Chuyện Việt Nam Thứ hai 19/06/2023: *Vinfast lỗ 599 triệu đô *Facebook: danh sách viên chức VN “bất khả xâm phạm” *Facebook giúp VN bóp nghẹt tự do ngôn luận *Việt Nam muốn mua hỏa tiễn BrahMos của Ấn Độ *Báo chí ‘định hướng’ phục vụ vụ tấn công 11-6 *
Quê Hương tổng hợp
Vinfast lỗ 599 triệu đô la trước đợt niêm yết SPAC ở Mỹ
(Bloomberg) – Khoản lỗ ròng của VinFast đã tăng lên 14,1 nghìn tỷ đồng (599 triệu USD) trong quý đầu tiên trước nỗ lực niêm yết cổ phiếu tại Mỹ của hãng sản xuất xe điện Việt Nam trong năm nay.
Công ty cho biết trong một hồ sơ quy định của Hoa Kỳ, Vinfast dự kiến sẽ có nhiều khoản lỗ ròng và hoạt động thua lỗ hơn trong thời gian mở rộng quy mô sản xuất xe, thành lập nhà máy và trả tiền tiếp thị, bán hàng và dịch vụ.
Có ông chủ là người giàu nhất Việt Nam Phạm Nhật Vượng, VinFast có kế hoạch niêm yết tại Mỹ bằng cách sáp nhập với mục đích đặc biệt cung công ty mua lại Black Spade Acquisition Co. vào nửa cuối năm nay. Thỏa thuận này sẽ được hoàn tất vào ngày 20 tháng 7, sẽ mang lại cho VinFast giá trị vốn chủ sở hữu khoảng 23 tỷ USD.
Trong khi VinFast đã bắt đầu giao xe thể thao đa dụng chạy bằng pin cho khách hàng ở Mỹ, thì hãng này đang tiến vào một thị trường ngày càng cạnh tranh, với việc Tesla Inc. giảm giá và gây áp lực lên các công ty như Ford Motor Co. và General Motors Co. Dự báo doanh số bán hàng của Vinfast sẽ đạt 45.000-50.000 trong năm nay và cho biết hãng có thể sản xuất xe bán tải điện, ô tô mini và các mẫu xe khác – tùy thuộc vào nhu cầu thị trường.
Hồ sơ cũng cho biết việc phát triển VinFast của ông Vượng rất tốn kém. Công ty mẹ Vingroup JSC, các chi nhánh và bên cho vay bên ngoài đã tài trợ khoảng 9,3 tỷ đô la cho hãng sản xuất xe điện từ năm 2017 đến cuối tháng 3.
Kết quả quý I của công ty so với mức lỗ ròng 9,7 nghìn tỷ đồng cùng kỳ năm trước. Tháng trước, ông Vượng cho biết VinFast có thể có lãi sau năm 2025 nếu hoạt động “trơn tru” và hòa vốn vào cuối năm sau.
Hãng xe dường như cũng đã không theo được khung thời gian sản xuất tại nhà máy được đề xuất ở Bắc Carolina.
VinFast niêm yết theo hình thức sáp nhập mới, Hủy IPO cũ
VinFast sẽ niêm yết nhanh hơn sau khi rút đợt chào bán lần đầu ra công chúng (IPO).
Vinfast hiện sẽ tham gia một thoả thuận với Công ty mua lại mục đích đặc biệt (SPAC). Công ty SPAC “không có hoạt động thương mại và được thành lập chỉ để huy động vốn thông qua đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) nhằm mục đích mua lại hoặc sáp nhập với một công ty hiện có,” theo Investopedia.
Thỏa thuận SPAC là việc sáp nhập với Black Spade Acquisition Co. (BSAQ) có trụ sở chính ở Hồng Kông. Cổ phiếu của VinFast tại Hoa Kỳ sẽ được giao dịch công khai thông qua Black Spade từ thỏa thuận này.
Công ty dự đoán sẽ huy động được hơn 20 tỷ đô la thông qua SPAC. Khoản tài trợ đó dự kiến sẽ chi trả cho việc xây dựng cơ sở Moncure mới.
Theo hồ sơ của công ty, đợt IPO vốn được công bố lần đầu vào tháng 12 năm 2022 hiện đã bị thu hồi, thương vụ này được 9 ngân hàng đề xuất.
Thỏa thuận SPAC vẫn chưa có hiệu lực, theo thư của VinFast gửi Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch (SEC).
“Vinfast đang tìm cách rút lại Tuyên bố đăng ký vì họ đã ký kết thỏa thuận hợp nhất kinh doanh với Black Spade Acquisition Co và dự định nộp một tuyên bố đăng ký mới trên Mẫu F-4 liên quan đến việc hợp nhất kinh doanh được đề xuất,” thư của VinFast cho biết. . “Tuyên bố đăng ký chưa được Ủy ban tuyên bố có hiệu lực và chứng khoán sẽ không được phát hành hoặc bán theo Tuyên bố đăng ký.”
Việc VinFast chuyển sang niêm yết thông qua SPAC bắt chước một số công ty xe điện khác khác như Microvast, Faraday Future, Nikola và Lucid.
Báo cáo cho biết SPAC được coi là đường đi nhanh đến thị trường chứng khoán, đặc biệt là đối với các công ty xe hơi công nghệ và đã được chứng minh là phổ biến với các nhà đầu tư đang tìm kiếm định giá cổ phiếu giống như Tesla – mặc dù định giá của các công ty sáp nhập thường giảm trong những tháng sau khi niêm yết.
Facebook có danh sách quan chức Việt Nam “bất khả xâm phạm”, theo Washington Post
Trần Hà Lĩnh
Tạp chí Luật Khoa
19/6/2023
Ông Rafael Frankel – Giám đốc Chính sách công khu vực Nam Á và Đông Nam Á của Meta, trong một sự kiện tại Hà Nội vào năm 2022. Ảnh: Vietnam Insider.
Mạng xã hội Facebook đã và đang lưu hành một danh sách nội bộ gồm các quan chức “bất khả xâm phạm” của Đảng Cộng sản Việt Nam, theo tờ Washington Post trong một bài báo đăng hôm 19/6. [1] Điều này có thể được hiểu là những nội dung chỉ trích các quan chức này bị cấm trên Facebook.
Danh sách này nằm trong các quy trình kiểm duyệt nội dung của Facebook và hầu như đều do chính quyền Việt Nam tác động.
Bản danh sách mật trên chỉ được lưu hành hạn chế ngay cả bên trong nội bộ công ty.
Đây là danh sách có một không hai ở khu vực Đông Á. Nghĩa là Facebook không có danh sách tương tự cho các nước khác trong khu vực, kể cả các nước có xu hướng độc đoán như Myanmar, Thái Lan, Campuchia (Facebook không hoạt động ở Trung Quốc).
Thông tin trên do hai cựu nhân viên giấu tên của Facebook cung cấp cho Washington Post.
Vậy những quan chức nào có thể nằm trong danh sách “bất khả xâm phạm” này? Danh sách Ủy viên Bộ Chính trị và Ban Bí thư Trung ương Đảng có thể là một tham chiếu tốt. [2]
Bài báo còn trích dẫn một số nguồn tin doanh nghiệp cho hay chính quyền Việt Nam đang gây sức ép ngày càng lớn lên Facebook, buộc mạng xã hội này phải kiểm duyệt nhiều hơn. Nếu Facebook không tuân thủ, hậu quả sẽ là bị buộc phải lưu trữ dữ liệu người dùng trên các máy chủ ở Việt Nam. Điều này đồng nghĩa với việc trang mạng này có nguy cơ bị chính quyền truy xuất dữ liệu lớn hơn nhiều so với đặt máy chủ ở nước ngoài.
Theo Luật An ninh mạng năm 2018, các hãng công nghệ nước ngoài như Facebook và Google bị buộc phải lưu dữ liệu người dùng Việt Nam ở trong nước, đồng thời phải mở văn phòng ở Việt Nam. [3]
Tuy nhiên, Nghị định 53/2022/NĐ-CP – có hiệu lực từ tháng Mười năm ngoái – đã hạ thấp yêu cầu này. [4] Theo đó, các công ty nước ngoài sẽ phải tuân thủ yêu cầu kiểm duyệt và cung cấp dữ liệu người dùng cho chính phủ Việt Nam, nếu không, bộ trưởng Bộ Công an sẽ có quyền yêu cầu các công ty này lưu dữ liệu và mở văn phòng ở Việt Nam.
Quy định mềm này đồng nghĩa với việc chính phủ Việt Nam giờ đây có nhiều công cụ pháp lý hơn để đàm phán với các công ty nước ngoài, chứ không chỉ có cách dọa chặn truy cập hay gây sức ép với các khách hàng quảng cáo của họ ở Việt Nam.
Một dự thảo nghị định khác cũng đang được soạn thảo để yêu cầu các mạng xã hội – bất kể trong hay ngoài nước – phải xác thực danh tính người dùng. [5] Nhiều khả năng đây sẽ là nghị định sửa đổi hoặc thay thế cho Nghị định 72/2013/NĐ-CP. [6]
Chú thích
1. Tan, R. (2023, June 19). Facebook helped bring free speech to Vietnam. Now it’s helping stifle it. Washington Post; The Washington Post. https://www.washingtonpost.com/world/2023/06/19/facebook-meta-vietnam-government-censorship
2. VnExpress. (2021, January 30). Danh sách uỷ viên Bộ Chính trị, ủy viên Trung ương đảng khoá 13. Tin Nhanh VnExpress; VnExpress. https://vnexpress.net/interactive/2021/ban-chap-hanh-trung-uong-dang-khoa-13
3. Luật an ninh mạng 2018 số 24/2018/QH14 mới nhất. Thuvienphapluat.vn. https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Cong-nghe-thong-tin/Luat-an-ninh-mang-2018-351416.aspx
4. Nghị định 53/2022/NĐ-CP hướng dẫn Luật An ninh mạng mới nhất. Thuvienphapluat.vn. https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Cong-nghe-thong-tin/Nghi-dinh-53-2022-ND-CP-huong-dan-Luat-An-ninh-mang-398695.aspx
5. Lê Hiệp. (2023, May 8). Tất cả chủ tài khoản mạng xã hội Facebook, TikTok… sẽ phải xác thực danh tính. Thanhnien.vn; https://thanhnien.vn. https://thanhnien.vn/tat-ca-chu-tai-khoan-mang-xa-hoi-facebook-tiktok-se-phai-xac-thuc-danh-tinh-185230508154407045.htm
6. Nghị định 72/2013/NĐ-CP quản lý cung cấp sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng mới nhất. Thuvienphapluat.vn. https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Cong-nghe-thong-tin/Nghi-dinh-72-2013-ND-CP-quan-ly-cung-cap-su-dung-dich-vu-Internet-va-thong-tin-tren-mang-201110.aspx
Facebook đang giúp Việt Nam bóp nghẹt tự do ngôn luận – RFA
19/6/2023
Ảnh minh họa: logo của Facebook, Google, Apple trên màn hình máy tính
AFP
Facebook đang giúp Chính phủ Hà Nội bóp nghẹt tự do ngôn luận; sau khi cách đây chừng một thập niên từng góp phần giúp đem lại quyền này cho nhiều người dân tại Việt Nam.
Mạng báo Washington Post ngày 19/6 đưa ra nhận định vừa nêu dẫn lời của hai người từng làm việc với Facebook trong thời kỳ đầu tại Châu Á. Cả hai phát biểu theo điều kiện ẩn danh vì sợ bị trả thù. Theo hai người này, lúc đó, dân chúng khắp nơi trên cả nước có thể thông tin liên lạc trực tiếp với nhau về những vấn đề thời sự. Người dùng đăng tải tình trạng lạm quyền của công an, thực tế lãng phí của chính phủ, và chọc thủng hệ thống tuyên truyền của đảng cộng sản cầm quyền.
Một trong hai người cho rằng đó có thể được cảm nhận như một sự giải phóng; và Facebook có phần tạo nên “cuộc cách mạng” đó.
Qua thời gian đến nay Việt Nam trở thành thị trường lớn thứ bảy của Facebook trên toàn thế giới. Trước sự bùng nổ đó, chính phủ Việt Nam ngày càng đòi hỏi Facebook phải có hạn chế nghiêm nhặt hơn.
Washington Post cũng dẫn nguồn từ bốn người từng làm việc cho Hãng Meta, công ty mẹ của Facebook, các nhóm nhân quyền, giới quan sát và những nhà vận động hành lang cho biết Facebook phải nhượng bộ nhiều lần trước yêu cầu của chính phủ toàn trị Hà Nội. Facebook thường xuyên kiểm duyệt giới bất đồng, và buộc loại trừ những người dùng bị chính phủ xem là mối đe dọa cho chế độ ra khỏi nền tảng mạng xã hội này.
Hãng Meta thông qua một danh sách nội bộ những quan chức đảng cộng sản không được chỉ trích trên Facebook. Danh sách này được giữ kín ngay cả trong nội bộ Meta và chưa hề được báo cáo trước đây. Danh sách còn có những hướng dẫn trong việc kiểm soát nội dung trên mạng Facebook; và những hướng dẫn này phần lớn do các giới chức Việt Nam soạn thảo.
Danh sách như thế là độc nhất tại khu vực Đông Á.
Ngoài biện pháp đó, trong những tháng gần đây Việt Nam còn đẩy mạnh những yêu cầu giới hạn nghiêm nhặt hơn nữa đối với Facebook. Hãng Meta được nói đang sẵn sàng xiết chặt kiểm soát thêm theo yêu cầu của Chính phủ Hà Nội do bị đe dọa nếu không thì phải lưu trữ dữ liệu tại các máy chủ ở Việt Nam. Biện pháp này gia tăng cảnh báo về vấn đề quyền riêng tư và an ninh thông tin cho người dùng.
Washington Post cho hay Hãng Meta chưa trả lời trực tiếp những câu hỏi của báo này nêu ra về biện pháp kiểm duyệt, việc bịt miệng người dùng hay danh sách các quan chức cộng sản Việt Nam không được bình luận trên Facebook.
Người Việt Nam ở châu Âu cần hội nhập văn hóa theo cách nào cho đúng?
19/6/2023
Anh Nguyễn Hòa, một người Việt từ Đức nói với BBC tại Trung tâm Văn hóa Việt Nam, Paris về những việc cần làm để thúc đẩy hội nhập văn hoá ở châu Âu.
Sinh cuối năm 1979 ở Hà Nội và sang Đức cùng gia đình năm 1991, Nguyễn Hoà đã tốt nghiệp ngànhToán-Kinh tế và Triết học tại Đại học Humboldt, Berlin.
Thông thạo hai ngôn ngữ Đức, Việt, Nguyễn Hòa thuộc nhóm khởi xướng một số dự án giới thiệu văn hoá, nghệ thuật Việt Nam tới công chúng Đức trong năm nay.
Theo anh, các gia đình Việt ở Đức phần nhiều đã thành công về kinh tế, và nay được chính quyền sở tại quan tâm, hỗ trợ hội nhập văn hóa, nhưng đó là lại một thách thức không nhỏ với người Việt Nam, nhất là các thế hệ sau.
Anh nói vấn đề đầu tiên là về mặt ngôn ngữ – các em thế hệ hai không còn nói được tiếng Việt tốt – và nhấn mạnh phải có chính sách để tiếng Việt được công nhận là một ngôn ngữ dạy tại Đức.
“Sắp tới ở Đức sẽ có xu hướng tập hợp thành liên hiệp các hội người Việt Nam trên toàn nước Đức để có chính sách thống nhất, dạy tiếng Việt cho các cháu”, anh nói với BBC News Tiếng Việt.
Dự một hội thảo về Biển Đông ở Berlin (10-11/06/2023) Nguyễn Hòa cũng kể lại với BBC về quyết định trở về Việt Nam nhiều năm để hiểu biết sâu hơn về lịch sử Việt Nam.
Từng làm giảng viên tại Đại học Thăng Long, thỉnh giảng triết học Mỹ thuật tại Trường Mỹ thuật Việt Nam, từ 2020 đến nay, anh quay lại định cư tại Đức và tham gia các hoạt động cộng đồng VN ở Berlin.
Việt Nam đàm phán mua hỏa tiễn hành trình siêu thanh BrahMos của Ấn Độ
Tên lửa hành trình siêu thanh BrahMos của Ấn Độ.
Việc đàm phán mua tên lửa hành trình siêu thanh Ấn Độ Brahmos của Việt Nam sắp hoàn tất và một thỏa thuận tiềm năng dự kiến sẽ được ký kết trong chuyến thăm New Delhi của Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang vào ngày 19/6, truyền thông Ấn Độ đưa tin.
Được phát triển chung bởi Ấn Độ và Nga, tên lửa BrahMos là loại tên lửa siêu thanh ứng dụng công nghệ tàng hình có thể phóng từ tàu, tàu ngầm, máy bay hay các trạm phóng lưu động trên mặt đất. BrahMos được giới thiệu là có khả năng tấn công các mục tiêu trên mặt nước với độ cao thấp hơn 10 met. Nó có thể đạt vận tốc 2,8 Mach và có tầm hoạt động tối đa là 290 km.
Truyền thông Ấn Độ cho biết sau khi phía Nga cho phép xuất khẩu tên lửa hành trình siêu thanh BrahMos sang nước thứ ba, nhiều quốc gia bao gồm Philippines, Việt Nam, Ai Cập, Indonesia và Oman đã tỏ ra rất quan tâm đến việc mua loại tên lửa này.
Tờ Zee Business trích dẫn các nguồn tin cho biết Hà Nội có thể đặt hàng từ 3 đến 5 khẩu đội tên lửa BrahMos với giá ước tính 625 triệu USD, và thỏa thuận dự kiến sẽ được ký kết trong chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phan Văn Giang.
Vẫn theo truyền thông Ấn Độ, Đại tướng Phan Văn Giang sẽ có chuyến thăm ba ngày tới New Delhi vào cuối tuần này, bắt đầu từ 19/6, với mục tiêu tăng cường quan hệ quốc phòng song phương và quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước.
Ông dự kiến sẽ có cuộc hội đàm song phương với người đồng cấp Ấn Độ Rajnath Singh. Hai bên sẽ thảo luận sâu hơn về hợp tác hàng hải, sự tham gia của công nghiệp vào lĩnh vực quốc phòng cũng như tăng cường hợp tác quốc phòng giữa hai nước, Financial Express cho hay.
Tờ báo dẫn lời một nhà ngoại giao hàng đầu cho biết Việt Nam hiện là một trụ cột quan trọng trong chính sách Hành động Đông Á của Ấn Độ, và chuyến thăm sắp tới của Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam có ý nghĩa quan trọng giữa bối cảnh quốc gia ASEAN đang trở thành một đối tác quan trọng trong tầm nhìn Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Ấn Độ.
Việc đàm phán mua tên lửa BrahMos của Ấn Độ diễn ra trong bối cảnh căng thẳng ngày càng tăng giữa Việt Nam và Trung Quốc liên quan đến tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông.
“Việt Nam muốn đưa tên lửa BrahMos từ Ấn Độ ra triển khai chúng ở Biển Đông. Điều này sẽ làm giảm bớt nỗi sợ Trung Quốc ở Biển Đông và các khu vực lân cận, đồng thời củng cố quan hệ của Việt Nam với Ấn Độ”, Hindustan Times nhận định.
Tờ báo nói thêm rằng thương vụ bán tên lửa cho Việt Nam, một “kẻ thù của Trung Quốc”, là một cách “ăn miếng trả miếng” mà New Delhi thực hiện để đáp trả việc Trung Quốc từng đe dọa an ninh của Ấn Độ bằng cách chuyển nhiều loại vũ khí nhạy cảm cho các nước láng giềng của Ấn Độ như Pakistan, Bangladesh, Myanmar…
Năm 2021, Ấn Độ cũng đã bán cho Philippines, một đối thủ khác của Trung Quốc trong tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông, 3 khẩu đội BrahMos với giá khoảng 362 triệu USD để giúp nước này tăng cường khả năng chống hạm.
Báo chí được ‘định hướng’ để phục vụ điều tra vụ tấn công 11-6
19/6/2023
Cát Tường/VNTB
“Nguyên nhân do âm mưu của các thế lực thù địch, một số đối tượng Fulro lưu vong kích động một số người dân tộc thiểu số…”
Tổ chức Người Thượng Vì Công Lý đã nhắc lại là họ không hề liên quan đến vụ nhóm người sắc tộc đã tấn công hai trụ sở công quyền ở tỉnh Đắk Lắk hôm 11-6-2023.
Trong một thông báo đăng trên trang Việt Nam Thời Báo hôm 18-6-2023, cho biết:
“Hiện nay, trên mạng điện tử không chính thống của dư luận viên đã có rất nhiều bản tin và bài viết từ phía chính quyền Việt Nam về sự kiện bạo lực ở Tây Nguyên-Việt Nam vào ngày 11-06-2023. Nhiều dư luận viên đã tung ra một số bài viết tấn công tôi và vu cáo rằng tôi là thủ lĩnh trong vụ xả súng tại Tây Nguyên vừa qua với những nội dung hoàn toàn sai sự thật.
Trước những lập luận xuyên tạc của nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam, chúng tôi cần khẳng định những điều sau đây:
1. Ngay sau khi sự việc xảy ra, Tôi và nhóm Người Thượng vì Công Lý đã ra một thông cáo báo chí minh định chủ trương hoạt động ôn hòa của chúng tôi đồng thời khẳng định chúng tôi không liên quan đến bất kỳ nhóm hoặc cá nhân nào xúi giục, thúc đẩy, âm mưu hoặc tiếp tay cho việc sử dụng bạo lực vì bất kỳ mục đích gì.
2. Tôi, Y Quynh Bdap và Nhóm Người Thượng vì Công Lý phản bác mọi thông tin không xác thực với chủ ý vu cáo quy chụp nhắm vào chính bản thân tôi và Nhóm Người Thượng vì Công Lý là đã có liên hệ với sự kiện bạo lực nói trên”.
Ở tài khoản tích xanh facebook của ông Y Phic Hdok, đồng sáng lập tổ chức Người Thượng vì Công lý (Montagnard Stand for Justice – MSFJ), diễn giải mạch lạc như sau về việc Việt Nam cần tôn trọng các điều ước quốc tế:
“MSFJ cũng là một trong những tổ chức nhân quyền đã đăng ký hoạt động tại Hoa Kỳ vào tháng 4 năm 2023. Chúng ta phải hiểu rằng khi một tổ chức nào đó được phê duyệt, điều đó có nghĩa là họ đã được xem xét cẩn thận trước khi được phép hoạt động và không có cơ quan chính phủ nào chấp thuận việc sử dụng bạo lực. Điều này được thể hiện trong tuyên bố sau đây:
“Nếu một tổ chức phi lợi nhuận được phát hiện tham gia hoạt động bất hợp pháp hoặc ủng hộ vi phạm, có thể đối mặt với hậu quả pháp lý, bao gồm tước quyền miễn thuế, mức phạt và khả năng buộc tội hình sự đối với những cá nhân liên quan”.
Thông tin sai lệch về MSFJ đã liên tục được lan truyền trên mạng xã hội, vu cáo Y Quynh Bdap, Y Pher Hdrue và Y Aron Eban. Nhóm này đã tích cực ủng hộ những người dân bản địa ở Tây Nguyên, bất kể tôn giáo, và đã cùng hợp tác với BPSOS và CAMSA để hỗ trợ những người bị mắc kẹt và bị lừa ở các nước Trung Đông do các công ty môi giới xuất nhập khẩu lao động đưa sang nhưng không bảo vệ họ, và chính quyền cũng từ chối giúp đỡ.
Từ khi thành lập, nhóm đã gửi hơn 600 báo cáo tới Liên Hợp Quốc về các vi phạm, bao gồm bằng chứng rõ ràng và chi tiết về vụ vi phạm nhân quyền tại Tây Nguyên.
Chúng ta biết rằng vì những lý do này, chính phủ không muốn bị chỉ trích trên các diễn đàn quốc tế, vì vậy họ rõ ràng muốn đàn áp các tổ chức nhân quyền như MSFJ, để ngăn ai đó biết về việc xử lý bất công của họ đối với người dân. Được đề cập tên trên trường quốc tế sẽ là một điều đáng xấu hổ đối với họ, nhưng nếu họ thay đổi và hành xử đúng mực, thì chẳng có tổ chức nào phàn nàn.
Liệu MSFJ và các tổ chức khác có chống lại chính phủ Việt Nam không? “Chắc chắn là không”, MSFJ chống lại những hành vi sai trái của chính phủ đối với người dân bản địa, hy vọng đòi lại sự công bằng cho quyền lợi của nhân dân. Nếu chính phủ làm đúng, sẽ không có lời phàn nàn. Điều này rõ ràng với tất cả mọi người” (dừng trích).
Rất có thể đang có một kịch bản mang tính sắp đặt để “định hướng dư luận” qua chuyện vụ việc 11-6 được gán ghép với tổ chức Người Thượng Vì Công Lý, vì những ẩn tình chính trị!
Ẩn tình ấy rất có thể mang khuôn mặt của Bắc Kinh, khi mà các ông chủ của Tử Cấm Thành chủ trương Ban căng hóa Đông Dương xuyên suốt từ nửa cuối thế kỷ 20 đến nay. Việc họ, sau khi áp đặt ảnh hưởng ở hai nước Đông Dương láng giềng, tìm cách xâm nhập, quấy phá, xách động ở địa bàn chiến lược không phải là điều gì quá ngạc nhiên với những lãnh đạo chóp bu ở Hà Nội.
Vụ việc sau năm 1975, Trung Quốc đã thi hành hàng loạt những chính sách thù địch nhằm làm suy yếu và cô lập bằng được Việt Nam, mà tiêu biểu có thể kể đến là kích động người Hoa di tản khỏi Việt Nam… (*)
Dẫn chứng luôn để tránh bị quy chụp điều luật hình sự 331: tại Hội nghị báo cáo viên Trung ương tháng 6-2023, do Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức sáng 16-6, Thiếu tướng Đặng Hồng Đức – Chánh Văn phòng Bộ Công an, nói rằng, “theo đánh giá bước đầu, nguyên nhân do âm mưu của các thế lực thù địch, một số đối tượng Fulro lưu vong kích động một số người dân tộc thiểu số chia rẽ người Kinh với dân tộc thiểu số gây mất trật tự và gây tiếng vang ở nước ngoài. Vấn đề này, lực lượng Công an đang tiếp tục điều tra, làm rõ”.
Tướng Đức sử dụng cách diễn đạt ỡm ờ về yếu tố “nước ngoài” tương tự như cách mà báo chí Việt Nam đưa tin về “tàu lạ của nước lạ” vốn rất quen thuộc ở xứ “Chiều Nay” – một cách gọi mỉa mai mới thay cho tên Việt Nam, qua vụ ca sĩ Tuấn Ngọc sửa lời bài hát Tình bơ vơ của nhạc sĩ Lam Phương.
___________
Chú thích:
(*) Từ sau năm 1949, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã chỉ đạo Kiểu ủy Trung Quốc đẩy mạnh việc nắm bắt và chi phối hoạt động của các tổ chức chính trị Hoa Kiều tại các nước Đông Dương, với mục đích biến các tổ chức này thành các tổ tình báo hoạt động rộng khắp, với trụ sở chính là Đại sứ quán đặt tại Campuchia.
Đến năm 1954, lợi dụng Hiệp định Genève, Trung Quốc đưa một lượng người Việt gốc Hoa từ miền Bắc di cư vào Nam, nhằm tăng cường nhân sự cài vào các tổ chức của người Hoa ở Nam Bộ, nhằm mục đích thành lập các Chi bộ Đảng Cộng sản Trung Quốc ở miền Nam. Nhờ trò xâm nhập điệu nghệ này mà sau năm 1954, ở miền Nam Việt Nam xuất hiện một số tổ chức Hoa Kiều tiêu biểu như: Hội Ái Liên (Hoa kiều ái quốc liên hiệp hội), Hội Giải Liên (Hoa kiều giải phóng liên hiệp hội).
Trong phim điện ảnh được phóng tác từ tiểu thuyết lịch sử của Trần Bạch Đằng, “Ván bài lật ngửa” có xây dựng nhân vật Hoa Kiều Lý Kai làm việc cho Hội Giải Liên này là một ví dụ.
Tags: độc tài, Tham nhũng, toàn trị, việt nam