đánh giá chiến sự Nga-Ukraine ngày 14/8/2023 August 15, 2023
Tags: độc tài, đồng tâm, Tham nhũng, tin tức, toàn trị, việt nam