Chuyện Việt Nam Thứ hai 17/04/2023: * Blogger Thái Văn Đường mất tích, bị bắt.. *Hoa Kỳ cung cấp cho Việt Nam một tàu tuần duyên *Đoàn cấp cao Bộ Công an thăm TQ *Họp báo của Ngoại Trưởng Mỹ


Quê Hương tổng hợp


Blogger Thái Văn Đường mất tích ở Thái, bạn bè nghi bị an ninh Việt Nam dẫn giải – RFA


15/4/2023

Blogger Thái Văn Đường mất tích ở Thái, bạn bè nghi bị an ninh Việt Nam dẫn giải

Blogger Thái Văn Đường trong một video nói chuyện trên Youtube 

https://www.rfa.org/++plone++rfa-resources/img/icon-zoom.pngẢnh chụp màn hình từ Youtube 

Blogger Thái Văn Đường, tên thật là Đường Văn Thái bị mất tích tại Thái Lan nơi ông đã sống tị nạn từ nhiều năm qua. Nhiều người quen và bạn bè lo ngại ông bị an ninh bắt cóc để đưa về Việt Nam xét xử vì đưa nhiều thông tin thuộc dạng “thâm cung bí sử” của nhiều quan chức cao cấp của Đảng Cộng sản lên mạng xã hội.

Ông Thái, 41 tuổi, sang Thái Lan tị nạn chính trị từ năm 2018 và sau đó được cấp quy chế tị nạn bởi Văn phòng Cao uỷ Liên Hiệp quốc về người tị nạn (UNHCR) ở Bangkok. Ông đưa nhiều tin về tham nhũng và đấu đá nội bộ của quan chức trung ương hoặc lãnh đạo nhiều địa phương của Việt Nam lên Facebook và Youtube, và có khoảng 120.000 người đăng ký theo dõi trên YouTube.

Những người quen của ông không liên lạc được với ông từ chiều thứ năm (13/4) và thông báo cho nhau trên mạng xã hội.

Nhà báo Lê Trung Khoa, chủ biên trang tin Thoibao.de và đang sinh sống ở Đức, là một trong những người đầu tiên loan tin về việc ông Đường Văn Thái mất tích. Ông nói với Đài Á Châu Tự Do (RFA) vào chiều ngày 14/4 về nội dung thông tin nhận được từ Thái Lan:

Thái Văn Đường chiều ngày hôm qua (13/4- PV) tại Bangkok (Thái Lan) có một cuộc hẹn với một người bạn từ Việt Nam bay sang Bangkok. Hẹn đón ở sân bay Bangkok đó.

Sau đó buổi chiều hôm qua Thái Văn Đường có đi sân bay Bangkok (Suvarnbhumi- PV) và hành trình tôi đều có hết đây.

Sau đó vào buổi chiều hơn 15 giờ 30 gì đấy bắt đầu mất liên lạc và từ đó tới nay gọi điện vào máy điện thoại của Thái Văn Đường thì không thấy ai cầm máy hết.”

Trên kênh YouTube Thái Văn Đường, video cuối cùng ông này đăng là hai tuần trước với tiêu đề “Ngành công thương CẦN 11 tỷ đô hay phế truất Bộ trưởng,” tuy nhiên trên tab cộng đồng (community) của kênh, bài đăng cuối cùng của ông Thái lúc khoảng 2 giờ chiều ngày 14/4 viết:

“Dự kiến 18h50 tối nay, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinke(n) sẽ hạ cánh tại sân bay Nội Bài; có thể thêm 1 TNLT sẽ được rước qua bển.”

Một ngày trước đó, ông đăng tải hình ảnh lễ hội té nước Songkran của Thái Lan, tuy nhiên phóng viên phát hiện hình ảnh này là lễ hội té nước ở thành phố Pattaya mà báo chí đã đăng tải, chứ không phải hình ảnh ông chụp. 

Bà Grace Bùi, một công dân Mỹ gốc Việt hiện đang sinh sống ở Bangkok, cho biết vào tối 14/4 bà nhận được tin Đường Văn Thái bị mất tích. Ngay tối đó bà cùng một số người Việt tị nạn đã đến phòng trọ của blogger này để tìm hiểu chuyện gì đang xảy ra.

Bà nói với RFA vào trưa ngày 15/4:

Tối hôm qua (14/4) khi nghe tin tôi có chạy xuống nhà trọ của Đường để xem xét có chuyện gì xảy ra. Khi tới nơi thì thấy xe hơi của Đường ở nhà, cửa thì khoá. Tôi có nói chuyện với người hàng xóm thì ông ta nói sáng ngày 13/4 Đường có rời nhà buổi sáng bằng xe gắn máy rồi sau đó không ai có tin tức gì hết.

Những người tị nạn ở đây có gọi Whatsapp cho Đường nhưng không kết nối được. Gọi vào số điện thoại di dộng thì có đổ chuông nhưng không ai nghe máy.

Bà Grace Bùi, một nhà hoạt động nhân quyền và thiện nguyện trợ giúp người tị nạn ở Thái Lan trong nhiều năm qua, cho RFA biết bà đã báo lên Văn phòng UNHCR và một số tổ chức nhân quyền quốc tế về việc mất tích của ông Đường Văn Thái.

Việc một người Việt sống bất hợp pháp ở Thái Lan mất tích có thể có các nguyên nhân như là do bị cảnh sát di trú Thái bắt, tai nạn giao thông hay tệ hơn là bị an ninh Việt Nam bắt giữ như trường hợp của ông Trương Duy Nhất, một blogger của RFA, vào đầu năm 2019.

Tuy nhiên, bà cho rằng ít có khả năng bị cảnh sát Thái bắt giữ căn cứ vào việc gọi điện thoại vào số di động của Đường Văn Thái có tiếng chuông nhưng không ai bắt máy. Theo bà, nếu bị cảnh sát bắt, người bị bắt vẫn có thể dùng điện thoại để liên lạc với người thân hoặc bạn bè trước khi bị tịch thu điện thoại.

Việc điện thoại đổ chuông nhưng không có người nghe cho thấy khả năng Đường Văn Thái bị tai nạn giao thông là thấp, một người quen của blogger này nói với RFA trong điều kiện giấu tên vì lý do an ninh. Người này cũng chia sẻ ông Đường Văn Thái đã có cuộc phỏng vấn định cư với Cao uỷ Liên Hiệp Quốc về người tị nạn (UNHCR) qua video vài giờ trước khi bị mất tích.

Phóng viên gọi điện cho Cảnh sát di trú Thái Lan nhưng điện thoại trả lời tự động cho biết cơ quan này chỉ tiếp nhận điện thoại trong giờ hành chính. Chúng tôi có gửi email cho họ nhưng chưa nhận được trả lời.

Bị an ninh Việt Nam bắt cóc?

Ông Đường Văn Thái, người đã tốt nghiệp cao học nông nghiệp về quản lý đất đai, từng làm việc cho một cơ quan Nhà nước ở huyện Đông Anh, Hà Nội. Sau khi bỏ việc, ông làm nghề tự do và tham gia một số phong trào phản đối chính quyền và thiện nguyện ở vùng núi phía bắc.

Ông có tham gia nhóm “Lều của đầy tớ,” một trang Facebook chia sẻ thông tin về nhà cửa dinh thự của quan chức cộng sản. Ông cũng đưa nhiều tin tức khó kiểm chứng về tham ô hay sự cấu kết giữa các quan chức hay của quan chức và doanh nghiệp sân sau. Cũng có nhiều tin tức ông đưa ra đúng với thực tế diễn ra sau đó. 

Bà Grace Bùi không loại trừ khả năng ông Đường Văn Thái bị an ninh Việt Nam bắt giữ. Bà nói với RFA:

Đường (Văn Thái- PV) làm rất nhiều video thì khả năng bị cảnh sát Việt Nam bắt rất là cao nhưng giờ mình cũng chưa kết luận được gì.”

Kênh YouTube của ông này tạo dựng từ năm 2020, có gần 800 video với hơn 37 triệu lượt xem.

Bà Grace cho rằng nếu an ninh Việt Nam bắt cóc Đường Văn Thái, có thể sau một vài ngày báo chí Việt Nam sẽ đưa tin bắt giữ hoặc “tự đầu thú,” giống như trường hợp của Trương Duy Nhất hoặc Trịnh Xuân Thanh, người bị bắt cóc từ Đức năm 2017 khi đang xin tị nạn và bị đưa về Việt Nam.

Ông Lê Trung Khoa cho RFA biết ông cũng nhận được thông tin bắt cóc và đưa về Việt Nam trong chiều 13/4. Ông nói:

Nguồn tin thứ hai báo từ Hà Nội là Thái Văn Đường đã bị bắt đưa về Việt Nam.”

Một người quen của Đường Văn Thái, người hiện ở Việt Nam và không muốn nêu tên vì lý do an ninh, cho RFA biết đã nhận được thông tin từ một số nguồn tin khả tín nói rằng blogger này bị bắt và đưa về Hà Nội. Hai tuần trước khi Phạm Đoan Trang bị bắt, chính các nguồn tin này đã mật báo cho người này và người này đã chuyển cho nhà báo-nhà hoạt động nhân quyền nổi tiếng nhưng lời cảnh báo bị lờ đi.

Người này cho biết thêm, khác với trường hợp Trịnh Xuân Thanh và Trương Duy Nhất, truyền thông Nhà nước Việt Nam sẽ hoàn toàn im lặng và Đường Văn Thái sẽ bị trừng phạt một cách âm thầm vì một số bài viết về quan chức công an cao cấp trong thời gian gần đây. 

Chúng tôi có gọi điện cho Bộ Công an và Bộ Ngoại giao cùng Đại Sứ quán Việt Nam tại Bangkok để hỏi thông tin về Đường Văn Thái nhưng không có ai trả lời. Chúng tôi cũng gửi email tới các cơ quan này nhưng chưa nhận được phản hồi.

Đường Văn Thái là một nhân vật nhiều tranh cãi. Trong khi có nhiều người thường xuyên theo dõi tin tức chia sẻ từ người này trên Facebook và YouTube thì có một số người khác cho rằng tin tức mà ông chia sẻ không có độ tin cậy cao.

Trong video gần đây, Đường Văn Thái nói về “ngôi sao đang lên” của công an Việt Nam, thiếu tướng Đinh Văn Nơi, rằng ông này đã có quan hệ tình ái với một phụ nữ rồi bỏ rơi khi người này mang thai hay nhận tiền hối lộ để thả nhiều người bị bắt khi đang đánh bạc, những thông tin này chúng tôi không thể kiểm chứng. 

Trong số những quan chức Việt Nam bị Đường Văn Thái gọi tên trên các bài nói chuyện có cả Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, và Thứ trưởng thường trực Bộ Công an Thượng tướng Trần Quốc Tỏ.

Báo chí Nhà nước như Công an Nhân dân, Quân đội Nhân dân và Báo Bắc Giang… có nhiều bài viết từ năm 2021 gọi Đường Văn Thái là “con rối chống phá đất nước” hay “phần tử cơ hội chính trị” vì bị cho là có nhiều bài viết xuyên tạc chống phá đảng và nhà nước, và bôi nhọ quan chức của chế độ.

Công an Hà Tĩnh xác nhận YouTuber Thái Văn Đường về nước


16/4/2023

Công an Hà Tĩnh xác nhận YouTuber Thái Văn Đường về nước

Ông Đường Văn Thái 

https://www.rfa.org/++plone++rfa-resources/img/icon-zoom.pngHình từ YouTube Thái Văn Đường 

Công an tỉnh Hà Tĩnh vào ngày 16/4 thông báo trên trang web chính thức việc phát hiện một “đối tượng không có giấy tờ tuỳ thân, xâm nhập trái phép vào Việt Nam qua đường mòn, lối mở ở khu vực biên giới thuộc xã Sơn Kim 1”. Theo thông báo, người bị phát hiện là Đường Văn Thái, sinh năm 1982, trùng danh tính của một blogger, YouTuber đang tị nạn chính trị tại Thái Lan và đã mất tích khỏi nơi ở cách đây hai ngày.

Vào ngày 14/4, những người bạn tại Thái Lan của ông Đường Văn Thái (người còn được biết với cái tên Thái Văn Đường) xôn xao về khả năng ông đã bị an ninh Việt Nam sang Thái Lan bắt cóc mang về Việt Nam sau khi ông rời nhà trọ đi đón bạn vào sáng ngày 13/4 ở sân bay và từ đó biệt vô âm tín. Mọi liên lạc điện thoại với ông vào chiều cùng ngày đều không có trả lời. Những người bạn của ông đến nhà ông vào tối ngày 14/4 thì thấy cửa khoá và không có ai ở nhà.

YouTuber Thái Văn Đường là người sang tị nạn tại Thái Lan từ năm 2018 và là người có nhiều bài viết đăng tải trên Facebook, YouTube cá nhân chỉ trích Chính phủ, lãnh đạo Chính phủ và Đảng Cộng sản.

Theo người quen của ông Thái (giấu tên vì lý do an ninh), ông Thái đã có cuộc phỏng vấn định cư với Cao uỷ Liên Hiệp Quốc về người tị nạn (UNHCR) qua video vài giờ trước khi bị mất tích.

Nghi ngờ về khả năng ông Thái bị an ninh Việt Nam bắt cóc trên đất Thái Lan được nhiều người Việt quen biết ông cho rằng có cơ sở khi đã từng có một trường hợp tương tự là blogger Trương Duy Nhất bị an ninh Việt Nam bắt cóc khi đang xin tị nạn tại Thái Lan vào năm 2019. Công an Việt Nam chưa bao giờ xác nhận thông tin này.

Đài Á Châu Tự Do đã liên hệ với Bộ Công an và Bộ Ngoại giao cùng Đại Sứ quán Việt Nam tại Bangkok để hỏi thông tin về Đường Văn Thái nhưng không có ai trả lời.

Hoa Kỳ sẽ cung cấp thêm cho Việt Nam một tàu tuần duyên nữa


17/4/2023

Hoa Kỳ sẽ cung cấp thêm cho Việt Nam một tàu tuần duyên nữa

Tàu CSB 8021 ở Seattle, Mỹ 

Đại sứ quán Mỹ 

Hoa Kỳ sẽ cung cấp cho Việt Nam thêm một tàu tuần duyên nhằm giúp Hà Nội tăng cường an ninh trên biển.

Mạng báo Naval Recognition chuyên về mảng tin hải quân loan ngày 17/4 như vừa nêu. Theo đó, phái đoàn các nghị sĩ và dân biểu Hoa Kỳ trong chuyến thăm Việt Nam hôm ngày 8/4 vừa qua cho biết Quốc hội và Chính phủ Washington đều ủng hộ việc nâng cấp quan hệ với Việt Nam lên đối tác chiến lược. Trong khuôn khổ này, ngoài hai tàu tuần duyên mà phía Mỹ đã cung cấp cho Việt Nam, phía Hoa Kỳ sẽ sớm cung cấp thêm cho Hà Nội một tàu tuần duyên nữa. Việc này sẽ được thực hiện sau khi mọi chi tiết liên quan được hoàn tất.

Vào ngày 20/4 năm ngoái, đại sứ Hoa Kỳ Marc Knapper khi đến nhận nhiệm vụ mới tại Hà Nội cũng nhắc đến vấn đề chuyển giao tàu tuần duyên cho Việt Nam. Ông Marc Knapper nhắc lại cam kết hợp tác của Hoa Kỳ trong lĩnh vực này để tăng cường năng lực của Hà Nội trên phương diện an ninh hàng hải.

Ông Marc Knapper nhắc lại vào năm 2021, Hoa Kỳ bàn giao cho Cảnh sát Biển Việt Nam tàu CBS 8021 và vào năm 2017 là chiếc CBS 8020.

Vào cuối tuần qua, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken có chuyến thăm đầu tiên đến Việt Nam trong cương bị người đứng đầu ngành ngoại giao nước Mỹ. Tại Hà Nội, Ngoại trưởng Blinken đã  gặp Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng và thủ tướng Phạm Minh Chính.

Philippines áp thuế chống bán phá giá với xi măng Việt Nam


17/4/2023

Philippines áp thuế chống bán phá giá với xi măng Việt Nam

Công nhân đang chất các bao xi măng tại bến ở Sông Hồng, Hà Nội hôm 21/5/2020 (minh họa) 

https://www.rfa.org/++plone++rfa-resources/img/icon-zoom.pngAFP 

Hàng chục doanh nghiệp xi măng của Việt Nam mới đây đã phải chịu thuế chống bán phá giá tạm thời từ Philippines sau hai năm Manila xem xét đơn khởi kiện của các công ty xi măng tại Philippines. Truyền thông Nhà nước dẫn nguồn tin từ Hiệp hội xi măng Việt Nam (VNCA) cho biết như vậy hôm 17/4.

Một số tên doanh nghiệp xi măng Việt Nam được nêu tên điển hình gồm: Xi măng Long Sơn, Hạ Long, Thăng Long, Vissai Ninh Bình, Vicem Tam Điệp, Vicem Hải Phòng.

Philippines là thị trường nhập khẩu xi măng, clinker lớn với khoảng 15-17 triệu tấn/năm, nhập khẩu từ Việt Nam khoảng bảy triệu tấn/năm, theo số liệu của Bộ Công thương.

Hồi đầu năm 2021, một số nhà máy sản xuất xi măng tại Philippines khởi kiện các doanh nghiệp xuất khẩu xi măng Việt Nam vào Philippines bán phá giá, gây thiệt hại cho ngành sản xuất xi măng của Philippines.

Bộ Thương mại và Công nghiệp Philippines khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với xi măng Việt Nam vào ngày 24/4/2021.

Theo VNCA, cơ quan này đã họp với các doanh nghiệp Việt Nam để bàn phương án giải quyết, đồng thời phối hợp với các công ty luật trong quá trình trả lời các câu hỏi của doanh nghiệp và viết các văn bản phản bác.

Theo đó, phía Philippines đồng ý, xi măng của Việt Nam xuất khẩu vào Philippines không gây ra thiệt hại đáng kể đối với các nhà sản xuất xi măng tại nước này và thiệt hại của ngành sản xuất xi măng Philippines còn do những ảnh hưởng khác, như đại dịch COVID19, giảm nhu cầu của thị trường nội địa.

Theo VNCA, sau quá trình tham vấn, trả lời câu hỏi và đưa ra các dữ liệu chứng minh, dù không áp thuế chống bán phá giá đối với một số sản phẩm xi măng của sáu doanh nghiệp Việt Nam, nhưng vẫn có hàng chục doanh nghiệp bị áp thuế chống bán phá giá, có những doanh nghiệp bị áp thuế khá cao, đến hơn 23%.

Thời gian áp thuế tạm thời là năm năm đối với hàng nhập khẩu xi măng portland thông thường loại 1 (AHTN 2017/2022 phân nhóm số 2523.29.90) và xi măng hỗn hợp loại 1P (AHTN 2017/ 2022 phân nhóm số 2523.90.00) có xuất xứ Việt Nam.

Đoàn cấp cao Bộ Công an Việt Nam thăm Trung Quốc


14/4/2023

Đoàn cấp cao Bộ Công an Việt Nam thăm Trung Quốc

Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc 

https://www.rfa.org/++plone++rfa-resources/img/icon-zoom.pngPháp Luật Online 

Một đoàn cấp cao Bộ Công an Việt Nam do Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc dẫn đầu đang thăm Trung Quốc. Chuyến thăm bắt đầu từ ngày 11/4 và kết thúc vào ngày 15/4.

Báo Công an Nhân dân loan tin ngày 14/4 cho biết chuyến thăm nhằm tăng cường hợp tác giữa công an hai nước. Bộ Công an Việt Nam và Bộ Công an Trung Quốc đồng ý chia sẻ thông tin về tình hình khu vực, thế giới; trao đổi kinh nghiệm trong công tác bảo đảm an ninh cho các sự kiện chính trị quan trọng; tập trung phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả đối với tội phạm hình sự ma túy, mua bán người, tội phạm sử dụng công nghệ cao, truy bắt đối tượng bị truy nã…

Tin cho biết đoàn của Thứ trưởng Công an Việt Nam được đưa đến thăm các đơn vị chuyên ngành về hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, dữ liệu số và một số đơn vị công an cấp cơ sở của Công an Trung Quốc.

Reuters vào ngày 14/4 có nhận định rằng Việt Nam đang trong thế ‘ngõ hẹp’ khi Washington muốn nâng cấp quan hệ với Hà Nội vào khi căng thẳng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc gia tăng.

Hà Nội tiếp tục phải cân bằng mối quan hệ với Bắc Kinh- lân bang khổng lồ hiện cung cấp các nguyên liệu cho nhiều hàng xuất khẩu của Việt Nam, và là nước tiếp tục có những hành động quyết đoán tại Biển Đông.

Tại vùng biển này, Trung Quốc đơn phương vạch ra đường đứt khúc chín đoạn và tuyên bố chủ quyền trọn vùng biển trong đường đó. Đường này bị Tòa Trọng tài Thường trực Quốc tế ở La Haye tuyên không có cả căn cứ pháp lý lẫn lịch sử; nhưng Trung Quốc thẳng thừng bác bỏ phán quyết của tòa, không tuân thủ.


Xem: Họp báo của Ngoại Trưởng Mỹ sau khi kết thúc thăm Việt Nam:

Comments are closed.