Chuyện Việt Nam Thứ ba 16/05/2023: *Thái Lan khác ta. *Đến tận bây giờ mới được ưu tiên ! *Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu gây “bão mạng” *Kon Tum: Động đất mạnh 3.7 độ richter


Quê Hương tổng hợp


Nguyễn Thông – Thái Lan khác, ta khác 

Khá nhiều lời khen ngợi khi biết kết quả tổng tuyển cử ở Thái Lan hôm qua 15.5. Dân Thái đã thực hiện quyền công dân đúng nghĩa, bầu ra những đại biểu của mình ở hạ nghị viện (quốc hội). Chả biết họ có “sáng suốt lựa chọn những người xứng đáng” không nhưng đại đa số dân chúng đã chọn người ở 2 đảng đối lập đại diện cho họ, chứ không bỏ phiếu cho đảng cầm quyền hiện tại của thống tướng Prayut Chan-o-cha. Chính họ đã từng bầu cho đám đương quyền, nhưng qua năm tháng của nhiệm kỳ, lại mắt thấy tai nghe, họ chán đám độc tài nhà binh lắm rồi.

Họ chọn ai? Hai đảng đối lập thì đã rõ, nhưng cầm đầu hai đảng đó là 2 người trẻ, một người đàn ông 45 tuổi, và một người đàn bà, gọi là cô gái thì đúng hơn, mới có 36 tuổi. Một trong hai người này sẽ là thủ tướng Thái Lan trong 5 năm tới. Quá nể, nể cả người bầu lẫn người được bầu.

Thái là vậy. Rất nhiều nơi khác cũng là vậy. Người dân có quyền chọn lực lượng, tổ chức, cá nhân đại diện cho mình. Kẻ nào không đáp ứng được niềm tin ấy thì họ phế, thay bằng người khác, tổ chức khác. Người ta gọi đó là dân chủ, dân chủ thực chất.

Ông bạn tôi, sau khi tấm tắc, chợt ngậm ngùi, giá mà ta được như Thái Lan, dân ta như dân Thái. Rồi thở dài sườn sượt, không biết đến bao giờ.

Tôi bảo, ông nhầm. Dân Thái ở đất Thái sẽ làm được điều ấy, chứ họ sang xứ An Nam ta sẽ bị “ở bầu thì tròn, ở ống thì dài”, bị suy thoái, bị chuyển hóa, bị An Nam hóa. Thể chế nào, con người đó. Người Thái thực thi được quyền dân chủ khi bầu cử bởi nước họ không có đảng độc quyền (mà đã độc quyền thì đồng nghĩa với độc tài), họ không bị “đảng cử dân bầu”, họ có cơ quan kiểm phiếu độc lập, kết quả bầu cử không bị đôn lên tới 98 – 99%, không có mặt trận tổ quốc hiệp thương hiệp thiếc, cũng không cờ đèn kèn trống khẩu hiệu ầm ĩ lóa mắt… Họ không bị chi phối, ép buộc bởi cái gì cả, ngoài việc phải chọn đúng người tử tế làm lãnh đạo đất nước.

Đừng mong được như nước Thái người Thái, bởi ta không có điều mà họ có, còn họ cũng không có những thứ mà ta có.

Nguyễn Thông


Lưu Trọng Văn – Đến tận bây giờ mới được ưu tiên ! 

16/5/2023

Thủ tướng Phạm Minh Chính tại thành phố Cần Thơ, ngày 14/05 cho biết: 

“Đường sắt tốc độ cao nối Bình Dương, Thành phố HCM với Cần Thơ – thủ phủ miền Tây 174 km, đi qua Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long và Cần Thơ với tổng đầu tư 9 tỉ USD, khổ đường 1.435 mm, tốc độ thiết kế lớn nhất 190 km/h đang được khởi động thực hiện.”

Theo thủ tướngChính phủ đã đàm phán với các đối tác, ưu tiên triển khai dự án trên. Ngoài ra, Đồng bằng sông Cửu Long còn có hai tuyến đường cao tốc chính được đẩy nhanh triển khai gồm: TP HCM – Cà Mau (một số đoạn được khởi công vào tháng 6) và cao tốc trục Đông – Tây từ Sóc Trăng qua Cần Thơ, Hậu Giang đến An Giang.

Gã vừa đi từ Sài Gòn tới Bạc Liêu mất hơn 6 giờ 30 cho gần 270 km. Nhờ cao tốc Trung Lương và cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận hơn 100 km chỉ mất khoảng 1 giờ 30 nên mới được vậy. Có nghĩa là với quãng đường gần 180 km từ cầu Mỹ Thuận, qua Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng đến xứ sở của Dạ cổ hoài lang và công tử Bạc Liêu mất khoảng 5 tiếng đồng hồ.

Ông chủ tịch Bạc Liêu gần đây than phiền dân Bạc Liêu uống rượu xong là “bị” đi ngủ sớm. Ông kêu gọi công an phải cho dân vui chơi qua đêm. Nhưng xin thưa ông chủ tịch, vui chơi qua đêm chỉ là khách du lịch, khách giao thương làm ăn kinh tế với dân rủng rẻng tiền.

Với đường sá xa xôi, chật hẹp, qua nhiều thị tứ, khu dân cư đông đúc tốc độ rì rì thì thời gian đến Bạc Liêu, Cà Mau nhàm chán và sôi ruột, lấy đâu ra khách du lịch, khách giao thương? Và Dân lấy đâu ra cơ hội làm ăn để rủng rẻng tiền?


Cao tốc!

Muôn bài toán phát triển kinh tế cho 20 triệu bà con miền Tây chỉ gói gọn trong hai chữ “cao tốc.”

Hãy nghe thủ tướng trần tình với cử tri Cần Thơ:

“Trong nhiệm kỳ này, Chính phủ đã bố trí khoảng 400.000 tỉ đồng cho hạ tầng giao thông, gấp 3-4 lần nhiệm kỳ trước. Đồng bằng sông Cửu Long sẽ được ưu tiên để thực hiện dự án giao thông trọng điểm.”

400.000 tỉ trong nhiệm kỳ của thủ tướng Phạm Minh Chính gấp 3-4 lần so với các nhiệm kỳ trước. Tức là từ 2021 trở về trước cả nước trong mỗi nhiệm kỳ 4 năm chỉ có khoảng trên 100.000 tỉ đồng đầu tư cho hạ tầng giao thông. Và miền Tây không hề được ưu tiên đầu tư. Chứng minh, trong khi phía Bắc, kể cả biên giới phía Bắc trong các năm qua đã có hàng ngàn km cao tốc được xây dựng thì miền Tây chỉ có khoảng hơn 100 km cao tốc được xây dựng. 

Khi đưa ra con số và nói nhiệm kỳ này miền Tây mới được ưu tiên phát triển hạ tầng giao thông, tức là thủ tướng thừa nhận sự thật đảng và nhà nước từ năm 2021 trở về trước chưa hề quan tâm thực sự đến 20 triệu Dân miền Tây – vựa lúa của cả nước, vựa trái cây của cả nước, vựa thủy sản của cả nước. 

Đây có thể nói là một sự thật vô cùng buồn và bất công đối với vùng đất phía Nam này của Đất nước.

LƯU TRỌNG VĂN 15.05.2023


Những cái đầu gỗ

Lâm Công Tử /SGN
15/5/2023

Nhà hát Quan họ Bắc Ninh (VOV) 

Tướng Trần Độ trong tác phẩm “Nhật ký rồng rắn” có dùng một từ rất mới: “Lưỡi gỗ”. Nhằm ám chỉ cách nói lấy được của người cán bộ cộng sản, ông viết: “Nổi bật lên là một bộ máy độc đoán, độc tài toàn trị, đàn áp thẳng tay các ý kiến khác. Có một đội ngũ “lưỡi gỗ” rất đông đảo, chuyên “ngụy biện”, “nói lấy được”, “nói bừa bãi”, “nói trắng trợn”, bất chấp lẽ phải, đạo lý và cả luật pháp, và có lúc dùng thủ đoạn như “lưu manh”.

So với tình trạng này hàng ngày trong nước vẫn còn không ít những cái lưỡi gỗ lươn lẹo bằng ngôn ngữ nhằm che đậy chất xám quá ít ỏi của mình. Tuy nhiên “lưỡi gỗ” tuy khó chấp nhận nhưng chỉ là cách ngụy biện nên hậu quả có thể kiểm soát, nhưng nếu “gỗ” nằm sẵn trong đầu thì hỡi ơi, làm sao cứu?

Qua câu chuyện đang ầm ĩ trên mạng xã hội, người ta biết được Bắc Ninh đang xuất hiện những cái “đầu gỗ” qua cách bày biện trong Nhà hát Dân ca Quan họ Bắc Ninh, cái nhà hát mà mới thoạt nghe đã thấy có gì đó sai sai, vượt tầm văn hóa và nhất là nét xa hoa phù phiếm của nó đã làm người dân vừa bất bình, vừa giận dữ.

Nhiều tờ báo được đặt hàng viết cho cái nhà hát này trước khi nó khai trương trình diễn đêm đầu tiên, trong đó có tờ VietnamNet: “Nếu như kiến trúc bên ngoài công trình mang dáng dấp hiện đại thì toàn bộ nội thất được tái hiện theo phong cách truyền thống. Sân khấu biểu diễn chính được cách điệu từ kiến trúc cổng làng để dẫn dắt cảm xúc cho khán giả đắm chìm vào trong không gian đậm chất quan họ.” 

Dân ca Quan họ được UNESCO đưa vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể từ lâu và hình ảnh của nó vẫn không hề phai mờ trong lòng người dân Việt, nhất là tại miền Bắc, nơi Quan họ và chiếc áo tứ thân rực rỡ luôn là niềm tự hào của người Việt. Quan họ sống cùng và sinh hoạt với nhân dân Kinh Bắc như người miền Nam với câu vọng cổ, như người miền Trung với hát bà chòi hay nhạc cung đình Huế.

Bên trong nhà hát (VTC News) 

Quan họ không phải chỉ hát với nhau mà còn gần gũi hơn trong những dịp làng này giao lưu với làng khác, mượn câu Quan họ để kết nối tình hàng xóm hay thậm chí tình yêu trai gái. Quan họ đặc sắc trong những dịp Hội Lim, giỗ đền Hùng hay lúc thu hoạch mùa màng trai gái trong làng rảnh rang việc đồng áng. Để bảo tồn và phát triển loại hình Quan họ không thể dùng nhà hát cầu kỳ, hiện đại, sang cả để trình diễn nó mà ngược lại có thể tiếp tay giết cái phần hồn, phần máu thịt của nó: Tính cách cộng đồng, quần chúng.

Thiếu cộng đồng và quần chúng, Quan họ sẽ nhạt nhẽo và trần trụi vì người dân miền Bắc từng yêu mến sống cùng với nó. Khó tưởng tưởng hát Quan họ “trên bến dưới thuyền” đậm chất làng xã được biểu diễn cho một tập thể đến xem chững chạc trong veston, đầm hay áo dài dạ hội.

Nhà hát Dân ca Quan họ Bắc Ninh mang dáng dấp của một nhà hát “cung đình” không dành cho quần chúng. Những chiếc ghế trong đó được làm bởi làng nghề mộc danh tiếng Đồng Kỵ. Những chiếc ghế lòe loẹt hoa văn thường thấy trong nhà các quan lớn của triều đình như Nông Đức Mạnh, Lê Khả Phiêu… Những chiếc ghế đại diện cho tầng lớp đại gia phải có trong phòng khách nhằm nói với người đến thăm sự thừa ăn thừa của của gia chủ. Những chiếc ghế như thế trong một nhà hát mang tính văn hóa thật không khác gì mặc áo the đi giày Italy, vừa hợm hĩnh lại không thiếu sự dốt nát văn hóa.

Nhưng những nhà thiết kế không nghĩ như thế vì trong đầu họ toàn gỗ với gỗ. Gỗ càng quý càng tốt. Gỗ định hình cho giá trị nội thất, gỗ tôn tạo giá trị của người ngồi lên nó, gỗ chứng minh tư cách đứng đắn của nhà đầu tư vì chỉ có gỗ mới quý giá và trường cửu. Những cái đầu chỉ biết có gỗ ấy không thể nghĩ xa hơn, chẳng hạn như muốn có những loại gỗ nhóm một như thế thì bao nhiêu hecta rừng bị phá hủy, bao nhiêu cơn lũ lụt sẽ xảy ra và sự phá hoại ấy có khiến cho khí hậu nóng lên trong những ngày sắp tới?

Tỉnh Bắc Ninh chịu trách nhiệm gì khi ký giấy cho phép dùng một số lượng thật lớn gỗ quý Đồng Kỵ trong thiết kế nhà hát này, đó là chưa nói tới tác dụng ngược của Nhà hát Dân ca Quan họ này.

Theo tờ VietnamNet bên cạnh những chiếc ghế Đồng Kỵ thì: “Hệ thống ghế ngồi điều chỉnh cách bố trí, đặt giữa hai ghế một bàn trà – đây là sự khác biệt trong cách thiết kế không gian nhà hát, rạp chiếu phim. Bên cạnh đó, thay vì hệ thống ghế ngồi hiện đại”.

Tiếng là dân ca, nhưng nhà hát được thiết kế thêm một chiếc bàn nhỏ nằm giữa hai chiếc ghế Đồng Kỵ và chiếc bàn này dùng để đặt bình và chung uống trà trong khi khách ngồi thưởng thức dân ca Quan họ! Đúng là những cái đầu gỗ không thể nghĩ xa hơn những khúc gỗ trong đầu. Những chiếc bình và tách uống trà ấy lấy đâu ra trà mà uống? Không lẽ khi đi xem hát người ta mang cả bình và tách uống trà theo để tự phục vụ? Hay nhà hát sẽ thuê thêm đội ngũ vài trăm em vừa nấu vừa mang trà ra cho khách?

Quan họ không cần bàn đèn để tăng thêm hứng thú cho khách như khi nghe ca trù, hát nói. Quan họ cần sự tung tăng hồn nhiên chứ chưa nghe ai nói Quan họ cần những thứ trịnh trọng đáng ghét như cái nhà hát này nhét vào đầu quần chúng những thứ ngược lại với tinh thần Quan họ.

Nguy hiểm hơn nữa khi nhà hát này dùng những chiếc ghế gỗ Đồng Kỵ để mang vào đầu óc người Việt cái style dùng gỗ quý mới sang, mới bảnh. Cái cung cách ấy thâm nhiễm vào đầu những người nệ cổ quá lâu đến nỗi họ không thấy rằng văn hóa đồ gỗ không còn được xem là sang trọng trên thế giới ngày nay bởi nó phong kiến, phá hoại và nhất là lòe loẹt một cách quá đáng.


Phát biểu của Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu gây “bão mạng” 

29/4/2023

(NLĐO) – Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu cho rằng để kích cầu du lịch, lực lượng chức năng không nên giới hạn giờ giấc hoạt động vào ban đêm của người dân và du khách; CSGT không nên “canh bắt phạt” người từ quán nhậu… 

Ngày 29-4, mạng xã hội xôn xao về đoạn clip dài gần 3 phút ghi lại phát biểu của ông Phạm Văn Thiều, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, bày tỏ trăn trở về những vấn đề liên quan đến kinh tế đêm, xử phạt nồng độ cồn của lực lượng CSGT… 

Ông Phạm Văn Thiều, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, phát biểu tại hội nghị do Thành ủy TP Bạc Liêu tổ chức hôm 27-4

Cụ thể, trong đoạn clip, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu đề nghị lực lượng công an, văn hóa… phải xem lại, hạn chế việc giới hạn giờ buôn bán, vui chơi của người dân và du khách trước 23 giờ. 

“Khách đến Bạc Liêu mà chơi tới 11 giờ (23 giờ đêm – PV) phải nghỉ, quán phải đóng cửa thì sao được. Người ta nói tới Bạc Liêu chơi vậy sao thoải mái được, phải vui chơi hơn giờ đó mới hiệu quả… Tôi đề nghị lực lượng công an, văn hóa phải hạn chế (giới hạn) cái này” – ông Thiều nói.

Cộng đồng mạng ủng hộ ý kiến của Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu

Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu cũng nhắn nhủ lực lượng CSGT dừng việc “canh bắt phạt” khách đi nhậu tại các quán. Ông cho rằng cần phải tuyền truyền, giáo dục ý thức; canh người vi phạm để phạt không giải quyết được cái gốc của vấn đề mà chỉ gây thiệt hại về kinh tế cho du lịch địa phương…

Chỉ sau vài giờ xuất hiện trên mạng xã hội, đoạn clip này đã thu hút hàng chục ngàn lượt xem, hàng trăm lượt chia sẻ và bình luận. Đa số các bình luận của cộng đồng mạng đều đồng tình, tích cực ủng hộ phát biểu của Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu. 

“Hay quá bác ơi”, “Triệu like cho bác Thiều”, “Tuyệt vời, Bạc Liêu mãi đỉnh. Ủng hộ bác, hồn ai nấy giữ”, “Bác mãi đỉnh, Bạc Liêu là phải thế”, “Phát biểu hợp lòng dân”, “Mạnh dạn ủng hộ bác vụ này, canh hoài quán nào bán được”… – nhiều người bày tỏ.

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Người Lao Động, đoạn clip nêu trên được ghi lại tại cuộc hội nghị sơ kết thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP Bạc Liêu lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020-2025, do Thành ủy TP Bạc Liêu tổ chức. Ông Phạm Văn Thiều đã phát biểu tại hội nghị này.

DUY NHÂN 


Kon Tum: Động đất mạnh 3.7 độ richter, lớn nhất trong năm 2023

RFA
16/5/2023

Huyện Kon Plông là nơi tâm chấn của các trận động đất 

ViệnVL/NLĐ 

Một trận động đất mạnh 3.7 độ richter đã xảy ra tại khu vực huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum, gây rung lắc mạnh.

Trung tâm Báo tin động đất và cảnh báo sóng thần thuộc Viện Vật lý Địa cầu cho truyền thông hay tin trên trong ngày 16/5.

Trận động đất được nói xảy ra vào khoảng 11 giờ 31 phút, có độ sâu chấn tiêu khoảng 8km. Theo Viện Vật lý, đây là trận động đất có cường độ lớn nhất từ đầu năm 2023 đến nay.

Liên tiếp trong năm ngày qua, trên địa bàn huyện Kon Plông (tỉnh Kon Tum) đã xảy ra 10 trận động đất có độ lớn từ 2.6 đến 3.2 độ richter. Các trận động đất trên đều không gây thiệt hại về người.

Trung tâm Báo tin động đất và cảnh báo sóng thần vẫn đang tiếp tục theo dõi trận động đất này.

Theo thống kê từ Viện Vật lý Địa cầu, tính từ năm 2021 đến nay, tỉnh Kon Tum ghi nhận gần 500 trận động đất. Trận lớn nhất mạnh 4,7 Richter.

Viện nhận định động đất tại Kon Plông, Kon Tum là động đất kích thích, xảy ra khi hồ chứa thủy điện tích nước, tạo áp lực lên hệ thống đứt gãy bên dưới, khiến động đất xảy ra sớm hơn so với hoạt động tự nhiên.

Các chuyên gia cảnh báo, nơi đây sẽ còn tiếp tục xảy ra các trận động đất trong thời gian tới, liên quan chặt chẽ đến chu kỳ tích nước của hồ chứa thủy điện. Tuy nhiên động đất khu vực được nhận định ít khả năng vượt quá năm độ. Trước đó, nơi đây từng ghi nhận trận động đất mạnh nhất có độ lớn 4.7, gây rung chấn một khu vực rộng lớn ở miền Trung và Tây Nguyên.

Comments are closed.